Monday, 31 March 2014

ĐI BUÔN THỜI 1975 - Nguyễn Thị Thanh Dương


Sau khi tổ hợp mì sợi ngưng hoạt động vì không còn bột mì và ông tổ trưởng tổ hợp trốn đi vượt biên chị Bông đã mất đi số vốn góp cổ phần trong tổ hợp và không có công ăn việc làm.

Nhà chị gần ngay mấy cơ quan nhà nước (mà họ gọi là nhà máy ) nhưng với lý lịch “hắc ám” chồng đi “học tập cải tạo”, gia đình “ngụy quân nguỵ quyền” cha làm cảnh sát viên, lại là cảnh sát viên trong phủ thủ tướng và có em đi vượt biên.sống ở nước ngoài nên chuyện trở thành công nhân viên nhà nước có biên chế vững vàng chỉ là những giấc mơ xa vời chị không dám nghĩ đến.

Hàng ngày nhìn người ta đi làm ra vào nhà máy, rồi cuối tháng mang về tiêu chuẩn nửa ký thịt nửa ký đường chi Bông thèm lắm, càng thấy danh hiệu “công nhân” của nhà nước to lớn biết bao, phần chị chỉ có thể làm công nhân ở cấp tổ hợp tư nhân mà thôi với công việc lúc có lúc không, với đồng lương èo ọt sống tạm bợ qua ngày.

Thời cuộc đã phát sinh ra nghề đi buôn đủ loại đủ kiểu, nói chung là đi buôn thời 1975.

Buôn đi bán lại ngay tại địa phương các mặt hàng nhu yếu phẩm của công nhân viên nhà nước, của người dân nhịn ăn nhịn dùng bán đi lấy tiền chi tiêu cho chuyện khác, ra xa cảng miền Tây mua lại gạo thịt của những người buôn chuyến từ các thành phố miền Tây về bỏ mối bán lại cho bạn hàng chợ búa, hay đi sang vùng biên giới Campuchia để buôn các mặt hàng Thái Lan tuồn sang Campuchia từ đường, đậu, gạo, cá khô, đến thuốc lá, xà bông, vải.vóc, đồng hồ.v..v… Thuốc lá Samit và xà bông Táo đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng thành phố một thời..

Xa hơn nữa là đi buôn Nam - Bắc bằng xe lửa.

Xóm chị Bông đã thường xuyên có các hàng hoá từ miền Bắc vào, mỡ, trà, dép nhựa, và các nông sản theo mùa như dưa lê, củ tỏi, hành tây, khoai tây với gía rẻ, nhưng mua khoai tây thì được, mua miếng xương miếng thịt nấu khoai tây đâu có dễ vì tiêu chuẩn hạn chế và nhất là  không phải ai cũng có tiền ăn thịt.
Cô Sa là gia đình buôn bán giỏi nhất xóm, gọi là “cô Sa” nhưng cô lớn tuổi ngang vai cha mẹ chị Bông, chẳng biết từ bao giờ  hàng xóm đã gọi là “cô Sa”có lẽ vì cô Sa có vóc dáng thanh lịch của người Hà Nội xưa, cô luôn tươi tắn dù tuổi đời vẫn chồng chất theo năm tháng.

Mẹ con cô đều khôn ngoan lanh lợi, cô là người tiên phong đi buôn tuyến xe lửa Nam- Bắc, rồi vài người khác cũng rủ nhau đi theo. Cô Sa ở cách nhà chị Bông chừng chục căn, hiểu rõ hoàn cảnh đã rủ chị Bông:

-         Tổ hợp mì sợi không còn nữa cô Bông theo tôi đi buôn Nam Bắc thử một chuyến may ra kiếm tiền mà nuôi con trong lúc chồng còn đang tù tội cải tạo..

-         Nhưng cô Sa ơi cháu chẳng biết buôn bán là gì…

-         Không sao, cô cứ theo chúng tôi, buôn có bạn bán có phường mà, chúng tôi mua gì thì cô mua nấy, hàng từ Nam ra hay từ Bắc vào đều có chỗ bỏ mối cả.
Thế là chị Bông hào hứng đòi đi buôn, trước tiên bố chị đã kinh ngạc rồi ái ngại:

-         Con mà đi buôn à? Con muốn làm “cô khờ” đi buôn à? chỉ đi Cần Thơ mà còn bị lừa phải trả 2 lần tiền cái vé chợ đen đắt đỏ và mua chục soài cũng xớn xác không để ý họ cho vào bịch mấy qủa xoài hư thối mang về cứ hí hửng khen rẻ.

