Saturday 14 November 2015

Tổng Trấn Mạc Cửu

Sử Việt ghi nhận một người tham gia phong trào "phản Thanh phục Minh" bên Trung Hoa thất bại trốn chạy xuống vùng đất phía Nam. Về sau, nhờ có công khai khẩn vùng đất này nên ông được xem như một danh thần và được vua Minh Mạng ban sắc chỉ truy phong là Trung Đẳng Thần.Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Tổng trấn Mạc Cửu" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối hôm nay.
*****
Chẳng đội trời Thanh Mãn,
Lần qua đất Việt bang.
Triều đình riêng một góc,
Trung hiếu vẹn đôi đường.
Trúc thành xây vũ lược,
Anh Các cao văn chương.
Tuy chưa là cô quả,
Mà cũng đã bá vương.
Bắc phương khi vỡ lở,
Nam hải lúc kinh hoàng.
Giang hồ giữa lang miếu,
Hàn mạc trong chiến trường.
Đất trời đương gió bụi,
Sự nghiệp đã tang thương.

Đó là bài thơ ngũ ngôn của thi sĩ Đông Hồ cảm tác về họ Mạc ở Hà Tiên.
Mạc Cửu người gốc xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông. Khi nhà Minh bị nhà Thanh xâm chiếm, Mạc Cửu không phục, tham gia vào hàng ngũ "Phản Thanh Phục Minh" chống đối triều đình. Bị quân Thanh truy đuổi, Mạc Cửu dẫn gia quyến cùng tùy tùng và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến chạy xuống phương Nam lánh nạn. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, đoàn thuyền của Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang của Chân Lạp trong vịnh Thái Lan xin tỵ nạn.

Năm 1680, được phép của vua Chân Lạp, Mạc Cửu đến khai khẩn đất Hà Tiên, ông đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt đến Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên sau đó trở thành một thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền giao thông. Sau đó ông còn khai khẩn các vùng đất ở Giang Thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, sông Ông Đốc... để canh tác.

Năm 1708, Mạc Cửu liên lạc được với Chúa Nguyễn Phúc Chu. Đến năm 1714, nhận rõ thế lực của Chúa Nguyễn càng lúc càng mạnh trong khi nước Chân Lạp ngày càng suy yếu, Mạc Cửu quyết định đem đất Hà Tiên giao cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn tiếp nhận và phong cho Mạc Cửu làm Tổng trấn Hà Tiên. Đất Hà Tiên chính thức trở thành một đơn vị hành chính trong lãnh thổ Việt Nam và kể từ đó một vùng đất biển hoang sơ đã trở thành phố thị và là một thương cảng lớn nhất ở xứ Đàng Trong, in đậm dấu chân trong hành trình Nam tiến của dân tộc Việt.

Hà Tiên ngày xưa bao gồm từ tỉnh Kampong Som trải dài xuống đến Rạch Giá, Long Xuyên, ven biển thì kéo dài từ Lũng Kỳ đến Cà Mau. Trấn Hà Tiên được chia thành hai vùng: Phía trên từ Rạch Giá, Long Xuyên đến Bạc Liêu. Phần phía nam con sông Hậu có đồng bằng lớn, phía bờ biển từ Phú Quốc chạy đến mũi Cà Mau có nhiều hải sản, đặc biệt là vị trí nơi này dễ dàng giao thương với các nước xung quanh. Hà Tiên nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan.

Năm 1735, Tổng trấn Mạc Cửu mất, con ông là Mạc Thiên Tứ được nhà Nguyễn cho kế nghiệp cha. Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (bắc Bạc Liêu).
Năm 1755, hoàng tử Chân Lạp là Nặc Ông Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng cho chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để được quân Việt ủng hộ đưa về Nam Vang lên ngôi vua.

Năm 1758, chúa Nguyễn ủng hộ Nặc Ông Tôn lên làm vua Chân Lạp và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Ông Tôn tặng riêng cho Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền đông nam Chân Lạp. Mạc Thiên Tứ liền dâng hết toàn bộ vùng biển ven đảo Phú Quốc cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Võ vương sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.

Mạc Cửu sau đó được triều đình nhà Nguyễn truy phong Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị Công. Về sau, vua Minh Mạng ban sắc, truy phong thêm tước vị cho ông là Thụ Công – Thuận Nghĩa – Trung Đẳng Thần.

Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt cho rằng, nhờ có Mạc Cửu, người Việt mới có cơ hội bước qua bờ nam sông Tiền. Nhờ giỏi võ nghệ và tài cầm quân, họ Mạc nhiều lần dẹp yên giặc cướp, mấy bận phò chúa Nguyễn, đánh đuổi ngoại bang giữ gìn bờ cõi... khai khẩn đất phương Nam, nên họ Mạc xứng đáng với hai câu đối trước cổng tam quan ở lăng Mạc công, tại chân núi Bình San:

"Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng
Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh".
* * *
Một điều đáng ghi nhận là lịch sử Việt Nam không phủ nhận dòng họ Mạc Cửu là người Trung Hoa, tương tự như không bao giờ phủ nhận các anh hùng Lý Bôn (Lý Nam Đế), Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương).... thuộc dòng dõi người Hoa, chạy sang lánh nạn ở VN vì bị triều đình Bắc phương tru di cửu tộc.

Thế nhưng sau khi bị đi đày hay lánh nạn sang đất Giao Chỉ, họ đã tự xem mình là người Việt và đã đóng góp rất nhiều công sức, kể cả máu xương, trong việc mở mang bờ cõi và bảo vệ nền tự chủ của dòng Tiên Rồng. Con cháu Mạc Cửu cũng như thế. Không chỉ có chăm lo mở mang bờ cõi, mang lại sự trù phú cho miền cực nam nước Việt, mà trong cuộc chiến tranh với quân Tây Sơn, một số tướng lãnh của nhà Nguyễn cũng là con cháu của Mạc Cửu.

Chính vì thế, không ai phủ nhận sự tương quan giữa hai dòng Hán tộc và Việt tộc, nhưng không thể vin vào sự tương quan ấy để chấp nhận các chiêu bài bịp bợm "4 tốt" hay "16 chữ vàng" mà thực chất chỉ là muốn thôn tính và Hán hóa dân tộc Việt.

Điều đáng mỉa mai là trong khi dòng họ Mạc Cửu cảm kích nước Việt đã cho mình một mảnh đất để dung thân nên đã tốn bao công sức giúp dân Việt mở mang thêm bờ cõi, thì bây giờ tập đoàn cộng sản VN lại cúi đầu dâng hiến đất đai và biển đảo cho đế quốc Hán Cộng!

Việt Thái