Thursday 31 December 2015

songchi's blog : Những suy nghĩ cuối năm.

Ngày cuối cùng của năm 2015. Khi tôi viết những dòng này thì châu Âu đang là buổi chiều ngày 31.12. Mỹ mới là buổi sáng. Úc châu đã bước qua năm 2016, bạn bè trên facebook đã post lên những hình ảnh pháo hoa sáng rực tại các thành phố lớn của nước Úc. New Zealand cũng vậy. Còn ở Việt Nam là buổi tối và chỉ còn lại vài giờ cuối.
Khi một năm cũ sắp qua đi, năm mới sắp đến, con người thường có những suy nghĩ khá giống nhau: đó là nhìn lại mình trong năm vừa qua, đã và chưa làm được gì, có những vui buồn nào đáng nhớ, khát vọng nào chưa hoàn thành…Để rồi hy vọng năm sau sẽ tốt đẹp hơn, may mắn hơn năm cũ. Phong tục của người VN, và có lẽ các quốc gia khác cũng thế, là những chuyện buồn, xui xẻo, những mối lo âu, nợ nần…của năm cũ phải thanh toán cho hết hoặc nếu không thì cũng tránh nhắc nhớ đến trong những ngày đầu năm. Năm mới là chỉ nói chuyện vui, những niềm hy vọng mới.
Đó là chuyện cá nhân, là cuộc sống riêng của mỗi người. Chuyện chung, chuyện đất nước cũng thế.
Vì vậy còn lại những giờ phút cuối cùng, chúng ta cũng muốn nhìn lại những chuyện không vui trong năm cũ của thế giới và của đất nước để ước mong năm mới tình hình sẽ sáng sủa hơn.
Trên toàn thế giới năm 2015, những tin vui không đủ làm át đi những tin buồn và những sự kiện ám ảnh cả thế giới như hình ảnh về cuộc nội chiến ở Syria dẫn đến sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của Hoa Kỳ, các nước phương Tây đồng minh của Hoa Kỳ và cả Nga. Trận động đất tại Nepal, khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, cuộc khủng hoảng người tỵ nạn ồ ạt đổ về châu Âu-một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ những năm 1940. Cuộc chiến chống khủng bố IS vẫn đang kéo dài không biết bao giờ thì kết thúc, và ngược lại, những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác nhằm vào châu Âu và Hoa Kỳ khiến hàng trăm hàng ngàn người vô tội chết oan, phá vỡ sự bình an trong lòng mọi người, thách thức các giá trị tự do, dân chủ, lòng nhân ái của các xã hội văn minh. Nổi bật, gây chấn động thế giới là các vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, Paris tháng 1.2015, vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris, Pháp vào ngày 13.11, vụ máy bay dân sự chở khách của Nga bị khủng bố đánh bom rơi ở Ai Cập vào ngày 31.10 hay vụ xả súng tại một trung tâm hỗ trợ người khuyết tật quận San Bernardino, California, Mỹ sáng 2.12…
Ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng muốn khẳng định sức mạnh của một cường quốc mới, muốn vươn ra biển và áp đặt lại luật lệ trong khu vực. Lợi dụng lúc Hoa Kỳ và phương Tây còn đang bận rộn tham gia vào cuộc chiến ở Syria và đối phó với nạn khủng bố, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào quân sự, đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đánh chiếm của VN, gây quan ngại lớn cho cộng đồng quốc tế, đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trong đó quốc gia đang phải chịu sự thánh thức lớn nhất đến toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, độc lập chủ quyền là VN, một phần vì mối quan hệ lệ thuộc của đảng cộng sản VN đối với đảng cộng sản Trung Quốc, một phần vì VN không có đồng mình là các cường quốc quân sự lớn như một số quốc gia khác trong vùng.
