Wednesday 31 August 2016

ĐÔI LỜI CÙNG BÁC THÁI BÁ TÂN


Phi lộ: Bác Thái Bá Tân lâu nay được nhiều người chơi fb, trong đó có tôi, mến mộ qua những vần thơ 5 chữ giản dị, hóm hỉnh phê phán thế sự. Mấy hôm nay, bỗng rộ lên tranh cãi về một stt bác mới viết. Không ít người chụp mũ, thóa mạ nặng nề đại loại bác "nâng bi Trọng lú", "nịnh thối đảng", "sớm đánh, tối đầu", "ăn cây nào, rào cây ấy", "được CS ưu ái cho du học, chịu ơn CS"...

Thiết nghĩ, những nhận xét đó thật không công bằng với bác, nếu không nói là có phần cực đoan, hồ đồ.Thế nhưng, đọc stt của bác, tôi cũng xin có đôi lời cùng bác:
1. Bác tin ông Trọng là người liêm khiết.

Vâng, tôi và nhiều người khác cũng chưa nghe thông tin ông Trọng tham nhũng tiền bạc hay có tài sản khủng bất minh.

Tuy nhiên, là người học hành chữ nghĩa (dù học Mác Lê), hẳn ông Trọng dư biết: tự do tư tưởng, tự do quan điểm chính trị là quyền cơ bản, tối thượng, thiêng liêng và tự nhiên của mỗi con người trong xã hội. Một đảng chủ trương độc tài về chính trị, là đảng đó đã cướp đoạt quyền tự do ấy của cả xã hội. Chắc chắn ông Trọng dư biết độc tài cai trị là cái gốc đẻ ra mọi tha hóa, xấu xa, trong đó có tham nhũng vật chất. Chỉ có tự do tư tưởng, đa nguyên chính trị, đa đảng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, chấp nhận đối lập, lá phiếu của dân chúng có quyền lực thực sự thì mới giảm thiểu lạm quyền, tha hóa, tham nhũng, coi dân như cỏ rác, như bầy bò để vắt sữa.

Tham nhũng vật chất là vơ vét của cải thiên hạ về tay cá nhân, phe cánh. Tham nhũng chính trị là vơ vét quyền lực xã hội về tay cá nhân, phe nhóm. Tác hại của tham nhũng chính trị, quyền lực khủng khiếp hơn tham nhũng vật chất.


2. Bác tin lãnh đạo nước ta không bán nước cho Tàu.

Tôi cũng tin như bác. Vì bán nước (thành khu tự trị hay tỉnh của Tàu) thì đang ở vị trí nguyên thủ quốc gia (vua một cõi), họ đâu muốn thành tỉnh trưởng (hàng thần lơ láo)?

Nhưng cái tình huống cuối thập niên 1980, Liên Xô và Đông Âu từ bỏ CS, họ sợ tự do dân chủ lan đến VN, mà muối mặt, trỡ trẽn và nhục nhã chủ động cầu cạnh thằng bành trướng từ nghìn đời nay, mới trước đó có 2 năm thảm sát 64 bộ đội ta trong vụ xâm lấn Trường Sa - Gạc Ma, cách đó có 1 năm, đang tâm điều xe tăng chà nát hàng nghìn sinh viên đòi dân chủ và minh bạch một cách ôn hòa ở Thiên An Môn, thì cái dã tâm ngai vua tập thể trên hết đã bộc lộ quá rõ ràng. Nhận định của ông Nguyễn Cơ Thạch về Hội nghị Thành Đô 9-1990: "Một thời kỳ Bắc thuộc mới đầy nguy hiểm" ngày càng được thực tế VN minh chứng.

Tôi tin họ không trắng trợn thỏa thuận, ký kết đến 2020, VN thành khu tự trị thuộc Tàu, nhưng chắc chắn những gì họ đã bàn bạc, thỏa thuận và thực thi từ Thành Đô đến nay đã và đang làm VN ngày càng suy yếu trong tương quan lực lượng với Tàu, tạo cơ hội Tàu ngày càng lấn lướt chủ quyền của VN, và nguy cơ VN bị thôn tính từng phần, xâm lược ngày càng rõ nét. Lợi ích quốc gia ngày càng bị Tàu cướp đoạt, lòng dân ngày càng hoang mang.

