Wednesday 21 October 2015

ÂU CHÂU VÀ NGƯỜI DI CƯ HỒI GIÁO - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 
          Âu Châu rộng 10 triệu km2 với 743 triệu dân. Phía Bắc có Bắc Băng Dương. Phía Tây có Đại Tây Dương. Phía Nam có Địa Trung Hải, Hắc Hải và Biển Caspian. Phía Đông có dãy Urals.

Âu Châu ngày nay có 50 quốc gia với diện tích và dân số lớn nhỏ khác nhau:
- Andorra rộng 468 km2
- Liechtenstein rộng 160 km2
- Malta rộng 316 km2
- Monaco rộng 1.95 km2 (không đến 2 km2)
- San Marino rộng 61 km2
- Vatican rộng 0.44 km2 (không đến nửa cây số vuông).
 
Âu Châu là lục địa chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo phương Đông, Tin Lành Giáo và Anh Quốc Giáo (Anh). Các nước Albania, Kosovo, Bosnia được xem như nước Hồi Giáo trên lục địa Âu Châu.
 
Tên NướcTỷ Lệ Tín Đồ Hồi Giáo
Albania80%
Bosnia60%
Kosovo90%
 
 
 
 
 

Liên hệ giữa các nước Âu Châu theo đạo Christ và các nước Bắc Phi, Trung Đông Hồi Giáo không mấy tốt đẹp về phương diện tôn giáo với những cuộc xâm lăng của người Moors vào bán đảo Iberia (Tây Ban Nhà và Bồ Đào Nhà) và việc tiến quân Hồi về phía tây nước Pháp vào thế kỷ VIII rồi những cuộc Thánh Chiến dai dẳng kéo dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, XV với đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Các nước Âu Châu sớm phát triển hàng hải, kinh tế, thương mại và kỹ nghệ. Các nước này trở thành đế quốc xâm chiếm các nước Hồi Giáo làm thuộc địa hay chia xẻ đế quốc Ottoman biến thành thuộc địa hay đất bảo hộ của họ. Về phương diện tôn giáo và chánh trị các quốc gia Hồi Giáo ở Trung Đông và Bắc Phi không có cảm tình với người Âu Châu.

Sau đệ nhị thế chiến nhiều quốc gia Hồi Giáo được độc lập. Nhiều người Hồi Giáo sinh sống ở các quốc gia Âu Châu từng đô hộ xứ sở họ. Họ có thể là những người trí thức chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương hoặc là những cộng sự viên trung thành với mẫu quốc. Do đó ở Pháp có nhiều người Hồi Giáo gốc Algeria, Tunisia, Morocco, Syria; ở Anh có nhiều người Hồi Giáo gốc Pakistan, Ấn Độ, Iran, Ả Rập, Ai Cập, Jordan, Mã Lai v.v.; ở Hòa Lan có người Hồi Giáo gốc Indonesia; ở Ý có người Hồi Giáo gốc Libya, Ethiopia v.v.

Tín đồ Hồi Giáo trên thế giới hiện nay cao nhất thế giới so với các tôn giáo khác: 1.6 tỷ người. Ở Âu Châu có 56 triệu tín đồ Hồi Giáo. Pháp có 06 triệu người Hồi Giáo (gần 10% tổng số dân); Đức có 04 triệu (5% tổng số dân); Anh có 03 triệu (4.7% tổng số dân. Thụy Điển có 470,000 (5.7% tổng số dân). Thụy Sĩ có 460,000 (5.7% tổng số dân) v.v.

Từ thập niên 1960 của thế kỷ XX các quốc gia Hồi Giáo càng tỏ ra tự tin vào sức mạnh về tài nguyên nhất là dầu khí, nhân số của họ trên thế giới để gia tăng sự thù hận của họ đối với các nước Tây Phương vì dị biệt tôn giáo, vì đô hộ họ trong quá khứ, và vì ủng hộ Do Thái, quốc gia mà người Hồi Giáo không phân biệt phái Sunni hay Shiite đều không muốn thấy hiện hữu ở Trung Đông. Họ không ngừng khiêu khích Hoa Kỳ từ thập niên 1980, 1990 dẫn đến vụ tấn công World Trade Center ở New York và một phần của Ngũ Giác Đài ở Washington DC năm 2001. Họ không dám có những hành động tương tự đối với Liên Sô và Trung Quốc hay Liên Bang Nga thời Putin. Putin thẳng tay đàn áp người Hồi Giáo bạo động ở Chechnya trong vùng núi Caucasus.

