Monday 1 February 2016

Hai ông "trí thức" Mỹ gốc Do Thái

Ông nhạc sỹ Mỹ gốc Do Thái Robert Zimmerman (Bob Dylan) có công đánh thức sự phản kháng nơi những người trí thức (nhất là gốc da đen, Do Thái...) và từ đó người Mỹ giới trung lưu, đặc biệt giới trẻ, có gốc Do Thái, da đen... đã đứng lên biểu tình khắp nơi,  để tránh đừng bị những tay "tư bản chuyên bán võ khí" trưng binh như khuân rạ ném vào lò lửa trong cuộc chiến tranh lạnh đối đầu giữa hai phe "tư bản - cộng sản" (mà người Mỹ đã bỏ trên 50 ngàn tử thi trong đó).

Ông tiến sỹ Mỹ gốc Do Thái Henry Kissinger, già hơn ông Bob Dylan 18 tuổi, cũng có đại công đưa nước Mỹ thoát khỏi vũng bùn cuộc chiến Việt Nam, "tháo chạy trong thắng lợi"..., lại đẩy khối Liên Xô về một vị trí bất lợi, một mặt giúp Mỹ (mà chao ôi có nhiều trự cùng gốc) khai thác khối thị trường Tàu trên tỷ người nheo nhóc, đói ăn, khát uống...

Cả hai ông, nói cho cùng đều đã giúp cho những người cùng gốc chung nòi với mấy ổng, thoát đổ máu,  bỏ xương.

Tuy rằng trong cuộc chiến giữa khối Hồi Giáo và các nước Âu-Mỹ, chẳng còn thấy ông bà Mỹ, Pháp, Đức...nào nổi tiếng loại  Bob Dylan đếm bom trong gió đội sương gió đi kêu gọi hòa bình, và vào tuổi già, thay vì phản kháng, ông này đếm phần thưởng trong tiếng vỗ tay; và ông Henry Kissinger, khọm hơn, cũng không thể được ông TT Obama phái đi "hòa đàm" tại Trung Đông, mà chỉ sai một tay WASP ông Kerry ngược xuôi đem giọng lưỡi Tô Tần, Trương Nghi (dù loại dở, và kém tài hơn nhiều) đi du thuyết "bán hòa bình" và "thuốc rửa tay" cho người Mỹ (trong lúc kỹ nghệ võ khí...) vẫn hoạt động "tốt"!

Dù sao thì người Mỹ còn biết rút đúng lúc

Dù sao thì người Tàu còn biết đốc đúng lúc

Khi nào cần súng họ xài súng, khi nào cần đàm họ biết nói. Khi nào vần buôn bán thì họ tuyệt hảo.

Ở VN, có ông nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, sau khi liên tục trốn lính, ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh tại miền Nam (chưa từng dám chống chiến tranh dưới trào cộng sản VN nắm chính quyền), vào đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi tiếng súng còn lác đác, ổng xuất hiện trên đài phát thanh tuyên bố mình chính thuộc thành phần "giải phóng", và công khai kết án tạm những người đã rời VN là "phản quốc".

Nhưng ổng vẫn được rất nhiều người thông cảm. 

Thông cảm hơn cả những gia đình người dân miền Nam bị kết tội "theo Mỹ Ngụy" rất nhiều. Thông cảm hơn cả những nạn nhân vô tội bị chết trong những vụ di tản rất nhiều... Dù rằng sau đó, số người ủng hộ hay thông cảm với ông Sơn, thậm chí chính một vài người trong thân hữu, gia đình ông ta, cũng "tháo chạy" bằng đủ mọi lối, để qua Mỹ hay Canada, Úc, Pháp (hình như sau này, một vài đã dựt lui tìm đường về với quê hương?)...

