Sunday, 19 April 2015

N Ấ M - PHẠM ĐÌNH LÂN F.A.B.I.

 
          Tên văn vẻ của nấm là Khuẩn. Nấm mọc dưới đất, ở những nơi ẩm thấp, trên thân cây sống, cây rã mục hay trên phân ngựa, phân voi như mã khuẩn, tượng khuẩn chẳng hạn.
Về hình dáng phần lớn nấm mọc dưới đất đều có hình cây dù. Có loại nấm dưới dạng củ như nấm truffle phải dùng heo nái đánh hơi và ủi lên. Các loại nấm mọc trên cây đều phẳng như hình quạt xòe.
Về màu sắc nấm có các màu thường thấy là màu xám ngả đen, màu trắng, màu vàng, màu đỏ, màu xanh nhạt.
Chiều cao trung bình của nấm không quá 25 cm. Ở Phi Châu có nấm khổng lồ Lycoperdon gigantum . Đường kính tai nấm lên đến 150 cm. Người ta có thể dùng nấm khổng lồ này như cây dù che nắng, mưa. Ngoài ra còn phải kể đến nấm mối khổng lồ Termitomyces titanicus gốc ở Phi Châu.
Có những loại nấm ăn được. Có những loại nấm độc không ăn được. Có những loại nấm ăn được và được dùng để chữa những nan chứng của loài người. Kinh nghiệm dùng nấm trị bịnh đã có ở Trung Hoa, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản từ hàng chục thế kỷ trước. Ở Việt Nam không thấy nói nhiều về việc dùng nấm trị bịnh ngoại trừ việc dùng nấm tràm để giã rượu khi bị say rượu trầm trọng.
NẤM ĂN ĐƯỢC THƯỜNG THY
Có rất nhiều loại nấm ăn được. Những loại thường thấy là:
a. nấm mối (nghi khuẩn) Termitomyces microcarpus tai nhỏ và thường thấy ở nơi có mối làm ổ (gò mối). Trong chữTermitomyces trong tên khoa học có chữ termites là con mối. Ở Phi Châu có nấm mối khổng lồ Termitomyces titanicus ăn ngon, có nhiều proteins và hoạt chất làm giảm cholesterol và đường trong máu.
b. nấm rơm Volvaria volvacea thường thấy trong những đống rơm ẩm và mục. Người ta cũng có thể trồng nấm rơm để có nấm bán thường xuyên.
Nấm mối
Nấm rơm
 
c. nấm mộc nhĩ tức nấm tai mèo Auricularia auricula- judae mỏng và có màu hung đỏ ngả tím.
d. nấm tràm Tylopilus felleus mọc ở những vùng có rừng tràm. Nấm có vị đắng đặc biệt.
Nấm tai mèo
Nấm tràm
 
