Vào mùa Hè năm 1952, tôi từ miền quê Nam Định ra Hanoi để chuẩn bị theo học lớp Đệ Nhị tại Trung học Chu Văn An. Cùng với một số bạn như Đỗ Huy Hoàng, Nguyễn Ngọc Phan, tôi đến theo học lớp Hè do sinh viên Đại học Hanoi tổ chức tại mấy giảng đường thuộc Viện Đại học. Trong dịp này, tôi được các bạn chỉ cho thấy trong thành phần giảng viên có anh Đặng Vũ Biền là người làng Hành Thiện gần với làng Cát Xuyên quê tôi. Vì thế mà tôi chú ý theo dõi anh Biền đặc biệt hơn mấy sinh viên đàn anh khác. Một vài lần, anh Biền đến giảng về môn Tóan cho chúng tôi, anh đeo kính cận mà người coi bộ gầy ốm hơn so với các sinh viên khác. Nhưng dáng đi của anh thật nhanh nhẹn tháo vát và nghe đâu anh Biền còn lo phụ giúp cho cả Quán Cơm Sinh Viên tại đường Hàng Cân nữa – quán cơm này chuyên cung cấp suất cơm giá rẻ cho các học sinh, sinh viên thuộc gia đình nghèo túng.
Anh Nguyễn Xuân Quế hồi đó cùng ở trọ chung nhà, thì lại cũng là người Hành Thiện nữa. Quế cho tôi biết anh Biền là con của cụ Đặng Vũ Niết, người làng thường gọi là cụ Bố Niết, anh Biền được tiếng là người học rất giỏi, “thi đâu đậu đó”. Tuy vậy, chỉ từ năm 1954, thì tôi mới có dịp gặp gỡ quen thân với anh Biền vì cùng sinh họat chung với nhau trong Đoàn Sinh viên Đại học Hanoi Di cư vào miền Nam. Anh Biền vừa thi tốt nghiệp văn bằng Dược sĩ ở Hanoi, nhưng còn đang chuẩn bị thi nốt chứng chỉ Vật lý Đại cương để được cấp phát văn bằng Cử nhân Giáo khoa về bộ môn Khoa học (Licence d'Enseignement ès Sciences) vào cuối năm 1954 tại Đại học Khoa học Saigon.
Hồi cuối năm đó, sinh viên di cư chúng tôi phải rời khỏi khu nội trú của trường Nữ Trung học Gia Long để chuyển đến ở trong các căn lều cắm trên nền đất của khu Khám Lớn Saigon xưa, sát cạnh Tòa án. Tôi ở chung lều với 7 anh bạn nữa, trong đó có anh Nguyễn Xuân Nghiên học Khoa học, anh Bùi Đình Nam học Dược. Cả hai anh Nghiên và Nam đều cho tôi biết anh Biền là một sinh viên xuất sắc – vừa học rất giỏi mà cũng lại tham gia họat động xã hội thật hăng say tích cực.
Vào đầu năm 1955, thì anh Biền đứng ra mở Pharmacie tại góc đường Nancy và Gallíeni – đồng thời anh cũng dậy môn Vật lý cho lớp Đệ Nhất tại trường Chu Văn An lúc đó còn phải nhờ nơi cơ sở của trường Petrus Ký – cơ sở này cũng gần nhà thuốc nên anh có thể đi bộ đến trường cũng được. Vào các buổi trưa hay chiều, tôi hay đến gặp anh Biền ở đây – để mà tha hồ chuyện trò tâm sự.
Có lần, tôi hỏi về kinh nghiệm học tập của anh tại Đại học, thì anh Biền cho biết là năm nào anh cũng theo học ở cả hai Đại học Dược khoa và Khoa học. Vì Dược khoa là chính yếu, nên anh đi thi tại đây ngay kỳ đầu vào khóa tháng 6 và đi thi tại Đại học Khoa học vào kỳ hai hồi cuối năm. Như vậy là từ năm 1949 đến cuối năm 1954, anh đã hòan tất chương trình 5 năm tại trường Dược và cũng đậu cả 5 chứng chỉ tại Đại học khoa học gồm các môn : Tóan Đại cương, Cơ học Thuần lý, Vi Tích phân, Hóa học Đại cương và Vật lý Đại cương (Mathématiques Générales, Mécanique Rationelle, Calcul Différentiel & Intégral, Chimie Générale, Physique Générale). Có lẽ anh Biền là người duy nhất trong thế hệ sinh viên Đại học Hanoi thời đó mà lại có thành tích học tập xuất sắc như vậy.