Thiệt muốn lắc đầu chán ngán luôn,

Tuy vậy, có thời, ai mà dám đăng hay nói về vụ của ông Trịnh Công Sơn (thân cộng hay theo cộng, thậm chí trong phe giải phóng như chính ổng tuyên bố),  thì bị gạt phắt, thậm chí mắng nhiếc (như trường hợp họa sỹ Trịnh Cung), hoặc chửi khéo là "chống cộng cực đoan" (trường hợp một số người tôi biết).

Để tìm hiểu tâm lý đám đông, không gì hơn là cái lợi. Khi đám đông thấy tiếng nói nào đó hợp với lợi cho mình thì ủng hộ. Khi hết lợi thì thôi. Ngoài ra sự thông cảm giành cho những ai "đồng bệnh tương lân, đồng khí tương cầu" hay cùng phe, cùng gốc, cái gọi là "trái tim công lý" "lương tâm nhân loại" xét cho cùng chỉ là những mong mỏi hướng tới, nhiều lần, rất nhiều lần bị giới truyền thông lạm dụng một cách đạo đức "kinh tế thị trường theo định hướng lương tâm chủ nghĩa".

Hai ông Bob Dylan và Henry Kissinger nổi danh, vì đã tài tình đưa được cái lợi cho cộng đồng những người Mỹ thoát khỏi cái chết, thương tổn trong cuộc chiến tranh lạnh. Còn chuyện tranh đấu cho người VN thì đâu phải chuyện mấy ổng đâu. Người Pháp có câu "chacun sa merde" ("We all have our own shit to deal with" hay "thuyền nào cũng có nước") là vậy.

Có điều mình cứ thấy cách họ "se démerder"  mà bắt chước bằng cách khen họ "tát bùn qua ao mình" mà khoái thì quá là lạ.

Kiểu ông Lê Duẩn nói "ta đánh đây là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc" có người lại cho đó là điểm hãnh diện.

Cho đến khi Mao bắt tay với Nixon để "úm ba la, xí bùm bum" VN, họ vẫn còn hồ hỡi lấy đó là "đại thành công".

Nhưng hài hơn là khi "có vấn đề  biển-đảo-biên giới-kinh tế"... với Tàu Cộng, cũng chính một số những người này nghĩ "đừng lo, Mỹ nó cần ta, thế nào cũng phải giúp ta giải quyết, nhìn WTO đi, nay lại TPP rồi, cứ yên tâm nằm khểnh, gối cao mà hưởng thanh bình, an ninh, và xem các ổng họp bầu đại hội... "

Ai mà đem chuyện Đông-Tây, kim cổ ra luận bàn, báo động rằng "gối cao, nằm khểnh, đi dây..." đều chỉ là giải pháp "lách" tạm thời, và kẻ nào yếu mà thích làm như vậy thì 100% sẽ đến lúc "thế cùng tất tiêu". Thì sẽ bị đám đông này, chuyển từ thế tĩnh qua động thủ, động khẩu... mà tấn công quyết liệt và hung hăng hơn cả lúc họ bị nguy. 

Thái độ này chính đi từ tâm lý hèn nhát và sợ sệt sức mạnh mà ra. Khi nghe một điều gì có thể khơi ra nỗi họa bị tiêu diệt, thay vì suy nghĩ, sẽ tìm cách diệt kẻ nói ra (dĩ nhiên khi có thể còn không thì bịt tai, nhắm mắt quay đi trong bực tức hung dữ). 

0o0

Trong trường hợp hai ông Mỹ gốc Do Thái Bob Dylan và Henry Kissinger, đó là vì họ không hèn nhát và không sợ sệt sức mạnh. Thế cùng họ chuyển thành thông.

Do thế, dù có tức tối khi đứng từ vai trò nạn nhân hay suy tưởng thì cũng nên hiểu về cái tâm, cái trí và cái dũng của hai người này. Dù thích hay không thích. đau hay sướng!

