On top of the world
Theo lịch trình tạo dựng của Đấng Tạo Hóa, loài người là động vật ra đời sau cùng. Loài người xuất hiện trên Trái Đất sau cây cỏ và các loài động vật.
Chiều cao trung bình của loài người là 1,65 m và cân nặng lối 55 kí-lô. Người cao nhất không quá 2,5 m và người nặng cân nhất không quá 500 kí-lô. Nhưng loài người là thượng từng trong vũ trụ. Họ kiểm soát đất đai, hầm mỏ, núi đồi, bình nguyên, biển cả, ao hồ, sông ngòi, cây cối và động vật hiện hữu trên mặt đất. Họ thụ hưởng ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Họ uống nước sông, suối, ao hồ. Họ săn thú để lấy thịt ăn, lấy da làm quần áo mặc cho ấm khi trời lạnh. Họ đốn cây về làm nhà, đóng bàn ghế, ghe thuyền, làm củi chụm. Họ hái trái cây để ăn, lấy hột làm giống. Họ khai thác hầm mỏ để làm dụng cụ trồng trọt, võ khí tự vệ, nữ trang để làm đẹp cho nữ phái v.v... Tất cả các thứ ấy đều miễn phí vì nó có sẵn trước và sau khi họ xuất hiện.
Loài người được ưu đãi hơn các loài động vật và thảo mộc. Họ có trí khôn, ngôn ngữ, chữ viết, suy tưởng, của cải riêng tư, lòng vị tha lẫn ích kỷ, lòng nhân đạo lẫn sự nham hiểm, ác độc. Họ có tôn giáo. luật pháp, triết lý, giáo dục, tổ chức xã hội, kinh tế, chánh trị, quân sự, công trình kiến trúc to lớn v.v... Loài người ăn không sót một loài động vật và thực vật nào trên mặt đất, dưới nước ( thủy sản) và trong lòng đất ( dế, nấm trufle, v.v...). Họ thuần hóa các loài thú dữ để dùng trong các gánh hát xiệc. Họ dùng những loài thú ăn cỏ và có sức mạnh như ngựa, trâu, bò, voi trong việc đồng áng và chuyên chở các vật nặng. Họ ăn sống hay nấu nướng cây cỏ để nuôi thân. Cây to thì dùng để làm nhà, bàn, ghế, đóng ghe, thuyền, tàu bè. Cây nhỏ thì làm củi chụm. Loại cây bụi và cỏ thì sắc thuốc uống để trị bịnh. Cây gai thì đốt bỏ để lấy tro làm phân nuôi các loại thảo mộc cần thiết khác.
Loài động vật cũng cần ăn uống, ngủ nghê như loài người. Chúng cũng biết đau đớn khi bị thương hay bị đánh đập. Chúng cũng biết giữ gìn và bảo vệ con. Chúng tỏ ra biết ơn đối với loài người khi cứu chúng. Chúng không có ngôn ngữ, không có chữ viết, không có tư tưởng, không có giáo dục, không tôn giáo. Tóm lại chúng không có văn minh, văn hóa chi cả ngoại trừ nếp sống hoang dã và bản năng sinh tồn dấy máu của các loài động vật khác yếu hơn chúng. Cọp, beo, gấu, sư tử bạo tợn vì bẩm sinh không thể hiền hòa. Sự hung bạo của chúng không do sự tính toán mà do di truyền dòng giống và nhu cầu sinh tồn tự nhiên. Hôm nay con cọp ăn con nai nhưng nó không biết ngày mai sẽ gặp và ăn con gì. Nó giết một con nai hay một con chồn để nuôi sống trong ngày nhưng nó không có ý nghĩ giết tất cả Lộc tộc hay Cáo tộc. Nhờ không suy nghĩ và không tính toán nên các loài động vật không bị bệnh tâm thần. Thỉnh thoảng có vài thành viên khuyển tộc bị điên vì thời tiết nóng bức chớ không phải vì suy nghĩ, lo âu, sợ sệt và mất tinh thần, động não đến điên loạn.
Thảo mộc còn kém hơn các loài động vật. Nó nằm yên một chỗ bất chấp nắng mưa hay băng giá. Nó không rên la khi người ta đốn, chặt, cưa, bào hay thiêu đốt nó. Nó điềm nhiên cứu giúp cho người hành hạ nó khi bị bịnh.
Mẫu số chung của loài người, động vật và thảo mộc là Đất, Nước, Không Khí và Ánh Sáng.
