Wednesday, 28 August 2013

Phản động, chẳng cần tìm ở đâu xa

Le Nguyen (Danlambao) - Dường như nhận định của quần chúng nhân dân về nhà nước dân chủ pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam “có một rừng luật nhưng chỉ sử dụng có mỗi luật rừng” đã xưa rồi “Diễm”, đã lạc hậu lỗi thời đối với cán bộ, đảng viên đảng cộng sản Việt Nam và lãnh đạo các cấp sở, ban, ngành đang chuyển biến “tích cực” lên tầm cao “chói lọi” với ý tưởng “luật là tao tao là luật” của sáu búa Lê Đức Thọ, ông trùm phụ trách “công tác đặc biệt” khét tiếng tàn bạo của đảng cộng sản Việt Nam.

Thật ra ý tưởng “luật là tao tao là luật” từ lâu đã được nhân rộng, phổ biến trong tư duy của các lãnh đạo trung, cao cấp cộng sản nhưng đa phần chỉ nằm trên cửa miệng của các quan mà thôi và nay thì ngôn từ sặc mùi dao búa tự xử như dân anh chị của hung thần Lê Đức Thọ được mùa nở rộ trên các văn bản pháp luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư... với chữ nghĩa tối mờ mờ của các ông vua “lớn bé” đảng viên cộng sản, đã tạo điều kiện thuận lợi cho luật pháp Việt Nam “có một rừng luật chỉ sử dụng có mỗi luật rừng” giao cấu với “luật là tao tao là luật” sản sinh ra quái thai “luật rừng trong rừng luật” sống mông muội bên lề thế giới văn minh.

Có nghĩa rằng cán bộ, đảng viên cộng sản ai ai cũng đều có thể thản nhiên làm luật “mãi lộ, phong bao” tùy tiện, từ anh cảnh sát giao thông, chị kế toán ngân hàng, thầy cô giáo, ông quan tòa, bà luật sư đến cô bác sĩ, kể cả các chú thú y chích thuốc chó, ngựa… cũng vô tư làm luật, ra văn bản “luật”... không ai bị sao cả, cứ ra luật làm luật trước đã, hễ bị bắt gặp quả tang, bị phản ứng chống đối của dư luận xã hội thì cứ cúi đầu nhận khuyết điểm trước đảng, cứ ê a vòng vo “tại bị” với nhân dân, rồi công khai lẫn âm thầm rút chạy hoặc chỉnh sửa “văn bản” có chết thằng tây nào đâu để phải dè dặt nghĩ suy, tính toán thiệt hơn!

Nói đến “luật rừng trong rừng luật” xã hội chủ nghĩa, gần đây dư luận nóng lên với văn bản 1042/C67 – P3 của cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt được nhiều báo lề đảng như Vnexpress, Vietnamnet, Gia Đình, Dân Trí, Lao Động... đưa tin với nhiều tựa đề khác nhau nhưng có cùng một nội dung là đặt nghi vấn có phần nghiêng về chất vấn việc“cấm công dân, nhà báo chụp ảnh, thu hình cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ?”Gặp phải sự phản ứng hung hăng, máu lửa của tác giả Anh Minh tự khai là "bạn đọc" trên tờ báo được xem như chính thống hàng đầu của nhà nước là Nguyentandung Blog, có một số đoạn đọc được tiêu biểu như sau:

“...Những báo mạng như Dân Trí, Gia Đình, Lao Động... đăng tải không đầy đủ nội dung văn bản, cắt xén câu từ, câu chữ, bẻ cong nội dung nhằm tung hô, kích động bạn đọc, xuyên tạc nội dung văn bản rằng “Cấm công dân, nhà báo ghi hình cảnh sát giao thông”. 

Xin hỏi các phóng viên của những tờ báo này có đọc hết nội dung văn bản không, có biết văn bản đó gửi ai không? Hay đây chỉ là trào lưu “tát nước theo mưa”, “dìm cho nó chết”? Văn bản này có cấm dân và nhà báo quay phim chụp ảnh không? Không hề có bất cứ đoạn nào ghi như vậy!...

