Thursday, 23 April 2015

30/4 chỉ như ngày lễ Vu Lan - Nguyễn Bách Nguyệt Châu

Huế, Mậu Thân 1968
Cảnh chụp ở Huế tháng Ba 1968
Không phải sinh ra trong thời chiến, những hiểu biết của tôi về chiến tranh Việt Nam đều là do cha ông kể lại, qua sách vở, và qua thời gian còn là học sinh.
Tôi xuất thân từ một gia đình bần cố nông ở miền Bắc. Ông nội tôi từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và được tặng nhiều Huân, Huy chương từ hạng Nhất đến hạng Ba. Sau đó ông còn làm ở tỉnh, rồi mấy khoá Chủ tịch xã.
Ông ngoại tôi là liệt sỹ, mất trong chiến tranh, nghe nói lúc đó mẹ tôi còn rất bé. Anh trai tôi thì hiện tại đang công tác trong quân đội với hàm Thiếu tá.
Còn tôi, hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tôi cùng đồng nghiệp đã công bố hơn 60 công trình khoa học, trong đó có rất nhiều bài báo trong các tạp chí Science Citation Index (SCI), đồng thời cũng tham gia mấy chục đề tài, chủ nhiệm vài đề tài khoa học. Tôi cũng đang hoàn tất luận án Tiến sỹ ở một quốc gia châu Âu do nước đó tài trợ học bổng.
Với những điều kể trên hẳn mọi người cũng hiểu gia đình tôi thuộc thành phần có công với ‘cách mạng’.
Được học tập ở một đất nước tiên tiến, dân chủ nên tôi có cơ hội tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam. Và những điều tôi biết lại trái ngược hoàn toàn với những điều tôi đã được nhồi sọ như khi còn ở trong nước.
Người Việt Nam được coi là hiền lành, yêu hoà bình, là một dân tộc mạnh mẽ chống lại mọi kẻ thù xâm lược, kể cả kẻ thù mạnh nhất. Nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn nếu không có những ngày dân tộc Việt Nam tàn sát lẫn nhau.
Cách đây mấy hôm, bạn tôi hiện đang làm việc trong nước có đăng một trạng thái trên mạng xã hội như thế này “Kỉ niệm 30/4 là kỉ niệm ngày dân tộc Việt Nam tàn sát nhau đẫm máu nhất trong lịch sử!”.
Việt Nam Cộng Hoà đã từng là một quốc gia thực thụ, điều đó đã được quốc tế công nhận, nhưng đã hoàn toàn bị tiêu diệt vào ngày 30/4 năm 1975.
Kèm theo đó là rất nhiều người chết, rất nhiều người mất nhà cửa và phải chạy chốn khỏi quê hương. Đó chính là một hành động xâm lược của chính quyền miền Bắc Việt Nam.
Tác giả cho rằng không nên kỷ niệm rình rang ngày 30/4
Chúng ta có đáng để tự hào khoe khoang nếu như ta sang nhà hàng xóm giết chết ông bố của một cậu bé chỉ vì ông bố đó không nghe lời mình và nói với cậu bé rằng mình đã giải phóng cho cậu bé khỏi kẻ thù?
Một bộ phim tôi từng xem đó là “Mùi cỏ cháy”. Bộ phim kể về cuộc chiến “giải phóng dân tộc” vào những năm quân đội chính quyền miền Bắc vượt qua vĩ tuyến 17, đánh chiếm Quảng Trị. Cuối bộ phim tôi không thể không đau xót khi xem cảnh chính người Việt Nam giết người Việt Nam. Những xác chết của những người lính bảo vệ chính quyền của mình nằm ngổn ngang. Nhưng những người lính bảo vệ chính quyền miền Nam chết nhiều hơn, họ cũng cố gắng bảo vệ đất nước họ khỏi sự xâm lược.
Tuy nhiên những gì chúng tôi được học, được dạy dỗ thì những ngày đó là những ngày giải phóng dân tộc, là những ngày quét sạch giặc Mỹ và bè lũ tay sai. Và ngày 30/4 là ngày đánh dấu đất nước hoàn toàn thống nhất, đáng phải ăn mừng kỷ niệm, đáng phải liên hoan văn nghệ…
Sài Gòn trước năm 1975 được coi là Hòn Ngọc Viễn Đông (Pearl of the Far East) của châu Á có kinh tế cực kỳ phát triển. Vậy mà sau khi thống nhất đất nước, chúng ta còn kém xa Hàn Quốc, một quốc gia có xuất phát điểm như Việt Nam.
Rõ ràng Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề trái ngược với sự phát triển của nhân loại.
Nào là ô nhiễm môi trường, những dòng sông đen giữa lòng thủ đô. Giáo dục xuống cấp, nhiều người chẳng cần học gì nhưng vẫn mua được bằng, kiếm được công việc tốt hơn so với những người học thực thụ.
Đất nước nhiều tài nguyên là thế, nhưng người dân được hưởng lợi gì? Các học sinh vẫn đều phải đóng học phí, mọi người phải trả tiền cho y tế, phải trả tiền cho phí đi đường…
Một người bạn Czech của tôi thì sau khi du lịch ở Hà Nội về đã hỏi tôi một câu cay cú: Tôi không hiểu tại sao anh lại có thể sống và làm việc ở Hà Nội?”
Nếu không có những ngày “thống nhất đất nước”, chắc chắn Sài Gòn sẽ phát triển hơn rất nhiều so với hiện tại. Khi đó những người như chúng tôi có lẽ chẳng phải đi học ở đâu xa.
Riêng tôi, ngày 30/4 chẳng khác gì ngày rằm tháng 7, là ngày lễ Vu lan, ngày thắp hương cầu siêu xin sự tha thứ của những oan hồn, những người chết vì một cuộc chiến không đáng có.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975 về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.