Nói tới mùa mía cũng như nhiều mùa màng khác là nhắc tới các loại cây trồng ấy có cùng một lúc xuống giống khi trồng, cũng như cùng một thời điểm khi thu hái kết quả vào những lúc đông ken.Nhắc tới mùa màng vùng sông nước Cửu Long miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc và các vùng lân cận mà không nhắc mùa mía nơi các làng quê vùng này thì thiệt là một thiếu sót dữ lắm! Bởi lẽ, các vùng đất nơi ba tỉnh ấy đa phần là đất ruộng, mỗi năm hồi đời xưa làm lúa mùa một vụ.Sạ tỉa tháng Ba, cắt gặt tháng Chạp, tháng Giêng âm lịch vì các cánh đồng nơi các vùng này có sáu tháng khô và sáu tháng nước ngập. Tuy vậy các vạt đất gò có khi quá gò, trồng lúa hổng được trúng cho lắm, nên nhà nông mới nghĩ cách làm thêm rẫy đậu, rẫy bắp, rẫy kiệu, rẫy mía… Do vậy mía là một trong những loại mùa rẫy có từ lâu đời. Chẳng hạn, hồi đời xưa làng Tân Bình thuộc Tân Phú tổng, Đông Xuyên huyện, Tân Thành phủ, tức vùng Lấp Vò, thuộc tỉnh An Giang thành lập từ đời Gia Long, trong địa bộ năm Minh Mạng thứ mười bảy có ghi là nơi làng này đã có đất trồng mía: “Tổng cộng các hạng điền thổ trong làng là 208 mẫu. Trong số này, ruộng canh tác gồm 88 mẫu: 19 mẫu thảo điền và 69 mẫu sơn điền. Đất ruộng đổi thành vườn cau, có gia cư là 11 mẫu.Đất ruộng đổi thành vườn chuối, tre, có gia cư là 13 mẫu. Đất trồng dâu và trồng mía là 10 mẫu (...)(1)
Thường thường nói tới rẫy, người ta thường nghĩ các loại hoa màu được trồng với thời gian từ gieo hột tới khi có bông có trái chừng ba hoặc bốn tháng là cùng; nhưng với mía thì thời gian từ trồng tời có kết quả phải mất nhiều tháng trời mới bán chác được.Vì thế nên ít ai trồng mía.Tuy nhiên, như trên tôi có nhắc đất ruộng gò gần mé vườn nhiều, người ta mới trồng mía, vì trồng mía làm cho đất xốp hơn và năng suất cao hơn trồng lúa.Còn một loại đất trồng mía nữa là đất cồn. Các vùng cồn và cù lao miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc do phù sa bồi đấp hàng năm nhơn mùa nước ngập nên đất ở các vùng cù lao rất màu mỡ hạp với mía. Nơi các cù lao nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, trong số đó có cồn Bà Hòa (ngang ấp Bình Phú, xã Bình Hòa) , cù lao Ông Chưởng , miệt Mỹ Luông, Chợ Mới, Bình Phước Xuân, An Hòa (Long Xuyên), vùng Tân Châu (Châu Đốc) , miệt Đất Sét Nhỏ, Hội An Đông, Định Yên (Lấp Vò – Sa Đéc) và còn nhiều vùng khác nữa, thì mía là một trong những loại rẫy dân quê ưa trồng mà cũng là huê lợi góp phần rất bộn cho đời sống bà con sống giữa hai con sông lớn này.
Thông thường trong việc trồng trọt, người ta cho hạt giống già làm giống; nhưng muốn trồng mía người ta không dùng gốc mía già mà lại chọn mía non. Có lẽ mía già chậm lên chồi và kém phát triển chăng? Như vậy, trước hết, bạn muốn trồng mía, bạn hãy gầy giống mía để mình có mía giống thì đỡ tốn tiền mua giống; thứ đến mía giống của mình nhiều mình ưu tiên lựa mía giống tốt trồng trước; trường hợp giống mía sau khi trồng xong mà còn dư, nếu có ai cần mía giống mình sẽ chia bớt lại cho người cần, thành ra cũng có thêm chút huê lợi khi bán mía giống hầu phụ giúp trong gia đình.