... Về hình thức và cơ quan ban hành thì đây không phải là một văn bản quy phạm pháp luật để buộc nhân dân hoặc các phóng viên, báo chí... phải chấp hành, mà chỉ là một công văn mang tính mệnh lệnh hành chính trong nội bộ ngành cảnh sát giao thông. Căn cứ theo Điều 1 và Điều 2, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2008...” (1)

Lý luận đôi ba chữ, vài ba dòng hời hợt, cảm tính nói lấy được với chất giọng đấu tố, xúi trẻ em xung phong kiểu bỏ bóng đá người quen thuộc. Có lẽ vì thiếu tự tin với các lập luận thiếu cơ sở lý luận khoa học cơ bản của mình nên “bạn đọc” Anh Minh phải vận dụng, phải nhờ vả đến luận chứng “còm” của các còm sĩ không rõ nguồn gốc trên báo lề đảng hỗ trợ để phản bác, công kích, kết án cách đặt tựa đề nhưng không đi sâu vào chi tiết, nội dung phản biện bài viết của các báo Dân Trí, Gia Đình, Lao Động... bóp méo sự thật gây hiểu lầm làm hoang mang dư luận nhân dân là như thế nào, chỉ biết hằn học như sau:

Facebooker Karel Phùng nhận xét: “Đây là điển hình của những thứ được gọi là nhà báo, những thể loại nhà báo này là một đám ăn hại! Nếu những tờ báo còn dung chứa những loại nhà báo như thế chỉ khiến cho người đọc thêm xa lánh! Dù là một câu hỏi, nhưng cách giật tít đã khiến cho nhiều người bức xúc và những kẻ lợi dụng thì thêm một lần nữa có cơ hội để chửi bới mặc dù chúng nó chẳng hiểu quái gì về luật pháp.”

Lý Toét: “Như vậy là xuất phát từ tình hình thực tế xảy ra gần đây, văn bản thông báo đã đề cập rất cụ thể, rõ ràng về đối tượng cũng như việc xử lý đối với các hành vi vi phạm cụ thể. Tiếc rằng một số thông tin phản ánh chưa đề cập đầy đủ toàn diện văn bản mà chỉ cắt xén một số thông tin trong văn bản nên đã dẫn đến việc hiểu không đầy đủ, không đúng nội dung văn bản.”

Tiến Bình Trần: “Chủ nhân của cái văn bản đó nói không cấm, còn chúng ta lại đi vặn từng chữ là cấm. Ai giỏi tiếng Việt thi xin soạn lại văn bản dùm! Không phải nhà báo nào cũng làm việc trung thực, đúng với lương tâm của nghề nghiệp.” (2)

Mặc dù đã cậy nhờ đến lực lượng còm sĩ hùng hậu không rõ nguồn gốc gõ chiêng hò hét cổ vũ, tác giả Anh Minh vẫn chưa đủ tự tin đến độ phải viện dẫn lời của các lãnh đạo đầu ngành “cục” cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, nơi làm ra phát tán văn bản “luật” gây tranh cãi, tạo điều kiện cho “kẻ xấu”, cho các nhà báo lề đảng phe nhà “lợi dụng” quyền tự do dân chủ, có trình độ không “đọc, hiểu” tiếng Việt, không hiểu quái gì về luật (!), cắt xén chữ nghĩa gây hiểu sai, hiểu không đúng về nội dung văn bản của“cục…” như bạn đọc Anh Minh dẫn lời “ngây thơ” của các ông bà lãnh đạo làm ra văn bản:

“Theo như lời Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), Bộ Công an: “Tôi không ký bất cứ văn bản nào thể hiện cấm báo chí không được chụp ảnh, quay phim cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ”.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, cục phó C67 cho rằng, văn bản của C67 là chỉ đạo nội bộ, mục đích là để cán bộ chiến sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác trước một số đối tượng giả danh nhà báo nhằm mục đích xấu. Đồng thời văn bản này cũng không đưa ra bất cứ quy định cấm nào. “Nhà báo được quyền ghi hình chụp ảnh cảnh sát giao thông theo quy định của luật Báo chí. Còn đối với người dân, họ hoàn toàn được tự do ghi âm ghi hình cảnh sát giao thông ở những địa điểm không có biển cấm quay phim chụp ảnh. Cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ chứ không phải riêng tư nên người dân không cần phải xin phép”.

