Bởi vì trí nhớ của con người khá tốt, nhất là trí nhớ về những dữ kiện lịch sử, nên người ta mới thấy rằng có lẽ mùa hè năm nay là mùa hè kinh hoàng nhất, máu đổ thịt rơi ở khắp mọi nơi. Ông Gary Samore, cựu cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Obama nói với ký giả Peter Baker của báo The New York Times: “Ông có thể đặt tên kiểu gì cũng được. Có điều rõ ràng là thế giới đang bị thiêu cháy trong lửa đỏ. Mỗi phe, mỗi nước đều có những quyền lợi phức tạp phải bảo vệ, điều đó không có gì là bất thường. Cái điều bất thường ở đây là sự bộc phát bạo động và bất ổn xảy ra ở khắp mọi nơi.”.
Tình hình tương đối lắng đọng của mấy mùa năm trước nghe ra như là sự kiện xa vời. Và nói theo chữ dùng của ông Samore “ở khắp mọi nơi” là điều rất đúng, không mang tính chất thổi phồng để hù doạ đâu. Ở miền đông Ukraine , nơi có hàng trăm xác chết, và hàng chục máy bay bị bắn rơi, còn nằm la liệt trên những cánh đồng lúa mì, hay hoa hướng dương, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rõ chủ đích của ông là dựa vào uy tín rất cao của ông ở trong nước, ông sẽ có thái độ cứng đầu, kình chống đối với thế giới bên ngoài. Ở Nigeria , một quốc gia đông dân nhất lục điạ Phi Châu, chính phủ của Tổng thống Goodluck Jonathan hầu như bó tay, không làm gì được để ngăn chặn tổ chức Boko Haram làm chuyện điên khùng. Tổ chức này đã bắt cóc hàng trăm em nữ sinh để chứng minh với phe đối lập rằng hễ cứ đi theo giá trị duy vật, và hệ thống giáo dục thế tục, sẽ lãnh hậu qủa như vậy. Những tay súng trong tổ chức ISIS, lực lượng quá khích Hồi Giáo với nguồn gốc phát xuất từ Al-Qaeda, đã cắm lá cờ mầu đen, reo rắc kinh hoàng trên khắp vùng lãnh thổ kéo dài từ miền đông nước Syria sang đến miền bắc nước Iraq. Vào hồi đầu năm nay, khi được hỏi Tổng Thống Obama do đâu mà ông dám nói rằng tổ chức Al-Qaeda đã bị “tàn lụn”, trong lúc lá cờ đen lại tái xuất hiện ở tỉnh Falluja. Ông phản biện bằng lý luận cho rằng; “Không phải ai mặc chiếc áo bóng rổ của đội Lakers cũng đều là Kobe Bryant cả.”. Ông ám chỉ rằng tổ chức ISIS chưa chắc gì đã là Al-Qaeda. Giọng điệu của Bạch Cung bây giờ không còn làm cho người ta bớt lo sợ.
Sau đó thì xảy ra vụ xung đột giữa Do Thái và Palestine . Làm cách nào để xác định cuộc xung đột bắt nguồn từ đâu? Vụ bắt cóc và sát hại ba thiếu niên Do Thái: Naftali Fraenkel, Gilad Shaar, và Eyal Yifrach, đưa đến việc Do Thái động binh dội bom để trả thù. Sau đó thì xảy ra vụ thiếu niên Palestine tên là Muhammad Abu Khdeir bị lực lượng an ninh Do Thái bắn chết, khiến cho phe Palestine tức giận, bắn hàng trăm đạn pháo kích từ Gaza sang Do Thái, để rồi đưa đến chiến tranh lan rộng. Do Thái tấn công trên không, trên mặt đất và cả ngoài biển. Tuỳ theo quan điểm của người quan sát đứng về phe nào, người ta thấy có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc xung đột đẫm máu này. Như ông Bernard Avishai viết trong Web site của ông hồi tuần trước như sau: “Bạn có thể tìm thấy nguyên nhân của vụ phục thù bắt nguồn sâu xa từ thời có Tuyên Cáo Balfour năm 1917.”. Nhiều người chỉ còn biết lặng lẽ quay đầu nhìn đi nơi khác, không dám bàn tới.
