Saturday 1 April 2017

Tản mạn về Phật giáo hiện nay tại Việt Nam - Nguyễn Tường Bách

«Phật giáo đồng hành cùng dân tộc». Đó là câu nói chúng ta thường nghe tại Việt Nam từ nhiều thế hệ qua. Trong đầu thế kỷ 21 này, trước những cơ hội và nguy cơ mới mẻ đề ra cho dân tộc Việt Nam, thiết nghĩ cần bình tâm nhìn lại tình hình của Phật giáo, xem thử Phật giáo có thể «đồng hành» được gì hay không và đâu là những điều kiện cho vai trò đó.
Vài dòng về Phật giáo
Phật giáo Việt Nam trước 1975
Phật giáo Việt Nam sau 1975
Phật giáo hiện nay
Nguyễn Tường Bách


Thực là không đơn giản khi nói về Phật giáo. Trải qua nhiều ngàn năm phát triển trên nhiều châu lục, Phật giáo đã biến thành một hệ thống đồ sộ, bao gồm nhiều luồng tư tưởng, quan niệm, triết thuyết, phép tu học, nội dung hành động khác nhau. Dù vậy, tất cả các môn phái Phật giáo đều tôn Phật Thích Ca là đạo sư của mình, một nhân vật lịch sử sống cách chúng ta khoảng 2600 năm. Vì lý do đó, thiết tưởng không dư thừa khi ta nhắc lại vài ý tưởng nền tảng giáo lý của Phật Thích Ca.
Nhận thức, chứ không phải lòng tin, là cốt lõi của Phật giáo. Phật khuyên chúng ta nên nhận thức đúng đắn. Ngài cho rằng vì chúng ta hay nhận thức sai nên hành động sai, dẫn đến đau khổ. Muốn thoát khổ hãy «chánh kiến», tức là hãy biết nhận thức, kiến giải đúng đắn sự vật. «Chánh kiến» là bước đầu tiên trong «Bát chánh đạo», tức tám con đường chân chánh dẫn đến sự thoát khổ. Tám con đường đó nói về cách tư duy, cách hoạt động, cách làm việc...trong đời sống hàng ngày. Nhận thức đúng đắn là tiền đề của mọi sự đúng đắn còn lại.
Phật không bao giờ khuyên nên có một niềm tin nơi Thượng Đế, nơi thần linh. Ngược lại, trong một bài giảng cho những người thuộc bộ tộc Kalama1, Phật khuyên không nên vội tin vào ai cả, kể cả vào lời nói của Ngài. Người nghe phải tự thể nghiệm những gì người khác nói, nếu nó đem lại hạnh phúc an vui cho mình và cho người thì mới tin. Quan niệm này của Phật rất mới lạ, kể cả trong thời hiện nay. Bài giảng Kalama từng được Hòa Thượng Minh Châu2 gọi là «tuyên ngôn giáo dục của Phật giáo», thế nhưng người đời sau ít ai chú ý.
Vì vậy cốt lõi của đạo Phật chỉ là vấn đề nhận thức sao cho đúng đắn, dựa vào thể nghiệm của chính người nghe. Đạo Phật xa lạ với một niềm tin lên một vị Thượng Đế, lên thần linh ma quỉ. Ngược lại đạo Phật khuyên cẩn thận với mọi hứa hẹn, ân sủng xa vời do tha nhân ban bố, dù người đó là ai.
Thế nhưng trải qua nhiều ngàn năm, lý thuyết Phật giáo trở nên phức tạp và xem ra mâu thuẫn lẫn nhau giữa các giáo phái. Lý do đơn giản là, «nhận thức» nghe qua thì khiêm tốn nhưng khi áp dụng nhận thức vào cả vũ trụ và tâm thức chính mình thì «nhận thức» trở thành trung tâm điểm của tất cả mọi suy tư và khoa học của nhân loại. Nhận thức cả vũ trụ nên sớm có triết học Phật giáo. Nhận thức hiện tượng nên có Nhân minh học. Nhận thức về Tâm nên có Duy thức và Tâm lý học Phật giáo...