Việc gầy mía giống này trước tiên mình cũng dọn đất, căng dây lấy hàng, đào rãnh đặt mía giống.Mía giống đây là ngọn mía mình có sẵn hoặc ngọn mía mua của các rẫy mía khi họ đốn mía để bán.Vì mùa trồng mía chánh bắt đầu vào tháng Chạp khi nước vừa giựt khô đất rẫy, thì mía giống phải gieo cách đó sao cho khi mùa trồng mía bắt đầu mà mía giống vẫn còn tươi tố, không già quá.Hay nói cách khác, khi mưa già cuối tháng Ba bắt qua tháng Tư là bắt đầu đặt mía giống xuống đất.Thường thường để tránh nạn nước ngập, mía giống được trồng trên các khoảng đất trống trên nền vườn cao.Mía giống trồng như vậy tới khi đốn xuống để làm giống thường thường đất tốt có cây cao tới khỏi đầu người. Điểm đặc biệt là trồng mía giống người ta không đánh lá như trồng mía ăn hay mía đường mà cứ để lá ủ như vậy đến khi nào cần trồng cứ đốn mía xuống rồi chặt ra từng khúc, lột vỏ thành mía hom để bắt đầu trồng vào mùa mía chính thức.
Mía đường đang chờ đánh lá ủtại vùng Bình Thành (Lấp Vò- Sa Đéc) (Hình do nhiếp ảnh gia TR-NH chụp)
Còn loại mía giống thứ hai, thay vì gầy giống như vậy, người ta dùng ngọn mía tươi làm giống cũng tiện.Thường thường nhà nào có trồng mía, tới mùa đốn mía người ta chặt lấy ngọn mía để lại và dùng làm mía giống; nếu không đủ thì có thể mua thêm ngọn mía của các rẫy khác trong vùng rồi đem ủ vào một chỗ nào đó trong vườn chờ tới mùa là xuống giống. Tóm lại, cả hai loại mía giống này đều còn non, đều mạnh mẽ như nhau khi gặp đất bùn vừa ráo còn ướt phù sa thì mía giống nào đặt xuống đúng thời vụ thì mía lên cây đều tốt như nhau. Đặc biệt không ai lấy mía gốc làm mía giống vì mía gốc thuộc loại mía già, chậm đâm chồi, nếu có cũng không cho mía con mau lớn, khỏe mạnh như hai loại mía giống vừa kể. Điều này cũng dễ biết qua thực tế các chủ rẫy nếu tiếc mía gốc, thay vì sau khi đốn mía, người ta chừa mía gốc cho lên măng trở lại đỡ tốn mía giống, đỡ tốn nhơn công trồng lại đám mía mới, tới mùa giữa hai đám mía kế bên nhau, một đám trồng giống mới, một đám chừa gốc cũ, thì đám mía chừa gốc bao giờ cây cũng nhỏ, cây thưa, nắng suất đường không bằng đám mía trồng lại bằng giống mới.
