Sunday, 14 June 2015

Thư số 44b gởi: Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam - Phạm Bá Hoa

alt 
Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc và Dân Tộc! Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.


Xin gọi chung Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam là Các Anh để tiện xưng hô. Chữ “Các Anh” viết hoa, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Với thư này, tôi giúp Các Anh nhìn lại Vịnh Bắc Việt và Vịnh Cam Ranh dưới góc nhìn chiến lược trong phòng thủ Việt Nam. Vịnh Bắc Việt thì lãnh đạo Việt Cộng với Trung Cộng đang thảo luận theo đòi hỏi của Trung Cộng muốn gậm thêm đảo Bạch Long Vĩ, trong khi Vịnh Cam Ranh đang có sự kiện rất có thể sẽ dẫn đến cuộc đổ máu có chừng mực trên Biển Đông giữa Hoa Kỳ với Trung Cộng, và ngay trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Cộng do bàn tay của cộng sản anh.   
Thứ nhất. Vịnh Bắc Việt.
(trích trong Wikipedia) Vịnh Bắc Việt có diện tích khoảng 126.250 cây số vuông. Chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 cây số, nơi hẹp nhất ở cửa Vịnh là 207 cây số. Có hai cửa ra vào Vịnh: Một là eo biển Quỳnh Châu rộng 32 cây số, giữa bán đảo Lôi Châu với đảo Hải Nam thuộc Trung Cộng. Và hai là cửa chánh từ đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị thẳng đến Mũi Oanh Ca đảo Hải Nam, rộng 200 cấy số. Bờ Vịnh phía Việt Namdài 763 cây số, phía Trung Cộng khoảng 695 cây số. Vịnh Bắc Việt có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam lẫn Trung Cộng về kinh tế lẫn quốc phòng. Vịnh là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu hỏa
Nhớ lại ngày 24/12/2000, Thứ Trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng được Chủ Tịch Trần Đức Lương cử sang Trung Cộng gặp ông Hoàng Di, phụ trách tình báo và là cánh tay phải của Ngoại Trưởng Trung Cộng. Họ vẫn khăng khăng đòi tỷ lệ 50/50 trên vịnh Bắc Việt, gồm cả đảo Bạch Long Vĩ. Lê Công Phụng được lệnh Bộ Chính Trị cố gắng “xin lại 6%” gần khu vực Bạch Long Vĩ. Kết quả cuối cùng cuộc đi đêm của Lê Công Phụng, biên giới trên Vịnh Bắc Việt từ 62% xuống còn 56% và Trung Cộng từ 38% lên 44%. Và Hiệp Định phân định lại Vịnh Bắc Việt ký ngày 25/12/2000 tại Bắc Kinh, bởi Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt CộngNguyễn Dy Niên và Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Đường Gia Triền, mà bắt đầu với sự đòi hỏi của Trung Cộng. Theo đó, Việt Nam mất 11.362 cây số vuông vào tay Trung Cộng, so với diện tích trong Công Ước giữa chánh phủ Pháp với triều đình Nhà Thanh năm 1887 (hết trích). Liệu trong cuộc đàm phán này, Việt Nam mất bao nhiêu cây số vuông nữa đây?

Ngày 
4/4/2010 (trích trong Google.vn), bản tin tiếng Trung Hoa trên tờBBC có tựa đề: "Nguyễn Minh Triết thăm các đảo trên biển Nam Hải tuyên bố bảo vệ "chủ quyền" (chữ "chủ quyền" bỏ trong hai ngoặc kép).Bản tin này có đoạn Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Cộng không thừa nhận chủ quyền Việt Namtrên hòn đảo này. Ngày 9/4/2010, Sina online có bản “tin vui” về việc Trung Cộng sắp lấy lại các đảo ở Việt Nam mà trong đó có đảo Bạch Long Vĩ. Bài báo còn nói rằng: "Trong Hiệp định phân chia Vịnh Bắc Việt, hai nước chỉ phân chia vùng biển chớ không nói đến chủ quyền của hòn đảo Bạch Long Vĩ, và Việt Nam chỉ tạm thời giữ đảo Bạch Long Vĩ chớ không có chủ quyền" (hết trích).
