Sunday 2 April 2017

Mời đọc truyện ngắn tháng 4 để nhớ đến những người lính VNCH. Cọp Rằn - phan ni tấn

Image may contain: one or more people

Chiếc Molotova chở người tù cải tạo và ba tên cảnh vệ đi chợ Quảng Nhiêu về gần tới trại tù Méval thì xe chết máy. Xế trưa trời không mưa nhưng mây thấp và gió buốt. Con đường đất, rừng cây, những ngọn đồi thấp như co lại vì cái lạnh cuối năm. 

Molotova là loại xe vận tải từng vượt Trường Sơn vào Nam, sau chiến tranh vẫn dùng làm phương tiện di chuyển, như hàng tuần xe vẫn dùng để chuyên chở thực phẩm mua từ chợ Quảng Nhiêu vào trại. Chuyện trung úy Ban, tù cải tạo kiêm anh nuôi cứ cách tuần theo xe ra Quảng Nhiêu đi chợ đã quá quen thuộc với toàn trại. 

Thời chiến, trung úy Ban, thuộc Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân Ban Mê Thuột nổi tiếng Ban lì, do trung tá Lan (Lan trọc) chỉ huy. Ngày 10 tháng 3-1975 khi Ban Mê Thuột thất thủ, cọp rằn trung úy Ban bị bắt ngay tại xã Phước An. Từ đó anh không biết cũng như không nghe tin tức gì về số phận vị chỉ huy của mình.

Ba năm trước, cũng con đường âm u này, cũng chiếc Molotova đã chuyển trung úy Ban và hàng trăm tù cải tạo từ Trại Cải Huấn Ban Mê Thuột vào trại tù Méval. Méval cách thị trấn Ban Mê Thuột khoảng 35km về phía Tây Bắc, trước kia là đồn điền trồng cao su và cà phê của người Pháp. Qua năm thứ hai, Ban được xếp vào toán nhà bếp làm "anh nuôi bồi dưỡng" cho trại.
.
Như thường lệ, xe đậu ngay trước ủy ban xã, ngó xéo qua bên kia đường là chợ. Quảng Nhiêu. Ngôi chợ quê đi một vòng đã... về chốn cũ. Ban nhớ những lần đi chợ đều có 3 tên cảnh vệ đeo súng kè kè một bên. Nhưng riết rồi họ thấy Ban rất kỷ luật, không có ý đồ bỏ trốn nên sau khi chợ búa xong hầu như họ thả lỏng Ban la cà mặc thích, cứ đúng giờ trở lại Ủy ban lên xe về trại.

Ngay từ khi Ban được thả lỏng anh nghĩ ngay tới chuyện vượt ngục mà anh đã manh nha từ khi bước chân vô trại cải tạo . Đã ba năm nay họa hoằn lắm trại tù Méval mới xẩy ra lẻ tẻ vài vụ vượt ngục nhưng kết quả không một ai trốn thoát. Rừng núi âm u trùng điệp, lạc vô đó sớm muộn gì cũng đều bị bắt lại. Có người đang dẫn độ về trại toan chạy trốn bị bắn chết.ngay tại chỗ. Những ai bị đưa về tới trại đều bị các "đồng chí" bề hội đồng tả tơi manh giáp. Nếu sống sót thì tù phạm bị cùm biệt giam, nếu bị đánh chết thì bó chiếu đem chôn. Từ đó, sau cụm rừng thưa cách láng trại không xa, mộ tù chính trị lẫn tù hình sự - không chết vì vượt ngục cũng chết vì bệnh tật - theo năm tháng đã mọc lên thành nghĩa địa tù.

Thời gian lầm lũi trôi qua và sau thời kỳ ổn định tình hình trại, tù được phép cho thăm nuôi. Ban đầu cứ cách hai tuần thân nhân tù cải tạo ở Ban Mê Thuột thuê xe Dodge, loại xe vận tải nhỏ chở họ vô Méval thăm nuôi tù. Trung úy Ban, dân miệt đất mũi Cà Mau dĩ nhiên thuộc thành phần "con dì phước". Thật ra gia đình ba má Ban nghèo rớt mùng tơi, quanh năm suốt tháng mò cua bắt ốc ven sông ven biển độ nhật, tiền bạc đâu mà lặn lội lên tận miền cao xa xôi cách trở để thăm con. Biết vậy nên suốt ba năm tù anh không hề biên thư về cho gia đình. Anh coi như mình đã chết. cũng nhờ vậy lại đỡ khổ cho gia đình. Nhưng nhờ " sống lâu lên lão làng" nên sau này Ban, xong nhiệm vụ nhà bếp, được phép ra vô khu vực thăm nuôi, dù anh chẳng có ma nào vô thăm. 