Nhiều nhà lãnh đạo Hồi Giáo cực đoan có tham vọng Hồi Giáo hóa thế giới bằng dân số đông đảo, bằng những làn sóng di dân, bằng chế độ đa thê sẵn có để sinh sản nhiều con cái, bằng mỹ nhân Hồi Giáo chiêu dụ thanh niên các nước khác theo đạo Hồi. Người cải đạo Hồi phải tôn trọng nghiêm nhặt kỹ luật của đạo như một hội viên hội kín vậy. Người theo đạo Hồi không thể bỏ đạo để theo đạo khác. Người ấy bị xem là phản đạo và có thể bị nghiêm phạt đích đáng đến vong mạng. Âu Châu là điểm đến gần nhất của người Hồi Giáo Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á và Nam Á. Người Hồi Giáo Trung Đông vượt Địa Trung Hải đến bán đảo Balkans là đặt chân lên lục địa Âu Châu. Người Hồi Giáo ở Bắc Phi vượt Địa Trung Hải đến Tây Ban Nhà, Pháp, Ý, Hy Lạp là đến lục địa Âu Châu. Hy Lạp là điểm đến cho các người Hồi Giáo phát xuất từ Trung Đông hay Bắc Phi (Tunisia, Libya, Ai Cập).

Mao Zedong (Mao Trạch Đông) cũng có ý nghĩ chinh phục thế giới bằng mỹ nữ, đưa người đi ‘lạc’ sang các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á và mạnh bạo hơn là gây chiến tranh nguyên tử với các nước Tây Phương đứng đầu là Hoa Kỳ với ý nghĩ đơn giản là Trung Quốc hy sinh 50% dân số để đổi lấy sự tiêu diệt toàn thể dân chúng của quốc gia đối nghịch với Trung Quốc!

Năm 2011 cách mạng hoa lài lan rộng từ Tunisia sang Libya, Ai Cập, Bahrain, Syria. Vào năm này trùm khủng bố quốc tế Al Qaeda là Osama Bin Ladin bị giết chết ở Pakistan. Nhà độc tài Libya, đại tá Qadafi cũng bị giết chết. Nhà độc tài Mubarak bị lật đổ sau 30 năm cầm quyền ở Ai Cập. Lửa cách mạng vụt tắt ở Bahrain nhưng nội chiến kéo dài ở Syria từ đó đến nay. Tổng thống cha truyền con nối ở Syria là Bashar Assad vẫn chưa bị lật đổ nhờ sự tiếp sức của Nga, Iran và Hezbollah từ miền Nam Lebanon đến. Syria bị tàn phá nặng nề. Nhiều vùng ở miền Bắc bị ISIS chiếm đóng. Libya và Syria trở thành môi trường màu mỡ cho phe khủng bố. Khủng bố Al Qaeda ghê rợn như vậy mà còn kém hơn khủng bố ISIS hay khủng bố Ansar Al Shariah đã giết đại sứ Hoa Kỳ ngày 11-09-2012 ở Benghazi và một nhóm khủng bố khác đang hoạt động mạnh mẽ ở Libya: Fajr Libya (Bình Minh Libya).


Xứ Syria có 23 triệu dân nhưng có đến 11 triệu người di tản rời bỏ nhà cửa di chuyển sang vùng tương đối có an ninh (48% tổng số dân). Trong số này có:

- 07 triệu người di tản trên lãnh thổ Syria
- 04 triệu người rời bỏ quê hương Syria để đến các quốc gia Hồi Giáo láng giềng trong vùng. Nhiều trại tỵ nạn được dựng lên ở những quốc gia láng giềng của Syria. 
Thổ Nhĩ Kỳ chứa 02 triệu người tỵ nạn Syria
Lebanon chứa 01 triệu người.
Jordan nhận 700,000 người. Jordan là một quốc gia nhỏ ít dân: 07 triệu người. Trong số này có 50% là người Palestine di cư thời Do Thái lập quốc. Jordan từng khổ sở với người Palestine và nhóm Fatah của Arafat. Cũng vì vấn đề này mà quân đội Syria tiến đánh Jordan. Ngày nay Jordan lập trại tỵ nạn dành cho người tỵ nạn từ Sudan, Somalia, Iraq và Syria đến.
Ai Cập có trại tỵ nạn cho 132,000 người Syria.

