Sunday, 19 January 2014

Ngô Nhân Dụng - Vinh danh các chiến sĩ Hoàng Sa 1974

Trong 39 năm qua, mỗi năm các cựu quân nhân Hải Quân Việt Nam đang sống ở nước ngoài vẫn làm lễ giỗ các đồng đội hy sinh vì nước ngày 19 Tháng Giêng năm 1974. Năm nay, người Việt Nam ở trong nước cũng tưởng niệm và vinh danh 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh chống trả Trung Cộng xâm lăng quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền cộng sản vẫn còn sợ, không dám có hành động nào. Nhưng người dân đã lên tiếng.



Tuần trước, ngày 11 Tháng Giêng, Trung Tâm Minh Triết (thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật ở Hà Nội) đã tổ chức buổi gặp mặt tưởng niệm 40 năm mất Hoàng Sa. Trong cuộc hội thảo, nhiều người đã chính thức đề nghị với nhà nước cộng sản phải vinh danh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974. Ông Nguyễn Ðăng Quang, một cựu sĩ quan Bắc Việt kể lại câu chuyện cùng một thiếu tá Việt Nam Cộng Hòa, khi gặp nhau trong Hội nghị Quân sự Bốn bên ở Tân Sơn Nhất vào năm 1973. Vị thiếu tá miền Nam đã nói với ông Quang: “Chúng ta đều là người Việt, hiện tại chúng ta đang là kẻ thù của nhau nhưng sau này có lẽ sẽ không là kẻ thù của nhau nữa. Tôi xin hỏi liệu sau này có một cường quốc phương bắc xâm chiếm một mảnh đất nào của chúng tôi hoặc của các ông thì các ông sẽ đối phó ra sao?” Ông Quang kể: “Lúc đó tôi mới ngoài 30 tuổi, nhiều vấn đề cũng chưa hiểu rõ để đủ sức trả lời câu hỏi này.” Năm 1973, ông Quang không được phép suy nghĩ vì phải sống dưới một chế độ kìm kẹp và bưng bít. Nhưng bây giờ, chế độ đó đang tan rã dần dần, dân Việt Nam đang đòi quyền tự do suy nghĩ và tự do phát biểu. Họ đã lên tiếng.

Có những người trẻ tuổi họp lại thành các nhóm “No-U Sài Gòn” và “No-U Hà Nội,” Hai chữ “No U” nghĩa là không chấp nhận “đường lưỡi bò” hình chữ U mà chính quyền cộng sản Trung Quốc đã vẽ ra, bao trùm cả vùng Biển Ðông của nước ta. Hai nhóm này đang góp phần vào cuộc lễ kỷ niệm các chiến sĩ Hoàng Sa 1974. Tại Sài Gòn, Câu Lạc Bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình mời mọi người đến tham dự buổi Thánh lễ cầu nguyện cho các chiến sĩ bỏ mình để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988 trong ngày 18 Tháng Giêng để biểu lộ tấm lòng của dân tộc biết ơn các chiến sĩ Hoàng Sa 1974.

Năm 1974, sau khi quân Trung Cộng đánh Hoàng Sa thì chính quyền cộng sản miền Bắc không hề lên tiếng phản đối. Vì họ đã bị mắc kẹt với lá thư của Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai năm 1958, trong đó ông ta công nhận bản tuyên bố về hải phận của chính phủ Trung Cộng. Mà trong bản tuyên bố này, Bắc Kinh nói rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc nước họ. Ðảng Cộng sản bây giờ không dám chống lại lòng dân tưởng nhớ các chiến sĩ Hoàng Sa, dù họ vẫn tiếp tục lệ thuộc Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng không phải vì thế mà người dân cả nước vẫn phải im lặng chịu nhục. Chính quyền phải chính thức đòi lại chủ quyền trên các hòn đảo đã bị chiếm, không thể để cả dân tộc cùng chịu nhục nhã theo họ. Trên thế giới hiện nay không một quốc gia nào lại âm thầm ngậm miệng không lên tiếng phản đối, đòi lại các miền đất đã bị nước ngoài chiếm đóng phi lý. Không một chính quyền nào lại cấm người dân của nước mình phản đối các nước lớn chiếm đất đai mà tổ tiên để lại. Ðó là danh dự và phẩm giá của dân tộc.

