Thursday, 9 January 2014

Vài lời về Phạm Ðình Chương

Ðây không phải là bài biên  khảo, mà chỉ là vài lời ngỏ  mà bạn  bè nhờ  viết cho  1 đêm  nhạc thân hữu về người nhạc sỹ mà tôi rất yêu này.
 
Vài lời về Phạm Ðình Chương

 
 Nhạc sỹ Phạm Ðình Chương là một nghệ sỹ không bao giờ muốn làm phiền ai cả,  tất cả những đắng cay, đàm phán  mà dư  luận đổ  lên ông  đều là những khổ lụy  mà xã  hội, cuộc  đời đã  bắt ông phải gánh chịu.
 
Ðời  Phạm  Ðình  Chương  đúng  với  câu ví von cổ điển  dành  cho  kiếp  nghiệp  những  con người của nghệ thuật: "Con  tằm nhả tơ". Con tằm  ấy, ngay từ thưở vướng nghiệp, tại chiến  khu 3, cho  đến lúc mãn kiếp tại  quê người, đã nhả cho  đời Việt Nam những sợi tơ vui để  đón mừng mùa đẹp, lúa tốt; sức sống  thanh niên, những  buổi sáng rừng,  tiếng hát  của những  người dân  chài. Những  sợi tơ quê hương luôn luôn muốn quê  hương trùng hội, muốn cho mọi dòng sông đều về góp hội trùng dương.

Nghĩa là  chỉ có cho,  không đòi, không  mong lấy lại. Cái tình yêu  dâng hiến, quá tốt, quá  hiền, quá tin tưởng trong  1 cuộc sống  mà những trái khuấy luôn luôn  rình rập,  bắn sẻ,  cái tình  mà ông  đã đưa những lời thơ  tuyệt vời của Ðinh Hùng  vào cung  trưởng  "Chưa  gặp  em  anh  đã nghĩ  rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như trăng,  mắt xanh là bóng dừa hoang dại,  âu  yếm  nhìn  tôi  không  nói năng..." không có nhiều chỗ ở mọi thời đại, mọi nơi.
 
Rồi một  ngày, thiên đường  đã đổ vỡ  tan tành. Tình yêu ngoài đời, cần nhiều thứ hơn là tình yêu trong  mộng;  tình  yêu  cần  xác  thịt mà người nữ muốn được thỏa mãn bởi  người nam , tình yêu cần cái lửa đời hừng hực, cần ăn những trái táo của vườn  cấm, nói  tóm, tình  yêu cần  tình yêu sống, nóng, thật. Ðau  nữa, là chuyện lại xảy  ra trong một hoàn cảnh trái ngang. Cái  chết tức  tưởi như  trong sử  thoại Trọng  Thủy,  Mỵ  Châu:  "Giặc ngồi  sau  lưng nhà vua đấy".
 
Không phóng  đại hóa đâu,  không bi thảm  hay lãng mạn hóa  gì cả.  Cái chết  đã bắt  đầu từ  đó, gậm nhấm, tra  tấn mà không  cho lưỡi hái  cắt vội. Con tằm tử thủ với nỗi đau  của mình, con tằm quả quá hiền hoà, đọc văn của những người bạn của nhạc sỹ, viết về ông, sẽ thấy ai cũng nói  đến cái "hiền" của Phạm Ðình Chương.
 
Thực tế đã khai tử những niềm vui, những khúc nhạc vui thực sự,  từ đó là  những khúc ca  quanh quẩn trong tim, những giọt nước mắt  "khóc lẻ loi một mình, là những viên đá xanh tim rũ rượi", rượu là một trong những vũ khí  tử thủ hữu hiệu, thủ: chịu đựng  và tử: chết. Khi"Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt" , đó là lúc chỉ còn câu thắc mắc "Em đi qua đời  tôi, có nhớ gì không em?". Hiền quá, hiền quá! Và ông yêu những người anh, chị, em của ông quá đỗi.
 
Còn gì để nói thêm nơi con người "một phiến tài tình, thiên cổ  lụy" đó  nữa, một  kỹ thuật  hòa âm mới mẻ, một  nhạc sỹ  giỏi đàn  guitare từ  bé, cái linh hồn của  ban hợp  ca Thăng  Long, một  tâm hồn  hùng tráng trong một thể  tạng gầy yếu, một tâm  hồn yêu quê hương khôn cùng và luôn mất quê hương.
 
Có cần  phải kết là  nhạc sỹ Phạm  Ðình Chương sinh quán tại Sơn Tây, và có  thân mẫu xuất thân là một đào nương  cũ. Ðây cũng  là dịp mà  tôi xin cám  ơn ngành  ca kỹ, đã bị mang tiếng oan là "xướng ca vô loài"  đã để  lại những  thi, nhạc  sỹ tuyệt vời cho Việt  Nam, vắn tắt lắm cũng  phải nói đến Tản Ðà, Phạm Ðình Chương  và người anh rể cùng họ: nhạc sỹ Phạm Duy.
 
 

Phạm Thế Ðịnh