Wednesday 5 August 2015

Họ hãy học cách cảm ơn internet! - Song Chi

Khi hùng hổ mắng chửi, hăm dọa học sinh bằng một thứ ngôn ngữ rất không phù hợp với một giáo viên, cô giáo Lê Na, Trung tâm Anh ngữ Lê Na (Thái Hà, Hà Nội), không ngờ rằng toàn bộ hành vi, lời nói của mình lại bị học trò quay lại, đưa lên mạng để rồi bị mọi người chê trách, chỉ trích hết lời. Sự kiện gây xôn xao đến độ đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, phòng GD&ĐT quận Đống Đa và cán bộ an ninh khu vực phải vào cuộc, có buổi làm việc với Trung tâm Anh ngữ Lê Na.
Đến lúc này thì cô giáo Lê Na lại cho rằng: “Những hình ảnh, tình tiết được sử dụng trong clip xuất hiện trên mạng xã hội thời gian quan qua nó được lắp ghép nên mới tạo ra một clip như thế.
Bây giờ phải tìm hiểu ai là người tạo dựng cái đoạn clip này, ai là người tung ra cái clip, họ tung ra cái clip đấy với mục đích gì?”(“Cô giáo 'cung Bò cạp' chửi học viên vô học: 'Ai dựng clip này?', Đất Việt). Dư luận càng thêm mất thiện cảm với cô giáo này.
Đây chỉ là một ví dụ mới nhất cho thấy sức mạnh của thời đại internet. Bất cứ ai, dù đứng ở vị trí nào trong xã hội cũng có thể bị “đưa lên thớt”, bị dư luận mổ xẻ nếu có những hành vi sai trái hay lệch chuẩn. Đặc biệt trong những xã hội mà báo chí không được tự do lên tiếng, luật pháp từ lâu không còn đóng vai trò cán cân công lý, giáo dục cũng không còn đảm nhiệm được vai trò dạy dỗ con người cho tử tế, như ở VN. Internet mà cụ thể là những trang báo “lề dân”, các trang blog, trang mang xã hội sẽ đảm nhiệm cùng lúc vai trò của báo chí, vạch ra những sai sót, những thông tin bị nhà cầm quyền bưng bít, bóp méo, thay mặt luật pháp để lên án những sai trái, thay mặt cả giáo dục để uốn nắn, điều chỉnh lại từ những cá nhân cho tới cả nhà nước!
Ở góc độ cá nhân, chúng ta đã chứng kiến vô vàn thí dụ. Trước hết là giới showbiz, những người nổi tiếng, vốn luôn bị dư luận săm soi kỹ hơn người thường. Từ một cô hoa hậu ngủ hớ hênh trên máy bay, một cô ca sĩ cho con tè vào túi nôn trên máy bay, các “ngôi sao” của giới showbiz chửi bới nhau nói xấu nhau, văng tục hay khoe thành tích “phá thai 4 lần” bị dư luận chỉ trích nặng nề… Sau sự cố đó, dù mỗi người phản ứng mỗi kiểu, dù chống chế bào chữa, ngụy biện hay chửi lại kẻ nào tung hình, clip lên mạng, hay buộc phải xin lỗi công khai, có một điều chắc chắn rằng lần sau những người đã từng bị như vậy sẽ phải cân nhắc, cẩn thận hơn khi hành xử giữa đám đông, dù đám đông ngoài đời thực hay trên mạng.
Và có lẽ thay vì tìm cách chửi lại kẻ nào đã tung hình, clip lên mạng, họ nên cảm ơn người đó đã giúp họ tự điều chỉnh mình cũng như cảm ơn thời đại internet. Đừng làm một chuyện gì đó không hay rồi sau đó lại tự bào chữa kiểu như nghệ sĩ hay người nổi tiếng cũng là những con người bình thường, xã hội nên thông cảm, hoặc ngược lại, trách đời sao lắm kẻ ghen ăn tức ở, dư luận sao khắt khe, hay nhảy xổ vào đời tư của mình…
Một khi đã là người của công chúng, là người nổi tiếng, được hưởng lợi rất nhiều từ sự nổi tiếng đó so với người bình thường, tất nhiên cái giá phải trả là phải chịu sự săm soi kỹ hơn của mọi người. Được gọi là nghệ sĩ, là thần tượng về tài năng trong một lĩnh vực nào đó hay là biểu tượng về nhan sắc, có sức hút và sư ảnh hưởng đối với xã hội, thì xã hội cũng có quyền đặt yêu cầu cao hơn ở họ. Còn nếu không, hãy từ bỏ hào quang, từ bỏ giới showbiz, từ bỏ vương miện hoa hậu làm người bình thường, chả ai săm soi bạn nữa!