Nhân loại có những sư phụ vĩ đại như đức Khổng Tử (551 - 479 trước Tây Lịch), Mạnh Tử (370 - 290 trước Tây Lịch), Socrates (469 - 399 trước Tây lịch), Plato (427 - 347 trước Tây lịch) với nhiều Viện Đại Học vang lừng như Oxford, Cambridge, Sorbone, Harvard, Yale, M.I.T.,... cộng với vô số đại học sĩ từng cải biến thế giới về phương diện chánh trị, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật và ý thức hệ. Loài người học từ những vĩ nhân ban rải ánh sáng trí tuệ tức là những người giỏi hơn mình. Lạ thay! Họ cũng học quá nhiều điều nơi các động vật vô ngôn ngữ, vô văn tự và vô tư tưởng cũng như nơi các loài thảo mộc vô tri, vô giác.
Loài người học gì nơi các loài động vật?
Trong thời kỳ mông muội của lịch sử, loài người sống đơn giản bằng cách săn thú, hái quả và chài lưới. Từ việc bắt cá bằng tay trong mương, ao, vũng, con người biết dùng gỗ đóng thuyền và làm lưới để đánh bắt nhiều cá hơn trên sông, rạch và biển cả. Khi ra tới biển loài người liên tưởng đây là một hồ cá vô tận. Càng ra xa càng có nhiều cá. Ước vọng đó làm cho con người nghĩ đến việc xâm mình cho giống cá lớn để khi lặn xuống nước không sợ loài thủy quái hiếp đáp đe dọa tánh mạng. Họ nghĩ đến một loại động vật mạnh mẽ sống dưới nước, bay bổng trên trời và phun nước xuống đất. Loài động vật có sức mạnh vạn năng tưởng tượng nầy là con Rồng vùng vẫy ngoài biển khơi mà không sợ cá sấu, cá mập, cá voi. Rồng trở thành biểu tượng của người có quyền hành lớn nhất trong nước: Quân Vương Thiên Tử. Người Việt Nam sớm giành sức mạnh ấy cho mình khi nhận mình là Con Rồng Cháu Tiên.
Rồng là tàu bè trên mặt nước, là phi cơ trên trời nói theo đà phát triển khoa học kỹ thuật của loài người trong thời đại ngày nay. Rồng là sức mạnh của hải quân và không quân.
Sư tử, cọp beo, gấu tiêu biểu cho sức mạnh trên mặt đất. Trong quân đội đó là sức mạnh của bộ binh. Loài người vẫn dùng hình ảnh của sư tử, cọp, beo, gấu để nói lên sự uy dũng. Con gấu còn được gọi là Hùng gợi lên ý nghĩ hùng dũng, anh hùng. Mười tám vị vua đầu tiên của Việt Nam thời họ Hồng Bàng là Hùng Vương.
Trong võ thuật người ta học các thế võ dựa vào cách bắt mồi và hạ đối thủ của loài cọp, beo, gấu, mèo, rắn, khỉ, nhện, phượng hoàng, v.v.... Người ta học các thế đánh của mèo với chó, mèo vồ bắt chuột, mèo đấu với rắn và cách nhào lộn uyển chuyển của Miêu tộc. Người ta học cách xòe cánh của phượng hoàng, thế đá song phi của gà chọi...
Các nhà tướng số cũng dựa vào tướng thú vật để đoán tướng lẫn nhau. Nào là cằm sư tử, tướng đi như cọp, cách ngồi vững vàng như gấu, nhanh nhẹn như beo. Đó là những tướng uy dũng. Trái lại mặt thỏ mỏ dơi, mắt dê, mắt trừu, mũi két (khôn ngoan thái quá), mắt diều hâu (gây hấn, hiếu chiến), tướng đi như vịt, hơi thở hào hển như chó, tai nhỏ như tai chuột, mắt nhỏ như mắt lươn hay lộ như ốc bươu (mắt ốc nhồi), mặt tái như gà mái, mũi hở như mũi trâu... thì bị xem là xấu tướng. Phụ nữ đẹp phải mình hạc xương mai, thắt đáy lưng ong, mày tằm mắt phượng v.v...