Khi các nhà Luận sư sau Phật «nhận thức» về Tâm con người thì các vị khám phá Tâm vô cùng kỳ diệu, sâu thẳm, không phải ai cũng tiếp cận được. Khi các vị đó giảng giải thêm về Tướng và Dụng của Tâm thì người nghe chỉ có thể tin hay không tin, họ không thể tự mình thể nghiệm các nhận thức sâu xa đó. Vì thế trong đạo Phật cũng tồn tại một niềm tin tôn giáo nhất định.
Kể từ đó trong đạo Phật sinh ra một vài nhánh Phật giáo, trong đó niềm tin đóng vai trò chủ yếu. Xuất phát từ niềm tin nơi một thể tính có nhân trạng, thí dụ Phật A-di-đà, tín đồ sớm cầu xin được «cứu độ» bằng cách niệm Phật. Đó là bước đầu của các pháp môn Tịnh Độ hay Mật Tông, phát triển vài trăm năm sau khi Phật nhập diệt. Bên cạnh Thiền Tông, pháp môn dựa vào lời dạy nguyên thủy của Phật, ta có thể kể thêm Tịnh Độ và Mật Tông, đó là ba dòng chính của Phật giáo.
Trên đây là vài dòng trình bày vô cùng giản lược về ba trường phái chính của Phật giáo. Nếu đi sâu vào các phép tu học của ba pháp môn đó, thông suốt thuyết Vô ngã của Phật giáo, ta sẽ thấy các thể tính như Phật A-di-đà trong Tịnh Độ hay các vị Ngũ Trí Như Lai trong Mật Tông/Kim Cương thừa đều là những tính chất trong sáng cơ bản và diệu dụng của Tâm, tất cả đều là phi nhân trạng và cả ba pháp môn nói trên đều đồng qui vào một mối. Cả ba đều là phương tiện tu học, không có gì mâu thuẫn lẫn nhau.
Nhưng chiều hướng ngược lại hay xảy ra. Đó là khi tín đồ đến với Phật giáo chỉ với một lòng tin xin cứu độ, xuất phát từ lòng tham ái cá nhân, thì lời Phật dạy sẽ mất hết ý nghĩa và khi đó tôn giáo bị qui lại thành một hệ thống tế lễ, cầu xin, đổi chác. Đạo Phật sẽ đánh mất phẩm chất của mình vì bị quần chúng hóa trong chiều hướng sai lạc.
Trên cơ sở lời dạy nguyên thủy của Phật, ta có thể nói tính chất của Phật giáo là không chấp nhận có một Thượng Đế, không chấp nhận niềm tin vô căn cứ, coi trọng sự thể nghiệm bản thân, lấy nhận thức đúng đắn làm «sự nghiệp» của mình, hướng về sự tự do trong tư tưởng, tôn trọng sự khác biệt. Người Phật tử đích thực không bao giờ muốn cải đạo người khác, không nhiều lời đi thuyết phục tha nhân3, không dùng đạo Phật để vận động một phong trào chính trị hay xã hội. Mục đích của Phật giáo không gì khác hơn là nhận thức và chuyển đổi chính tâm thức mình trong phạm vi cá thể.
Theo thiển ý của kẻ viết bài này, trong một quốc gia có Phật giáo thì tôn giáo này nhiều nhất là nên đóng vai trò của một khung cảnh văn hóa, của một nền tảng đạo lý mà trên đó các lực lượng chính trị hoạt động. Tự thân Phật giáo không thể là một lực lượng chính trị vì quyền lực chính trị không thể dung hòa với lời dạy cơ bản của Phật. Nội dung văn hóa đó là a) tinh thần tự do và khai phóng cho mỗi cá thể và b) tôn trọng sự khác biệt giữa các thành phần trong xã hội.


