Súng và công an kềm hai bên hông, vòng đời tôi khóa chặt, nhưng hai mắt vẫn còn nhìn được cảnh cũ đang trở thành ngăn cách, lạnh lùng và vô hồn như tôi đang ở một thế giới khác chứ không hiện diện trên quê hương thân yêu. Xe qua Lương Sơn, Long Thạnh, Tà Dôn, Phú Long, Sở Muối và ngôi trường Phan Bội Châu của một thời đậm đà kỷ niệm. Cột cờ nhoi lên giữa hàng cây rũ xuồng một chéo cờ đỏ. Một tốp khăn quàng đỏ tập hợp trong sân trường. Tôi rùng mình. Thế là hết! Chiếc xe nuốt khoảng đường dài Nguyễn Hoàng rồi Hải Thượng Lãn Ông, quẹo phải một đoạn ngắn trên đường Lương Ngọc Quyến rồi ngừng trước sân trại Thẩm Vấn Phan Thiết.
Lần đầu tiên tôi vô trại Thẩm Vấn, và lần này VC đưa tôi vô. Tôi sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, nhưng mặc áo lính lang bạt ở phương xa. Tôi chỉ nghe nói về Trại Thẩm Vấn, nơi cơ quan an ninh thẩm vấn những tù binh VC bi bắt, mỗi phòng có một cái giường cho một người, mái tôn, trên trần leo lét một bóng đèn. Tù binh VC bị khai thác xong là giải đi nơi khác. Buổi trưa nắng đổ lửa, khi bị tống vào phòng, tôi quờ quạng trong bóng đen dày đặc, không ánh sáng, mà cũng chẳng có cái giường nào. Chân tôi không di chuyển được vì chỗ nào cũng đặc xít người nằm. Tên công an đẩy tôi vào và đóng sầm cửa lại, hắn bất chấp tôi đạp phải trên người ai. Tôi đứng gần như bất động để chờ con mắt quen với bóng tối. Có ai đó gọi tên tôi. Tôi không buồn trả lời. Có ai đó bảo tôi cởi hết quân áo ra cho đỡ nóng. Tôi cũng không buồn trả lời. Mùi hôi của thùng cầu và hơi người nồng nặc. Mái tôn đổ lửa xuống người tôi. Quần áo tôi ướt đẫm dần. Tôi cắn răng chịu đựng và chờ đợi những khốn nhục kế tiếp, khốn nhục kiểu gì tôi không biết. Ðến khi mắt tôi thấy hết được phòng giam, tôi bàng hoàng kinh ngạc: dưới chân tôi là những lớp người nằm chen xít nhau có đến gần 30 người, tất cả đều trần truồng như nhộng, mỗi người có một mảnh giấy hay cái quạt che “chim”. Lúc này tôi mới hiểu tại sao có người bảo tôi cởi hết quần áo ra cho đỡ nóng. Và lúc này tôi không thoát y cũng không đuọc. Quần áo tôi đã ướt nhẹp, và tôi cởi hết quần áo, ở truồng như anh em.
Tôi vào sau, bị nhét vào ngồi ôm xô cầu. Tôi túm bộ đồ vắt mồ hôi vô xô cầu. Những giọt mồ hôi đổ xuống như áo quần vừa bị ướt duới cơn mưa lớn. Mấy ngày sau, người tôi khô khốc, da không còn một giọt mồ hôi để ra. Tôi quen dần cái không khí hôi hám, ngột ngạt trong phòng và đã đã phải ngủ ngồi ba hôm, khi có người chuyển trại, tôi mới có một chỗ đặt lưng. Theo lệ phòng giam, người mới vào sau thì phải ôm xô cầu, nghĩa là ngủ ngay cái góc phòng giam chỗ để cái xô cho tù đại và tiểu tiện. Người ôm xô cầm bị anh em tiểu văng lên cổ, lên mặt là chuyện thường. Mỗi ngày công an coi tù cho đổ cầu một lần, song tai nạn xô cầu tràn ra sàn xi măng thỉnh thoảng vẫn xẩy ra, nhất là những lúc có người bị kiết lỵ hay tiêu chảy phải dùng xô cầu suốt đêm.