Con khỉ là động vật có hình dáng giống người nhất. Loài người luyện cách đu dây, nhào lộn và đánh đu trên cành cây như Hầu tộc. Trong 5 tước quí tộc ngày xưa có tước Hầu. Người có tướng hầu (mặt giống khỉ) hay có tay hầu (dài như tay vượn) thì được phú quí và thích nữ sắc một cách điên cuồng. Các thầy thuốc Trung Hoa ngày xưa thường quan niệm ăn gì bổ nấy. Họ cũng cho rằng muốn bổ dương thì phải bổ óc. Óc con vật giống loài người nhất là óc Hầu tộc. Từ đó có món óc khỉ và trảm mã trà tức ăn óc khỉ tươi và uống loại trà do Mã tộc ăn trên núi cao đem về. Lá trà nầy được tinh luyện sau khi mổ bụng con ngựa. Con khỉ giống loài người nhưng thức ăn chính của loài khỉ là trái cây và các loại hột trong khi loài người ăn tạp nhạp đủ thứ từ thịt, cá đến trái cây, rau cải, các loại hột và khoai củ.
Con heo là động vật ăn tạp. Người ta chuyển khái niệm ăn gì bổ nấy sang óc, gan, huyết, phổi, tim, thận của Trư tộc. Trư tộc tượng trưng cho sự hưởng thụ và an nhàn thái quá. Người có tướng Trư thì chỉ biết hưởng thụ vật chất hơn là hoạt động cần cù.
Xà tộc dạy cho các lực sĩ đô vật thế siết cổ đối phương.
Người có mặt Rắn và tướng đi quanh co của loài bò sát nầy bị xem là không tốt vì Rắn tiêu biểu cho sự nham hiểm, tàn độc và trả thù.
Loài nhện dạy cho loài người cách bủa lưới để bắt mồi và cách làm cho mồi tê liệt. Ổ nhện là hình ảnh không có gì tốt đẹp nhưng cách giăng tơ của nhện quả là một công phu độc đáo. Loài người nghiên cứu chưa thành công làm cách nào leo lên tường mà không cần dây như loài nhện và thằn lằn hay lỡ bị té cũng không bể bụng như nhện và thằn lằn.
Thiềm tộc (cóc) dạy cho loài người cách hạ đối thủ bằng hơi độc. Nhờ võ khí nầy mà con cóc dám đấu với con chó và làm cho chó bị sưng bụng rồi chết dần mòn.
Loài người há không học gì nơi Mã tộc, Khuyển tộc, Dương tộc và Hải Cẩu tộc miền hàn đới sao?
Từ con ngựa, loài người nghĩ đến xe bốn bánh. Loài người lấy sức mạnh con ngựa làm đơn vị cho sức mạnh của máy xe. Sức mạnh đó gọi là mã lực. Xe hai mã lực (2 Cheveaux) tương ứng với xe song mã ngày xưa. Xe bốn mã lực (4 Cheveaux) tương ứng với xe tứ mã. Loài người học thế đá giò lái từ Mã tộc. Kỵ binh ngày xưa là đạo quân cỡi ngựa chiến đấu.
Loài người nhận xét rằng ngựa và chó là hai loài động vật gần gũi và hữu ích cho loài người. Ngựa làm ra tiền cho chủ. Chó giữ tiền cho chủ và giúp chủ săn bắn những động vật khác. Ngựa được chủ cho ăn cỏ. Chó được chủ cho gậm xương. Thầy xem tướng lại nói người có mặt ngựa hay xoáy ngựa trên trán thì hung tợn. Nhưng ngựa lại tượng trưng cho sự hanh thông, mau mắn.
Qua tướng chó người ta biết sự hưng suy của chủ nó. Chó cắn chủ là điềm bất lành. Chó bỏ nhà đi là điềm suy vi cho chủ vì:
Mèo tới nhà thì khó
Chó tới nhà thì sang
Chó tới nhà thì sang
Chó sủa người áo rách.
Qua thái độ của con chó người ta đoán được chủ. Chủ hiền hòa, đạo đức thì chó cũng hiền hòa. Chủ tiểu mọn thì chó hay cắn trộm. Chủ phách lối thì chó hung hãn hay sủa vang và đe dọa cắn người. Từ đó có cụm từ không mấy tốt dành cho Khuyển tộc: chó hùa, làm phách chó. Hai cụm từ nầy cho thấy Khuyển tộc luôn luôn đứng về phía kẻ mạnh và áo lành bất chấp chuyện phải, trái.