 Nhờ được "trên" ưu đãi hiếm có này, Ban đã kín đáo quan sát tình hình chung quanh để tìm cơ hội vượt ngục. Cuối cùng sau nhiều lần quan sát, anh để ý tới chiếc xe Dodge và nhận ra ngay người tài xế tên Pú.

Pú, trước kia là lính vác máy truyền tin PRC 25 cho Ban ngoài mặt trận, nay là chủ nhân kiêm tài xế xe khách. Cũng nhờ trời xui đất khiến anh gặp lại tên đệ tử vốn lanh lợi, tháo vác và có nhiều sáng kiến trong đơn vị của Ban. Nhận ra "ông Thầy" Pú mừng rơn. Tuy nhiên hai thầy trò tỏ ra thận trọng mỗi khi tiếp xúc và kín đáo bàn chuyện đào tẩu, ngoài tai mắt cán bộ.

Đầu mùa mưa, ngày D giờ H, đúng như kế hoạch hai thầy trò đã vạch sẵn, sau khi đi chợ Quảng Nhiêu xong, như thường lệ ba tên cảnh vệ trở lại Ủy ban xã, Ban lại la cà quanh chợ vắng ngưòi. Loanh quanh một hồi Ban rề rề tới gần chiếc xe Dodge của Pú đậu dưới hàng cây phượng vĩ. Đứng nép dưới gốc cây nhìn lên phượng nở đỏ rực. Thỉnh thoảng cơn gió quét qua làm rụng vài cánh phượng xuống mui xe. Lợi dụng mấy ông anh bà chị ngồi trên xe đang chuyện trò rôm rả, Pú kín đáo nháy mắt ra hiệu. Biết ý Ban vội đảo mắt nhìn quanh thấy chắc ăn anh vụt lao mình xuống gầm xe, liếc một cái Ban chụp ngay hai cái móc sắt móc dưới lườn xe rồi nhanh nhẹn đu mình lên đặt nhẹ hai chân và mông trên một tấm ván bắt ngang. Lúc đó mưa bắt đầu rơi rả rích. Từ trong quán nước bên đường, Pú bình tĩnh ra sau xe phủ tấm bạt nylon xuống cột lại không cho mưa tạt ướt hành khách xong Pú lên xe đề máy chạy luôn. 

 Treo mình tờng teng dưới lườn xe đang chạy, dù chậm nhưng sơ sẩy một chút là mất mạng như chơi. Có thể nói đây là một cuộc vượt ngục kỳ lạ, một kỳ công vượt bực của một người tù cải tạo có sức mạnh và ý chí quyết thắng đến liều mình.

Mưa càng lúc càng rơi tầm tả. Gió thổi mạnh hơn làm Ban lạnh run. Khoảng nửa tiếng sau tới khúc quanh, Pú giảm hẳn tốc đô chuẩn bị vượt qua con dốc lầy lội, nhảo nhoét bùn sình. Nghiêng đầu nhìn ra quang cảnh hai bên, Ban biết đây là quãng đường dốc mang nhiều kỷ niệm rướm máu của anh và đồng đội. Trong thời chiến, tỉnh lộ 8 đi Méval xuyên qua Quảng Nhiêu bị cắt đứt. Nhiều trận đánh đã diễn ra tại khúc quanh đổ dốc về Quảng Nhiêu gây nhiều thương vong cho cả hai bên. Sau chiến tranh, Việt Cộng lấy Méval làm trại tù giam giữ các sĩ quan, viên chức chính quyền lẫn tù hình sự phía miền Nam.

Lần này định mệnh bắt Ban trở lại con dốc nghiệt ngã này dưới hình thù của một kẻ bại trận đang trên đường vượt thoát. Như đã bàn trước, khi xe trườn lên con dốc, Pú cho xe chạy thật chậm đủ để Ban uốn mình rút hai chân ra khỏi tấm ván buông nhẹ xuống đất, trong khi hai tay vẫn ra sức bám chặt hai cái móc sắt phía trên đầu. Ngay sau đó Ban buông hai tay cho thân mình nằm dài trên đất mặc cho quần áo bê bết bùn sình. Chờ xe rột rẹt sang số lướt tới, Ban vội vàng lăn mình vào đám cỏ cao mọc sát bên đường rồi cắm đầu lũi sâu vào rừng.