Nếu họ vì đất nước, vì nhân dân, đã không bỏ lỡ mọi cơ hội Hoa Kỳ và các cường quốc văn minh muốn tăng cường hợp tác.

3. "Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo, bác tin đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị".

Tôi cũng tin như bác, vì đó là quy luật mà họ không thể cưỡng lại. Nhưng lực cản từ họ làm chậm lại rất nhiều đà tiến của đất nước.

4. Bác tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả.

Tôi không nghĩ như bác. Tôi cho rằng, chừng nào CS còn cai trị thì thói giả dối, tuyên truyền bịp bợm, ngu dân còn thống trị, và chỉ làm cho người VN càng tệ hại mà thôi. Cứ so sánh đạo đức, lối sống, triết lý giáo dục miền Bắc trước và sau 1954, miền Nam và cả nước trước và sau 1975 là thấy rõ ngay.

5. Bác: "không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm".

Ý này thì bác sai rõ rồi. Tôi cho rằng không gì khôi hài, trỡ trẽn và ngụy biện hơn lập luận ấy của đảng. "Đổi mới" là gì? Nếu chẳng phải là suốt mấy thập niên đảng từng rập khuôn áp đặt khốc liệt mô hình quản lý duy ý chí kinh tế - xã hội ngu xuẩn của Stalin, kìm hãm, triệt tiêu sức sản xuất như trói nền kinh tế xã hội lại. Rồi thấy nguy cơ khủng hoảng tột cùng, đảng mới nới bớt cho kinh tế phát triển một phần tự nhiên như nó vốn vận hành (kinh tế thị trường) và lu loa đó là công ơn của đảng?

Bác hãy nhìn sang Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaixia, Indonesia... để thấy, đầu thập niên 1960, họ kém xa ta đó.

Cái nhìn của bác về thủ tướng Phúc dường như không được mấy người tán thành, chí ít trong vụ cá chết. Formosa tái phạm biết bao lần, có thấy đóng cửa đâu? Bác Thăng chỉ được cái lăng xăng, la lớn, đánh bóng tào lao. Nếu bác rành lịch sử tiến thân kiểu "công công" của bác Thăng, bác đã chẳng lạc quan vậy. Về lời nói và hứa hẹn, ông Phúc và ông Thăng cộng lại, chưa bằng ông X.

6. Bác: "tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm".

Vâng, tôi cũng tin dân chủ tự do thực sự sẽ có với nước ta. Có điều, nó sẽ có ngay trong một thời gian rất nhanh, nếu chóp bu CS, vì quyền lợi nhân dân và đất nước, từ bỏ quyền lợi vị kỷ của họ. Hiện nay, họ không từ thủ đoạn xấu xa, đê tiện, tội lỗi nào để làm chậm quá trình ấy ngày nào hay ngày ấy, cốt vơ vét thêm nữa cho bản thân, dòng tộc, vây cánh.

Hài lòng với những gì đã và đang có không phải suy nghĩ chung của đa số dân nghèo lam lũ thấp cổ bé họng và trí thức chân chính.

Nợ công, thâm hụt ngân sách thì chính báo chí quốc doanh cũng cho cả nước rõ rồi. Đại cục chẳng tốt lên đâu.

Đảng đang cố duy trì quyền lực độc tôn cai trị bằng mọi giá. Tôi chẳng thấy gì sáng sủa sau Đại hội 12, vì một số nhân vật kỹ trị, có học, còn chút lương tâm thì bị gạt ra rìa, hoặc bố trí ở vị trí hữu danh vô thực. Trong khi đó, các vị trí chủ chốt lại tràn ngập giới bảo thủ, hắc ám, quân phiệt. Một vài doanh nghiệp sân sau của ê kíp cũ bị sờ gáy, nhưng dường như những con cá mập mafia bự nhất vẫn nhở nhơ. Dư luận cho rằng, chúng sẽ nhanh chóng thích nghi với ê kíp mới.

Thưa bác Thái Bá Tân, tôi suy nghĩ như vậy, có quá bi quan?
-------------------------------------
Đây là status của bác Thái Bá Tân:

ĐÔI LỜI

Bực mình một bác vừa rồi bảo tôi nâng bi bác Trọng và chế độ.