e. nấm sò hay nấm bào ngư Pleurotus ostreatus có hình con sò, được xem là nấm ngon và đắt tiền.
f. nấm phong là nấm mọc trên cây phong (cây thích, cây maple) mang tên khoa học Acer pseudoplatanus. Người ta cho rằng nấm phong ngon và ‘nên thuốc’ vì cây phong chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết rất tốt và có nhựa ngọt. Nhưng nếu có rắn rít lưu nọc trên nấm phong thì người ăn nấm mắc bịnh cười! Người bị bịnh cười phải uống nước sắc dây hay trái bí đao mới hết! Tôi xin ghi lại để kiểm chứng với tất cả sự dè dặt.
g. nấm tuyết được gọi là bạch mộc nhĩ (Bai mu erTremella fuciformis là một loại nấm tai mèo trắng có giá trị thương mãi và y học trị liệu. Người Nhật gọi nấm tuyết là Shiro kikkurage. Tương truyền rằng Yang Guifei (Dương Quí Phi) dùng nấm tuyết để dưỡng cho da mịn và ẩm. Nấm tuyết được gán cho nhiều đặc tính như bổ thận, bổ phế, bổ xương, kháng viêm, kháng độc tố, bảo vệ gan, hạ cholesterol, hạ máu đường.
Nấm sò
Nấm tuyết
h. nấm thông da nhựa màu vàng Lactifluus deliciosus ngon và có hoạt chất kháng ung thư. Khi ăn phải cạo lớp da nhựa mỏng trên nấm. Nếu không sẽ bị tiêu chảy vì arabitol C5 H12 O5 tạo môi trường sinh sôi nẩy nở vi trùng trong đường ruột. Các loại nấm thông màu huyết Lactarius sanguifluus hay nấm thông Boletus luteus đều ăn được, vị hơi đắng vì đất ở vùng có cây thông chua; ít có loại thảo mộc nào thích hợp với thổ nhưỡng chua như nấm thông.
Ở nước ta đa số dân đều làm nghề nông và sống ở nông thôn. Mức sống không cao. Nấm ăn thường thấy là nấm mối, nấm rơm, nấm tràm. Nấm mối và nấm rơm thường được chiên với trứng vịt, hoặc chưng với trứng vịt, hoặc xào với một loại thực vật nào đó với mỡ heo. Trong thức ăn chiên xào đơn giản như vậy chính nấm mối cung cấp chất ngọt như thịt cá vậy. Nấm tràm thường dùng để nấu canh với mướp (mướp khía, mướp hương) với bún Tàu và tôm khô để ăn cơm. Nấm mèo, nấm đông cô hay nấm sò thì phải có thịt đi kèm mới trở thành thức ăn ngon và bổ dưỡng. Nấm mà người nông thôn dùng là nấm mọc thiên nhiên trong rừng, dưới các gốc cây, dưới cây rơm chớ không phải là nấm trồng bằng men. Những loại nấm có màu đen sẫm, vàng sẫm hay đỏ sẫm không được ăn vi người ta có cảm giác đó là nấm độc. Cũng có người tránh ăn những loại nấm độc nào đó vì có người trong thôn ấp ăn và bị xùi bọt mép hay đớ lưỡi không nói năng được.
Nấm ăn đắt tiền nhất là nấm truffle Tuber magnatum tựa như một củ khoai mỡ to màu đen nằm dưới đất. Một pound (453 grams) nấm truffle ngon có thể trị giá vài ngàn Mỹ kim.
Nấm thông màu huyết
Nấm truffle Tuber magnatum
 
 
NẤM ĐỘC
Việc phân biệt nấm ăn được và nấm độc rất khó nếu không phải là nhà nghiên cứu về nấm (mycologist) hay người đi nhổ nấm hoang chuyên nghiệp để ăn và để bán. Dấu hiệu của nấm độc là màu sắc (đỏ, xanh, đen, vàng sẫm) và màu nhựa của chúng. Nhưng hai yếu tố này vẫn chưa đủ để xác định nấm độc hay không. Những loại nấm độc được lưu ý là:
1. nấm độc nhựa vàng Agaricus xanthodermus. Nấm không có màu vàng nhưng nếu bẻ chân nấm hay dùng vật nhọn đụng vào chân nấm, nhựa vàng tuôn ra. Người ta dễ nhầm lẫn loại nấm nhựa vàng này với mã khuẩn (nấm phân ngựa)Psalliota arventis được xem là loại nấm ngon.
2. các loại nấm dòng Amanita như Amanita phalloids (nấm độc tai xanh), Amanita virosa mà người Anh gọi là Destroying Angel (nấm hủy diệt Thiên Thần) và dòng Galerina như Galerina autumnalis (nấm độc mùa thu vì nở vào mùa thu và tai và chân nấm đều một màu (độc sắc) đều có độc chất amatoxins, phallotoxins, vitoxins rất độc. Hàm lượng độc chất trong nấm mùa thu Galerina autumnalis cao hơn cả nên tỷ lệ tử vong vì ăn nhầm nấm độc này rất cao và rất nhanh. Khi ăn nhầm nấm độc dòng Amanita và Galerina người ăn bị ói mửa, nhịp tim bất thường, bị tiêu chảy, dạ dày đau nhói. Sau vài tiếng đồng hồ cơn đau dịu xuống. Người bịnh có cảm giác bịnh đã qua. Nhưng liền sau đó độc chất tàn phá gan và thận và dẫn đến tử vong nhanh chóng. Cách chữa kịp thời và hữu hiệu là dùng nhiều trụ sinh và thay gan! Người ta đặt giả thuyết rằng hoàng đế Tiberìus Claudius bị thuốc bằng nấm độc Amanita phalloides (nấm độc tai xanh) chết năm 54 sau Tây Lịch. Người Anh gọi nấm độc tai xanh này là Death cap hay Stinking amanita (Xú hương khuẩn).
Nấm độc nhựa vàng
Nấm độc mùa thu
Nấm tai xanh
Nấm hủy diệt thiên thần
 