Chị Bông trấn an và năn nỉ bố:

-         Con đi với cô Sa và các hàng xóm khác, mọi người sẽ chỉ dẫn và đùm bọc lẫn nhau, buôn Nam Bắc không sợ mất trắng như buôn hàng từ biên giới Campuchia vì kín đáo hơn với lại nhân thể con “du lịch” cho biết Hà Nội 36 phố phường như con đã biết qua sách vở. Ngày xưa bố ở nhà quê chẳng từng mơ lên Hà Nội đấy sao.

Được bố đồng ý về mặt tâm lý đã ổn định, chị Bông vẫn không dám tự tin liền rủ Nghĩa, một cô bạn vai em vì Nghĩa là bạn học đại học với thằng em kế của chị Bông, nhưng Nghĩa bỏ học dở dang vì sức khỏe yếu, mắt bị mờ dần đi. Nghĩa ở nhà phụ mẹ buôn bán vặt.

Cô sinh viên nửa vời cũng giống chị Bông ở chỗ vừa kết hợp đi buôn Nam Bắc kiếm tiền vừa nôn nóng muốn nhìn thấy Hà Nội trong văn học xưa. Hai chị em sẽ chung vốn trong chuyến đi, mua gì cùng mua và lời lỗ cùng chịu..Cả hai đều hào hứng..

Cũng như mọi lần, chuyến Nam Bắc này cô Sa coi như “lãnh đạo” chị em hàng xóm gồm 7 người, họ mua gì thì chị Bông mua nấy, các mặt hàng mang ra Bắc là cau, cau tươi hay cau khô, nhưng cau tươi có gía hơn cau khô, là len để đan áo, cà phê, ziper, thuốc lá Hoa Mai, Đà Lạt..v..v..Những thứ này sẽ bán trên mỗi chặng đường xe lửa đi qua.

Đến ga Hoà Hưng vào buổi trưa thật đông vui kẻ mua người bán tấp nập, cau tươi bán ngay tại sân ga, các bà tranh nhau chọn lựa những buồng cau trái to tròn và ngã giá, chị Bông và Nghĩa dù chậm chân cũng mua được hai buồng cau như người ta dù có thua kém không tươi ngon bằng.

Mang được buồng cau và túi hành lý lên tàu thật vất vả, chị Bông o bế giữ gìn buồng cau như báu vật chỉ sợ người ta đụng chạm vào.

Buông mình ngồi xuống ghế vẫn chưa yên thân, chị phải liên tục né ngang né dọc như một người đang bị kẻ bạo hành dồn dập tấn công, hành khách vẫn chen lấn xô đẩy ngả nghiêng và nhồi nhét hành lý dưới gầm ghế, bên cạnh ghế và mấy khoang trên đầu, hết chỗ nhét thì họ treo hay móc lên khoang, lên thành ghế, chị Bông bị bao vây tứ bề bởi người và hàng hoá.

Không có chỗ để ruỗi chân hay tỳ tay đã đành mà dường như không có cả chút không gian để thở, chị ngồi co quắp trong ghế .…

Dù thế nào thì  chuyến tàu Nam Bắc cũng hụ còi inh ỏi và phấn khởi lăn bánh rời ga Hoà Hưng mặc cho bên trong tàu bao nhiêu con người đang nhốn nháo chen vai thích cánh, đang chới với ngột ngạt vì mùi người, mùi hàng hóa đủ loại và ồn ào âm thanh nói cười   trong bể khổ của cuộc đời.

Các bà trong nhóm cùng đi buôn dặn dò chị Bông và Nghĩa vì biết là mới đi xe lửa Nam Bắc lần đầu:

-         Tôi dặn trước, hai cô ngồi ngay cửa sổ coi chừng khi qua mấy sân ga nhé, trẻ con ném đá lên tàu ai bị thương hay chết thì ráng chịu không có người bảo vệ cho mình đâu.

-         Ôi, đi xe lửa mà nguy hiểm như ra chiến trường !

Một bà khác cũng dặn dò:

-         Còn nữa, cẩn thận cả tiền bạc và hàng hóa đấy, hành khách cũng có khi là kẻ cắp trên tàu. Chúng ăn cắp hàng hoá và rạch túi nhanh như chớp, người chật như nêm thế này chúng càng dễ hành nghề.

Chị Bông lại kêu lên:

-         Ôi, đi xe lửa mà như lạc vào chốn giang hồ.

