Monday, 1 February 2016

ĐÀO HIẾU – Đứng ngoài chính trị. NHÃ CA - Việt Nam: Cuộc Chiến tại Cornell

ĐÀO HIẾU – Đứng ngoài chính trị

cau-hoi-thiet-ke-websiteTôi có thể đứng ngoài một căn phòng (vì nó dơ dáy), hoặc đứng ngoài một trận đá bóng (vì tôi không thích) nhưng tôi không thể đứng ngoài chính trị. Chính trị xâm nhập vào cuộc sống của tôi từng giây, từng phút, từng ngày: miếng cơm tôi ăn, cái áo tôi mặc, chiếc xe tôi đang chạy, chương trình TV tôi đang xem… tất cả đều thấm đẫm chính trị, thể hiện qua giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá điện nước. Thể hiện qua thuế VAT, thuế cầu đường, thể hiện qua nội dung các chương trình TV.
Cả con cái tôi nữa, chính trị cũng chui vào cặp sách của nó, nằm chình ình trong nội dung sách giáo khoa, trong sinh hoạt Đoàn, Đội..trong giáo án, trong cách giảng dạy  của thầy cô…
Mỗi sáng, khi nhìn đứa cháu tám tuổi mang chiếc cặp nặng trĩu oằn vai, tôi cứ thấy cái bóng ma chính trị đang nằm vắt vẻo một cách thô bạo và trơ trẽn trên đôi vai gầy yếu tội nghiệp của nó. Nó bé bỏng, mong manh như thế mà cũng không thoát khỏi nanh vuốt của chính trị. Vậy thì bạn? Bạn nghĩ mình đã thoát ra khỏi nó và đứng ngoài cuộc sao?
Im lặng hay phản kháng đều là chính trị. “Ngay cả khi bạn không làm chính trị, chính trị sẽ đến với bạn.” (Aung San Suu Kyi). 
Cho nên vấn đề quan trọng không phải là tìm cách đứng ngoài chính trị (vì bạn không thể làm được điều đó) mà là chọn lựa một thái độ, một chỗ đứng. Trong từ điển Hán- Việt thì “chỗ đứng” tức là “lập trường”.
Vậy lập trường của bạn là gì?
ĐÀO HIẾU
(Trích tác phẩm “Mặt Đất Vẫn Còn Rung Chuyển”)
Việt Nam: Cuộc Chiến tại Cornell
Nha Ca27-10-2015, là cuộc họp mặt tại Đại học Cornell. Trưa nói chuyện tại Rockerfeller Hall: Sean Fear của chương trình “Voices on Vietnam” giới thiệu các diễn giả Olga Dror, Nhã Ca. Chiều ăn tối, xem phim, sinh hoạt tại Kahin Center: Giáo sư Keith Taylor và các bạn sinh viên thực hiện chương trình Voices on Vietnam đón khách. Từ trái, hàng đầu: Yến Vũ, Nhã Ca, Olga Dror. Tiếp theo: Giáo sư Keith Taylor, Trần Dạ Từ, Thanh Mai. Hàng thứ ba: Sean Fear, Vũ Minh Hoàng, Alex Thái Võ.

image004Poster của phong trào phản chiến tại Cornell.

Nhã Ca nói chuyện tại Cornell & UCI
(Bài trích báo xuân Việt Báo Tết Bính Thân)

Không phải Tổng Thống Mỹ hay vua Tầu. Chính cái gọi là “cuộc chiến tại Cornell” đã đẩy nước Mỹ tới chỗ phải bỏ rơi miền Nam Việt Nam cho cộng sản thôn tính. 

Nhưng, đã tới lúc lịch sử được nghiêm túc nhìn lại. Sự thật về chiến tranh Việt Nam, sau nhiều năm bị khuất lấp, đang được nói lên. Và “Giải Khăn Sô Cho Huế” là cuốn sách đầu tiên từ phía miền Nam đã đến được với người đọc anh ngữ: “Mourning Headband for Hue,” công trình nghiên cứu, dịch thuật của Giáo sư Olga Dror, xuất bản bởi Indiana University Press, được đón nhận rộng rãi.

Với sự khích lệ từ các đại học hàng đầu, Mourning Headband for Hue đã trở thành sách tham khảo cho các lớp học về lịch sử chiến tranh Việt Nam và vừa thắng giải Sách Trong Năm (2014 INDIEF Book of the Year Awards Winner) do Hiệp hội thư viện và nhà sách tại Hoa Kỳ trao tặng. 

