Monday 21 September 2015

Tiếng nói bên ngoài và cuộc đấu tranh bên trong - Gia Minh, biên tập viên RFA

Các nhà đấu tranh Blogger Điếu Cầy, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và Blogger Tạ Phong Tần
Các nhà đấu tranh Blogger Điếu Cầy, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và Blogger Tạ Phong Tần
 RFA
Thêm một tù nhân chính trị tại Việt Nam, cô Tạ Phong Tần, đến Hoa Kỳ do áp lực của chính quyền Mỹ cũng như sự lên tiếng lâu nay về tình hình nhân quyền- dân chủ tại Việt Nam.
Thực tế tiếng nói từ bên ngoài giúp cho phong trào đấu tranh cho quyền con người trong nước đến đâu và vai trò của người dân trong nước thế nào?
Lên tiếng từ bên ngoài
Nhiều người thừa nhận nếu không có sự can thiệp từ phía chính phủ Hoa Kỳ, thì những cựu tù nhân chính trị tại Việt Nam như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hay blogger Sự Thật & Công Lý Tạ Phong Tần sẽ không được viên chức ngoại giao của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cùng đi theo trên chuyến bay từ Việt Nam sang đến Xứ Cờ Hoa.
Ông Trần Văn Huỳnh, cha của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, hiện đang thụ án 16 năm tù tại trại giam ở Xuyên Mộc, Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết về sự lên tiếng từ bên ngoài và con ông nằm trong danh sách của những tù nhân chính trị tại Việt Nam được nêu ra:
“ Khi Thức tròn 6 năm ở trong tù, danh sách của Thức được chính thức 36 tổ chức xã hội dân sự, trong đó 20 tổ chức ở nước ngoài và 16 tổ chức trong nước, yêu cầu trả tự do cho Thức.
Thứ hai, trong lần 3 nhà báo thế giới được ông Obama tiếp kiến có Nguyễn Văn Hải- Điếu Cày, danh sách đưa ra có Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, rồi một số người nữa.
Và trong những đối thoại nhân quyền của giới chức Mỹ sang Việt Nam ( cách đây chừng vài tháng- tôi không nhớ rõ), ông Tom Malinowski- trợ lý của ngoại trưởng Kerry, cũng đề nghị đến trường hợp của các tù nhân lương tâm được khuyến nghị trả tự do, trong đó có Thức.”
Vào ngày 21 tháng 9, tham tán Terry White, đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội được hãng thông tấn AP trích dẫn phát biểu rằng phía Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định của cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do cho cô Tạ Phong Tần người quyết định đi Mỹ sau khi ra khỏi tù; tuy nhiên phía Hoa Kỳ vẫn rất quan ngại về trường hợp của những người bị bỏ tù chỉ vì thực thi nhân quyền và các quyền căn bản của họ. Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho tất cả những tù nhân này và cho phép tất cả những người Việt Nam được quyền bày tỏ chính kiến của họ mà không sợ bị trừng phạt.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch qua phát biểu của ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á, cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do ngay cho những nhà hoạt động khác và nếu họ muốn ở lại trong nước thì phải đáp ứng nguyện vọng của họ; đồng thời ngưng can thiệp vào các hoạt động chính trị và ngưng vi quyền của những người đó. Danh sách những tù nhân chính trị mà Human Rights Watch nêu lên với yêu cầu trả tự do ngay cho họ gồm Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ thị Bích Khương, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Trần Vũ Anh Bình, Võ Minh Trí tức nhạc sĩ Việt Khang, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Ngô Hào và nhiều tù nhân chính trị khác nữa.
