Saturday 15 August 2015

Tổng thống Jimmy Carter: 90 năm qua, một đời nhìn lại


                                                                          Giao Chỉ, San Jose

Cựu tổng thống Jimmy Carter 90 tuổi hạnh phúc và vẫn đi làm việc khắp thế giới

Tin các báo cho biết, vị Tổng thống của Hòa bình mà chúng ta gọi là Tổng thống của Thuyền nhân đang bị ung thư trong những ngày cuối của cuộc đời.

Cậu bé miền quê Georgia truởng thành trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Năm tuổi đã phải luộc đậu phọng pha muối đi bán sau giờ học. Năm xu một gói. Tám mươi năm sau, ông già 90 tuổi ôn lại quá khứ...

Làm tổng thống chỉ một nhiệm kỳ thứ 39. Đoạt giải Nobel hòa bình. Làm thơ. Viết văn. Dạy giáo lý chủ nhật và sau cùng làm thợ mộc xây nhà cho homeless.

Sau khi từ giã Bạch Cung, ông thành lập trung tâm Carter, một cơ quan bất vụ lợi để tiếp tục xứ mạng nhân đạo.

Chính trị và chiến tranh không phải là sở trường của tổng thống. Công việc của ông là dân sinh, xã hội, nhân đạo và hòa bình.

Tám mươi tuổi ông vẫn chạy bộ, đạp xe và bơi lội. Những năm gần đây, sức khỏe suy yếu, ông ngừng chạy bộ. Ngày 1 tháng 9 năm nay 2015, ông sẽ mừng sinh nhật 91 tuổi. Nhưng mới đây có tin ông bị ung thư và bắt đầu sống những ngày cuối của vị anh hùng Mỹ Quốc.

Chuyện của ông liên quan đến Việt Nam là sau khi cộng sản chiến thằng Sài Gòn, tổng thống Carter gửi phái bộ ra Hà Nội, hứa hẹn viện trợ. Say men chiến thắng, Hà Nội từ chối bang giao viện trợ mà đòi hỏi bồi thường chiến tranh. Quyết định sai lầm và ngu xuẩn của cộng sản Việt Nam đã kéo dân tộc lùi lại 2 thập niên suốt thời kỳ bao cấp. Cộng sản là con đường khốn nạn nhất quanh co lâu dài để dìm cả nước vào thời kỳ vô sản rồi tiến lên tư sản với một thế hệ tư bản đỏ xây dựng trên mồ hôi nước mắt toàn dân.Từ đó miền Nam chỉ có con đường bỏ của chạy lấy người và trở thành thuyền nhân. Tổng thống Carter không có cơ hội giúp kẻ cựu thù thì bắt đầu giúp các nạn nhân của cộng sản Việt Nam.

Xin đọc bài viết về vị tổng thống của thuyền nhân đính kèm. Sau cùng, trưa ngày thứ bẩy 15 tháng 8-2015, xin đến dự ngày cảm ơn nước Mỹ để nghe thông điệp của tổng thống Carter nói chuyện về việc Hoa Kỳ giúp đỡ Thuyền Nhân.

PRESIDENT CARTER STATEMENT:


                                   

                                                                                                      Giao Chỉ San Jose

Một ngày giông bão.

Ngày thứ bảy 5 tháng 1-2008 là một ngày mưa bão tại miền bắc California. Hai mươi bốn sinh viên Việt Nam và một em Cam Bốt của trường đại học Los Angeles từ miền Nam lên thăm Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân tại San Jose.

Một chương trình hướng dẫn đặc biệt đã được thực hiện bằng Anh ngữ. Phần lớn các em không còn nói được tiếng Việt nhưng lại rất muốn được học hỏi về đề tài thuyền nhân và chiến tranh Việt Nam. Không em nào quá 30 tuổi. Tất cả đều sinh ra sau chiến tranh Việt Nam. Một em đại diện sinh viên đã nói rằng chưa bao giờ em xúc động như lần này.