Còn đất trồng mía dù đất cồn hay đất ruộng thì cách đào hàng trồng mía thường thường tùy theo kinh nghiệm của mỗi chủ rẫy nhưng có những tiêu chuẩn gần giống nhau. Chẳng hạn như về khoảng cách giữa hai hàng mía tối thiểu phải một mét tây. Vì cách xa như vậy để tiện việc đi lại vô chưn và đánh lá mía sau này khi mía lớn. Đường rãnh đặt mía giống bề ngang chừng một tấc, bề sâu cỡ một lưỡi len miểng, tức chừng hai tấc. Với nền mía cũ trồng hồi năm ngoái, sau mùa nước giựt không phải đào lại rãnh đặt mía nữa mà cứ rãnh cũ còn sền sệt bùn là đem mía giống ra đặt.Nếu đất mới trồng lần đầu mới cần lấy hàng đào rãnh như vừa kể ở trên.Mùa xuống giống mía thuận tiện nhất là vào tháng Chạp vì đất rẫy còn mềm, chất bùn còn nhão nên mía giống mau bắt rễ đâm mục. Trường hợp đất mới trồng lần đầu vào tháng Chạp đất cũng còn mềm rồi có nhiều sương mù nên khi đặt mía giống, mía cũng mau bắt rễ, không phải tưới tốn nhiều công sức; chỉ khi nào đất quá gò, quá cứng thì chủ rẫy tưới sương sương qua cho đất ẩm một chút là được.
Mía trồng cỡ tròn tháng là măng mía mọc cao vài ba tấc rồi.Lúc bấy giờ người ta dùng cái chét để xuống đất lấp các thân mía giống lại hầu nuôi các măng mía mới mọc cho mau mập. Sau đó khi thấy mía lên cao cỡ đầu gối, dân quê mới bắt đầu vô chưn ấm. Vô chưn ấm người ta dùng cái xuổng, loại xuổng đào chuột, xới đất cặp hàng mía xuống lấp đầy các gốc mía với mục đích làm cho măng mía mau lớn, mập mạp và các bụi mía cũng ấm gốc để rễ của chúng bám thật chặt vào đất thịt để mía sau này khi lớn, cao không bị ngã đổ khi mưa gặp dông lớn. Lúc bấy giờ mía đã có lóng dài, lá mía bắt đầu nặng và người ta tước bỏ những lá mía già còn gọi đánh lá mía. Khi mía lớn chút nữa tức lúc mía cao chừng hơn một mét, người ta dùng cuốc mà cuốc đất dọc theo hàng mía đấp vô gốc mía và đạp cho đất bám chắc chắn vào gốc mía. Cách vô gốc và đạp đất cho dẽ dặt như vậy ở nhà quê gọi là vô chưn đạp. Công việc vô chưn đạp này có thể dùng len miểng cũng được nhưng làm bằng cuốc thì tốc độ nhanh hơn.
Hồi khởi thủy bắt đầu trồng mía người ta lấy hàng đào rãnh và đặt mía như vừa kể, nhưng sau khi qua các giai đoạn vô đất lấp mía giống, vô chưn ấm, vô chưn đạp thì lúc bấy giờ các hàng mía thành những giồng mía cao lên và ngược lại khoảng cách giữa hai hàng mía trở thành trũng sâu xuống thành mương mía, có khi sâu tới đầu gối. Nếu năm sau, sau mùa đốn mía bán, các mương này sẽ trở lại thành các rãnh để xuống mía giống cho mùa trồng mía mới và các liếp mía cũ sẽ thành những giồng đất để lấp gốc khi vô chưn ấm hoặc chân đạp sau này. Cứ luân phiên như vậy hoài giồng thành mương, mương thàng giồng và mía sau mỗi mùa nước lên, nước giựt phù sa bồi bổ mía vẫn tốt như thường. Trường hợp có người làm rẫy kỹ họ dung cuốc, len miểng hoặc cho bò trâu cày ban các giồng mía cũ ra cho bằng mặt rồi bắt đầu giăng dây lấy hang đào các rãnh mía mới vì làm như vậy đất xốp hơn và tránh các rễ mía cũ làm chai đất nhưng tốn nhiều nhơn công và chi phí. Cách nào thuận tiện và có năng suất cao thì dù tốn kém thêm nhưng các nhà nông vẫn không tiếc công tiếc của miễn sao tới mùa mía trúng mùa là họ vui rồi.