Phật giáo du nhập vào Việt Nam trong khoảng thời gian đầu công nguyên, một phần theo đường bộ từ Trung Hoa, phần khác theo đường thủy từ Ấn Độ. Đặc tính đáng chú ý của Phật giáo Việt Nam là sự có mặt rất sớm của các truyền thống khác nhau như Đại thừa, Nguyên Thủy, Mật Tông... Ba dòng chính Thiền Tông, Tịnh Độ, Mật Tông đều có mặt khắp ba miền. Trong nhiều trường hợp Thiền Tông và Tịnh độ được tu học song song. Có nhiều vị tăng sĩ vừa tu tập Thiền Tông vừa thực hành Mật Tông.
Khác với các nước khác tại châu Á, chúng ta có nguyên lý «tam giáo đồng nguyên», đó là vai trò hội nhập của Phật giáo với các đạo giáo khác của dân tộc. Trong lịch sử, Phật giáo đóng được vai trò nền tảng văn hóa của xã hội Việt Nam.
Thế nhưng từ năm 1954, tại miền Bắc Phật giáo dần dần biến mất. Trong chùa không còn tăng ni, chỉ còn ông từ bà vãi. Đó cũng là thời kỳ mà tại miền Nam, một số cao tăng xuất sắc xuất hiện. Dưới chế độ của Tổng thống Ngô Đình Điệm, ý thức về một «sứ mạng lịch sử» bắt đầu sinh ra trong giới Phật tử khi phải đối đầu với một chính quyền theo Thiên Chúa giáo tại Sài Gòn. Biến cố 1963 đánh dấu một bước chuyển mình. Đó là thời gian mà Phật giáo bỗng nhiên được xem là một lực lượng chính trị hẳn hoi. Vài thế lực trong và ngoài nước liếc nhìn vai trò của Giám mục Makarios4 của đảo Síp xa xôi, tự hỏi phải chăng Phật giáo có thể đảm đương một vai trò chính trị tương tự.
Từ 1963 trở đi, theo dòng thời cuộc, Phật giáo với số tăng sĩ và trí thức bị đẩy đưa trôi nổi giữa hai lực lượng quân sự, lạc lõng giữa hai lằn đạn. Dù thế, Phật giáo đã chuyển từ một thế đứng văn hóa trở thành một yếu tố chính trị và xã hội, với tất cả sự rủi ro của nó. Ngày nay nhìn lại ta có thể nói sự «chuyển mình» đó xem ra không hoàn toàn chủ động, không có sự chuẩn bị về đường lối và tất nhiên là thiếu hẳn tính chất chuyên nghiệp của một chính đảng.
Hiệp định Paris, hai bên hay bốn bên tùy theo định nghĩa, không hề quan tâm đến một cái gọi là «thành phần thứ ba» mà nhiều nhân sĩ Phật giáo tự nhận vị trí của mình. Và cuối cùng, như chúng ta đã biết, đến lượt nó, nội dung Hiệp định Paris ký trước đó ba năm cũng bị cho vào quê lãng bởi biến cố năm 1975.


Từ ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất. Chủ trương của đảng lãnh đạo là nhất nhất mọi sự phải nằm trong vòng kiểm soát và dẫn dắt của đảng.
Đối với Phật giáo, các nhà chiến thuật của đảng cầm quyền dĩ nhiên áp dụng một chính sách quen thuộc. Một mặt họ chủ động yêu cầu một số tăng sĩ hợp tác với chế độ, như đã từng «tranh thủ» Hòa Thượng Đôn Hậu5 tham gia Mặt trận Giải phóng trước năm 1975. Mặt khác chính quyền không ngại phân hóa, chia rẽ tăng ni Phật giáo và thiết lập những tổ chức chịu sự chi phối của chính quyền.
Những ai có tiếp xúc với các tăng sĩ Phật giáo trong mấy mươi năm qua đều rõ, các vị đó đều biết chủ trương của chính quyền, biết điều gì xảy ra cho mình và cho môn đệ nếu không chịu phục tùng, biết những ai là nhân sự của chính quyền trà trộn trong giới tăng ni và Phật tử. Tuy thế phần lớn giới tăng sĩ Phật giáo chọn một thái độ «hợp tác» với chính quyền vì các vị đó biết rõ, nếu không chấp nhận nằm trong vòng kiểm soát của Nhà Nước, lập tức họ bị bôi nhọ và cách ly khỏi quần chúng Phật tử. Họ sẽ bị thay thế bởi những thành phần nhân sự khác và tình hình chung sẽ xấu hơn.
