Thursday 31 December 2015

Nhức nhối vacin Việt Nam - Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Một người đàn ông bế con đến cơ sở tiêm vacin ở Hà Nội
Một người đàn ông bế con đến cơ sở tiêm vacin ở Hà Nội
 RFA
Sự kiện hàng trăm người chen lấn, giẫm đạp lên nhau từ 9h đêm cho đến sáng hôm sau để ghi danh tiêm vacin năm trong một và cuối cùng phải thất vọng ra về ở 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội chỉ là giọt nước làm tràn thêm chiếc ly nhức nhối về tiêm phòng cho trẻ em. Có thể nói rằng hiện nay, vấn đề tiêm phòng cho trẻ em là câu chuyện đầy may rủi và trắc ẩn cho trẻ em Việt Nam bởi hàng loạt cái chết đã xảy ra vì loại vacin này cũng như cách làm việc hết sức ầu ơ của ngành y tế Việt Nam.
Tính rủi ro quá cao
Một phụ huynh tên Hà, sống ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ: “Cán bợ yt ế phường, xã họ làm việc mình thấy cũng không đáng tin cậy lắm. Nói chung là như trường hợp ở Quảng Trị, họ xạc (hút vào xilanh – nói theo ngôn ngữ nhà nghề) nhầm thuốc gây mê, sau đó chích cho tụi trẻ nên chết là chắc rồi. Họ không có trách nhiệm, cứ nhắm mắt nhắm mũi làm theo qui trình nên đâm ra tính mạng trẻ em nguy hiểm…”
Theo bà Hà, vấn đề tiêm vacin cho trẻ em luôn là nỗi trăn trở lớn của những bậc cha mẹ như bà. Bởi lẽ, hiện trạng xã hội Việt Nam đang là một hiện trạng đánh đu với mạng sống. Giải thích thêm, bà Hà cho rằng hầu hết vacin đều được đưa về các trung tâm y tế phường để chích. Trong khi đó, trình độ của cán bộ y tế phường là hết sức ầu ơ, chính vì trình độ ầu ơ, chuyên môn rất cà chớn của phần lớn cán bộ y tế phường mà mỗi lần đưa con đi tiêm vacin là một lần nhắm mắt đưa chân với hên xui may rủi.
Bà Hà nói rằng theo chỗ tìm hiểu của bà, hầu hết cán bộ y tế cấp phường xã, đều là những đảng viên Cộng sản trong phong trào đoàn vào những năm thập niên 1980, 1990 và họ được đào tạo chuyên một theo diện chín cộng hai. Nghĩa là thời đó, ai học đến lớp chín phổ thông, có gia đình thuộc diện có gốc có rễ trrong chế độ nhưng lại không thi nổi đại học thì được đào tạo thêm hai năm thực hành ở các bệnh viện huyện để thành cán bộ y tế.
Và hầu hết cán bộ y tế cấp xã đều làm việc theo kinh nghiệm và thói quen chứ không hiểu biết gì về tính năng hay tác dụng của những loại thuốc mới. Ví dụ như có vacin mới, loại năm trong một chẳng hạn, thì họ được đưa đi tập huấn vài ngày về kĩ thuật tiêm, tác dụng và dấu hiệu phản ứng xấu sau khi chích. Về phần khám sức khỏe trước khi chích vacin, hầu như làm theo kinh nghiệm là chính.
Có nhiều trường hợp mà theo bà Hà là hết sức buồn cười. Ví dụ như bà có hai đứa con nhỏ cách nhau hai tuổi, khi bà đưa đứa nhỏ đi chích vacin, cán bộ y tế thấy đứa lớn ngồi trên ghế khám là nhắm mắt nhắm mũi khám, khám xong ghi kết quả vào kết quả khám của đứa nhỏ và cho đi chích. Bà thắc mắc thì cán bộ y tế quát: “Tại sao bà cho đứa lớn ngồi vào ghế khám?”. Lúc này bà mới nói cho họ biết là chính cán bộ y tế bảo đứa lớn ngồi vào ghế khám trong khi nó chỉ đi theo em nó chứ không hề chích vacin. Cuối cùng, ông cán bộ y tế phường hỏi bà Hà sức khỏe đứa nhỏ có tốt không, bà nói tốt, ông cho chích vacin luôn chứ không hề khám đứa nhỏ.
Điều đó chứng tỏ cách khám sức khỏe trước khi chích vacin của cán bộ y tế phường chỉ có tính hình thức. Và nói một cách nghiêm túc thì họ cũng không có đủ khả năng để chẩn đoán sức khỏe cho đứa trẻ., Trong khi đó, lịch chích vacin chung cho cả nước là ngày 25 hằng tháng. Có ngày trùng với ngày Rằm âm lịch và việc chích diễn ra từ sáng sớm.
Người Saigon xếp hàng chờ tiêm vacin cho con
Người Saigon xếp hàng chờ tiêm vacin cho con
Bà Hà cho rằng lịch chích vacin như vậy hoàn toàn thiếu khoa học bởi trong những ngày Rằm, đồng hồ sinh học của đứa trẻ sẽ bị tác động mạnh bởi hấp lực mặt trăng, sức khỏe của đứa trẻ sẽ không bình thường, dễ bị phản ứng xấu với các chất lạ khi đưa vào cơ thể. Bên cạnh đó, chích vacin quá sớm như vậy cơ thể đứa trẻ cũng chưa hoàn toàn tỉnh thức bởi trẻ em cần ngủ đủ giấc, ăn uống no nê và có thời gian nghỉ ngơi sau khi ăn mới có thể chịu được việc chích vacin hay tiêm bất kì loại thuốc nào vào cơ thể.
