Monday, 31 March 2014

THĂM CHỒNG - Đỗ Dung

Vi thu xếp dọn hàng về sớm hơn thường lệ.  Hôm nay gặp may Vi được một mối hời.  Một bà khách dáng vẻ một người phúc hậu, giàu có, đưa một bọc toàn những áo thun, quần jean, thêm quần áo trẻ con đắt tiền còn tốt nguyên và tự đưa ra một giá rẻ mạt.  Vi giở ngay gói tiền đếm đưa bà, không cò kè thêm bớt.  Trước khi đi bà còn dúi vào tay Vi một mẩu giấy nhỏ ghi địa chỉ của bà và nhắn Vi đến nhà, bà còn nhiều thứ muốn bán.

Vừa bày những món hàng mới mua Vi đã gặp ngay khách sộp, có hai quần jean thôi mà đã hơn gía Vi trả cho bà khách để mua nguyên cả bọc lớn. Ngoài ra Vi lại bán thêm được mấy cái “đài” và vài món qùa vặt vãnh cho mấy chú bộ đội cũng được giá.

Trên đường đạp xe về Vi ghé mua cho bé Tường Vân một cái bánh giò,  một phong bánh đậu xanh để mẹ uống trà buổi sáng và một cân giò lụa cho cả nhà.  Vi định bụng sau bữa ăn sẽ rủ Mai hoặc Quỳnh cùng đến nhà bà khách xem có mua thêm được món gì nữa không.

Vừa thấy Vi, bé Vân lủn tủn chạy ra bi bô đón mẹ.  Mai nhìn chị tủm tỉm cười:

-     Chị Vi có tin vui.

-     Cái gì?

-     Thư anh Tùng.

Mai phất phất chiếc phong bì vàng úa dứ trước mặt Vi, Vi chạy vội lại giật lấy, run run bóc.  Trong phong thư ấy chỉ vỏn vẹn một tờ giấy phép thăm nuôi lạnh lùng.  Vi bàng hoàng bật khóc trong nỗi tủi thân, Tùng không kèm thêm được cho nàng một lá thư nữa sao.  Nỗi mừng sắp được gặp chồng không bù nổi với nỗi hờn giận dâng trào.  Nét bút của Tùng, dòng chữ thân yêu rõ ràng ghi địa chỉ trên bao thư mà sao Tùng nỡ lòng nào không viết thêm cho nàng vài chữ cho thỏa nỗi nhớ thương, những đau khổ nhọc nhằn của nàng trong thời gian qua. Không một lời thăm con, không một lời hỏi vợ.  Nghĩ miên man mà nước mắt nàng cứ tuôn.

Mai hoảng hốt cầm tờ giấy lên đọc, quay lại nhìn chị cười xoà:

-     Bà Vi này buồn cười thật.  Đúng là mít ướt, buồn cũng khóc, vui cũng khóc.  Sắp được đi thăm chồng, anh Tùng lại ở ngay thành Ông Năm Hóc Môn gần xịt.  Hai tuần nữa đến ngày thăm rồi, chị lo sửa soạn, Mai sẽ đi phụ chị khuân đồ và trông con bé Vân cho hai ông bà tha hồ mà tỉ tê.

Rồi Mai hạ giọng:

-     Đừng làm mẹ buồn.  Bố chưa có phép thăm kìa.

Vi gạt nước mắt nhìn Mai như biết ơn và chợt nghĩ biết đâu người ta không cho phép Tùng viết chứ Vi biết, Vi hiểu Tùng mà, không lẽ có dịp mà chàng lại không nhắc nhở tới vợ con.