Nói rõ thế này nhé.

Cuộc sống đa dạng, con người cũng đa dạng, không ai, không cái gì xấu cả hoặc tốt cả. Cách đánh giá cũng da dạng như vậy. Bất chấp nguy hiểm cho bản thân, tôi lên tiếng phản biện, có khi nặng lời. Nhưng cái gì tôi tin là đúng thì tôi khen. Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng đó là quan điểm và quyền của tôi. Không đồng ý thì thôi, sao phải thóa mạ? Nhiều bác lề trái đôi khi nói thái quá, tôi đọc đấy, biết đấy và im lặng. Đó là thái độ tôn trọng người khác.

Nhân tiện:

1. Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết. Làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác.

2. Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu.

3. Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo, tôi tin đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị. Hình ảnh “chìm tàu” tôi nhắc đến chỉ là một kiểu phúng dụ, nói quá, của văn chương. Mà ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy.

4. Tôi tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả.

5. Tôi không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm.

6. Tôi tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm.

Tôi nghĩ như thế đấy. Và chính niềm tin này đã tiếp sức cho tôi trong việc phản biện và thơ phú giúp lớp trẻ sống có ích, có ý nghĩa cho mình và cho đất nước.

Tôi yêu Việt Nam. Tôi cũng yêu cả các bác. Không yêu, đã chẳng thèm nói, chẳng thèm dạy học và chẳng thèm viết.
Hơi thật thà quá. Xin lỗi. (TBT)

Song Chi: Người Việt và xu hướng khen ngợi nồng nhiệt hay thất vọng thái quá
Một nhà thơ nổi tiếng trên mạng xã hội vì có những bài thơ 5 chữ mang tính thời sự xã hội, nói lên những bức xúc, vui buồn, cảm nghĩ của mình trước những sự trái tai gai mắt thường ngày. Nhiều người thích vì những bài thơ ấy đơn giản, dễ nhớ dễ thuộc, nói đúng những điều họ cảm, họ nghĩ. Mặt khác, trên mạng xã hội, báo chí “lề trái” có rất nhiều cây bút viết blog, viết báo, chính luận hay, nhưng chỉ có một nhà thơ ấy với những bài thơ 5 chữ nói chuyện thời sự, có lẽ vì vậy mà ông được nhiều người biết.

Và rồi, do thiện cảm, do đồng tình với những suy nghĩ của nhà thơ, một số người đã xem nhà thơ ấy như một người bất đồng chính kiến, dám nói lên sự thật và dám đấu tranh không chỉ chống lại những cái xấu của xã hội mà cả cái chế độ cộng sản thối nát này.

Cho đến khi nhà thơ viết bài “Đôi lời” trên facebook của mình khen ông Nguyễn Phú Trọng liêm khiết, tin “lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu”, bộc bạch: “Tôi không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi….Tôi tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy” và khen cả dàn lãnh đạo chính phủ mới vận hành được… Sau đó ông còn nhắc lại những ý của mình bằng một bài thơ.

Dư luận lập tức dậy sóng, nhiều ý kiến chỉ trích, kể cả nặng nề, cho rằng nhà thơ đã nói ngược lại, thậm chí phản bội lại những gì đã viết. Có người còn đặt ra giả thuyết phải chăng facebook của ông bị hack, hay ông bị sức ép nào đó từ phía công an nên buộc phải viết thế. Cuối cùng, nhà thơ viết thêm một bài “
Thông điệp hôm nay" nói rõ rằng không bị an ninh hay ai gây sức ép cả: “Xưa nay tôi vẫn thế, cái gì chưa được thì nói, một cách đàng hoàng và xây dựng. Cái gì hay thì khen, nhỏ cũng khen, thậm chí còn cố tìm cái tốt để khen. Tôi thực sự vui mừng vì đất nước đã đổi mới, đời sống người dân khá hơn xưa, có thể nói đổi đời. Trong chừng mực nào đó người dân đã có tự do và dân chủ. Cả nhân quyền. Đảng lãnh đạo đất nước thì có vai trò lớn trong việc này và phải ghi nhận. Còn tham nhũng, tiêu cực này nọ là chuyện khác, chuyện nghiêm trọng, và tôi sẽ tiếp tục phản biện về chuyện này. Vì biết không còn cách nào khác, tôi chỉ mong đảng đổi mới hơn nữa. Tôi lên tiếng với hy vọng đảng và nhà nước nhận thấy vấn đề và có chính sách thích hợp”.

