Monday 7 September 2015

Ngô Nhân Dụng - Mây mù che phủ Bắc Kinh ngày Chiến Thắng


Chuẩn bị cuộc duyệt binh mừng “Chiến thắng Nhật Bản” ngày mai, Cộng sản Trung Quốc đã huy động dân chúng tạo ra một bầu trời mầu xanh ở Bắc Kinh. Chính quyền ra lệnh từ ngày 20 tháng Tám đến 3 tháng Chín các công xa chỉ được sử dụng 80%; xe hơi riêng chỉ được dùng một ngày lại nghỉ một ngày. Trong lúc đang duyệt binh ngày mai, phi trường ngưng máy bay lên xuống trong ba giờ. Nhiều công viên và địa điểm du lịch đóng cửa. Gần 4,000 nhà máy trong vùng chung quanh Bắc Kinh phải đóng cửa để bớt nhả khói. Có giám đốc nhà máy than thở cho công nhân nghỉ mà vẫn phải trả lương, lại có công nhân than không được làm việc, mất luôn tiền sống hàng ngày!

Tập Cận Bình muốn dùng ngày kỷ niệm “Chiến thắng Nhật Bản” để kích thích lòng yêu nước của dân Trung Hoa. Đồng thời vừa chứng tỏ ông ta đang nắm quyền uy tuyệt đỉnh, vừa đe dọa các nước láng giềng khi cho 12,000 lính và 500 thứ vũ khí diễn hành, với xe tăng, hỏa tiễn, máy bay, trọng pháo, vân vân. Giống như trước khi tổ chức Thế Vận Hội năm 2008, năm 2014 Trung Cộng đã ban các mệnh lệnh tương tự để giữ bầu trời Bắc Kinh sạch sẽ trước cuộc họp thượng đỉnh APEC. Dân Bắc Kinh gọi bầu trời xanh là “Trời Xanh APEC.”


Nhưng một đám mây mù đang che phủ trên cả lục địa Trung Hoa, vì bao biến cố dồn dập cho thấy chính quyền không còn đủ sức điều khiển nền kinh tế.

Kể từ giữa tháng Sáu lúc thị trường chứng khoán lên cao điểm, các cổ phiếu xuống giá trong hai đợt, mặc dù nhà nước dùng đủ các cách để nâng giá. Sau khi ngân hàng trung ương cắt lãi suất và thả lỏng cho các ngân hàng thương mại có thêm tiền cho vay, thị trường lên được trong hai ngày cuối tuần cũng vì chính quyền đem tiền đi mua cổ phiếu.

Nhưng trong ngày Thứ Hai 31 tháng Tám, Thị trường Thượng Hải lại xuống giá gần 1%, chứng tỏ giới đầu tư chưa tin tưởng nhà nước có khả năng chặn cơn xuống dốc. Ngày Thứ Ba hôm qua, một bản tin chính thức được công bố, cho biết các nhà máy đang giảm sản xuất, chỉ số hoạt động xuống tới mức thấp nhất trong vòng ba năm qua. Điều đáng lo hơn nữa là không phải chỉ có các nhà máy mà ngành dịch vụ cũng xuống. Gần đây mọi người vẫn hy vọng ngành dịch vụ sẽ gia tăng để bù vào tình trạng sản xuất xuống, cho nên tin tức mới này khiến mối lo lắng trầm trọng hơn. Ngay sau khi nghe tin tức này, Thị trường Thượng Hải lại xuống thêm 1.2% nữa.

Ông Tập Cận Bình vẫn có thể ngủ ngon cho đền cuối tuần này, vì ngày mai các thị trường chứng khoán sẽ “nghỉ lễ” trong ba ngày liền! Nhưng trong những tuần lễ sắp tới, không biết ông còn ngủ ngon được nữa không. Bởi vì không ai có thể cứ đem tiền ra mua là sẽ giữ được giá các cổ phiếu mãi mãi ở một mức giả tạo, dù đó là một nhóm cá nhân hay một chính quyền! Có rất nhiều nguyên nhân giải thích tại sao không làm được.

Họ sẽ thất bại vì giá cổ phiếu không thể cao mãi mãi nếu lợi nhuận của các công ty không gia tăng cùng một nhịp. Trong năm qua thị trường chứng khoán ở Trung Quốc lên giá gấp đôi, trong khi cả nền kinh tế đang giảm tốc, lợi nhuận các công ty không tăng mà phần nhiều còn giảm. Đây là một hiện tượng phi lý, sẽ đến lúc phải tự điều chỉnh. Hai lần tụt giá vừa qua chính là hiện tượng thị trường tự điều chỉnh, nhưng vì lý do chính trị, Bắc Kinh đã cưỡng lại, đổ thêm tiền nhà nước vào trong thị trường, để giữ giá.