Một bà kinh nghiệm kể:

-         Chị Bông để ý sẽ thấy có những hành khách không cần ngồi ghế, họ bám cột đứng ở cuối khoang tàu, đến một địa điểm nào đó là họ nhanh chóng ra tay, thảy những bao hàng hóa xuống và phi mình ra khỏi khoang tàu tài tình như làm xiếc.

-         Ôi, tàu đang chạy mà họ dám nhảy à? Liều thế…..

-         Ban đầu chúng tôi cũng thấy khiếp đảm như cô đấy, giờ thì quen rồi.

Và bà giải thích ra vẻ kinh nghiệm:

-         Để giảm bớt sự chấn thương họ nhảy cùng chiều với con tàu đang chạy và ngã lăn ra bãi cỏ nên khá an toàn, địa điểm họ chọn trước thường vắng vẻ và có đồng bọn chờ sẵn. Thời buổi khó khăn chính quyền quản lý hàng hóa và ngăn sông cấm chợ nên người dân phải tìm mọi cách kiếm sống dù có nguy hiểm đến tính mạng như nhảy tàu, sai một ly đi một dặm chết người như chơi..
Chị Bông và Nghĩa cũng đã cẩn thận tiền bạc cất trong túi gài kim băng dấu kín sau lần áo trừ khi kẻ cắp thò tay vào chứ mắt nhìn không thể nào thấy được, còn mấy túi hàng hóa để ngay bên cạnh hai ngưòi sẽ thay phiên nhau ngủ để canh chừng.

Tàu qua ga Xóm Thơm Gò Vấp, ga Bình Triệu, Sóng Thần và hướng về bao nhiêu sân ga xa lạ, bao nhiêu đường dài chưa quen hun hút phía trước, càng lúc càng rời xa thành phố, càng xa nhà, chị Bông vừa háo hức vừa cảm thấy buồn vì lần đầu tiên chị đi xa như thế này.

Đến chiều là cảnh bát nháo của hàng cơm di động, người ta bưng thúng mời chào mua cơm, người này ăn xong thì làm cho người khác sau khi đĩa thìa được lau chùi bằng giẻ ngay tại chỗ, ngay trước mắt khách hàng chứ nước ở đâu ra mà rửa ráy trên tàu.

Chị Bông kinh hãi lắm, cũng may là trước khi ra ga Hoà Hưng chị đã ăn một tô cơm rang nên quyết chí nhịn ăn trên tàu, đợi đến ga nào đó xuống sân ga may ra có món khác ăn cho đỡ đói lòng.

Hai buồng cau của chị Bông và Nghĩa treo ở sát cửa sổ cùng rung rinh cùng đong đưa theo nhịp tàu chạy. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng “bộp” nhỏ khô khan và ai đó trong nhóm hàng xóm chị Bông lại kêu lên:

-         Cau của chị Bông rụng kìa.

-         Chắc lựa buồng cau vừa gìa vừa héo chứ gì !

Cứ thế không buồng cau chị Bông thì là buồng cau của Nghĩa, qủa cau rụng xuống như nỗi lo buồn của hai kẻ đi buôn bất đắc dĩ đang rụng xuống cuộc đời. Chị Bông ngồi gần cố với tay ra nâng đỡ cho hai buồng cau bớt bị dao động mà không xong, đành mặc cho chuyến tàu đẩy đưa, chị nhặt mấy qủa cau rụng lên đếm được tổng cộng 9 qủa, và đoán chắc là hai buồng cau sẽ bán lỗ vốn thôi.
Tàu qua ga Mường Mán Bình Thuận và nhiều ga khác thì đến ga Tháp Chàm Phan Rang, người ta mang lên tàu những giỏ nho để mời khách mua, nhóm đi buôn mua nho hi vọng mang ra Bắc bán lại kiếm lời, chị Bông và Nghĩa không mua cái món mong manh dễ dập dễ hư ấy vì hai buồng cau đang đe dọa lỗ vốn rồi.

Thế mà may vì giỏ nho của bà nào đó mua vài giờ sau đã bắt đầu…chảy nước, không biết vì người bán để nho hư dập dưới đáy giỏ hay vì không khí nóng ngột ngạt trên tàu làm nho chóng hư?

Bà nọ bảo bà kia:

- Thôi, chị mang giỏ nho ra ăn dần đi kẻo hư thối thêm mà bán chẳng ai mua.
Tàu qua đèo Hải Vân, uốn lượn theo con đường đèo gian nan nguy hiểm làm chị Bông lo sợ vẩn vơ con rắn khổng lồ này…trượt chân, trượt đường ray rơi xuống biển thì chẳng còn kịp nhìn thấy chồng con.