Thiếu tá Phạm Quang Huy, trưởng phòng 3, phòng hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ – đường sắt, Cục cảnh sát giao thông cho biết thêm: “Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh, đối với cảnh sát giao thông phải đề cao tinh thần cảnh giác đối với các đối tượng xấu cố tình lăng mạ, chửi bới hoặc đe dọa, hành hung cảnh sát giao thông rồi cán bộ, chiến sĩ nào không giữ, kìm nén được là bị quay phim chụp ảnh để đe dọa, tống tiền chứ không có ý gì khác”.(3)

Thú thật với “bạn đọc” Anh Minh, tác giả có bài viết “tương” một đống trên trang báo “chính thống, danh giá” của thủ tướng “yêu sự thật ghét giả dối” thì lý luận dựa trên cơ sở “chửi” của các còm sĩ không rõ nguồn gốc với lý lẽ cải chính rất em bé của các lãnh đạo đầu ngành cái “cục” làm ra, phát tán văn bản đậm đà bản sắc “luật rừng trong rừng luật”của cục cảnh sát giao thông, không có chút xíu cơ sở lý tính khoa học nào để thuyết phục... là văn bản cực kỳ “cục...” của các ông ấy có nội dung không cấm nhà báo, công dân quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông “thi hành công vụ” và dưới đây là trích đoạn văn bản mang “bí số”1042/C67 - P3 để nhân dân kiểm tra, thẩm định xem có cấm quay phim, chụp ảnh không nhé:

“…Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ, hoặc có hành vi chống đối cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ, hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật…” (4)

Đọc đoạn văn trích dẫn có viết “…quay phim, chụp ảnh... chưa được sự đồng ý của cảnh sát giao thông…” trong văn bản của cái “cục…” làm ra, phát tán có nghĩa gì? Nói thật chỉ có một cách hiểu, khó hiểu khác được, kể cả trẻ em học cấp một! Thế mà bạn đọc tự khai có cái tên rất ấn tượng Anh Minh nhưng chả anh minh tí tẹo nào, dám cả gan cho rằng không có bất cứ chữ nào, đoạn nào cấm dân, cấm nhà báo quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang “thi hành công vụ”. Chả lẽ phải cần viết chữ cấm to tướng trong văn bản mới được hiểu là cấm sao?

Không những thế ông bà Anh Minh này rất ư vô minh như đám rừng u minh quê hương của thủ tướng chính phủ, gân cổ cải chính cho cái cục... to tổ bố rằng đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, đây chỉ là công văn mang tính mệnh lệnh hành chính trong nội bộ! Lập luận như Anh Minh chẳng khác nào phỉ báng, bôi nhọ các nhà báo lề đảng có trình độ “nghiệp vụ” đọc tiếng Việt, hiểu biết luật pháp kém quá, quả là oan cho ông địa vì hẳn có không ít người nhiệt liệt phản đối luận điệu gán ghép “trí thấp” cho các nhà báo lề đảng và nói thật nếu ông bà Anh Minh cho rằng quan trí, đảng trí thấp chắc chắn sẽ thuyết phục được khối người tin, còn như chủ quan bảo rằng trình độ đọc hiểu tiếng Việt của nhà báo thấp, dân trí thấp thì xưa rồi, bỏ qua đi tám, có được mấy ai tin?