Hơn thế nữa, ở đây cần nói thêm về quan niệm và chủ trương của một số cao tăng Phật giáo mà đại biểu là Hòa Thượng Thiện Siêu6. Trước cảnh đổi dời của đất nước và thịnh suy của giáo hội, ông luôn luôn cho rằng, dân tộc và Phật giáo nằm trong một cộng nghiệp tổng thể. «Vận nước non» đã đưa đẩy một số nhân vật lịch sử và đảng phái nhất định lên sân khấu chính trị của đất nước, họ không phải là tác nhân đích thực. Họ chỉ là mặt ngoài của mọi biến cố mà gốc gác của chúng nằm rất xa tầm nhận thức của chúng ta. Trong đó, thái độ đúng đắn của Phật giáo chỉ là «tùy duyên» mà tham gia và tác động.
Từ «tùy duyên» của ông lại xác định một lần nữa Phật giáo không bao giờ có thể là một lực lượng chính trị. Một chính đảng không thể hoạt động «tùy duyên». Từ «tùy duyên» cũng soi sáng phần nào tại sao Phật giáo tham gia trong biến cố 1963, tức là khi điều kiện chín muồi và tình hình đòi hỏi thì Phật giáo cũng không thể ngồi yên. «Tùy duyên» trong thời buổi sau 1975 chính là tùy lúc, tùy chỗ tham gia hợp tác với chính quyền để đời sống Phật tử không bị xấu hơn. Hỏi «tùy duyên» nhưng phải «thuận pháp», thế nào là «thuận pháp»? Ông trả lời «pháp sẽ còn đổi thay.»


Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước. Sau công cuộc đổi mới trong những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đi vào hòa bình và ổn định. Đời sống vật chất được nâng cao hơn trước, quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài khởi sắc, rõ ràng đưa đất nước tiến lên.
Tuy nhiên Việt Nam đang đứng trước những vấn nạn lớn. Về mặt vật chất, nạn tham nhũng đang lan tràn trong mọi ngõ ngách của đời sống, biến các thành quả kinh tế trở thành hố sâu cách biệt giàu nghèo. Về mặt tinh thần và văn hóa, đại nạn hiện nay là tình trạng bạo lực và dối trá đang chi phối toàn thể xã hội. Quan hệ giữa người và người chưa bao giờ xấu như hiện nay, người dân chưa bao giờ coi thường giới lãnh đạo như bây giờ.
Nguyên nhân trung tâm của tình trạng nói trên là thể chế của Nhà nước, một thể chế dung dưỡng, cho phép nạn tham nhũng, nạn bạo lực và dối trá phát triển. Nhiều người trong chính quyền cũng đã công khai thừa nhận điều này.
Về mặt tâm linh và tôn giáo, Phật giáo cũng lại «đồng hành» với dân tộc, trong nghĩa tích cực và tiêu cực. Chùa to tượng lớn được xây dựng khắp nơi, lãnh đạo cao cấp của đất nước cũng đến lễ bái cúng dường. Tuy thế nạn tham nhũng và bạo lực không hề dừng lại trước cửa tôn giáo, nạn thật giả trong giới tăng sĩ ngày nay đã phổ biến.
Truyền thống «tâm linh» ngày xưa sống lại qua những hoạt động như «Ấn ĐềnTrần» thu hút hàng vạn người tham gia. Điều mà ta không thể giải thích được là trong những lễ hội tâm linh như thế, tưởng nhớ đến anh linh các vị vua Trần, nạn bạo lực vẫn tràn lan. Xem ra khuynh hướng tham nhũng và bạo lực của xã hội vật chất quay sang «chiếu» lên thánh thần, lòng mong cầu ơn phước hình như phải được đổi lại xứng đáng bằng phẩm vật đắt tiền hay bằng hành động cướp ấn cướp lộc công khai.