Tôi ở được hai tuần, có được một chỗ chen lưng cách xô cầu một mét. Một buổi tối, công an bắt một nhóm vượt biển ở đâu đó, tống vào phòng tôi thêm ba người, trong đó có hai người bị còng chung với nhau, được anh em sắp nằm chung một chỗ. Không biết VC điều tra ra sao mà cả hai tuần sau hai anh tù vẫn còn bị còng chung. Thời gian hai tuần đủ “thâm niên” cho hai anh xích xa dần xô cầu lên gần chỗ tôi nằm. Chả biết sao anh lại biết tôi. Một buổi trưa anh chợt hỏi:
-Sóng Thần phải không? Bị bao giờ?
-Tôi bị mấy tháng rồi! Vừa mới chuyển về đây hơn một tháng. Mà sao anh biết tôi?
-Nghe mấy đứa nhỏ nó nói!
-Còn anh và anh bạn tại sao bị còng chung?
-Hai thằng tôi là giáo sư anh văn ở Sài Gòn. Dạy anh văn, trốn đi Mỹ là CIA! Họ bảo thế, và còng luôn! Thường thì ban ngày hai anh bị còng, khi bị gọi thẩm cung, hai anh bị dắt đi một lượt, ban đêm khi đi ngủ thì công an cho mở còng ra. Một lần, tên công an giữ chìa khóa còng đi đá banh làm mất cha xâu chìa khóa, thế là hai anh bạn tù của tôi bị còng liên tục mấy hôm. Khổ nỗi trong lúc hai anh bị còng sắt còng dính chùm nhau lại là lúc một trong hai anh bị kiết ly, đi cầu suốt đêm. Mỗi lần đi là ông kiết lỵ lôi ông không kiết ly dẫm lên người anh em phóng tới xô cầu, làm khổ cả phòng. Cuối cùng cả phòng la làng, và công an đã phải cưa còng cho hai anh.
Cái phòng giam quái đản và súc vật này có lẽ ít thấy nơi nào trên trái đất. VC có vẻ hả hê khi biến đưọc con người thành súc vật. Ban đêm có những người tù mới vào ngộp thở chịu không nổi đã kêu gào xin được bắn bỏ. “Cán bộ ơi! Giết tôi đi! Cán bộ ơi! Cho tôi một viên đạn cho rồi! Trời ơi!…” Tiếng kêu gào vọng ra tận bên ngoài như một thứ âm thanh ma quỷ vọng từ vùng địa ngục. Thế nhưng, sau một thời gian bị giam, đâu cũng vào đấy. Sự thích ứng và chịu đựng của người tù quả là ghê gớm, phi thường. Tù được nuôi ngày hai bữa bo bo hay khoai mì, hai bữa nước uống cung cấp bằng cái xô nước dơ bẩn, đục ngầu mà đôi lúc bọn nhà bếp dùng rửa cá nên nước uống tanh không chịu đuọc. Sau cơm nước bữa trưa, các phòng giam bị khóa kín, sức nóng của mái tôn hắt xuống, hơi người theo đó hắt ra, và cùng với cái xô cầu bốc mùi thường trực… đã làm cho phòng giam tuôn ra một thứ mùi hôi kinh khiếp.
Giữa cái buổi trưa hè đổ lửa đó, trung úy công an Vũ Xuân Nghĩa vừa đến làm trưởng trại 2 ngày, đi “tham quan” các phòng giam cùng với tên công an cầm theo một chùm chìa khóa. Khi cửa phòng giam vừa hé mở, mùi xú uế bất ngờ ập vào người Vũ Xuân Nghĩa, ông ta tháo lui như thể bị một thứ hàn âm độc chưởng của một cao thủ bà bà nào đó tấn kích bất ngờ. Ông ta nhăn mặt hỏi tên công an:
-Tại sao lại hôi hám thế này?
