Wednesday 28 October 2015

viết lịch sử nhỏ về một không tưởng lớn: phỏng vấn nhà văn svetlana alexievich của belarus - Anne Brunswic

nobel-prize-for-liteature svetlana alexievich
[Lời Giới Thiệu của Anne Brunswic*]: Tại Pháp, người đọc biết đến Svetlana Alexievich vào năm 1991 với tác phẩm Những Cỗ Quan Tài Kẽm (Les Cercueils de Zinc), cuốn sách gây sốc và xác định rằng làn gió văn chương đang hướng về phương Đông. Những cựu chiến binh Sô viết trở về từ A Phú Hãn là nhân chứng của vũng lầy đẫm máu, những người mẹ chết ngất trước quan tài của con trai đã dõng dạc lên án sự dối trá của nhà nước. Trong cuộc chiến mà Gorbachev kết thúc sau mười năm không kết quả, chúng tôi đã nhận thức những câu chuyện hãi hùng: buôn lậu, cướp bóc, giết người, tra tấn. Tất cả được thi hành trên danh nghĩa của lý thuyết vô sản. Tác giả, Svetlana Alexievich, sinh năm 1948, vì chống đối chính quyền Lukashenko, đã sống nhiều năm ở hải ngoại và chỉ về nghỉ hè ở Minsk, Belarus, mang dáng dấp một nhà báo tỉnh lẻ, nhũn nhặn, kín đáo, có biệt tài lắng nghe tiếng kêu của người dân bị đàn áp.
Thật ra, Những Cỗ Quan Tài Kẽm là tác phẩm thứ ba của bà. Svetlana Alexievich đã được toàn quốc Liên Xô biết đến lần đầu vào năm 1985 với quyển Chiến Tranh Không Có Gương Mặt Phụ Nữ (La Guerre n’a pas unvisage de femme), một tuyển tập công phu từ những lời khai của các cựu chiến binh Đệ Nhị Thế Chiến mà ngay lúc xuất hiện đã gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội. Điều đáng chú ý là lúc đó Gorbachev công khai tôn vinh nỗ lực của bà. Đối với những hậu vệ chính thống của sử thi Liên Xô, ý đồ “chống nhà nước, sống sượng, suy thoái” củaSvetlana Alexievich bị coi là ảnh hưởng trầm trọng đến tinh thần dân tộc, nếu không muốn nói là tội phản quốc. Sách bà bán chạy lên hàng triệu bản, do lòng tò mò của độc giả rất cao độ, nhất là về những điều cấm kỵ xung quanh các “chiến công vĩ đại của nhân dân Liên Xô.”
[*Nhà báo Anne Brunswic sinh năm 1951 tại Paris trong một gia đình Do Thái xuất xứ từ Trung Âu. Trong những năm gần đây bà dạy các môn ngôn ngữ học, văn chương Pháp, báo chí và phim ảnh tài liệu. Nhà xuất bản Actes Sud ở Pháp đã xuất bản ba tác phẩm du ký của bà (về Palestine năm 2004, Siberia năm 2006 và Karelia năm 2009). Hiện nay, bà là phóng viên độc lập cho các tạp chí thời sự, điện ảnh và đài phát thanh.]
*********


[Chiến Tranh Không Có Gương Mặt Phụ Nữ], quyển đầu tiên trong tam bộ Những Tiếng Nói Của Không Tưởng Lớn, ra mắt năm 1985. [Sáu năm sau], Những Cỗ Quan Tài Kẽm là quyển thứ ba và cuối cùng về những nhân chứng chiến tranh. Công trình đáng kể này đã được tạo tác trong hoàn cảnh nào, thưa chị?
Svetlana Alexievich: Tôi bắt đầu công trình này cách đây hơn ba mươi năm. Vào thời điểm đó, tôi làm việc cho một tờ báo Sô-viết địa phương tại Belarus. Điều lạ là chả ai quan tâm về những chuyện tôi làm và tôi cũng làm được những gì mình muốn làm mà không bị rắc rối gì. Chiến tranh là một chủ đề phổ thông của mọi tờ báo. Tại Belarus, những chấn thương chiến tranh rất lớn, chúng tôi đã mất một phần tư dân số trong Đệ Nhị Thế Chiến. Nhưng những người nông dân thường kể lại những điều bí ẩn không ai thấy trong các tờ báo hoặc trong sách vở. Ví dụ, dụng cụ giết người cũng có thể chỉ là một xác chết bên đường. Một người bảo tôi, “Tại Stalingrad, người ta không thể sử dụng ngựa trên chiến trường. – Tại sao vậy? – Bởi vì không có con ngựa nào chịu bước qua một xác chết. ” Đây là một chi tiết tôi chưa đọc được ở đâu hết. Những phụ nữ chia sẻ với tôi nhiều gian nan khó khăn cho phận đàn bà trong chiến tranh. Họ tả bộ mặt khủng khiếp của đám đàn ông sau một cuộc xung đột, với nét mặt bị biến dạng bởi bản năng sinh tồn, khiến họ mang vẻ mặt gớm ghiếc nửa người nửa vật. Ngay lúc đầu tôi thấy đây là những chi tiết rất ấn tượng. Vì sao tôi có được khả năng lắng nghe, muốn gần gũi với người dân vùng quê? Suốt thời còn bé tôi sống trong một làng nhỏ thuộc vùng Polesia, phía nam Belarus. Cả hai bố mẹ tôi là giáo viên, nhưng chung quanh chúng tôi là những nông dân, với một nền văn hóa chủ yếu ở thể truyền miệng. Họ tới nhà tôi chơi rồi kể chuyện cho bố tôi nghe, một người, qua địa vị hiệu trưởng trường tiểu học kiêm trung học, là một nhân vật rất được tôn trọng. Bố tôi, một thành viên cộng sản nhiệt thành, đã trả lời họ một cách máy móc. Mẹ tôi không phải là một thành viên cộng sản, nhưng bà nghiêm khắc, ít cởi mở. Cả hai đều rất bận rộn với công việc của họ. Và rất cứng nhắc, với tâm lý điển hình của giới trí thức Nga từ trên cao nhìn xuống. Nhưng bà ngoại tôi, ở Ukraine, đã truyền cho tôi trực giác về những bí ẩn của thế gian. Đối với bà, thế giới đầy dẫy những câu hỏi. Với bà ngoại, tôi có thể trao đổi về bất cứ điều gì, khiếm khuyết, tội lỗi, sự chết. Bà mù chữ, nhưng tâm hồn bà tràn đầy sức sống.
