Wednesday 17 August 2016

Luật gì thì luật, phải chừa tao ra

Mang danh nghĩa đấu tranh giai cấp nhưng thực ra chỉ là diệt giai cấp có tiền của, trí thức lúc trước để dành sự thống trị cho giai cấp bần cố nông, ngu si, ít học lên nắm quyền hầu có thể ngồi xổm, dẫm đạp lên luật pháp do chính họ đặt ra. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề” Luật gì thì luật, phải chừa tao ra” của Phạm Thanh Nghiên sẽ được chính tác giả trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Nhìn tấm hình đoàn xe sang trọng và siêu sang trọng rầm rộ, hoành tráng của ông Nguyễn Xuân Phúc hồn nhiên và ngang nhiên diễu hành trên phố cổ Hội An – nơi cấm xe cộ qua lại – khiến tôi liên tưởng đến đội ngũ diễu hành thời Cách mạng văn hóa long trời lở đất bên xứ Tàu được nhà văn Dư Hoa mô tả. Xin trích nguyên văn một đoạn:

“Lúc này, đội ngũ diễu hành dài nhất chưa từng có trong lịch sử của thị trấn Lưu chúng tôi đã đi tới, kéo dài suốt từ đầu đến cuối phố, rừng cờ đỏ dày chi chít như lông trâu bay phất phới, những lá cờ to tướng như ga trải giường, những lá cờ nhỏ to bằng khăn mùi soa, cán cờ nọ va vào cán cờ kia, cứ nghiêng nghiêng ngả ngả trong gió.

Đồng thợ rèn của thị trấn Lưu giơ cao búa sắt nói to: Phải làm một thợ rèn cách mạng dũng cảm vì việc nghĩa, đập cho bẹp, đập cho nát đầu chó, chân chó của kẻ thù giai cấp, đập bẹp như lưỡi liềm lưỡi cuốc, đập nát như những đồ đồng nát.

Thợ nhổ răng họ Dư của thị trấn Lưu chúng tôi giơ cao chiếc kìm nhổ răng, hô to: Phải làm thầy thuốc chữa răng cách mạng, yêu ghét phân minh, phải nhổ bỏ cái răng chắc của kẻ thù giai cấp, nhổ bỏ cái răng sâu của anh chị em giai cấp.

Thợ may Trương của thị trấn Lưu chúng tôi vắt lên cổ cái thước da nói to: Phải làm một thợ may cách mạng, tim trong mắt sáng, nhìn thấy anh chị em cùng giai cấp, phải may những bộ quần áo đẹp nhất thế giới, trông thấy kẻ thù giai cấp, phải may những chiếc áo thọ rách nhất thế giới, không! Sai rồi! Những vỏ bọc xác chết rách nhất nát nhất thế giới.

Ông Vương bán kem của thị trấn Lưu chúng tôi đeo thùng kem kêu to: Phải làm những que kem cách mạng không bao giờ tan, ông vừa hô khẩu hiệu, vừa rao bán kem, chỉ bán kem cho anh chị em cùng giai cấp. Ông Vương phất to, những que kem ông ta bán ra là một giấy chứng nhận cách mạng, ông hô mau mau đến mua, mua kem của tôi đều là anh chị em giai cấp, không mua kem của tôi đều là kẻ thù giai cấp.

Hai bố con họ Quan mài kéo của thị trấn Lưu chúng tôi giơ hai chiếc kéo lên hô to: Phải làm chiếc kéo cách mạng thật sắc bén, trông thấy kẻ thù giai cấp là phải cắt dái cắt cu của chúng.”

Mà đoàn xe diễu hành của thủ tướng Phúc cũng thuộc hạng “dài nhất chưa từng có trong lịch sử” Phố Cổ Hội An thật. Vì từ khi được Unesco công nhận định chế Di sản Văn hóa Thế giới (năm 1999), nhất là từ ngày có luật nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu hành trong phố cổ (2012) thì có hiện tượng này đâu. Không ai dám vi phạm, càng không ai nỡ xâm phạm đến vẻ đẹp cũng như giá trị của một di tích vốn chỉ để chiêm ngưỡng và bảo tồn. Mọi hành vi, cử chỉ đi ngược với tinh thần, ý thức gìn giữ, bảo tồn đều trở nên dị hợm và khác thường.

Đoàn xe của ông Phúc diễu hành trên phố đi bộ, không được cổ vũ, chào đón bằng “rừng cờ đỏ dày chi chít như lông trâu bay phất phới”. Cũng không có đám đông cuồng điên tung hô vạn tuế. Thay vào đó là những ánh mắt khinh khỉnh của du khách ngoại quốc xen lẫn cái nhìn khó chịu tuy còn rụt rè của du khách Việt.

Những Đồng thợ rèn, Dư nhổ răng, Trương thợ may, Vương bán kem hay Quan mài kéo trong thành phần “giai cấp thống trị” ngày nay chẳng cần giơ đồ nghề hay nắm đấm cách mạng lên hô hào chém giết, cũng khiến quần chúng nhân dân kinh hồn bạt vía. Công cụ của những Đồng, Dư, Trương, Vương hay Quan bây giờ là tiền, là quyền lực, nhà tù và luật pháp của đám giang hồ tung đòn nhả cước trên thân thể của những người dân thấp cổ bé miệng.

Ngày hôm nay, đoàn diễu hành “rừng cờ đỏ dày chi chít” được thay thế bằng đoàn diễu với xe đen kính đen, kéo dài lê thê không khác gì đám xã hội đen Triad Hồng Kông. Những Đồng thợ rèn, Dư nhổ răng, Trương thợ may, Vương bán kem hay Quan mài kéo không còn đứng trên đường phố với cơn lên đồng cách mạng mà đã áo vét quần tây, ngồi khinh khỉnh trong những chiếc xe mang màu tang tóc nhìn ra ngoài giống như tay chơi xã hội đen ma- dzê- in Hồng Kông.

Và trong đoàn xe đó, có một ông “tướng mạo khác thường”, lướt qua tấm biển “cấm xe chạy trên phố cổ” rồi tự nhủ “mày phải chừa tao ra!”

Phạm Thanh Nghiên.