Hai tuần lễ chờ đợi, hai tuần lễ trải dài nhung nhớ, Vi làm một danh sách những gì cần đem theo khi vào thăm nuôi, thuốc men, đồ ăn, vật dụng, quần áo...Hàng ngày Vi vẫn phải đến sạp hàng của mình ở khu chợ trời để mua bán, bán mua. Buổi tối về soạn lại danh sách đồ thăm nuôi để thiếu gì thì sáng hôm sau sẽ đi mua thêm trước khi dọn hàng.  May mắn, qua mối hàng của bác Thụy, người đàn bà sang trọng đến bán quần áo cho Vi bữa trước, ba chị em Vi được giới thiệu đến những gia đình quen của bác đã được giấy tờ bảo lãnh của thân nhân ở nước ngoài và đã có danh sách chuyến bay, giúp họ bán đồ đạc trong nhà trước khi đi định cư nước khác.  Mấy chị em Vi cũng kiếm được khá tiền.
Hai ngày trước khi đi thăm Tùng, Vi nghỉ hẳn ở nhà lo xếp dọn, nấu nướng. Thuốc men đã mua đầy đủ, Vi còn cẩn thận nhét thêm một lọ dầu xanh, một lọ dầu Nhị Thiên Đường và một túi nhỏ sâm lát.  Đồ ăn khô đã gói ghém cẩn thận, tôm khô, bột đậu đủ thứ, mè đã rang, trộn muối, giã sẵn từ trước, mấy túi bột gạo lức, một bịch thịt chà bông lớn, một bịch kẹo và một bịch đường, vài hộp sữa đặc.  Vi cẩn thận xếp mỗi thứ vào hai lớp túi ni lông cho chắc.

Vi mở tủ lạnh lấy thau thịt nạc đã được thái hình khối vuông to bằng nửa quân cờ, ngâm nước mắm, đường, hành tỏi và một tô thịt rọi luộc chín thái hạt lựu ướp tỏi và xả ớt từ hôm qua. Trời chợt đổ cơn mưa rào, mưa rơi lộp độp trên mái tôn nhà bếp.  Một cơn gió lạnh lướt qua khiến Vi chợt rùng mình, lửa trong chiếc bếp dầu hôi vẫn bập bùng. Sau khi phi tỏi, bỏ nắm xả bằm vào cho thơm, Vi đổ tô thịt rọi vào chảo xào cho săn thêm miếng thịt.  Chỉ hai ngày nữa thôi Tùng của Vi được ăn những món nàng đang nấu đây. Tùng ơi, anh biết em nhớ anh dường nào không.  Tay đảo đều và nước mắt Vi lại ứa ra. Hơn một năm trời xa cách nhớ nhung, Vi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm ngày hai người hò hẹn rồi đến những nỗi oan khiên, cơn sóng gió đổ ập xuống trước ngày cưới. Ngày chào đời của con bé Tường Vân, những hạnh phúc êm đềm, ngọt ngào của một gia đình nhỏ.  Vi đổ từ từ bát mắm ruốc vào chảo thịt, thịt và mắm cứ thế quyện vào nhau và cứ thế Vi xào xong chảo thịt rọi mắm ruốc thơm lừng, rắc thêm chút hạt tiêu xay, sau khi trộn đều nàng nhấc chảo sang một bên chờ cho nguội. Vi lấy một chảo to khác bắt đầu món ruốc sỏi.

Có tiếng cửa mở, mẹ Vi  xách một giỏ nặng ướt lướt thướt bước vào, rũ chiếc áo mưa, xuống bếp thấy con gái đang rang chảo thịt, bà nhắc:

-     Con để nhỏ lửa, đun liu riu cho thật cạn, nhớ cho nhiều nước mắm, nấu cho thật cô đặc vào miếng thịt.  Hong trên bếp lửa thật nhỏ cho khô, mai được nắng phơi thêm cho thật nỏ thì mới để được lâu.  Mẹ mới ghé chợ mua cho anh Tùng ký đường thẻ, bọc chuối khô, con cá khô, mấy bao lương khô và mấy bao thuốc lá. Mẹ biết anh Tùng không hút thuốc nhưng cứ phòng xa, nhỡ có lúc cần chia sẻ với bạn bè hay lo lót cho mấy người quản giáo.

Bà chép miệng:

-     May trời thương các con buôn bán khá, có đồng ra đồng vào chứ nếu không thì cơm còn chẳng đủ ăn lấy đâu mà lo quà cáp.

Bà lại thở dài:

-     Không biết bao giờ mới đến lượt thăm bố con. Không biết ông bị đày ải tận đâu, sống chết thế nào.  Mẹ lo quá.

Vi nhìn mẹ xót xa. Nhớ bố, thương mẹ mà biết nói gì đây.

Hôm sau nắng to, Vi nghe lời mẹ trải mớ thịt đã hong khô ra phơi. Những viên ruốc sỏi thật khô, thơm mùi nắng.