Có phải nhờ có bà ngoại người Ukraine mà chị đã nhìn ra một thế giới khác? 

Vâng, có lẽ. Trong gia đình bên ngoại, chúng tôi không ưa phái Bolshevik cũng chẳng ưa gì tụi Đức. Không ưa Bolshevik, chủ yếu là bởi vì họ đã tịch thu đất đai và bò để cung cấp cho nông trại tập thể. Ông tôi là một nông dân giàu có và có học thức, một người đàn ông vị tha, quảng đại. Trong thời gian chiếm đóng, người Đức đặt tên ông là “Starosta” (“Đại ca,” “người có trách nhiệm”) bởi vì ông biết đọc. Ông cố sức bảo vệ dân làng, ví dụ cảnh báo khi linh tính sẽ có một vụ bắt bớ. Khi Hồng quân giải phóng làng, mặc dù trên thực tế ông đã hơn năm mươi tuổi, ông vẫn bị nhập ngũ và mang ra chiến tuyến. Ông tử nạn trên chiến trường và bà tôi thành góa phụ năm con, trắng tay. Người Đức đã đốt cháy ruộng, thời gian này rất khổ, chúng tôi thiếu thốn mọi thứ, ngay cả củi. Mặc dù vậy, hồi nhỏ tôi vẫn thích đi nghỉ hè ở nhà bà ngoại. Ở đó, thiên nhiên đẹp hơn những nơi khác, và thế giới tiềm tàng đầy bí ẩn. Và cũng đầy màu sắc tôn giáo? Đúng vậy, bà ngoại tôi là người sùng đạo, bà thấy khắp mọi nơi, đằng sau bàn tay của thiên nhiên là “Ngài,” đấng đã tạo ra tất cả. Do được giáo dục trong chủ thuyết vô thần của Liên Xô, tôi không tin vào Đấng Tạo Hóa, nhưng tôi tin rằng thế giới phức tạp hơn [chủ thuyết vô thần]. Một ngày chúng tôi nhón chân rón rén đi ngang qua một ngôi nhà. Bà thấp giọng nói: “Suỵt, suỵt, người đàn bà này đã ăn thịt con mình. Bả lúc đó đang chết đói.” Chuyện này xảy ra thời có nạn đói lớn [1932-1933], và trong hai mươi năm làng đã giam lỏng người đàn bà bất hạnh này. Đó là cả một bài học. Bà cũng kể cho tôi một ngày trong thời gian chiếm đóng, một cậu lính trẻ người Đức đến nông trại xin nước uống và đã khóc. Ở trường, tôi được dạy rằng người Đức là bọn tàn bạo, là ác quỷ, rồi bỗng nhiên nghe bà kể rằng một người lính Đức có thể khóc. Tôi không thể tưởng tượng. Bà cũng cho tôi biết những xác chết của lính Đức bị để trơ cho thối rữa trong những cánh đồng. Dân Nga mang xác lính Nga đi chôn – dưới con mắt của dân Ukraine không ưa gì họ – nhưng không ai muốn đụng tới mấy cái xác Đức.

Svetlana Alexievich as a young woman
Svetlana Alexievich (khoảng thập niên 1980)
Chiến tranh đã thu hút chị ngay từ đầu?
Cuộc chiến tranh ở quê nhà quả là khủng khiếp. Tôi sinh năm 1948 và trong suốt thời thơ ấu của tôi, người ta chỉ nói về chiến tranh, đã có rất nhiều người thiệt mạng, trong tất cả mọi gia đình. Chúng tôi, những đứa trẻ, đã tự hỏi hầu có đủ chỗ dưới lòng đất để chứa tất cả các tử thi. Trong làng chỉ toàn là đàn bà. Tuy tổng số binh sĩ thiệt mạng ở Ukraine tương đối ít hơn những chỗ khác, vùng này có rất nhiều thương binh. Cảnh sát thường nhẫn tâm giải tán họ ở gần khu chợ. Họ di chuyển bằng xe đẩy và đám cảnh sát mặt non choẹt thường vừa cợt nhả vừa ném thức ăn từ nóc xe vận tải vào giữa chỗ họ tụ tập, như thể họ là bò lợn. Tôi rất sợ hãi. Tất cả những kỷ niệm cá nhân của tôi về chiến tranh là nỗi sợ đó. Người lớn nói những câu chuyện khủng khiếp đã xảy ra trong khu vực phong tỏa của Đức. Có một thiếu phụ ở làng tôi sống trong nỗi cô đơn khủng khiếp. Trong thời bị phong tỏa, gia đình bà đã sống ẩn núp trong khu đầm lầy. Ngày họ vẫn thở qua một ống nhỏ; tới đêm họ trồi lên, lau khô người, ăn uống chút đỉnh. Bà ta có một bé gái ngày đêm khóc da diết, nó đã khóc vì đói. Làng xóm sợ bị phát giác. Cuối cùng bà mẹ giết tiệt con bé, có lẽ dìm nó cho chết đuối. Sau đó, mọi người trong làng quay lưng phớt lờ. Khi tôi hỏi tại sao bà ta lúc nào cũng chỉ có một mình, thì người lớn trả lời, “Mày không cần biết, đây không phải là chuyện của mày.” Cha mẹ tôi muốn bảo vệ tôi. Hạch hỏi là điều không nên. Cũng may là ở nhà chúng tôi còn có sách, rất nhiều sách.
