Sau khi chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, một trong những điều mà nhà cầm quyền Việt Nam đang rất mong muốn và đã từng nhiều lần bày tỏ mong muốn đó, Hà Nội liền đáp lại bằng cách “xuất kho” một vài tù nhân chính trị.
Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày bị đưa thẳng từ nhà tù ở Nghệ An sang Mỹ, được đồng hương chào mừng ở phi trường Los Angeles buổi tối 21/10/2014. (Hình: ROBYN BECK/AFP/Getty Images) |
Trong đó có một khuôn mặt tù nhân lương tâm nổi tiếng, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày.
Nhưng vì không hề có thiện chí muốn cải thiện nhân quyền mà chỉ vờ vĩnh bên ngoài, và với bản chất hèn hạ, thù dai, luôn sợ hãi mọi thứ, nhà cầm quyền đã không cho Điếu Cày có được niềm hạnh phúc gặp lại gia đình, bạn bè sau thời gian dài bị cầm tù hơn 6 năm, cũng như được sống giữa quê hương.
Họ đã vội vã, lén lút áp giải Điếu Cày từ nhà tù thẳng ra phi trường bay tuốt qua Mỹ, không thể chào tạm biệt ai và cũng không được mang theo bất cứ hành lý gì. Không có từ ngữ gì mô tả chính xác hơn là Điếu Cày đã bị trục xuất, bị tống khứ như một tội phạm nguy hiểm nhất, và cũng không có hành động nào lột tả được bản chất của nhà cầm quyền hơn nữa, trước dư luận trong nước và quốc tế.
Thay vì tiếp tục giam cầm, họ buộc những người yêu nước phải sống một cuộc đời lưu vong, tiếp tục cách trở gia đình, người thân, bạn bè và gần như vô hiệu hóa ảnh hưởng của người đó khi bị tách khỏi quê hương.
Có vẻ như đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đang rất biết cách sử dụng “nguồn tài nguyên” tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị.
Thật ra thì lâu nay họ vẫn dùng việc thả những người bất đồng chính kiến, hoạt động dân chủ để đổi chác, mặc cả với Hoa Kỳ và các nước phương Tây những thứ họ cần. Như hiện tại là mong muốn được gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, viết tắt là TTP) và được Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương.
Ngẫm ra, không chỉ tài nguyên thiên nhiên cho đến lãnh thổ lãnh hải là nguồn lợi to lớn tha hồ khai thác, bán rẻ…mà người dân cũng là nguồn tài nguyên vô tận được nhà nước này tận lực khai thác, theo nhiều cách khác nhau.
Nguồn lợi thứ nhất đến từ hàng triệu kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, những con người mà mấy chục năm trước đã phải rời bỏ đất nước ra đi một phần sống chín phần chết chỉ vì những chính sách cực kỳ hà khắc và hoàn toàn sai lầm về mọi mặt của nhà cầm quyền.
Có giai đoạn nhà nước còn đứng ra thu tiền, vàng của người dân để cho phép họ vượt biên theo con đường “bán chính thức”. Cái kiểu kiếm tiền ấy đã đem lại cho nhà cầm quyền một số lượng tiền, vàng không nhỏ để giải quyết bao nhiêu vấn đề khó khăn về kinh tế thời kỳ đầu sau chiến tranh.
Sau khi họ đã xài hết 16 tấn vàng là ngân khoản dự trữ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cất trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam để lại và bao nhiêu thứ hàng hóa, chiến lợi phẩm sau chiến tranh. Phần thì do tiêu xài như phá, phần thì đem đi trả món nợ chiến tranh cho Liên Xô, Trung Cộng, và các nước trong khối XHCN.
Để rồi hai mươi, ba mươi năm sau, hàng triệu con người buộc phải rời khỏi đất nước sống tha hương khắp thế giới ấy lại trở thành một món lợi lớn cho nhà cầm quyền về nhiều mặt. Trước hết là lượng kiều hối do đồng bào gửi về, theo báo chí trong nước, lên tới khoảng 10 tỷ USD hàng năm, chiếm gần 1/10 GDP. Nếu không có lượng kiều hối đó, nền kinh tế èo uột của Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều.
Và nguồn nhân lực, chất xám trong nhiều lĩnh vực khác nhau, được đào tạo bài bản từ những quốc gia tiên tiến nhất, mà nhà nước lại không phải mất một xu nào.
Nguồn lợi thứ hai đến từ chính sách “xuất khẩu lao động” của nhà cầm quyền. Ngay cái tên gọi cũng có thể thấy rõ bản chất của sự việc không có gì khác hơn là buôn người một cách công khai, hợp pháp.
Nhà cầm quyền thông qua chính sách xuất khẩu lao động đã đẩy hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân đi làm thuê ở các nước để đổi lấy ngoại tệ, nhưng lại không quan tâm đến việc chăm lo bảo vệ cho họ. Người lao động Việt buộc phải làm việc trong những điều kiện hết sức tệ hại, thiệt thòi nếu so với lao động của một số nước khác.
Bản thân mỗi người hầu hết đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thường phải vay nợ đế chạy được một “xuất” đi lao động ở nước người, nên phải chấp nhận tất cả để có tiền trả nợ và giúp gia đình ở nhà.
Nguồn lợi thứ ba đến từ việc “xuất khẩu cô dâu”, những cô dâu Việt ngây thơ từ những miền quê nghèo, khao khát ra đi đế đổi đời, để có tiền giúp đỡ người thân và do đó, họ cũng đóng góp vào khoản ngoại tệ thu vào cho đất nước.
Tất cả những đồng ngoại tệ kiếm được từ mồ hôi, nước mắt, máu và lắm khi cả bằng mạng sống của con dân Việt, cay đắng thay, lại thường được sử dụng một cách hoang phí bởi một nhà nước kém cỏi, bất tài trong việc điều hành nền kinh tế quốc gia nhưng lại nổi tiếng bởi tham nhũng và lãng phí.
Cuối cùng là việc buôn bán, đổi chác tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị để đổi lấy những thứ mà nhà cầm quyền mong muốn từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây.
Không có gì chính xác hơn cụm từ “buôn dân bán nước” dành cho nhà nước cộng sản Việt Nam. Đất nước thì bị bán rẻ từ tài nguyên thiên nhiên cho tới lãnh thổ lãnh hải mất dần vào tay Trung Cộng. Bán sạch tài nguyên, bán luôn một phần lãnh thổ, bán luôn con dân. Đến khi không còn gì để bán mà nợ nần cứ càng ngày càng tăng, thì còn có cách gì khác hơn là tự nguyện nhượng luôn cả đất nước này cho nước láng giềng đầy hung hăng, tham vọng?