Cả buổi chiều Vi ngồi sắp xếp mọi thứ vào hai chiếc giỏ cói to, cũng may Mai ra bán hàng thay chị thấy có người đem bán mấy lon sữa Guigoz không, Mai mua hết đem về cho chị.  Những cái lon nhôm này đa dụng lắm. Vi lèn chặt mắm ruốc vào ba lon, ruốc sỏi vào ba lon, còn thừa một chút để lại nhà ăn.  Vi cuốn mấy tờ giấy bạc như điếu thuốc, bọc ni lông cẩn thận nhét dưới đáy lon mắm ruốc. Nàng không quên bỏ mấy quần đùi vải, hai bộ bà ba xanh đậm bằng vải thô, chiếc áo len, chiếc khăn mặt, cục sà bông và bàn chải cùng ống kem đánh răng, một xấp giấy viết thư, phong bì, tem và tấm ảnh của hai mẹ con mới chụp. Cuối cùng cũng thành ba giỏ.  Xách thử thì giỏ nặng, giỏ nhẹ, Vi lại giở ra xếp lại cho ba giỏ nặng đều.  Ngày mai cô Mai sẽ xách cho chị hai giỏ,  Vi xách một còn một tay nàng dắt bé Tường Vân. Vi nhắc Mai nhắn ông Ba xích lô máy vẫn thỉnh thoảng chở hàng cho Vi nghỉ một buổi đưa chị em Vi lên Thành Ông Năm.

Cả đêm Vi trằn trọc không ngủ, nghĩ ngợi lung tung, chuyện cũ, chuyện mới chập chùng.  Mệt qúa nàng thiếp đi, nàng bỗng thấy hai vợ chồng nàng cùng nắm tay con đi trong khu vườn đầy hoa đẹp dị thường, thỉnh thoảng hai người nhấc bổng bé Vân lên, con bé cười khanh khách.  Nắng vàng tươi, trời trong xanh nhưng sao lại mưa, mưa nhẹ, những hạt mưa nhỏ như những hạt bụi, mong manh như những sợi tơ trời.  Con bé buông tay cha mẹ ra, tung váy quay tròn, nàng cũng quay tròn, hai vạt áo dài quấn quýt bay.  Mưa, mưa trong nắng hiện lên những vệt cầu vồng ...đẹp, đẹp quá.  Vi như ngụp lặn trong niềm hạnh phúc tuyệt vời.

-     Vi,Vi...Dậy đi con, sáng rồi.

Mẹ lay nhẹ đánh thức Vi, nàng mở mắt nhìn quanh.  Qua cửa sổ, bầu trời đã sáng ra như màu sữa loãng. Tiếc quá, nàng đã trở về thực tại sau một giấc mơ hoa.

-     Vi ơi, trại anh Tùng ở gần, con lại đi xích lô máy không vất vả, con sang quán bác Đạo mua cho anh tô phở, nước bỏ riêng vào bình thủy, khi ăn chan ra cho nóng.  Mẹ có bỏ mấy qủa quýt để khi gặp nhau bóc ra ăn cho đỡ khát nước. Đợi ông Ba tới thì chị em đi. 

Quỳnh nghe mẹ nói không chờ sự đồng ý của Vi xách gà mên và bình thuỷ chạy ngay sang quán phở mua cho chị. Mẹ Vi lấy thêm chiếc giỏ ni lông vẫn đi chợ có mặt đáy phẳng và cứng sắp gà mên phở, bình thuỷ, đũa muỗng cho con, thêm mấy cái bánh giò, bánh dầy chả, mấy qủa quýt cho các con đi ăn dọc đường.
xxx

Người ngồi trước mặt Vi là Tùng đây sao.  Vi ngỡ ngàng, lạ lẫm, bàng hoàng.  Mặt Tùng như biến dạng, đen đủi.  Cả người như chỉ còn da bọc xương. Đầu chàng như chiếc sọ khô, hai mắt sâu hoắm.  Đôi chân như hai cây sậy bơi trong ống quần.  Hai cánh tay khẳng khiu như hai que củi.  Hơn một năm trời bị đầy đọa, thiếu ăn mà thể xác biến đổi đến thế sao.  Vi nhìn Tùng đăm đăm, nỗi xót thương trào dâng, nước mắt tuôn như suối.