Giá cổ phần các công ty tùy thuộc mức lời của công ty đó trong tương lai, theo tính toán và dự đoán của người đầu tư. Giữa dự đoán tiền lời và giá mua cổ phiếu có một tương quan, tỷ lệ giữa hai bên có thể lên xuống nhưng phải nằm trong một quãng hợp lý. 

Để hiểu khái niệm này, hãy lấy thí dụ về trái phiếu, tức giấy vay nợ, với lãi suất cố định. Nếu một trái phiếu hứa “chắc chắn” mỗi năm sẽ trả một đồng tiền lời mãi mãi không bao giờ ngừng, mà nếu người đầu tư thấy chỉ cần lời 5% cũng đủ, họ sẽ sẵn sàng bỏ ra 20 đồng mua cổ phiếu đó. Vì một đồng tiền lời là đúng 5% của 20 đồng tiền mua. Với mức lời 5%, giá trái phiếu bằng 20 lần tiền lời. Các cổ phiếu không thể hứa hẹn tiền lời chắc chắn, người đầu tư phải ước đoán có may có rủi, rồi cũng quyết định trả một giá thích hợp với sức chấp nhận may rủi của mình. Giống như thí dụ trái khoán trên đây, người ta sẽ trả một giá cao gấp nhiều lần số tiền lời dự đoán. Tỷ số này gọi là Tỷ số Giá trên Tiền Lời, quen viết tắt là P/E hay PE (Price/Earning ratio).

Năm 2010, Tỷ số PE của Thượng Hải lên cao nhất, 47; giá mua gấp 47 lần tiền lời dự đoán. Vào tháng Ba năm 2015, Tỷ số PE của Thượng Hải vẫn còn cao, 44 lần, giống như người ta sẵn sàng bỏ ra 44 đồng để mua tờ giấy hứa hẹn trả một đồng mỗi năm. Công ty Bloomberg tính PE trung bình của 500 công ty lớn nhất tại Mỹ trong Chỉ số Standard & Poor’s, con số PE là gấp 20 lần. Đến tháng Bẩy, sau khi thị trường Thượng Hải tụt giá nặng, tỷ số PE vẫn còn là 23 lần, PE của Thị trường Hồng Kông chỉ có 12 lần, tức là bằng một nửa. Điều đặc biệt là có nhiều công ty Trung Quốc ghi tên trên cả hai thị trường, Thượng Hải và Hồng Kông; mà giá bán cùng một cổ phiếu ở trong lục địa đắt hơn giá ở Hồng Kông hơn một phần ba (34%)! Cùng lúc đó, Tỷ số PE của thị trường Thẩm Quyến vẫn còn cao tới 50 lần. Tính chung, trong hai tuần qua giá cổ phiếu tại các thị trường Trung Quốc cao gấp 53 lần mức lời dự tính, trong khi PE của Standard & Poor’s 500 chỉ còn 19 lần vì thị trường xuống do ảnh hưởng tin kinh tế Trung Quốc suy yếu.

Chứng khoán các công ty trong lục địa có ma lực nào khiến người mua trả giá cao gấp 50 lần lợi nhuận trong khi giới đầu tư ở Mỹ chỉ chấp nhận trả gấp 20 lần? Điều này chỉ xẩy ra nếu người Trung Hoa nghĩ rằng các công ty nước họ sẽ tăng trưởng nhanh vượt bực trong mười năm, hai mươi năm sắp tới.

Đầu tháng Tư năm 2015, Tỷ số PE của công ty Google cao gần bằng 27 lần, còn PE của công ty Apple chỉ bằng 17. Khi PE trung bình của các cổ phiếu ở bên Tàu lên tới 23 hay 50 lần, chúng ta có tin rằng các công ty trung bình ở Trung Quốc sẽ kiếm lời nhanh gấp đôi Google hoặc Apple hay không? Khó tin lắm. Ông Tập Cận Bình chắc phải tự hỏi và tự trả lời như vậy!

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc thực sự đang giảm tốc độ, như các thông tin trên cho thấy. Các kinh tế gia quốc tế ước tính tiền lời của các công ty ghi tên ở Thượng Hải sẽ giảm đến 9% trong năm nay, so với năm 2014. Khi tiền lời của các công ty giảm, có lý do nào để người mua cổ phiếu chịu trả giá cao hơn hay không? Ông Tập Cận Bình chắc phải tự hỏi như vậy!

