Sunday, 8 November 2015

Cha của Tập Cận Bình từng đầu độc giáo viên trung học của mình

Mới đây, tạp chí The New Yorker của Hoa Kỳ đã có một bài viết về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo bài báo này thì ông Tập Cận Bình đã chịu không ít những ảnh hưởng từ chính người cha của mình. 

Tập Cận Huân (thứ hai từ trái sang), từng là phó thủ tướng Trung Quốc. Photo Courtesy: Reuters/Stringer
 
Cali Today News - Chính Tập Cận Bình cũng từng thừa nhận rằng cha của mình, ông Tập Trọng Huân, có sức ảnh hưởng lớn đối với mình. Ông còn kể một chuyện về một trong những bài học mà cha ông đã dạy. Theo đó, khi Tập Cận Bình ra đời vào năm 1953, lúc đó cha của ông đang nắm giữ vị trí Bộ trưởng Bộ tuyên truyền của chính quyền Bắc Kinh. Tác giả của bài viết trên tạp chí The New Yorker viết rằng Tập Trọng Huân đã thể hiện lòng "nhiệt huyết" của mình đối với Đảng cộng sản kể từ khi mới 14 tuổi. Thậm chí khi đó, ông này đã cùng với một số người bạn học lên kế hoạch đầu độc một giáo viên trong trường vì cho rằng người này phản cách mạng.
 
Theo The New Yorker:
 
"Tập Trọng Huân sau đó bị bắt giam. Trong thời gian ở tù, ông ta đã gia nhập vào Đảng Cộng Sản, và cuối cùng trở thành một chỉ huy cấp cao. Chính điều này đã khiến Tập Trọng Huân luôn đắm chìm trong thù hận nội bộ Đảng. Năm 1935, một nhóm đối thủ đã buộc tội Tập Trọng Huân không trung thành với Đảng, đồng thời yêu cầu phải chôn sống ông ta. Nhưng may mắn là Mao Trạch Đông đã xoa dịu cuộc khủng hoảng nội bộ này. Tại một cuộc họp của Đảng Cộng Sản vào tháng Hai năm 1952, Mao Trạch Đông đã tuyên bố rằng 'việc đàn áp phản cách mạng' cần phải xử tử một người trong 1000 - 2000 dân. Tập Trọng Huân đã tỏ ra ủng hộ nhiệt tình cho phát biểu này của Mao Trạch Đông. Mặc dù vậy, theo lịch sử ghi lại thì trong thời kỳ này, số người bị giết lại tương đối thấp."
 
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2004 với một tờ báo trong nước, Tập Cận Bình đã kể rằng Tập Cận Huân vẫn thường nói với con trai của mình rằng chắc chắn Tập Cận Bình sẽ đủ khả năng để tiến hành một cuộc cách mạng lớn trong tương lai. 
 
Không chỉ chịu những ảnh hưởng về tư tưởng, khi Tập Cận Bình lớn lên, thứ hạng của cha ông ta trong giới chính trị cũng trở thành một yếu tố quan trọng không kém. Theo The New Yorker:
 
"Những học sinh của trường mà Tập Cận Bình theo học lúc đó thường so sánh chức vụ của những phụ huynh. Xem ai có cha nắm chức vụ cao hơn, lái xe tốt hơn. Thậm chí, người nào có cha làm lớn nhất thì sẽ được quyền hành xử như một 'đại ca' trong trường học. Khi cuộc cách mạng văn hoá bắt đầu vào năm 1966, những sinh viên tại Bắc Kinh đã hô to khẩu hiệu rằng: Nếu cha là anh hùng thì con trai cũng sẽ là anh hùng; nếu cha là một kẻ phản động thì con trai cũng sẽ là một tên khốn."
 
Tạp chí The New Yorker đã cho rằng Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo có uy quyền nhất của Trung Quốc kể từ sau thời đại của Mao Trạch Đông. Một phần là vì những gì mà ông ta đã học được từ chính cha mình. Trong những năm 1960, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu chiến dịch tẩy não và tái giáo dục người dân, hay còn gọi là Cách mạng văn hoá. Tập Trọng Huân cuối cùng cũng bị bắt giam trong một thời gian dài. Tập Cận Bình nói rằng chính sự kiện này đã làm thay đổi quan điểm về chính trị của mình.
 
Theo The New Yorker:
 
"Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2000 với phóng viên tên Chen Peng thuộc tờ báo Times của Trung Quốc, Tập Cận Bình nói rằng: 'Đối với những người có ít kinh nghiệm với thứ gọi là quyền lực, những người ở xa nó, thường có xu hướng biến quyền lực thành điều gì đó bí ẩn và mới lạ. Nhưng tôi đã chỉ nhìn mọi thứ qua vẻ bề ngoài: sức mạnh, những bông hoa, vinh quang và những tràng pháo tay. Và rồi khi tôi nhìn thấy những phòng giam giữ tù nhân, các mối quan hệ giữa con người đột nhiên thay đổi. Lúc ấy tôi đã hiểu về chính trị ở một phương diện sâu hơn."
 
Linh Lan (Theo Business Insider)