3. nấm độc da heo (pigskin) màu vàng chanh Scleroderma aurantium (vàng) hay Scleroderma citrinum (chanh lemonvàng ở Hoa Kỳ). Nấm độc da heo màu vàng và được tìm thấy dưới dạng củ như nấm truffle nhưng ăn không được. Lại gần loại nấm củ màu vàng này thì nước mật tự tuôn chảy và mũi bị hắt hơi liên tục. Nấm độc da heo có ergosterols, lanosterols chống kết bướu, kháng viêm và kháng oxy hóa.
4. Người ta không ăn các loại nấm mọc trên phân bò Psilocybe cubensis, phân ngựa (mã khuẩn) Psalliota arvensis hay phân voi (tượng khuẩn) Panaeolus antillarum vì nấm mọc trên môi trường không vệ sinh. Thực tế mã khuẩn được xem là loại nấm ngon được cư dân miền ôn đới ưa thích. Những loại nấm này không độc đến chết người nhưng gây ảo giác như chất ma túy (nấm mọc trên phân bò). Luật pháp Hoa Kỳ nghiêm phạt người tồn trữ nấm mọc trên phân bò Psilocybe cubensis vì có alkaloids psilocybin C12 H17 H2 O4 P và psilocin C12 H16 N2 O gây ảo giác và hại thần kinh.
Nấm độc da heo
Nấm mọc trên phân bò
 
 
NẤM TRỊ UNG THƯ
Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản biết dùng nấm trị bịnh từ nhiều thế kỷ trước. Qua kinh nghiệm chữa trị ung thư bằng nấm ở ba quốc gia hoàng chủng Đông Á ta thấy có nhiều loại nấm được dùng để chữa ung thư. Trong khuôn khổ nhỏ của bài viết này chúng tôi chỉ nói qua vài loại mà thôi. Ngày nay Nhật Bản, Triều Tiên và Đại Hàn có nhiều nhà khoa học có tầm vóc quốc tế. Họ bắt đầu nghiên cứu để kiểm chứng xem kinh nghiệm trị liệu của tiền nhân họ có căn bản khoa học và việc dùng nấm trị ung thư có kết quả gi không. Các loại nấm dùng để trị ung thư mà chúng tôi sẽ đề cập là: nấm đen Chaga, nấm linh chi, nấm Matake, nấm vân chi, nấm giâu vàng (tang hoàng khuẩn) Phellinus linteus đã nói trong bài Cây Giâu Tằm Trong Sinh Hoạt của Loài Người, đông trùng hạ thảo, nấm công chúa Matsutake mùi hạnh nhân Agaricus blazei.
 