Cùng với cuốn sách, biến cố Tết Mậu Thân 1968 lại trở thành đề tài được bàn cãi tại các đại học Hoa Kỳ, tác giả Nhã Ca và dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Olga Dror đã được lắng nghe.

Ngay từ mùng 7 Tết Ất Mùi, ngày 25 tháng Hai năm 2015, Giáo sư Olga Dror từ Đại học Texas A&M và Nhã Ca từ Việt Báo, California đã có dịp cùng tới nói chuyện tại Đại Học Berkeley. Đây là lần đầu tiên, hình ảnh và sự thật về cuộc tàn sát Tết Mậu Thân tại Huế được mang tới các Đại Học tại Hoa Kỳ. 

Tiếp theo, ngày 27 Tháng Mười, Giáo sư Olga Fror và tác giả “Mourning Headband for Hue” đã được sự đón tiếp nồng hậu tại Đại Học Cornell ở Ithaca, New York. Buổi trưa, nói chuyện tại phòng họp Rockefeller. Chiều cùng ngày, là chương trình ăn tối, xem phim và sinh hoạt tại Kahin Center, tòa nhà mang tên Giáo sư George Kahin, người dẫn đạo phong trào phản chiến tại Mỹ năm xưa.

Nha Ca 0227-10-2015, họp mặt tại Đại học Cornell. Trưa, nói chuyện về “Mourning Headband for Hue” Chiều, chiếu phim Land of Sorrows dựng lại cảnh Mậu Thân tại Huế. Sau khi xem phim, Vũ Minh Hoàng của chương trình “Voices on Vietnam” giới thiệu Nhã Ca trả lời các câu hỏi.

Bài nói chuyện của Nhã Ca tại Đại Học Cornell ngày 27 tháng Mười 2015
Thưa quí vị giáo sư và các bạn sinh viên, 

Chúng tôi vừa được các bạn tại Cornell đón tới đây chiều tối hôm qua. Sáng nay, lần đầu trong đời, tôi biết Ithaca. 

Cảnh vật và con người. Tuyệt vời!

Kính chào Ithaca mùa thu. 
Kính chào Cornell 150 năm. 
Kính chào quí vị và các bạn.

Tôi đến đây với lòng ngưỡng mộ, niềm tin đặt vào sức sống của sự hiểu biết, và niềm vui được gặp gỡ chia xẻ, cùng hướng về tương lai. Nhưng phải thú thật là ngay khi được các bạn tại Cornell kêu tới, tôi không thể không nhớ, những điều từng thiêu đốt ruột gan từ 50 năm trước. 

Ngày ấy, năm 1965, khi các bạn sinh viên tràn ngập Baily Hall, tôi thấy lòng mình sôi sục với Cornell. Rất đúng, phải phản đối chiến tranh. 

Năm 1967, khi sinh viên tuần hành phản đối Ngũ Giác Đài, tôi nhớ mình xúc động khi theo dõi tin tức. Cùng lúc với các chiến binh Hoa Kỳ được đưa vào cuộc chiến, Việt Nam đã thành đề tài cho một cuộc chiến khác ngay trong lòng nước Mỹ: Cuộc chiến tại Cornell. 

Nhưng thực tế chiến trường và sân trường khác nhau. Chiến tranh leo thang. Miền Bắc đưa quân vào miền Nam. Đêm giao thừa tết Mậu Thân 1968, - đúng lúc đã có lệnh ngưng bắn trong ngày tết truyền thống, như các phe lâm chiến từng thỏa thuận và tôn trọng nhiều năm trước- phía cộng sản mở cuộc tổng tấn công. Các bản tin chiến thắng cùng thơ nhạc tuyên truyền soạn sẵn được phát thanh từ Hà Nội. 

Và thành phố Huế bị biến thành địa ngục. 

Bom đạn, xương máu có loại âm thanh khác với mọi lý thuyết hay lý lẽ về nó. Là kẻ sống sót từ địa ngục Huế Tết Mậu Thân, tôi viết “Giải Khăn Sô cho Huế.” Chỉ là một bút ký chạy loạn kiểu có sao kể vậy, viết khi thấy như có tiếng kêu hay con mắt oan ức đuổi theo mình dục dã. 