Tháng 5 năm 2007 các em đã viếng thăm viện bảo tàng một lần dù lúc đó chưa hoàn tất. Bây giờ các em trở lại vào đúng một ngày mưa bão tháng giêng năm 2008. Nhưng cuộc viếng thăm lần này hết sức thành công. Từ trước đến nay, khu vườn lịch sử của San Jose mỗi năm vẫn đón chào hàng chục ngàn học sinh tiểu học Hoa Kỳ. Nhưng rồi đây, với sự hiện diện của viện Bảo tàng Việt Nam sẽ có nhiều em cấp trung học và các sinh viên đại học đến xem.

Bức thông điệp lịch sử của Người Việt tỵ nạn sẽ được gửi vào tương lai vĩnh cửu. Hai mươi lăm em sinh viên của USLA lần này sẽ là một trong các nhóm đầu tiên. Một nam sinh viên trình bầy ý kiến bằng Anh ngữ cho biết tượng người lính Việt Nam quì gối, gương mặt thật buồn, cô đơn tưởng niệm chiến hữu hy sinh là hình ảnh em sẽ nhớ mãi. Trong viện bảo tàng còn có một tác phẩm sơn dầu thật lớn qua đề tài 20 mươi năm thuyền nhân tỵ nạn cùng được sự chú ý của mọi người.

Từ 1975 đến 1995 đã có 5 đợt thuyền nhân và bộ nhân theo thống kê của Cao ủy tỵ nạn và bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
(1)- Tháng tư 75 có130 ngàn. 
- (2)- 75/79 có 326 ngàn. 
- (3)- 80/84 có 253 ngàn. 
- (4)-85/89 có 192 ngàn và sau cùng (5)- 90-95 có 63 ngàn. Tổng cộng 964 ngàn dân tỵ nạn đã đến các trại trong 20 năm.

Trên bản đồ các em sinh viên đã đọc những địa danh mà cha mẹ các em đã dừng chân. Song Kla của Thailand; Pulau Bidong trên đất Malaisia; Galang của Indonesia và Palawan của Philippines... Những địa danh xa lạ đã từng được ông bà, cha mẹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Bây giờ mới cảm thấy dược. Các em cũng ghi nhận giai đoạn 75/79 có số thuyền nhân ra đi nhiều nhất. Đó là thời Carter, tên vị ân nhân đặt tựa cho bài viết này.

Trước khi chia tay sau buổi thăm viếng đầy tình cảm dưới trời mưa tầm tã, ông Phạm phú Nam của Dân Sinh Media có mời các em sẽ trở lại vào ngày chủ nhật 6 tháng 4-2008. Ngày đó chúng tôi tổ chức văn nghệ 33 năm nhìn lại con đường của thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đã đi qua. Ban tổ chức sẽ nhân danh Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân dự trù chào đón ông Jimmy Carter về dự. Bà dân biểu khu vực địa phương là Joe Lofgren đã nhận lời đại diện ban tổ chức để mời vị tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ, người được mệnh danh là The President of The Boat People.

Bài viết này để trả lời câu hỏi của em nhỏ sinh viên UCLA 23 tuổi vốn là con cháu của thuyền nhân Việt Nam nhưng không hề biết Jimmy là ai?

Jimmy Carter là ai ?
Báo Time ngày 13 tháng 8 năm 1979 cách đây hơn 30 năm có viết câu chuyện đặc biệt về tổng thống Carter và thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam. Lúc đó biển Đông cũng đang có mưa bão như bây giờ tại Bắc California. Hàng trăm ngàn người Việt đã ra đi bằng mọi phương tiện. Báo Time vào lúc đó đã ghi nhận có đến 300 ngàn người chết. Tổng cộng có 65 quốc gia tiếp nhận dân tỵ nạn nhưng vẫn chưa giải quyết hết thuyền nhân còn tràn ngập các trại tỵ nạn. Các nước Đông Nam Á bắt đầu chính sách kéo tàu ra biển.

