Tuesday, 2 December 2014

Đại Hội bất thường Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hải Ngoại - Người quan sát

Chúng tôi hoan hỉ xin gửi bản tường trình về Đại Hội bất thường của Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hải Ngoại khi GS. Lưu Trung Khảo cùng Ban Chấp Hành Hội xin từ nhiệm, trong khi chờ đợi có Ban Chấp Hành mới, các tham dự viên giáo chức tại buổi Đại Hội đã đồng ý bầu ra Ban Xử Lý Thường Vụ để điều hành lâm thời cho hoạt động của Hội.
Được biết dựa vào nội quy của Hội, các vị giáo chức được Đại Hội đề cử vào trong Chủ Tọa Đoàn đã nêu lên một số nguyên tắc cơ bản trong việc ứng cử và bầu cử. Ban XLTV sẽ gồm 5 vị, nhưng cử tri sẽ chỉ bầu chọn 4 vị. Riêng vị thứ năm tất cả đồng ý lưu nhiệm CĐN Nghiêm Thị Hiếu tiếp tục ở lại chức vụ Thủ quỹ cho đến khi tân Ban Chấp Hành được thành lập.

Điều đáng lưu ý là trong phần phát biểu của GS. Nguyễn Trung Quân tuyên bố ông đã cực lực phản đối sự việc vài người đã tự tiện ghi tên ông vào một văn bản mang tính cách chia rẽ vì ông không chấp nhận âm mưu chia rẽ tập thể cựu giáo chức Việt Nam Cộng Hòa. Được biết vào ngày 9 tháng 10 vừa qua, có một vị nhân sĩ thuộc nhóm bí mật coup d'état có tên tuổi khá trong Cộng Đồng Người Việt tại Mỹ soạn thảo ra bản văn hãm hại người mang tựa "Bản Lên Tiếng Của Một Số Cựu Giáo Chức về Hội Cựu Giáo Chức Việt Nam Tại Hải Ngoại", do một email kỳ quặc, ngộ nghỉnh tung nguồn tin không chứng cớ được luân lưu trên internet cho là GS. Lưu Trung Khảo có liên quan tới NQ-36, trước tin đầy ác ý này GS. Toán Lý Hóa Lý Tòng Tôn cho biết ông có cảm tưởng như ngày xưa GS. Khảo rượt đuổi Văn Tiến Dũng chạy có cờ về Bắc Việt, nên chắc là ngày nay hồn ma Văn Tiến Dũng vực dậy từ âm ty rượt lại GS. Khảo hay sao đó, nhưng điều buồn lòng là vị thức giả "mastermind" vụ này đã lén lút cho tên GS. Nguyễn Trung Quân vào Bản Lên Tiếng mà không hỏi ý kiến trước. Đây là sự kiện pháp lý hệ trọng, không những GS. Nguyễn Trung Quân buồn phiền, mà cả GS. Nguyễn Thanh Liêm cũng bị thần Aladdin hóa phép cho tên ông đứng đầu xếp lớn trưởng nhóm. Đây là hành vi phi sư phạm, tắt trách, ác độc và bất nhân, tài liệu hãy còn lưu trữ đầy đủ trong data archive, 10 hay 15 năm sau buồn buồn trong nursing homes mở ra xem lại dĩ vãng ngày cũ sao lắm buồn tênh.

Cám ơn nữ phóng viên Người Quan Sát email Trần Văn Tui bài viết sau. Kính mời quý netters xem.

Ba Nhà Mùa Trần Văn Tui
và Mười Tôn Ô Môn Phú Nổ.


Như chương trình ấn định, Đại Hội bất thường của Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hải Ngoại (AHCGCVNHN) đã khai mạc lúc 1 giờ 30 và kết thúc hồi 4 giờ 30 chiều Chúa Nhật ngày 23/11/2014, tại Westminster Community Service Center, 8200 Westminster Ave, Westminster, CA 92683, với kết quả đạt được gây phấn khởi trong lòng mọi người.
Số tham dự viên hiện diện khoảng trên dưới 150 nhà giáo cùng thân hữu, báo giới, trong số có 59 hội viên là cựu giáo chức từng hành nghề trong hệ thống giáo dục đại học, trung học, tiểu học công tư dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước tháng tư năm 1975. Chính 59 cựu giáo chức này đã minh danh tham dự cuộc bỏ phiếu đề cử 5 vị vào Ban Xử Lý Thường Vụ (XLTV) để chuẩn bị Đại Hội bầu tân Ban Chấp Hành của Hội được dự trù vào đầu năm 2015, nhân dịp họp mặt mừng Xuân Ất Mùi. Đặc biệt có sự hiện diện của một số Cựu Đồng Nghiệp (CĐN) lão thành như Giáo sư niên trưởng Nguyễn Tư Mô, Đỗ Thị Nhuận, Nguyễn Hy Vọng.
                                  
