Saturday, 30 May 2015

Cây Búa, Con Người và Con Bò - Đinh Từ Thức

H1Theo tin BBC ngày 21 tháng 05, 2015, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nói tại thành phố Hồ Chí Minh rằng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ‘rất mong’ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu tại Trung tâm Hoa Kỳ, Lãnh sự quán Hiệp Chủng Quốc, TP HCM,  hôm 19/5 trong khuôn khổ chuyến thăm hai ngày tới Việt Nam, ông Blinken nói:
“Tổng thống Obama rất mong được đón tiếp Tổng bí thư [Nguyễn Phú Trọng] ở Washington. Đây là chuyến đi lịch sử. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng bí thư tới Washington và Hoa Kỳ. Tôi nghĩ nó sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ cho thế giới rằng các cựu thù, vốn đối đầu trong cuộc chiến khó khăn và gây biết bao đau khổ, có thể trở thành bạn.”
Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, khi được thực hiện, đúng là chuyến đi lịch sử, vì từ khi lập quốc, Hoa Kỳ đã từng đón tiếp nhiều vua chúa, quốc trưởng, tổng thống, thủ tướng, nhưng chưa từng đón tiếp một Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản. Hơn thế nữa, ngày 24 tháng 8, 1954, Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ còn thông qua đạo luật coi hoạt động cộng sản là bất hợp pháp (Communist Control Act). Đạo luật này nói rõ, Đảng Cộng Sản, tuy hình thức là một đảng chính trị, nhưng thực chất là một tổ chức hoạt động theo lệnh ngoại bang, nhằm mục đích cướp chính quyền bằng bạo lực, để thiết lập chế độ độc tài.
Chính vì luật lệ chống cộng của Mỹ, vào năm 1959, Tổng Bí Thư Cộng Đảng Liên Xô Nikita Khrushchev đã phải vận động khó khăn mới được Tổng Thống Eisenhower đồng ý đón tiếp. Tuy nhiên, vào năm 1958, khi Nikolai Bulganin bị mất chức Thủ Tướng, Khrushchev kiêm luân chức vụ này, thành ra, ông tới Mỹ với tư cách đứng đầu Chính Phủ Liên Xô, không với tư cách Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản. Người tương nhiệm đón ông, Tổng Thống Eisenhower, với tư cách đứng đầu Chính Phủ Hoa Kỳ, không với tư cách người đứng đầu Đảng Cộng Hoà. Điều này không gây trở ngại cho nghi lễ ngoại giao: Ngày 15 tháng 9, 1959, Mỹ đã đón tiếp Khrushchev bằng nghi lễ dành cho một quốc trưởng, với 21 phát đại bác (đúng ra, hàng thủ tướng chỉ được 19 phát – nhưng Khrushchev muốn 21, Mỹ cũng chiều), và quốc kỳ Liên Xô được trưng bầy cùng với quốc kỳ Mỹ.
Cũng vậy, vào cuối tháng Một đầu tháng Hai 1979, Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) tới thăm Mỹ, tuy là nhân vật quyền thế nhất Trung Quốc thời bấy giờ, ông ta không tới với tư cách Tổng Bí Thư. Đặng Tiểu Bình đã tới Mỹ bằng chức vụ chính thức là Phó Thủ Tướng Chính Phủ (Vice Premier), một địa vị cũ ông từng đảm nhiệm từ năm 1952, thời còn Thủ Tướng Chu Ân Lai. (Trong một cuộc đón tiếp, Tổng Thống Carter đã nói nhầm “Vice Premier” thành “Vice Minister”, rồi cố chữa lại).
Khi hai chức Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nước Trung Quốc còn riêng rẽ, vào mùa Hè 1985, Lí Tiên Niệm (Li Xiannian) đã tới Mỹ với tư cách Chủ Tịch Trung Quốc, được Tổng Thống Reagan đón tiếp, không có vấn đề gì, vì tuy thực tế họ Lí ít quyền hơn lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), nhưng trên danh nghĩa, ông đại điện cho cả nước. Từ khi Tổng Bí Thư Đảng kiêm cả chức Chủ Tịch Nước, ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) đã tới Mỹ thời Tổng Thống George W. Bush (2006), và Tổng Thống Obama (2009) với tư cách Chủ Tịch Nước, không với tư cách Tổng Bí Thư.