Năm 2015 cũng là năm kỷ niệm 70 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít được tổ chức tại nhiều nước trên thế giới, nhắc nhớ nhân loại về họa phát xít, chiến tranh thế giới lần thứ hai để con người cảm thấy giá trị của hòa bình và sự cần thiết phải kiềm chế hết mức để tránh một cuộc chiến thứ ba có thể xảy ra, lần này có thể không vì sự điên rồ của một học thuyết, một chủ nghĩa nhưng có thể từ sự cuồng tín vào tôn giáo, hay tham vọng địa chính trị quá lớn từ một quốc gia nào đó.
Riêng VN, năm 2015 qua đi, trong dòng chảy ồ ạt của thế giới, bức tranh toàn cảnh về mọi mặt của VN vẫn nhiều màu xám, những chuyển động nếu có thể gọi là tích cực vẫn rất chậm trong khi những diễn biến tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng… lại lớn hơn nhiều.
Về chính trị, ngoại giao, VN tiếp tục trò đu dây quen thuộc giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây, chính sách này tưởng là khôn ngoan nhưng thực ra, lại khiến cho VN không có đồng minh thực sự và không một nước nào thật sự tin tưởng vào VN, đồng thời, chỉ khiến cho VN khó thoát ra khỏi áp lực từ Trung Cộng.
Về kinh tế, những tín hiệu đáng mừng là việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ ngày 31.12.2015 sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, hay việc Việt Nam kết thúc đàm phán hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), góp phần cải thiện, thúc đẩy tình hình kinh tế của VN. Nhưng ngược lại, những dấu hiệu khủng hoảng về kinh tế qua tình trạng nợ công, nợ xấu tăng nhanh, hiện tượng một số địa phương hết tiền, những vụ sai phạm, đại án chấn động tại một số ngân hàng như Ocean Bank, Agribank, GP bank… đẩy các ngân hàng này vào tình thế bên bờ vực phá sản, gây tác động xấu lên thị trường tiền tệ…
Đạo đức xã hội tiếp tục xuống cấp, không có ngày nào mở trang báo hay bật TV lên mà không đọc/nhìn thấy những tin tức về cướp, giết, hiếp…xảy ra ở nơi này nơi khác, đặc biệt một số vụ thảm sát-giết cùng lúc nhiều người như vụ giết 6 người trong một gia đình ở Bình Phước vì hận tình, vụ sát hại 4 người ở Yên Bái vì tranh chấp nương rẫy, vụ sát hại 4 người ở Nghệ An vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, bộc phát….khiến dư luận rúng động.
Bên cạnh đó, thông tin về những vụ án oan cũng khiến dư luận chú ý. Hai vụ án oan nổi bật năm 2015 là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang chính thức được bồi thường tiền tỷ và ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận chính thức được minh oan. Nhưng vẫn còn đó, rất nhiều bản án có dấu hiệu oan sai khác chưa được giải quyết, trong đó có những vụ là án tử hình như Hồ Duy Hải, tỉnh Long An (bị kết tội giết người, bị tuyên án tử hình từ năm 2009, suýt bị thi hành án vào ngày 5.12.2014 nhưng có quyết định tạm dừng); Lê Văn Mạnh, Thanh Hóa (bị kết tội hiếp dâm, giết người, bị tuyên án tử hình từ năm 2005 và cũng suýt bị thi hành án vào ngày 16.10.2015); Nguyễn Văn Chưởng, Hải Phòng (bị kết tội giết người, án tử hình từ năm 2007); Hàn Đức Long, tỉnh Bắc Giang (bị kết tội hiếp dâm trẻ em, giết người, án tử hình từ năm 2007) v.v…
Những vụ xung đột do cưỡng chế, thu hồi đất đai giữa người nông dân và nhà cầm quyền vẫn tiếp tục xảy ra, những vụ xách nhiễu, bắt bớ, đàn áp người bất đồng chính kiến, hoạt động xã hội vẫn tiếp tục cho dù VN đã hứa sẽ cải thiện tình hình khi gia nhập TTP.