Ngày 5/6/2015, Việt Cộng với Trung Cộng bắt đầu vòng đàm phán thứ 7 về Vịnh Bắc Việt tại Hà Nội. Theo bản tin của Thùy Trang từ trong nước, thì Trung Cộng đòi 75% khu vực đánh cá xung quanh đảo Bạch Long Vĩ và một khu vực khác rộng lớn sát biên giới Móng Cái. Sau ngày 5/6/2015, thì 12 hải lý chủ quyền Việt Nam chung quanh đảo Bạch Long Vĩ với 75% vùng biển sẽ thuộc về Trung Cộng. Người dân trên đảo Bạch Long Vĩ không biết tin này nên vẫn sinh hoạt bình thường, trong khi 75% vùng biển chung quanh thuộc chủ quyền Trung Cộng, ngư dân Việt Nam trên đảo chỉ còn được 25% vùng biển chung quanh để đánh cá thôi.
(trích trong Wikipedia) Cuộc đàm phán về Vịnh Bắc Việt lần đầu tiên vào đầu năm 2012, và hai bên đồng ý mỗi năm họp 2 lần để nhanh chóng đạt đến phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh, song song với thỏa thuận hợp tác cùng phát triển khu vực này. Kỳ họp thứ 6 tại Bắc Kinh từ 10 đến 12/12/2014 cũng chưa đạt kết quả nào (hết trích).  
Các Anh thấy chưa, với Hiệp Định năm 2000, Trung Cộng chiếm 11.362 cây số vuộng nhưng chưa chiếm được đảo Bạch Long Vĩ -ngoài khơi Hải Phòng- nên năm 2012 phát sinh cuộc đàm phán để phân định cửa Vịnh. Với bản chất dối trá gian manh, rất có thể Trung Cộng tìm mọi cách -mà đây là một cách- để tiếp tục gậm nhấm vùng Vịnh Bắc Việt thêm nữa, và tôi không loại trừ giả thuyết họ sẽ gậm luôn Bạch Long Vĩ trong các cuộc đàm phán này chăng? Các Anh chờ xem.
Thứ hai. Vịnh Cam Ranh.
(trích trong Wikipedia) Theo các chuyên gia, có 3 hải cảng thiên nhiên tốt nhất thế giới là San Francisco (Hoa Kỳ), Rio de Janéro (Brazil) và Vịnh Cam Ranh (Việt Nam). Vịnh Cam Ranh còn được đánh giá là hảicảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á.
Vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa với diện tích hơn 60 cây số vuông. Nơirộng nhất khoảng 6 cây số, ăn sâu vào nội địa chừng 12 cây sốcửa Vịnh rộng khoảng 3 cây số. Phần lớn vịnh có độ sâu từ 18 đến 32 thước, tàu trọng trên 30.000 tấn có thể vào bất cứ lúc nào. Vịnh còn có khả năng đón nhận nhiều chiến hạm cùng lúc, bao gồm cả tàu chiến, tàu ngầm. Một ưu điểm khác, là Vịnh chỉ cách đường hàng hải quốc tế một tiếng đồng hồ tàu biển, trong khi hải cảng Hải Phòng cách 18 tiếng đồng hồ. Đáy vịnh gần như bằng phẳng, cấu tạo bởi loại cát pha bùn khá chắc, thuận tiện cho việc thả neo. Vịnh Cam Ranh còn được bán đảo che chắn bên ngoài nên kín gió, là nơi tránh bão tốt cho tàu thuyền. Phía ngoài vịnh có một số đảo và cù lao án ngữ, trong đó có điểm cao thuận tiện cho việc xây dựng hệ thống đèn biển và radar. 
