Saturday 1 April 2017

Tại hội nghị ngoại trưởng NATO, Mỹ tố cáo Nga “xâm lược” Ukraina

Trọng Nghĩa Đăng ngày 31-03-2017 Sửa đổi ngày 31-03-2017 15:29

media
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại cuộc họp ngoại trưởng NATO tại Bruxelles ngày 01/03/2017.REUTERS/Virginia Mayo/Pool

Ngay khi vừa đặt chân đến Bruxelles để tham gia hội nghị ngoại trưởng NATO đầu tiên của ông từ khi nhậm chức, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 31/03/2017 đã tố cáo hành vi « xâm lược » của Nga nhắm vào nước láng giềng Ukraina.

Theo hãng tin Pháp AFP, ông Tillerson đã tuyên bố : « Chúng tôi muốn có một cuộc thảo luận về vị trí của NATO ở châu Âu, đặc biệt là ở Đông Âu, để đối phó với sự xâm lăng của Nga ở Ukraina và các nơi khác ».
Từ thời tổng thống Barack Obama, Washington đã lên án và có các biện pháp trừng phạt Nga kể từ năm 2014 về các hành vi của Mátxcơva tại Ukraina, trong đó có việc xâm chiếm Crimée và ủng hộ phiến quân thân Nga ở phía đông nước láng giềng.

Qua phát biểu của ngoại trưởng Tillerson, lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Nga có vẻ không thay đổi, cho dù quan điểm của tân tổng thống Mỹ Donald Trump là muốn xích lại gần đồng nhiệm Nga Vladimir Poutine.
Một vấn đề quan trọng khác cũng đã được ông Tillerson nhấn mạnh, đó là yêu cầu các nước châu Âu tôn trọng chỉ tiêu tối thiểu là dành 2% GDP cho quốc phòng, điều mà chỉ mới có 4 nước châu Âu thực hiện.

Hồ sơ chống khủng bố, cũng đã được ông Tillerson nêu bật. Các ngoại trưởng Châu Âu và Canada đang muốn biết Washington nói chính xác là chờ đợi NATO làm gì trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech ở Irak và Syria.

Trước nhà báo, ngoại trưởng Mỹ giải thích là muốn "thảo luận về sự tham gia vốn đã rất quan trọng của NATO trong cuộc chiến chống Daech và chống những hành động khủng bố khác mà NATO có thể đóng góp và cuối cùng mang lại ổn định cho Trung Đông".
Theo AP, NATO đã gởi quân tham gia chống quân nổi dậy ở Afghanistan, huấn luyện sĩ quan Irak để quân đội Irak chống lại thành phần cực đoan, nhưng không mấy hứng thú trong việc triển khai quân trong chiến dịch chống khủng bố. Các đồng minh trong NATO cho là liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo có vai trò lãnh đạo trong các chiến quân sự, chứ không phải NATO.