Friday, 19 June 2015

Những buổi họp giữa Việt Nam và Trung Cộng đem lại những gì?

Những ai theo dõi hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung cộng trong thời gian qua, chắc chắn sẽ thấy một thời khóa biểu dầy đặc những cuộc gặp gỡ các viên chức giữa hai nước, nhưng thành quả thì chỉ bất lợi cho Việt Nam. Mời quý thính giả theo dõi Quan Điểm của LLDTCNTQ về thực chất các cuộc thảo luận giữa Việt Nam và Trung cộng qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Thưa quí thính giả,

Tính từ cuộc mật nghị Thành Đô ngày 3-4 tháng 9, 1990 dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ Việt-Trung, sau một thời gian ngắn căng thẳng và bất hòa, thì hai nước đã đi những bước rất xa trong nấc thang ngoại giao, nay gọi là "hợp tác chiến lược toàn diện". Ở mức độ này, và nhìn vào thực tế thì hầu như mọi sinh hoạt của chính phủ CS Việt Nam, cũng là sinh hoạt của chính phủ Trung Cộng. Có thể nói rằng VN-TC "tuy hai mà một, tuy một mà hai" cũng không nói quá.

Để đi đến nấc thang này, trong 25 năm qua, hai bên đã có hàng ngàn hay nhiều hơn nữa những cuộc gặp gỡ, từ cấp lãnh đạo nhà nước xuống đến các ban ngành cấp trung, cấp thấp, và thành phần chuyên viên kỹ thuật, mà theo lịch trình ngoại giao, có năm phía Việt Nam phải tiếp đón hơn 400 phái đoàn lớn nhỏ từ Trung Cộng sang, tính trung bình cứ vài ngày lại phải tiếp một phái đoàn.

Tìm hiểu kỹ hơn nữa, mức độ hợp tác chiến lược toàn diện hai nước Việt-Trung còn đặc biệt hơn những gì người ta tưởng, bởi nhiều lý do. Trước hết hai nước ở cạnh nhau, lại có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Mặc dầu trong quá khứ Việt Nam đã bị Tàu đô hộ hàng ngàn năm. Tiếp đến trong một ngàn năm độc lập, Bắc Phương cũng đã xua quân xâm chiếm Việt Nam nhiều lần; thì ngày nay sự tái diễn lịch sử vẫn xảy ra, tuy có khác nhau về phương thức, nhưng mục tiêu của TC vẫn là một.

Thế nhưng ngày nay người dân Việt được nghe đến những cụm từ tốt đẹp, diễn tả mối liên hệ giữa hai nước, hai dân tộc như "núi liền núi, sông liền sông", hoặc hai nước gắn bó với nhau như "môi với răng – môi hở thì răng lạnh". Xa hơn nữa, và cũng là điểm then chốt của mối ràng buộc gắn bó, bởi thành phần lãnh đạo hai nước đều là hai đảng cộng sản anh em, mà nói cho đúng, cho chính xác thì đây là mối liên hệ chủ tớ; bất tương xứng trên phương diện bang giao quốc tế.
Sở dĩ chúng tôi dám quả quyết như vậy vì dựa vào thực tế lịch sử, và những gì đang xảy ra hàng ngày trên mảnh đất của Việt Nam.

Trở lại với những cuộc gặp gỡ các cấp giữa hai bên, cứ mỗi lần hội họp ký kết lãnh vực nào, thì VN lại bị thiệt thòi trong lãnh vưc ấy. Khi thảo luận về biên giới lãnh thổ, kết quả là Việt Nam đã mất hàng ngàn cây số vuông đất đai của tổ tiên. Trong thỏa hiệp về biên giới thì Thác Bản Giốc đã nằm sâu bên lãnh thổ TC. Dấu mốc Ải Nam Quan đã đi sâu sang đất Việt Nam. Khi nói đến lãnh hải, thì toàn bộ Biển Đông, trong ấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị TC chiếm đóng. Toàn Vịnh Bắc Bộ và hải phận VN đã bị TC cấm ngư dân ta đánh bắt hải sản. Mấy ngày qua thuyền đánh cá của ngư dân VN đã bị tàu TC tấn công, cướp phá. Khi thảo luận về thương mại, thì VN thâm hụt mậu dịch đến 43.8 tỷ đô la chỉ trong năm 2014.

Tin từ nhà nước VN cho biết, Ủy Viên Quốc Vụ Viện TC là Dương Khiết Trì đã "mời" phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao của CSVN Phạm Bình Minh sang Bắc Kinh để đồng chủ tọa cuộc họp lần thứ 8 của Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương, diễn ra từ ngày 17-19 tháng 6 này. Nội dung cuộc họp không được công bố. Nói rằng được mời để đồng chủ tọa, đó chỉ là ngôn ngữ ngoại giao, để đánh lừa nhân dân hai nước. Chính yếu là để xét duyệt việc thi hành những điều VN đã cam kết với TC. Cũng như những lần gặp khác, một tháng trước khi Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2013, thì Bắc Kinh đã triệu quagặp lãnh đạo TC tháng 6, khi trở về Trương Tấn Sang đã ôm theo những điều cam kết hết sức thiệt thòi cho Việt Nam.

Khi Nguyễn Phú Trọng được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mời thăm Mỹ, chuyến đi còn đang thu xếp, thì lập tức đã phải trình diện Bắc Kinh, để ký 7 văn bản cam kết, trong ấy có những điểm rất bất lợi cho VN, như để cho TC cùng khai thác tài nguyên trong vịnh Bắc Bộ của VN.

Nếu ai theo dõi tin tức qua hệ thống tuyên truyền của CSVN, thì chỉ được nghe những lời tốt đẹp, được thấy những cử chỉ thân thiện giữa những viên chức hai bên khi gặp nhau, nhằm ca tụng, tâng bấc những thành quả trong mối tương giao hữu hảo giữa hai chính phủ, và nhân dân hai nước. Nhưng nếu nhìn vào những hành vi của TC thì hoàn toàn trái ngược. Cụ thể là TC đang ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự trong Biển Đông, để độc chiếm vùng lãnh hải của Việt Nam.

Người dân đã thừa biết thủ đoạn của TC nhằm thôn tính nước ta bằng phương cách tằm ăn dâu, trong khi những đảng viên cao cấp đảng CSVN, nhất là những người lãnh đạo lại luôn luôn hợp tác và tỏ ra hồ hởi trước những âm mưu đen tối của kẻ thù.

Trước tình hình sôi động và bất ổn do TC gây ra trong vùng Biển Đông, hầu như cả thế giới đang mất thiện cảm với quốc gia khổng lồ đầy tham vọng này. Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam bắt tay với thế giới, và chứng tỏ lập trường của mình trên vấn đề chủ quyền lãnh hải. Đây cũng là cơ hội bằng vàng để VN thoát khỏi sự khống chế của TC.

Liệu ngoại trưởng VN Phạm Bình Minh đi phó hội lần này có suy nghĩ thấm thía về lời cảnh báo của thân phụ ông cách nay 25 năm rằng VN đã rơi vào một thời kỳ Bắc Thuộc mới đầy nguy hiểm hay không? Chúng ta hãy nhìn xem.

Cám ơn quí thinh giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

Lực Lượng Cứu Quốc