Chị đã chìm đắm trong văn học rất sớm?
Tôi luôn biết mình muốn viết. Viết và đi du lịch. Nhưng tôi đã phải trải qua một thời gian dài trước khi tìm được tiếng nói, phong cách riêng của mình. Cha mẹ tôi đã thề sống thề chết vì sách. Về phía cha tôi, ông nối nghiệp bốn đời thầy giáo. So với những đứa trẻ khác, tôi đã có một tuổi thơ tương đối thoải mái, tôi có cả hai bố mẹ sống cùng nhà với tôi và chúng tôi đã có một mức sống cao hơn nhiều so với những người khác. Vào năm học đầu tiên của tôi, bố mẹ tôi mua cho tôi một cái cặp táp, còn mấy đứa trẻ khác thì chỉ có những túi vải. Tôi mè nheo và nằng nặc đòi mẹ may cho tôi một cái túi để được như mọi người khác. Tôi cũng là đứa duy nhất được mặc áo choàng đi học; tôi cho tất cả các bạn gái tôi mượn áo. Chúng nó làm áo rách nên mẹ mắng tôi một trận. Với bố mẹ, tranh luận là điều không thể. Trên hết, đối với bố tôi, không có gì tồn tại ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin.
Chị có bao giờ là thành viên Đảng Cộng sản?
Không, tôi là thành viên của Đội Thiếu Niên Xung Phong và Đoàn Thanh Niên Cộng sản – bởi chuyện gia nhập là tự động, nhưng để vào Đảng, một cá nhân phải ứng cử và được bảo trợ. Tôi không bao giờ ứng cử vì bản chất của tôi là không thể xác nhận những điều tôi không tin. Ở tòa báo, nếu không giữ những trách nhiệm quan trọng, chúng tôi không bị buộc phải gia nhập Đảng.
Với bố tôi, chúng tôi đã từng tranh cãi nhiều về chuyện này. Đó là điều rất khùng và cuối cùng tình cảm đã thắng thế. Ông không đồng ý với những quan điểm của tôi, nhưng ông thương tôi. Một câu chuyện chứng minh điều này. Khi tôi mới được sinh ra, tôi gần chết vì bệnh khí quản. Vào thời điểm đó, bố tôi chưa giải ngũ từ không quân, ông đang ở tạm với mẹ tôi trong một tu viện ở Ukraine. Ông đến thỉnh cầu Mẹ Bề Trên. Trên nguyên tắc, bà từ chối cung cấp hoặc mua bán bất cứ thứ gì với một sĩ quan Liên Xô. Ông quỳ xuống: “Con tôi đang chết đói, ngài có thể ghét tôi, giết tôi, nhưng nếu ngài tin vào Thiên Chúa …” Cuối cùng, Mẹ Bề Trên đã đồng ý bán cho ông chút sữa dê, nhưng với điều kiện mẹ tôi là người đi nhận sữa. Câu chuyện này không phải ông kể lại, mà là bà ngoại tôi kể lại cho tôi. Sau chiến tranh, với một số huy chương không quân, bố tôi cũng đã thành đạt với những nghiên cứu trong ngành báo chí. Ông là một người thông thái, đa tài, đáng lẽ ông phải có một tương lai huy hoàng trong Đảng.
Thân phụ của chị đã kiếm được việc dạy học ở nông thôn trong trường hợp nào?
Lý do thực sự, mà mãi về sau tôi mới biết, không phải là từ miệng ông. Ít lâu sau khi tốt nghiệp học đường, bố tôi được đề cử vào Đảng Cộng sản địa phương. Nhưng trong lúc kiểm tra hồ sơ của ông, người ta khám phá rằng cô em vợ ông đang bị bắt giữ. Tại sao? Cô tôi lúc đó là một thiếu nữ, sau khi tốt nghiệp trường trung học kỹ thuật, đã được gửi đến Brest, gần biên giới Ba Lan, để dạy tiếng Đức. Chiến tranh bùng nổ hai ngày sau đó. Vì có nhiều tù binh Nga tại khu vực này, người Đức cần nhiều thông dịch viên. Cô tôi rất xinh đẹp và dường như đã gian díu tình cảm với một sĩ quan Đức. Cuối chiến tranh, cô bị bắt rồi bị đi đầy sang Siberia. Khi nhóm điều tra hồ sơ phát hiện ra sự kiện, họ yêu cầu bố tôi ly dị mẹ tôi ngay lập tức. Chuyện này có thể đã kết thúc rất bi thảm cho ông và cho tất cả chúng tôi. May mắn thay, ông có một người bạn cũ không quân ở trong Đảng Trung ương lúc đó. Trong vòng 24 tiếng, người bạn này đã thành công trong việc bổ nhiệm ông làm giáo viên tại một ngôi làng hẻo lánh. Trong quãng thời gian 1937-1938, những người có khả năng lẩn chìm tức khắc trong một vùng khỉ ho cò gáy đã chọn cách này như cứu cánh. Hai mươi năm sau cô tôi mới trở về từ Siberia. Bố mẹ tôi luôn ủng hộ cô trong khả năng của họ.
Làm thế nào để tách mình ra khỏi đường lối giáo dục cộng sản?