Về phần Việt Nam, các ông Phan Văn Khải đến Mỹ vào tháng Sáu 2005, và Nguyễn Tấn Dũng vào tháng Sáu 2008, đều với tư cách Thủ Tướng Chính Phủ. Ông Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ tháng Sáu 2007 với tư cách Chủ Tịch Nước. Tóm lại, Mỹ chưa từng tiếp đón nhân vật nào tới thăm với danh nghĩa Tổng Bí Thư Đảng Động Sản, dù từ Liên Xô, Tầu, hay Việt Nam.
*
Nghi lễ nào ỡ Mỹ sẽ dành cho Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, và ai sẽ đón tiếp ông?
Bản tin BBC trích lời Thứ Trưởng Ngoại Giao Blinken nói: “Tổng thống Obama rất mong được đón tiếp Tổng bí thư [Nguyễn Phú Trọng] ở Washington”. Nhưng đón với tư cách gì? Không thể dành nghi lễ đón tiếp quốc trưởng hay thủ tướng cho ông Trọng, vì ông Trọng không đảm nhiệm các chức vụ này. Cũng không thể đón tiếp ông Trọng với danh nghĩa Tổng Bí Thư, vì ông Obama không phải là Tổng Bí Thư đảng Dân Chủ, và dù ông đang làm chủ Nhà Trắng, nhưng Quốc Hội trong tay đảng Cộng Hoà. Trừ khi ông Obama muốn đón ông Trọng – cả hai người với tư cách riêng — ở nhà riêng của ông ở Chicago, hay tại quê ông ở Hawaii, thì được.
Ngoài sự không tương xứng về chức vụ giữa khách và chủ, còn có rắc rối về cờ. Trong nghi lễ đón quốc khách, nước chủ nhà trưng quốc kỳ của mình cùng với quốc kỳ của khách. Cờ đỏ sao vàng khởi đầu là cờ của Việt Minh, nhưng sau đã biến thành quốc kỳ của Việt Nam bây giờ, trong khi Đảng Cộng Sản có đảng kỳ riêng là hình búa liềm mầu vàng trên nền đỏ. Mỹ trưng cờ đỏ sao vàng đón các ông Khải, Triết, Dũng là điều hợp lý, vì các ông này đứng đầu Nước, hay đầu Chính Phủ của Nước Việt Nam. Với ông Trọng, đúng ra phải trưng cờ búa liềm (giống lá cờ ông cầm trong hình), là đảng kỳ của Đảng do ông làm Tổng Bí Thư. Nếu trưng cờ đỏ sao vàng đón ông Trọng, Mỹ sẽ phạm sai lầm: Một là đánh đồng địa vị Tổng Bí Thư cùng với những người có địa vị thấp hơn như Chủ Tịch Nước và Thủ Tướng, hai là phủ nhận biểu tượng của Đảng Cộng Sản qua hình ảnh búa liềm.
Như mọi người đã biết, cái liềm là biểu tượng của nghề nông, rất phù hợp cho nghề nghiệp của đa số dân Việt vào đầu thế kỷ 20. Cây búa là biểu tượng cho công nhân công nghiệp. Nhưng khoảng giữa thế kỷ 20, công nghiệp tại Việt Nam không đáng kể. Do đó, cây búa trên đảng kỳ Cộng Sản Việt Nam có một vai trò quan trọng hơn nhiều. Đó là võ khi chủ yếu đề hoàn thành cuộc “cách mạng thần thánh”.
Trên Facebook của Nguyễn Tuấn vào đầu tháng Năm 2015, có đăng một tấm hình do Nguyễn Lân Thắng chụp ở Bảo tàng Quân đội Việt Nam, với ghi chú nguyên văn như sau:
Cây búa dưới đây được chụp ở Bảo tàng Quân đội Việt Nam (1). Phía dưới kỉ vật có ghi như sau:
“BÚA. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, huyện đội phó huyện Mỏ Cày (Bến Tre) dùng bổ chết 10 tên ác ôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Ngoài ra, còn có dòng chữ tiếng Anh:
“HAMMER. WITH THIS, CAMARADE NGUYEN VAN THANG, DEPUTY CHIEF OF MO CAY MILITARY DISTRIS, BEN TRE PROVINCE, KILLED TO DEATTS A TOTAL OF 10 LOCAL TYRANTS.” (Chú ý phiên bản tiếng Anh sai văn phạm và ngữ vựng rất nhiều, nhưng không có nói đến “Chống Mỹ cứu nước”).