                                         CĐN Lưu Trung Khảo đọc diễn văn khai mạc
  
Mở đầu chương trình Đại Hội, sau phần thủ tục chào quốc kỳ Việt-Mỹ, mặc niệm các anh hùng tử sĩ, những đồng bào đã bỏ mình trên đường tìm tự do, cựu giáo chức Nguyễn Đình Cường trong vai trò điều hợp chương trình đã mời Giáo sư Lưu Trung Khảo, Chủ tịch Hội, lên diễn đàn trình bày lý do triệu tập Đại Hội bất thường. Nhân dịp này GS Khảo cũng kiểm điểm lại hàng loạt những công tác do Hội đã tích cực góp phần thực hiện trong những năm qua, ngoài những sinh hoạt thường xuyên mang tính ái hữu của Hội, như thăm viếng những cựu đồng nghiệp đau yếu và những dịp quan, hôn, tang, tế.
  
Trong số những công tác được coi là quan trọng của Hội trong mấy thập niên qua, cựu đồng nghiệp Chủ tịch đặc biệt nhấn mạnh tới việc bản thân ông cùng với đông đảo các cựu giáo chức trong Hội đã tích cực hợp tác với Ban Điều Hành các Trung Tâm giảng dạy Việt ngữ trong nỗ lực phát huy và bảo tồn tiếng Việt cho các thế hệ trẻ lớn lên ở hải ngoại. Hội đã cung ứng hầu hết những giảng viên trong các khóa tu nghiệp giáo chức Việt ngữ được tổ chức hàng năm tại nam California. Ông cũng nói tới những đóng góp nhân lực và tài lực của Hội cho những sinh hoạt liên hệ của Ban Điều Hành các Trung Tâm giảng dạy Việt ngữ, như soạn đề tài, cử giám khảo trong các cuộc thi văn, sử, địa, để trao giải khuyến khích cho các em học sinh xuất sắc.

Ngoài ra, ông cũng gợi lại những cuộc viếng thăm miền bắc California của phái đoàn cựu giáo chức với mục tiêu thăm dò để thành lập các Chi Hội địa phương nhưng không thành công. Tuy nhiên, trong những dịp này phái đoàn cũng đã có cơ hội thăm viếng, tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp ở nhiều thành phố trong vùng.
Trước đó, trong phần trình bày lý do, cựu đồng nghiệp Chủ tịch đã nhắc lại những nguồn dư luận trái chiều trong mấy tháng vừa qua liên quan tới cá nhân ông, với tư cách Chủ tịch, cũng như tới nguyên tắc sinh hoạt của Hội. Để làm sáng tỏ những nguồn dư luận này, cựu đồng nghiệp Lưu Trung Khảo đã nhấn mạnh tới hai điểm:
  
* Thứ nhất là vấn đề pháp lý của Hội.
* Thứ hai là việc tái nhiệm Ban Điều Hành Hội trong những năm sau này.
                                              
                                                       Văn kiện của Tiểu Bang California
  
Về điểm thứ nhất, ông yêu cầu mọi người đọc những văn kiện pháp lý phóng lớn và được trưng bày công khai tại Đại Hội.
Về điểm thứ hai, ông nêu danh một số cựu giáo chức hiện diện để nhấn mạnh tới những dịp mãn nhiệm, dù ông và toàn Ban Chấp Hành ngỏ ý muốn rời chức vụ, nhưng mỗi lần như thế, gần như toàn thể các cựu đồng nghịệp hội viên đều nhất loạt lưu nhiệm toàn thể các thành viên trong Ban Chấp Hành cũ. Vì ý thức trách nhiệm đối với tập thể, anh chị em đã miễn cưỡng phải ở lại.
Tuy nhiên, vì tinh thần trách nhiệm và nhất là vì danh dự của Hội, trước những nguồn dư luận trái chiều như thế, ngày 17 tháng 9 năm 2014, trong Thư Ngỏ gửi quý cựu đồng nghiệp Hội AHCGCVNTHN, ông đã công khai từ nhiệm tư cách Chủ tịch Hội, sau đó thăm dò ý kiến chung của Ban Chấp Hành và những cựu đồng nghiệp quan tâm, ông gửi văn thư triệu tập Đại Hội bất thường hôm nay.

