Tuesday 5 January 2016

Sắm đồ Tết - Nhóm phóng viên tường trình từ VN

620
Hàng tết bày bán cho khách hàng chủ yếu là công nhân
 RFA photo
Sắm áo quần Tết cho con, cho cha mẹ, người thân, câu chuyện này đã thành nếp quen thuộc của người Việt, ngoài ý nghĩa tìm ra một sắc màu mới cho năm mới, nó còn chứa cả đạo lý làm người, cả sự thể hiện tình cảm, sự ân cần của cha mẹ dành cho con cái, con cái dành cho cha mẹ già… Tuy nhiên, câu chuyện sắm áo quần Tết của giới lao động nghèo tại Việt Nam lại là một đề tài nặng nề bởi mỗi đồng bỏ ra để sắm quần áo Tết còn chứa cả sự cân nhắc, tính toán và nỗi lo thiếu trước hụt sau…
Nhịn ăn để mặc hay nhịn mặc để ăn?
Chị Nguyệt, một lao động hiện đang làm việc tại khu công nghiệp Sóng Thần 2, Bình Dương, chia sẻ: “Nói qua thì tạm được thôi chứ còn… Người ta nhà quan chức, giàu có, làm ăn kinh doanh có tiền thì người ta xài thoải mái mới nghĩ đến áo quần mới đẹp đẽ chứ mình không có tiền thì mình ăn mặc bình thường thôi. Mua đại áo quần ngoài đường cho nó có mới vậy thôi, mua cho có vậy thôi chứ đâu dám nghĩ nhiều…”.
Chị Nguyệt có cách nói chuyện khá hóm hỉnh khi ví von người lao động nghèo với hai hình ảnh hai vị thần trong truyền thuyết dân gian, đó là ông “nhịn ăn để mặc” và ông “nhịn mặc để ăn”. Nghĩa là trong mỗi người lao động nghèo Việt Nam đều có cả hai ông này hiện hữu.
Nếu như ông nhịn ăn để mặc có áo quần xúng xính, bóng mượt, đẹp đẽ nhưng thân hình ốm o, gầy mòn bởi thói quen nhịn ăn để mua sắm áo quần thì ngược lại, ông nhịn mặc để ăn chỉ đóng chiếc khố sơ sài, rách tả tơi nhưng được cái là chiếc bụng khá bự và thân thể mập mạp, mạnh khỏe.
Nhưng nếu đưa cả hai ông này để so sánh với một con người bình thường thì dể dàng nhận ra cả hai ông đều thiếu thốn, đều thuộc diện nghèo. Bởi nếu giàu, người ta không bận tâm đến chuyện nhịn thứ nào để bổ sung cho thứ nào, không cần phải nghĩ mình nên nhịn ăn để mặc hay nhịn mặc để ăn.
Giới lao động người Việt làm thuê trong các khu công nghiệp cũng vậy, đa phần đều nghèo khổ, thiếu thốn, nếu muốn mặc đồ đẹp thì phải nhịn ăn, ngược lại, muốn ăn đầy đủ dinh dưỡng một chút thì phải nhịn mặc.
Người ta nhà quan chức, giàu có, làm ăn kinh doanh có tiền thì người ta xài thoải mái mới nghĩ đến áo quần mới đẹp đẽ chứ mình không có tiền thì mua đại áo quần ngoài đường cho nó có mới vậy thôi chứ đâu dám nghĩ nhiều…
- Chị Nguyệt, Bình Dương
Giải thích thêm, chị Nguyệt nói rằng trên thực tế, người lao động Việt Nam vẫn có một cơ hội duy nhất để lựa chọn, để được cả ăn no và mặc đẹp nhưng con đường này nhanh chóng đưa người ta đến nghĩa địa hoặc mất danh dự, phẩm hạnh. Tuy rằng nói là con đường nhưng nó có hai nhánh, hoặc là chọn ăn thực phẩm Trung Quốc, mặc áo quần Trung Quốc, hoặc là vẫn ăn ngon mặc đẹp, không chạm đến hàng Trung Quốc nhưng phải bán mình.
Ở hướng thứ nhất, theo chị Nguyệt đây là hướng chọn của đại đa số chị em công nhân trong các khu chế xuất, đó là cuối năm, mua vài bộ áo quần của Trung Quốc bán theo diện đồ bành dọc các nẻo đường từ Bắc chí Nam, muốn mua tại Sài Gòn, Bình Dương cũng có mà về quê mua cũng có. Còn hằng ngày, thực phẩm giá rẻ như chân gà đông lạnh, thịt heo đông lạnh, thịt gà đông lạnh đều không có nguồn gốc, xuất xứ và tuy không nói ra thì ai cũng biết đó là hàng Trung Quốc.
Với mức lương trung bình từ hai triệu rưỡi đồng tới năm triệu đồng, hầu hết giới lao động làm thuê trong các khu công nghiệp đều cảm thấy ngột ngạt, không đủ sống. Với riêng chị Nguyệt, mức lương ba triệu đồng mỗi tháng, trong đó chi phí ăn uống, điện nước, thuê phòng trọ và đổ xăng xe máy để đi làm mỗi ngày đã đội lên đến hai triệu. Một triệu đồng còn lại gánh cả chi phí card điện thoại hằng tháng, quà cáp gia đình ở quê và dự trữ phòng khi đau ốm, hữu sự. Có thể nói đời sống của chị Nguyệt hiện tại là “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, cái triết lý “cố gắng ăn mắm mút dòi để tồn tại” là triết lý chung, được chuyển hóa thành nguyên tắc sống của giới lao động nghèo Việt Nam.