Hắc Khuẩn Chaga
  Hắc khuẩn Chaga hay đơn giản là nấm Chaga, tên gọi âm trại từ chữ Gaga của người Nga ở Tây Bá Lợi Á chỉ cái môi của cây hoa mộc (bouleau- birch) Betula lutea. Nấm đen Chaga khác hoàn toàn với các loại nấm ăn, nấm độc mọc dưới đất hay trên cây. Không giống các loại nấm thông thường có tai và chân nấm nhỏ và mềm, nấm Chaga là một bướu đen to như cái tô trên thân cây nuôi nó. Màu đen của nấm cho thấy nấm có nhiều sắc tố đen melanin. Người đi tìm nấm phải xách theo cái rìu để chặt nấm! Bên trong lớp đen phủ bên ngoài là lớp mộc màu vàng hay trắng của cây hoa mộc. Nấm sống bám trên cây hoa mộc, một loại cây có nhiều dược tính từ nhựa, lá, mầm non đến vỏ cây. Cây hoa mộc chịu lạnh rất khỏe dù là vùng khí hậu giá băng Mãn Châu hay Tây Bá Lợi Á. Vì vậy hắc khuẩn Chaga trên cây hoa mộc vàng Tây Bá Lợi Á được xem là có dược tính cao hơn cả. Cừ bằng cây hoa mộc ở Venice ngâm dưới nước biển nhiều thế kỷ vẫn không hư mục
Nấm đen Chaga ăn bám vào nhựa cây. Cây là thảo mộc có tuổi thọ cao. Cây trường thọ có thể sống đến 10,000 năm. Vì vậy chùm gởi hay nấm đen Chaga mọc trên cây nhất là cây có dược tính cao tất phải có tính năng trị liệu cao. Nếu nấm Chaga phát triển và không được khai thác, cây nuôi nó chết dần dần vì bị mất hết chất dinh dưỡng. Nếu khai thác nấm Chaga không dùng phương pháp, cây sẽ không cho nấm mới. Phải mất lối 04 năm mới khai thác nấm mới từ cây vừa khai thác.
Nấm đen Chaga không có dạng nấm và không ăn được. Đó là ‘bướu gỗ đen’ dùng để làm thuốc. Khi dùng rìu chặt nấm đem về nhà người ta có những khúc củi nhỏ màu đen sẫm chen lẫn màu vàng bên trong. Người ta dùng cái giũa để cà lớp đen bên ngoài để có bột nhuyễn như bột cà phê rang cháy. Xong người ta chặt phần gỗ vàng ra từng mảnh nhỏ và mỏng để xay thành bột. Bột ấy dùng làm trà uống như cà phê để trị bịnh. Nước trà này đen như cà phê và có vị đắng.
Nấm Chaga là đặc sản của vùng Tây Bá Lợi Á nơi có nhiều rừng cây hoa mộc mà người Trung Hoa gọi là Hua Mu hayYing Mu ( Anh mộc). Nó cũng được tìm thấy ở vùng núi Urals, Ba Lan, các quốc gia Bắc Âu, Đông Âu, Hoa Kỳ, Canada, Hoa Bắc, Triều Tiên, đảo Hokkaido của Nhật tức vùng ôn đới hay bán hàn đới.
Tên khoa học của nấm đen Chaga là Inonotus obliquus thuộc gia đình Hymenochaetaceae.
Người Nhật gọi nấm Chaga là Kabanoanatake. Họ mệnh danh đó là kim cương trong rừng. Cư dân Tây Bá Lợi Á gọi là nấm bất tử, món quà của Thần Thánh. Người Trung Hoa gọi là thảo vương (vua cây cỏ). Người Anh gọi là black mass, black tree fungus, birch canker polypore (vết thối mục đầy lỗ nhỏ li ti), tinder fungus (nấm bùi nhùi vì bột nấm đen dùng làm bùi nhùi mồi lửa). Người Pháp gọi là carie blanche spongieuse de bouleau ( gỗ trắng xốp mục của cây hoa mộc).
Công dụng của nấm đen Chaga:
- Bột nấm sấy khô làm trà để uống; làm bùi nhùi nhúm lửa.
- Dùng để trị: tiểu đường, ung thư, viêm gan, cổ trướng, bịnh tim mạch, tăng cường hệ thống miễn nhiễm. Nấm đen Chaga kháng khuẩn, kháng trùng, kháng viêm.
- Thành phần hóa học: beta- glucans, betulinic acid C30 H48 O3, amino acid, flavonoids, melanin, phenols, betulin C30 H50 O2, tripeptides, triterpenes, triterpenoids, vanillic acid, sinh tố B1, B2, B3, D2, K, Ca, Mg, Mn, Fe, lanosterol, polysaccharides, sterols, saponins, trametenolic acid, germanium, pantothenic acid.
Nga, Trung Hoa, các quốc gia Bắc Âu và Đông Âu có nhiều kinh nghiệm về việc dùng nấm đen Chaga trị các chứng bịnh hiểm nghèo. Năm 1958 các nhà khoa học Liên sô và Ba Lan dùng nấm đen Chaga chữa bịnh ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đường tiểu và viêm da ngứa sưng đỏ và nổi vảy (psoriasis) như để kiểm chứng kinh nghiệm trị liệu cổ truyền của cư dân Tây Bá Lợi Á. Theo sự nghiên cứu, nấm đen Chaga trị ung thư và tăng cường hệ thống miễn nhiễm mạnh gấp trăm lần nấm linh chi tức nấm Reishi Ganoderma lucidum. Hiện nay người ta nghiên cứu xem nấm đen Chaga có thể trị HIV có kết quả hay không.
 