Các nước Ả Rập Hồi Giáo Sunni giàu có như Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, không có nhận người tỵ nạn Syria nào cả. Vương quốc Ả Rập Thống Nhất Emirates (UAE) nhận 250,000 người. Saudi Arabia cho rằng họ nhận trên 02 triệu người Syria nhưng không nghe Cao Ủy Tỵ nạn LHQ xác nhận điều này.

Ngay trong năm 2011 đã có 746,000 người Libya tỵ nạn ngoài biên giới hai nước Tunisia và Libya. Lúc bấy giờ có từ 200,000 đến 300,000 người Libya vượt Địa Trung Hải đến đảo Lampedusa của Ý. Năm 2013 có từ 600,000 đến 01 triệu người Libya bỏ nước ra đi hai năm sau khi nhà độc tài Qadafi bị giết chết. Libya không còn chế độ độc tài quân sự nhưng lại gặp phải cảnh rối loạn vô trật tự và bất an ninh do những hoạt động của các nhóm khủng bố gây ra. Sự dồi dào dầu hỏa ở miền Đông Libya khiến cho khủng bố càng hoạt động hăng say hơn. Số người tỵ nạn càng tăng thêm. Năm 2014 có 170,000 người Libya đến Âu Châu bằng tàu. Đến tháng 08 năm 2015 có 104,000 người đến Âu Châu bằng ngã Ý Đại Lợi và 135,000 người đến qua ngã Hy Lạp.

Các quốc gia Liên Âu báo động về tình trạng tổ chức đưa người Hồi Giáo sang Âu Châu. Ai có tàu và tổ chức vượt Địa Trung Hải hàng ngàn người mỗi lần một cách công khai và an toàn?


Ở miền Đông Địa Trung Hải hàng chục ngàn người Syria, Afghanistan, Iraq ngồi tàu sắt khổng lồ đến Hy Lạp. Từ đó họ dùng đường bộ lên Serbia hay Croatia, vượt biên giới Hung Gia Lợi và dùng xe lửa đi Áo và Đức. Hung Gia Lợi đang băn khoăn về sự xâm nhập của người Hồi Giáo vào xứ họ. Họ dùng biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự xâm nhập của người di cư bằng cách ngăn chặn không cho xe lửa chở người tỵ nạn Syria đi Đức. Điều đặc biệt là những người di cư Hồi Giáo này từ chối làm hồ sơ ở Hung Gia Lợi mà chỉ muốn đi Đức và định cư ở Đức mà thôi. Vì sao có 800,000 hồ sơ xin định cư ở Đức? Vì Đức là quốc gia phồn vinh nhất Âu Châu hiện nay? Vì Đức có quá khứ chống Do Thái trong thập niên 1930 và 1940? Vì liên hệ chủng tộc Aryan của người Đức với người Iran? Có đúng là Đức sẵn sàng nhận 800,000 người Syria xin định cư ở Đức? và nhận 500,000 mỗi năm trong nhiều năm? Nếu đúng như vậy thì bà Merkel và nhân dân Đức nhân hậu vô cùng.


Một ảnh chụp một em bé tỵ nạn chết đuối lay động ‘lương tri’ Âu Châu và thế giới. Đó là áp lực tinh thần khiến Hung Gia Lợi phải nhượng bộ cho xe lửa chở người di cư Syria đi Áo và Đức. Tổng thơ ký LHQ cũng như các nhà lãnh đạo Liên Âu không có cách nói nào khác hơn là dùng những lời nói dạy nhân nghĩa trong cương vị và bổn phận của mình. Một lần nữa Hung Gia Lợi bị than phiền vì đã dùng hơi cay nhắm vào người di cư Syria ngoài biên giới Hung Gia Lợi và Serbia. Hung Gia Lợi lập một hàng rào dây kẽm gai dài 175 km ngăn chặn không cho người Hồi Giáo Trung Đông xâm nhập vào lãnh thổ họ. Họ hành động mạnh vì cho rằng những người này bạo hành và có võ khí (?). Hung Gia Lợi là một quốc gia Thiên Chúa Giáo ở Đông Âu từng bị áp lực của đế quốc Ottoman đè nặng trong quá khứ. Họ từng đau khổ gần 50 năm dưới chế độ Cộng Sản. Bây giờ họ lo ngại đến ngày nào đó người Hồi Giáo chiếm đa số ở Âu Châu trong khi người Âu Châu trở thành người thiểu số. Sự lo ngại này không phải là vô căn cứ:

a. Người Âu Châu độc thê. Người Hồi Giáo đa thê. 
b. Người Âu Châu hạn chế sinh sản, cho phép phá thai và hiện nay tiến đến trình độ cao cấp hơn là chấp nhận hôn nhân đồng tính. Người Hồi Giáo đa thê (tối đa 04 vợ) chủ trương sinh sản càng nhiều càng tốt như ý niệm đa tử, đa tôn là đa phúc của Khổng Giáo ở phương Đông. Việc phá thai hay hôn nhân đồng tính tuyệt đối bị cấm chỉ.
c. Người Âu Châu hời hợt trong đức tin. Nhiều người nhất là giới trẻ có khuynh hướng bỏ đạo hay vô thần. Tín đồ Hồi Giáo giữ đức tin chặt chẽ.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong quốc hội của một quốc gia Âu Châu nào đó có trên 50% dân biểu người Hồi Giáo? Luật Sharia sẽ được thi hành? Toàn dân nước đó phải theo đạo Hồi? Quốc kỳ nước đó phải có hình trăng lưỡi liềm? Việc nuôi heo, ăn thịt heo, uống rượu nho bị cấm chỉ? Việc ăn thịt heo bị nghiêm phạt nặng nề, bị treo cổ hay bị ném đá đến chết? Giáo đường Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành Giáo, Anh Quốc Giáo bị triệt hạ?

Trước mắt là những cuộc xung đột văn hóa, tôn giáo giữa người bản xứ và người tỵ nạn. Lợi thế của người Hồi Giáo là ở xứ Hồi Giáo những người phi Hồi Giáo khó sống yên ổn. Trong hiện tình ở vùng ISIS chiếm giữ trên lãnh thổ Iraq và Syria người Hồi Giáo phái Shiite còn sống không nổi thì nói chi đến người theo đạo Christ hay các đạo khác. Nhưng ở Âu Châu nhiều người hành khất Hồi Giáo hành nghề trước các giáo đường Thiên Chúa Giáo nơi có nhiều du khách lui tới. Người Hồi Giáo ở Âu-Mỹ được hưởng trọn vẹn các quyền tự do mà công dân các nước ấy hưởng. Trong cộng đồng của họ, họ duy trì phong tục, tập quán của họ đôi khi đi ngược lại luật pháp của quốc gia dung chứa họ như tục đa thê, cách đối xử với phụ nữ. Khi phạm pháp có khi họ còn đòi xử theo luật Sharia chớ không chịu xử theo luật pháp của quốc gia mà họ sống.

Áo và Đức hoan hỉ đón nhận những nạn nhân nội chiến Syria. Đó là một nghĩa cử cao quí. Nhưng liền sau đó Áo lại tìm cách kiểm soát biên giới chặt chẽ. Đức kiểm tra lý lịch những người mà họ nhận, đề phòng khủng bố ISIS trà trộn vào người tỵ nạn.

Úc Đại Lợi là nước có nhiều kinh nghiệm không mấy lạc quan về người Hồi Giáo ở nước họ nhưng đã nhận thêm 12,000 người tỵ nạn Syria.

Anh Quốc luôn luôn đề cao nhân nghĩa, nhân quyền nhưng là quốc gia luôn luôn dị ứng trước vấn đề tỵ nạn trên thế giới. Chuyện Exodus về sự trở về cố quốc của người Do Thái, chuyện thuyền nhân Việt Nam ở Hong Kong cho thấy ‘nhân nghĩa’ và ‘nhân ái’ bằng lời của loài người. London khéo léo trong việc mượn hoa cúng Phật. Quan tâm đến 1.6 tỷ người Hồi Giáo trên thế giới không thể xem là sự thiếu khôn ngoan được. Anh hoan hỉ đón 7,000 người.

Ở Pháp một tay súng Hồi Giáo bắn chết 17 người tại tòa soạn của một tờ báo chỉ vì bức hí họa có hình giáo chủ của đạo anh ta. Bây giờ Pháp phải tỏ lòng nhân ái Ki- Tô- Giáo (Charité chrétienne) để rước thêm vài chục ngàn người Hồi Giáo vào quê hương có sẵn 10% người Hồi Giáo trên tổng số 60 triệu người Pháp.