Ngựa được loài người gán cho vài đức tính như: Không bao giờ đạp người chủ cỡi nó khi té xuống đất, không bao giờ lùi khi nghe tiếng súng. Ngựa là động vật biết cười. Ngựa đồng huyết thống không giao tình với nhau. Nếu xảy ra thì ngựa đực chết trong lúc giao tình! Điều nầy người viết nhờ người đọc bổ túc thêm hoặc điều chỉnh lại.
Tiếng ngựa chạy cùng với tiếng lẻng kẻng của lục lạc tạo nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ phổ nhạc. Nghệ nhân Trung Hoa thích vẽ tranh "Mã đáo thành công". Người Tây Phương giàu có thích treo móng ngựa trước nhà không ngoài ước vọng may mắn và hanh thông.
Loài người nhìn cá lội dưới nước mà nghĩ đến việc đóng ghe thuyền và tàu bè để chuyển vận trên mặt nước và làm tàu lặn sâu dưới nước. Họ làm phi cơ qua hình ảnh chim bay rồi ví phi cơ như rồng, chim đại bàng hay phượng hoàng tung cánh. Loài dơi tạo cảm hứng cho các nhà phát minh làm ra phi cơ bay nhanh và có thể tránh chướng ngại vật phía trước. Xe tăng lội nước là hình ảnh của những loài động vật sống nửa đất nửa nước. Xe tăng di chuyển chậm chạp và có nhiều bánh xe giống con cua có hai càng và nhiều ngoe bò chậm chạp trên cát hay bùn. Sức mạnh của xe tăng là sức mạnh của Ngạc tộc, thân thuộc của loài Long tộc còn sống sót trên Trái Đất trong môi trường nửa đất nửa nước. Chiếc xe lửa là hình ảnh con rít hay con cuốn chiếu nhiều chân. Cũng có người tưởng tượng đó là loài bò sát có nhiều chân hay loài rồng phun lửa. Công việc của trâu, bò, ngựa tạo cảm hứng cho người ta làm ra cái máy cày, máy xới. Xe vận tải nặng là hình ảnh của con voi chuyên chở vật nặng. Xe chạy trên dây xích tựa như con sâu uốn mình và bò chậm chạp. Con ruồi xanh bay đứng một chỗ tạo cảm hứng cho các nhà khoa học phát minh ra chiếc trực thăng. Đom đóm là hình ảnh của hỏa châu soi sáng về đêm. Tứ linh Long, Lân, Qui, Phượng là biểu tượng của bốn con vật thật lẫn tưởng tượng dưới nước, trên mặt đất, nửa đất nửa nước và trên không. Đó là hải quân, lục quân, thiết kỵ binh và không quân.
Rùa là con vật sống lâu, hơi thở nhẹ nhàng. Người có lưng như mai rùa (qui bối) là người trường thọ. Các thiền sư học cách điều tức hơi thở nhẹ nhàng của Qui tộc để bảo tồn sức khỏe và thân tâm an lạc.
Loài người trân quí vẻ đẹp thanh nhã của loài thiên nga và sự thủy chung của chúng. Nước Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới mang tên loài động vật nầy và cũng là quốc gia nổi tiếng về điệu vũ thiên nga.
Người Việt Nam thường nói:
Lúa thóc đâu thì bồ câu đến đó.
Muốn làm giàu thì nuôi trâu nái
Muốn phá sản thì nuôi bồ câu.
Muốn làm giàu thì nuôi trâu nái
Muốn phá sản thì nuôi bồ câu.
Cả thế giới đều xem bồ câu là biểu tượng hòa bình. Thiếu nữ có mắt bồ câu được xem là người đẹp hiền thục và thơ ngây.
Loài diều hâu biểu tượng cho chiến tranh. Quạ và kên kên là dấu hiệu của điềm bất lành. Tiếng chim cú ban đêm như báo điềm tang tóc, não nùng.
Đại bàng và phượng hoàng đại diện các loài cầm vũ. Đại bàng biểu tượng cho sức mạnh quân sự. Phượng hoàng biểu tượng cho quyền uy quí phái. Ngày nay không ai thấy được vẻ đẹp của phượng hoàng ra sao ngoại trừ những hình vẽ phượng hoàng đậu nhánh ngô đồng của các nghệ nhân Trung Hoa. Loài cầm vũ to lớn và quí phái hiện còn trên trái đất là loài công với bộ lông sặc sỡ. Tước Công là một trong năm tước quí tộc ngày xưa (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam). Các quận công đều mang một cái lông công trên mũ. Gò Công ngày xưa được gọi là Khổng Tước Nguyên. Đó là nơi Công tộc qui tụ. Người ta xem đó là vùng đất lành phát sinh người quyền quí. Đó là sinh quán của công thần Phạm Đăng Hưng, hoàng hậu Từ Dũ (Phạm thị Hằng, ái nữ của Phạm Đăng Hưng), Nam Phương hoàng hậu (Marie Thérèse Nguyễn, ái nữ của Nguyễn Hữu Hào), thạc sĩ Nguyễn Hữu Châu, thạc sĩ Nguyễn Văn Bông, tiến sĩ Vương Quang Nhưỡng v.v...
