Tuesday 9 August 2016

KHI NHẬT HOÀNG TUYÊN BỐ MUỐN "THOÁI VỊ " - Phùng Kim Yến

Tin này cũng có chút quan tâm nơi tôi, những người đã học tập và làm việc ở một đất nước mà Thiên Hoàng là biểu tượng cao quý của tình đoàn kết, sự thống nhất ở Nhật Bản, một dân tộc thuần chủng, một đất nước có thể chế chính trị "Quân chủ lập hiến" (có vua và có hiến pháp). Tuy không có quyền lực về chính trị nhưng hoàng gia Nhật luôn nhận được sự kính trọng của mọi người dân. Hoàng gia Nhật là một trong số ít hoàng tộc mà các thành viên có nếp sống mẫu mực, không thị phi, không phô trương, không sống xa hoa, phù phiếm.
Nhật hoàng gửi thông điệp đến nhân dân bày tỏ ý muốn thoái vị ngày 8/8/2016

Dân chúng Nhật xem TV trên đường phố : Nhật Hoàng tuyên bố muốn thoái vị

Đương kim Nhật Hoàng có tên húy (tên thật) là Akihito, viết chữ Hán là Minh Nhân (Minh triết và Nhân từ), nhưng người Nhật thường không gọi tên húy mà chỉ được phép gọi Tenno Heika (Thiên hoàng Bệ Hạ) hoặc Kinjo Tenno (Kim Thượng Thiên Hoàng). Triều đại của ông hiện nay có Niên hiệu là Heisei (Bình Thành), ông là vị vua thứ 125 trong lịch sử các triều đại quân chủ Nhật bản, ông cũng là người duy nhất trên thế giới hiện nay trong danh xưng chính thức được gọi là Hoàng đế (Emperor).

Nhật Hoàng có hai con trai và một con gái. Thái tử nối ngôi Naruhito cũng có tên thật đẹp Đức Nhân (Đức độ và Nhân từ), cả Nhật hoàng và Thái tử đều lập gia đình với người thường dân, không thuộc hoàng tộc

Một thời Nhật Bản xôn xao vì Thái tử phi Masako không có con trai, giải quyết như thế nào chuyện nối ngôi trong khi việc lên ngôi Thiên hoàng theo luật lệ nữ giới không có quyền thừa kế ngai vàng. Cuối cùng con trai thứ của Thiên hoàng là hoàng tử Fumihito (Văn Nhân) cùng vợ vương phi Kiko hạ sanh một hoàng nam Hisahito, một giải pháp hợp thời và tốt đẹp cho hoàng gia vì đã tìm ra người kế vị ngôi báu.

Người dân không biết khi nào Thiên Hoàng chính thức thoái vị nhưng trong video kéo dài 10 phút được công bố hôm nay 8/8 /2016, Nhật hoàng Akihito nói với người dân về tình hình sức khỏe của mình.

"Tôi đã ngoài 80 tuổi và may mắn thay tôi vẫn còn được khỏe mạnh. Tuy nhiên, tôi nhận thấy tình hình sức khỏe đang giảm dần, tôi lo rằng sẽ khó hoàn thành trách nhiệm biểu tượng của đất nước như thời gian qua".

Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, từng bị chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hồi năm 2003 và trải qua cuộc phẫu thuật tim năm 2012.

Người dân Nhật Bản ngỡ ngàng khi hay tin Nhật hoàng quyết định thoái vị. Tuy nhiên, sau một thời gian, phần lớn dân chúng đồng tình rằng vị vua kính mến và rất chăm chỉ của họ đã đến lúc cần được nghỉ ngơi.

Một khảo sát của hãng Kyodo thực hiện tháng 8 cho thấy, gần 90% người dân nói Nhật hoàng phải đảm đương quá nhiều công việc. Ngoài ra, 85% cho rằng quy trình thoái vị nên được luật hóa để việc này có thể dễ dàng hơn đối với ông Akihito và người kế vị.
Giới quan sát dự đoán Nhật hoàng muốn thoái vị khi sức khỏe vẫn còn tốt, để ông có cơ hội theo dõi Thái tử Naruhito đảm nhiệm những công việc mới.

Nhật hoàng cũng là người ủng hộ hiến pháp hòa bình hậu chiến của Nhật Bản. Do vậy, một số người cho rằng việc Nhật hoàng thông báo thoái vị có thể làm chậm kế hoạch sửa đổi hiến pháp của Thủ tướng Shinzo Abe.

Hiệp ước Bảo vê an ninh Nhật - Mỹ gọi tắt là Hiệp Ước An Bảo, Nhật Bản ký với Mỹ năm 1951 sau khi Nhật bại trận trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện năm 1945. Hiệp ước này cũng được quy định trong hiến pháp hòa bình của Nhật rằng Nhật Bản không được lập quân đội chính quy, việc bảo vệ hòa bình, an ninh cho nước Nhật bằng biện pháp quân sự sẽ do quân đội Mỹ đảm trách. Nhật Bản chỉ được phép thành lập một cơ quan gọi là Cục phòng vệ Nhật Bản, h trợ cho việc bảo vệ an ninh cho nước Nhật.

Lâu nay người dân Nhật cho rằng Nhật ký hiệp ước này xem như mất chủ quyền và sự độc lập trong khi tình hình an ninh khu vực biển Đông, các quần đảo của Nhật đang tranh chấp với Trung Quốc, với Nga ngày càng trở nên căng thẳng, phức tạp. Vì vậy Chính phủ Shinzo Abe đã và đang tiếp tục theo đuổi, vận động Quốc hội trong việc thay đổi hiến pháp Nhật ở điều khoản quan trọng này. Nhưng một mặt khác, các đảng đối lập vẫn phản đối mạnh mẽ việc Nhật tái vũ trang, thành lập quân đội chính quy vì lo ngại việc này sẽ đẩy Nhật về phía đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, nguy cơ xảy ra chiến tranh hai nước khó lường.

Việc đương kim Nhật hoàng nhường ngôi cho con trong lúc đang còn tại vị là điều xưa nay hiếm trong lịch sử các vương triều Nhật Bản, việc này chắc chắn cũng phải đòi hỏi một số quy định. luật lệ theo đúng hiến pháp Nhật. Người Nhật hình dung sẽ phải thay đổi một số quy định nào đó trong hiến pháp để phù hợp với nguyện vọng của Thiên hoàng. Nhưng rõ ràng không ai có thể níu kéo được thời gian, Nhật Hoàng tuổi cao sức yếu, ông có quyền được nghỉ ngơi, trách nhiệm của một nhân vật lịch sử, biểu tượng cao quý của tình đoàn kết, sự thống nhất ở dân tộc Nhật Bản ông đã hoàn thành xuất sắc. Ông xứng đáng với sự kính trọng và ngưỡng mộ của mọi người.

Phùng Kim Yến
8/8/2016

Hình ảnh :
Hoàng Hậu Michiko được bầu là một trong 10 First Ladies ăn mặc đẹp nhất thế giới

Hoàng hậu Michiko thời trẻ

Thái tử Aruhito và Thái tử phi Michiko Shoda

Cùng với Phụ thân Thiên hoàng Hirohito và Phụ mẫu ( đã tạ thế ).

Hoàng hậu Michiko tự tay chăm sóc con

Công du tại Paris

Đương kim Nhật Hoàng và Hoàng Hậu xuất hiện trước quốc dân

Bức ảnh cảm động của Nhật Hoàng và Hoàng Hậu : hai mái đầu đã bạc.

Trích từ