Saturday 13 February 2016

Đại thi hào Nguyễn Du

Kính thưa quý thính giả, Một nhà thơ lỗi lạc, có tư tưởng thâm thúy, tấm lòng nhân ái. Tài năng về nghệ thuật của ông được thể hiện qua các tác phẩm thi văn trong suốt cuộc đời và rõ nhất qua áng văn chương bất hủ là Truyện Kiều. Đây là tác phẩm độc nhất vô nhị đã làm rung động tâm hồn của nhiều thế hệ VN. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Đại thi hào Nguyễn Du" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình tối nay.

*****

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn.

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng.

Đó là bốn câu thơ của Chế Lan Viên ca ngợi các danh nhân nước Việt, trong đó có cụ Nguyễn Du.

Nguyễn Du tự là Tố Như, sinh ngày 3/1/1766 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh trong gia đình quý tộc. Cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, mẹ là bà Trần Thị Tần, quê ở Kinh Bắc. Ông mồ côi mẹ lúc 13 tuổi, sống với người anh là Nguyễn Khản. Ông đậu Nhị giáp Tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ.

Con đường làm quan của Nguyễn Du được xem là khá thành đạt. Nhưng ông sống bình dân, giản dị, không màng công danh. Ông đau xót, buồn thương, phẫn nộ trước "những điều trông thấy" khi chu du khắp nơi, sống gần gũi với tầng lớp bình dân và ngay cả khi sống giữa chốn quan trường. Ông dốc cả tấm lòng mình vào văn chương và thi ca.

Truyện Kiều được ông phóng tác từ cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều bằng Hán ngữ của Thanh Tâm Tài Nhân. Truyện Kiều là một thể thơ chữ Nôm, với 3254 câu, được xem là kiệt tác của văn học Việt Nam với tựa đề chính thức là "Đoạn Trường Tân Thanh".

Truyện Kiều được mọi tầng lớp dân chúng say mê, thậm chí là thuộc lòng. Vua Minh Mạng là người đầu tiên đứng ra chủ trì văn đàn ngâm vịnh Truyện Kiều và ra lệnh các quan ở Hàn Lâm Viện chép lại cho đời sau. Đến đời Tự Đức, nhà vua thường triệu tập các vị khoa bảng trong triều đến ngâm vịnh Truyện Kiều ở văn đàn Phú Văn Lâu.

Ngày nay, Truyện Kiều vẫn được xuất bản với số lượng lớn và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đều đánh giá cao Truyện Kiều. Vào năm 1965, Truyện Kiều được Hội đồng Hoà bình Thế giới bình chọn làm biểu tượng nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của cụ Nguyễn Du.

Đọc Truyện Kiều, người ta mường tượng ra được bối cảnh xã hội đảo điên, chạy theo tiền bạc, và nỗi đau buồn của Nguyễn Du hàm ẩn trong từng chữ, từng ý. Nhưng đọc Truyện Kiều, người ta mới thấu hiểu được tấm lòng thâm thúy, bao dung nhân ái, hiểu mình, hiểu đời, luôn khát khao một cuộc sống an bình của ông.

Ông mất ngày 18/9/1820, hưởng dương 54 tuổi. Lăng mộ được xây tại làng An Ninh, huyện Hương Trà. Vào năm 1824, thân nhân đã cải táng, đưa về chôn cất tại quê nhà của ông ở làng Tiên Điền, Hà Tĩnh.

Thi hào Nguyễn Du đã để lại một di sản văn chương đồ sộ với những tác phẩm kiệt xuất, ở thể loại nào ông cũng đạt được sự hoàn chỉnh.

Về thơ chữ Hán, ông có 3 tập thơ:

-Thanh Hiên thi tập gồm 78 bài ông làm lúc đang sống ở quê vợ và quê nhà Nghi Xuân.

-Nam Trung tạp ngâm gồm 40 bài, là tập thơ ông sáng tác lúc ra làm quan triều Nguyễn.

-Bắc Hành tạp lục gồm 132 bài, trong thời gian từ 1813 – 1814).

Các tập thơ chữ Hán có những bài kiệt tác như "Đọc Tiểu Thanh kí", "Sở kiến hành", "Long Thành cầm giả ca", "Thái Bình mại ca giả"...

Về thơ chữ Nôm, ông có hai kiệt tác:

- Đoạn Trường Tân Thanh với 3254 câu viết bằng thể thơ lục bát, và

- Văn tế Thập loại chúng sinh, gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát.

Ngoài ra, ông còn có một số tác phẩm đậm chất dân gian như "Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu" và bài vè "Thác lời trai phường nón".

Nguyễn Du là nhà thơ lỗi lạc, ông dùng ngòi bút phê phán xã hội suy đồi với văn phong mạnh mẽ, sắc bén. Các sáng tác của ông là sự kết tinh những thành tựu chữ Hán và chữ Nôm, tổng hợp tinh hoa của nhiều thể loại văn học. Ông là người đã có công rất lớn trong việc đưa tiếng Việt vào văn đàn thế giới. Ông xứng đáng được suy tôn danh hiệu Đại thi hào và Danh nhân văn hóa thế giới.

* * *

Cụ Phạm Quỳnh, một học giả lỗi lạc của VN vào đầu thế kỷ 20, từng tuyên bố là "Truyện Kiều còn thì đất nước ta còn". Đây không phải là lời khoa trương quá đáng, vì hơn 200 năm qua, rất nhiều câu thơ trong Truyện Kiều đã được cả giới trí thức, lẫn bình dân, trích dẫn để mô tả các vấn đề trong đời sống hiện tại. Và lạ lùng thay, chúng đều chính xác đến mức người ta có thể ngỡ rằng cụ Nguyễn Du đã sống trong thời đại của mình nên mới diễn tả được chính xác như thế.

Ngay chính cụ Nguyễn Du cũng không rõ là mình đã để lại một áng văn bất hủ như thế, nên mới tự hỏi là:

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Nhưng không cần đến 300 năm sau, gần hai trăm năm qua, bất cứ ai là người Việt cũng biết đến cái tên Nguyễn Du và không ngớt lời thán phục về thi tài của Tố Như.

Điều đáng nói hơn nữa, Truyện Kiều là tác phẩm vượt không gian và thời gian. Nó sẽ được nhiều thế hệ mai sau nhắc đến, chứ không chỉ có 300 năm như Cụ Nguyễn Du đã than thở.
Việt Thái