Saturday 8 August 2015

Quyền lập hội ở Việt Nam

Sinh hoạt dân chủ tiêu biểu trong xã hội là quyền tự do hội họp và lập hội. Đây là chuyện đương nhiên và cũng là một trong những quyền hiến định tại Việt Nam. Mời quý thính giả theo dõi Quan Điểm của LLDT/CNTQ, về bản dự thảo “Luật về Hội” do quốc hội dự tính thông qua trong năm 2016, và áp dụng vào đầu năm 2017 qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Kính thưa quí thính giả,

Một trong những quyền tự nhiên của con người sống trong xã hội là tự do hội họp và lập hội. Quyền này đã được ghi rõ ở điều 20 củabản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 rằng: "(1) Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hòa bình. (2) Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn". Quyền ấy lại được minh thị trong điều 22 Công Ước Quốc Tế về các quyền Xã Hội và Dân Sự năm 1966, nội dung ghi rằng: "Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình". Việt Nam đã là hội viên Liên Hiệp Quốc, và còn là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Hơn thế nữa, Điều 25 bản Hiến Pháp của CHXHCN Việt Nam năm 2013, đã quy địnhrằng: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định."

Cho đến nay, nước ta chưa có một bộ luật nào nhằm hướng dẫn việc lập hội và bảo vệ quyền lập hội của người dân như đã nêu trên, mà chỉ có những sắc lệnh và nghị định nhằm cấm cản, kiểm soát và hạn chế sinh hoạt đoàn hội của công dân mà thôi.

Do sự đòi hỏi của các định chế quốc tế khi Việt Nam muốn được tham dự vào sân chơi chung; và vì nhu cầu phát triển ý thức dân chủ của người Việt Nam đang lên cao, thể hiện bằng sự ra đời của nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập, khiến quốc hội VN phải cho ra đời một bộ luật về hội đoàn. Ngày 9 tháng 6 năm 2015 trên trang thông tin Thư ViệnPhápLuật của VN, đã xuất hiện một bản dự thảo mang tên Luật về Hội, mà Quốc Hội dự tính sẽ ban hành trong năm 2016, có hiệu lực vào đầu năm 2017. Dự thảo này có 8 chương và 37 điều.

Thoạt nhìn qua, chúng ta thấy như có một tia hy vọng lóe lên ở cuối đường hầm, vì đã từ rất lâu cuộc tranh đấu cho quyền tự dohội họp và lập hội vẫn chỉ là một ước mơ viễn vông, nay có một bộ luật ra đời xác định quyền ấy, thì quả thật đó là một niềm vui lớn. Nhưng khi đọc kỹ, đi sâu vào chi tiết bản dự thảo, thì niềm hy vọng vụt tắt lịm ngay, vì nội dung của nó không hề bảo vệ quyền lập hội, mà chỉ thấy những rào cản gồm nhiều vòng đai rất kiên cố, để ngăn chận và kiểm soát, từ khâu vận động thành lập, giấy phép thừa nhận, đến sinh hoạt, điều hành; tất cả đều do nhà nước xen vào từng chi tiết rất nhỏ nhặt.

Đặc biệt quan tâm tới bản dự thảo, là Tuyên Bố Chung của 22 tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, phổ biến ngày 1 tháng 8 năm 2015. Nội dung Bản Tuyên Bố Chung đã đưa ra 8 điều dẫn chứng rằng bản dự thảo mang tính: (1) Phân biệt đối xử, vì điều 2 bản dự thảo viết rằng: "Luật này không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng. (2) Giấy phép như "rào cản". (3) có quá nhiều "cấm đoán" rất mơ hồ. (4) Vi Phạm nguyên tắc tự nguyện tự quản. (5) Hạn chế quyền gia nhập của người dân. (6) "Nhà nước hóa" hội đoàn. (7) Cản trở các hội đoàn độc lập, và (8) Nên đổi tên "Luật về Hội" thành "Luật về Quyền Lập Hội".
Theo nhận định của luật sư Hà Huy Sơn, thìLuật phải bảo đảm quyền tự do lập hội của công dân, theo tinh thần Hiến pháp, và các văn bản dưới luật hướng dẫn Luật về hội, không được hạn chế, hay thu hẹp quyền tự do lập hội của công dân do Luật về hội quy định. Ông đặc biệt lưu ý đến khoản 2 điều 31 của Dự thảo, quy định:"Cấp đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội." Ông đưa ra 2 đề nghị:

1- Thời hạn cấp đăng ký đối với từng trường hợp: thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội. Nếu quá thời hạn quy định, cơ quan quản lý có thẩm quyền không trả lời, thì người đăng ký đương nhiên được công nhận là hợp pháp.

2- Nếu từ chối cấp đăng ký, phải trả lời bằng văn bản, và chỉ rõ các lý do bị pháp luật cấm, được quy định bởi các điều luật cụ thể của luật nào do Quốc hội thông qua, hoặc do Hiến pháp quy định.

Ngoài những nhận định nêu trên, chúng tôi thấy rằng văn phong của bản dự thảo quá nghèo nàn, không xứng đáng là một bản văn luật, vì có quá nhiều câu mơ hồ, muốn hiểu cách nào cũng được. Văn của luật pháp không cho phép diễn giải tùy tiện. Cho dù bên cạnh luật còn cần có bản giải thích luật nữa.

Về nội dung bản dự thảo cho thấy nhà nước trực tiếp điều hành hội đoàn chứ không do những người lập hội điều hành nữa. Đọc bản dự thảo chúng ta có cảm tưởng đây là một bản nội qui, hay điều lệ của một tổ chức tư, không phải bản luật của quốc gia ban hành. Nếu dự thảo này thành luật và được áp dụng thì nhà nước mua thêm việc làm cho các cấp hành chánh từ trung ương xuống tận xã ấp, một việc làm dư thừa và vô ích, tốn công quĩ quốc gia.

Tóm lại nhu cầu ở nước ta cần một bản luật để bảo vệ quyền lập hội của người dân, và là căn bản pháp lý để giúp các hội đoàn phát triển và sinh hoạt lành mạnh, đem lợi ích cho hội viên và cho xã hội. Căn bản pháp lý ấy được áp dụng khi các hội đoàn cần phân xử nếu có tranh chấp nôi bộ.

Nội dung bản dự thảo do quốc hội CSVN đưa, không thể đáp ứngđược chức năng chúng ta mong đợi. Chẳng những thế nó còn tỏ rõ chủ trương muốn bóp nghẹt các hội đoàn mà nhà nước CS không muốn.

Chúng tôi kêu gọi những nhà luật học chân chính, tích cực đóng góp để VN sớm có một bộ luật đúng nghĩa bảo vệ được quyền hội họp và lập hội như người dân mong đợi.

Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài qaun điểm của chúng tôi.

Lực Lượng Cứu Quốc