Chính vì quá khó khăn nên mỗi dịp lễ Tết, người lao động trông chờ vào tiền thưởng, tiền Tết để mua sắm áo quần, quà cáp cho quê nhà. Nhưng nếu như mua các loại áo quần có tên tuổi, thương hiệu như Blue, Levis, Piacardin… Thì người lao động có mơ cũng không dám bén mảng tới các cửa hàng này. Bởi mỗi tháng lương của lao động Việt Nam không mua đủ một chiếc quần bò ở những cửa hàng Pie Cardin, Levis và không mua nổi một bộ áo quần ở Blue. Lựa chọn của người lao động vẫn là áo quần bán trôi nổi trên thị trường, miễn sao nhìn vừa mắt, không quá tệ.
Và cái câu hỏi “nhịn ăn để mặc hay nhịn mặc để ăn” vẫn là câu hỏi thường trực của người lao động nghèo Việt Nam.
Vật giá âm thầm leo thang
400
Quần áo bán dọc đường gần các khu công nghiệp. RFA photo
Ông Trung, cán bộ quản lý cho một công ty trong khu công nghiệp Sóng Thần 2, Bình Dương, chia sẻ: “Lương quản lý (mới) chừng bảy tám triệu chứ không có hơn. Thì mình cứ tiêu pha, xài co cụm vậy thôi chứ không dám tiêu xài gì đâu. Thì khéo ăn thì no khéo co thì ấm vậy thôi!”.
Với mức lương hơn mười lăm triệu đồng mỗi tháng của một cán bộ quản lý, ông Trung thú nhận là ông chưa bao giờ cảm thấy sống thoải mái. Và mặc dù cả hai vợ chồng đều làm cán bộ quản lý trong khu công nghiệp, nếu cộng lương của hai người lại cũng được khoản tiền gần ba chục triệu đồng mỗi tháng nhưng việc chọn trường tốt cho con học hành và mua sắp áo quần an toàn, ăn uống an toàn cũng đã làm tiêu tốn gia đình ông một số tiền không nhỏ.
Ông Trung cho rằng trên lý thuyết, ngân hàng nhà nước Việt Nam vẫn giữ quan điểm là đồng tiền Việt Nam chênh lệch giá không đang kể trong ba năm nay, hay dựa theo tỉ giá hối đoái, tỉ giá vàng thì đồng tiền Việt Nam ổn định. Nhưng trên thực tế, câu chuyện hoàn toàn không phải là vậy.
Lương quản lý (mới) chừng bảy tám triệu chứ không có hơn. Thì mình cứ tiêu pha, xài co cụm vậy thôi chứ không dám tiêu xài gì đâu. Thì khéo ăn thì no khéo co thì ấm vậy thôi!.
- Ông Trung, Bình Dương
Bởi trước đây ba năm, nếu có đám giỗ, một gia đình không có điều kiện kinh tế có thể đi chợ với hai trăm ngàn đồng cũng có thể nấu được một mâm trầm trà cúng ông bà. Nhưng hiện tại, cầm hai trăm ngàn đồng đi chợ, chỉ đủ mua hai nải chuối, hai bình hoa cúng và vài cái bánh chưng. Muốn nấu một mâm trầm trà để cúng giỗ, mất ít nhất cũng là một triệu đồng.
Điều này cho thấy đồng tiền Việt Nam không đảm bảo giá trị trong ba năm nay và nó liên tục mất giá trên thị trường. Ông Trung nói rằng nếu như một người lao động nghèo đi chợ, chỉ có một cách là mua vài bó rau, một ít cá lộn xộn và một ít thịt heo loại dỏm mới có thể tồn tại qua ngày. Nếu như đi chợ cho đầy đủ dưỡng chất, cầm hai trăm ngàn đồng bước vào chợ, khi ra khỏi chợ không còn đồng nào nhưng thức ăn vẫn chỉ là tạm an toàn chứ không hẳn đầy đủ dinh dưỡng.
Mà với người lao động, mỗi ngày đi chợ hai trăm ngàn đồng là chuyện không thể xảy ra. Một ngày đi chợ của người lao động thường dao động từ bốn chục ngàn đồng đến bảy chục ngàn đồng, tùy thuộc vào bậc lương của họ cao hay thấp mà chi tiêu. Với bốn chục ngàn đồng khi đi chợ, chắc chắn thứ người ta mang về không bao giờ an toàn và đảm bảo dinh dưỡng.
Năm hết Tết đến, với giới lao động nghèo Việt Nam, những người chưa bao giờ biết chiếc phong bì quà cáp là gì nếu họ không va chạm với công an khu vực hay dân phòng, chưa bị bắt chẹt thì nỗi lo lấy đâu ra tiền để sắm áo quần mới cho con cái, mua mét vải may áo mới cho mẹ già vẫn là nỗi lo đau đáu khó tả.
Và có vẻ như giữa cái xã hội mà với những kẻ ăn trên ngồi trốc, với giới quan lại rượu thịt ê hề, áo quần toàn tiền triệu, hàng hiệu, kệnh cỡm, hợm hĩnh… Thì những bộ áo quần Tết nặng nghĩa tình, nặng lòng hiếu hỉ của giới lao động nghèo như một nét chấm phá làm cho ngày Tết trở nên ý nghĩa và ấm áp tình người!