Trận chiến Tết 1968 đã thành khúc quanh của cuộc chiến. Những ngày ấy, khúc quanh của “Việt Nam: Cuộc chiến tại Cornell” là việc sinh viên chiếm Barton Hall và phong trào phản chiến lan rộng khắp nước Mỹ. Hai khúc quanh ấy bị lẫn lộn, ngộ nhận đưa tới nhiều quyết định và kết cuộc đau lòng. 

“Chiến tranh Việt Nam đã thuộc về lịch sử,” vị Tổng Thống Hoa Kỳ 40 năm trước nói vậy. Và việc giảng dạy về cuộc chiến tại các đại học Hoa Kỳ được tiến hành dựa trên cách nhìn của phong trào phản chiến. Cách nhìn một thời ấy đã được thời gian và thực tế cho thấy là bất cập. Trong lịch sử Hoa Kỳ, Việt Nam từng được coi là cuộc chiến dài nhất, gây nhiều tranh cãi nhất. Cuộc chiến ấy có cái bóng dài hơn là chính nó. Đó là trận chiến tại Huế năm 1968. Hôm nay, 47 năm sau, cái bóng ấy trở lại Cornell. Giáo sư Olga Dror là người vừa mang nó trở lại, bằng cuốn sách “Mourning Headband for Hue”. 

Chúng ta biết “Mourning Headband for Huế” không chỉ là một cuốn sách dịch. Đây là kết quả sự kiểm nghiệm nghiêm túc của một nhà nghiên cứu khi nhìn lại lịch sử. Tại Hoa Kỳ, ngay từ thời còn chiến tranh, mọi cuốn sách từ Việt Nam được phiên dịch, xuất bản cho người Mỹ đọc, đều đến từ miền Bắc Cộng sản. Tất cả sách vở miền Nam -tiếng nói của người dân miền Nam thời nam bắc phân tranh- bị dìm vào thinh lặng, chỉ vì chúng không vừa vặn với cái khung cố định từ nửa thế kỷ trước tại Mỹ. “Mourning Headband for Huế” và Nhã Ca là cuốn sách và người viết đầu tiên từ phía miền Nam được chọn để nghiên cứu, giới thiệu. Giáo sư Olga Dror không chỉ là dịch giả. Bà là tác giả toàn bộ công trình nghiên cứu này.

Quyết định về “Mourning Headband for Huế” tự nó cũng đã là một khởi đầu khác thường, không phải tại Hoa Kỳ mà là từ đất Nga. Chuyện là thế này: Cô Olga gốc Do Thái được sinh ra và lớn lên tại Liên Bang Sô Viết. Bà nội và bố mẹ cô từng kể nhiều chuyện phải trải qua thời chiến tranh thế giới ở Saint Peterbourg. Từng biết thế nào là Cộng sản, Olga đã rời khỏi đất Nga khi xứ này còn là một siêu cường. Chế độ Sô Viết sụp đổ năm 1991. Mười một năm sau, khi đã là người Mỹ và là nhà nghiên cứu về văn hóa lịch sử Việt Nam của Đại học Cornell, Giáo sư Olga Dror được mời dự một hội thảo tại Moscow về “Những Vấn Đề Trong Nghiên Cứu Nga Việt.” Olga có trong tay cuốn sách nhỏ tôi viết từ địa ngục Huế Tết Mậu Thân, và chọn đề tài thuyết trình là “Giải Khăn Sô cho Huế và trận chiến Tết 1968”. Lập tức, diễn giả được bảo là chỉ có thể nói mọi cuộc tàn sát đều là “tội ác đế quốc Mỹ”. Mọi lý lẽ khác bị dập tắt. Moscow năm 2012 không khác thời Sô Viết. Vẫn chỉ là “cái khung đóng sẵn được tự cho là đúng của cộng sản,” Olga viết. Đó là lúc cô nhớ thân phận người dân trong chiến tranh. Và thấy hơn bao giờ, phải làm cho tiếng nói của người dân Huế được lắng nghe.” 

Năm 2012 chính là lúc “Mourning Headband for Huế” được quyết định thành sách và tôi nhận thư đầu tiên từ Giáo sư Olga. Chúng tôi không hề quen biết trước. Ba năm thư từ, đã coi nhau là bạn, nhưng chưa từng gặp gỡ. Tôi không biết gì về chuyện cuốn sách cũ mình viết từng đi qua nước Nga. Mãi tới cuối tháng Hai năm nay, khi sách đã in xong, chúng tôi mới có dịp gặp nhau lần đầu ở đại học Berkeley.