-     Anh Tùng, cố giữ gìn sức khỏe. Phải mạnh khỏe nghe anh.

Tiếng nói như pha tiếng nấc tức tưởi, nghẹn ngào.
Tùng yên lặng nhìn như muốn nuốt chửng vợ con, nước mắt muốn trào ra mà cố nén.  Rồi tiếng nói như từ cõi xa xăm:

-     Anh nhớ em, nhớ con.  Anh lo cho em và con.  Gặp em, nhìn thấy em thế này là anh yên chí.  Em cố lo làm ăn với Đỗ Quyên, đừng lo lắng cho anh.

Bé Tường Vân nhìn cha sợ sệt, hình ảnh của bố Tùng khác hẳn, mẹ Vi hàng đêm vẫn lấy hình bố ra kể chuyện cho con về bố. Vi đẩy con bé về phía Tùng

-     Con mi bố đi, bố Tùng đó.

Bé Vân nhìn mẹ, nhìn dì Mai như dò hỏi, Vi bế hẳn con lên, đặt nó lên bàn đẩy về phiá Tùng, Tùng nhân cơ hội chuyền sang tay Vi một cuộn giấy con quấn chặt như điếu thuốc lá. Nàng cầm lấy và bỏ ngay vào túi áo bà ba.  Chiếc bàn dài ở giữa cách ngăn, hai vợ chồng trẻ im lặng nhìn nhau. Thỉnh thoảng nghe tiếng nấc uất nghẹn của Vi.
Mai lẳng lặng lấy phở sắp ra tô, lấy bình thuỷ rót vào bát phở, nước dùng nóng còn bốc khói mời anh ăn rồi lấy cớ bước ra ngoài.  Căn phòng thăm nuôi dài, thông thống như quán chợ, hai dãy bàn ghế kê nối đuôi nhau, dãy này song song với dãy bên kia.  Người thăm và người học tập ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn dài.  Hai đầu dãy mấy người bộ đội đứng gườm gườm kiểm soát.
Nhìn khung cảnh xung quanh, những buồn vui hội ngộ, những giọt lệ ngắn dài, những phờ phạc âu lo... Có những bao quà to tướng, có những bọc quà quá khiêm nhường.  Những bà mẹ hay người vợ từ xa đến cũng xác xơ, tiều tụy.  Những đứa bé ngỡ ngàng, những đứa con lớn, hiểu biết hơn nhìn cha mà gục đầu rưng rức khóc.  Nhưng tội nhất vẫn là hình dung xác xơ của những người học tập.  Dù chưa đến nỗi rách rưới tang thương nhưng áo đã sờn, quần đã bạc phếch.  Mặt rõ là đói và hiện lên những nỗi lo lắng, ưu tư.  Lưng quần thắt chặt cho khỏi tuột thì dúm dó đằng trước, dồn cục đằng sau vì chiếc quần từ ngày đi nay đã trở thành qúa rộng. Tuy nhiên các anh vẫn còn một nét gì đó của những người đã từng có một thời hiên ngang. Nghĩ đến Vi, Mai thương chị nhưng cũng thầm biết chị mình còn may mắn hơn nhiều người. Cuộc sống chưa đến nỗi thê lương và đi thăm chồng không đến nỗi vất vả quá.  Nghĩ đến ông anh rể Mai cũng bùi ngùi.

Qua giây phút xúc cảm ban đầu, Vi thủ thỉ kể chồng nghe những công việc của nàng bây giờ.  Nàng kiếm tiền được, cuộc sống êm đềm bên mẹ và hai em.  Bé Vân ngoan, được cả nhà thương yêu dạy dỗ, sang năm bé đã đến tuổi vào Mẫu giáo. Tùng làm quen con bé, bón cho con ăn và lấy ngón tay quẹt nhẹ vào người, chọc lét cho con bé nhoẻn miệng cười.  Niềm vui như trở lại với gia đình nhỏ bé, hai cha con ăn xong bát phở Vi bóc quýt cho cả nhà cùng ăn. Con bé Vân đã quen với bố nũng nịu nói:

-     Sao bố đi lâu qúa?  Bao giờ bố mới về với mẹ, với con?