Năm 1905, Hạm Đội Baltic của Nga do Đô đốc Zinovy Rozhestvensky chỉ huy, sau khi bị Hạm Đội Nhật Bản đánh bại trong trận Tsushima, trên đường chạy trốn đã bất ngờ nhìn thấy lối vào bên trong bán đảo, nên cả Hạm Đội vào ẩn trốn và đã thoát được cuộc truy lùng của Hải Quân Nhật. Đây chính là Vịnh Cam Ranh
Năm 1911, quân đội Pháp tại Đông Dương xây dựng Cam Ranh thành một quân cảng. Năm 1939, quân Pháp biến nơi đây thành một căn cứ Hải Quân lớn trong kế hoạch phòng thủ Đông Dương.
Năm 1942, khi quân Nhật chiếm quân cảng Cam Ranh, họ sử dụng nơi đây làm bàn đạp chính để tiến đánh Malaysia và các quốc gia vùng Đông Nam Á trong chiến tranh thế giới lần 2.
Trong chiến tranh Việt Nam 1955-1975, Cam Ranh là căn cứ quan trọng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Hoa Kỳ.  .
Năm 1978, cộng sản Việt Nam ký hợp đồng cho Liên Xô thuê Vịnh Cam Ranh trong 25 năm, và Hạm Đội Thái Bình Dương của Liên Xô sử dụng trong chiến tranh lạnh với Hoa Kỳ. Cuối thập niên 1990 Liên Xô sụp đổ, chánh phủ Nga thừa kế hợp đồng đến năm 1993, một hiệp định mới cho phép Nga sử dụng Cam Ranh làm nơi thám thính, theo dõi hoạt động của Trung Cộng. Ngày 2/5/2002, vì Nga không chịu trả tiền thuê hằng năm là 200.000.000 mỹ kim, nên quốc kỳ Nga tại Cam Ranh kéo xuống và rút khỏi nơi đây. Trước khi Liên Xô hoàn trả Cam Ranh, ngày 8/6/2001, Bộ Ngoại Giao Việt Nam có thông báo: “Việt Nam chủ trương sau năm 2004 sẽ không ký với nước nào về việc sử dụng cảng Cam Ranh vào mục đích quân sự. Việt Nam sẽ khai thác cảng Cam Ranh cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước” (hết trích)
Trên <Google.vn> có bài “Cam Ranh, Một Trọng Tâm Chính Sách Nga tại Thái Bình Dương” ngày 4/4/2015, theo đó thì năm 2013, Nga và Việt Cộng đã đạt được thỏa thuận cùng có lợi về việc sử dụng vịnh Cam Ranh. Sự hiện diện của các máy bay chở dầu Il-78 là một trong những điều khoản trong hiệp định song phương là cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự này, cũng là giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng của Cam Ranh, để biến căn cứ này thành một trung tâm quốc tế phục vụ cho các tàu dân sự và tàu chiến.
Trích báo ĐấtViệtonline ngày 14/1/2015, Nga và Việt Nam đã ký một thỏa thuận về việc đơn giản hóa các thủ tục cho phép tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh. Theo đó, các tàu chiến Nga nếu muốn vào  hải cảng Cam Ranh chỉ cần thông báo trước với địa phương. Tại đây, các tàu chiến Nga sẽ được bảo đảm tiếp liệu và kỹ thuật. Các thủy thủ có chỗ nghỉ ngơi… Năm 2001, khi Nga rời khỏi Cam Ranh đã để lại các doanh trại cho các thành viên của PMTO và các thủy thủ đoàn tàu ngầm, trung tâm truyền tin liên lạc với  tàu ngầm, bệnh viện hải quân 100 giường; hệ thống kho dự  trữ  nhiên liệu lỏng, trạm phát điện diesel công suất 24 000 kW phục vụ cho căn cứ, cơ sở dự trữ và bảo trì kỹ thuật tên lửa.
Thông tấn xã Reuter ngày 11/3/2015 đưa tin: “Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ yêu cầu Hà Nội ngưng cho phép Nga dùng hải cảng Cam Ranh tiếp tế nhiên liệu cho phi cơ chiến lược của Nga có khả năng ném bom nguyên tử đang phô trương sức mạnh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”. Reuters còn dẫn lời của Tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, nói với Reuters và đài VOA Hoa Kỳ, xác nhận trên bản tin của đài này: “Những máy bay của Nga đã thực hiện những chuyến bay khiêu khích, trong đó có những chuyến bay quanh đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, nơi đây là căn cứ lớn của Không Quân.