Đinh Thế Dũng



Tác giả Bob Dylan, nhà thiết kế tân kỳ dòng nhạc folk

Phát Thứ sáu, ngày 01 tháng tư năm 2011

Được mệnh danh là người có công thực hiện cuộc cách mạng nhạc folk, Bob Dylan là một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng lớn thế kỷ 20. Vì ông mà nhà thơ Allen Ginsberg phải bật khóc, Leonard Cohen quyết định chọn nghiệp sân khấu, Eric Clapton thay đổi cách tiếp cận âm nhạc. Vậy thì Bob Dylan lớn tới cỡ nào ?

Cách đây vài năm, tạp chí Rolling Stone đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu trong giới chuyên nghiệp để lập ra danh sách 500 ca khúc hay nhất mọi thời đại. Theo kết quả bình chọn, tác giả Bob Dylan đứng hạng thứ ba (sau hai nhóm The Beatles và The Rolling Stones) với tất cả 12 bản nhạc nằm trong danh sách này. Đây là dịp để tìm hiểu về tầm ảnh hưởng của Bob Dylan cũng như về ca khúc Blowin’ In The Wind (tạm dịch là Lời đáp thoảng bay trong gió), một trong những sáng tác đầu tay tiêu biểu nhất của Bob Dylan nhân dịp danh ca người Mỹ sang Việt Nam biểu diễn ngày 10 tháng tư 2011, năm ông tròn 70 tuổi.

Sinh năm 1941, Bob Dylan tên thật là Robert Zimmerman, xuất thân từ một gia đình người gốc Do Thái từ Đông Âu sang Hoa Kỳ định cư vào năm 1907. Trong quyển hồi ký viết về gia đình mình (Chronicles - volume one), Bob Dylan cho biết là ông may mắn thuộc vào hàng thế hệ thứ ba trên đất Mỹ, không phải chịu nhiều khổ nhọc hy sinh như đời ông và đời cha. Lớn lên ở bang Minnesota, ông được cho ăn học : sau tú tài ông vào trường đại học Minneapolis (ông bỏ đại học vào năm thứ nhì).

Giai thoại mơ hồ về nghệ danh 

Thời còn nhỏ, Bob Dylan đã có năng khiếu sáng tác. Ông học đàn piano từ năm lên tám, rồi tự học đàn guitare và chơi kèn harmonica vì rất mến mộ các nghệ sĩ nhạc blues và country như Hank Williams, Muddy Waters và John Lee Hooker. Đến khi vào đại học, ông chọn sáng tác theo dòng nhạc folk, chịu nhiều ảnh hưởng của các nhà văn, nhà thơ xuất thân từ thế hệ Beat (beat generation), phong trào văn hóa phản kháng mạnh nhất thời bấy giờ.

Chính cũng vào giai đoạn này (1959-1960), ông bắt đầu đi diễn với nghệ danh Bob Dylan. Nhiều người tưởng lầm rằng ông chọn cái tên này là vì ông rất ngưỡng mộ nhà thơ Dylan Thomas. Nhưng trong lần trả lời phỏng vấn tờ báo Chicago Daily News(1965), ca sĩ người Mỹ cho biết là Dylan xuất phát từ cái tên Dillion của một người cậu ruột. Còn Bob chỉ là cách gọi tắt thân mật của cái tên Robert.

Giữa mùa đông năm 1961, Bob Dylan đến New York để lập nghiệp. Ông thường xuyên lui tới với các nghệ sĩ đàn anh như Woody Guthrie và Pete Seeger. Đó cũng chính là giai đoạn mà Bob Dylan trao dồi kiến thức, học hỏi sáng tác qua việc đọc sách và nghe nhạc. Điều này giải thích vì sao so với các ca sĩ nhạc folk cùng trang lứa, sáng tác của Bob Dylan có nhiều chiều sâu hơn. Ca từ không cần bóng bẩy mà vẫn đầy ẩn dụ triết học, ngụ ý văn chương.