Đến Lăng Cô cảnh núi non và biển xanh nên thơ, người ta kể rằng sau biển xanh xinh đẹp kia có một làng cùi, những người cùi sống ẩn khuất xa lánh mọi người, biết đâu thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp đã làm dịu đi những nỗi đau bất hạnh của người cùi.

Những sân ga những thành phố từ Sài Gòn vào miền Trung như Phú Sơn, Phù Cát, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Cam Ranh, Thừa Thiên, Huế…v..v…đã gợi lại trong lòng chị Bông bao nhiêu cảm xúc, chị nhớ một thời chinh chiến đã qua, những người lính miền Nam đã từng xông pha nơi những địa danh này họ còn sống hay đã chết? họ bị thương đang sống lây lất tấm thân tàn hay đang trong tù cải tạo nơi nào?

Đến ga cần phải bán cau, vì mỗi ga có nhu cầu mua hàng hoá khác nhau, nếu để qua ga ấy thì món hàng đem bán hạ gía dần vì người mua bắt chẹt, họ biết người bán mang hàng từ Sài Gòn vào Hà Nội không thể mang trở ngược về Sài Gòn cho nặng hành trang, nên cuối cùng giá nào cũng bán.

.Không ngờ hôm nay cau được gía, hai buồng cau dở nhất, bị rụng nhiều nhất của chị Bông và Nghĩa bán vẫn có lời dù là lời ít. Còn 9 qủa cau lẻ chị Bông cho bà gìa bán nước trà ở sân ga, bà mừng rỡ như vừa nhận được món qùa qúy nên chị Bông cảm thấy vui lòng, nỗi buồn cau rụng đã bay mất, đã bỏ lại ở những sân ga đi qua..

Nghĩa vui mừng nói với chị Bông:

 - Trời thương, hai buồng cau xấu của chị em mình cũng có lời..

Đến ga khác thì cả nhóm xuống sân ga để mua xoài, kẻ mua người bán chớp nhoáng như ăn cướp vì thời gian có hạn, tàu ngừng không lâu, có nhiều vụ tàu chạy hành khách phải bỏ của phóng ngay lên tàu, 5 bà kia đã đi buôn Nam Bắc vài lần nên kinh nghiệm mua được ngay những chục xoài ngon, hai kẻ khờ chị Bông và Nghĩa chẳng còn gì mà mua, đang ngơ ngáo thì một chị bưng thúng xoài đến gần chắc chị ta trông mặt đặt tên nên mời chào:

-         Hai cô mua nốt nửa thúng xoài này đi chị bán rẻ cho.

Đó là nửa thúng xoài còn lại, toàn là qủa nhỏ, chắc những qủa lớn đã được người ta chọn mua rồi. Chị Bông và Nghĩa đang băn khoăn chưa biết tính sao thì chị bán xoài hối thúc:

-         Mua đi, mua đi… tàu sắp chạy rồi kìa.

Không còn thì giờ để bàn cãi hay suy nghĩ nữa chị Bông đồng ý và chị bán xoài nhanh chóng trút cả nửa thúng xoài thập cẩm vào một cái gỉo cói đã cũ và rách quai, vậy mà chị ta kể công:

-         Xoài rẻ lại được tặng cái giỏ cói luôn nhé.

-         Nhanh nhanh lên chị …xoài ơi, người ta đang kéo nhau lên tàu cả rồi.

-         Nghĩa ơi đếm tiền trả “chị xoài” đi để chị vác xoài lên tàu cho, xoài nhiều nặng lắm Nghĩa bê không nổi đâu.

Nghĩa níu tay chị Bông:

-         Chị ơi, thà để em bê xoài, mắt chị sáng chị đếm tiền trả cho khỏi lộn..
Sân ga ồn ào càng ồn ào thêm vì tiếng hối thúc của 3 người là chị bán xoài, chị Bông và Nghĩa…

Trong khi chị Bông đếm tiền trả thì Nghĩa khệ nệ ôm giỏ xoài to lên tàu, mấy bà lục đục lên sau thăm hỏi:

-         Chị Bông mua xoài ngon không?

Chị Bông đã lên tàu, đáp dè dặt:

-         Chắc cũng…như buồng cau ở ga Hòa Hưng nhưng được cái mua mão cả nửa thúng nên gía rẻ lắm.

