Những ngày gần Noel 2013, thành phố Toronto - Canada nơi tôi cư ngụ bị một cơn bão lớn. Khi nói tới bão, thường ta nghĩ tới mưa gió giông bão hoặc nếu mùa đông thì có bão tuyết, nhưng lần này lại là cơn bão nước đá (ice storm). Trời mưa gặp lạnh, đông đặc thành nước đá bao phủ đường sá, nhà cửa.... Đặc biệt nước mưa bám vào cành cây đông lại thành những tảng đá rất nặng, cành dù to cũng không chịu nổi nên rách toác, gẫy đổ nghiêng ngã khắp nơi. Các dây điện cũng bị nước đá bao bọc trĩu nặng, bị cành cây đè sập nên khoảng nửa triệu dân vùng Toronto phải chịu cảnh mất điện. Dù các nhân viên nỗ lực làm việc liên tục, kể cả các chuyên viên ở xa cũng được huy động tới trợ giúp, nhưng nhiều nơi đã không có điện trong 6, 7 ngày trời, thiệt hại lên tới 10 triệu đô Canada. Trước giờ bão tuyết, bão nước đá vẫn hay xảy ra nhiều nơi trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến một thiên tai ngay nơi mình ở.
Trời mùa đông mà không có điện để lò sưởi hoạt động nên một số người phải “tị nạn” tạm trú ở những trung tâm có điện trong thành phố để được sưởi ấm. Giao thông tắc nghẽn vì cành cây choán mặt đường hoặc vì hệ thống đèn xanh đèn đỏ bị hỏng. Nhiều khoảng đường cảnh sát phải dùng dây băng vàng rào vòng quanh lại trong khi chờ dọn dẹp, trông cứ như đang có tội phạm hoành hành khắp nơi trong thành phố.
Đường đi trơn trợt, không có điện để nấu ăn, không có nước nóng để tắm, nhiều người ở chung cư phải đi bộ lên xuống mười mấy tầng thang lầu vì thang máy không chạy. Nhiều chuyến bay bị trễ, bị hủy bỏ. Bạn tôi về thăm gia đình dịp Giáng Sinh, máy bay không thể đáp xuống cứ bay lần quần trên trời 6 tiếng đồng hồ, cuối cùng phải trở về phi trường cũ, đền lại tiền vé cho khách hàng chờ chuyến đi khác khi thời tiết tốt hơn. Một người bạn khác ráng ăn bánh mì lạnh, nấu nước bằng lò ăn lẩu để pha nước tắm sơ chạy tới nhà thờ dự lễ, nhưng không mở cửa garage lấy xe ra được. Một số cây xăng, cửa hàng phải đóng cửa. Hệ thống alarm báo động trong nhà của các gia đình cũng ngưng hoạt động, cũng may hầu như không có trộm cướp lợi dụng cơ hội này để vào nhà cướp của hại người. Gia đình chúng tôi may mắn ở khu có điện, nhưng nguyên sân trước đóng băng trơn láng đi lại rất khó khăn, lái xe thì bồng bềnh như chạy trên mây. Chúng tôi ráng tới hai chợ khác nhau ba lần nhưng không mua thêm được muối để rải đường cho tan nước đá vì người ta bán hết rồi. Khi đi chợ thì thấy nhân viên đang đẩy biết bao xe kem (ice-cream), yogurt, thức ăn đông lạnh đem bỏ thùng rác vì chợ trước đó bị cúp điện, những thức ăn này bị tan ra mất phẩm chất.
Thế nhưng ngoài những thiệt hại và nguy hiểm, cũng có một vài suy nghĩ tích cực mà tôi nhận ra trong trận bão nước đá này. Đầu tiên là các ban ngành, cảnh sát khắp nơi đã làm việc rất vất vả, không hẳn là vì tiền nhưng để có điện, để giải quyết các khó khăn cho thành phố, cho người dân được mừng Noel tốt đẹp. Một vài người bạn chia sẻ trong mấy ngày cúp điện, gia đình bỗng thấy gần gũi nhau hơn, mấy đứa con không “ôm” computer, máy chơi game, xem TV được nên đã đi dọn dẹp trong phòng, xong ngồi đọc sách, rồi gia đình cùng quây quần quấn chung mấy lớp chăn ngồi nhắc lại kỷ niệm cũ. Mọi người quan tâm đến nhau hơn, các cháu biết quý những ngày bình thường có điện nước, có tiện nghi hơn. Bình thường các cháu “rúc” trong phòng riêng, “chat” với bạn bè khắp nơi, dễ gì ra nói chuyện với cha mẹ! Một anh bạn mua muối, nhưng không nhân thể mua nhiều để dành mà chỉ mua vừa đủ để phần cho người khác, đã làm đứa con học được bài học chia sẻ mà trước giờ cháu không nghĩ tới. Những người khác gọi phôn, tìm cách liên lạc thăm hỏi, chia sẻ thức ăn, mời bạn bè tới nhà mình tạm trú đỡ trong khi chờ có điện, tình cảm thân thiết hơn bao giờ.