 H1
(1) Người chụp là Nguyễn Lân Thắng
Cây búa này là khí cụ đã đánh cho “Mỹ cút Nguỵ nhào”, đã được trình bầy trong Bảo Tàng Quân đội, và hình ảnh của nó trên Đảng kỳ. “Mừng Đảng, Mừng Xuân, Mừng Đất Nước”, Đảng trên Nước hai bậc, cờ Đảng trọng hơn cờ Nước, trưng cờ Nước đón TBT Đảng là hạ nhục Đảng, coi thường TBT. Để không phạm lỗi ngoại giao, Sở Nghi Lễ Nhà Trắng nên gọi sang Tầu, đặt làm ngay một lô Cờ Búa Liềm để đón TBT Trọng. Đảng Kỳ Việt “Made in China”. Perfect!
*
Tin RFI ngày 21 tháng 05, 2015, cho hay:
Theo hãng tin DPA, chính quyền Việt Nam hôm nay, 21/05/2015, thông báo sẽ kiểm tra các lò mổ sau khi có những lời tố giác là bò sống của Úc xuất sang Việt Nam đã bị giết bằng cách dùng búa tạ đập vào đầu.
Thông báo nói trên được ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đưa ra sau khi Thủ tuớng Úc Tony Abbot cho biết là chính quyền Canberra sẽ điều tra về cáo buộc của Hiệp hội bảo vệ súc vật Úc Animals Australia.
Hôm thứ ba vừa qua, hiệp hội này cho biết đã có được một clip video bò bị đập đầu bằng búa tạ tại một lò mổ ở Việt Nam. Theo Animals Asutralia, những hình ảnh này « kinh khủng đến mức không thể phổ biến được ». Hiệp hội này kêu gọi tạm ngưng xuất khẩu bò sống của Úc sang Việt Nam, giống như đã từng làm với Indonesia năm 2011.
Báo Sydney Morning Herald đăng ảnh chụp tại một lò mổ Việt Nam, ảnh do tổ chức Animals Australia gửi lên Bộ Nông nghiệp Úc
Báo Sydney Morning Herald đăng ảnh chụp tại một lò mổ Việt Nam, ảnh do tổ chức Animals Australia gửi lên Bộ Nông nghiệp Úc
Không có hình chụp cảnh đồng chí Nguyễn Văn Thắng đã dùng cây búa được trưng bầy trong Bảo tàng Quân đội đập chết mười người như thế nào, chỉ thấy trong cảnh đập bò trên đây, cây búa giết người và giết bò giống hệt nhau. Điều này giúp chính quyền Việt Nam dễ dàng trả lời chính quyền Úc về vấn đề nhân đạo đối với bò Úc. Có thể trả lời đại khái như vầy:
Quý vị đã hoàn toàn hiểu sai lầm chúng tôi. Như quý vị đã biết qua những bằng chứng cụ thể còn được trưng bầy trong Bảo tàng Quân đội, trong cuộc chiến đấu thần thánh của chúng tôi, cây búa đã được dùng như một khí cụ để các đồng chí cán bộ của chúng tôi kết liễu đời sống của bất cứ viên chức chính quyền địa phương nào bị coi là cản trở tiến trình của cách mạng. Nói khác đi, cây búa đã được chúng tôi dùng để hoá kiếp cuộc sống của con người, khi chúng tôi thấy con người đó không thích hợp cho cách mạng. Nay, 40 năm sau cách mạng thành cộng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng Sản quang vinh muôn năm, toàn dân đã quy về một mối, cây búa vạn năng không còn cần cho con người nữa, chúng tôi đã dùng nó cho những con bò của quý quốc. Bằng chuyển hoá tài tình này, bò của quý quốc đã được đối xử ngang hàng với người dân bốn ngàn năm văn hiến của chúng tôi. Thế mà quý quốc đã phản đối, thay vì ghi nhận thiện chí của chúng tôi, đó là sự sai lầm đáng tiếc cần sớm điều chỉnh.