-Báo cáo đồng chí…
-Ðồng chí cho tôi phòng giam, mở cửa phòng trống ra!
Mùi hôi trong phòng giam đã dịu bớt khi không khí ngoài hành lang theo gió lùa vào. Vũ Xuân Nghĩa đứng trước cửa phòng giam, ra lệnh bật đèn lên, và ông ta trố mắt bất ngờ trước cảnh tượng trên 30 người tù trắng bệt nằm chen nhau như cá bị lột da trên nền xi măng không một chỗ chen chân, trên mình người tù trần trụi không một mảnh vải. Bọn tù trơ mắt nhìn ra ngoài, nhìn Vũ Xuân Nghĩa và không màng che kín hạ bộ. Vũ Xuân Nghĩa dường như thấy mình bị xúc phạm trước thái độ để chim tỉnh bơ của đám tù, ông ta lớn tiếng:
- Các anh lấy cái gì che của nợ các anh có được không nào!
Thế là những tờ báo, những cái quạt, những mảnh khăn được đưa ra để che cái phần không được nghiêm túc tí nào khi thủ trưởng trại giam “tham quan”.
Tôi bị giam trong phòng này khoảng được 6 tháng, thích ứng được với các điều kiện khốn cùng của phòng giam. Bên cạnh tôi là anh Nguyễn Mạnh Hùng và người bạn giáo sư Anh văn của anh. Chúng tôi ba người ăn chung với nhau trong những bữa cơm tù, trong những lúc gia đình tiếp tế. Trong phòng cũng có khá nhiều anh em tù gần như vô thừa nhận, vô gia đình, không người thăm nuôi, một phần do gia đình quá nghèo, một phần do gia đình tìm không ra, người bị bắt không được công an thông báo, cứ tình nghi là bắt, không cần xem xét, nhiều người bị bắt oan giam cầm cả năm không cần tra xét. Họ chịu đựng, cơ cực và cô đơn. Một thanh niên nằm đối diện tôi khoảng 19, 20 tuổi gì đó, bị bắt ở nhà ga Phan Thiết, giam cả 4 tháng trời mà không biết mình bị bắt vì tội gì. Bất ngờ buổi trưa, cậu ta được gọi lên phòng thẩm cung:
-Nguyễn Văn Bẩy!
-Dạ, có mặt!
-Theo tôi lên phòng làm việc!
Bẩy đứng dậy, bước ra khỏi phòng, trên mình không một mảnh vải, cứ để con chim tòn teng như đứa con nít. Tên công an quay lại, chợt thấy thằng tù theo chân mình ở truồng đi tỉnh bơ, hắn hét:
-Bộ anh muốn giỡn mặt? Anh muốn bôi bác cán bộ và nhà nước hả? Quần áo anh đâu?
-Thưa cán bộ, em bị bắt hơn bốn tháng nay, nhà không ai hay biết, không ai tiếp tế. Quần áo em xé đi cầu hết trơn rồi…
Tên công an như hiểu ra, đưa Bẩy quay lại phòng, hắn chỉ một anh tù có bộ quần áo gối đầu:
-Ê anh kia! Ðứng dậy, đưa quần áo cho thằng Bẩy mượn! Mau lên!
Thế là Bẩy mặc bộ bà ba của người bạn tù để lên phòng làm việc. Tôi nhìn khắp phòng, thấy có ít ra là cả chục mạng “vô sản, trên răng dưới bác” như Bẩy, và dường như trong đáy cùng tuyệt vọng, ai cũng ngộ cái lẽ vô thường “sắc sắc không không” của cuộc đời, nên chẳng ai màng gì tới áo quần còn mất trên thân thể mình. Mà dường như cũng chỉ có cộng sản mới đẩy được con nguời tới cái cảnh này sau cuộc đổi đời cạn tàu ráo máng. Khi Bẩy về lại phòng, mặt mày buồn so. Trả lại bộ quần áo cho người bạn tù, Bẩy rề lại tôi tâm sự:
- Anh nghĩ coi, em ở Phú Hội. Buổi chiều theo xe lửa xuống Phan Thiết coi xi nê. Tối chờ xe lửa để về nhà. Công an đuổi bắt một nhóm vượt biên bị bể ở Thương Chánh hay Thanh Hải gì đó, họ chạy ào vào ga Phan Thiết. Công an vây hai đầu ga và tóm luôn em. Em thành thật khai báo là em không phải người Sài Gòn, em ở Phú Hội, em không dính gì tới chuyện vượt biên.