Đó là một quá trình lâu dài. Khi học khoa báo chí ở đại học, tôi nhận ra rằng tôi có khuynh hướng phóng khoáng hơn những sinh viên khác. Tôi đã sớm bị coi là một cá nhân bất đồng chính kiến ​​vì tôi đặt quá nhiều những câu hỏi. Vào năm thứ ba, tôi đã đoạt giải nhất trong một cuộc thi văn học được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách Mạng Tháng Mười. Giải thưởng là một chuyến du lịch ra nước ngoài, nhưng tôi đã không được xuất hành vì tôi có những tư tưởng nào ngờ bị coi là phản động. Thật ra, tôi chỉ hỏi lý do tại sao tôi bị cấm đọc Nietzsche. Và tôi nhận thấy rằng những tác phẩm của Lenin không đáp ứng cho mọi khía cạnh trong đời sống, thí dụ như tuổi già, hay tình yêu. Luôn luôn tôi bị từ chối visa xuất ngoại và sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công đến một thị trấn nhỏ rất xa Minsk. Có dạo tôi đã trải qua một cuộc khủng hoảng, tôi phân tán toàn bộ thư viện của mình và chỉ giữ lại Dostoevsky, Tolstoy và Chekhov. Tất cả các cuốn sách khác tôi tặng trường đại học báo chí. Tôi muốn vứt bỏ hết mọi cái nạng tinh thần để hội nhập thẳng vào đời sống, ở tầng điểm cơ bản nhất. Sau một thời gian dài tôi chấp nhận chuyện không ai trong chúng ta nắm bắt được toàn thể hiện thực. Ta có thể cảm nhận một cách nhìn, rồi tới cái nhìn thứ hai, thứ ba, vô tận. Dù sao thì đó là một hành trình kéo dài. Phải làm sao để tự giải phóng mình ra khỏi hệ tư tưởng, ra khỏi văn học Sô viết và cái nhìn hạn hẹp của nó về nhân loại.
Có những kinh nghiệm cá nhân nào của chị đã ảnh hưởng đến sự “đoạn tuyệt” này?

Tôi nghĩ có lẽ do cái chết của em gái tôi. Vào thời điểm đó, tôi ít quan tâm đến thiên nhiên, và chỉ hoàn toàn sống trong thế giới của tư tưởng. Em gái tôi qua đời ở tuổi 36 và bỗng nhiên tôi nhận ra rằng mùa xuân có hiện hữu, bất cứ mọi sự đều có thể dừng lại bất cứ lúc nào, và mỗi người đều chỉ có một cuộc sống. Tôi chợt nhận ra rằng khái niệm, không hẳn Sô viết, vẫn coi niềm khát khao duy vật là sức mạnh, muốn là làm, không còn giá trị với tôi nữa. Trước cái chết của em gái tôi, trong một gia đình mà ai nấy đều được nuôi dưỡng bởi sách vở, không ai biết phải làm gì, nói năng gì. Cụ Elisabetha người hàng xóm chính là người đã cứu sống chúng tôi, tôi vẫn biết ơn cụ, cụ ấy chỉ cho chúng tôi cách làm cơm, phong tục ma chay. Nếu không có cụ, em gái tôi đã bị chôn theo kiểu Sô viết, không lề thói siêu hình. Nhờ cụ mà mọi chuyện thành vuông vắn, có ý nghĩa. Tôi nhớ ban đêm mọi người ngồi xung quanh quan tài của em gái tôi, nó chết vì bệnh ung thư, đã chịu đựng nhiều và cuối cùng đã nằm đó, xinh đẹp, tuyệt đẹp, đột nhiên một con đom đóm bay vào nhà và hạ cánh trên trán nó. Cụ Elisabetha nói, “Đừng đụng vô con đom đóm! Chắc đây là hồn cổ về.” “Đó là một nhân sinh quan hoàn toàn khác biệt. Những người coi bộ tầm thường đôi lúc có sự hiểu biết, ký ức, dài lâu hơn. Tôi đã thay đổi rất nhiều từ dạo đó. So sánh hình chụp thời tôi viết quyển Chiến Tranh Không Có Gương Mặt Phụ Nữ với những hình chụp gần đây. Ở đây không bàn chuyện tuổi tác, mà là cái nhìn của tôi đã thay đổi. Vào thời điểm đó, tôi là một người tưởng mình có mục tiêu, tưởng đã nắm được những điều bất di bất dịch.

cover - war doesn't have a woman's face
Bìa sách Chiến Tranh Không Có Gương Mặt Phụ nữ (ấn bản Pháp ngữ)
Phản ứng của độc giả ra sao về cuốn sách đầu tiên của chị?
Sách về những nữ chiến binh thì nhan nhản nhưng tất cả đều giống nhau. Sách của tôi gây chấn động vì quan điểm của nó. Những cựu chiến binh thường đòi hỏi những thiên hùng ca, không phải câu chuyện về tội ác chiến tranh. Trong hai năm không ai xuất bản sách tôi cả. Rồi perestroika bắt đầu. Một người bạn mang bản thảo tới Moscow và nó được xuất bản ở đó vào năm 1985. Qua sự giới thiệu của nhiều người, sách của tôi đã được Gorbachev khen ngợi trong một bài phát biểu nhân buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng. Tôi đoạt nhiều giải thưởng, mề đai. Từ đó, sự thành công trên toàn Liên Xô làm mọi người sửng sốt: hai triệu bản bán cái vèo. Cứ mỗi sáu tháng, chúng tôi lại phải in thêm sách và từ đó, cuốn sách không bao giờ đình bản, nó được phỏng thành kịch cho sân khấu, quay thành phim. Thậm chí có người còn đề nghị phóng tác nó thành một bản hợp xướng cho giáo đường. Nhưng những tranh cãi vẫn tiếp tục trên các tờ báo; đối với những thành viên cộng sản của thế hệ đàn anh, quân đội và các cựu chiến binh, tôi đã làm hoen ố hình ảnh chiến tranh và thậm chí cả hình ảnh của phụ nữ với những chi tiết thô bạo. Khi tụi Đức bắt lính phụ nữ, chúng coi tù binh như những sinh vật lưỡng tính, làm nhục và hành quyết họ. Cuốn sách khơi dậy những nỗi đau thể xác của các tù nhân và bị coi là xuống cấp. Nhưng lời phỉ báng tồi tệ nhất phải là “phản chiến.”