Trích bản tin của Quỳnh Trung online ngày 29/3/2015 tường thuật buổi đối thoại giữa  Đại Sứ Việt Cng tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, với  Đại S Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế & Chiến Lược (CSIS) ở Washington ngày 24/3/2015. Đại Sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: "Các hiệp định mà Việt Nam ký với đối tác không gây nguy hại cho bên thứ ba. Chúng tôi tạo điều kiện cho các quốc gia đến Cam Ranh với mục đích sử dụng dịch vụ tiếp liệu bảo trì... ".  Đại Sứ Ted Osius phát biểu: "Quan điểm Hoa Kỳ tôn trọng những hiệp định mà Việt Nam ký với những nước khác, nhưng tôi cho rằng, Nga không nên sử dụng hiệp định đã ký với Việt Nam để tham gia những hành động gây căng thẳng trong khu vực....”
Ngày 12/3/2015, tác giả Trương Nhân Tuấn với bài “Cam Ranh trong thế cờ chiến lược quốc tế”, có đoạn:“....Việt Nam như đứng trước ngã ba đường, Việt Nam không thể không có chọn lựa. Thái độ của Việt Nam sẽ cho ta biết diễn tiến trong bang giao giữa Việt Nam với Trung Cộng, Nga, và Hoa Kỳ sẽ ra sao trong thời gian tới. Tương tự như trong một ván cờ, chỉ cần một nước đi quan trọng của một bên có thể cho ta thấy diễn tiến của cả bàn cờ. Thái độ của Việt Nam là một bước quan trọng đó....”
Tóm tắt. Trong kế hoạch phòng thủ Việt Nam từ phía đông, Cam Ranh là một vị trí chiến lược quan trọng nếu người lãnh đạo có nét nhìn xa, nhìn rộng, cộng với trách nhiệm bảo vệ tổ quốc bảo vệ dân tộc. Hãy tưởng tượng là Các Anh đang đứng trên vành đai cửa ngõ từ Biển Đông vào Vịnh, và phóng tầm mắt ra khơi: Nhìn xéo bên trái (phía bắc) là quần đảo Hoàng Sa với các căn cứ quân sự trên đó, đặc biệt là phi cảng và hải cảng trên đảo Phú Lâm. Nhìn xéo bên phải (phía nam) là quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Cộng đã bồi lấp 7 Đá Ngầm thành đảo nổi nhân tạo, và đang biến thành căn cứ quân sự trên đảo Đá Chữ Thập phía tây Trường Sa, và đảo Đá Vành Khăn phía đông Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa với quần đảo Trường Sa, vừa là tiền đồn cảnh báo từ xa, vừa là căn cứ phòng thủ từ Biển Đông, đã vào tay Trung Cộng! 
Ngược lại, Cam Ranh cũng chỉ là cái Vịnh giúp tàu bè tránh bảo, hoặc như Hạm Đội Nga vào đây khi chạy trốn Hạm Đội Nhật Bảnn. Theo tác giả Trương Nhân Tuấn, dường như lãnh đạo Việt Cộng vừa chọn "thế đứng trước ngã ba đường" sau khi ký bản Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung với Bộ Trường Quốc Phòng Hoa Kỳ ngày 1/6/2015.
(trích trong Google.vn) Ngày 5/6/2015, bản tin rất đặc biệt " Cam Ranh trong chiến lược Hoa Kỳ và Việt Nam", với hai phần trong nội dung: "Vịnh Cam Ranh, và chuyến đi Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng", như sau:   
"Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Thỏa Ước Hợp Tác Quốc Phòng và An Ninh tại Biển Đông và khu vực, nhưng cả hai bên đều đồng ý không công bố về những điều đã được thỏa thuận. Nguồn tin đáng tin cậy cho biết.