Mourning Headband for Huế, theo Olga, là “cái nhìn của người dân miền Nam trong chiến tranh, không phải cách nhìn của người lính, chính trị gia hay bình luận gia. Có thể thấy đây là cuốn sách chống Mỹ, khi nó nói lên sự bất lực của một dân tộc bị những toan tính địa chính trị của các đại cường đẩy vào cảnh xâu xé. Olga viết và nhẹ nhàng nhắc lại điều cô từng nói từ ba năm trước tại thủ đô nước Nga, rằng “nó được mang đến không để dành chỗ thay thế ai, mà chỉ để cùng hiểu biết tốt hơn khi nhìn lại một quá khứ đã rơi vào thinh lặng hay chỉ mở ra với những lỗ tai thù hận.”

Là một trong những người viết văn tự do tại miền Nam từng bị các học giả cộng sản chụp cho cái mũ là “những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa”, tôi hiểu sự thôi thúc mà Giáo sư Olga cảm thấy từ nước Nga, trước “cái khung đóng sẵn” kiểu cộng sản”. Điều khó hiểu hơn, với tôi, là chuyện “cái khung đóng sẵn” ấy đã diễn ra ở ngay trên đất Mỹ. 

Đúng là bản thân tôi từng chạnh lòng, khi thấy chuyện hàng ngàn dân Huế bị tàn sát hồi Tết Mậu Thân từng bị một vị học giả từ Cornell thời phản chiến phủi đi như phủi bụi. Ông ta viết, đó chỉ là sản phẩm do CIA dựng lên để “biện hộ cho chủ nghĩa đế quốc.” 

Cũng không chỉ một số cá nhân chạnh lòng, mà là hàng triệu người từng thực sự đau lòng trong những dằn vặt hậu chiến của cái được gọi là “hội chứng Việt Nam”. Những cựu chiến binh Mỹ trở về từ chiến trường bị ghẻ lạnh. Mọi thành phần quân dân chính Việt Nam Cộng Hòa bị miệt thị. Đó là thời kỳ việc giảng dạy về chiến tranh Việt Nam được soạn thảo dựa theo “cái khung có sẵn” do phong trào phản chiến đề ra từ những năm sáu mươi. Tại nhiều trường học, các vị thầy dạy môn sử thường trả lời mọi nghi ngờ của học trò bằng cách chỉ vào cuốn sách xác nhận là “Sách nói!”

Nhưng lịch sử cũng như sự sống không chịu nằm yên trong cái khung đóng sẵn. Hơn 10 năm trước đây, Giáo sư Keith W. Taylor, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt Nam mà chúng tôi ngưỡng mộ, đã chỉ ra là các định đề của phong trào phản chiến chỉ là mảnh vụn ý thức hệ một thời được chắp vá thiếu căn bản luận lý. Ông chính thức lên tiếng và thay đổi cách giảng dạy về chiến tranh Việt Nam. Tờ Việt Báo do chúng tôi chủ trương tại California được ông cho phép ấn hành bản dịch Việt ngữ. Xin cám ơn Giáo sư Taylor.

Các bạn sinh viên thân mến, 

Cũng mùa thu Ithaca, tại đây năm ngoái, đã có ngày kỷ niệm 50 Năm Cuộc Chiến tại Cornell, 2014 – 1964.” Các cựu sinh viên thời ấy đã về lại chốn cũ, gặp nhau cùng ôn lại kỷ niệm một thời. Người quá tuổi về hưu như chúng tôi thường hướng về dĩ vãng. Nhưng, với các bạn, mùa thu Ithaca hôm nay, Cornell hôm nay, như cuộc họp mặt này, việc chiêm nghiệm quá khứ chỉ là để sửa soạn hành trang lên đường vào tương lai.

Năm 1940, hàng ngàn thường dân và quân đội Ba Lan đã bị tàn sát tại khu rừng Katyn, theo lệnh Staline. Phải mất tới 50 năm, nhà nước Sô Viết thời ông Gorbachev mới chịu nhìn nhận sự thật. Giáo sư Olga, khi giới thiệu “Mourning Headband for Hue,” đã lưu ý chuyện này và nói thêm, “Sự thật về trận chiến Huế Tết Mậu Thân, giống như nhiều biến cố lịch sử còn bị che khuất bởi đủ loại khói mù, có thể là đề tài cho “một cuốn sử tương lai.” 