Người ta không thể làm ngơ mà không để ý đến thái độ thâm hiểm của tồ chức Hamas. Đây là tổ chức nắm quyền cai trị ở Gaza . Họ thừa biết sự trả đuã của Do Thái sẽ dữ tợn, và đáng sợ đến mức nào nhưng họ vẫn cố tình khiêu khích Do Thái bằng cách bắn hàng trăm hoả tiễn vào Do Thái, họ cất dấu vũ khí trong các đền thờ Hồi Giáo và trường học. Hàng ngày, hỏa tiễn của Hamas càng được bắn ra nhiều hơn, chính xác hơn, và lựa đúng những điạ điểm ác liệt hơn để khủng bố các vùng Ashdod , Tel Aviv, Jerusalem, Eilat, và quan trọng hơn cả là phi trường Ben Guiron.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua mà không nhắc đến sự tàn bạo, đẫm máu mà Do Thái gây ra cho Gaza . Theo thống kê mới nhất có 857 người Palestine bị chết- trong đó có 149 trẻ em, và 37 người Do Thái bị giết. Chỉ riêng vụ ném bom vào khu Sheijaiya của thành phố Gaza đã làm cho hơn 90 người Palestine chết, trong đó có ít nhất 21 trẻ em. Hôm Thứ Năm 31 tháng 7, một trường học do Liên Hiệp Quốc quản lý ở Beit Hanoun bị trúng bom, làm chết 16 thường dân và làm bị thương khoảng 150 người khác. Ấy vậy mà, ông Ron Dermer, đại sứ Do Thái tại Hoa Kỳ hôm tuần trước còn nói rằng Lực Lượng Phòng Thủ Do Thái đáng được trao gỉai Nobel Hoà Bình vì họ đã “tự chế” và tỏ ra hết sức nhân đạo khi tung ra các cuộc tấn công. Họ áp dụng chiến thuật “gõ lên mái nhà để báo động” bằng vài cú bắn doạ trước, gửi lời nhắn tin, hay gọi điện thoại cho dân ở đó biết, cảnh cáo họ nên ra khỏi nhà, bệnh viện, hay trường học, kẻo sẽ bị trúng đạn. Gia đình nhà Bakr ở thành phố Gaza có bốn đứa con bị giết chết do máy bay Do Thái oanh kích ở ngoài bờ biển, chắc là họ sẽ từ chối lời mời đi đến Oslo để xem Do Thái lãnh giải Nobel Hoà Bình.
Tình hình thương vong đã não lòng như vậy, tình hình chính trị lại cành rối bời hơn. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh cáo rằng nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas không tìm ra được con đường nào để giải quyết tốt đẹp vấn đề chiếm đóng, và phân định ranh giới rõ rệt, sẽ đưa đến hậu quả thảm khốc. Đó là thời kỳ từ cuộc nổi dậy lần thứ ba của người Palestine đến giai đoạn chấm dứt giải pháp tình trạng hai quốc gia. Ông Mo she Ya’alon, Bộ trưởng Quốc Phòng Do Thái đã nói thẳng với các phụ tá của ông là ông không ưa thái độ kẻ cả của ông Kerry. Theo ông, thái độ đó có tính cách thầy đời, và “ham muốn dành cho được giải Nobel, cứ để ông ấy ôm cái giải Nobel Hoà Bình, rồi cút đi. Sau đó, để chúng tôi giải quyết lấy.”. (Điều này làm chúng ta nhớ đến Kissinger cũng ham lấy cái giải Nobel Hoà Bình, đi đêm với Lê Đức Thọ và đâm sau lưng người bạn đồng minh VNCH.).
Trong khi đó những yếu tố tàn độc và cực đoan có ngay trong nước Do Thái và Palestine . Những nhân tố độc hại đó ngày càng lớn, và ăn sâu vào xương tủy những nhà lãnh đạo. Do đó rất khó có thể tìm ra được giải pháp dung hoà quyền lợi đôi bên. Những kỷ niệm hải hùng khi còn tuổi ấu thơ làm cho các nhà lãnh đạo trở nên trơ như đá, vô cảm đối với những vấn đề lương tâm, đạo đức, thường dân vô tội chết oan. Ông Abbas, mặc dù có rất nhiều nhược điểm bản thân, song bề nào ông vẫn là người duy nhất được Do Thái tin cậy để nói chuyện hoà bình. Tiếc thay, nay ông đã quá già và mệt mỏi, ở tuổi 79 ông muốn về hưu. Ông Netanyahu, Thủ tướng Do Thái, người từng ủng hộ giải pháp hai nước đồng tồn tại đưa ra vào năm 2009, nay ông thay đổi hẳn lập trường. Ông là thành viên quan trọng trong đảng cầm quyền, giống như ông Naftali Bennete, ông nói thẳng thừng là muốn có hoà bình thì phải sát nhập phần lớn vùng West Bank .
Tuần trước, ông Reuven Rivlin, hậu duệ của một gia đình hữu phái lâu đời ở Jerusalem được đưa lên tuyên thệ giữ chức vụ Tổng Thống nước Do Thái. Chức vụ này chỉ có tính cách lễ lạc, trang sức, chứ không có thực quyền. Nhưng trong việc tấn phong này cũng có vài ý nghĩa đặc biệt. Ông Ri vlin được bổ nhiệm thay thế ông Shimon Peres, một người cùng lãnh giải Nobel Hoà Bình năm 1994 nhờ vai trò của ông trong việc hoàn tất thỏa ước Oslo. Ông Peres năm nay đã 94 tuổi rồi. Ông là người tiên phong trong việc chủ trương hai quốc gia cùng tồn tại song hành. Ông Rivlin thì chủ trương bênh vực gỉai pháp đem người Do Thái sang định cư nơi chiếm đóng. Ông Rivlin đã thành thật tuyên bố như sau: “Tôi hết lòng tin tưởng rằng những vùng đất nào của Do Thái bao giờ cũng là lãnh thổ của chúng ta một cách trọn vẹn.”.
Điều bi thảm ở chỗ là quan điểm tuyệt đối của ông Rivlin cũng chính là quan điểm của tổ tiên hai phe từ nhiều đời nay, truyền xuống đời con đời cháu. Hai phe đó là Palestine và Do Thái. Với mối hận thù thâm canh cố đế như vậy thật khó mà dung hoà.
Bài tường trình của David Remnick trên The New Yorker ngày 4/8/2014
Nguyễn Minh Tâm dịch