Chị cũng từng hứng chịu 
những lời chỉ trích khi viết sách về trẻ em trong chiến tranh [Những Nhân Chứng Cuối Cùng: 100 Truyện Phản Tuổi Thơ]?
Trong quyển Những Nhân Chứng Cuối Cùng: 100 Truyện Phản Tuổi Thơ [ra mắt cùng năm (1985) với quyểnChiến Tranh Không Có Khuôn Mặt Phụ Nữ], một lần nữa cái nhìn của tôi không được chấp nhận. Nếu đối với phụ nữ, chiến tranh trên hết là một cuộc thảm sát, đối với những đứa trẻ, đó là chuyện điên rồ. Người ta thường được đọc về những đứa trẻ dũng cảm đã hy sinh cho tổ quốc. Trong sách của tôi người đọc bị chấn động bởi cái thế giới đã hủy hoại tuổi thơ, một thế giới vô nghĩa, dã thú, đau thương. Có thể nói, một trong những sách của tôi đã bị chỉ trích nặng nhất, đó là quyển Những Cỗ Quan Tài Kẽm – nó đã làm tôi bị kiện ra toà. Chiến tranh A Phú Hãn vừa chấm dứt, Liên Xô bị thiệt hại 15,000 mạng người và cuốn sách tôi đã “bôi nhọ những anh hùng hiến thân cho đất nước.” Một bà mẹ khóc lóc, nguyền rủa tôi: “Tôi muốn trao tặng quân phục và mề đai của con tôi cho trường của nó, nhưng người ta từ chối không nhận chỉ vì bà. Họ coi con tôi như một tên cướp của giết người cũng chỉ vì bà thôi!”
svetlana Alexievich
Svetlana Alexievich tại Kabul, Afghanistan, 1988
Chị tới A Phú Hãn năm nào?
Vào năm 1988 tôi và hai nhà văn khác được mời đi quan sát mặt trận A Phú Hãn. Tôi không phải là một anh hùng, mà chỉ là một người thật thà. Tôi không có khả năng chứng kiến Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng chiến tranh A Phú Hãn, đó là chuyện làm được, nên tôi đi. Nhưng tôi không thể nói rằng tôi đã “tới” đó. Chúng tôi ở đó một tháng trời, đi đâu, ở đâu cũng có binh lính hộ tống. Những gì đồng nghiệp tôi muốn chứng kiến, đó là những trận chiến, bên nào bắn bên nào: tôi không ham. Bản chất của chiến tranh vượt ra ngoài tầm nhìn nhất định. Không những nó hiển hiện ở chiến tuyến, mà còn ở hậu phương, trong mọi ngôi nhà, trong xã hội chúng ta. Sự giải phóng toàn diện của tôi có lẽ đã bắt đầu từ những tháng ngày ở Kabul. Tôi nhớ lại lần chúng tôi vào một nhà thương quân đội. Chúng tôi mang theo quà, đồ chơi cho trẻ em. Đó là một cái nhà kho khổng lồ, toàn những người già và trẻ em què cụt, một cảnh tượng thê thảm. Tôi ôm một ụ gấu bông đem phân phát. Lúc tôi đưa cho một thằng bé, nó cắn chặt vào con gấu bông. Tôi hỏi: “Tại sao lại phải cắn?” Người đàn bà đứng cạnh tôi lúc đó kéo tấm chăn của thằng bé xuống cho tôi nhìn, thì ra nó bị mất hết tay chân. Tôi không biết nói gì. Một ngày khác tôi ngồi trên máy bay trực thăng. Lúc máy bay cất cánh tôi chợt thấy có vật gì lấp loé. Tôi hỏi cái gì vậy. Người phi công trả lời: “Đó là những cỗ quan tài kẽm, ai ai cũng thấy hàng ngày, những cỗ quan tài kẽm.” Một gã khác chêm vào: “Muốn chết thì cứ chết, nhưng phải biết tại sao chứ.” Chiến tranh, ngày hôm nay, chả ai biết chiến đấu để cho ai, cho tụi Mafia, để kiếm tiền xài, hay chỉ vinh danh mấy ông tướng?
Chị có bao giờ nghĩ sự xuất hiện của Những Cỗ Quan Tài Kẽm sẽ gây những phản ứng mạnh?
Không, tôi hoàn toàn không ngờ. Lúc đó người ta khơi khơi xuất bản sách của Solzhenitsyn, Shalamov. Nhưng chỉ giới trí thức mới đọc mấy cuốn này. Người dân thường thì không, và thực ra thì họ vẫn chưa hề đọc. Trong suốt sáu tháng trời, nhà hát hàn lâm ở Minsk đã dựng một vở kịch dựa trên sách của tôi. Nhưng những phần tử trong quân đội, các đảng viên Cộng sản, và các cựu chiến binh đã hùa nhau vận động để cấm không cho kịch được tiếp tục trình diễn. Sau đó tôi bị mấy ông tướng lôi ra tòa. Họ ép các bà mẹ và các quân sĩ lúc trước đã tâm huyết với tôi phải rút lại những lời nhân chứng của họ và kiện tôi. Họ bắt hết các bà mẹ Belarus phải trình diễn di ảnh con trai họ, với một loạt huy chương le lói trên mấy cái gối. “Con trai chúng ta là những người hùng nhưng con mụ lại coi như lũ sát nhân!” Tôi có khả năng mướn luật sư bênh vực mình, nhưng lại thôi, vì muốn giữ trọn chân tình với các bà mẹ. Nhà nước đã lừa phỉnh họ, giản dị là họ bị làm áp lực. Đó là một thời điểm vô cùng cơ cực, với những siêu thị, thương xá trống trơn. Nhà nước chỉ cần hứa (hão) cho họ ti-vi hay công việc làm. Tôi chỉ muốn có cơ hội trình bày với họ.