Đĩa nhựa đầu tay được ghi âm vào năm 1962, chỉ bao gồm hai nguyên tác của Bob Dylan (Talking New York và Song to Woody), phần lớn còn lại là những bản nhạc folk nổi tiếng, một cách để cho tác giả mới vào nghề bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với các bậc đàn anh. Nhưng ngay từ album thứ nhì, Bob Dylan tách mình ra khỏi lối sáng tác theo kiểu bắt chước khuôn mẫu. Qua đó, ông phác họa cho mình một thế giới riêng biệt, chứ không còn nấp bóng những tàng cây đại thụ.

Ca từ sâu sắc, ngụ ý thâm thúy

Mang tựa đề The Freewheelin’ Bob Dylan, album này được giới phê bình chuyên nghiệp xem như là viên gạch đặt nền tảng cho sự nghiệp sáng tác của danh ca người Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử âm nhạc đương đại, bởi vì Robert Zimmerman tức là tác giả Bob Dylan phản ánh sâu sắc và một cách toàn diện cái thời mà ông đang sống, nói lên được tất cả những khát vọng của tuổi trẻ thời bấy giờ. Sâu sắc đến nỗi trong một bài viết đăng trên báo, nhà thơ Allen Ginsberg thú thật ông đã bật khóc khi lần đầu tiên nghe tập nhạc này. Thâm thúy đến mức, tác giả Leonard Cohen trong quyển hồi ký của ông cho biết nhờ nghe album này của Bob Dylan mà ông quyết định lao vào nghề sáng tác.

Xét trên nhiều phương diện, album thứ hai của Bob Dylan ghi đậm dấu ấn trong lịch sử âm nhạc vì nó hàm chứa nhiều chủ đề ưng ý mà tác giả sẽ phát huy sau đó. Nhạc phẩm A Hard Rain's a-Gonna Fall được viết trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10 năm 1962. Qua ẩn dụ của các chùm tên lửa ào ào rơi xuống như mưa giông nặng hạt, tác giả nói lên nỗi ám ảnh của một cuộc xung đột vũ trang kinh hoàng giữa hai khối Đông Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Bài Masters Of War chỉ trích các tập đoàn sản xuất vũ khí cũng như giới tướng lãnh nấp đằng sau bàn giấy trong khi giới thanh niên bỏ mình nơi chiến tuyến. Còn nhạc phẩm Oxford Town thì lại phác họa cái bối cảnh xã hội Mỹ đầu những năm 1960. Dựa vào câu chuyện có thật của James Meredith, sinh viên da đen đầu tiên được tuyển vào một trường đại học Mỹ, Bob Dylan đề cập đến chính sách phân biệt đối xử đối với người Mỹ da màu. James Meredith là một binh sĩ không quân, chiến đấu như bao đồng đội da trắng, nhưng dù có thành tích anh vẫn bị ngăn cản khi muốn vào đại học.

Nhưng bài hát tiêu biểu nhất cho album thứ hai của Bob Dylan vẫn là nhạc phẩm Blowin’ In The Wind (tạm dịch là Lời đáp thoảng bay trong gió). Tính đến nay bài hát đã có hơn 400 phiên bản khác nhau, trong đó có khoảng 60 nghệ sĩ tên tuổi từng ghi âm lại bài này. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Los Angeles Time, Bob Dylan cho biết ông sáng tác bài này chỉ trong vòng 10 phút nhân một buổi chiều tháng tư năm 1962, ngồi trong quán cà phê The Commons tại Greenwhich Village ở New York.

Lời đáp thoáng bay trong gió

Gợi hứng từ một điệu ca truyền thống của người nô lệ da đen (bài No more auction block của dòng nhạc Negro Spiritual), Bob Dylan lúc đầu sáng tác hai đoạn, mỗi đoạn gồm ba lời viết dưới dạng câu hỏi và kết thúc bằng một câu đầy ý nghĩa : Lời đáp nằm trong gió thoáng bay. Không lâu sau đó, Bob Dylan mới viết bổ sung lời thứ ba, giúp cho bản nhạc trở nên cân đối hơn, không những về mặt cấu trúc (3 trên 3) mà nhất là về mặt ý nghĩa : bởi vì theo ca sĩ Gil Turner, người đầu tiên hát bài này, ba khúc nhạc thể hiện cho ba giai đoạn của đời người : thời thơ ấu, lứa thanh xuân và tuổi hoàng hôn.