Mía sơn-dịu vừa mới vô chưn đạp thuộc vùng Lấp Vò (Sa Đéc)(Hình do nhiếp ảnh gia TR-NH chụp)
Vào tháng bảy khi nước bắt đầu chạy vô tới đất gò sau mé vườn là bắt đầu mùa mía. Nếu trồng mía ăn để bán vào mùa này, người ta bắt đầu nhổ mía chở trên những chiếc xuồng đem ra chợ làng, chợ quận để bán. Người bơi xuồng trên sông cứ cất tiếng rao và trẻ con người lớn nhà nhà đều róc mía vui vẻ như có mùa mía mới… Còn tại các trường học, nơi cổng trường luôn luôn có những hàng mía ghim bán năm ba cắc cho học trò; rồi có cả những xe ép nước mía nữa, vui lắm. Những ngày này lái mua mía cũng bắt đầu đi rảo khắp các vùng có trồng mía để dọ mua các rẫy mía lớn. Bước sang tháng tám âm lịch coi như mùa mía nhộn nhịp nhất vì bạn đi đâu cũng thấy ghe xuồng chở mía từ khắp nơi về chợ, về lò đường dập dìu như đi trẫy hội. Có nhiều lò đường dọc hai bên bờ các sông cái hoặc các rạch nhỏ mía chất thành từng đống cao nghệu chờ tới phiên ép đường. Nhơn nhắc tới chở mía đến lò đường để ép có cái vui là thấy được sinh hoạt nơi các lò đường vào mùa này ghe xuồng tấp nập, kẻ chở mía tới, người chở đường về, kẻ nằm chờ tới phiên đống mía mình được ép. Không khí nhộn nhịp giống như gấp gáp lắm mà lại cứ thư thả chờ theo thứ tự kẻ tới trước ép trước, người tới sau ép sau, dù đôi lúc như nôn nóng mau tới phiên mình nhưng khi mía đã được vác lên bờ rồi thì cứ phải tuân theo cái thứ tự ấy, không vội vàng gì!
Nhắc tới mùa mía cũng xin nhắc qua một chút về các loại mía vào mấy mươi năm trước cách nay sáu bảy chục năm, dù ngày nay có nhiều giống mới mà tôi không biết hoặc không rành. Theo sách vở các nhà thực vật nghiên cứu được biết:“Mía còn có tên là cam giá. Loại cỏ cao từ 2 m tới 6 m, thân trơn, vỏ cứng, có đốt dài từ 10 cm tới 20cm, lá dài nhám, gân chánh trắng, lá mọc hai hang tại mỗi mắt có bẹ ôm thân, chum tụ-tán (cớ) ở đọt có nhiều lông mịn; thân mía có nước ngọt dung nấu đường hay ăn sống. Tên khoa học Saccharum officinarum”(2). Ngoài ra, mía còn có định nghĩa khác: “Mía có tên khoa học Saccharum officinarum L. Cỏ cao 2-4cm, thân suông, đặt, không cứng, do đốt dài 5-10cm, rộng 3-6cm, vàng hay đỏ tím. Lá to, bẹ có nhiều lông dễ rụng, mép phiến rộng đến 6cm, có một gân giữa trắng.Chùm tụ-tán (cờ) to, có nhiều lông trắng; gié-hoa một hoa thụ.”(3).
