Saturday 12 December 2015

Sylvie Vartan, 40 năm tình khúc Nicolas - Tuấn Thảo

Sylvie Vartan, 40 năm tình khúc Nicolas
Tuyển tập "Một đời qua tiếng nhạc" của Sylvie Vartan - DR

Một đời qua tiếng nhạc (Une Vie en Musique) là tựa đề tuyển tập chọn lọc của Sylvie Vartan. 16 ca khúc ăn khách một thời, giờ đây lại được khoác áo mới. Một cuộc hành trình xuôi dòng ký ức, nhưng không mủi lòng da diết hay não nuột ray rức, mà lại tựa như ngọn đuốc thắp sáng kỷ niệm tuổi thơ rung động háo hức, tha thiết rạo rực.

Một đời qua tiếng nhạc gồm 16 tình khúc chia thành ba giai đoạn. Phần đầu tiên gồm 6 bản nhạc nói về những năm tháng đầu đời, cái thời thơ ấu của Sylvie Vartan tại Sofia thủ đô Bulgari. Phần thứ nhì (gồm 5 bài) gắn liền với thủ đô Paris, sau khi cha mẹ cô rời nguyên quán sang Pháp. Giai đoạn này rất quan trọng cho sự nghiệp ca hát với sự khởi đầu ‘’bất đắc dĩ’’ của Sylvie, do thế chân một cô ca sĩ tới trễ mà lại trở thành thần tượng nhạc trẻ những năm 1960.
Phần thứ ba cũng là phần cuối cùng (5 bài hát còn lại) nói về những năm tháng Sylvie lập nghiệp tại Hoa Kỳ, sau khi lấy chồng người Mỹ là nhà sản xuất Tony Scotti. Cả ba giai đoạn đều quan trọng, nhưng nhiều ý nghĩa nhất vẫn là những tháng ngày tuổi thơ (Mon Enfance, nguyên tác của Barbara), chốn kỷ niệm đầy ắp tình thương của người cha (Mon Père), vườn trẻ thân quen với hình ảnh con ngựa gỗ (Le Petit Cheval), tiếng gọi thì thầm của Dòng Sông Tuổi Nhỏ (La Maritza), nụ cười hiền hoà của cậu bạn học cùng lứa (Nicolas).
Nguyên tác tình khúc Nicolas
Trên tuyển tập ‘’Một đời qua tiếng nhạc’’, Sylvie Vartan ghi âm lại một phiên bản mới của bài Nicolas nhân dịp 40 năm ngày tình khúc này ra đời. Cũng như nhạc phẩm La Maritza (Dòng Sông Tuổi Nhỏ) phát hành vào năm 1968, bài hát Nicolas đã từng được đặt thêm lời Việt. Trái với các nguồn ghi chép trên mạng, bài hát này không phải là một nhạc phẩm tiếng Nhật, mà là một ca khúc đến từ Hungary. Tác giả bài hát là Peter Máté (sinh năm 1947, mất năm 1984), một ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc nhẹ, từng đoạt giải nhất vào năm 1973 cuộc thi sáng tác toàn quốc ‘‘Made in Hungary’’.
Vào năm 1975, tức cách đây đúng 40 năm, Peter Máté nổi danh tại nhiều quốc gia Đông Âu nhờ ghi âm bài hát Elmegyek có nghĩa là ‘‘Ta ra đi’’ (I’m Leaving). Mãi tới bốn năm sau, Sylvie Vartan mới được nghe ca khúc này. Thấy giai điệu quá hay, cho nên cô mới nhờ tác giả Michel Mallory đặt lời Pháp cho ca khúc. Có thể nói phiên bản tiếng Pháp là phần tiếp nối cho nhạc phẩm La Maritza. Sau khi hồi tưởng lại ‘’Dòng Sông Tuổi Nhỏ’’, bản nhạc Nicolas qua hình tượng của cậu bé học trò cùng trang lứa là một cách gợi lại cả một khung trời kỷ niệm, của cái thuở lưu luyến yêu thương, tóc bím tung tăng cắp sách tới trường.
La Maritza là một bản nhạc 100% Pháp
Trong nguyên tác, bài La Maritza là một ca khúc hoàn toàn tiếng Pháp do hai tác giả Jean Renard và Piere Delanoe sáng tác cho Sylvie Vartan. Gần mười năm sau, đến phiên bài Nicolas ra đời chuyển thể từ một ca khúc ăn khách của Bulgari. Cả hai bài này là những khúc biến tấu về chủ đề tuổi thơ, khai thác cùng một lối dẫn dắt câu chuyện. Trong bài Dòng Sông Tuổi Nhỏ, Sylvie nhìn sông Seine lững lờ mà bỗng chạnh lòng nhớ lại La Maritza, kỷ niệm càng sáng, hình tượng càng đẹp là nhờ vào lời kể của người cha.