Bà Hà cho rằng những cái chết oan nghiệt của các em bé ở Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh sau khi chích vacin năm trong một có thể là phát xuất từ nguyên nhân sức khỏe của các em bé, chích thuốc lúc các em bé đói bụng, chích không đúng qui trình và vacin cũng không được bảo quản đúng qui trình. Tất cả những cái chết của các bé thơ sau khi chích vacin năm trong một, theo bà Hà là do trình độ chuyên môn của cán bộ y tế quá kém và nạn tham nhũng quá cao, lương tri nghề nghiệp cũng không có.
Trách nhiệm ngành y tế năm ở đâu?
Ông Kha, cựu cán bộ y tế quận, hiện sống ở quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: “Thứ nhất là cái qui chế, nó giống như mọi ngành khác nó bị cán bộ hóa. Tiêu cuẩn nghề nghiệp lại dựa trên pháp đồ, không ai dám chịu trách nhiệm. Người ta làm theo qui trình và không hề có suy nghĩ gì bên ngoài cái qui trình do nhà nước ban hành. Một khi cán bộ hóa, qui chuẩn hóa thì yếu tố tư duy sẽ bị kém…!”.
Theo ông Kha, vẫn có những cán bộ y tế phường và quận được học hành, đào tạo căn bản nhưng họ còn quá trẻ và chưa nắm bất kì quyền lực, trách nhiệm nào trong cơ quan. Hầu hết các trưởng trạm y tế cấp phường, xã trên cả nước đều là những cán bộ có trình độ “chín cộng hai” hoặc “mười hai cộng một” và sau này họ tiếp tục học chuyên tu, tại chức để tiến thân. Và chắc chắn là trăm phần trăm, không sót một mảy may nào cán bộ lãnh đạo y tế phải là đảng viên Cộng sản. Họ được mệnh danh “vừa hồng lại vừa chuyên” theo yêu cầu đặt ra của đảng và nhà nước.
Vì họ là đảng viên nên họ luôn trụ ở vị trí lãnh đạo mặc dù trình độ chuyên môn của họ rất thấp, nếu không muốn nói là không có gì trước yêu cầu quá khắt khe của thời đại khoa học công nghệ và y tế đã phát triển đến đỉnh cao. Bởi chính vì thiếu chuyên môn nhưng thừa quyền lực nên hầu hết các tuyến y tế từ xã đến huyện, tỉnh đều có nạn tham nhũng hoành hành, tham ô, móc ngoặt và hối lộ cũng không kém.
Bởi ngay từ đầu vào, muốn xin được việc, một điều dưỡng hay một bác sĩ mới ra trường phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để đút lót lãnh đạo, và khi làm nghề, họ phải lấy lại số tiền đó, sau đó tiếp tục lấy lãi và lúc này, hấp lực đồng tiền kéo họ đi đến chỗ không có điểm dừng. Sức khỏe của bệnh nhân trở thành cái cớ để cán bộ y tế đục khoét, nhũng nhiễu.
Đặc biệt, ngân sách cũng như viện trợ hằng năm cho các tuyến y tế phường, xã là rất cao nhằm mua sắm những trang thiết bị hiện đại, xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng hầu hết các công trình hàng chục tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ đồng đều là những công trình sớm nở tối tàn, chưa hoàn thiện đã bong tróc, nứt nẻ bởi nạn tham nhũng, rút ruột và toa rập giữa cán bộ lãnh đạo với nhà thầu xây dựng.
Lấy một ví dụ nhỏ, ông Kha so sánh bản chi tiết xây dựng công trình nhà nước và công trình tư nhân. Ví dụ tiền công xây dựng của một công trình tư nhân nhà cấp bốn không có đổ trần bê tông hiện tại là 800 ngàn đồng trên mỗi mét vuông hoàn thiện. Nhưng với công trình nhà nước, bản chi tiết của mỗi mét vuông xây dựng sẽ gồm 800 ngàn đồng xây dựng cộng với tiền đắp tường, tiền chạy chỉ, tiền xử lý chống thấm, tiền làm đẹp trần nhà và đủ các loại tiền khác sẽ lên đến hai triệu đồng mỗi mét vuông, đó là giá chung trong xây dựng công trình nhà nước. Chưa kể đến nâng giá khống vật liệu xây dựng rồi sau đó rút ruột công trình.
Ông Kha chua chát đưa ra nhận xét là hầu hết các cán bộ lãnh đạo nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo ngành y tế đều rất giỏi tính toán nâng giá công trình xây dựng nhưng lại kém về chuyên môn y học. Và chuyện này sẽ còn kéo dài rất lâu nếu như ngành y tế vẫn tiếp tục quan tâm đến viện phí, tiền dịch vụ y tế nhưng lại không quan tâm đến đạo đức, lương tâm từ lãnh đạo cao nhất đến cán bộ nhỏ nhất.
Câu chuyện vacin Việt Nam, nếu nói đúng bản chất thì cần phải tiêm cho mỗi cán bộ ngành y tế một mũi vacin chống tham nhũng, chống vô cảm, chống nói khoét, chống cậy quyền, chống hành hạ bệnh nhân – đó là mũi vacin năm trong một của cán bộ y tế trước khi họ được phép chích vacin năm trong một cho trẻ em.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.