Hồi đời xưa có rất nhiều giống mía như mía bắp hay mía de là thứ mía nhỏ cây mà cứng, nước có nhiều đường; mía bầu còn gọi côn-lôn giá hay mía mưng, thứ mía cây mềm thường để ăn sống; mía cò-ke thứmía đỏ cây, thịt cứng; mía đỏ còn gọi mía lỳ có vỏ đỏ, nước ngọt, dùng nấu đường; mía đường là loại mía cây cứng thường ép lấy nước nấu đường; mía gò cát mà dân quê đọc trại là mía cò cát, loại mía này cây lớn, lóng ngắn thịt mềm, nhiều nước, lạt; mía huê kỳ thịt mềm, nhiều nước, thường dùng ăn sống; mía gián là loại mía vỏ màu trắng đen lẫn lộn; mía la-oa (Java) là giống mía từ bên đảo Java, thường trồng nơi đất giồng và để nấu đường táng (giống như cái móng bò, móng trâu mà dân quê gọi trại ra là đường móng trâu); mía lau còn có tên là địch-giá, là giống mía cây ốm và trắng, trồng nơi đất gò, dùng nấu nước với nhiều món khác như rễ tranh để uống cho mát và cũng dùng để nấu đường phổi; mía mây là thứ mía trắng mốc, cây dài nhiều nước; mía vàng là giống mía vỏ vàng, thịt mềm, nhiều nước, dùng ăn sống, trong dân quê hay gọi là mía tây; mía sơn dịu mà trong dân gian còn gọi mía thơm dịu, mía thanh dịu, mía thâm dịu là loại mía to mà cao, vỏ có vết hoặc đỏ tươi, mềm và ngọt, thường được ăn sống; mía voi là giống mía lớn cây, da mốc, nhặt mắt, nước lạt…(4)
Rẫy mía vừa đánh lá xong vào mùa nước ngập ở vùng Tân Bình (Lấp Vò)(Hình do nhiếp ảnh gia TR-NH chụp)
Nhưng các vùng Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) ngày trước, khoảng năm 1949-1950, ưa trồng giống mía tây, mía huê kỳ, mía gò cát là các loại mía ăn, tới mùa tháng tám, tháng chin mía chở đầy trên sông. Nhớ những nơi như trường Sơ Đẳng Tiểu Học Vàm Nha cạnh chùa Kỳ Viên, trường Tiểu Học Bổ Túc Bình Hòa cạnh Đình Thần làng Bình Hòa là những năm tôi học hồi còn nhỏ món mía ghim ăn bắt ghiền. Mấy năm ấy, các cậu tôi trồng mía nhiều, nhà có chế một bàn ép mía bằng cây dùng để ép mía lấy nước uống. Hồi ấy tôi nhớ dường như chỉ ép mía lấy nước uống chứ ít có ép mía làm đường như mấy năm 1970-1980 sau này. Vùng Tân Châu chạy dài qua các địa hạt Long Hưng, Long Phú, Long An, Long Sơn mía thôi là mía. Mía trồng các vùng này thường là mía đường, tức loại mía có lóng dài, cứng và nhiều đường, mục đích chính là trồng bán cho các lò đường. Vùng Tân Bình, Xẻo Môn, Mương Kinh, Long Hưng, Mỹ An Hưng, Định An, Định Yên… thuộc Lấp Vò mấy năm 1956-1960, cư dân ở đây ưa trồng mía gò cát, mía huê kỳ, mía tây, mía sơn-dịu có lẽ do các giống mía này hạp với đất vùng này, cây lớn và nhiều nước. Về sau này, các năm 1980-1990, các vùng vừa kể có trồng thêm mía đường, nhưng họ vẫn trồng các giống mía cũ nhưng không nhiều, chỉ để ăn hoặc biếu tặng bà con quen thân.
Nhắc tới mùa mía, mấy năm 1949-1950 ở nhà quê vùng Mặc Cần Dưng và nhiều vùng khác bày ra cách chơi thi chặt mía.Trai tráng thanh niên tới mùa này thường rủ nhau chơi trò này. Tức là, thông thường mỗi lần cầm dao lên chặt xuống một cây mía sẽ đứt ra làm hai khúc mía, nếu chặt lần thứ hai, cây mía sẽ được ba khúc; lúc bấy giờ họ đố làm sao chặt hai dao thành bốn khúc mía thì được thưởng hoặc ăn mía khỏi trả tiền chẳng hạn. Trò chơi này hối đó rất vui và rất hào hứng. Cây mía có thể để đứng hoặc để nằm, người chặt mía phải tập dợt cho nhuần tay làm thế nào trong vòng hai lần chặt cây mía đứt làm bốn khúc là thắng. Hồi nhỏ tôi thường thấy mấy người lớn để cây mía đứng và chặt cho thật nhanh tay. Khi lưỡi dao đầu vừa xong, trong lúc khúc mía ở trên vừa đứt ra rớt xuống vừa nhập với phần khúc mía còn lại ở bên dưới, họ lẹ tay chặt liền dao thứ hai, nếu làm kịp như vậy sẽ có kết quả hai dao thành bốn khúc mía. Trường hợp đặt cây mía nằm trên mặt đất, người chặt mía họ dùng thế chặt làm sao ngay dao chặt lần đầu làm cho hai khúc mía rời ra nằm sát bên nhau để dao thứ hai sẽ được bốn khúc và họ sẽ thắng.