Bao nhiêu chặng đường phải bước ?
Cho hồn xứng đáng thành người
Bồ câu vượt bao đại dương
Mới được trên cát ngủ vùi
Bao nhiêu đạn dược phải rơi ?
Mới đến ngày im tiếng súng 
Bạn thử nghe câu trả lời
Tiếng thầm bay trong gió thổi
Bao năm cần dãy núi non ?
Trước khi biển ngập xói mòn
Bao đời dân tộc phải sống
Mới đến ngày được tự do
Bao lần ngoảnh mặt làm ngơ ?
Cúi đầu không thấy giả vờ
Lời đáp muôn thuở bạn ơi 
Thoảng bay thì thầm gió thổi
Bao ngày mắt ta ngước nhìn ?
Mới thấy trời xanh rực sáng 
Bao lần đôi tai lắng nghe 
Mới thấu tiếng khóc lầm than
Mạng người hy sinh bao nhiêu ?
Mới hiểu mất mát quá nhiều
Lời đáp thoáng bay vọng lời 
Thầm thì lan trong gió thổi
(Bản phóng tác của nhạc phẩm Blowin’ In The Wind)

Được phát hành vào giữa năm 1963, bài hát Blowin’ In The Wind ban đầu không ăn khách với tiếng hát của Bob Dylan mà lại nổi tiếng nhờ phần thể hiện của ban tam ca Peter, Paul and Mary. Giai điệu bình dị dễ nhớ, ca từ mộc mạc nhưng đậm đặc chất thơ : Blowin’ In The Wind nhanh chóng trở thành mẫu gốc của các bản nhạc phản kháng. Nhà phê bình Robert Shelton của báo New York Times mệnh danh Bob Dylan là nhà thiết kế tân kỳ của dòng nhạc folk. Còn nhà sản xuất Bill Randle xem đó là ca khúc hay nhất trong năm.

Tác giả da trắng, tâm hồn da màu

Theo nhà phê bình Michael Gray, nếu như bản nhạc Blowin’ In The Wind tuân thủ hình thức ‘‘bài bản’’ của nhạc folk, thì ngược lại về mặt nội dung Bob Dylan tận dụng biện pháp tu từ, lấy hoán dụ và nhân cách hoá dùng trong Kinh Thánh Tân Ước để đả phá điều được gọi là ‘‘tinh thần yêu nước mù quáng’’. Trong nguyên tác, bài Blowin’ In The Wind là một ca khúc phản kháng nhiều hơn là phản chiến. Ta có thể biết được điều này qua lời kể của các nghệ sĩ da đen thành danh vào thời đó như Sam Cooke, Stevie Wonder và Mavis Staples trong cuộn phim tài liệu No direction home do đạo diễn trứ danh Martin Scorsese quay về Bob Dylan.

Bản nhạc Blowin’ In The Wind được viết vào lúc phong trào đòi quyền công dân cho người da đen của mục sư Martin Luther King đang trỗi dậy trên đất Mỹ. Cùng với một số ca sĩ khác như Joan Baez, Judy Collins, tác giả Bob Dylan dấn thân vào phong trào đấu tranh này. Nhiều người cho rằng Bob Dylan tuy là nghệ sĩ da trắng nhưng lại có tâm hồn của người da đen. Một thanh niên 22 tuổi nhưng lại viết được một bài hát nói lên được nổi thống khổ truyền kiếp của người da màu.