Qua tiếng gáy của con gà trống người ta biết được giờ khắc. Qua tiếng kêu của chim bìm bịp người ta biết con nước. Gà mái gáy là điềm xấu vô cùng. Để tránh cái xấu người ta chặt đầu gà mái gáy rồi đem chôn với hy vọng điềm xấu vơi đi hay biến mất.
Loài người học cách đào hang của loài gặm nhấm làm thế nào nước không ngập vào hang. Chuột đến nhà hay chuột cắn quần áo đều là những điềm không may, nhiều chuyện bực mình sắp đến hay bị kẻ tiểu mọn gây rối. Người có mặt chuột không thể là bậc trượng phu quân tử được. Sự sinh đẻ nhanh chóng của loài gặm nhấm kể cả Thử tộc là một đề tài nghiên cứu của loài người.
Loài ong, kiến và mối cho loài người bài học về tổ chức và kỷ luật lao động trong xã hội của chúng. Loài kiến hợp tác nhau chặt chẽ và lao động không ngừng nghỉ để làm thành khẩu hiệu Kiến tha lâu đầy tổ. Kiến còn là những nhà khí tượng báo nắng hạn hay ngập lụt. Người bịnh nằm trên giường bịnh mà kiến bu đầy chân thì chết vì người bịnh sắp chết tiết ra mùi kỳ lạ hấp dẫn kiến đến. Kiến, mối, mọt, vi trùng tạo cho loài người ý thức được rằng vật càng nhỏ sức tàn phá càng ghê gớm.
Loài người học gì nơi thảo mộc?
Loài người học hỏi ít nhiều nơi cây cỏ:
1.- Tinh thần hợp quần với:Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
2.- Tinh thần đùm bọc lẫn nhau: Cây lớn che chở và cho các cây nhỏ nương tựa. Các dây leo sống bám vào cây lớn và nương vào đó đề tìm ánh sáng mặt trời.
3.- Tinh thần ăn trái nhớ kẻ trồng cây và ăn cây nào rào cây nấy.
4.- Sự quí trọng Đất, Nước, Không Khí vá Ánh Sáng. Đó là nhu cầu sinh tồn của loài người, động vật và thảo mộc. Cây bám rễ sâu vào lòng đất để đi tìm nước, nguồn sống tự nhiên. Cây cần đất như con người cần môi trường sống. Rễ cây tìm nước như con người đi tìm lẽ sống. Thảo mộc cần không khí và ánh sáng mặt trời như loài người cần tự do và công lý.
5.- Thảo mộc là vật vô tri vô giác, vô ngôn ngữ, vô văn tự, vô tôn giáo. Nhưng chúng có sự sống và có hồn của chúng như loài người và động vật. Đất, nước, phân tro là nguồn sống và nguồn dinh dưỡng của chúng. Nhựa là máu mủ của chúng. Lá là lông, tóc, râu ria của chúng. Những vết sần sùi là ung thư của chúng. Rễ là chân. Cành lá là những cánh tay mang trái nặng chĩu như mẹ bồng con. Trong xã hội Khổng Giáo ý niệm đa tử đa tôn thì đa phúc được đề cao. Trong bức tranh Tam Đa ông già ẵm cháu trên tay là Ông Lộc. Ông già cầm trái đào là Ông Thọ. Vậy trái cây biểu tượng cho Lộc lẫn Thọ. Đối với đại đa số quần chúng đó là biểu tượng của Kết Quả và Thành Công. Người Tây Phương cũng có cái nhìn tương tự khi dùng tĩnh từFruitful (Anh) hay Fructueux (Pháp). Người Tây Phương thường chưng trái cây trên bàn. Người Đông Phương chưng hoa quả trên bàn thờ. Mỗi lần nhìn hoa quả người ta như cảm nhận được sự khoan khoái và niềm tin vững vàng về Kết Quả của mọi việc làm của mình.