Không chỉ giới showbiz, có những ngành nghề khác dư luận cũng có những yêu cầu khắt khe riêng. Ví dụ như các thầy cô. Đã là thầy cô giáo, phải cư xử chuẩn mực, có văn hóa thì mới đi dạy được người khác. Đó là lý do tại sao dư luận phản ứng mạnh trước cách mắng chửi học trỏ hết sức phản sư phạm của cô giáo Lê Na. Và đây cũng không phải lả lần đầu tiên một cô giáo bị học trò quay clip đưa lên mạng vì đã hành xử không đúng mực. Một cô giáo dạy tiếng Anh ở Trường THPT Trần Phú, Hải Phòng dạy sai, học trò có ý kiến cô liền chửi học trò suốt 18 phút với ngôn ngữ hết sức chợ búa năm 2010; một cô giáo lớp 11 của Trường tiểu học, THCS & THPT Trần Hưng Đạo, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vừa chửi vừa túm tóc, bạt tai, đánh vào đầu một nam sinh năm 2014…
So với rất nhiều ngành nghề khác, ngành sư phạm ở VN đã bị mất giá thê thảm dưới thời…đảng cộng sản cai trị. Kể từ những năm còn chiến tranh đánh Mỹ, học sinh miền Bắc đã có quan niệm “Nhất Y nhì Dược tạm được Bách Khoa bỏ qua Sư phạm”. Đến thời “mở cửa” thì những ngành như Kinh tế, Ngoại thương …có giá, còn Sư phạm vẫn cứ ít người mặn mà vì đồng lương chết đói. Điều đó đã dẫn đến một thực tế đáng buồn là chỉ trừ một thiểu số chọn theo ngành Sư phạm vì thật sự yêu nghề giáo, còn lại đa số đành chọn khi cảm thấy không đủ điểm vào những ngành ngon lành khác như Y, Dược hay Kinh tế, Bách khoa! Đầu vào đã như thế, thì khó có hy vọng đầu ra sẽ có nhiều giáo viên giỏi.
Đó là mới nói đến kiến thức, trình độ chuyên môn, còn đạo đức phẩm chất nhà giáo cũng sa sút đáng buồn. Nên mới có những cô giáo ứng xử như kể trên, và còn nữa, cô bảo mẫu đánh chết trẻ, cô giáo bắt học sinh liếm ghế, nuốt phấn, thầy giáo và học sinh đánh nhau, những vụ “gạ tình đổi điểm”, hay vụ án gây chấn động một thời, ông Sầm Đức Xương – Hiệu trưởng trường THPT Việt Hưng, Bắc Quang, Hà Giang mua dâm học sinh, sau đó còn dùng những học sinh này để tiếp những vị khách quan trọng của mình trong đó có cả cán bộ, công chức nhà nước…
Rồi ngành công an với lối hành xử côn đồ, khinh dân, coi tính mạng dân như cỏ rác, những năm gần đây cũng thường xuyên bị người dân chụp hinh quay video clip tố cáo những vụ hối lộ, xách nhiễu dân công khai, những vụ bạo hành dân đến chết khi chỉ mới bị tạm giam cho tới khi đang bị giam giữ trong tù…
Các quan chức, chính khách-thành phần đứng trên cả luật pháp trong một xã hội độc tài như ở VN, giờ đây bị hàng triệu triệu con mắt của dân chúng săm soi từ lời ăn tiếng nói, bị chụp hình từ những bất động sản kếch sù cho tới lối sống xa hoa, phô trương kệch cỡm (như cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với cặp ngà voi, trống đồng trang trí trong nhà, cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với cái ghế mạ vàng như ngai vua, căn nhà hết sức xa hoa…). Những hình ảnh hiếm hoi đó, dù chỉ mới một phần rất nhỏ sự thật về cuộc sống quá cách biệt giữa các quan chức chính khách ở VN so với dân chúng, nhưng cũng đủ khiến người dân sững sờ, phẫn nộ.
Đó là ở góc độ cá nhân. Còn ở góc độ nhà nước, chính phủ, internet đã giúp vạch trần rất nhiều sự thật mà nhà nước cộng sản VN đã và đang cố công che dấu bưng bít. Mỗi một sự dối trá, mỗi một chính sách sai lầm gây hại cho đất nước, cho nhân dân đều bị đưa ra ánh sáng nhờ có internet. Internet và mạng lưới báo “lề dân” trở thành tiếng nói phản biên mạnh mẽ nhất, là con đường đấu tranh bất bạo động hiệu quả nhất cho dân tộc VN trong thời đại này. Ngược lại, sức mạnh của internet khiến nhà cầm quyền phải chạy bở hơi tai theo mà phân bua, bào chữa, biện minh. Cứ xem hai vụ Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh gần đây thì thấy.
Nhà nước cộng sản VN từng nhiều lần tìm mọi cách ngăn chặn các trang blog cá nhân, các trang báo “lề trái”, trang mạng xã hội, nhưng vẫn không làm được, trừ khi quay ngược trở lại cấm hoàn toàn internet ở VN, mà điều đó là không thể.
Nhà cầm quyền sợ và căm ghét internet, nhưng mặt khác, lẽ ra họ nên cảm ơn internet vì ít nhất, qua đó, họ cũng biết được thái độ của người dân ra sao, và trong rất nhiều trường hợp, họ đã phải lẳng lặng tự điều chỉnh khi một sự việc nào đó bị người dân phản ứng mạnh. Và họ nên cảm ơn nếu nhân dân chọn internet để đấu tranh chuyển đổi chế độ một cách ôn hòa, thay vì những cuộc lật đổ đẫm máu hoàn toàn có thể xảy ra một khi sức chịu đựng của người dân đã vượt quá giới hạn.