Thiết tưởng quan điểm như thế là quá rõ. Là chỉ muốn đóng góp xây dựng cho đất nước và cho đảng. Mong đảng đổi mới. Ghi nhận những cái tốt, công ơn của đảng và chỉ ra những cái xấu trong xã hội để mong đảng “đổi mới hơn nữa”, “nhận thấy vấn đề và có chính sách thích hợp.” Trước đây có lẽ là do không nói rõ (?) nên nhiều người hiểu nhầm thái độ “phản biện với tinh thần xây dựng, đóng góp” của nhà thơ thành ra thái độ của một người bất đồng chính kiến hay đấu tranh dân chủ.

Trường hợp của nhà thơ nói trên không phải là ít trong xã hội VN. Do những nguyên nhân lịch sử, xã hội VN trong suốt thế kỷ XX cho tới tận thời điểm hiện tại vẫn có nhiều mâu thuẫn, xung đột về chính trị, và người Việt là một dân tộc vẫn còn nhiều bất đồng, chia rẽ sâu sắc về quan điểm, thái độ, tư tưởng chính trị, giữa người thuộc nhóm này với nhóm khác, giữa người miền Bắc và người miền Nam, giữa người trong nước và ở nước ngoài, giữa các tổ chức, đảng phái khác nhau.

Không thể phủ nhận là nhờ có internet, nhờ có sự giao lưu gián tiếp hay trực tiếp với thế giới bên ngoài qua các kênh truyền thông, qua tìm hiểu, nghe kể, thậm chí nhìn thấy tận mắt và so sánh giữa thực tế đời sống ở VN và các nước tự do, dân chủ, phát triển…, con số người Việt nhận ra những cái tệ hại, thua kém của VN so với nhiều nước khác, những bất công, phi lý trong xã hội và cái dở, cái tệ của nhà nước ngày càng nhiều. Và cũng ngày càng nhiều người thuộc mọi lứa tuổi, thành phần, kể cả những người từng cầm súng dưới màu cờ của đảng cộng sản, con em gia đình cán bộ, đảng viên…lên tiếng phản biện, chỉ trích nhà cầm quyền hoặc nói lên sự thật xã hội, sự thật lịch sử.

Nhưng không phải ai cũng quyết liệt tư tưởng 100%. Không phải ai cũng nghĩ được rằng “cộng sản không thể tự thay đổi, sửa đổi mà chỉ có thể bị thay thế, bị đào thải vĩnh viễn” (Boris Yelsin, Cựu Tổng thống đầu tiên của nước Nga thời hậu Xô viết).

Trên chặng đường dài của sự thay đổi về nhận thức, có người rõ ràng, thậm chí quyết liệt, có người chỉ chịu thừa nhận đảng “ta” bây giờ có nhiểu cái sai nhưng trước kia đảng “ta” không thế. Có người hiểu rõ bản chất của đảng cộng sản ngay từ đầu và toàn bộ lịch sử đảng cộng sản VN chỉ là một sự tuyên truyền, dối trá, người dân đã bị lừa, nhưng cũng có những người vẫn cho rằng đảng cộng sản có công “xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, đánh Pháp đuổi Mỹ, thống nhất đất nước”. Có người cho đến giờ phút này vẫn tin rằng bác Hồ là vị thánh, mọi chuyện là do những người khác và các thế hệ sau làm sai, nếu còn bác thì mọi chuyện đã khác v.v…

Nghĩ về tương lai VN cũng thế, có người mong muốn một sự thay đổi toàn diện để chuyển đổi sang mô hình thể chế chính trị tự do, dân chủ, tam quyền phân lập, pháp trị, đa đảng, và đảng cộng sản phải biến đi giống như mọi nước Đông Âu hậu cộng sản khác, nhưng có người vẫn hy vọng vào sự “tự làm sạch”, “tự đổi mới” của đảng…

Sự khác biệt trong suy nghĩ, quan điểm, nhận thức đó như đã nói, lả hệ quả của lịch sử bị chia cắt, chia rẽ trầm trọng, cộng với “nghệ thuật” tuyên truyền, nhồi sọ qua bao thế hệ của đảng cộng sản và do từng cá nhân mỗi người với xuất thân, “lý lịch”, trải nghiệm cuộc sống khác nhau.