Nhưng hành động nhục nhã nhất của chính quyền cộng sản là họ vẫn bỏ tù những người Việt Nam yêu nước, đã lên tiếng đòi lại Hoàng Sa. Tạ Phong Tần, Ðiếu Cầy, Ðinh Nguyên Kha vẫn bị giam cầm. Hãy coi gương chính quyền các nước tự do dân chủ ở Á Châu. Dân các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Ðài Loan vẫn dùng lời nói và hành động đòi chủ quyền trên hòn đảo “Ðiếu Ngư Ðài” nhỏ xíu, mà chính quyền nước họ không bao giờ ngăn cản. Một chính quyền xứng đáng không bao giờ cấm người dân không được thể hiện lòng yêu nước.

Hãy xem tấm gương Phi Luật Tân. Trong thập niên 1970, 80 chính phủ Phi Luật Tân bao giờ cũng thân thiện với Mỹ, dân chúng cả nước họ cũng vậy. Nhưng chính phủ Mỹ không lúc nào được yên thân không bị người Phi Luật Tân biểu tình đòi Mỹ rút khỏi các căn cứ hải quân ở Vịnh Subic và căn cứ Không quân Clark. Cuối cùng Mỹ phải rút khỏi những cơ sở mà họ đóng quân từ hàng thế kỷ. Không biết như vậy cuối cùng là nước họ lợi hay thiệt, nhưng người nước ngoài phải kính trọng người dân và chính phủ Phi Luật Tân. Khi đụng chạm tới danh dự quốc gia, người ta không còn tính lợi hay thiệt nữa.

Hãy xem tấm gương chính phủ Estonia. Giao thiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể so sánh với mối quan hệ giữa Estonia và Nga. Ðó đều là tình trạng một nước nhỏ bên cạnh một láng giềng lớn gấp bội. Năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, các nước vùng Baltic giành lại độc lập, nhưng Nga vẫn coi đó là vùng nằm trong ảnh hưởng của mình. Chính phủ Estonia đã di chuyển một pho tượng kỷ niệm Hồng Quân Liên Xô ở trung tâm thủ đô Tallinin ra một nghĩa trang tử sĩ ở ngoại ô. Ðối với dân Estonia, đài kỷ niệm “Hồng Quân Giải Phóng Estonia” này là một mối nhục. Sau đó, các tay “đạo tặc tin học” phát xuất từ Nga đã tấn công tất cả các mạng lưới điện toán ở Estonia làm tê liệt gần hết hệ thống thông tin thương mại trong nước này. Estonia, với dân số 1 triệu 300 ngàn, bị tê liệt, vì hai phần ba dân chúng đều dùng Internet (broadband) trong mọi giao dịch thương mại, có 80% dân đóng thuế qua mạng lưới. Chính phủ Estonia đã yêu cầu Nga chấm dứt cuộc tấn công trong khi cũng kêu gọi các nước Tây Âu giúp mình. Không phải vì sợ nước Nga to lớn mà chính phủ Estonia không dám gia nhập các liên minh chính trị và quân sự với Tây Âu. Họ vẫn giữ được phẩm cách, dù là một nước nhỏ.

Một nước nhỏ muốn đương đầu với nước láng giềng lớn thì phải dựa vào dân. Dựa vào dân nghĩa là khi bị nước khác ép quá, chính quyền có thể chống lại, lấy cớ rằng dân chúng của nước mình không chịu. Nếu điều ép buộc lại làm nhục quốc thể, càng dễ cưỡng lại các áp lực của nước lớn hơn, vì không một dân tộc no muốn chịu nhục.

Hãy xem tấm gương Ðại Hàn Dân Quốc. Trong mấy chục năm nay ở Ðại Hàn vẫn luôn luôn có những cuộc biểu tình của sinh viên chống Mỹ. Ai cũng biết quân Mỹ đã giúp bảo vệ cho Nam Hàn, nếu không thì các thanh niên này đang phải sống dưới quyền của Kim Chính Ân. Nhưng chính phủ Nam Hàn vẫn chấp nhận cho sinh viên biểu tình chống Mỹ. Người Mỹ hiểu được tình trạng đó mà không lên tiếng đòi chính phủ Seoul phải dẹp bỏ những cuộc biểu tình. Vì Mỹ cũng là một nước tự do dân chủ, họ hiểu rằng chính phủ Ðại Hàn không điều khiển tất cả các công dân. Xã hội công dân ở Hàn quốc cũng mạnh khơng khác gì ở các nước dân chủ khác.