Để tỏ lòng cảm tạ, ca sĩ Sam Cooke viết một bài hát khác vào năm 1964 như một lời đối đáp nhắn nhủ với Bob Dylan, theo đó trong tiếng gió thoảng bay thì thầm hiện về câu nói : rồi nay mai, thay đổi sẽ đến (A change is gonna come). Mãi đến vài năm sau, khi Hoa Kỳ tăng quân tham chiến ở Việt Nam, thì lúc đóBlowin’ In The Wind mới được dùng như một ca khúc phản chiến, được giới thanh niên yêu chuộng trong khuôn viên các trường đại học.

Ban đầu phản kháng, về sau phản chiến

Trong mắt nhà phê bình Andy Gill, Blowin’ In The Wind là bài hát quan trọng đầu tiên của Bob Dylan, đặt nền móng cho cả một sự nghiệp sáng tác. Trong những bài hát trước đó, Bob Dylan phản ánh thế giới xung quanh mình với lối quan sát và góc nhìn của một người viết phóng sự : có thể tinh tế, sắc cạnh nhưng chung quy vẫn gần sát với lối mô tả thực tế. Với nhạc phẩm Blowin’ In The Wind, Bob Dylan tuy lúc ấy còn rất trẻ nhưng đã đạt đến một tầm vóc cao hơn.

Lần đầu tiên, tác giả này chọn lối viết đơn giản mà hiệu quả nhất, dùng chi tiết để nói lên tổng thể, kể một câu chuyện cá biệt nhưng trong một bối cảnh rộng mở không nhất định, để đạt tới mức phổ quát, để nói về chủ đề tự do con người hiểu theo nghĩa rộng nhất. Không phải ngẫu nhiên mà Bob Dylan mở đầu album với bản nhạc Blowin’ In The Wind, đặt ra nhiều câu hỏi chung, buộc mỗi người phải tự suy ngẫm. Về phần mình, Bob Dylan chọn bài hát kết thúc album này với tựa đề đầy ý nghĩa I shall be free có nghiã là Ta sẽ được tự do.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Bob Dylan đặt tên cho toàn bộ album là The Freewheelin’. Trong nghĩa bóng có nghĩa là lang thang rong chơi, còn trong nghĩa đen là là bánh xe lăn, nhưng lăn một cách tự do chứ không đi vào lối mòn. Ngay từ những năm tháng đầu đời, Bob Dylan đã được công nhận như một tác giả lớn, không chỉ giới hạn trong lãnh vực âm nhạc mà còn được mở rộng sang các phạm trù khác như văn chương xã hội chính trị, bởi tính chất thử nghiệm và dấn thân trong sáng tác.

Điển hình là nhạc phẩm Like a Rolling Stone (Như một hòn đá lăn) dựa vào một bài thơ dài đến 10 trang, mà phiên bản ghi âm đầu tiên thu ngắn lại còn 6 phút. Bài này theo bình chọn của giới phê bình chuyên nghiệp đứng đầu trên danh sách 500 bài hát hay nhất mọi thời đại và do Bob Dylan sáng tác vào năm 24 tuổi.

Đập vỡ khuôn thước, kể cả nơi mình  

Tính đến nay, Bob Dylan đã ghi âm hơn 40 album, thử nghiệm cọ xát với đủ mọi thể loại âm nhạc. Số giải thưởng dành riêng cho sự thành tựu của một album hay khen thưởng cho toàn bộ sự nghiệp nhiều không thể kể hết. Được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ 20, Bob Dylan còn được nhiều người công nhận là đã góp công vào cuộc cách mạng sáng tác từ những năm 60. Về điểm này tờ báo Newsweek cho rằng sự đóng góp của Dylan cho âm nhạc tương tự như đóng góp của nhà bác học Einstein cho ngành vật lý.