-     Bố đi học, bao giờ học xong bố về.  Con ở nhà phải ngoan, phải nghe lời bà, nghe lời mẹ với các dì.  Bao giờ bố về bố sẽ thưởng con nghe!

-     Bố cũng phải ngoan nghe!  Bố học giỏi nghe!  Bố mau về nghe!

Tiếng trẻ ngây thơ, ríu rít đem lại không khí đầm ấm, hai người đã có lúc cười vì những câu nói ngây thơ của con bé.  Mai quay lại thấy không khí bớt căng thẳng cũng ngồi xuống góp chuyện hỏi thăm anh về những ngày sống xa gia đình, những người bạn tù của anh.  Mai nhí nhảnh lôi ra mấy chiếc bánh dầy, bánh giò đem theo, nháy mắt đưa Tùng:

-     Anh cho em gửi cho chàng nào còn độc thân, cô đơn nhất trại!

Tùng cũng vui lây với lời nói đùa của cô em vợ, tố theo.
-     Cô Mai nói đấy nhé, chịu có người yêu học tập anh sẽ làm mai.

Sau những câu chuyệntrao đổi với hai chị em Vi, Tùng như cất được gánh nặng.  Trong trại,nỗi lo âu nhất của Tùng là không biết mẹ con Vi xoay sở ra sao với hoàn cảnh mới. Tùng biết Vi mảnh mai, yếu đuối, tình cảm dạt dào và rất mau nước mắt, nay thấy Vi mạnh mẽ, lanh lợi ra Tùng rất yên tâm nhưng nghĩ lại phận tù tội của mình, cứ vài tháng lại có danh sách chuyển trại, những hồi hộp lo âu không biết bao giờ đến lượt mình  và biết ngày nào được về với vợ con.  Nhìn khuôn mặt yêu kiều của Vi lòng chàng quặn đau.  Nghĩ đến lòng chung thủy của vợ chàng lại càng xót thương.
-     Vi, như anh đã nói, chị em chịu khó làm ăn với cô Quyên, phần anh có nhà nước lo.  Nhớ nghe lời anh.
 Tùng dặn đi dặn lại việc làm ăn với Quyên vì khi Tùng ở nhà đã có tin Quyên đến bến bờ tự do. Vi hiểu Tùng muốn nhắn nàng cứ tìm đường đem con vượt biên, đừng lo lắng cho Tùng. Vi rưng rưng:
-     Anh Tùng, em mong anh giữ sức khỏe, học tập tốt anh sẽ về, chúng mình sẽ đi thăm bác Vĩnh (anh của mẹ Vi ở Thuỵ Sĩ).  Em chờ anh.  Ráng học tập tốt để mau về với em, với con.Em chờ, anh yên tâm, mẹ con em chờ anh.
Mai tiếp lời:

-     Mẹ biết anh không hút thuốc nhưng cũng mua thuốc tặng anh để thỉnh thoảng anh ngoại giao đấy.

-     Anh gửi lời cám ơn mẹ, anh sẽ chia cho mấy người bạn, có thuốc lá họ mừng lắm. Hồi này họ phải hút thuốc lào rồi.  Anh không cần phải ngoại giao với ai hết Mai ạ.
Như chợt nhớ ra Tùng lấy trong chiếc túi vải vẫn để dưới chân nãy giờ những món quà tặng.  Cái ly nhỏ xíu bằng nhôm của bé Vân khắc hình con gấu xinh xinh ngồi trên thảm cỏ bên những bông hoa nho nhỏ. Chiếc lược bí khắc hình con hạc với dòng chữ Kính biếu mẹ.  Ba cái lược nhỏ gọn trong lòng bàn tay, một chiếc khắc hoa Tường Vi với dòng Em yêu dấu, lược tên Diễm Quỳnh với đóa Quỳnh Hương và Ngọc Mai với một cành Mai dịu dàng.
-     Những lúc rảnh rang trong trại tụi anh làm, quà kỷ niệm của anh đây.
Tiếng kẻng vang lên báo đã hết giờ thăm nuôi.  Bịn rịn, rưng rưng, bùi ngùi, lưu luyến...chưa có cuộc chia ly nào ngậm ngùi kẻ ở người đi như cuộc chia tay não nùng sau buổi thăm tù cải tạo lần đầu tiên.
 
Đỗ Dung