Tin tức thời sự loan báo ba thuyền tỵ nạn với 443 người mới đến Hồng Kông bị cảnh sát Macao kéo ra biển khơi gặp trận bão Hope chết không còn người nào. Nhưng người Việt vẫn tiếp tục ra đi. Riêng tháng 5 và tháng 6 năm 1979 đã có 110 ngàn người vượt biển.

Bão tố, hải tặc và các tàu viễn dương không cứu vớt đã làm cho số người đến các trại vào tháng 7 chỉ còn 22 ngàn. Không những các tàu buôn dân sự làm ngơ mà ngay cả tàu chiến của Mỹ trên Thái bình Dương cũng không cứu thuyền nhân. Dân Việt kéo về Hoa thịnh Đốn thắp nến cầu nguyện trước tòa Bạch Cung. Nước mưa hòa trong nước mắt nhỏ giọt xuống những ngọn nến lung linh. Những linh mục và những thượng tọa đi lại đọc kinh suốt đêm.

Từ cửa sổ trên lầu của tòa NhàTrắng ông Jimmy Carter đã nhìn thấy tất cả thảm kịch biển Đông. Lệnh từ phủ tổng thống ban hành. Bộ an sinh và xã hội sẽ nhận cấp khoản tỵ nạn Việt Nam vào Mỹ từ 7 ngàn nay tăng lên 14 ngàn một tháng. Bộ quốc phòng ra lệnh cho Đệ thất hạm đội dành riêng 5 tuần dương hạm để đi cứu thuyền tỵ nạn. Tất cả các chiến hạm đều phải cứu thuyền nhân hoặc tiếp tế rồi báo tin cho các con tầu trách nhiệm khác.


Bức hình gây chấn động báo giới Hoa Kỳ với tựa đề “Lên tầu” do một thủy thủ chụp được trên chiến hạm USS White Plan tháng 7 năm 1979. Hình ảnh một người đàn ông tỵ nạn được vớt đang leo lên thang giây bên mạn tầu với tất cả hành trang của gia đình trong túi vải cắn chặt trong miệng. Cuối năm 79 tin tức về tàu Mỹ vớt bay về Việt Nam, cả Sài Gòn lên cơn sốt. Nhà nhà vượt biển, người người vượt biển. Đó cũng là năm cuối cùng của thập niên 70 với người phụ nữ có bầu cũng ra đi, sanh trên tàu Mỹ, đặt tên con theo tên tàu có khai sanh công dân Hoa Kỳ do thuyền trưởng ký.

Do Thái đón thuyền nhân:
Ông Carter, tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ còn đi xa hơn một bước nữa. Nhân dịp hội họp với thủ tướng Do Thái Bergin, vị nguyên thủ Mỹ đã đưa ra vấn đề thuyền nhân Việt Nam. Bergin nói rằng:” Nước Do Thái đã có những kinh nghiệm riêng về đề tài này. Năm 1939, trước khi thế chiến đệ nhị bùng nổ, con tàu The St. Louis chở 900 dân Do Thái trốn khỏi Đức Quốc đã bị xua đuổi trên khắp mọi hải cảng. Không một nước nào nhận. Ngày nay tuy chúng tôi là một nước nhỏ, mới lập quốc nhưng sẵn sàng chào đón thuyền nhân Việt Nam.

Tháng 10 năm 1979, một tàu Do Thái trên đường đi Nhật đã cứu được 60 thuyền nhân. Thuyền trưởng nói rằng các bạn phải cảm ơn Carter. Tính đến nay, dù là quốc gia sống giữa vùng Trung Đông khói lửa sôi động, Do Thái cũng có cả ngàn thuyền nhân Việt Nam lập nghiệp.