Cây cối có hồn của chúng. Cây được chăm sóc thì tốt tươi và sai trái hơn cây không được chăm sóc. Tôi biết bạn đọc đang nói: "Đó là lẽ tự nhiên" vì nó được vun phân và tưới nước đầy đủ. Đó là sự hiển nhiên về mặt vật chất. Về mặt phi vật chất cây được chăm sóc thầm cám ơn người chăm sóc nó. Cây không được chăm sóc cảm thấy bị bỏ bê. Đó là mặc cảm bị bỏ rơi. Qua cây trái người ta cũng đoán biết được sự hưng suy của người chủ. Cây xanh tươi và ra trái sum suê là dấu hiệu hưng thịnh của chủ nhà. Có những cây chết héo dần sau khi người chủ mất. Có những cây ra trái rộ trước khi héo tàn như một hành động truyền tử lưu tôn vậy. Câu chuyện Anh Em Họ Điền trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp ba cho thấy cây cỏ có hồn của nó. Những chuyện về ma mộc, dùng gỗ cây chết đóng bàn ghế hay làm nhà không mang sự may mắn cho người chủ hay việc đốn cây cổ thụ luôn luôn mang tai họa cho người đốn cho thấy thảo mộc vô tri, vô giác vẫn có hồn của chúng.
Objet inanimé! As-tu donc une âme?
6.- Cây to đơn độc dễ bị tróc gốc trước mưa to gió lớn trong khi loài lau sậy vẫn đứng vững vì uyển chuyển. Cây to không sợ phong ba bão tố khi có rễ sâu và cùng chung sống bên cạnh các cây khác. Đó là hợp quần gây sức mạnh.
7.- Rễ càng sâu cây càng vững. Cây mọc thẳng thì vững hơn cây mọc cong vẹo. Người lưng thẳng khỏe mạnh hơn người lưng cong vẹo. Cây tốt tươi thì lá xanh tươi. Người khỏe mạnh thì râu tóc rậm rạp.
8.- Vạn vật hiện hữu trên Trái Đất đều có công dụng, không thiếu không thừa. Cây cỏ nào cũng có công dụng kể cả cây gai, cây có mùi hôi khó chịu hay cây có độc chất nếu biết khai thác công dụng của chúng. Nếu dùng đúng cách, đúng lúc và đúng việc thì chắc chắn hiệu suất rất cao. Nếu cây cỏ nào cũng có công dụng thì hạng người nào trong xã hội cũng có ích nếu biết dùng họ đúng chỗ, đúng cách và đúng lúc. Tiền nhân chúng ta thường nhận xét rằng cái gì không biết để làm gì thì làm thuốc. Đó là trường hợp cây thơm và cây chuối hột. Thơm và chuối hột không được trồng bằng hột. Trái thơm có hột nhỏ như hột mè. Trái chuối hột chín có hột như hột tiêu. Vậy hột trái thơm và trái chuối hột để làm gì? Làm thuốc. Vậy làm thuốc trị bịnh gì? Xin độc giả cùng góp ý để có câu giải đáp khả tín cho câu hỏi đơn giản nầy. Đó cũng là một đề tài mà loài người tìm để học.
9.- Cây sớm ra trái thì không có cây cổ thụ. Người có sự nghiệp quá sớm thì e rằng tuổi thọ không cao. Hoa quỳnh chỉ nở về đêm và sống một đêm mà thôi. Hoa phù dung sớm nở tối tàn. Đó là sự sống ngắn ngủi của hai loại hoa.
10.- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Dù vậy gỗ quí cũng cần có thợ khéo và miếng gỗ phải trải qua những cảnh cưa, bào, đục, đẽo đau đớn trước khi trở thành vật quí. Người thông minh và hữu tài chưa hẳn đã thành công và có sự nghiệp lớn lao nếu không có người hướng dẫn tốt và chưa trải qua sự trui rèn và thử thách gian nan.
11.- Trồng cây như trồng người. Cây càng cao niên gỗ càng rắn chắc. Người càng học nhiều thì sự hiểu biết và sự hữu dụng càng cao hơn.
12.- Đốn chặt một cây cổ thụ như vất bỏ một nhân tài. Nếu nạn phá rừng gây tai hại cho môi sinh thì sự hủy diệt nhân tài dẫn tới sự suy vong cho đất nước.