Núp trong đám bụi rậm Ban lắng nghe tiếng xe xa dần rồi im hẳn. Anh nhắm mắt vuốt mặt thở dốc thầm cám ơn thằng đệ tử trung thành chẳng biết bao giờ mới có cơ hội gặp lại. Kế hoạch vượt ngục táo bạo bằng hai cái móc sắt quấn lớp vải dầy và tấm ván kê ngang dưới lườn xe đều do Pú nghĩ ra. Cả hai thầy trò cũng biết rõ khi qua khỏi con dốc rất có thể sẽ bị bộ đội ra chận đường xét hỏi như thỉnh thoảng họ vẫn làm. Để chắc ăn, Ban phải rời khỏi lườn xe ngay tại con dốc này.

Buổi xế chiều đường rừng yên tĩnh lạ lùng. Cảnh vật như đọng giữa một không gian mơ hồ. Rừng cây, bụi cỏ dửng dưng, xa lạ nhưng lúc đó lại vô tình che chở cho một tội phạm gan lì. Chỉ có tiếng mưa đang rơi kia không thiết đến nỗi hồi hộp, lo sợ bị bắt lại của anh. Toàn thân Ban ướt sũng, run rẩy vì lạnh.
Ban vẫn nằm im trong bụi rậm lóng tai nghe ngóng động tĩnh và quan sát tình hình.chung quanh. Bảy năm làm lính Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đóng tại Ban Mê Thuột, Trung úy Ban chiến đấu ngoài mặt trận nhiều hơn là ở hậu cứ. Rừng xanh núi thẳm từng là nhà của anh. Đành rằng rừng bao giờ cũng bí ẩn, hiểm nguy và đầy bất trắc, nhưng đồng thời rừng che chở, dung dưỡng và cảm thông với con người. Tình cảnh đơn độc của Ban lúc này cũng giống như những người bạn tù trốn trại thiếu may mắn trước kia, đang đào thoát để tìm một chốn dung thân, một chút yên bình mong manh. Tự do và ngục tù dan xen trộn lẫn vào nhau tạo nên tâm trạng ngậm ngùi, biến Ban thành một con người rừng tả tơi, hoang dã và cô độc. Hồi trong quân trường, cán bộ đã dạy các khóa sinh cách mưu sinh thoát hiểm khi lạc trong rừng. Kiến thức này vô cùng hữu ích cho Ban trong giờ khắc thoát hiểm .

Màn sương lờ mờ trong rừng bắt đầu tỏa ra, bóng chiều mờ dần. Mưa ngớt hột. Chắn chắn giờ này bọn cảnh vệ đang cuống cuồng vác súng chạy đi tìm cọp rằn Ban. Trước nỗi sợ bị bắt lại, ý chí sống còn vực Ban dậy, anh trườn qua thảm lá cọ ướt sũng, bò qua đám cỏ tranh cao ngút đầu người, lách mình qua những bụi cây gai gốc, qua đám dây leo chằng chịt. Cứ thế, Ban nhắm hướng cây cổ thụ mờ mờ phía trước vừa đi vừa chạy càng xa con đường dốc càng tốt và nghĩ nhanh đến một nhành cây cao để ngủ qua đêm trước khi màn đêm thực sự trùm kín khu rừng.

Câu chuyện về cọp rằn vượt ngục vô tiền khoán hậu đã trở thành một trong những chuyện kỳ lạ của thời hậu chiến. Câu chuyện một thời gây xôn xao cho ban Quản giáo và toàn trại tù. Có điều từ ngày cọp rằn vượt ngục đến nay đã 39 năm, không một tin tức, không một dấu vết, không một ai biết được số phận của anh ra sao; còn sống vất vưởng đâu đó trong các trại tù hay đã bị thủ tiêu trong rừng trong rú ngay khi bị bắt lại. Có trời mới biết.

Riêng Pú, người đệ tử trung thành của trung úy Ban năm xưa, ngồi trước mặt tôi phà hơi khói thuốc gật gù kể tiếp: "Sau khi thả ông Thầy xuống thấy ổng lẹ làng lăn vô bụi em yên tâm nhấn ga chạy luôn. Không ngờ đó là lần cuối cùng em gặp ổng. Thật ra sau đó em tiếp tục chở bà con vô trại thăm nuôi, dò la tin tức nhưng không ai biết thêm gì về ông Thầy. Nghe nói sau vụ ông Thầy trốn thoát mấy anh tù chính trị bị cúp thăm nuôi trong một tháng".

Riêng tôi cho rằng cựu trung úy Bìệt Động Quân với biệt danh "Ban lì" đã biểu hiện một cách hết sức dũng cảm, linh động và nhân cách của một sĩ quan QLVNCH: một quân đội anh hùng, sống chết vì tổ quốc vì dân tộc mình. Điều này đã trở thành một đạo lý căn bản và lẽ sống tự nhiên của con người.

Phan Ni Tấn