Hương Khuẩn tức Nấm Shiitake
  Gọi là hương khuẩn hay nấm hương vì nấm có mùi thơm. Người Nhật gọi là nấm Shiitake; Trung Hoa: Xiang gu (hương khuẩn) hay Dong Gu (đông khuẩn hay nấm mùa đông). Hương khuẩn (nấm hương) hay nấm Shiitake (1) là nấm mọc trên cây Shii rã mục. Cây Shii là một thân thuộc của cây xồi (oak, beech). Tên khoa học của cây Shii làCastanospis cuspidata hay Quercus cuspidata thuộc gia đình Fabaceae.
Nấm hương là một loại nấm ngon và đắt tiền. Nó được tìm thấy nhiều ở vùng khí hậu ôn đới và bán nhiệt đới nhất là ở các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên.
Tên khoa học của nấm hương là Lentinus edodes thuộc gia đình Marasmiaceae. Người Anh gọi là Shiitake mushroom, Chinese black mushroom, black forest mushroom.
Nấm hương có nhiều sinh tố D, lentinan C42 H72 O36 kháng ung thư. Úc Đại Lợi đã dùng với kết quả khả quan. Hoạt chất lấy từ phần thực vật nhuyễn như sợi chỉ của nấm (mycelium) có đặc tính bảo vệ gan.
______
(1) Shii: cây Shii (như cây xồi); take: sợi tóc.
 
Nấm Maitake ' Khiêu Vũ Khuẩn '
  Theo tiếng Nhật Maitake có nghĩa là nấm nhảy múa vì ngày xưa khi gặp nấm này trong rừng người ta vui mừng nhảy múa tung tăng. Điều đó chứng tỏ nấm Maitakelà một loại nấm quí về phương diện dinh dưỡng lẫn trị liệu.
Tên khoa học của nấm Maitake là Grifola frondosa thuộc gia đình Meripilaceae. Người Anh gọi nấm Maitake là Gà mái trong rừng (Hens of the woods).
Nấm Maitake là nấm ngon và bổ dưỡng đối với người Nhật. Họ dùng nấm này để nấu cháo hay chiên xào với thịt gà. Từ xưa người Nhật biết dùng nấm Maitake làm thuốc trị các nan chứng của loài người. Ngày nay những nghiên cứu khoa học xác nhận kinh nghiệm dân gian phù hợp với kết quả những cuộc nghiên cứu và thí nghiệm khoa học.
Nấm Maitake có sinh tố B1, B2, D, protein, sợi v.v. Polysaccharides của nấm gọi làbeta- glucans kích thích hệ thống miễn nhiễm ngăn ngừa ung thư, tế bào T (T cell). Hoạt chất lấy từ nấm Maitake gọi làMaitake D- fraction có khả năng chữa HIV, bịnh tiểu đường, viêm gan, cao huyết áp, cao mỡ trong máu và làm giảm cân.
Nấm Maitake được khai thác trong trạng thái thiên nhiên trong rừng. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu về nấm Maitake, người ta gia tăng mức sản xuất nấm bằng mạt cưa và men nấm.
 