Ủy ban Bảo Vệ Ký giả từ New York vào ngày 20 tháng 9 cũng ra thông cáo báo chí hoan nghênh việc trả tự do cho blogger Tạ Phong Tần, đồng thời kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do cho những nhà báo và bloggers khác đang bị cầm tù.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo Điều 88, Bộ luật Hình sự (gồm bị cáo Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải)
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo Điều 88, Bộ luật Hình sự (gồm bị cáo Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải) Ngày 24 tháng 9 năm 2012
Tác động
Nhà hoạt động Trần thị Nga, từ Hà Nam cho biết tác động của sự lên tiếng của người Việt ở nước ngoài, các nước khác và các tổ chức quốc tế đối với phong trào đấu tranh cho quyền con người và dân chủ tại Việt Nam:
“Góp sức của người Việt hải ngoại đối với công cuộc đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam từ vấn đề truyền thông cho đến liên lạc với quốc tế để đưa ra sự thật tình trạng vi phạm nhân quyền do chính phủ Việt Nam đối với người dân Việt Nam… Đây là công sức của người Việt hải ngoại mà tôi hết sức trân quí. Đó là động lực để cho những người trong nước đấu tranh như tôi có niềm tin mình không đấu tranh đơn độc vì mình còn có đồng bào quốc tế, các tổ chức quốc tế nữa.
Thông qua những lần trao đổi với đại sứ quán của các nước, tôi thấy họ cũng rất quan tâm, cũng hổ trợ chúng tôi. Trong ngoại giao với chính quyền Việt Nam họ cũng nêu lên những vi phạm nhân quyền; trong khi Việt Nam là một thành viên của tổ chức nhân quyền thế giới mà vi phạm, chà đạp lên những điều đã ký. Đó là một điều mà chúng tôi thấy rất tốt.”
Thiết yếu của đấu tranh từ trong nước
Theo chị Trần Thị Nga thì dù có những tác động tích cực từ bên ngoài như thế nhưng người dân trong nước phải vượt qua sợ hãi, ý thức được quyền của bản thân để cùng tham gia đòi hỏi:
“Còn công cuộc chính để có hiệu quả, để người dân Việt Nam thực sự được hưởng quyền con người của mình trước hết phụ thuộc vào người dân trong nước dám đứng lên, dám đấu tranh đòi những quyền của mình.
Sự nổ lực giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, cũng như của đồng bào người Việt hải ngoại có tác dụng thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, còn nếu người trong nước mà thờ ơ về việc quyền căn bản của mình bị chính quyền chà đạp thì những sự hổ trợ từ bên ngoài sẽ không có tác dụng mạnh mẽ được.”
Một cựu tù nhân chính trị khác và cũng là một nhà hoạt động tích cực hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng có ý kiến về việc tự thân nổ lực trong công cuộc đấu tranh để thay đổi hiện trạng Việt Nam hiện nay:
“ Bất kỳ cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở quốc gia nào cũng vậy thôi, khi mình ở thế yếu luôn phải nhờ đến cộng đồng quốc tế. Trong khi đó chính phủ Hoa Kỳ là chính phủ quan tâm nhất đến tình trạng nhân quyền ở các nơi trên thế giới, chúng ta vẫn phải nhờ họ, vận động, kêu gọi họ ủng hộ cho chúng ta; nhưng chúng ta không đặt tất cả niềm tin hay hy vọng ở họ. Chúng ta muốn thay đổi triệt để đất nước của mình phải là chính nổ lực của mỗi người dân, của mỗi nhà hoạt động nhân quyền, mỗi nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam. Chúng ta phải cố gắng giành quyền của mình, cũng như chúng ta xây dựng các tồ chức xã hội dân sự. Điều đó mới thay đổi được đất nước của mình.”
Tình trạng sách nhiễu, hành hung, bắt bớ và bỏ tù những người công khai lên tiếng đấu tranh cho các quyền căn bản của người dân tại Việt Nam cũng như công cuộc dân chủ hóa đất nước được những người trong cuộc cho biết vẫn diễn ra. Bản thân họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh, mất mát; tuy nhiên họ luôn kêu gọi sự hỗ trợ thông qua việc lên tiếng từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế yêu cầu chính quyền Hà Nội thực thi những điều đã ký kết với thế giới. Ngoài ra những người công khai đấu tranh cũng mong mỏi ngày càng nhiều dân chúng trong nước ý thức được quyền căn bản của con người và cùng lên tiếng đòi hỏi.