Trong đó có những trường hợp như blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, từng là công an và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt từ tháng 5.2014 đến nay vẫn chưa đem ra xử; trung tá Trần Anh Kim từng bị tù 5 năm 6 tháng vì tội hoạt động nhằm Lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, bi bắt trở lại trong tháng 9.2015 và luật sư Nguyễn Văn Đài từng bị 5 năm tù giam, bị bắt lại trong tháng 12.2015 về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước" lần thứ 2, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự…
Nhằm che đậy những hành vi đàn áp công khai của mình, nhà nước VN đã sử dụng đến côn đồ gọi là đám “lưu manh Đỏ” để tấn công, hành hung những người bất đồng chính kiến, hoạt động dân chủ, nhưng những trò này không lừa được ai, trong nước cũng như quốc tế.
Trong những tháng cuối năm, mối quan tâm theo dõi của người dân đổ dồn vào đại hội đảng lần thứ XII, cuối cùng sau nhiều lần lùi hoãn, sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 28 tháng 1 năm 2016 tại Hà Nội. Việc chuẩn bị chậm trễ cho thấy dường như nội bộ Đảng còn chưa đồng thuận trong một số vấn đề như tình hình tranh chấp Biển Đông, quan hệ với Trung Quốc và lựa chọn nhân sự cấp cao sắp tới. Càng gần tới đại hội, những cuộc đấu đá, tranh giành những chức vụ cao nhất càng diễn ra ác liệt, người dân chỉ đoán được phần nào sự căng thẳng tình hình qua những thông tin nội bộ được các phe tung ra trên mạng nhằm triệt hạ uy tín đối phương.
Rõ ràng khác xa với các quốc gia tự do dân chủ, ở đó những người tranh cử chức vụ cao nhất như Tổng thống, Thủ tướng phải trải qua nhiều vòng tranh cử, đưa ra những chính sách, quan điểm của mình về những vấn đề quốc nội và quốc tế, trải qua nhiều cuộc tranh luận, phản biện công khai với đối thủ trên báo chí, sóng truyền hình trực tiếp, chưa kể trực tiếp phát biểu, viết bài, trả lời phỏng vấn báo chí truyền thông…Qua đó người dân trong nước và thế giới có thể biết được tường tận từ tính cách, đời tư, sở thích cá nhân, quá trình học tập, làm việc, tham gia chính trị cho đến những lập luận, quan điểm, đường lối, chính sách của vị Thủ tướng hoặc Tổng thống tương lai. Và người sẽ do nhân dân bẩu lên thường phải là người xuất sắc, có năng lực thật sự, hết lòng phụng sự đất nước, nhân dân.
Trong khi đó ở những quốc gia độc tài nói chung và do đảng cộng sản lãnh đạo như VN, người dân hoàn toàn không có cơ hội thẩm tra/chứng kiến trình độ, năng lực, tư duy…của những người lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước cộng sản. Chỉ có giữa họ bầu bán với nhau. Và thay vì cạnh tranh nhau một cách lành mạnh, công khai về năng lực, trình độ thì họ lại sử dụng mọi biện pháp bẩn thỉu để triệt hạ đối phương, như sử dụng những trang blog nặc danh, những bài báo nặc danh tung ra những thông tin “động trời” về tài sàn, tư cách, những quan hệ làm ăn mờ ám của nhau…thậm chí không ngần ngại giết nhau theo đúng nghĩa đen nếu có thể. Lịch sử đảng cộng sản VN không thiếu những cái chết mờ ám và rất “đúng lúc” của các quan chức.