Khi rơi vào túng thiếu và nghèo khổ người ta mới hiểu được câu:
Thiếu lúa thiên, trơ mặt địa
Mạnh vì gạo bạo vì tiền
Mạnh vì gạo bạo vì tiền
Sờ vào hoa hồng mới biết:
Không hoa hồng nào không có gai
Ngửi hương thơm của hoa sen người ta mới thấy ngay sự tương phản của cảnh:
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Tâm trạng con người không phải là bất biến và dễ dàng công thức hóa. Vì:
Khi thương trái ấu cũng tròn
Khi ghét trái bồ hòn cũng méo.
Khi ghét trái bồ hòn cũng méo.
Khi yếu thì:
Bầu ơi! Thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Khi mạnh thì:
Bí nói bầu: "Ai mạnh thì hơn".
Gặp cây chuối lại nhớ tới:
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp ngọt như đường mía lau.
Như xôi nếp ngọt như đường mía lau.
Và ngạc nhiên vì:
Chuối cây lòng chuối còn trinh,
Chuối ở một mình sao chuối có con?
Chuối ở một mình sao chuối có con?
Lúc gặp trần bì (vỏ cam, quít) và cỏ gấu (hương phụ) người ta liên tưởng ngay đến:
Nam bất thiếu trần bì,
Nữ bất ly hương phụ.
Nữ bất ly hương phụ.
Cây dầu, cây sao, cây xồi là những cây cao và to lớn. Trái dầu và sao có cánh. Khi rơi trái quay trên không trung như cái chong chóng nên nếu rớt trúng đầu người qua đường cũng không có hậu quả xấu gì. Đó là định luật của Tạo Hóa. Nói đến đây tôi nhớ đến bài ngụ ngôn Le Gland et la Citrouille (Trái xồi và trái bí) của La Fontaine:
Tác giả nói về một anh nông dân nghỉ trưa dưới gốc cây xồi. Anh thầm nghĩ Tạo Hóa bất công và bất hợp lý. Cây xồi to cả mấy người ôm nhưng trái lại nhỏ trong khi dây bí chỉ bằng ngón tay trái lại to bằng cái thúng.
Gió hiu hiu thổi. anh nông dân nhắm mắt ngủ sau nhiều giờ lao động mệt mỏi. Bỗng một vật gì đập vào sống mũi anh. Đau quá, anh ta giựt mình mở mắt ra thì thấy trái xồi. Anh ta thầm nói: "Tạo Hóa công bằng và hợp lý". Nếu hồi nãy mà trái bí rớt vào mặt thì anh ta không sao sống nổi.
Định luật nầy không đúng với cây sầu riêng, cây xoài và cây dừa. Đó là ba loại cây cao lớn và có trái to. Trái sầu riêng vừa lớn vừa có gai nhọn. Trái dừa cứng, to và nặng. Điều kỳ diệu là không có ai bị sầu riêng hay dừa rớt trúng vào đầu phải vong mạng cả.
Cây cỏ như thầm gởi đến loài người một thông điệp ngắn ngủi: Đừng quên công dụng và sự hữu ích của cây cỏ.
Thực tế loài người không bao giờ quên mà lúc nào cũng đào sâu sự hiểu biết của mình về thảo mộc căn cứ vào:
a- Màu sắc (thân, lá, nhựa, rễ dây): củ cà-rốt màu đỏ hồng có nhiều carotene lợi cho thị giác; củ khoai yam có màu vàng nhạt của lá lách dùng để trị lá lách như tiểu đường chẳng hạn. gỗ cây vang Caesalpinia sappanmàu đỏ, rễ có brazilin C16 H14 O5 dùng để nhuộm. Gỗ dùng để trị các bịnh về máu như xuất huyết, thổ huyết, kiết lỵ, kinh nguyệt, v.v.... Hoa phù dung đổi sắc ba lần trong ngày (phù dung tam sắc túy), các loại cây nhuộm như cây chàm Indigofera tinctoria, cây chổi nhuộm Genista tinctoria, mặc nưa Stillingia sebifera, củ nghệCurcuma longa... đều có dược tính cao.
b- Hình dáng (hoa, trái): Trái cam xẻ đôi có những tuyến nhỏ li ti tựa tuyến nhũ hoa của phụ nữ. Đậu đen có hình dáng giống trái thận. Màu đen thuộc hành Thủy tương ứng với thận. Trái cà chua bổ đôi trông như trái tim giải phẫu. Nó có lợi cho tim. Trái sung bổ đôi có nhiều hột nhỏ li ti trông như tinh trùng của đàn ông v.v.... Trái sung có lợi cho sự sản xuất tinh khí của đàn ông.