Rồi chị có thành công trong chuyện thuyết phục họ đừng rút lại những lời nhân chứng?
Hiển nhiên là không. Những người dân thời đó chỉ là những vi sinh vật loi nhoi trong môi trường petri của chế độ Liên Xô. Phiên xử được diễn ra ở gần nhà tôi và trước mặt quan toà lúc nào cũng có độ 500 người, cứ như là một cuộc nội chiến. Phần đông những người có mặt buộc tội tôi là phản bội các chiến binh, tổ quốc …. Trước khi phiên xử bắt đầu, quan toà thiết lập thể thức hoà giải. Lần đó có Oleg, bị thương ở đầu trong chiến tranh A Phú Hãn. Lời kể nhân chứng của anh trong sách tôi rất ấn tượng, phi thường. Tôi hỏi anh: “Oleg, vì lý do gì anh đã tới đây ngày hôm nay?” Anh đáp: “Chị tới xứ sở tôi, chị thiếu gì tiền, tôi chả có đồng xu nào, chả có công việc làm, vợ tôi vừa bỏ tôi, tôi tay trắng.” Quan toà dục: “Anh muốn Svetlana đền đáp anh bằng cách nào?” – “Tôi muốn bà ta trả lại tất cả mọi thứ tôi đã mất trong chiến tranh.” Tôi phản đối: “Anh lầm tôi với Bộ Quốc Phòng rồi, chính cơ quan nhà nước đã biến anh thành thương phế binh! Đối với Oleg, sự đền đáp duy nhất là được coi như một người hùng.
Chị có bao giờ cảm thấy mình rất cô đơn?
Không hẳn thế, buồn thì đúng hơn. Ở phiên xử, phía quân đội ra trước vành móng ngựa để làm chứng về những quả bom khủng khiếp mà Liên Xô đã thử nghiệm trong chiến trường A Phú Hãn. Điều đau lòng nhất cho tôi là chuyện phải đối diện với những anh hùng và anh thư trong sách của tôi. Tôi nhớ một người đàn bà trước đây đã kể cho tôi chuyện con trai bà đã được một ông tướng mướn trong sáu tháng để xây nhà cho ông ta. Thằng bé tử nạn ở chiến trường hai tháng sau đó. Người đàn bà này đã hét to vào mặt tôi trước khi tôi rời A Phú Hãn: “Trên hết, phải viết đúng sự thật.” Và giờ đây bà làm chứng để chống lại tôi. Bà muốn thằng con bà được chết như một người hùng.
Thật ra mấy chuyện kiện cáo, tranh chấp với quyền lực, nó chẳng đáng để chúng ta phải bàn cãi. Trong xã hội chúng tôi, chuyện này là thường. Và tôi nghĩ nó vẫn tiếp diễn với Lukashenko, ngài tổng thống của chúng tôi trong vòng 15 năm qua. Vấn đề không phải là chuyện hắn nắm quá nhiều quyền lực, mà là việc người dân vẫn ủng hộ hắn. Tất cả mọi người ở đây đều sẵn sàng lên án chính quyền, nhưng chưa ai sẵn sàng chịu nhận phần trách nhiệm của mình. Nếu lãnh tụ của chúng ta là một tên cộc cằn vô văn hóa như Lukashenko, thì cũng chỉ vì người dân nhìn thấy họ trong hắn, hắn biểu tượng, ở một khía cạnh nào đó, lý tưởng của số đông. Có lẽ không phải 85% dân số, nhưng ít nhất cũng được 55%. Ở một nước, như nước Pháp, may ra hắn tồn tại được ba ngày. Nhưng vào thời điểm perestroika, chúng tôi đã cưu mang nhiều hoang tưởng.
Những hoang tưởng nào?
Lúc đó chúng tôi đang ở trong trạng thái phơi phới. Chúng tôi nghĩ rằng mọi tệ trạng xã hội đã bắt nguồn từ chủ nghĩa cộng sản. Sau khi chế độ này sụp đổ, chúng tôi tưởng sẽ bắt đầu một cuộc đời mới với các quốc gia ở phương Tây. Cách suy nghĩ này rất ngây thơ. Với chiến tranh ở Chechnya, người ta lại trải nghiệm một thời y hệt như những gì xảy ra trong chiến tranh A Phú Hãn.
Họ rao giảng những bài diễn văn yêu nước về chuyện bảo vệ Nga Xô, sự hy sinh cho tổ quốc, v.v., nhưng sự khốn cùng đã thúc đẩy chuyện nhập ngũ. Trong quyển sách kế tiếp, tôi đã phỏng vấn một phụ nữ có đứa con gái làm cho sở cảnh sát. Một gia đình Sô viết tiêu biểu. Do hoàn cảnh chiến tranh, đứa con gái bắt đầu làm việc trong một nhà máy lúc mới 12 tuổi, bà mẹ thì ở Siberia xây đường rầy Baikal – Amour – Maguistral. Rốt cuộc: huy chương, mề đai đầy ngực, và nghèo. Cứ nhìn vào tình trạng chỗ ở của hai mẹ con thì sẽ thấy, với mấy cái dây điện đung đưa lõng thõng, không được bịt cho an toàn. Vào năm 1994, khi thấy không thể khấm khá, gia đình này bỏ miền Bắc xuống lập nghiệp ở Minsk. Sau khi tốt nghiệp trung học kỹ thuật, đứa con gái muốn theo đuổi ngành tâm lý học; nhưng không có tiền, nó gia nhập sở cảnh sát. Ở tuổi 22, nó làm mẹ, có một bé gái với một thằng chồng nghiện rượu. Nghèo. Nó tới thăm bà mẹ: Má ơi, con sắp đi Chechnya, nhà nước sẽ gửi con sang bên đó, tới lượt tụi con phải đi.” Mẹ nó nói: “Con còn con nhỏ ở nhà, không ai bắt con phải đi.” – “Má ơi, con muốn kiếm tiền như người ta, tụi con sẽ đi du lịch sang Ai Cập coi mấy cái kim tự tháp, sẽ dùng thẻ tín dụng mua ti-vi, điện thoại di động, máy giặt đồ, và khi con trở về con sẽ trả hết nợ.” Để kiếm tiền, giải pháp duy nhất là đi Chechnya. Còn chuyện có phải giết người hay không, đối với nó, là không thành vấn đề.