Còn trong bài Nicolas, Sylvie từ phương trời Paris bỗng dưng nhớ về người bạn ở thủ đô Sofia năm nào, không biết bây giờ đã lưu lạc về nơi đâu. Cả hai bài hát đều khai thác cùng một lối hoà âm với bộ đàn dây, tiếng đàn vĩ cầm réo rắc du dương gọi hồn ‘’du mục’’ tạo nên một sắc thái đậm nét Đông Âu …..
Điều đó khiến cho nhiều người Pháp nghĩ rằng cả hai bài này đều bắt nguồn từ các điệu dân ca truyền thống Bulgari, cho dù thực tế là không phải vậy, nhưng cả hai bài nghe đều rất lọt tai. Khi được phát hành vào năm 1979, nhạc phẩm Nicolas đã bán hơn ba triệu đĩa đơn, trong đó có gần nửa triệu tại Nhật Bản. Cũng nhờ phiên bản tiếng Pháp mà bài hát của Peter Máté nổi danh trên thế giới, được dịch sang nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật và tiếng Việt.
Trên album ‘’Một đời qua tiếng nhạc’’, Sylvie Vartan cũng đã ghi âm lại nhiều bài hát rất nổi tiếng trước đây của cô với lối phối khí mới, trong đó có những bản nhạc như ‘’Em đẹp nhất đêm nay’’ (La plus belle pour aller danser) hay là ‘’Nghe nhịp mưa rơi’’ (En écoutant la pluie), ‘’Tình như điếu thuốc’’ (L’amour est comme une cigarette), ‘‘Gái mà như trai’’ (Comme un garçon) …..
Sofia, Paris, Los Angeles : Ba mối tình của Sylvie
Theo nhà báo Benoît Cachin, tác giả của quyển Tự điển ca khúc của Sylvie Vartan (Dictionnaire des chanssons de Sylvie Vartan), thì nếu như Charles Aznavour nắm giữ kỷ lục về số lượng sáng tác xấp xỉ cả ngàn bài, một cách tương tự thần tượng nhạc trẻ những năm 1960 tính tới nay đã ghi âm trên dưới 700 bài hát của hàng chục tác giả hàng đầu, trong 9 thứ tiếng khác nhau (Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bulgari, Hà Lan và Nhật Bản).
Việc phản ánh một sự nghiệp ca hát kéo dài hơn nửa thế kỷ, thu gọn lại một cuộc đời âm thanh qua tiếng nhạc của 16 ca khúc là điều không dễ, dĩ nhiên là một số fan hâm mộ có thể sẽ thất vọng vì họ không tìm thấy trên tuyển tập này những bài mà họ yêu thích. Tuy nhiên, Sylvie đã chọn những bài hát tiêu biểu cho câu chuyện mà cô muốn kể. Album này giống như một bộ phim đi theo một tuyến thời gian nhất định (chứ không phải là tuân theo trình tự thời điểm phát hành các bài hát).
Ba giai đoạn của một đời người : thời thơ ấu, thời thanh xuân, thời cao niên ôn lại những chặng đường đã qua. Lối hoà âm trong phần thứ ba không tinh tế như trong hai phần đầu, nhưng nhìn chung tuyển tập chọn lọc này vẫn đậm đặc chất mộc, với ba cột mốc quan trọng.
Nếu như Joséphine Baker từng hát : Tôi có hai mối tình, quê hương tôi và Paris thì Sylvie Vartan cũng có ba mối tình : tình quê hương với Sofia, tình thương gia đình với Paris, tình yêu vợ chồng với Los Angeles ….. ‘‘Một đời qua tiếng nhạc’’ là nơi chắt chiu bao kỷ niệm tâm hồn, níu nhịp thời gian chậm rãi từ tốn, cho ánh chiều đừng vội tắt hoàng hôn.

Sylvie Vartan : nửa thế kỷ hát cho người, tạ ơn đời


Sylvie Vartan : nửa thế kỷ hát cho người, tạ ơn đời
 
Sylvie Vartan bắt đầu ca hát vào năm 1961 (DR)

Đối với một người mà ban đầu không muốn chọn nghề ca hát, Sylvie Vartan lại là một trong những ca sĩ Pháp có sự nghiệp bền vững nhất. Bóng thời gian mới đó mà đã vụt bay. Từ cái ngày cô bước vào nghề ca hát một cách bất đắc dĩ vào năm 1961, tính đến nay đã là 50 năm. Nửa thế kỷ hát cho người, nửa thế kỷ tạ ơn đời.