c- Môi trường sống (núi, rừng, đất chua, vùng nhiệt đới, bán nhiệt đới, khí hậu đại dương, khí hậu ôn đới, hàn đới).
d- Khả năng sinh tồn trong môi trường sống khó khăn (khô hạn, ngập nước, băng giá). Sâm Cao Ly Panax ginseng được xem là có dược tính cao vì sống ngoan cường dưới đất băng giá. Cây trường sinh Kalanchoe pinnata có dược tính cao vì sự bất tử của nó.
e- Hương vị (cay, đắng, ngọt chua, mặn), mùi thơm như gừng, tiêu, tỏi, ớt, chanh, cây mía, cây muốiSavadora persica, ngũ vị từ Schisandra chinensia, cây trường sinh Kalanchoe pinnata (thay đổi vị 3 lần trong ngày), cây thuốc sốt rét Cinchora pubescens (làm thuốc quinine rất đắng) v.v. Hương thơm như hoa quỳnh, hoa sứ Ylang Ylang, hoa thiên lý, cây quế, trầm hương, v.v...
f- Tên gọi và biệt danh của cây cỏ như cây ký ninh (thần thông) Tynospora crispa, dây thuốc cá Adenia lobata, dây thuốc chim Adenia cardiophylla, lá bỏng Kalanchoe pinnata, cây máu chó Knema bicolor, hoa mẫu đơn (thuốc cho các bà mẹ) Paeonia suffryticosa, cỏ Phúc Âm (giảo cố lâm) Gynostemma pentaphyllum, cây lá hen trị suyễn Calotropis gigantea, thiên đầu thống trị nhức đầu (cây lá bạc) Cordia oblique v.v. Biệt danh có thể là biệt danh của người Việt, người Trung Hoa, Ấn Độ, Anh, thổ dân Nam Mỹ, người Phi Châu v.v...
g- Kinh nghiệm dùng thảo mộc của người xưa trên thế giới (Ấn Độ, Trung Hoa, Da Đỏ ở Mỹ Châu, dân miền Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia), cổ Ai Cập, cổ Hy Lạp, đế quốc La Mã v.v...).
h- Thói quen trị liệu của các loài động vật như lá chó đẻ Phyllanthus niruri, miêu bạc hà Nepeta cataria làm cho mèo nhào lăn ra đùa giỡn vì bị kích thích bởi chất acitnidine sau khi ăn; hùng quả Arctostaphylos uva ursirất chua nhưng được loài gấu thích ăn. Loại trái cây nầy có hydroquinones và arbutin kháng khuẩn rất mạnh.
i- Cây có độc chất như cây giá Excoecaria agallocha, cây ké đầu ngựa Xanthium strumarium, cây cần saCannabis sativa, hương thảo Eupatorium cannibinum, hột mãng cầu Annona squamosa, bình bát Annona reticulata... đều được nghiên cứu xem có thể dùng để trị các nan chứng của loài người hữu hiệu hay không.
***
Cuộc sống của chúng ta là một trường học, học mãi vẫn còn thiếu sót. Chúng ta học nhiều điều hay từ các đại sư phụ. Nhưng quanh chúng ta còn có nhiều "sư phụ" thầm lặng kém hơn chúng ta về mọi mặt, nhưng nếu chúng ta khiêm tốn và kiên trì thì chúng ta học hỏi thêm nhiều điều lý thú. Những "sư phụ" thầm lặng này không biết nói, không biết viết, không biết dệt vải để che thân, không biết làm mền để đắp khi giá lạnh, không tự tạo được nơi ăn chốn ở, không biết cải thiện cuộc sống. Chúng ta tìm cách phân tách mổ xẻ những bí truyền của các "sư phụ" thầm lặng nầy một cách khoa học để tìm cho mình một đời sống tương đối hạnh phúc. Trường học nầy không có chương trình, không có người dạy và lớp học. Người học phải tự học và tìm hiểu những bí truyền mà các "sư phụ" thầm lặng còn cất giấu. Việc học nầy mãi mãi không có thời gian tốt nghiệp. Một mặt, người học kiểm chứng những kinh nghiệm của người xưa. Mặt khác họ phải khám phá thêm những điều mới lạ. Và cứ thế biển học càng ngày càng bao la. Càng học càng thấy thiếu vì số "sư phụ" thầm lặng quá nhiều với vô số bí quyết chưa phát hiện được.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.