Xoài ở trong giỏ thì chẳng sợ rơi rụng như cau trên buồng mà chị Bông vẫn lo ngay ngáy lỡ xuống đến ga kế tiếp người ta chê không mua xoài nhỏ thì sao? chỉ có nước vừa bán rẻ vừa cho không..

Nhưng thêm một lần nữa trời thương cả mớ xoài ấy bán có lời, ở đời tiền nào của ấy, hàng nào cũng có người cần.

Thuốc lá Hoa Mai, Đà Lạt đến ga cần bán  là chị Bông bán ngay với gía huề vốn vì hôm nay thuốc lá Hoa Mai, Đà Lạt rớt gía, chị Bông và Nghĩa cùng quan niệm đến ga nào là bán ngay món ấy, nhưng mấy bà kia chê gía rẻ để dành ga kế tiếp hi vọng được gía hơn, ai ngờ gía lại rẻ hơn các bà đành bán lỗ vốn vì đến thêm ga nữa coi như món hàng…”vô gía” bao nhiêu cũng phải bán cho rảnh tay. Các bà khen hai cô khờ đi buôn mát tay.

Đến ga Nam Định bán cà phê và len, không lời nhiều thì cũng lời ít.
Bây giờ hành trang đi buôn chỉ còn mớ ziper nhẹ tênh mang đến Hà Nội. Chị Bông và Nghĩa có thì giờ và tâm hồn thảnh thơi ngắm cảnh vật bên đường.

Cảnh nhà cửa, đường xá, xe cộ nói lên một miền Bắc nghèo nàn chậm tiến.
Tàu qua Phủ Lý làm chị Bông chợt nhớ quê hương nơi chị sinh ra nhưng chưa lần về thăm, giá bây giờ chị về quê chẳng biết tình họ hàng ruột thịt có mặn nồng không khi chị ở giới tuyến khác họ?

Các ga lần lượt hiện ra, ga Đỗ Xá, ga Chợ Tìa, ga Thường Tín, Văn Điển, Giáp Bát và cuối cùng tàu đến ga Hàng Cỏ Hà Nội, thuộc cửa Nam quận Hoàn Kiếm sau hơn 1700 km đường dài, qua hàng trăm sân ga quen tên và không quen tên nghe xong một lần rồi đi vào quên lãng.

Cô Sa dẫn nhóm đến thuê một căn gác trọ mà nhóm cô vẫn trọ từ những lần trước, sau 3 ngày 2 đêm ăn ngủ thất thường, ngủ gà ngủ vịt trên ghế xe lửa, ăn uống lấy lệ, được ngả người ra chiếu ngủ sau khi tắm rửa sạch sẽ bụi đường thật không gì sung sướng bằng, cả nhóm 7 người cùng ngủ một giấc ngon lành đến chiều mới thức dậy để rủ nhau ra đường ngắm phố Hà Nội.

Mùa hè khí hậu Hà Nội đầy nắng nóng, ai cũng thấy khát hơn là thấy đói, cô Sa rủ ra cửa hàng mậu dịch mua kem. Cô dặn:

-         Mỗi khi ra phố chợ mua bán nhớ nói ngôn từ miền Bắc giống họ cho họ dễ hiểu nhé, với lại có nhiều người còn kỳ thị người miền Nam chúng ta lắm.

Chị Bông nói:

-         Cô Sa đừng ngại có em là Bắc kỳ 54 đây, em vẫn nói giọng Bắc mà.

-         Nhưng Bắc 54 khác Bắc 75, cách dùng từ khác nhau. Thí dụ  “que kem” thay vì “cây kem” hay ly chè đỗ đen thay vì ly chè đậu đen của miền Nam .

Cả nhóm đi bộ ra phố chị Bông thấy trước những cửa hàng nhỏ bên hè đường có tấm bảng nhỏ ghi hớn hở và nhiệt tình “ Có đá, có đá. Bán tại đây” chứng tỏ món đá cục trong mùa Hè là món hàng hiếm không phải nơi nào lúc nào cũng có để bán cho khách hàng.

Đến một cửa hàng mậu dịch bán kem, trời đang nắng khát chị Bông nghĩ đến món kem mát lạnh ngọt ngào mà nao nức, chị sẽ mua 2 cây ăn cho đỡ khát đỡ thèm, hàng vẫn mở cửa vài ba cô nhân viên bán hàng đang ngồi nhởn nhơ tán dóc, chị Bông cất cao giọng Bắc của mình lên:

-         Chị ơi, bán cho chúng tôi mấy que kem.