2602415
Minsk, 1995
Nhà nước chỉ gửi những chiến binh tự nguyện tới Chechnya?
Đúng như vậy, nhưng chiến binh tự nguyện thì vô số kể. Không thể tưởng tượng tình cảnh mấy đứa bạn đồng nghiệp ở sở con bé. Đứa tình nguyện đi để có tiền lợp lại mái nhà, đứa đi để có tiền làm đám cưới, đứa khác phải trả nợ, đứa thì muốn mua xe Mẹc-xơ-đéc. Hóa ra người ta chỉ có thể lập lòe thông điệp yêu nước trên cái phông nghèo. Đứa con gái trẻ tuổi, được giáo dục theo nền tảng Sô viết, cứ coi là có ý thức cao về luân lý, tình nguyện sang Chechnya làm một tên đao phủ. Bà mẹ nói bà phản đối chuyện con gái bà đi lính; nhưng dù sao, cả gia đình cũng mong ngóng món tiền nó sẽ kiếm được. Đứa con gái lên đường sang Chechnya. Ở đó, sau một vụ lộn xộn gì đó, nó tự tử bằng súng lục. Nhà nước gửi quan tài nó về Minsk, sau đó họ im re. Các bạn đi lính của nó lần lượt trở về, nhưng không đứa nào hé miệng. Bà mẹ đi tìm người chỉ huy để hỏi chuyện, cũng không ma nào muốn tiếp bà. Trong thời gian này, những thanh thiếu niên khác tiếp tục tình nguyện đi Chechnya để kiếm tiền xài. Bà mẹ chua chát, “Còn mình thì hổng đủ tiền mua một đôi giày thể thao.” Sau một thời gian điều tra, bà mẹ rút ra hai giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất, chuyện rượu chè. Ở đó lũ đàn ông uống rượu như nước lã. Chúng dụ con bé uống rượu say rồi hiếp nó. Lúc tỉnh ra, căm hận, nó đe dọa lũ đàn ông: “Tao sẽ đi tố cáo cho tụi bay tù rục xương. Sẽ không thằng nào ra khỏi đây.” Bọn này thấy vậy giết nó rồi phao tin là nó tự tử. Giả thuyết thứ hai, chuyện tiền bạc. Con bé giữ nhiệm vụ đứng trực ở trạm kiểm soát biên giới. Ở đó, ai ai cũng áp-phe, buôn lậu: thuốc phiện, nhiên liệu, bất cứ thứ gì. Con bé chận một chiếc xe trở về Nga trong đó chứa toàn là đồ cắp. Nó khăng khăng không chịu cho xe qua trạm nên bị giết. Bà mẹ cho tôi xem những bài luận nó làm thời tiểu học; nó viết nắn nót trong một quyển vở học trò: “Lớn lên, tôi muốn trở thành một người tốt.” Có lẽ vì muốn như vậy nên nó chết. Đó, hai giả thuyết, cả hai đều thê thảm. Bà mẹ kể cho tôi nghe, bùi ngùi: “Viết ra cũng không thay đổi được điều gì, vì chẳng ai quan tâm. Bà coi, bây giờ nhà nước còn đề nghị dùng trực thăng chở khách du lịch sang thưởng ngoạn Chechnya.” Đó, những người dân tôi đó, ở xứ sở chúng tôi.
Chị cũng thân với Anna Politkovskaya [nữ phóng viên đối lập mà dư luận đồn là bị hậu vệ của Putin ám sát vào năm 2006). Tại sao chị không viết một cuốn sách về Chechnya?
Tôi không muốn lập lại Những Cỗ Quan Tài Kẽm! Anna Politkovskaya đã hoàn thành một công trình tuyệt vời, nhưng đó là một nỗ lực báo chí, khác với mục đích của tôi. Những vấn đề siêu hình không làm chị ấy quan tâm. Tôi không phải là một nhà báo theo định nghĩa nghiêm túc. Tôi sử dụng thể loại báo chí như một cách khai thác nhiên liệu, nhưng lấy cảm hứng từ văn học. Từ hơn một trăm nhân chứng, tôi thanh lọc khoảng mười câu chuyện, và từ một trăm trang bản thảo phỏng vấn, đôi khi tôi chỉ giữ lại ba trang, hay vỏ vẹn hai đoạn văn. Liên tục qua ba cuốn sách, tôi nghĩ mình đã nói hết những gì có thể nói về chiến tranh, từ cái nhìn của một người viết. Đối với tôi, chiến tranh không phải là một giải pháp cho những vấn nạn thời đại, mà là một sự lầm lẫn, phản thiên nhiên. Những thế hệ về sau sẽ coi chúng ta như lũ người của Thời Đại Chiến Tranh, các tín đồ man rợ của thần Hỏa Tinh. Văn hóa quân đội đòi hỏi sự phục tòng, khái niệm anh hùng hóa của sức mạnh, sự tôn vinh “dương” tính, trò chơi tuyệt đỉnh của nam giới chính là chiến tranh, lạc thú trong cách họ hòa đồng với bộ quân phục, đây là những đề tài văn chương. Nhưng tình cảnh, hậu quả của chiến tranh, đó không phải là văn học. Và thật tình mà nói, tôi đã kiệt quệ. Tôi cũng chỉ là người. Bao nhiêu là nạn nhân, những hành động tàn bạo, tôi không thể tiếp tục. Viết một cuốn sách về Chernobyl và đồng thời quan tâm tới Chechnya, điều đó thật quá sức đối với tôi. Chernobyl đã làm tôi mất mười một năm trong đời.
chernobyl-nuclear-power_ 2008
Chernobyl, 2008
Trong tác phẩm [Lời Khẩn Cầu Từ Chernobyl], các nhân chứng thường đề cập đến chiến tranh.