Nhưng họ vẫn không tin.
-Cán bộ hỏi cung bảo em phải làm gì?
-Họ bảo em về lại phòng giam, chừng nào nhận tội thì mới được thả. Họ bảo nhà nước cách mạng không bao giờ sai lầm, đảng không bao giờ sai lầm, công an bắt ai thì không bao giờ bắt lầm!
-Thế sao em không nhận cha nó tội xem sao. Còn không em cứ bị giam hoài!
-Mình không có tội mà nhận tội thì biết đâu họ giam mình càng dữ nữa! Mà nếu họ có tha ra, nhưng với cái tội danh vượt biên hay phá rối trị an ghi đại vào giấp phóng thích, về lại Phú Hội em sống sao nổi với mấy thằng công an, du kích xã?
Quả tình, nếu nằm trong hoàn cảnh của Bẩy, tôi vẫn bí không có lối ra. Tôi chợt hỏi Bẩy:
-Em có bà con cô bác gì ở Sài Gòn hay không?
-Sài Gòn thì em không có, nhưng em có bà cô ruột em ở Long Khánh! Anh hỏi vậy là sao?
-Bẩy! Cái này tùy em. Ý anh sắp nói có thể cho em một lối thoát, không thì cái kiểu này, em cứ ở truồng đi lên đi xuống hoài.
-Anh nói rõ cho em nghe coi!
-Em cứ nhận đại cái gì đó. Khi ra khỏi trại giam, em nhắn gia đình đem quần áo và ít tiền bạc xuống Phan Thiết, em bắt xe đò vô Long Khánh sống với người bà con, xé cha nó cái lệnh tha. Tuổi em còn nhỏ, giữ giấy cũ và làm ăn trong đó luôn. Bỏ quê hương này đi xa may ra mới có đường sống.
Một tuần sau, Bẩy ra khỏi nhà giam và biến đi như một cánh chim bay về một phương trời vô định. Ngày nhận lệnh tha, Bẩy ôm tôi từ giã và bước ra khỏi phòng với cái quần đùi tôi cho. Bọn tôi tiếp tục ở lại với những ngày tù ngục ở truồng. Cái tuyệt vọng của những ngày tù nhiều lúc không thấm vào đâu với cái cồn cào của bao tử. Ngày thăm nuôi, bỏ bao là những ngày vàng son của đám tù có gia đình tiếp tế, và lại cũng là ngày đen tối của những anh em tù đứt liên lạc với gia đình. Ngày thường, ai cũng đói như nhau, ngày thăm nuôi, kẻ no người đói, nó làm cho con người cách biệt bởi món ăn, thức uống, bởi những ngày thăm nuôi mà trong cảnh khốn cùng, ai cũng lo cho thân mình, ít ai ban phát chia đồng cho người khác. Phản ứng bởi cái đói nghiệt ngã và bản năng sinh tồn mỗi người một khác, song có những cái mà tôi nghĩ không ra.
Lệ thường, ngày thăm nuôi, vách phòng giam treo đầy những chuối, đường, bánh tét, bánh ngọt, thức ăn đủ thứ. Của ai treo trên tuờng gần người đó. Những người không được tiếp tế thèm thuồng nhìn những cục đường, những trái chuối, những miếng bánh của người bên cạnh. Tủi thân hay không thì không ai biết, nhưng chắc chắn ruột họ cồn cào theo bản năng tự nhiên của bao tử. Nhà đèn đột nhiên tắt điện, cả phòng giam bỗng tối đen, tiếng sột soạt trên tường, tiếng chửi thề la lối… và vài phút ngắn ngủi sau, khi đèn bật sáng, tất cả những thứ treo trên tường biến mất như một phép lạ.