Trong tập nhì quyển hồi ký viết tiếp về giai đoạn sự nghiệp, Bob Dylan ghi nhận các nghệ sĩ đi sau đôi khi đánh giá quá cao về vai trò của ông. Từ Eric Clapton, Bruce Springsteen cho đến Bono của nhóm U2, các ca sĩ này đều công nhận là sáng tác của Dylan đã thay đổi cách tiếp cận của họ với âm nhạc. Cho dù ông xem đó là một lời khen đáng quý, nhưng ông vẫn khuyến khích các tài năng đi sau, nên tự tìm một hướng đi cho họ. Từ trước tới nay, ông vẫn quan niệm là giới trẻ cần có một tư duy riêng chứ đừng để cho người khác suy nghĩ thay cho mình.

Ông chủ trương đập vỡ những khuôn thước để rồi đem điều này áp dụng cho chính bản thân, tức là lớp nghệ sĩ trẻ đi sau không cần phải xem những gì ông nói là khuôn vàng thước ngọc. Bởi vì khi nhìn họ, ông lại thấy mình, tức là cậu thanh niên Robert Zimmerman, mới ngày nào bước vào nghề sáng tác (vô cùng ngưỡng mộ Woody Guthrie nên mới viết bài Song to Woody). Nhưng nếu chỉ bắt chước đàn anh, thì có lẽ Dylan sẽ không bao giờ trở thành tác giả lớn thực sự. Hoa thơm cỏ lạ khó mà nở rộ khi bị che khuất bởi bóng cây cổ thụ.

_

Pháp sắp trao Bắc đẩu Bội tinh cho Bob Dylan

Đăng ngày 05-06-2013 Sửa đổi ngày 05-06-2013 21:14
media Bob Dylan, ảnh chụp ngày 04/05/2011 tại Wiltern Theatre - Los Angeles (Reuters)

Bob Dylan, ca sĩ Mỹ nổi tiếng với những bài hát chống chiến tranh Việt Nam và cổ vũ cho nhân quyền, sẽ được trao tặng Bắc đẩu Bội tinh, huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp. Người đứng đầu hội đồng xét duyệt đã loan báo như trên hôm Chủ nhật 02/06/2013, tuy đề nghị tặng thưởng của Bộ trưởng Văn hóa có bị một số chỉ trích.

Trên trang web báo Le Monde, tướng Jean-Louis Georgelin, chủ tịch hội đồng xét duyệt Bắc đẩu Bội tinh cho biết Bộ trưởng Văn hóa Aurélie Filippetti rất có thể sẽ trao tặng huân chương cao quý này cho ca sĩ, nhạc sĩ đồng thời là nhà thơ người Mỹ. Ông nói rằng hội đồng đã thuận tình với ý kiến của Tổng thống François Hollande, chủ tịch tối cao của hội đồng xét duyệt về quyết định này. 

Hồi tháng Năm, chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, bà Marine Le Pen đã tuyên bố là cảm thấy bị sốc nếu Bob Dylan được tặng thưởng Bắc đẩu Bội tinh, khi huân chương cao nhất của Pháp « được trao bừa bãi cho bất kỳ ai ». Và tuần báo châm biếm Le Canard Enchaîné số đề ngày 8/5 khẳng định là chính tướng Georgelin không ủng hộ việc này, vì Bob Dylan từng chống chiến tranh Việt Nam và hút cần sa. 

Tướng Jean-Louis Georgelin hôm Chủ nhật đã phủ nhận thông tin trên, giải thích rằng ông chỉ bác bỏ việc trao tặng huân chương không thông qua thảo luận trong hội đồng theo thủ tục thông thường. Nay thì hội đồng đã bàn bạc, và nhấn mạnh rằng Bob Dylan « là một nghệ sĩ xuất chúng, được nhìn nhận tại đất nước ông và trên thế giới như một ca sĩ vĩ đại và một nhà thơ lớn ». 

Nếu rất hiếm khi một nghệ sĩ ngoại quốc được tặng Bắc đẩu Bội tinh, thì Paul McCartney, một nhạc sĩ rock người Anh hồi tháng 9/2012 cũng đã được Tổng thống Pháp François Hollande gắn huân chương cao quý này. 

