Lễ thành nhân tại vùng động đất (Fukushima) 13/1/2014
Ở Nhật Bản, “成人式” (âm Hán Việt là “thành nhân thức”), tiếng Việt tạm dịch là lễ thành nhân là một ngày lễ dành cho những người đã tròn 20 tuổi. Trước đây là ngày 15/1 mỗi năm, nhưng từ năm 1998, ngày này đã được qui định vào thứ hai của tuần lễ thứ hai tháng giêng mỗi năm, năm nay nhằm ngày 13/1 và được tổ chức tại khắp nơi trên nước Nhật tùy theo.... tình hình tài chính địa phương. Có nơi chính phủ đứng ra tổ chức, có nơi thì tự các thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành lập kế hoạch tổ chức.
Xuống tóc để trưởng thành
Từ năm 1948, với mục đích tạo cho người trẻ có một niềm tin mạnh mẽ hơn sau ngày Nhật Bản bại trận, ngày thành nhân (成人の日) được chính phủ Nhật chính thức coi là một ngày lễ (ngày lịch đỏ) trong ý hướng: “Khuyến khích chúc mừng những người đã trở thành người lớn trong tinh thần tự giác và tự lập”. Theo luật pháp Nhật Bản thì “những người vừa lớn này” có quyền bầu cử, có thể hút thuốc, có thể uống rượu thoải mái mà .. mà không sợ bị “người đã lớn” dũa hay cảnh sát cảnh cáo.
Kimono nam – Kimono nữ
Dịp này các thiếu nữ Nhật Bản đua nhau khoe tóc và khoe áo, họ sẽ được các tay thời trang chuyên nghiệp trang điểm những kiểu tóc lạ-đẹp, chỉ dẫn cách mặc những bộ kimono lộng lẫy nhất (còn được gọi là 振袖 "furisode" chỉ dành cho phụ nữ chưa chồng) chưa từng có vì “đời người chỉ có một lần”, còn trang phục của nam giới thì thoải mái hơn, có thể là vest hay bộ kimono truyền thống dành cho nam nhưng cách mặc của nam thì đơn giản hơn nhiều chứ không lỉnh kỉnh như kinono nữ. Ngày thành nhân cũng là dịp duy nhất trong năm để khách du lịch rửa mắt vì “kimono.... chạy đầy đường”.
Sau buổi lễ, các “người trưởng thành” thường trủ nhau đi đến các quán ăn gần đó để tiếp tục vui chơi hay đi .... chùa cầu nguyện.
Theo một thống kê của chính phủ Nhật thì năm 2014, Nhật Bản có 1.210.000 người (0,9% dân số) tròn 20 tuổi, con số thấp nhất từ trước tới nay. Dân số Nhật hiện có 127 triệu 270 ngàn người, giảm 244,000 người so với năm trước và là năm giảm nhiều nhất từ trước tới nay. Cứ tính trạng này, cho đến năm 2050, sẽ giảm thêm 30 triệu người nữa.
Bao nhiêu đối sách để làm tăng thêm dân số đã được thực thi như: tạo nhiều điều kiện dễ dàng cho việc sinh đẻ, nuôi dưỡng, trợ cấp ngày mỗi nhiều hơn v.v.... nhưng vẫn không mang lại nhiều kết quả vì cách suy nghĩ của giới trẻ ngày nay khác xa so với ngày trước: sinh đẻ làm gì cho mệt, hưởng thụ vẫn thích hơn.
Những con số, những suy nghĩ của giới trẻ không lấy gì làm lạc quan, biểu hiện sự mất cân bằng về mọi mặt trong một tương lai không lấy gì xa lắm của Nhật Bản. Không biết các nhà hoạch định chính sách sẽ phải giải quyết vấn đề "dư già thiếu trẻ" như thế nào nhưng chắc chắn là họ đang tìm và sẽ có. Mong lắm thay.
Vũ Đăng Khuê