Một nước nhỏ muốn dựa vào dân chống lại áp lực của các nước lớn thì trước hết phải tôn trọng các quyền tự do phát biểu của dân. Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội phải dẹp biểu tình vì họ biết rằng đảng Cộng Sản Việt Nam xưa nay vẫn điều khiển tất cả mọi việc. Khi đảng ra lệnh thì tất cả các báo, đài, các nhà văn, nhạc sĩ đều hoan hô “Trung Quốc vĩ đại.” Năm 1979, khi đảng Cộng sản ra lệnh mới, tất cả các báo, đài, các nhà văn, nhạc sĩ đều quay ra chống “Trung Quốc bá quyền xâm lược.” Không những các cá nhân làm theo lệnh nay đầu mai đánh như vậy mất tư cách mà cả dân tộc cũng mất phẩm giá. Cho nên, trong việc sửa chữa lại các lỗi lầm quá khứ, đảng Cộng Sản Việt Nam phải trả lại các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Như vậy mới có thể phục hồi phẩm giá quốc gia.

Trong mấy tuần qua những mạng lưới thông tin độc lập ở Việt Nam đã hoạt động mạnh mẽ hơn hẳn trước đây. Nhân kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa, phong trào này càng lên mạnh. Ðó là một hiện tượng rất đáng mừng. Những người chủ trương và viết trên các mạng lưới, và các cuộc lễ tưởng niệm Hoàng Sa trong năm nay đang góp phần xây dựng tương lai dân chủ cho dân tộc. Họ chứng tỏ lòng cả yêu nước lẫn lòng yêu tự do dân chủ. Họ chủ động tưởng niệm Hoàng Sa mà không cần nghe lệnh đảng Cộng sản, không sợ bị công an đàn áp. Dù đó là Trung Tâm Minh Triết, Câu Lạc Bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình, dù là những nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp hay chỉ là những sinh viên đang đi học, họ đều đang góp sức mở đầu một cuộc cách mạng dân chủ cho nước ta, cuộc cách mạng thế kỷ 21.

Bằng công việc họ đang làm trên mạng lưới, các nhà báo tự do độc lập đã bày tỏ một thái độ dứt khoát. Họ coi việc suy nghĩ độc lập là một quyền tự nhiên ai cũng được hưởng, không cần phải xin phép, không cần nhờ một cái đầu vĩ đại nào đó suy nghĩ giúp mình. Họ coi việc tập họp và phát biểu ý kiến tự do là một quyền đương nhiên, đã sinh ra làm người ai cũng phải được hưởng. Vì nếu không sống tự do thì phẩm giá con người cũng không còn nữa!

Các hành động tưởng niệm các chiến sĩ Hoàng Sa 1974 cho chúng ta thêm niềm tin vào cuộc cách mạng mới ở nước ta trong thế kỷ 21 này. Cũng giống như niềm tin vào độc lập dân tộc đã thúc đẩy các nhà cách mạng Việt Nam tranh đấu trong thế kỷ 20.

Một thế kỷ trước đây, các các nhà cách mạng Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Ðoàn Trần Nghiệp, vân vân, đã tổ chức ám sát quân lính Pháp ở Hà Nội, hoặc ném bom vào các quan chức Pháp ở Sa Diện, Quảng Châu; hoặc nổi lên ở Vĩnh Bảo, Cổ Am, họ đã khích động lòng yêu nước của đồng bào, dù “không thành công cũng thành nhân.” Bây giờ thế giới đã thay đổi. Các chiến sĩ cách mạng ngày nay là những người ngồi viết tin tức và phát biểu ý kiến trên mạng lưới. Thông điệp của họ, ngoài tình yêu nước, còn thêm niềm tin vào tự do dân chủ.

Hậu quả của phong trào viết và nói tự do sẽ rất lớn. Sau khi các nhà báo và các thanh niên độc giả mạng lưới của họ thử nếm mùi vị của tự do, họ sẽ say sưa như thi sĩ Quách Thoại hơn 50 năm trước đây viết: “Ôi Tự Do thật vô cùng quyến rũ!” Các chiến sĩ cách mạng thời nay đang mở đầu cho một phong trào tranh đấu mới: Nhất định đòi cho mọi người Việt Nam được sống với phẩm giá con người.

Và lịch sử nước Việt Nam sau này sẽ đánh dấu ngày kỷ niệm các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tử tiết năm 1974 là một biến cố thay đổi lòng người, chuyển hóa số phận của dân tộc. Các chiến sĩ Hải Quân dù đã qua đời, vẫn tiếp tục đóng góp cho nước Việt Nam được thực sự độc lập. Hơn thế nữa, họ sẽ thúc đẩy dân tộc Việt Nam tiến thẳng trên con đường Dân chủ Tự do. Tranh đấu cho dân tộc được sống tự do dân chủ là một cách trả ơn các tử sĩ ngày 19 Tháng Giêng năm 1974.