Một cô nhân viên trả lời cộc lốc:

-         Hết rồi !

-         Chị nói hết rồi là hết cái gì? chưa hết giờ làm việc mà…

-         Nhưng hết kem rồi. Hiểu chưa?

-         Chưa hiểu, bây giờ chị nói thì mới hiểu.

Cô nhân viên chảnh chọe:

- Nếu còn kem thì chị đã phải đứng xếp hàng chứ không phải bước ngay vào cửa như thế này nhé.

Cả nhóm kéo đi lẩm bẩm bàn luận cùng nhau:

-         Xã hội đào tạo ra những con người ăn nói bất lịch sự qúa nhỉ.

-         Này cô Bông và cô Nghĩa ơi, hai cô mà ra chợ búa thì còn nghe ghê gớm hơn nữa, họ chửi khách như chửi con, có lần tôi là nạn nhân ở chơ Bắc Qua, trả giá thấy đắt qúa không mua liền bị cô bán hàng tuổi đáng em đáng cháu đứng phắt lên xắn áo xắn quần chửi bới không tiếc lời, gía mà cô mặc váy thì chắc sẽ tốc váy lên chửi chứ chẳng chơi, chua ngoa đanh đá lắm..

-         Thà chị bị chửi mà không mất tiền, còn đỡ hơn em vào chợ Đồng Xuân tốn tiến mua phải hàng gỉa, một ký hạt tiêu trộn lẫn với hột bột màu đen chẳng mùi vị gì cả.

-         Hàng quán và chợ búa là một phần đời sống con người, là nét văn hoá dân tộc mà họ chẳng giữ thể diện gì cả..

-         Thôi mình đi tìm hàng chè đậu đen đá ăn cho đỡ khát đi hơi đâu bàn chuyện thế nhân..

-         Phải nói là chè đỗ đen đá chứ…món qùa ngon của mùa hè Hà Nội đấy.
Ăn chè xong là dạo phố rồi ngày mai cô Sa dẫn đi mua hàng đóng hàng hôm sau theo tàu về miền Nam .

Sau phút giây thăm cảnh phố lạ người dưng trời đã về chiều, nhìn người ta hối hả đạp xe đi xe trên đường chị Bông nghĩ họ đang trở về nhà sau một ngày làm việc mà chợt chạnh lòng nhớ nhà, nhớ hai đứa con nhỏ qúa, chị cũng muốn được về nhà như họ..

Bỗng phía đường xa xa trước mặt có một đám đông đang túm tụm lại khi cả nhóm tò mò đến gần mới biết một vụ đụng xe đã xảy ra vì những tiếng nói trong đám đông ồn ào:

-         Ô tô đâm chết người đang chờ cảnh sát đến lập biên bản.

-         Tiên nhân cha thằng nào đụng người mà bỏ chạy…

-         Quân vô lương tâm, ngữ này phải xử lý thật nặng…

Xác người chết được đắp chiếu nằm giữa đường, hình ảnh này càng làm tâm hồn chị Bông ớn lạnh bơ vơ, chỉ muốn có phép nhiệm màu nào đưa chị về ngay nơi mái nhà thân yêu của mình, ôm hai con vào lòng để biết đời vẫn còn niềm vui.

Đêm ấy chị Bông ngủ giữa lòng Hà Nội mà mơ về Sài Gòn nơi chị bao nhiêu năm thân quen, nơi chị có những kỷ niệm buồn vui và dễ thương.

 Có lần chị Bông và cô em gái tên Thoa chở nhau xe đạp từ Gò Vấp lên đường Hai Bà Trưng Tân Định để sửa đôi giày. Quầy sửa giày trước cửa một căn nhà lầu 3 tầng, cách tiệm nhuộm Tô Hồng chỉ vài căn về phía trái và cách bưu điện Tân Định về hướng Sài Gòn không xa.

Hai chị em đã đến đây sửa giày 1 lần và được bác thơ giày kể rằng chủ căn nhà bỏ trống này là người “cách mạng” đã “tiếp thu” hay mua căn nhà theo gía rẻ tiêu chuẩn cho cán bộ, họ đồng thời có 2 căn nhà khác ở quận 5 nên không cần ở căn nhà này và đang chờ bán lại.