Tất cả tâm trí của họ dành để đấu đá triệt hạ nhau, và làm sao để giữ được ghế, còn đâu đầu óc mà lo giải quyết những vấn đề lớn của đất nước? Mà nếu có muốn giải quyết, họ cũng chẳng giài quyết nổi. Nhìn lại tất cả những gương mặt chính khách cao cấp nhất của đảng cộng sản VN, chỉ trừ mấy khuôn mặt thời kỳ đầu như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh hay Võ Văn Kiệt là phần nào có năng lực, có bản lĩnh chính trị, còn lại những thế hệ Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, cho tới các Bộ trường sau này đều kém, và đặc biệt là hèn yếu trước Bắc Kinh.
Đất nước là của chung nhưng hơn 90 triêu người dân VN không hề có quyền đóng góp ý kiến gì vào tương lai, số phận của đất nước hay có quyền lựa chọn mô hình thể chế chính trị phù hợp, lựa chọn người tài lên lãnh đạo, kể cả quyền được biết thông tin một cách công khai. Người dân chỉ có thể đoán mò qua những thông tin bị rò rỉ chưa chắc đã chính xác và những lời đồn đãi!
Nhưng cho dù ông nào hiện nay từ ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng hay bất cứ ai trong nhóm Bộ Chính trị có nắm lấy những vị trí cao nhất thì tình hình cũng chẳng có gì sáng sủa. Như đã nói, nguyên nhân là vì tất cả họ đều hèn kém, tham quyền cố vị, đều chỉ nghĩ đến quyền lợi của phe nhóm, cá nhân mình, chẳng hề nghĩ gì đến quyền lợi của đất nước, dân tộc. Tất cả họ chẳng một ai dám từ bỏ mô hình thể chế chính trị sai lầm này, chuyển sang mô hình tự do dân chủ đa đảng pháp trị, cũng chẳng hề dám mạnh dạn bắt tay với Hoa Kỳ và phương Tây, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Cộng, nói gì đến dũng cảm bảo vệ chủ quyền, trọn vẹn lãnh thổ lãnh hải.
Thế nên, tình hình VN cho đến cuối năm 2015 vẫn chả có gì sáng sủa.
Nhưng dù sao, con người sống là phải hy vọng. VN dù sớm dù muộn chắc chắn vẫn phải thay đổi. Và việc chuyển sang con đường tự do dân chủ là tất yếu. Không có một nhà nước độc tài tham nhũng đầy sai lầm và bất lực nào lại có thể tồn tại mãi mãi. Ngay cả một cường quốc quân sự, cha đẻ của mô hình xã hội chủ nghĩa Marxism–Leninism như Liên Xô hay các nước XHCN Đông Âu cũ hay những quốc gia độc tài lâu năm ở Bắc Phi, Trung Đông và Myanmar mà còn phải thay đổi nữa là…
Vỉ vậy, mỗi người chúng ta có quyền hy vọng và tích cực đóng góp phần mình vào tiến trình thay đổi ấy bằng những việc làm thiết thực, dù nhỏ bé, nhưng triệu tia lửa góp lại, đến một thời điểm thích hợp, sẽ thổi bùng thành ngọn lửa lớn quét sạch mọi tàn tích của chế độ độc tài phản động phản cách mạng này, đưa lịch sử VN sang một trang mới.

Người Việt có yêu nước không?

Song Chi.
Người Việt có yêu nước không? Nếu bây giờ mà đặt một câu hỏi như vậy thì đúng là rất dễ bị “ném đá”, tẩy chay! 
  • Read more
  • Giáng Sinh của người Na Uy.

    Song Chi.

    Bạo lực, cái ác lan tràn…do đâu?

    Song Chi.

    Môn Sử-đừng đi từ sai lầm này sang sai lầm khác

    Song Chi.

    Khủng bố dù ở đâu, nhân danh lý do gì, cũng bị nhân loại lên án

    Song Chi.
    Khủng bố ở nước người

    Để không còn là giấc mơ

    Song Chi.
    Khi xảy ra sự kiện Liên Xô và hàng loạt các nước XHCN Đông Âu cũ đổ sụp như những quân bài domino vào cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ XX, nhiều người Việt trong và ngoài nước hồi hộp mơ có một ngày như vậy sẽ đến với VN.

    Nỗi đau Việt Nam

    Song Chi.

    Không có cái gì người ta không ăn cắp!

    Song Chi.