Vịnh Cam Ranh với nội dung: "Một. Việt Nam đồng ý để Hoa Kỳ xử dụng Cam Ranh làm căn cứ sửa chữa tàu bè của lực lượng Hải Quân Mỹ tại Đông Nam Á. Hai. Hoa Kỳ và Việt Nam cùng nhau lấy Cam Ranh làm nơi xuất phát tuần tra và tập trận chung để bảo vệ đường hàng hải tại Biển Đông và chống hải tặc. Ba. Hoa Kỳ sẽ giúp quân đội Việt Cộng có những vũ khí và trang thiết cụ cần thiết để Việt Nam có khả năng tự phòng thủ một cách hữu hiệu. Bốn. Hoa Kỳ điều động một vài Tướng Lãnh gốc Á Châu, đặc biệt là sĩ quan gốc Việt, nhận những trọng trách trong lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ ở Á Châu dễ dàng đáp ứng những nhu cầu hợp tác về an ninh và quốc phòng với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là với Hải Quân Việt Cộng".  
Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Hoa Kỳ từ ngày 3 đến 10/7/2015, sẽ được Tổng Thống Hoa Kỳ đón tiếp trọng thể tại tòa Bạch Ốc: "Một. Để chuẩn bị cho Nguyễn Tấn Dũng thay thế Nguyễn Phú Trọng sau Đại Hội 12 sắp tới, đồng thời đánh lạc hướng Trung Cộng việc Hoa Kỳ bảo trợ cho Việt Nam được gia nhập TPP, và giải tỏa  cấm vận vũ khí sát thương hng loạt. Hai. Dưới áp lực của Nguyễn Tấn Dũng và cũng để bảo vệ đảng, ông Nguyễn Phú Trọng phải chấp nhận đến Hoa Kỳ để thực hiện những kế hoạch mật của nhóm lợi ích đã cam kết với tình báo Hoa Kỳ trong vấn đề Cam Ranh, là thay đổi cơ chế chính trị và nhất là hủy bỏ điều 4 hiến pháp , chấp nhận đa nguyên, tôn trọng nhân quyền... Ba. Nguyễn Phú Trọng phải ký những cam kết tôn trọng những điều khoảng của thỏa ước TPP, nhất là công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của người công nhân, đồng thời  phải cam kết không để Trung Cộng lợi dụng TPP khuynh loát thị trường tự do nầy. Bốn. Tin cũng cho biết, khi tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Thống Obama sẽ làm quà cho ông là tuyên bố Việt Nam được vào TPP”.
Tóm lược phần phát biểu của Tiến sĩ  Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại trường đại học quốc gia (Sài Gòn) đang có mặt ở Singapore: " Đó là bước tiến có ý nghĩa của hai bên trong hợp tác quốc phòng khu vực. Đây cũng là một phần để thực hiện "bản ghi nhớ" về hợp tác quốc phòng song phương mà Việt Nam với Hoa Kỳ ký hồi năm 2011. Theo đó,  hai bên đề ra một số biện pháp hợp tác cụ thể hơn. Trong bối cảnh Biển Đông ngày càng căng thẳng do Trung Cộng gia tăng bồi lấp biến các Đá Ngầm thành đảo nổi, nên Hoa Kỳ với Nhật Bản ra tay ngăn chận, lại là nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác vì mục tiêu ổn định Biển Đông....".
Các Anh suy nghĩ thế nào? Về phần tôi, thì:
Thứ nhất. Bản tin này có thể là nội dung trong tuyên bố Tầm Nhìn Chung .. như đã công bố trên Google.vn, nhưng chưa tin về mức độ chính xác của nó, vì theo bản tin ngày 14/1/2015 bên trên thì Việt Cộng đã cho Nga sử dụng Canh Ranh dễ dàng, đến mức Nga chỉ thông báo cho nhà cầm quyền địa phương trước khi chiến hạm vào Vịnh. Và khi Hải Quân Nga có mặt tại Cam Ranh, liệu khi các chiến hạm Hoa Kỳ cũng có mặt tại Cam Ranh thì chuyện gì xảy ra?