*
Sau khi lãnh đạo phái đoàn Hoa Kỳ tham dự cuộc đối thoại thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lần thứ 19 tại Hà Nội, trong cuộc họp báo tại đây ngày 11 tháng 5, Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Thomas Malinowski nói ông đã nhận thấy có tiến bộ, tuy không nhiều, về hiện tình nhân quyền tại Việt Nam. Ông kể ra một vài bằng chứng như số tù nhân lương tâm trong tù đã giảm đi, và gần đây, không có vụ kết án nào mới….
Trở về Hoa Kỳ, trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Mỹ gốc Việt vùng Thủ Đô Washington vào chiều 20 tháng 5, tại tư gia Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân, trả lời thắc mắc qua một số câu hỏi về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện nay, ông Malinowski tái xác nhận ông có thấy một chút tiến bộ, tuy không có gì là vững chắc, và Việt Nam cần phải thay đổi nhiều hơn nữa, như sửa đổi bộ Luật Hình Sự, để được nhận vào TPP.
Ông Malinowski đã nói đúng. Chỉ với những bằng chứng được nêu ra trong bài này, cũng đủ để chứng minh, quả thật Hà Nội đã có tiến bộ về nhân quyền: Đi từ chỗ tuỳ tiện đập chết người bằng búa, bây giờ, họ chỉ còn tuỳ tiện đánh bể mặt người bằng ống sắt, bất cứ ai bị coi là “phản động”.
Ngày 11 tháng 05, 2015, thi hành Công luật (Public Law) 103-258 do Quốc Hội thông qua và Tổng Thống Clinton ký ban hành vào tháng Năm 1994, trong khi Lễ kỷ niệm năm thứ 21 Ngày Nhân Quyền Việt Nam (Vietnam Human Rights Day) diễn ra tại trụ sở Thượng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, tại Hà Nội, như một trả lời hùng hồn cho hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam, nhà vận động nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến (Blogger Anh Chí) đã bị côn đồ, mà dư luận nghi là theo lệnh của công an, đánh bể đầu bằng ống kim khí. Hãy tưởng tượng, vào thời nhân quyền chưa có tiến bộ tại Việt Nam, cái đầu anh có chịu nổi cây búa tạ không?
Tám hôm sau, 19 tháng 05, 2015, vào đúng ngày Việt Nam tưng bừng kỷ niệm Sinh Nhật thứ 125 của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, và cũng tại “Thành Phố mang tên Bác”, anh Đinh Quang Tuyến đã bị đánh bể mặt, gẫy mũi, bằng ống kim khí. Tội của anh là, trước kia HCM tranh đấu dành độc lập bằng cách đặt mình dưới sự sai khiến của Tầu, trong khi ngày nay anh bảo vệ nền độc lập quốc gia bằng cách chống Tầu. Cũng may mắn như anh Tuyến Nguyễn, nhờ Hà Nội đã tiến bộ từ thời búa tạ lên thời ống sắt, mà công dân Tuyến Đinh không bị chung số phận với những con bò Úc.
*
Bây giờ, xin trở lại chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Vì là chuyện tương lai, chúng ta phải chờ để quan sát sự tinh tế của chính quyền Obama như thế nào, qua việc sẽ tiếp ông Trọng theo nghi lễ nào; nghi lễ dành cho một người đứng đầu nước, hay nghi lễ cho một người đứng đầu đảng cộng sản, cờ đỏ sao vàng hay cờ búa liềm…
Tuy nhiên, dù với nghi lễ nào, cũng có chuyện có thể bàn ngay từ bây giờ, đó là món quà ông Trọng sẽ tặng ông Obama. Đồ dùng hay kỷ vật bằng ngà voi, là thứ không thể tặng được nữa, vì quốc tế đã cấm. Trước nay, trong các chuyến công du, lãnh đạo Việt Nam thường có thói quen mang theo những bức hoạ khảm xà cừ hay sơn mài hình Chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long…, những thứ này đã quá nhàm. Chuyến đi của ông Trọng có tính lịch sử, cũng nên mang theo một món quà đặc biệt, có khả năng tạo ấn tượng nơi người nhận, và gây chú ý trong dư luận nước chủ nhà.
Hãy nhìn vào lịch sử của Mỹ, để xem món quà nào do quốc khách tặng đã được chú ý nhiều.