Cuốn sử tương lai ấy, như Giáo sư Olga vừa nói, là việc đang chờ các bạn trẻ. Chính các bạn sẽ xua tan khói mù, trả lại sự thật cho lịch sử. 

Thời xưa, các triều đình lãnh chúa phương tây hay vua chúa phương đông, đều có quan chép sử. Sách sử họ viết ra để vẽ phấn thoa son đúng kiểu vua chúa muốn. Thời nay, các chủ nghĩa độc tôn, các chế độ độc tài cũng đầy loại sách sử tương tự xuất hiện bẳng nhiều kiểu cách khác. Chữ nghĩa biện giải có vẻ tối tân hơn. Lý tưởng rao giảng có vẻ hấp dẫn hơn. Kết quả là loại sử sách độc quyền, độc tôn này đã một thời lừa mị được nhiều bậc thức giả tự cho là họ có lý tưởng.

Nhưng đã tới lúc chính lịch sử lên tiếng.

Với sự bùng nổ của truyền thông từ cuối thế kỷ trước, mọi loại màn tre màn sắt đều đã thành vô hiệu. Từ đó đến nay, vận tốc đường truyền internet đã khác. Thời đại đã khác. Thế giới đã khác. Cái cell phone, cái lap top trong tay bạn đã khác, và còn tiếc tục khác. 

Bầu trời Ithaca hôm nay, cuộc gặp gỡ với các bạn ở Cornell hôm nay cho tôi niềm tin vào sức sống của sự hiểu biết, niềm tin vào trang sử tương lai mà các bạn sẽ viết.

Từ đống tro tàn của cuộc chiến là miền Nam Việt Nam, nơi sách vở văn học bị thiêu hủy và nhà văn đi tù, tôi cảm kích việc Giáo sư Olga, khi chọn “Mourning Headband for Hue” để nghiên cứu, đã không quên trích dẫn thơ và giới thiệu chúng tôi trước hết như những người làm thơ. Xin tặng các bạn thứ thơ mà chúng tôi gìn giữ. Bài thơ, đoạn thơ dài, gom vào một câu chính: “Hãy tin sự khôn ngoan của nhân loại.” 

Vâng. Tôi tin sự khôn ngoan của nhân loại và tin vào nước Mỹ. Tôi tin ở sức sống của sự hiểu biết, như tin vào tự do.

Kính mừng Cornell 150 năm. Cám ơn ban tổ chức “Voices on Vietnam”. 

Kính chào quí vị./.


1 UCI_Nha20-11-2015, nói chuyện tại UC Irvine. Hình: Nhã Ca trả lời câu hỏi của sinh viên. Giáo sư Trí Trần điều hợp buổi trò truyện.

Nhã Ca nói chuyện tại UC Irvine
Sau UC Bekeley và Cornell, ngày 20-11-2015, Nhã Ca đã có buổi nói chuyện với sinh viên tại UCI, đúng thời điểm đánh dấu 15 năm UCI có chương trình học về văn hóa Việt Nam.

“Nghe các bạn sinh viên tại UCI vừa cùng nhau đọc “Truyện Cho Những Tình Nhân”, một truyện ngắn Nhã Ca viết từ… 47 năm trước và mong gặp tác giả, tôi rất cảm kích. Do đó mà có mặt tại đây.” Nhã Ca nói. 

Với đề tài là một truyện tình thơ mộng mà tan nát trong hoàn cảnh địa ngục của Huế Tết Mậu Thân 1968, Nhã Ca đã trả lời mọi câu hỏi của các em sinh viên. Lời cuối của buổi trò truyện, Nhã Ca nói “Khi viết loạt truyện này, dù trong cảnh đau thương, tang tóc, tôi vẫn luôn tin vào lòng yêu thương, sự ăn ở tử tế, và tin vào tương lai của Huế. Hôm nay, trong khi chúng ta trò truyện tại đây, Huế vẫn còn bị trấn áp bởi bạo lực, dối trá. 

Với Huế, với Việt Nam, từ Tết Mậu Thân 1968 tới Tết Bính Thân 2016 sắp tới, là tròn bốn con giáp. Đúng 48 năm. Mong các em cầu nguyện cho Huế và những tình nhân như Phan, như Diễm tại Huế hôm nay và ngày mai được an bình, tự do.

DSC03460Tiếp theo, chụp hình với sinh viên trong lớp học về văn hóa Việt Nam.