Thứ hai. Nếu ông Trọng thăm Hoa Kỳ và ký những bản cam kết như nội dung bản tin bên trên, thì đây là "cuộc cách mạng từ cộng sản độc tài chuyển sang dân chủ tự do", nhưng liệu nhóm lợi ích -tức nhóm tham nhũng gộc- có thật sự làm cách mạng đúng nghĩa, hay đây là cách mà Nguyễn Tấn Dũng đánh lừa Hoa Kỳ để vào TPP theo đúng bản chất dối trá của cộng sản? Và liệu, Nguyễn Phú Trọng -thân Trung Cộng- có chấp nhận làm con vật tế thần cho Nguyễn Tấn Dũng khi ký vào văn kiện với Hoa Kỳ như nội dung điểm 2 và điểm 3 trên đây không? Tôi nói "con vật tế thần", vì nếu ông Trọng ký tên vào văn kiện cam kết chuyển đổi chế độ, tôi tin là ông Trọng không thooát khỏi lưỡi hái tử thần của Trung Cộng.
Tóm lại. Trong giai đoạn hiện nay, tôi hoàn toàn không tin Nguyễn Tấn Dũng cũng như bất cứ nhân vật nào trong nhóm lãnh đạo Việt Cộng trở thành Gorbachev Việt Nam, vì đảng viên cộng sản ngồi chiếc ghế lãnh đạo mà không có căn bản kiến thức, nhưng lại độc tài, độc đoán, độc ác, cộng với lòng tham vô hạn, thì không thể nào có nét nhìn chiến lược cấp quốc gia để làm nên lịch sử!
Thứ ba.  Kế hoạch điều động Hải Quân Hoa Kỳ đến Vịnh Cam Ranh
(trích trong Google.vn) Ngày 02/06/2015, Viện Nghiên Cứu Chính Sách Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận định: "Ngày 11/5/2015, Hoa Kỳ đưa chiến hạm  Fort Worth tới khu vực cách các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông 12 hải lý. Trước đó, Hải Quân Hoa Kỳ từng qua lại khu vực này để bảo đảm tự do hàng hải, nhưng đây  là lần đầu tiên một tàu chiến của Washington tiến gần các đảo mà Trung Cộng chiếm giữ, là một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ từng bước ngăn chặn Trung Cộng khẳng định chủ quyền của họ tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Bộ Quốc Phòng nghiên cứu khả năng sẽ phản ứng như thế nào nếu khủng hoảng xảy ra. Nói rộng hơn, Hải Quân Hoa Kỳ hy vọng sẽ đưa lực lượng của mình tới Biển Đông từ những vùng khác trên thế giới, phải đi qua hoặc tiến sát một số điểm nóng, và tại những điểm nóng này có thể là nơi bắt đầu cuộc chiến.
Bản doanh Hạm Đội 7 tại Nhật Bản, sẽ là lực lượng tiếp viện gần nhất mà Hoa Kỳ có thể điều động. Đây cũng sẽ là lực lượng dễ bị Trung Cộng đánh chặn nhất. Để tới được Biển Đông, Hạm đội 7 có thể sẽ đi xuống sườn đông của quần đảo Ryukyu và qua eo biển Luzon. Trên đường đi, lực lượng này sẽ qua eo biển Miyako, phải vượt được các tàu ngầm và chiến hạm của Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Sau đó, khi Hạm Đội ngang qua eo biển Luzon, sẽ phải đối mặt với toàn bộ sức mạnh của lực lượng Hải Quân và Không Quân Trung Cộng dọc theo Biển Đông, bao gồm các căn cứ của Hạm Đội Nam Hải ở Trạm Giang và vịnh Á Long. Trong khi tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Angeles được đưa từ vịnh Guam tới có thể tránh được Không Lực Trung Cộng, thì cả tàu trên mặt nước và tàu dưới mặt nước có thể sẽ gặp phải tàu ngầm của Trung Cộng trong không gian nhỏ hẹp tại eo biển Luzon và vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Hạm Đội 5 hoạt động gần vùng vịnh Ba Tư, sẽ là lực lượng tăng cường tiếp theo. Thách thức chánh của Hạm Đội này là phải vào eo biển Malacca rất hẹp trước khi tới Biển Đông. Ở đây, khả năng của Không Quân và Hải Quân Singapore, có thể đảm trách canh phòng nghiêm ngặt tàu ngầm và máy bay Trung Cộng, cho dù bản thân họ không muốn liên quan trực tiếp đến tranh chấp này.