Thời Tổng Thống đầu tiên George Washington, món quà nhận được từ nước ngoài nổi đình đám nhất là chiếc chìa khoá ngục Bastille của Pháp. Hầu Tước (Marquis) Lafayette vốn là một phụ tá của Washington trong cuộc chiến dành độc lập cho Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Về Pháp, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng 1789, Lafayette được trao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng Vệ Binh Quốc Gia, và được giữ chìa khoá Ngục Bastille (nhà tù bị dân chúng nổi dậy phá ngày 14 tháng 7, 1789, biến ngày này thành Quốc Khánh của Pháp). Tháng 3, 1790, Lafayette gửi chiếc chìa khoá Bastille tặng Tổng Thống Mỹ. George Washington rất trân trọng món quà này, ông trưng bầy nó tại phòng khánh tiết Phủ Tổng Thống ở New York. Khi thủ đô tạm đặt tại Philadelphia, ông cũng trưng bầy chiếc chìa khoá ở đây. Trước khi về hưu năm 1797, chìa khoá Bastllle được đem về tư dinh của Washington ở Mount Vernon, và vẫn còn giữ tại đó cho đến nay.
Chìa khoá ngục Bastille, nặng 1 pound, 3 ounces, do Lafayette tặng Washington
Chìa khoá ngục Bastille, nặng 1 pound, 3 ounces, do Lafayette tặng Washington
Món quà Khrushchev tặng Eisenhower trong chuyến thăm nước Mỹ vào tháng 9 năm 1959 là một vật làm giống hệt vệ tinh nhân tạo Sputnik thu nhỏ, đựng trong một cái hộp. Hai năm trước đó, ngày 4 tháng 10, 1957, Liên Xô đã qua mặt Mỹ trong lãnh vực không gian, bất ngờ phóng lên quỹ đạo quanh trái đất một vệ tinh nhân tạo nhỏ, hình trái cầu, đường kinh hơn nửa mét với 4 que antenna, nặng 184 pounds, mang tên Sputnik. So với ngày nay, vệ tinh này chỉ là một thứ đồ chơi, sống được có bốn tháng, nhưng hơn nửa thế kỷ trước, nó đã gây chấn động dư luận thế giới, khiến giới khoa học Mỹ mất ăn mất ngủ. Lúc đầu, Khrushchev đã định mở món quà đặc biệt này trước ống kính TV thế giới ngay khi tới Mỹ tại phi trường quân sự Andrews, nhưng sau nghĩ lại, đã chỉ trao quà tại Bạch Ốc.
Món quà Khrushchev tặng Eisenhower làm giống vệ tinh nhân tạo Sputnik này
Món quà Khrushchev tặng Eisenhower làm giống vệ tinh nhân tạo Sputnik này
Từ hai món quà của Lafayette và Khrushchev, có thể rút ra kết luận, món quà tặng của quốc khách cần mang tính lịch sử, và có giá trị áp đảo về tinh thần. Món quà để TBT Trọng tặng TT Obama gồm cả hai đặc tính trên, chính là cây búa của đồng chí Nguyễn Văn Thắng. Giá trị lịch sử ở chỗ chính nó là một di vật lịch sử đang được trang trọng trưng bầy trong Bảo tàng Quân đội, và hình ảnh của nó trên Đảng kỳ, và áp đảo ở chỗ người Mỹ nhìn thấy sẽ khiếp sợ. Nếu cho rằng cây búa này đã trở thành bảo vật quốc gia, không thể lấy ra khỏi viện bảo tàng để tặng nước ngoài, thì có thể làm quà bằng một cái khác giống như vậy, hay theo kích thước và trọng lượng nhỏ hơn, kiểu món quà Sputnik của Khrushchev, với lời dẫn cả tiếng Việt và tiếng Anh vẫn để y hệt lời dẫn của cây búa nguyên thủy. Điều này sẽ là cơ hội để TBT Đảng Cộng Sản VN khẳng định trước Hoa Kỳ và thế giới rằng: “Chúng tôi có thể không hoàn hảo trong việc sử dụng tiếng Anh, nhưng chúng tôi là bậc thầy trong lãnh vực sử dụng cây búa một cách tuỳ tiện, dù trên con người, hay con bò”.