Sau 1975 những cán bộ miền Bắc tha hồ chia chác chiếm đoạt những căn nhà to đẹp của người miền Nam bỏ chạy ra nước ngoài. Cán bộ lớn thì hưởng lớn, cán bộ nhỏ thì hưởng nhỏ, hưởng theo tiêu chuẩn và gian lận tiêu chuẩn nên trong tay họ có mấy căn nhà trong khi bao nhiêu người dân miền Nam đi kinh tế mới bị thất bại trở về thành phố không có mái nhà nương thân.

Khi đến nơi thì bác thợ sửa giày đang hí hoáy làm việc cho một anh thanh niên đứng chờ bên cạnh, bác nói với khách mới đến:

-         Hai cô cứ ra chợ Tân Định ăn tô bún hay ly chè xong quành lại đây là tôi đã sửa xong đôi giày cho cô.

Qủa nhiên khi quay lại thì anh thanh niên kia đã đi khỏi và đôi giày của Thoa cũng đã sửa xong, bác thợ giày thật tâm lý biết con gái ăn hàng qùa la cà nên bác vẫn đủ thời gian sửa giày cho khách, Thoa hỏi giá để trả tiền thì bác thợ giày vui vẻ đưa cho Thoa mẩu giấy và nói:

-         Anh kia trả tiền cho cô rồi..

Thoa mở mẩu giấy và đọc vỏn vẹn một hàng chữ” Cô bé dễ thương, anh đã trả tiền sửa giày cho cô rồi”

Anh chàng cũng đem giày đi sửa chắc anh chẳng khá gỉa gì, anh cũng thật dễ thương, không cần để lại tên tuổi và địa chỉ để tán tỉnh làm quen vậy mà anh vẫn được Thoa và chị Bông nhớ mãi. Anh chàng hào hoa của thời miền Nam 1975 thực dụng và gian khó..

Sáng thức dây cô Sa dẫn nhóm đi ăn phở, một cửa hàng mậu dịch ở cửa Nam nổi tiếng là ngon, phở miền Bắc lại là phở xã hội chủ nghĩa khác hẳn phở miền Nam, không tương đỏ tương đen, không gía sống rau thơm, khách hàng ăn tại chỗ hay cầm gà mên mua mang về nhà, ngay từ lúc hàng mở cửa họ kiên nhẫn đứng xếp hàng dài, có lẽ cuộc đời họ đã quen với cảnh chầu chực và chờ đợi rồi, chị Bông thấy họ vẫn hớn hở vui tươi chờ đến lượt..

Cả nhóm đi mua trà, vào một căn nhà mọi người đang ăn cơm làm chị Bông và Nghĩa ngại ngùng nhưng cô Sa thản nhiên giải thích nhà này ở chung mấy hộ, người bán trà ở một phòng nhỏ trên gác. Trời ơi, một căn nhà sống chung đụng mấy gia đình và đi chung lối, chung nhà thì còn gì là riêng tư nữa?

Cô Sa bồi thêm vào những suy nghĩ của chị Bông:

- Chuồng xí tức là cầu tiêu thì ở nơi công cộng, trong nhà này không có..

Và Chị Bông càng ngạc nhiên khi đến một căn hộ khác để mua mỡ nước đã thắng và đong vào bình, là một diện tích chỉ đủ kê một cái phản, ban ngày ngồi bán hàng ở đây, ăn uống ở đây và tối cũng ngủ ở đây, chị Bông không dám cất tiếng hỏi chủ nhân nơi nào nấu nướng vệ sinh tắm rửa? sợ đụng chạm đến nỗi buồn của họ, cuộc sống thiếu thốn những tiện nghi tối thiểu nhất của con người..

Ra chợ Đồng Xuân cả nhóm xà vào hàng vịt lộn, bà bán hàng đập qủa trứng vịt lộn ra bát và trao cho khách ăn với muối tiêu rau răm. Cũng là trứng vịt lộn mà kiểu ăn khác với trong Nam .

Món hàng dép nhựa mua tại chợ Đồng Xuân, chủ hàng đóng gói cho khách, chốc nữa mua xong cả nhóm sẽ mang ra bưu điện gởi về nhà.

Chị Bông và Nghĩa đứng trên hè phố đối diện chợ Đồng Xuân để chờ một vài bà còn đang mải mua thêm hàng trong chợ, chị Bông thấy một bà gìa nhà quê bưng thúng bán kẹo rong, là món kẹo bột dành cho trẻ con. Bà vừa bưng thúng đi qua cửa một căn nhà thì một thằng bé đòi mẹ mua kẹo, bà gìa vừa lấy kẹo bán vừa trìu mến trò chuyện với thằng bé khách hàng khỏang chừng 4-5 tuổi:

-         Cháu ơi mai này lớn cháu sẽ làm gì?