Nấm Vân Chi
  Tên gọi nấm Vân Chi dịch âm từ tên gọi của người Trung Hoa Yun zhi và được người Anh dịch nghĩa thành cloud mushroom (vân khuẩn). Đây là một loại nấm miền ôn đới và bán hàn đới lạnh. Nấm thường mọc trên cây thông hàn đới (spruce). Nấm có hình cái quạt xòe, tai mỏng, rìa viền màu trắng, bên trong có nhiều vân nhỏ trên nền màu đen- xám. Trên mặt nấm có nhiều lỗ nhỏ li ti. Người Trung Hoa thấy hình mây trong tai nấm. Người Tây Phương thấy hình đuôi gà tây trống xòe nên người Anh còn gọi nấm Vân Chi là Turkey’s tail mushroom (2) và Pháp gọi là Champignon de queue de dinde (3).
Tên khoa học của nấm Vân Chi là Polyporus versicolor thuộc gia đình Polyporaceae.
Người ta chú trọng đến nấm Vân Chi trong việc trị liệu ung thư hơn là tầm quan trọng của nó trong dinh dưỡng. Nấm có polysaccharides Krestin (PSK) và polysaccharides- peptide (PSP), versicolor polysaccharides (VPS) và antioxidants. PSK, PSP kháng ung thư rất mạnh. Từ nhiều thế kỷ qua nấm đã được dùng làm thuốc trị nan chứng. Đến thập niên 1980 chánh phủ Nhật cho phép dùng hoạt chất lấy từ nấm Vân Chi để trị ung thư. PSK và PSP trong nấm Vân Chi kích thích hệ thống miễn nhiễm chống sự hình thành tế bào ung thư. Nấm Vân Chi được dùng để trị ung thư vú, ung thư ruột già, ung thư dạ dày. Theo Hoa Y nấm Vân Chi lợi cho Tỳ kinh, Phế kinh, Can kinh do đó, nấm được dùng để trị viêm gan, cổ trướng (cirrhosis), viêm thận, đau khớp xương, tí thấp (gout), u bướu, ung thư.
______
(2) Turkey: xứ Thổ Nhĩ Kỳ; con gà Tây.
(3) Theo ý riêng của chúng tôi thì DINDON (gà Tây trống) hơn là DINDE (gà Tây mái) vì gà Tây trống xòe đuôi như cái quạt to mỗi khi gáy ‘cà lốc! cà lốc! lốc! lốc!’ như con công trống xòe đuôi khi múa. Chúng tôi chưa thấy gà Tây mái gáy và xòe đuôi.
 
Nấm Linh Chi tức Nấm Reishi hay Mannetake
 
Người Nhật gọi nấm Linh Chi (Trung Hoa: Ling Zhi) là Reishi hayMannentake có nghĩa là 10,000 năm. Vậy chúng ta có thể gọi nấm Linh Chi là Vạn Niên Khuẩn theo cách nói của người Nhật. Người Triều Tiên gọi nấm Linh Chi là Hangul. Người Anh gọi theo người Nhật là Reishi mushroom.
Nấm Linh Chi mọc trên những cây rã mục ở miền khí hậu ôn đới như cây xồi (oak), cây thích (maple) chẳng hạn. Tai nấm to màu vàng cam, vành rìa trắng. Mặt trên của nấm láng và sáng (lucidum: sáng;derma: da).
Tên khoa học của nấm Linh Chi là Ganoderma lucidum thuộc gia đình Polyporaceae.
Nấm Linh Chi sớm đi vào y thư Trung Hoa từ 2500 năm trước Tây Lịch. Nó được xem là một loại thuốc hữu ích cho sự trường thọ của con người. Theo Đông Y, các loại thảo mộc cống hiến vào việc kéo dài tuổi thọ của nhân loại gồm có:
1. nấm Linh Chi Ganoderma lucidum
2. nhân sâm Panax ginseng
3. rau má Centella asiatica
4. hà thủ ô Polygonum multiflorum
Các thầy thuốc Đông Y ngày xưa chia nấm Linh Chi ra làm 06 loại căn cứ vào màu sắc tương ứng với lục phủ ngũ tạng trong thân thể như sau:
Màu Sắc
Bộ Phận Trong Cơ thể
Đỏ
Tim
Tím
Các khớp xương
Xanh
Gan
Trắng
Phổi
Đen
Thận, Não
Vàng
Tỳ
 
Nấm Linh Chi có ganoderic acid, nguồn beta- glucans chứa ergosterol, coumarin, mannitol, lactones, alkaloids, ác xít béo, sinh tố và khoáng chất. So với các loại nấm khác, nấm Linh Chi có 75% nước (ít nước so với các loại nấm khác).
Nấm Linh Chi kháng viêm, kháng nấm, kháng khuẩn, kháng trùng. Nấm được dùng để chữa trị tiểu đường, cao huyết áp,cholesterol, u bướu, ung thư, bảo vệ gan chống nhiễm độc hay bị thương tổn. Ganoderic acid C30 H44 O7 trị gan nhiễm khuẩn hay độc chất, u bướu. Nấm Linh Chi còn chữa trị bịnh tìm, mất ngủ, mất trí nhớ, suy nhược cơ thể.
 