Bolinao 52.
Năm 1981, tổng thống Carter mãn nhiệm kỳ, đến năm 1988 có một thuyền trưởng chiến hạm USS Dubuque trên đường qua Trung Đông đã gặp con tầu vượt biên. Thuyền vượt biên ra đi từ Bến Tre với 110 người ngày 22 tháng 5-1988. Sau nhiều giông bão, gặp nhiều tầu đại dương nhưng không được cứu, đến ngày thứ 19 gặp tầu chiến Mỹ thì thuyền nhân hoàn toàn kiệt quệ.

Hạm trưởng không hề biết lệnh của tổng thống Hoa Kỳ 8 năm về trước. Ông chỉ tiếp tế nước và thực phẩm nhưng không vớt. Con thuyền Bến Tre trôi giạt trên đại dương trước sau tổng cộng 37 ngày, chỉ còn sống 52 người sau khi đã ăn thịt những người khác. Tàu đánh cá Phi cứu vớt con thuyền Bến Tre khốn khổ đưa về đảo Bolinao.

Ông Hạm trưởng chiến hạm USS Dubuque phải ra tòa quân sự của hải quân vì không làm tròn bổn phận. Nạn nhân còn lại của thảm kịch Bolinao phải ra tòa làm nhân chứng. Năm 2007, nhà làm phim trẻ tuổi Nguyễn hữu Đức dựng lại câu chuyện bi thảm thuyền nhân ăn thịt người và đặt tên là Bolinao 52. Tên hòn đảo hoang trên Thái bình Dương với 52 người còn sống. Sống bằng thân xác của gia quyến và đồng loại. Bolinao 52 chỉ là một trong hàng ngàn thảm kịch khác đã xẩy mà chúng ta không bao giờ biết hết. Nếu như không có một người như Jimmy vào những ngày cuối thập niên 70 niềm đau thương của biển Đông còn chất ngất đến chừng nào.

Nobel hòa bình 2002.
Đó là câu chuyện 40 năm sau, cần được nhắc lại về vị tổng thống ân nhân của Boat People Việt Nam.

Xuất thân từ gia đình trồng tỉa của tiểu bang Georgia chuyên về ngành đậu phọng, ông Carter là một nhà xã hội nhiều hơn một chính trị gia. Sau một nhiệm kỳ tổng thống ngắn ngủi từ năm 77 đến 81 và khi mãn nhiệm có phần cay đắng vì vụ con tin Hoa kỳ bị bắt tại Trung Đông. Chiến dịch giải cứu của chính quyền Carter bị thất bại thảm thương, vị tổng thống Dân Chủ bị ông Regan bên Cộng Hòa đánh bại. Nhưng người Mỹ vẫn gọi là bác Jimmy thân mến ngay từ khi bác trở về theo đuổi công việc làm nhà cho homeless.

Ông sinh năm 1924, như vậy năm nay 2014 ông đã 90 tuổi. Nhân dịp người Việt tổ chức hơn 30 năm nhìn lại con đường đã đi qua, duyệt lại trang sử ngàn người cùng viết, chúng tôi dự trù mời vị ân nhân số một đến để ông nhìn lại một lần những thành quả do quyết định nhân đạo mà nước Hoa Kỳ đã ban hành vào cuối thập niên 70. Đối với riêng cựu tổng thống Jimmy Carter, người đã lãnh giải Nobel hòa bình năm 2002, chúng ta sẽ không còn gì vinh dự hơn để trao cho ông, ngoại trừ những bông hoa từ thế hệ thứ hai, thứ ba của thuyền nhân Việt Nam gửi đến với tấm chân tình.

Suốt 33 năm qua, người Việt là những Homeless ngay trên quê hương Việt Nam. Homeless trên biển cả, chính nước Mỹ đã đón nhận chúng ta với tinh thần hết sức hào hiệp, giúp cho chúng ta an cư và lạc nghiệp. Nếu chúng ta thực sự chưa cảm nhận được giá trị của tinh thần tự do, dân chủ của đất nước này. Nếu chưa thấy đây thực sự là xứ sở của cơ hội và những vòng tay mở rộng, xin hãy về thăm những người Việt tại Biển Hồ xứ Cam Bốt. Đi xa hơn nữa, hãy thăm viếng thiên đường một thời Nga Sô Viết. Để nhận biết thực sự những người dân bản địa trên thế giới đã đối xử với di dân ra sao...