-Ð M! Hai ký đường, một nải chuối và nửa đòn bánh tét bay mất! Thằng nào ăn, thằng nào lấy?
-Ð M! Mấy cái bánh ú và gói xôi của tao cũng biến như ma! Trời ơi, thằng nào chôm lẹ vậy?
Cả phòng lao nhau, chửi bới. Tôi và người bạn lặng lẽ nhìn nhau, gia tài ăn chung của bọn tôi cũng không còn một miếng gì trên tường. Theo lời yêu cầu của phòng trưởng, mọi người đứng dậy. Tang vật chẳng còn gì trừ vỏ chuối, lá bánh tét ném vương vãi xô cầu. Thủ phạm “xơi tái” gọn và nhanh thần sầu thức ăn anh em chẳng biết là ai. Họ chụp giựt và thanh toán lẹ như con ma. Tôi không thể tưởng tượng nổi họ có thể nhét vô bụng những thứ tam bành lục tặc đó trong vòng vài ba phút tắt đèn. Tôi không hiểu nổi! Ðối với tôi, khả năng chịu đựng sự khốn nhục, cực khổ còn hơn súc vật trong phòng tôi của những người tù đã là một điều phi thường, nhưng việc làm biến mất hàng loại những chuối, đường, bánh tét… trên tường chỉ vài phút là điều chỉ có các ảo thuật gia ma quỉ mới làm nổi. Mất đồ ăn nhưng tôi phục họ vô cùng. Tôi nói với Nguyễn Mạnh Hùng:
-Lần sau, chắc mỗi thằng mình phải để đồ ăn trên bụng truớc khi ngủ mới chắc ăn!
-Mình ngủ mê, đèn tắt, rờ bụng trống trơn thì cũng như không. Chẳng lẽ tụi mình lại đi chửi thề, la lối như anh em!
-Thôi! Kỳ sau nhà tiếp tế, ăn cho đã, còn bao nhiêu chia cho các anh em “mồ côi” là tiện việc sổ sách. Họ đói và thiếu thốn quá! Tội nghiệp, nếu họ được thăm nuôi như mình, có ai trổ tài phù thủy bao giờ! Trong trại Thẩm Vấn, loại phòng giam tôi ở gọi là phòng ngang. Tôi ở phòng ngang được 7 tháng thì có một hôm ông thần sốt rét lại thăm tôi. Loại sốt rét này là gia tài để lại của trại Kà Tót khi truóc. Tôi nghĩ bụng “kỳ này chắc chết!”, làm sao có chuyện chuyền serum pha quinin và Solucortef, làm sao có chuyện cả nhà xúm nhau cạo gió, hơ gừng… Tôi lăn ra nóng cùng với cái nóng đổ lửa dội xuống từ mái tone, rồi tôi lăn ra lạnh bất chấp phòng giam hực lửa vẫn thấy một trời băng giá, băng giá từ trong xương tủy ra tận thịt da. Phòng trưởng thấy tôi lăn quay, xanh lè, tưởng tôi chết, la lớn:
-Báo cáo cán bộ, có người bệnh sắp chết! Dường như có tiếng giép râu lệt xệch đi lại:
-Khiêng nó ra đây!
Mấy người bạn tù khiêng tôi bỏ ra ngoài hành lang xi măng. Cửa phòng đóng lại. Một lúc sau, những cơn gió thoáng mát và hơi lạnh của nền xi măng làm tôi tỉnh lại. Nằm trên nền xi măng có hơi gió là cả một thiên đàng. Ôi, những cơn gió mát! Thứ này đâu có ai làm chủ mà muốn có cũng không được. Tôi muốn nằm hoài, sau đó tôi thiếp đi. Ðến chiều, gần đến giờ ăn, thấy tôi cựa mình mở mắt, công an cho người đưa tôi vô trở lại phòng giam. Chiều đó, tôi xin nhà bếp một gô nước cơm, móc trong bâu quần hai viên Chloroquine dấu kín từ lâu, chơi luôn vô miệng, tới đâu hay tới đó, có sống thì coi cuộc đời nó giạt tới đâu, nếu chết thì coi như đã hết nợ trần. Kiếp này có còn chó gì đâu mà tham sống! Một thời ở Kà Tót bị đày như súc vật, bây giờ bị coi như súc vật… thì có lăn quay ra chết cũng là vừa!