Thằng bé trả lời không cần suy nghĩ:

-         Cháu muốn đi bán kẹo giống bà.

Bà gìa bán kẹo mỉm cười trách yêu:

-         Cháu đi làm việc chứ, cháu mua nhà to như nhà bố mẹ cháu chứ, bán kẹo như bà thì nghèo lắm.

Bà già nhà quê bán kẹo biết ăn nói làm đẹp lòng khách, dù chỉ là người khách bé bỏng trẻ con hơn hẳn mấy cô nhân viên bán hàng ở cửa hàng mậu dịch bán kem kia.

Cả nhóm ôm những bao dép nhựa ra bưu điện gởi về Sài Gòn, thế là giải quyết xong một mối hàng, lại là mối hàng nặng ký cồng kềnh nên ai cũng cảm thấy thoải mái hẳn ra.

Hôm sau lên tàu về Nam, hành trang chỉ còn xà bông Đông Âu, mấy bình mỡ nước, trà Bắc và đường cát trắng nên khá thảnh thơi vì sẽ mang về tới Sài Gòn chứ không bán hàng qua từng chặng ga như chuyến đi từ Nam ra Bắc.

Chị Bông đã kinh nghiệm nên cố tránh không ăn cơm trên tàu lửa, chị mua sẵn mấy ổ bánh mì không, mấy cái bánh giò mang lên tàu và tới các ga nào đó chị sẽ xuống tàu mua đồ ăn nước uống cho no thay vì ăn cơm trên tàu cho đến trạm cuối cùng là ga Hoà Hưng..

Hàng hóa mang về Sài Gòn chị Bông và Nghĩa đã giao phó hết cho một bà “đại diện” mang đến chợ Tân Bình bỏ mối giùm, chỉ phải trả cho bà một ít tiền hoa hồng.

Chị Bông và Nghĩa mỗi người sụt đi cả kí lô vì mất ngủ và vì ăn uống “đói khát” trên hai chuyến tàu đi và về giữa hai miền Nam Bắc.

Nhưng bù lại chị Bông và Nghĩa mỗi người lời được một món tiền tương đương một chỉ vàng. Một chỉ vàng thời điểm năm 1983 rất gía trị, một người bạn chị Bông làm công nhân viên nhà nước, tăng gia sản xuất nuôi một chuồng gà công nghiệp, chị ta đã cắt chỉ vàng ra từng phân vàng để mua cám nuôi gà.

Hai kẻ khờ đi buôn chuyến đầu tiên cũng là chuyến cuối cùng vì biết mình không thích hợp với cảnh bán buôn đường dài này.

Nhưng cô Sa và các bà kia cũng chỉ đi buôn thêm được một thời gian thì không ai cấm cũng tự động ở nhà vì sau này thêm nhiều người đi buôn và càng ngày giá vé xe lửa càng tăng, giá cước phí bưu điện cũng tăng.

Thì ra thời gian đầu nhà nước bao cấp nên gía vé xe lửa còn rẻ, gía cước bưu điện cũng rẻ, đi buôn với mấy thứ hàng hóa tầm thường mà vẫn có lời.

Ngày nay đọc thông tin trên net vé xe lửa Nam Bắc rất đắt, đã có bao công nhân viên miền Bắc làm việc trong Nam cuối năm chẳng đủ tiền mua vé tàu xe về thăm quê, thăm thân nhân.

Có người ngậm ngùi than rằng:

-         Tôi 10 năm làm việc trong Nam , mỗi lần năm hết Tết đến chưa bao giờ mua được vé xe lửa gía chính thức về quê, chỉ toàn là mua vé chợ đen gía “cắt cổ”.

Đúng thế, cảnh biển người chờ đợi và chen lấn để mua vé xe lửa thật gian khổ hãi hùng.

Chị Bông bỗng thấy mình may mắn vì có thời đã đi trên chuyến tàu lửa ấy với gía vé rẻ mạt và còn kiếm được tiền lời, và nhất là đã thoả được ước mong nhìn thấy Hà Nội 36 phố phường, Hà Nội cũ kỹ thấp thoáng những hình ảnh như trong các tác phẩm văn học xưa, một Hà Nội chưa kịp thay hình đổi dạng làm dáng với đời sau 1975.

Nguyễn Thị Thanh Dương
(Tháng Tư, 2014)