Lực lượng cuối cùng thuộc Hạm Đội 3, có thể điều động là từ Hawaii. Lực lượng này yểm trợ các hoạt động tại Biển Đông từ Sulu hoặc biển Celebes. Ở đây, họ có thể hoạt động tương đối an toàn mặc dù vẫn nằm trong phạm vi của tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Cộng. Ít nhất thì vùng núi của đảo Palawan, sẽ làm giảm khả năng của các máy móc tìm kiếm cao tần và radar vượt đường chân trời trên đất liền của Trung Cộng".
Mỗi quốc gia luôn luôn phải có một chiến lược phòng thủ từ xa, một kế hoạch phòng thủ chung quanh. Hoa Kỳ cũng vậy thôi, hoặc còn hơn thế nữa. Thế nhưng, một chiến lược phòng thủ từ xa, sao lại phổ biển rộng rãi trên hệ thống internet? Phải chăng đây là đòn đánh lừa Trung Cộng, trong khi kế hoạch ổn định Biển Đông thì khác, vì không phải chỉ có lực lượng Hoa Kỳ mà còn có Phi Luật Tân, Nhật Bản, Australia, và ..v..v...?      
Ngày 11/6/2015. Bà Wu Xi, Phó Chủ Tịch ủy ban ngoại giao tòa đại sứ Trung Cộng tại Washington DC, khi tiếp xúc với Quốc Hội Hoa Kỳ đã tuyên bố: "Các vấn đề cá thể không nên để làm lu mờ mối bang giao toàn diện giữa hai siêu cường và càng không nên làm thiệt hại đến mậu dịch song phương. Cứ đổ thừa này nọ, hay là áp dụng kiểu ngoại giao cò con thì chẳng sẽ giải quyết được bất cứ khác biệt nào. Cách lựa chọn đúng đắn nhất là phải tỉnh táo nhìn ra các khác biệt giữa hai nước trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, và thật sự muốn đối thoại thẳng thắn. Thực ra, Hoa Kỳ với Trung Cộng chẳng có xung đột nào về quyền lợi, vì cả hai đều cần ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và cả hai đều luôn biết đàm phán với nhau".
Kết luận.
Tôi thông cảm với Các Anh, những người sinh ra, lớn lên, học hành, và trở thành Người Lính trong quân đội, tất cả những gì Các Anh học ở trường văn hoá, trường quân sự, lại thường học tập chính trị tại các đơn vị, cộng với những chính sách về các lãnh vực sinh hoạt xã hội, mà Các Anh theo dõi hằng ngày trên hệ thống truyền thông nhà nước. Trôi dần theo thời gian, chính sách độc tài và dối trá của cộng sản lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong sinh hoạt xã hội, rồi biến thành một nếp trong đời sống thường ngày đối với người dân nói chung, với Các Anh nói riêng, từ lúc nào không ai biết. 
Nhưng với phương tiện truyền thông trên thế giới ngày nay, trong một chừng mực nào đó, Các Anh có cơ hội tiếp xúc với thế giới tự do ngang qua hệ thống internet mà Các Anh gọi là “trang mạng”, như Các Anh đang đọc lá Thư này. Tôi tin là trong những lúc mà Các Anh sống thật với trái tim và khối óc của chính mình, nhất thiết Các Anh phải có những suy nghĩ ...... Từ đó, Các Anh hãy chọn cho mình một hướng đi, cùng 90 triệu đồng bào hòa nhập vào Cộng Đồng thế giới tự do, để được ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự, được hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới.
Các Anh đừng bao giờ quên rằng: “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
Texas, tháng 6 năm 2015
Phạm Bá Hoa
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~