Nhưng đó là một cuộc chiến mà họ hoàn toàn không được chuẩn bị … Không một sinh mạng nào có thể chuẩn bị cho một biến cố như vậy. Chỉ có nhân loại trước Chernobyl và nhân loại sau Chernobyl. Tôi nhớ có một bà lão ở đó. Một tháng sau vụ nổ ở nhà máy nguyên tử, quân đội bắt đầu dùng xe buýt để di chuyển các nông dân ra khỏi khu vực. Trong lúc cả làng đã tụ tập với hành lý của họ, một người lính đến báo với nhân viên nhà nước rằng có một bà lão nhất định không chịu đi. Cụ nghiêng nhìn về phía tôi, có lẽ vì tôi là phụ nữ duy nhất ở đó, và kể lể: “Con ơi, tại sao ta phải đi? Mặt trời đang chiếu sáng, những con chim đang bay. Trong những cuộc chiến mà ta đã trải qua, ta thấy những trận bom, mùi hăng của khói, lính tráng nước ngoài, ta đã biết chiến tranh là như thế nào. Nhưng chung quanh đây toàn là lính của ta. Đây là chiến tranh hay sao?” Cả tôi và ông đội trưởng không ai có một câu trả lời sẵn sàng. Vâng, đó là một hình thể mới của cuộc chiến, nhưng không ai coi trọng một hiểm họa mà họ không nhìn thấy, cảm thấy hoặc có thể đụng tay tới. Sau cuộc di tản của những nông dân, những người khác tới đó, vào sống trong những ngôi nhà bị niêm phong và bắt đầu khai thác những cánh đồng bị bỏ hoang. Lúc đầu nhà nước còn đuổi họ đi; nhưng họ lại lừng lững trở về. Hôm nay, những ngôi làng trước đây được phân tán hoàn toàn đã có lớp người khác đến chiếm đóng, ít nhất cũng tới non một nửa.
Trong quyển sách nàyngười đọc cũng thấy rõ guồng máy chính trị đã phản ứng như thế nào …
Nhà nước ở đây đã phản ứng như thường lệ: họ tạo ra hoàn cảnh chiến tranh. Mọi người sẽ hy sinh cho tổ quốc và mang lại chiến thắng … Những tháng đầu tiên, khi họ đổ bê-tông chung quanh lò nguyên tử [để ngăn chặn bức xạ], đoàn quân được gửi đến [Pripyat, Ukraine] đã mang theo những dụng cụ, vũ khí rất hùng hậu: xe tăng, máy bay trực thăng trang bị với hai nòng súng đại liên, quân binh ai ai cũng lăm le súng máy. Mà họ định bắn ai mới được chứ? Hiển nhiên là mọi binh sĩ ở đó đều bị nhiễm bức xạ. Một thành viên của Ủy ban Trung ương đến viếng và muốn được dẫn đi xem lỗ hổng [từ vụ nổ]. Được cảnh báo rằng bức xạ từ lỗ hổng có thể gây tử vong, ông khăng khăng đòi đi xem “với chính hai con mắt của tui.” Đây là thái độ điển hình của các hậu vệ cộng sản trong chế độ cũ, họ phải dấn thân với dân tình ở đó, phải hy sinh, phải xung phong trước lằn đạn. Tôi nghĩ ông ta đã tử nạn ngay sau đó. Tôi cũng nhớ một giáo sư vật lý đã kéo mấy đứa con lên ban công chiêm nghiễm đám cháy. Ông nói với tôi: “Thật không ngờ Tử Thần có bộ mặt đẹp như vậy.” Cơ hội của tôi, nếu tôi có thể coi [vấn nạn Chernobyl] như một cơ hội, là tôi đã đến đó ngay ở buổi đầu, lúc mọi người còn trong trạng thái bàng hoàng, chấn động. Đó là một biến cố chưa từng thấy bao giờ nên mọi người đã phát ngôn rất mạnh mẽ. Lúc này, họ đã qua thời bị sốc, bây giờ nếu muốn viết cũng khó mà viết được một quyển sách như vậy. Trong một thời gian dài tôi viết mà không cần biết chuyện mình viết sẽ đi tới đâu, vì khác với chiến tranh, chưa có đề tài nào như đề tài Chernobyl trong truyền thống văn học, đó là một đề tài hoàn toàn mới.
Lời Khẩn Cầu từ Chernobyl đã gây tiếng vang cho chị khắp hoàn cầu.  Có phải vì vậy mà người ta đã bắt đầu đề cử tên chị cho giải văn học Nobel?
Điều đó không hẳn là chỉ do cuốn sách này. Điều hiện làm người Nhật cũng như người Thụy Điển quan tâm tới, là lịch sử của thiên đàng không tưởng được sản xuất tại Liên Xô mà bao thế hệ đã phải chịu ảnh hưởng, một thử nghiệm trong một môi trường đặc thù về sự quy mô và trường thọ của nó. Những độc giả bỗng nhiên phát hiện ra một cá nhân mà trong suốt ba mươi năm đã viết về lịch sử của cái không tưởng lớn này. Nhưng đây không phải là quan điểm của cá nhân đó hay của các chính trị gia. Không, đây là lịch sử nhỏ, diễn tả bởi những con người nhỏ. Ở một trình độ mà ai ai cũng có thể thấu cảm.
Anne Brunswic