Anh kể lại cho tôi chuyện này khiến tôi cứ nhớ hòai. Đó là vào giữa năm 1953, anh phải vào theo học khóa sĩ quan trừ bị ở Thủ Đức. Nhưng vì sức khỏe yếu kém, anh được cho xuất ngũ sau vài tháng ở Thủ Đức. Mà lúc đó lại sắp đến kỳ hai để thi chứng chỉ Vi Tích phân tại Đại học ở Saigon, nên anh phải ở lại đây luôn để tham dự kỳ thi. Anh Biền cho biết là ông giáo sư người Pháp dậy môn này, thì chỉ giảng dậy ở Saigon, chứ không ra dậy ở Hanoi như các giáo sư khác. Và kỳ thi giữa năm đó, thì trong số 6 - 7 thí sinh học môn này ở Saigon, không có một ai được chấm đậu cả. Bây giờ đến kỳ thi thứ hai vào cuối năm, thì lại có thêm anh Biền mới từ Hanoi vào để cùng thi với mấy anh bạn ở Saigon mà đã thi rớt trong kỳ 1 trước đó rồi. Và kết quả trong kỳ thi này, thì chỉ có duy nhất một người có đủ số điểm để được chấm đậu – và người đó lại là anh Đặng Vũ Biền một thí sinh lạ hoắc vì chưa từng đến lớp học với ông thày mà hiện cũng làm giám khảo. Còn người kế tiếp, thì được nâng thêm điểm lên để cũng được chấm đậu cùng với anh Biền. Đây là trường hợp thường được gọi là “đậu vớt” (repêché).
Mấy năm sau đó, thì anh Biền đi du học ở Pháp để thi lấy bằng Tiến sĩ Khoa học. Và đến năm 1966 – 67, thì anh về nước và làm giáo sư tại Đại học Dược khoa Saigon. Cũng giống như trường hợp anh Tô Đồng là một sinh viên khá xuất sắc, được học bổng qua Pháp và sau khi đậu bằng Tiến sĩ thì về nước dậy học tại trường Dược.
Hồi anh Biền giữ chức vụ Đổng Lý Văn Phòng cho Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Văn Thơ, thì tôi có đến thăm anh tại văn phòng nơi đường Lê Thánh Tôn gần với đường Tự Do. Sau nhiều năm xa cách, mà tôi nhận thấy anh Biền vẫn còn giữ được mối thân tình vồn vã như xưa, lúc còn là một sinh viên mới di cư từ Hanoi vào Saigon hồi năm 1954 – 55.
Năm 2012, nhân chuyến thăm viếng bà con bạn hữu tại Âu châu, tôi có dịp nói chuyện điện thọai với anh Biền. Qua bao nhiêu năm xa cách, chúng tôi thật có nhiều điều muốn nói với nhau, nhưng vì thời gian eo hẹp, tôi không thể sắp xếp chương trình để tới nhà thăm anh được. Tôi hẹn với anh là qua năm 2013 tôi sẽ trở lại Paris và sẽ có nhiều thời giờ hơn để mà hàn huyên tâm sự với anh. Nhân tiện tôi cũng nhờ anh Biền cho địa chỉ của chị Thảo là bà xã của anh Nguyễn Xuân Nghiên cũng là người Hành Thiện mà đã mất vì tai nạn xe hơi ở Saigon vào năm 1977.
Vào cuối tháng 3 năm 2013, trong Đại Hội của Cựu Nữ sinh Trưng Vương tại Washington DC, tôi gặp cô Mai Phương từ California tới, cô Mai Phương báo ngay tin không vui là : “ông Biền vừa bị coma bất tỉnh ở Paris, không biết rồi có qua khỏi được tai biến này chăng?...” Cả hai chúng tôi thật lo lắng không yên trước cái hung tín này. Mai Phương còn kể cho tôi biết tên của cô là do ông Biền đặt cho cô lúc mới sinh nữa.
Và rồi cuối cùng, anh Biền đả ra đi theo đúng cái quy luật “Sinh Lão Bệnh Tử “ của con người trên cõi dương thế này. Kể ra ở vào tuổi 86, anh Biền cũng đã sống thọ tương đối rồi. Nhưng đối với những người từng ngưỡng mộ cái tài năng, sự uyên bác trong lãnh vực khoa học và chí khí hăng say phục vụ xã hội từ bao lâu nay của anh, thì chúng tôi không sao kềm nén được nỗi niềm bùi ngùi thương tiếc đối với một bậc đàn anh vốn nêu một tấm gương thật tốt đẹp tươi sáng cho thế hệ chúng tôi noi theo.
Năm 2014 này, tính ra thì đã là năm thứ 60 kể từ ngày cả một triệu đồng bào từ miền Bắc di cư vào miền Nam (1954 – 2014) – trong sô này có đến 6 - 700 người là sinh viên từ Đại học Hanoi di chuyển vào Saigon như anh Đặng Vũ Biền. Sau 60 năm, bao nhiêu người trong số sinh viên di cư này đã ra đi về bên kia thế giới. Nhưng sự đóng góp của các anh chị em này cho sự phát triển văn hóa kinh tế xã hội của đất nước thì thật là đáng kể. Mà chỉ riêng trong ngành Dược khoa, thì các giáo sư Đặng Vũ Biền, Tô Đồng có thể được coi là những tiêu biểu sáng giá nhất vậy. Nay thì cả hai anh đã từ giã cõi tạm nơi dương thế này, nhưng cái kỷ niệm tươi đẹp về những chuyên gia trí thức như các anh sẽ vẫn còn lại mãi mãi nơi tâm khảm của thân nhân trong gia tộc, của những bạn hữu cùng thế hệ, cũng như của các môn sinh yêu quý của các anh nữa vậy.
Xin ghi lời vĩnh biệt Anh Đặng Vũ Biền là người tôi luôn yêu quý ngưỡng mộ.
Và xin cầu chúc Anh luôn an nhiên thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng.
Costa Mesa California, Tháng Giêng 2014
Đoàn Thanh Liêm