Saturday 13 February 2016

Mỹ được yêu cầu nêu vấn đề nhân quyền VN tại thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Malaysia ngày 21/11/2015.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Malaysia ngày 21/11/2015.
Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, được thúc giục đặt vấn đề nhân quyền Việt Nam lên ưu tiên hàng đầu tại Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra ở bang California vào tuần tới.
Cuộc họp lần đầu tiên với lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á do Tổng thống Mỹ chủ trì tại Sunnylands trong hai ngày 15-16/2 nhằm phát triển quan hệ chiến lược Hoa Kỳ-ASEAN và tăng cường hợp tác ở những lĩnh vực quan trọng bao gồm an ninh, trong đó vấn đề Biển Đông sẽ là một trọng tâm bàn thảo.
Thỉnh nguyện thư với trên 30 chữ ký của các các nhà hoạt động và các cơ quan bảo vệ nhân quyền, bao gồm Human Rights Watch, yêu cầu Tổng thống Obama nêu quan ngại với phái đoàn Việt Nam về các vi phạm nhân quyền trầm trọng tiếp diễn bất chấp những cam kết của Hà Nội trong tư cách thành viên các công ước quốc tế về nhân quyền và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành tổ chức BPSOS vận động nhân quyền cho Việt Nam có trụ sở tại Mỹ, một trong những NGO ký tên vào thỉnh nguyện thư, cho biết thư đã được gửi tới Tòa Bạch Ốc, Hội đồng Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Bấm vào để nghe phần âm thanh

Ông Thắng cho biết thêm về những yêu cầu chính trong thư:
"Thư đưa ra một số điểm quan trọng. Thứ nhất, Việt Nam phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, đặc biệt là trường hợp của luật sư Nguyễn Văn Đài vừa bị bắt lại. Thứ hai là vấn đề tự do tôn giáo của Việt Nam vì nhiều cộng đồng tôn giáo độc lập vẫn tiếp tục bị đàn áp. Quốc hội Việt Nam đang xem xét luật về tín ngưỡng-tôn giáo, mà nếu được thông qua, còn tệ hơn tình trạng hiện nay. Kế đến là quan ngại về việc công nhân Việt Nam chưa được tự do thành lập công đoàn độc lập. Tình trạng buôn người và cưỡng bách lao động vẫn tiếp tục xảy ra. Cuối cùng, chúng tôi cũng đề cập đến các đạo luật của Việt Nam hiện nay có tính cách đàn áp nhân quyền như điều 88, 79, hay 258".
Trong chính sách xoay trục về châu Á, Tổng thống Obama đang thúc đẩy đoàn kết nội bộ ASEAN trước sự bành trướng lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực, nhất là ở Biển Đông, nơi gần phân nửa thành viên trong khối như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng tìm cách củng cố hơn nữa các giao tiếp kinh tế với khu vực, cụ thể qua Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei.   
Khi Hoa Kỳ phát triển các mối quan hệ về an ninh, mậu dịch, quốc phòng thì đồng thời cũng phải bảo vệ, cổ võ cho các giá trị nhân bản-nhân quyền mà Mỹ lúc nào cũng tôn trọng. Nếu muốn thân tình, chặt chẽ, thì những người bạn của Mỹ phải chia sẻ quan điểm về nhân quyền của Hoa Kỳ.
Với trọng tâm thắt chặt hợp tác với ASEAN ở thượng đỉnh lần này, vì sao vấn đề nhân quyền Việt Nam nên được nhà lãnh đạo Mỹ lưu tâm?
Nhà hoạt động Nguyễn Đình Thắng nói:
"Khi Hoa Kỳ phát triển các mối quan hệ về an ninh, mậu dịch, quốc phòng thì đồng thời cũng phải bảo vệ, cổ võ cho các giá trị nhân bản-nhân quyền mà Mỹ lúc nào cũng tôn trọng. Nếu muốn thân tình, chặt chẽ, thì những người bạn của Mỹ phải chia sẻ quan điểm về nhân quyền của Hoa Kỳ. Đó là điều chúng tôi vẫn tiếp tục thúc đẩy hành pháp Hoa Kỳ quan tâm. Lần này, chúng tôi còn có những lá thư của các dân biểu, thượng nghị sĩ gửi cho Tổng thống Obama bày tỏ cùng quan điểm".
Các bên đồng ký tên trong thỉnh nguyện nói họ hy vọng Tổng thống Obama sẽ nói rõ với các nhà lãnh đạo Việt Nam tham dự thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN rằng việc mở rộng các mối quan hệ mậu dịch và an ninh Mỹ-Việt sẽ không được hành pháp, lập pháp và người dân Mỹ chấp nhận trừ phi có những cải thiện đáng kể, không đảo ngược, và có thể kiểm chứng từ phía Hà Nội trong lĩnh vực nhân quyền.
Việt Nam lâu nay bác bỏ những tố cáo về vi phạm nhân quyền từ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Hà Nội nói còn những khác biệt về quan điểm trong vấn đề này và mong thu hẹp các cách biệt.
Giới bảo vệ nhân quyền khẳng định các quyền căn bản của con người mang giá trị phổ quát toàn cầu, không thể khác biệt giữa nước này với nước khác vì bất cứ lý do nào.
0:00:00