Những hoạt động «tâm linh» nói trên, tưởng chừng như mang tính chất nhân văn và truyền thống cao đẹp, cho ta thấy đầu óc lý tài và bạo lực đã thâm nhập quá sâu trong tâm hồn con người. Đó là điều làm cho ai có chút lương tâm đều trăn trở.
Mặt khác, những ai có tiếp xúc và quan sát giới Phật tử tại Việt Nam đều thấy một điều đáng lạc quan. Tinh yếu giáo pháp đức Phật hình như không hề mất đi. Trong một xã hội hừng hực tranh sống, ta vẫn gặp những nhóm người lặng lẽ thực tập Thiền định, tập điều hòa tâm thân, tu bát quan trai. Họ kết với nhau từng nhóm, chuyện trò trao đổi về kinh nghiệm tu tập, đến nghe các vị thầy giảng các pháp thoại nhẹ nhàng. Họ kết nhau quanh những tạp chí, tham khảo nhau viết bài vở, cùng nhau đi khảo cứu. Họ lập từng nhóm nhỏ học Phật, giới thiệu sách báo trên Internet. Nếu đủ điều kiện, họ tham gia các khóa tu ở nước ngoài, theo các chuyến hành hương đất Phật hay trang trải cho cha mẹ già yếu của mình được một lần thăm viếng các thánh tích. Họ cùng nhau cứu trợ người nghèo, người mù, người già neo đơn, tụng kinh hộ niệm người vừa mất trong truyền thống Tịnh Độ. Họ chịu đi xa đến nghe các vị tăng sĩ nước ngoài đến Việt Nam giảng pháp. Số lượng của họ không nhiều, không báo chí nào nhắc đến họ, nhưng chúng ta đi đâu cũng gặp. Họ kín đáo trong mọi phát biểu, chỉ làm những điều mình cần làm, tôn trọng mọi môn phái Phật giáo khác nhau. Họ biết rõ đời sống của họ do Tâm tạo và tin tưởng nơi luật Nhân quả.
Dường như trong một xã hội càng chao đảo về đạo đức thì sức mạnh trì kéo lại càng sáng lên mạnh mẽ. Sức mạnh đó chỉ thể hiện lặng lẽ, trong các nhóm nhỏ, trong các gia đình. Nó như một đốm lửa trong đống tro tàn, giữ cho lò luôn ấm áp và cho chút ánh sáng.
Nhưng cứ thế này mãi ư? Đất nước đã đến lúc cần có một sự thay đổi về thể chế, đó là điều nhiều người thừa nhận, kể cả một số trong chính quyền, nhất là những vị đã về hưu. Trước tình hình kinh tế bị nạn tham nhũng xói mòn, tình hình văn hóa bị nạn bạo lực và dối trá áp đảo, trước sự đe dọa của ngoại bang, một sự thay đổi thể chế nhất thiết phải xuất phát từ lòng đoàn kết dân tộc và truyền thống tốt đẹp của văn hóa.
Người viết bài này cho rằng, một sự thay đổi thể chế trong tình hình hiện nay chỉ có thể xuất phát từ đảng cầm quyền. Tình trạng cụ thể của đất nước không thể cho một kết luận khác. Phải chăng như thế mới là «thuận pháp»? Nhưng làm sao một đảng cầm quyền có thể tự chuyển hóa được? Khó thay!
Nếu có một sự thay đổi thể chế, Phật giáo lại có thể đóng vai trò của một khung văn hóa mà ta đã nói trong phần đầu của bài này, đó là a) tinh thần tự do và khai phóng cho mỗi cá thể và b) tôn trọng sự khác biệt giữa các thành phần trong xã hội. Thậm chí đây chính là những tiền đề cơ bản của một Hiến pháp Việt Nam trong tương lai, nếu chúng ta còn tin dân tộc có một tương lai.
Phật giáo có «tùy duyên thuận pháp» tham gia được hay không là nhờ sự vận hành của đảng cầm quyền. Nhà lãnh đạo làm được như thế thì mới là anh hùng của thời đại, là hào kiệt của dân tộc.