Chả biết cái mạng tôi mang số con gì mà sau đó tôi bình phục lại dễ dàng trong cái địa ngục trần gian hôi thối này. Tuy nhiên, kể từ sau khi hết sốt rét, tôi ăn không hết hai chén bo bo. Tôi chia phần ăn cho mấy em tù trẻ. Tôi thấy thiếu thốn tự do, ray rứt từng những phút giây giam cầm và cảm giác này hành hạ tôi mỗi ngày. Sáng ra, tôi thường vịn song cửa tù ở vách sau nhìn ra bên ngoài. Niềm vui của tôi là những vạt nắng vàng phơi trên tàu lá chuối non mọc sát vách nhà giam. Niềm vui của tôi là con chim sâu nhỏ sáng nào cũng có mặt trên các tàu lá chuối. Ngoài bụi chuối là hàng rào kẽm gai. Cuộc đời tôi bị vách nhà tù và hàng rào kẽm gai chôn cứng, nhưng con chim nhỏ thì có cái tự do vô cùng của nó. Tôi mơ cái tự do của con chim buổi sáng. Tôi mơ là vạt nắng vàng giăng trên khóm chuối. Tôi mơ mình bỗng nhiên tan biến theo từng cụm nắng và ra khỏi nhà giam để hòa tan vào vô tận của đất trời. Trong một phút giây nào đó, tôi đã ra khỏi phòng giam, tôi được tự do, tôi rời thế giới thực tại. Tôi vươn tay thọc ra ngoài song sắt, ánh nắng mai rọi trên tay tôi thành một vệt trắng bệt, dưới lớp da chạy những dòng máu thiếu mất hồng cầu. Những con Plasmodium sốt rét quả là “đồng minh môi hở răng lạnh” của chế độ!
Khi tôi rút tay vào và xoay người lại thì cả phòng im phăng phắt. Cửa phòng mở ra tự lúc nào tôi không hay. Tên công an Hoa nhí đứng trước cửa phòng nhìn tôi.
- Ê! Bộ tính chuyện trốn trại hả! Ở ngoài đó cái gì mà nhìn mê man vậy? Về lại chỗ nằm!
Duờng như hắn đọc được cái say mê sảng khoái của tôi với con chim sâu nhỏ, với vệt nắng vàng trên tàu lá non – hay hắn sợ tôi bẻ song cửa trốn trại. Tôi nhớ trước đó mấy tháng, có một anh tù tên Trung, tự xưng là tù phục quốc, bị bắt ở Ma Lâm, mò tới xin nằm gần tôi, lân la rủ tôi trổ nóc tôn khi trời mưa lớn để thoát trại. Kế hoạch anh ta có vẻ khả thi, hư thực tôi không biết, song tôi từ chối:
-Tôi chấp nhận số mệnh an bài. Tôi bị giam hơn nửa năm nay, hai bắp chân rất yếu. Dại dột trốn trại, tôi chỉ chạy một chút là vọp bẻ bị bắt lại ngay. Trung bỏ chuyện đó đi!
Trung sau đó bị chuyển trại khác. Tôi không rõ Trung là phục quốc thật hay công an giả dạng để gài tôi. Song tôi suy nghĩ nhiều về lời nói của tên công an Hoa nhí. Chiều hôm đó, công an sai toán nhà bếp đem xi măng và gạch ra sau hè phòng giam xây trám bít khung cửa tù có ba song sắt. Cả phòng chúng tôi kinh hoàng:
-Chết mẹ rồi! Bít kiểu này thì không khí ở đâu tụi mình thở!