Chắc hẳn luận điểm, lý giải bình dân học vụ trong bài viết này cũng có khả năng không tránh khỏi bị gán ghép cho là luận điệu của thế lực thù địch nói xấu văn bản “cục...” cảnh sát giao thông nhằm xuyên tạc, bôi đen lực lượng công an nhân dân chống phá đảng, nhà nước ta trong âm mưu thâm độc diễn biến hòa bình. Thôi thì trong lúc chờ đợi cơ quan chức năng điều tra làm rõ, trân trọng mời các đồng chí đảng ta tham khảo kết luận của ông Lê Hồng Sơn, cục trưởng cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật bộ tư pháp để nâng cao trình độ quan trí:

“…Căn cứ vào nội dung của công văn số 1042/C26 – P3, thì có thể phân tích và chia làm 2 nhóm hành vi chính là nhóm "có lời nói đe dọa, lăng mạ, hành vi chống đối cảnh sát giao thông" và nhóm "quay phim chụp ảnh cảnh sát giao thông khi chưa được phép đồng ý". Văn bản thể hiện sự thiếu thận trọng, khi kết nối các nhóm hành vi có bản chất, mức độ khác nhau.

Việc kết nối hai nhóm nội dung này khiến người đọc có thể hiểu là bất kỳ người nào quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát đều phải "được sự đồng ý" của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ và có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác minh là được phép hay chưa, được xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo. Điều này không phù hợp quy định hiện hành về quyền của nhà báo hoặc người dân. 

“... Việc xác định một công dân quay phim, chụp ảnh là nhà báo hay giả danh nhà báo tại nội dung công văn số 1042 là điều không phù hợp với chức năng, thẩm quyền của cán bộ, chiến sĩ, cảnh sát giao thông khi tuần tra kiểm soát. Công văn này không thuộc thẩm quyền quy định của một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông…

… Công văn của cục cảnh sát giao thông có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý. Cục kiểm tra văn bản đã đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp cho tổ chức họp với đại diện cục và một số cơ quan liên quan để trao đổi thêm về nội dung có dấu hiệu sai trái trên. Trên cơ sở kết quả trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, cục kiểm tra văn bản sẽ đề xuất hướng xử lý tiếp…” (5)

Qua kết luận kiểm tra văn bản mang bí số 1024/C67 – P3 của cục kiểm tra văn bản bộ tư pháp, không phải của “bọn” phản động ép cung, ngụy tạo chứng cứ làm ra nói xấu... và cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật này cũng đã công bố kết luận có “trên 50 nghìn văn bản sai trái” trong mười năm (6) đủ cơ sở để khẳng định rằng “luật là tao tao là luật”không chỉ sống hùng sống mạnh nơi cửa miệng các vua to, vua bé cộng sản nữa. “Luật là tao tao là luật” đã được mùa nở rộ trên các văn bản luật với nhiều ngàn bản sai phạm năm sau nhiều hơn năm trước và văn bản mang số hiệu như công tác “điệp vụ” bí ẩn của cục đường bộ - đường sắt không phải là cá biệt mà đã trở thành phổ biến trong tư duy đảng viên, quan chức của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thế cho nên, trong thực tiễn đời sống xã hội phải sống chung chạ với “luật rừng trong rừng luật” khiến cho quần chúng tự phát thứ thiệt chứ không phải thứ được phát tiền phẫn nộ bức xúc, mắng mỏ nhà nước cộng sản là nhà nước côn đồ, vô luật, vô pháp như băng đảng xã hội đen sống ngoài vòng pháp luật. Dân mắng đúng với sự thật không có gì là quá đáng, không hề bôi nhọ phỉ báng thằng đảng, con cộng nào cả và thế lực thù địch, phản động chẳng cần tìm kiếm ở đâu xa, nó nằm ngay trong nội bộ “luật là tao tao là luật” đã, đang sinh sôi nẩy nở hóa thân thành “luật rừng trong rừng luật” đấy, trừng trị nó xem nào, có đủ “dũng cảm” hay chỉ dám ca bài phê, tự phê muôn năm cũ?



__________________________________

Chú thích:

1, 2, 3 & 4) Nguyentandung Blog: Cấm Ghi Hình CSGT Đang Làm Việc - Tâm Người Cầm Bút Hỏi Ai có Còn? của bạn đọc Anh Minh.

5) kienthuc.net: Công Văn Cấm Quay Phim CSGT Lộ Nhiều Sai Trái của Tiến Dũng.

6) Kienthuc. net: Tuýt Còi trên 50.000 Văn Bản Sai Trái của Tiến Dũng.