Vì vậy, bây giờ là lúc chúng ta phải nhớ lại lịch sử thuyền nhân tỵ nạn để nói đôi lời lịch sự với một người đại diện thẩm quyền cho tấm lòng hào hiệp của Hoa Kỳ, đất nước mà chính chúng ta đã là công dân nhưng đôi khi vẫn chưa thấm nhuần được tinh thần bao dung của Hiệp chủng Quốc. Vị đại diện cho tấm lòng nhân hậu Hoa Kỳ chính là ông Jimmy Carter của tổ chức Habitat for Humanity, một chương trình An Cư Lạc Nghiệp vĩ đại nhất của Hoa Kỳ.

San Jose 40 năm sau, sẽ có một ngày.
Cơ quan IRCC, Inc. cùng với Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Dân Sinh Media dự trù sẽ tổ chức một chương trình văn nghệ vào cuối năm 2015 tại CPA, đây là trung tâm trình diễn kịch nghệ của thành phố San Jose. Những chi tiết và nội dung sẽ được lần lượt thông báo sau.

Riêng bài này chỉ viết về người khách Hoa Kỳ 90 tuổi của chúng ta, Tổng thống Carter. Vị tổng thống cao niên nhất của nước Mỹ hiện còn sống. Chúng ta nợ ông một lời cảm ơn, đã hơn 30 năm muộn màng. Trong khi chờ đợi xin quý vị vui lòng đọc bản văn tổng thống Carter gửi đến chúng tôi. Nguyên văn bản Anh Ngữ có phần dịch Việt ngữ và sau cùng xin xem youtube phát hình chính lời của tổng thống.


Bản anh ngữ :
Thank you for inviting me to celebrate the 39rd anniversary of the resettlement in the United States.

I am honor to have played a role in calling the US Navy into action to recue Vietnamese Boat People in the South Pacific Ocean in 1979 and ordered that we receive an average 14 thousand immigrants per month from previous war zone.

We have also encouraged other nation leaders to follow our lead.

And although I cannot be with you tonight, I stand in spirit along with you and other prominent members of the Vietnamese American Community and dignitaries to thank the Immigrant Resettlement and Cultural Center and Mr. Vu, Van Loc for the dedication of works and raise the hope and better future for thousand of Vietnamese refugees over the past 39 years.

Congratulation on the lives you have built for yourselves and our great nation and may good fortune follow you for generations to come.

Jimmy Carter

Bản Việt ngữ :
Xin cảm ơn quý vị đã mời tôi tham dự buổi lễ kỷ niệm năm thứ 40 định cư tại Hoa Kỳ. Tôi đã vinh hạnh trong trách vụ ủy nhiệm hải quân Hoa Kỳ thi hành công tác cấp cứu thuyền nhân Việt Nam trên vùng biển Nam Thái Bình Dương năm 1979 và chiếu theo lệnh này, chúng ta đã cứu được trung bình mỗi tháng 14 ngàn người tỵ nạn trong vùng chiến tranh ngày trước.

Chúng ta cũng đã khuyến khích các vị lãnh đạo quốc gia khác làm theo.

Và mặc dầu tôi không hiện diện với quý vị đêm nay, nhưng trong tinh thần tôi vẫn đứng bên cạnh quý vị và các thành viên lỗi lạc của cộng đồng người Mỹ gốc Việt để cảm ơn IRCC, Inc. và ông Vũ Văn Lộc về thành quả đã đạt được nhằm nâng cao niềm hy vọng cho tương lai tốt đẹp hơn của người Việt tỵ nạn trong suốt 39 năm qua. Xin chúc mừng cho cuộc sống mà quý vị đã tạo dựng cho chính mình, cho đất nước vĩ đại của chúng ta và tương lai tốt đẹp theo sau cho quý vị và thế hệ tương lai.