Chỉ một cuộc nội chiến 04 năm ở Syria đã có 04 triệu người Hồi Giáo mang văn hóa Hồi ban rải khắp năm châu. Trong 04 triệu người này không có một người khủng bố nào trà trộn? Các nước được khủng bố chiếu cố là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada...tóm lại là các nước Âu- Mỹ chớ không phải Nga và Trung Quốc. Hai quốc gia này không tốn tiền bạc để lo cho những người tỵ nạn cũng không tốn súng ống và nhân viên an ninh để đề phòng khủng bố.

Do Thái được kêu gọi chia sẻ gánh nặng tỵ nạn với cộng đồng thế giới. Thủ tướng Netayahu ‘xúc động’ trước người tỵ nạn nhưng không nhận người nào cả. Vì sợ rước giặc về nhà? hay vì đất Do Thái nhỏ hẹp? Chuyện này chỉ có người Do Thái biết rõ mà thôi.

Hoa Kỳ hứa rước 10,000 người vào năm 2016 vào mùa bầu cử. Vị tổng thống tương lai sẽ quyết định tăng hay giảm vào niên khóa tới.

Canada nhận 10,000 như Hoa Kỳ. Ngoài sự tốn kém về an sinh xã hội, bộ An Ninh còn có thêm nhiều công việc phải làm đôi khi ngoài dự kiến.

Đan Mạch nhận 11,000 người.
Thụy Điển nhận 64,000 người.
Hung Gia Lợi nhận 18,000 người
Hòa Lan nhận 18,000 người.

Viễn ảnh tương lai Âu Châu về vấn đề tỵ nạn Hồi Giáo không sáng sủa lắm. Tình hình kinh tế, tài chánh Liên Âu hiện nay không mấy lạc quan. Kinh tế, tài chánh Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nhà, Bồ Đào Nhà không có nhiều dấu hiệu khả quan. Âu Châu phải cưu mang không biết bao nhiêu người Hồi Giáo đến để nuôi và đề phòng khủng bố Al Qaeda, ISIS, Boko Haram... trà trộn vào người tỵ nạn để hoạt động. Putin hả dạ ít nhiều về chuyện này vì tức giận Hoa Kỳ và Liên Âu trừng phạt kinh tế Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên Bang Nga và việc Nga yểm trợ cho người Ukraine gốc Nga nổi dậy ở đông bộ Ukraine.

****

Người tỵ nạn nào cũng có nỗi khổ riêng cho dù chỉ rời nơi sinh sống để đến một nơi nào đó trên quê hương mình đừng nói chi đến một quốc gia xa lạ bất đồng văn và bất đồng chủng.


Sau năm 1975 nhiều người Việt Nam trải qua những cơn ác mộng hãi hùng trên biển Thái Bình Dương, Vịnh Thái Lan và trong rừng sâu Cambodia sau khi gánh chịu 30 năm chinh chiến sau đệ nhị thế chiến. Người viết từng vượt biên trên một chiếc thuyền gắn máy dài 9m chở 41 người. Nhìn những người đồng cảnh ngộ ngồi tàu sắt đến bến Hy Lạp hay Ý một cách an toàn, thoải mái tôi cảm thấy họ hạnh phúc vô cùng.

Hạnh phúc vì họ ít bị rủi ro bị sóng gió đánh chìm trên biển cả.

Hạnh phúc vì không ai rình rập bắt bớ họ. Hạnh phúc vì họ đến bến Hy Lạp hay Ý mà không bị xua đuổi hay bắt bớ đe dọa.

Hạnh phúc vì họ không sợ bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp và giết chóc như hải tặc Thái Lan đã làm đối với thuyền nhân Việt Nam.

Một em bé chết chìm là một điều bất hạnh, một chuyện buồn khó quên trên bước đường tỵ nạn. Nhưng em được cả thế giới xúc động mũi lòng. Em bé chết được đem về chôn trên quê hương mà cha mẹ em rời bỏ để tìm một không gian sinh tồn ở một vùng mà họ có thành kiến xấu vì có liên hệ tôn giáo và chánh trị không mấy tốt đẹp đối với quê hương gốc của họ. Trong khi đó có lối 600,000 thuyền nhân và hành nhân Việt Nam vùi thân trong lòng biển Thái Bình Dương hay trong rừng thẳm Cambodia không được một nấm mồ cũng không được ai nhắc nhở đoái hoài.