Sinh năm 1944 tại Iskrets, Sylvie Vartan là người gốc Bulgary. Bố cô là tùy viên sứ quán Pháp tại Sofia, còn ông nội là giám đốc công ty điện lực quốc gia. Gia đình cô chạy trốn chế độ cộng sản sang Pháp định cư năm 1952, Sylvie lúc đó mới lên 8. Mãi đến năm 1990, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Sylvie Vartna mới được dịp về thăm quê cha lần đầu tiên. Thời còn nhỏ, cô bé chăm chỉ học giỏi, nhưng thật ra lại nuôi mộng trở thành diễn viên điện ảnh, chứ không phải là ca sĩ.
Năm lên 6, cô đã từng đóng trong một bộ phim lịch sử cổ trang kể lại thời kỳ Bulgary bị đế chế Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục xâm chiếm. Vì thế mà nhiều lần, Sylvie ngỏ ý xin mẹ cho cô theo học lớp đào tạo diễn xuất. Sợ con mình xao lãng việc học, bà mẹ mới bảo : đậu bằng tú tài cho xong, rồi lúc đó hãy tính. Trong gia đình, Sylvie có một người anh trai tên là Eddie Vartan, có khiếu chơi đàn nên thường tham gia vào các ban nhạc nghiệp dư, cũng từ đó mà anh quen biết thêm nhiều giới nghệ sĩ.
Sylvie Vartan ngẫu nhiên thành ca sĩ
Cho đến một ngày kia, bạn của Eddie là nam ca sĩ Frankie Jordan chuẩn bị vào phòng thu để ghi âm một bản song ca (bài Panne d’essence), thì vào giờ chót cô ca sĩ hát chung lại không đến. Không còn ai khác để thay thế, Eddy Vartan mới cấp tốc kéo cô em gái Sylvie từ nhà đến phòng ghi âm. Tưởng chừng hát thử cho vui, nào ngờ lại thành đĩa thật. Nhờ ca khúc này mà tên tuổi của Sylvie được lăng xê vào năm 1961. Vài năm sau đó, tên tuổi của Frankie Jordan chìm hẳn, còn Sylvie thì lại nổi đình nổi đám.
Từ năm 1963, thời kỳ phát hành nhạc phẩm En écoutant la pluie (Nghe nhịp mưa rơi - nguyên tác là ca khúc Rythm of the rain), Sylvie Vartan cùng với France Gall và Françoise Hardy trở thành những gương mặt tiêu biểu của dòng nhạc trẻ những năm 60 tại Pháp. Phong trào này được gọi là yé yé phiên âm từ chữ yeah yeah của Mỹ, trong thời gian đầu chuyên chuyển dịch phóng tác các ca khúc ăn khách của làng nhạc Anh Mỹ. Gương mặt tiên phong của phong trào này là ca sĩ Pháp Richard Anthony.
Sau khi cất cánh, sự nghịêp của cô đạt đến tột đỉnh vào những năm 68, 69 và vẫn tiếp tục sáng chói qua bao thập niên nhờ biết đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người nghe và nhất là thích nghi với các phong trào âm nhạc thời thượng từ nhạc kích động disco cho đến nhạc pop những năm 80 và 90. Mãi đến những năm sau này, Sylvie mới dần dần chuyển qua hát nhạc ‘‘nghiêm túc’’, chú trọng nhiều hơn đến ca từ ý tứ của bài hát, chứ không còn chạy theo những giai điệu dễ nghe, dễ nhớ nhưng với lời ca vô thưởng vô phạt : nghe cũng được mà không nghe thì cũng chẳng sao.
Sau hơn 40 năm thành công trong sự nghiệp ca hát, Sylvie Vartan vẫn trụ lại trong làng nhạc nhờ một lượng fan hâm mộ đông đảo thuộc vào nhiều thành phần và lứa tuổi, nhưng chủ yếu cũng vì cô làm việc không ngơi nghỉ, ghi âm đến 3 album chỉ trong 4 năm vừa qua. Tập nhạc gần đây nhất của cô mang tựa đề Soleil bleu (Mặt trời màu xanh) vừa được trình làng vào tháng 12 vừa qua, hầu như cùng một lúc với đĩa đơn mới của Johnny Hallyday (nhạc phẩm Jamais seul tạm dịch là Không bao giờ cô đơn do Mathieu Chedid sáng tác).
Đi tìm những cảm hứng mới 