Còn Bob Dylan hồi tháng 5/2012 cũng đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng "Huy chương Tự do của Tổng thống", huy chương dân sự cao nhất của Hoa Kỳ. Ông Obama đã ca ngợi ca sĩ nổi tiếng này là « người vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc Mỹ ».

Huyền thoại Bob Dylan trở lại với album mới "Tempest"

Đăng ngày 10-09-2012 Sửa đổi ngày 15-09-2012 13:33
media Bob Dylan (REUTERS)

"Tempest" đĩa hát mới nhất của Bob Dylan ra mắt khán giả Pháp. Hội ngộ với những người mến mộ trước khi trình làng cuốn album mới nhất nhân kỷ niệm 50 năm sự nghiệp
, đêm ngày 08/09/2012 Bob Dylan biểu diễn tại Uncasville, một thành phố nhỏ gần New York.

Ngày 10/09/2012 album "Tempest" được công bố ở Pháp trước khi ra mắt công chúng Hoa Kỳ vào ngày mai 11/09/2012. Đêm ngày 08/09/2012 nhạc sĩ Bob Dylan biểu diễn tại một thành phố nhỏ gần New York. Ông không một lời chào hỏi khán giả khi bước lên sân khấu và cũng không một lời dã từ, nhưng điều đó không làm phật lòng những người mến mộ.
Chỉ sau một vài bài hát, huyền thoại Dylan đã được làm sống lại trong lòng hàng ngàn fan. Giọng hát từng làm mê hoặc nhiều thế hệ ngày nào, ở tuổi ngoại thất tuần, không còn được phong độ như xưa. Có lẽ vì thế mà giới phê bình cho rằng buổi trình diễn của ông vừa qua « không đều tay ». Thế nhưng phong cách của Dylan và chỉ cần ông xuất hiện trên sân khấu với chiếc mũ panama màu ngà cũng đủ để những khán giả trung thành nhất hài lòng.
Nhiều thế hệ khán giả có mặt tại buổi trình diễn vừa qua tại Uncasville. Một người hâm mộ theo gót Dylan trong sự nghiệp ca hát của ông nhận xét : khác biệt giữa Bob Dylan với những ngôi sao nổi tiếng khác của làng nhạc rock là ông luôn đem lại một cái gì mới lạ cho khán giả. Trên con đường nghệ thuật và sáng tác Dylan không bao giờ ngừng lại. Điển hình là đĩa hát mới ông cho ra mắt công chúng vào đầu tuần này.

« Tempest » là album thứ 35 trong sự nghiệp vừa tròn một nửa thế kỷ của Bob Dylan. Giới phê bình đánh giá rất cao đứa con tinh thần này của ông vua nhạc pop người Mỹ. Thoạt đầu tác giả dự kiến dành trọn đĩa hát mới để nói lên tình yên Thiên chúa, nhưng rốt cuộc, Bob Dylan đã đổi ý. Dù vậy những tác phẩm mới của ông đề cập rất nhiều đến đến phần tín ngưỡng, đến những gì cao thượng và hèn hạ nhất trong tâm tư, đến tình yêu và khát vọng phục thù, đến sự bạo tàn và cõi chết …

Trong bản nhạc cùng tên với đĩa hát, dài 14 phút và trên nền nhạc mang nặng âm hưởng truyền thống của Ai Len, Bob Dylan kể lại tai họa của vụ đắm tàu Titanic. Còn « Roll on John" được coi là ca khúc cảm động nhất trong album khi tác giả của Blowin' in the Wind nhắc đến sự kiện một cây đại thụ khác của làng nhạc pop, rock là thần tượng John Lennon bị ám sát vào năm 1980.

Cuối cùng theo giới phê bình, về mặt nhạc lý « Tempest » được coi là rất cô đọng nhưng lại khá đa dạng và dễ nghe. Bob Dylan « như chắt được tất cả những gì tinh tú nhất từ các dòng nhạc rock, blues, folk và jazz » để hoàn thành tác phẩm mới nhất của mình.