Mà thật vậy! Không khí vô phòng giam để nuôi gần 30 cái buồng phổi tù nhân đi từ cái cửa lá sách phía trước và cái khung song sắt phía sau. Nay khung này bị đóng thì tình trạng ngạt thở vì thiếu không khí lại càng nghiêm trọng hơn. Ðiệu này chắc chết! Thằng Hoa nhí tự ý làm hay là chủ trương của trại? Không ai biết, và cũng chẳng ai dám khiếu nại. Một thiếu niên cũng tên Hoa, anh em gọi là Hoa Ðức Thắng, vì nhà em ở phường Ðức Thắng, bỗng đứng lên:
- Trong lúc xi măng chưa khô, để em dùi một lổ nhỏ để sáng sáng dòm ra ngoài cho đỡ buồn!
Phòng không ai có ý kiến gì. Hoa đến gần khung sắt loáy hoáy dùng chiếc đũa dùi một lổ tròn bằng ngón tay, đủ nhìn ra ngoài. Mấy ngày sau xi măng khô cứng lại. Ngoài cửa chính nhìn vô, đó là một vách xi măng bít kín, không ai nghi ngờ gì cả. Nhưng khi cửa nhà giam đóng lại, bên trong nhìn ra qua lổ nhỏ là một mảng thiên đàng còn sót lại, có nắng vàng sớm mai, có con chim sâu trên tàu lá, xa xa có một chút trời xanh. Tôi thầm cám ơn Hoa. Dường như khát vọng tự do, thoát củi xổ lòng trong tim nó cũng chính là của tôi, của mọi người. Một buổi trưa hè, một người tù vô tình dán mắt nhìn ra ngoài qua cái lổ giữa khung sắt và bị Hoa nhí bắt gặp, hắn làm ầm lên, giận dữ:
- Trong phòng này, ai? Ai là người dùi vách xi măng? Cả phòng làm thinh. Hắn khuỳnh tay:
-ÐM! Tao có biện pháp kỷ luật hết cả phòng! Rồi tụi mày biết tay tao! Cả phòng lại vẫn im lặng. Bỗng Hoa Ðức Thắng đứng lên:
-Thưa cán bộ! Tôi làm!
-À mày ngon! Ra khỏi phòng! Theo tao!
Và Hoa nhí đã dẫn Hoa Ðức Thắng xuống nhà bếp đánh thê thảm. Buổi tối công an tống Hoa Ðức Thắng trở lại phòng, mặt mày sưng vù. Anh em xúm nhau bóp dầu cho Hoa, và cũng ngay tối đó, cái lổ nhìn ra thiên đường bị bít kín bằng xi măng trở lại. Thêm một chút không khí bị tước đoạt. Thời buổi này ông Nguyễn Công Trứ sai là cái chắc, làm gì có chuyện “của trời trăng gió kho vô tận” dưới chế độ cộng sản!
Buổi sáng nằm trong phòng giam, nghe tiếng chim hót ở bên ngoài, biết trên tàu chuối non có mấy vệt nắng vàng, có con chim non líu lo nhảy nhót, biết trên trời có những tảng mây lang thang và biết cả một giang sơn đang chìm ngập trong mầu cờ đỏ. Tôi bỗng tự hỏi thân phận của Trần Dần liệu có nghiệt ngã hơn thân phận của những tên tù miền Nam trần truồng trong phòng giam hôi tối của địa ngục Thẩm Vấn Phan Thiết? Quê hương của ”Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ” trên đất Bắc làm sao oan nghiệt hơn quê hương miền Nam khi cả nước bỗng trở thành một nhà tù vĩ đại sau 75!
Và lúc đó, tôi chỉ muốn hóa chuyển đời mình thành con chim sâu trên cành lá sau vách nhà tù để được có một chút nắng mai trong cuộc đời bèo bọt.
Bắc Phong Sài Gòn