Lần này, Sylvie Vartan triệu tập các tác giả thuộc thế hệ mới như Julien Doré, Arthur H, Keren Ann để soạn cho cô một album mang đậm sắc thái của nhạc pop kết hợp với nhạc folk. Họp tác với các ngòi bút trẻ là một cách để cho cô đi tìm những cảm hứng mới. Sở trường của Sylvie Vartan không phải là lối hát mộc, nên lần này cô được trợ bởi một lối hoà âm đa tầng, cuồn cuộn lớp lớp, khác với những gì cô thường hát nhưng chưa chắc gì sắc sảo bằng các tập nhạc trước.
Bên cạnh những sáng tác mới, Sylvie Vartan còn ghi âm lại (cover) một số ca khúc quen thuộc, trong đó có tập nhạc Nouvelle Vague Làn sóng mới bao gồm những ca khúc bất hủ thập niên 60 của các nghệ sĩ ăn khách cùng thời. Lối hoà âm phối khí khi thì phá cách, lúc thì rất gần giống với nguyên tác nhưng nhìn chung vẫn ngợi lại cho người nghe cả một khung trời kỷ niệm, nhất là đối với tất cả những ai đã lớn lên trong giai đoạn này.
Thời còn trẻ, Sylvie Vartan đã tạng cho làng nhạc Pháp nhiều ca khúc bất hủ : Dòng sông tuổi nhỏ, Anh thì không, Em đẹp nhất đêm nay đều đã từng được chuyển dịch sang lời Việt. Trên cuộn CD Làn sóng mới, Sylvie Vartan ghi âm trong tiếng Anh lẫn tiếng Pháp toàn là những ca khúc để đời. Trong tiếng Pháp thì có các bài như Souvenir Souvenir (Kỷ niệm) của Johnny Hallyday, Il est 5h Paris s’éveille (5 giờ sáng Paris thức giấc) của Jacques Dutronc, Le temps de l’amour (Một thời để yêu) của Françoise Hardy. Trong tiếng Anh thì có các sáng tác của Bob Dylan. Leonard Cohen và ban nhạc The Mamas and the Papas (Dream a little dream of me).
Khoác áo mới cho những tình khúc vang bóng một thời. Sân chơi của Sylvie Vartan tựa như một cái nháy mắt đối với tất cả những người mến mộ, trung thành với cô ca sĩ tóc vàng từ bao thập niên qua. Vào lúc mà tại Pháp đang có xu hướng hoài niệm, ôn lại những hình ảnh xinh đẹp giai điệu êm đềm của cái thuở xa xưa, tiêu biểu qua các đợt lưu diễn tập hợp trên cùng một sân khấu hàng chục nghệ sĩ nổi danh vào thời này.
Có lẽ cũng vì thế trong số các dự án sắp tới của mình, Sylvie Vartan dự trù cho ra mắt các tuyển tập bao gồm các bản ít được phổ biến của mình. Đó thường là những bài song ca hay các phần biểu diễn mà cô thâu cho đài truyền hình, chưa từng được phổ biến qua băng đĩa. Những ca khúc hiếm thấy này hẳn chắc sẽ làm hài lòng giới hâm mộ chuyên sưu tầm ca khúc và âm nhạc trên mạng.
Chê của nào trời cho của nấy
Trong suốt sự nghiệp Sylvie Vartan đã ghi âm đến 38 tập nhạc, bán hơn 60 triệu album trên thế giới. Bộ toàn tập gần đây nhất của cô bao gồm ít nhất là 500 bài hát tập hợp trên 21 cuộn CD. Nhưng bộ sưu tập này chỉ bao gồm những ca khúc thâu trong giai đoạn từ 1961 – 1986, tức là trong 25 năm đầu sự nghiệp của cô. Sylvie Vartan cũng là một trong những gương mặt hiếm thấy có đến gần 10 quyển tiểu sử viết về mình lúc sinh thời, giới hâm mộ thì lại dành cho cô nguyên một quyển tự diển dày 400 trang để tập hợp lại tất cả những ca khúc mà cô đã thâu trong sự nghiệp và nhất là những giai thoại lý thú xung quanh nguồn gốc và tình huống ra đời của bài hát.

Nhìn lại, số thần tượng nhạc trẻ những năm 60 còn sót lại thời nay có thể được đếm trên đầu ngón tay. Đối với một người mà ban đầu muốn chọn nghề diễn viên, Sylvie Vartan rốt cuộc lại rơi vào nghiệp hát. Chính bản thân cô cũng không ngờ là sự nghiệp sân khấu của mình lại trường kỳ đến như vậy, có lúc chìm lúc nổi, nhưng nhìn chung vẫn là một sự thành tựu hiếm thấy. Sylvie Vartan càng chê của nào, trời lại càng cho của nấy.