Tiếp theo, cựu đồng nghiệp Thủ quỹ Nghiêm Thị Hiếu đã được mời lên tường trình về các nguồn tài chánh và việc chi thu trong Hội từ trước tới nay. Những khoản thu gồm sự đóng góp của đồng nghiệp, đặc biệt như trong mỗi lần họp mặt mừng Xuân, cựu đồng nghiệp Trịnh Thúy Nga (quả phụ cố GS Trần Bích Lan) thường xuyên góp vào quỹ Hội 200 MK, hoặc tặng sách bán để gây quỹ cho Hội (CĐN Vũ Đức).

Ngoài ra là việc đóng góp niên liễm mang tính tự nguyện 10 MK cho mỗi người. Về khoản chi, ngoài những quà cáp thăm viếng các cựu đồng nghiệp đau yếu, hàng năm quỹ Hội cũng chi ra một khoản để mua hoa, đăng báo phân ưu những cựu đồng nghiệp hoặc vị phối ngẫu mãn phần. Cũng có những khoản đóng góp lớn hơn như gửi giúp quỹ xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (1000 MK), gửi 400 MK về tặng các bạn trẻ đấu tranh cho tự do, nhân quyền ở VN.

Trong cả hai phần tường trình của cựu đồng nghiệp Chủ tịch và Thủ quỹ, nhờ những dữ kiện nêu ra hết sức cụ thể, những con số chi thu minh bạch, hội trường đã vang lên những tràng pháo tay tán đồng.
                                  
                                                               Ban Chấp hành cũ từ chức

Trong nghi thức từ nhiệm, các vị sau đây đã xuất hiện trước cử tọa để cùng từ chức với cựu đồng nghiệp Chủ tịch Lưu Trung Khảo: Nghiêm Thị Hiếu, Trần Cảnh Xuân, Nguyễn Trung Quân, Lê Chính Long, Đinh Lưu Nhã, Vũ Đức, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Đình Cường, Phạm Quân Hồng, Trần Ngọc Vân.

Trong phần phát biểu, CĐN Nguyễn Trung Quân tuyên bố ông đã cực lực phản đối sự việc vài người đã tự tiện ghi tên ông vào một văn bản mang tính cách chia rẽ vì ông không chấp nhận âm mưu chia rẽ tập thể cựu giáo chức Việt Nam Cộng Hòa.

Để tiếp nối chương trình Đại Hội, CĐN Nguyễn Đình Cường yêu cầu mọi người hiện diện đề cử Ban Chủ Tọa để tiến hành việc thành lập một Ban Xử Lý Thường Vụ (XLTV) công việc của Hội với nhiệm vụ nghiên cứu Nội Quy để đưa ra biểu quyết trong Đại hội bầu tân Ban Chấp Hành Hội vào đầu năm tới.

Sau phần đề cử, bằng nguyên tắc giơ tay, Đại Hội đã tín nhiệm ba vị vào Chủ Tọa Đoàn gồm các cựu giáo chức Trần Cảnh Xuân, Phạm Quân Hồng và Trần Ngọc Vân. Thư ký do hai CĐN Phạm Thị Nga và Nguyễn Hữu Bào đảm nhiệm.

Dựa vào nội quy Hội, Chủ Tọa Đoàn đã nêu lên một số nguyên tắc cơ bản trong việc ứng cử và bầu cử. Ban XLTV sẽ gồm 5 vị, nhưng cử tri sẽ chỉ bầu chọn 4 vị. Riêng vị thứ năm, tất cả đồng ý lưu nhiệm CĐN Nghiêm Thị Hiếu tiếp tục ở lại chức vụ Thủ quỹ cho đến khi tân Ban Chấp Hành được thành lập.

Sau khi thâu nhận những ý kiến đóng góp của các cựu đồng nghiệp giáo chức hiện diện, phiếu bầu được phát cho 59 cựu giáo chức hội đủ điều kiện, việc ứng cử và đề cử được tiến hành mau chóng. Vì thái độ khiêm tốn cố hữu của nhà giáo không có ai ứng cử, do đó cử tri đoàn đã đề cử 10 vị để mọi người bầu chọn.

                                  
                          

                                                                 Ban XLTV mới được bầu cử


Kết quả bốn vị sau đây đã được tín nhiệm để cùng với cựu đồng nghiệp Nghiêm Thị Hiếu làm việc trong Ban XLTV: các CĐN Phạm Thị Nga (Bích Huyền), Đỗ Anh Tài, Phạm Quân Hồng, Nguyễn Đình Cường.

Sau khi công bố kết quả, Đại Hội đã kết thúc trong không khí hân hoan với niềm tin tưởng, lạc quan của mọi người.