Một vị mục sư Tin Lành kể chuyện nhà thờ của mục sư phải cử hành nghi thức mừng Noel trong bóng tối, chỉ vài cây đèn cầy đủ soi sáng đường đi, hát những bài thánh ca quen thuộc vì không đọc được, nhưng chưa bao giờ họ cảm nhận được sự ấm áp của tình Chúa, tình người như hôm ấy. Mới đầu ai cũng tiếc vì ca đoàn đã tập hát công phu nhưng hệ thống âm thanh không có, phải hoàn toàn yên lặng và chú ý mới lắng nghe được, thế nhưng những bài hát, lời chia sẻ hôm đó đã đi vào trái tim để mọi người thấm thía ý nghĩa Giáng Sinh rõ hơn bao giờ trong ánh nến lung linh. Thì ra khi không còn những tiện nghi, những suy nghĩ phức tạp trong não trạng, người ta chỉ còn điều chính yếu: đó là tấm lòng và sự quan tâm đến nhau.
Các thiện nguyện viên, các trung tâm phục vụ tăng cường làm việc nhiều hơn dù chính họ cũng cần nghỉ lễ ăn mừng. Một vài công ty thực phẩm lớn đã tặng hơn 200 ngàn đô "Gift Card" để những gia đình bị hư đồ ăn trong tủ lạnh có thể mua thức ăn khác.
Nhìn những hàng cây thủy tinh khắp các con đường sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, người ta thấy được những cây Noel mà thiên nhiên đã trang trí cách đẹp nhất, có lẽ chưa từng có cây Noel nào lạ và đẹp hơn. Tạ ơn Chúa, tạ ơn đời dù trong khó khăn, cơn mưa thủy tinh đã làm tình người lấp lánh như kim cương, chiếu rỡ ràng sắc màu pha lê của sự quan tâm và yêu thương.
Cũng trong mùa Giáng Sinh năm nay, tôi có dịp đọc một câu chuyện ngắn rồi khóc sướt mướt dù đang làm việc trong công ty. Chuyện kể đơn giản thôi, một cậu bé ung thư máu phải nằm bệnh viện nhưng vẫn muốn có quà Noel cho mẹ. Em đã dùng hết sức lực để tự mình xuống tiệm nhỏ dưới nhà thương mua cho mẹ một món quà. Em phải lén y tá bước đi chập choạng với dây rợ, nước biển đầy người tìm mua hộp sô-cô-la nhân trái anh đào đúng loại mà mẹ em thích. Giáng Sinh mà không có quà thì không phải là Giáng Sinh, em hãnh diện giải thích và trao hộp sô-cô-la cho mẹ. Đó là món quà cuối cùng bà mẹ nhận được, em đã chết trong vòng tay yêu thương nuối tiếc của người thân. Bà mẹ nhắn nhủ mọi người hãy trao nhau quà cho nhau trong mọi dịp trước khi quá trễ.
Nghĩ tới hình ảnh đứa bé cố gắng hết sức để thể hiện tình thương, trong khi biết bao nhiêu dịp tôi có thể dễ dàng mua quà cho người thân, cho người chung quanh nụ cười nhưng tôi không làm vì hờn, vì... ghét, tôi mủi lòng rơi nước mắt. Thật thế, đã biết bao nhiêu cơ hội tôi có thể nói lời dịu dàng, bỏ qua cho người khác những điều tôi cảm thấy bị tổn thương vì có lẽ họ không cố ý, nhưng tôi đã không mở miệng. Đã biết bao nhiêu lần tôi nên rộng mở con tim, hành động tích cực hơn, nhưng tôi bực bội không làm. Tôi đã giận hờn so sánh, đòi hỏi chồng con, người khác quan tâm tới mình trong khi chính mình hờ hững. Khi góp tay sinh hoạt trong nhà thờ, trong cộng đồng, tôi cũng hay tiêu cực làm ảnh hưởng người khác. Tôi nên học gương em bé trong câu chuyện này để luôn có chút quà cho mọi người - Món quà có thể không lớn, không giá trị tiền bạc nhưng với hết con tim và sự cố gắng. Ước gì những giọt nước mắt hôm nay sẽ như những cơn mưa thủy tinh gột rửa cho tâm hồn tôi đơn sơ hơn, tốt đẹp hơn, để tôi có thể góp phần xây dựng gia đình, thăng tiến nội tâm mình rồi thấy đời sống dễ thương hơn.
Và cũng mấy ngày trước lễ Giáng Sinh, những tin tức, hình ảnh về sự ra đi của Việt Dzũng cũng nhiều như mưa rào làm đầy hai hộp thư email của chúng tôi. Ai cũng bàng hoàng thương tiếc. Biết bao đoạn phim, bài viết về người nghệ sĩ tài hoa này. Biết bao người đã lên tiếng, thăm viếng, tỏ lòng cảm phục người chiến sĩ can trường này.