Những người sinh ra và lớn lên hoàn toàn trong chế độ XHCN ở miền Bắc hoặc gia đình, bản thân có nhiều ràng buộc, nhận được nhiều bổng lộc của chế độ thường khó thay đổi hơn, khó chấp nhận những sự thật hoàn toàn trái ngược với những gì họ đã từng được giáo dục, từng tin. Nhất là về tên gọi, ý nghĩa, mục đích thật sự của cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam” hay những sự thật về nhân vật Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cũng chính những người như vậy nếu thay đổi thì lại rõ ràng, dứt khoát, không bao giờ còn chút mơ hồ, hy vọng gì nữa vào cái đảng này, chế độ này. Ví dụ như đại tá-nhà báo Bùi Tín, nhà văn Dương Thu Hương, cựu sĩ quan an ninh, nhà báo Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, người lính-blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, blogger Nguyễn Lân Thắng… và rất nhiều người khác.

Trong khi đó, lại có trường hợp những người ở miền Nam, trước đây thuộc thành phần chống lại chế độ VNCH hay còn gọi là thành phần “thân Cộng”, đến khi ra nước ngoài đã hàng chục năm nay, được sống trong một quốc gia tự do, dân chủ, tiến bộ, tôn trọng nhân quyền nhưng vẫn “thân Cộng” và vẫn mong muốn, hy vọng vào những cơ hội hợp tác với nhà cầm quyền VN.

Âu cũng là tự nhiên, thường tình. Bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn huống hồ cả một dân tộc hơn 90 triệu người, trong và ngoài nước. Nhưng điều đáng buồn hơn là sự khác biệt đó đã tạo nên sự chia rẽ trong người Việt, dù ở trong hay ngoài nước. Nếu như cộng đồng người Việt hải ngoại hơn 40 năm nay có biết bao nhiêu đảng phái, tổ chức chống Cộng nhưng vẫn không thể ngồi lại với nhau vì mục đích chung thì ở trong nước cũng không khá hơn, nhiều cá nhân, nhiều nhóm, tổ chức dân sự thành lập nhưng cũng chưa thể kết nối thành một phong trào chung.

Trở lại với chuyện từng cá nhân, nếu người Việt nói chung bình tĩnh hơn, đừng đòi hỏi bất cứ ai cũng phải rõ ràng dứt khoát 100% ngay về quan điểm, nhận thức, dần dần theo thời gian con người sẽ tự thay đổi, còn nếu không thay đổi thì ai sao mọi người cũng sẽ nhìn thấy và tự đánh giá được. Bên cạnh đó, dường như tâm trạng sốt ruột trước thời cuộc, tình thế và sự biến chuyển quá chậm chạp của VN trong lúc đa số người dân vẫn bàng quan với hiện trạng đất nước hay sợ hãi, cầu an, nên khi có bất cứ ai dám lên tiếng, dám có những bài viết nói lên sự thật, phản biện, chỉ trích nhà cầm quyền hoặc có những hành động như xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ cho người VN…chúng ta thường có khuynh hướng yêu mến, khen ngợi nồng nhiệt cũng như hy vọng, tin tưởng nhiều vào người đó. Để rồi khi thấy người đó có những hạn chế về quan điểm hay nhược điểm nào đó trong tính cách thì lại thất vọng thái quá. Điều này đã từng xảy ra không phải chỉ một vài lần. Cả hai thái cực có lẽ đều không nên.

Con đường đấu tranh để thay đổi tương lai, vận mệnh đất nước, dân tộc VN là một con đường dài, gian nan và là trách nhiệm chung của tất cả con dân Việt trong và ngoài nước, không của riêng ai, trong đó mỗi người dù góp phần nhỏ bé, hay chỉ đi được một chặng đường cũng đã là quý. Và chặng đường ấy sẽ ngắn hơn nếu ngày càng nhiều người hơn, cùng nắm tay nhau, cùng đi được bên nhau.