Mía trồng vùng đất khô (hình do TR-NH chụp)
Nhớ có lần khi về quê làm ruộng, khoảng năm 1983, vợ chồng tôi có trồng thêm vài công mía đường. Mía đất vùng Tân Bình (Lấp Vò) mấy năm thập niên 1980 nước ngập hằng năm nên phù sa còn nhiều nên trồng mía rất tốt; nhưng khi mình bắt đầu trồng thêm mía, rủi sao năm ấy mía ế, mía dội, bán hổng ai mua, mà nếu có lái mua thì cũng mua với giá rẻ mạt. Vợ chồng tôi đành phải mướn cơm ghe bè bạn đốn mía chở ra lò đường ép đường. Việc trồng mía đã cực mà đốn mía chở ra lò đường còn cực hơn.Nào là mướn nhơn công, mướn ghe xuồng lòi mía. Khi ép xong, với kết quả được vài chục hủ đường, nhưng đến khi bán đường thì đường vẫn ế. Rốt cuộc lại vợ chồng tôi cứ mang đường đem biếu cho bà con chòm xóm mỗi nhà vài ba kí lô vậy mà rất vui…
“Nhứt sớm nhì muộn”, thành ngữ ấy cũng áp dụng trong việc bán mía.Bắt đầu tới mùa mía, nếu mình có mía đúng lứa sớm nếu muốn bán sẽ bán được giá cao; bằng không, cứ chờ tới lúc mía đông ken giá mía sẽ rẻ mạt.Trái lại, có khi vào những lúc cuối mùa mía không còn nhiều, giá mía lại vọt lên và ai kiên nhẫn chờ tới lúc mía hút mới bán thì lúc bấy giờ bán được giá như lúc mới vào mùa. Nhưng chờ như vậy có khi cũng thất bại vì cây trái, dù bất cứ loại cây trái nào cũng vậy, không riêng gì mía, nó có thời được giá của nó nếu chờ có khi lại chẳng lợi lộc thêm bao nhiêu mà còn phải gìn giữ rất cực nhọc vì mưa dông mía ngã hoặc trộm cắp vặt kẻ qua người lại bẻ vài ba cây ngày này qua ngày khác hao hụt thêm. Thêm trở ngại là đám mía cứ đứng đó hoài không làm sao dọn dẹp được để chuẩn bị cho mùa sau.Đó là chưa kể, trong nhà sau bao nhiêu công sức đổ hết vô đám rẫy nay tiền của cũng cạn nên trong nhà rất túng bấn.Thêm nữa mía già mía sẽ trổ cờ lau. Mía trổ cờ thì ruột mía có tim đèn, mía xốp, ít đường và phải nằm nước lâu có khi mía bị ái, hoặc lên men rượu nên bán hổng ai chịu mua. Còn mía bị ngã rạp cũng mất đường, thương lái cũng chê rậm rề; đó là chưa kể mía ngã rạp họ chê rất khó đốn... Cả hai trường hợp vừa kể, nếu muốn bán phải đành bán quạ bán diều, nên lỗ nặng là vậy! Do vậy, kinh nghiệm ở nhà quê là lúc nào bán được vừa giá lá cứ bán, đừng chờ giá cao, có khi thất vọng.