Việt Dzũng sinh ra với đôi chân yếu ớt suốt đời phải chống đỡ bằng cây nạng gỗ, nhưng bước đường anh đi vững vàng và dài hơn ai hết dù với cuộc sống ngắn ngủi 55 năm. Việt Dzũng sinh ra với trái tim có vấn đề về thể lý, nhưng con tim anh to lớn và vẫn còn đập mãi nhịp điệu của dân tộc, của tình người. “Vấn đề” trong tim anh là làm sao giúp được đồng bào, làm sao góp phần chống Tàu Cộng xâm lăng, làm đẹp cuộc đời qua truyền thông, thơ nhạc, Hưng Ca.
Qua cái chết của anh, tôi thấy được tình yêu thương người ta không những chỉ dành cho cá nhân anh mà còn là sự quan tâm, trân trọng dành cho chính nghĩa, cho lý tưởng quê hương dân tộc. Mọi người không thờ ơ vô cảm, không quên người dân Việt đang còn sống trong tăm tối khó nghèo, mọi người cần góp sức để có Tự Do Dân Chủ trên đất Mẹ. Khi thấy Việt Dzũng được vinh danh, tôi bỗng lấy làm tiếc cho nhiều nhạc sĩ, nhân vật nổi tiếng khác đã luồn cúi Cộng Sản, dù sự nghiệp lúc sống lớn hơn Việt Dzũng nhiều nhưng khi chết đi không được ai cảm phục. Mong nhiều người hơn nữa sẽ nối tiếp con đường và lý tưởng Việt Dzũng đã chọn, để mẹ Việt Nam không còn rơi nước mắt xót xa tủi hổ.
Tôi cũng xin viết thêm một chút về các ý kiến trái ngược trong đám tang Việt Dzũng. Riêng việc có nên làm lễ phủ cờ trên quan tài anh hay không cũng tốn nhiều giấy mực. Có người theo đúng lễ nghi quân cách, bàn là không nên lạm dụng làm mất đi ý nghĩa nguyên thủy của việc phủ cờ. Có người bảo nếu không phủ cờ chính là “bức tử” Việt Dzũng – “Người chết hai lần, thịt da nát tan” – Có người cả quyết hơn: Không phủ cờ cũng chính là làm mất đi nhuệ khí và cơ hội để vinh danh lá cờ - biểu tượng của người Việt tỵ nạn, của Tự Do và Dân Tộc, không làm thì thật là tức và tiếc! Cũng có nhiều người đề nghị mở ngân quỹ với tên của Việt Dzũng, nhân cơ hội này mọi người sẽ đóng góp vào làm các việc ích lợi cho Việt Nam, giúp đỡ các nhà Dân Chủ. Tất cả đều tỏ lộ sự quan tâm và rất thực tế đáng trân trọng, nhưng chúng ta đừng vì khác biệt trong quan niệm, cách tổ chức mà việc đang tốt thành xấu. Trong nhiều sinh hoạt khác cũng thế, vì cách làm việc khác nhau, cá tính khác nhau mà hay sinh ra bất đồng, thậm chí thù hằn chia rẽ. Có nên để thiện ý trở nên như thế không? Lại còn bọn “công an mạng” luôn rình mò giả mạo thư từ, quậy cho việc chung tan tành, nếu không khôn ngoan cảnh giác rất dễ bị rơi vào mưu mô phá hoại của chúng. Riêng với chúng tôi, có làm lễ Phủ Cờ hay không Việt Dzũng vẫn là Việt Dzũng, tình cảm trân quý dành cho anh vẫn không thay đổi trong tâm tư mỗi người. Nếu có lòng đóng góp, muốn có “Một Chút Quà Cho Quê Hương” như chính Việt Dzũng đã để lại món quà cho quê hương, chúng ta đều có thể đóng góp qua nhiều hình thức khác. Rất nhiều việc cần làm, cần bàn tay của mọi người, trước Việt Dzũng và sau Việt Dzũng sẽ vẫn còn những người bất khuất dám sống cũng như dám chết cho lý tưởng. Biết bao nhiêu người vẫn đang miệt mài làm việc, tranh đấu cho đất nước, biết bao nhiêu quỹ tốt đẹp đã được tổ chức: Quỹ giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, Quỹ giúp các tù nhân lương tâm, Quỹ yểm trợ các nhà dân chủ tại quốc nội....
Cơn bão nước đá tại Toronto đến nay đã dịu lại, các nỗ lực dọn dẹp, xây dựng vẫn còn đang tiếp diễn để thành phố sinh hoạt tốt đẹp hơn. Dư âm ngày lễ Giáng Sinh cũng chỉ còn một chút, mọi người tiếp tục hối hả mừng Tết Dương Lịch, rồi Tết Nguyên Đán... Các tin tức, hình ảnh về đám tang Việt Dzũng rồi cũng sẽ bớt dần, nhưng tôi tin lý tưởng của anh sẽ không bao giờ bị rơi vào quên lãng. "Lời Kinh Đêm" của anh vẫn luôn được vang lên nguyện cầu cho ngày quê hương vinh sáng.
Mong những hình ảnh đẹp của hàng cây thủy tinh, những tâm tình được tưới mát bằng cơn mưa thủy tinh mùa Noel năm nay sẽ còn mãi, để mọi người luôn hướng tới và cho nhau những tinh thể sáng lấp lánh của hy sinh và tình người....
Nguyễn Ngọc Duy Hân