Đông Trùng Hạ Thảo
  
Đông Trùng Hạ Thảo là một loại nấm mọc trên thân xác của ấu trùngHepialus armoricanus họ Lepidoptera. Qua tên gọi ta thấy vào mùa đông đó là những ấu trùng và vào mùa hạ là cây cỏ dưới dạng nấm sống trên thân xác của ấu trùng. Ta gọi Đông Trùng Hạ Thảo dựa vào cách gọi của người Trung Hoa Dong Chong Xia Cao. Người Nhật gọi là Tochu Kaso; Anh: Caterpillar fungus (nấm sâu), Cordiceps fungusHimalayan viagra (tên gọi này mới xuất hiện). Người Tây Tạng gọi là Yartsa gunbu nghĩa là mùa hạ là cây cỏ; mùa đông là trùng (Bu: trùng- tiếng Tây Tạng).
Đông Trùng Hạ Thảo được tìm thấy nhiều ở Tây Tạng, Yunnan (Vân Nam), Sichuan (Tứ Xuyên), Qinghai (Thanh Hải), Nepal, Bhutan. Đông Trùng Hạ Thảo chiếm 50% trị giá hàng xuất cảng của Tây Tạng. Ngoài ra nó cũng được tìm thấy ở Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan và các tỉnh dọc theo biên giới Việt- Hoa.
Tên khoa học của Đông Trùng Hạ Thảo gồm có:
Tên Cũ
Gia Đình Thảo Mộc
Cordyceps sinensis
Sphaeria sinensis
Clavipitaceae
Tên Mới
Gia Đình Thảo Mộc
Ophiocordiceps sinensis
Ophiocondycipitaceae

Đối với Hoa Y đây là một loại nấm có dược tính cao và khan hiếm được dùng từ ngàn năm trước. Đông Trùng Hạ Thảo được người Tây Phương công nhận dưới góc nhìn khác. Tên gọi Himalayan viagra cho thấy người Tây Phương quan tâm đến Đông Trùng Hạ Thảo dưới góc nhìn tình dục. Đó là thuốc kích dục chữa trị chứng lãnh dục (frigidity) của phụ nữ và bất lực sinh lý (impotence) hay yếu sinh lý của nam nhân.
Đông Trùng Hạ Thảo có nhiều proteins, cordyceptic acid, cordycepin, polysaccharides, sterols, nucleosides, oligosaccharides, sinh tố E, K, B1, B2, B12 v.v. Theo Đông Y nó được xem như bổ Phế và Thận và có công dụng trị ho lao, suyễn, viêm phổi, viêm gan, cổ trướng, liệt dương, suy tim, xuất huyết. Nó chống lão hóa, chống ung thư, tăng cường hệ thống miễn nhiễm, trị mệt mỏi, chán nản. Đó là nguồn trùng cyclosporia gây bịnh tiêu chảy ác tính nhưng được dùng làm thuốc kháng sinh cho người ghép gan, thận...thích ứng dần với bộ phận mới ghép hay cho người chữa bịnh bằng quang tuyến (X- Ray) hay hóa học trị liệu.
 
****
Chân trời nghiên cứu càng ngày càng mở rộng trên cơ sở:
Vạn vật không thiếu không thừa
Không có vật gì hiện hữu trên Trái Đất mà không có công dụng.
Việc dùng nấm để trị nan chứng không phải là chuyện lạ. Fleming há không tìm ra thuốc trụ sinh từ nấm Penicillium fungus sao? Trên lập luận:
Lấy độc trị độc
Vật chưa có công dụng gì thì dùng để làm thuốc
Tôi hy vọng rằng trong tương lai các loại nấm độc, cây có nhựa độc, gỗ độc, lá, hoa và trái độc sẽ được nghiên cứu sâu rộng hơn để biến chúng thành những vật hữu ích tối đa. Nhân loại gia tăng. Trái đất vẫn như cũ hay có hao mòn đôi chút. Nhưng không vì thế mà loài người đói khổ lầm than vì thiếu ăn thiếu thuốc nếu biết tận dụng tài nguyên thiên nhiên một cách khoa học và hợp lý và xã hội không có cảnh bất công và bất bình đẳng thái quá.

Bài viết tổng hợp trích từ Thế Giới Thảo Mộc Tự Điển do chính tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.


PHẠM ĐÌNH LÂN F.A.B.I.