Nhơn nhắc tới việc bán mía sớm, tôi nhớ có chị bạn là người gốc gác Tân Châu (Châu Đốc) có nhà trên đường Bạch Đằng tại chợ Tân Châu, chị có chồng quê Lấp Vò (Sa Đéc), trước tháng Tư năm 1975 chị làm việc trên Sài Gòn. Sau tháng Tư 1975, chồng chị đi “cải tạo” và chị về quê chồng sống quay quần với cha mẹ chồng, làm ruộng, nuôi con dại, thăm nuôi chồng. Đến khi cha mẹ chồng trăm tuổi chị nhường phần đất ruộng lại cho anh chị em bên chồng để về quê Tân Châu sống với bên ngoại. Nhờ bên ngoại lúc bấy giờ còn một số đất ruộng rẫy khá bộn trên vùng Long An (Tân Châu), nên chị tiếp tục làm ruộng và làm rẫy mía nuôi hai đứa con nhỏ và thăm nuôi chồng. Với bốn công mía đường năm nào chị cũng tự tay làm cỏ, vô chưn ấm, đánh lá mía để tiết kiệm tiền; chỉ có việc cày xới, vô chưn đạp là chị mới mướn trâu bò và nhơn công giúp giùm. Năm nào mía của chị cũng trúng. Chị thường bán mía sớm ngay từ đầu mùa nhằm có tiền chi xài trong gia đình và thăm nuôi chồng; vậy mà rồi mía của chị lại được giá hơn các miếng rẫy mía lân cận chờ tới mùa mía đông ken mới bán. Sau này, có dịp ngồi nhắc lại những mùa trồng mía và bán ngay đầu mùa, chị vẫn còn vui dù mấy năm ấy chị chịu dang nắng dầm mưa theo ruộng rẫy quá là cực nhọc so với người phụ nữ có một thời làm việc văn phòng ở Sài Gòn… Ngày nay, sau gần bốn mươi lăm năm lận đận theo chồng với các con thơ của chị ngày ấy nay đã thành người, thành gia thất với các cháu nội ngoại đầy đủ vui vầy có lẽ một phần là do những mùa mía dù rất cực nhưng cũng rất ngọt ngào của chị ngày xa xưa ấy nơi đất Tân Châu mà ra chăng?
Mùa trồng mía và ép đường là mùa rẫy nơi các làng quê làm chơi ăn thiệt. Công việc không có gì phải gấp rút, cứ theo thời gian các măng mía lớn thành cây rồi vô đường tới đâu là mình cứ tà tà làm theo sự tăng trưởng của nó tới đó. Và có một điều chắc chắn là mía nào lá cũng bén, dễ cắt đứt tay chảy máu nhưng mía nào cũng ngọt và cho nhiều đường. Phải chăng công sức người trồng ra mía luôn luôn thấm ướt mồ hôi mặn và đổi lại được cái ngọt của mía, của đường mà đời sống này còn có chút gì tươi vui, ý nghĩa, hạnh phúc và đáng sống chăng?
Lương Thư Trung
Cước chú:
1/Theo Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam của Sơn Nam do Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản,không ghi năm, trang 115.
2/ Bộ “Việt Nam Tự Điển”(VNTĐ) của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, nhà sách Khai Trí (Sài Gòn) xuất bản, năm 1970, quyển Hạ, trang 912.
3/ Bộ sách “Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam” của Phạm Hoàng Hộ, Bộ Giáo Dục-Trung Tâm Học Liệu in lần thứ hai có bồi bổ và sửa chữa, năm 1972, quyển II, trang 956.
4/ Theo VNTĐ, sđd, trang912.
(Trích trong “MỘT CHÚT TÌNH QUÊ” tức “MÙA MÀNG NGÀY CŨ 2” sắp ấn hành)