Trong khi đó, hàng chục triệu người Trung Hoa đã vay tiền để mua cổ phiếu thấy cần bán lấy tiền trả nợ. Số nợ hiện nay còn khoảng 5 ngàn tỷ đồng nguyên (783 tỷ đô la Mỹ). Theo một nhà phân tích của Bank of America ở Hương Cảng thì Thị trường Thượng Hải phải giảm giá thêm 35% nữa mới cân bằng.
Chính quyền Trung Cộng sẽ phải cắt lãi suất thêm nữa và cho phép các ngân hàng cho vay nhiều hơn nữa, để giữ giá chứng khoán trên thị trường. Họ sẽ ra lệnh các công ty, ngân hàng, quỹ hưu bổng phải bỏ tiền mua cổ phiếu. Hôm qua, 50 công ty môi giới chứng khoán đã họp nhau, cùng với cơ quan chứng khoán nhà nước, sau đó hứa hẹn sẽ góp tiền vào một cái quỹ cùng mua cổ phiếu. Số tiền đóng góp lên tới 100 tỷ đồng nguyên! Nhưng con số 100 tỷ này so với 5,000 tỷ đã mất thì không thấm vào đâu cả!

Cộng sản Trung Quốc đã nhập cảng một định chế cốt lõi của kinh tế tư bản, là thị trường chứng khoán. Họ biết rằng các nước tư bản đã cường thịnh trong hai thế kỷ qua nhờ sử dụng con dao này. Nhưng đó cũng là một con dao hai lưỡi, không biết dùng thì đứt tay. Thị trường chứng khoán chỉ ích dụng khi được tự do. Can thiệp thô bạo là đứt tay. Đảng Cộng sản đã quen chỉ huy, điều khiển, ra lệnh. Nay họ khám phá ra không thể nào ra lệnh cho thị trường chứng khoán được! Nhà nước Trung Cộng đã bỏ ra 300 tỷ mỹ kim để cứu thị trường, cho đến Thứ Hai 24 tháng Tám tuần trước, thị trường lại tụt dốc thảm hại. Bây giờ họ còn muốn tiếp tục chơi dao nữa hay không?

Ông Tập Cận Bình có thể ra lệnh ông Chu Tiểu Xuyên, chủ tịch Ngân hàng Nhân Dân tiếp tục đổ thêm tiền vào thị trường, vì ông Chu đang còn khối dự trữ ngoại tệ đáng giá 3,700 tỷ mỹ kim. Nhưng ông Chu Tiểu Xuyên cũng biết rằng trung bình mỗi tuần lễ vừa qua có 35 tỷ mỹ kim từ Trung Quốc chạy ra nước ngoài. Trong tháng Bẩy có 90 tỷ xuất ngoại, trong ba tuần lễ đầu của Tháng Tám lại thêm 100 tỷ nữa. Với tốc độ 35 tỷ một tuần, trong vòng hai năm thì 3,700 tỷ cũng hết, nếu không được bù bằng số tiền thu vào khá lớn! Một chính quyền, cũng như một nhóm cá nhân nào, cũng không thể cứ bỏ tiền ra mua cổ phiếu mãi mãi, trong khi cả nền kinh tế giảm tốc độ, các công ty giảm tiền lời.

Chính quyền Trung Cộng đang chứng tỏ họ mất khả năng kiểm soát. Khủng hoảng thị trường chứng khoán, hạ giá đồng nguyên, vụ nổ Thiên Tân, các biến cố liên tiếp phơi bầy tình trạng bất lực. Nhưng hậu quả quan trọng nhất không phải là số tiền bị mất hay số người chết. Điều họ lo ngại nhất là ảnh hưởng trên tâm lý người dân.

Bao năm qua, người dân lục địa đã chấp nhận một bản “hợp đồng xã hội” với đảng Cộng sản: Cho anh cai trị độc tài và tham nhũng, nhưng bảo đảm chúng tôi giầu có hơn. Bản hợp đồng này có thể tan biến khi đảng Cộng sản chứng tỏ không còn khả năng kinh tế nữa. Cuộc diễn binh “Chiến thắng Nhật Bản” là một dịp để những người cầm quyền thêm một điều mục mới vào bản hợp đồng để ru ngủ dân: Đảng còn bảo vệ an ninh quốc gia nữa!

Nhưng đám may kinh tế suy yếu sẽ còn đó rất lâu, người dân Trung Hoa trong lục địa sẽ còn được đánh thức nhiều lần nữa trong thời gian tới. Sau thị trường chứng khoán còn thị trường địa ốc, và số nợ lớn bằng 27 ngàn tỷ đô la treo trên đầu không biết lúc nào sập xuống.


Điểm sáng duy nhất trong bối cảnh này là giới lãnh đạo cộng sản Bắc Kinh sẽ nhận được một bài học khiêm tốn. Do đó, họ sẽ bớt hung hăng, gây hấn với các nước chung quanh, đặc biệt là trong vùng Biển Đông của nước ta! Trừ khi họ làm ngược lại: Gây hấn với nước ngoài để dân chúng quên đám mây mù kinh tế!