Một người bạn của tôi vừa vượt qua biên giới Cambodia- Thái Lan suýt bị quân lính Thái Lan xử bắn vì xét trong túi anh có một lá số Tử Vi. Họ cho rằng anh là gián điệp về bản đồ. Người bạn tôi thoát chết nhờ một viên đại úy Thái gốc Việt biết đó là một bản Tử Vi.

Hình trích từ "Two Hamlets in Nam Bo, memoirs of Life ... by David Lan Pham"

Người viết được tàu Jean Charcot vớt khi trên thuyền đã hết nước ngọt và xăng nhớt gần hết cạn. Nhiều ký giả, bác sĩ và thủy thủ trên tàu đến nói chuyện và an ủi. Phần lớn thủy thủ trên tàu là đảng viên đảng Cộng Sản Pháp. Một thủy thủ và đảng viên Cộng Sản cực đoan tên Marcel gốc ở Dunkerque mỉa mai với tôi rằng đất nước các anh thống nhất sao lại phải bỏ quê hương? Ý của anh ấy muốn nói chúng tôi là thành phần vong bản, tay sai của đế quốc Mỹ. Tôi hỏi ngược lại anh ta rằng cách mạng 1789 quá tốt đẹp. Ai cũng khen sao lại có nhiều người Pháp vượt Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ? Tôi hỏi anh ấy Vạn Lý Trường Thành (Grande Muraille de Chine) có đẹp không? Anh gật đầu. Tôi cho anh biết anh thấy nó đẹp và vĩ đại vì anh là một du khách. Nếu anh là người bị cưỡng bách làm sưu dịch để xây nó như dân Trung Hoa đã chịu thì anh lại thấy khác. Tôi hỏi Marcel có vui sướng khi giữa đêm có người gõ cửa và bắt anh mà không cho biết lý do không? Câu trả lời thẳng thắn của anh ta là ‘KHÔNG’ vì dù sao anh ta cũng là công dân một nước dân chủ có pháp luật. Đảng Cộng Sản Pháp là một trong những đảng chánh trị trong nước. Đảng Cộng Sản Việt Nam là độc đảng cầm quyền, không có đảng đối lập. Nếu một đảng viên đảng Cộng Sản Pháp đắc cử tổng thống, quốc hiệu nước Pháp vẫn là République Francaise; quốc ca là La Marseillaise; quốc kỳ là cờ tam tài với ba màu Xanh, Trắng, Đỏ. Quân đội Pháp vẫn là quân đội Pháp. Quân đội bảo vệ quê hương chớ không bảo vệ cho đảng hay là công cụ bám giữ quyền hành của một cá nhân nào. Điều đó hoàn toàn trái ngược khi đảng Cộng Sản Việt Nam đạt được sự thắng lợi. Đó là sự khác biệt giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và đảng Cộng Sản Pháp. Một bên chủ trương bạo lực đấu tranh để cướp chánh quyền. Bên kia chủ trương đấu tranh nghị trường. Về hình thức hai đảng đều có đảng kỳ như nhau: nền đỏ với hình Búa và Liềm. Marcel là người thẳng thắn và bộc trực. Anh trở nên thân thiện với tôi và hứa sẽ trả thẻ đảng khi về Pháp. Khi tôi ở trại tỵ nạn Phi Luật Tân anh có đến thăm đôi lần với thức ăn, trái cây và nhiều vật dụng khác đến nỗi một người tỵ nạn cũ trong trại nói: “Mấy thằng cha này bộ dọn nhà đi vượt biên sao mà nhiều đồ thế.”

Tôi viết những dòng chữ trên để chia mừng với người tỵ nạn Syria và Hồi Giáo khác được các nước mà mình oán hận chiều đãi, xúc động vì một em bé chết đuối và được đưa về quê hương chôn cất. Các bạn chinh phục được Âu Châu và thế giới dễ dàng. Các bạn muốn định cư nơi nào mà các bạn muốn. Đó là điều mà chúng tôi không làm được sau 20 năm dài nổi trôi trên biển cả bằng thuyền gỗ đóng bằng đinh làm bằng dây kẽm gai Ấp Chiến Lược, không biết sống chết vào lúc nào trước gió to sóng lớn và lạc lối trong rừng sâu Cambodia làm mồi cho thú dữ, người dữ (Việt, Khmer, Thái) cũng như chết vì đói khát hay sốt rét.

Các bạn khôn khéo khi chọn Âu Châu và Mỹ Châu mà không chọn các nước đồng đạo với các bạn và các nước láng giềng của quê hương gốc của các bạn như Nga, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc.
 
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.