Saturday, 6 January 2018

Chính danh − Định phận − Tôn quyền - Phạm Khắc Trung

Đạo là cái lý tự nhiên của trời đất, là con đường rộng mở cho mọi người cùng theo mà đi, là cái công lệ trung chính để làm quy tắc chung cho những suy tư và hành động của người đời.

Khổng Tử căn cứ theo lẽ điều hòa của trời đất, và đem những tư tưởng và hành vi của thánh nhân đời trước mà suy thành đạo để dạy thiên hạ. Đạo của Ngài là chỉ theo lẽ thường tình, tự nhiên của vạn vật, cốt giữ cái lương tâm cho sáng suốt, đừng để cho tư tâm, tư dục làm cho ám muội, mà phân biệt rõ ràng điều hay, điều dở. Điều gì hay thì theo, điều nào dở thì tránh, không lấy cái trí hẹp hòi mà câu chấp một mặt nào hay một thuyết nào, bất cứ điều gì, hễ gặp thời thuận lý đều được. Đó thật là một đạo chiết trung, khiến cho lúc nào cũng giữ được cái lẽ điều hòa tự nhiên mà lập thành cái nhân sinh triết lý rất uyên bác.

Đạo của Khổng Tử trước sau vẫn theo một cái lý nhất thể: "Ngô đạo nhất dĩ quán chi: Đạo của ta vốn chỉ có một mà thôi" (Luận Ngữ: Lý nhân, IV), là đạo Người. Mà đạo Người thì chính trị là lớn: "Nhân đạo chính vi đại" (Lễ Ký: Ai công vấn, XXVII). Và việc đầu tiên của chính trị là phải "chính danh" (tất giã chính danh hồ), bởi danh không chính thì nói không xuôi, nói không xuôi thì việc không thành (danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành).

Để chính danh, Hệ từ hạ truyện viết: "Thiên địa nhân huân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh: Khí trời hình đất, nhờ sự khởi nguyên và sinh ra mà vật nào thì có cái sở nghi của vật nấy, rồi giống đực và giống cái giao cấu nhau, mà vạn vật cứ thế mà sinh ra mãi", và "Thiên địa chi đại đức viết sinh: Đức lớn của trời đất là sự sinh".

Như vậy, đạo của trời đất chủ ở sự sinh vạn vật, mà người là một phần trong vạn vật, nên phải theo lẽ của trời đất mà biến hóa sinh sinh.

Chính danh có nghĩa là sự sống của con người phải được tuyệt đối tôn trọng. Sự tôn trọng quyền sống của con người được biểu hiện bằng hai đức Hiếu và Đễ: Hiếu là trọng kính cái nguồn sống của sự sống, những người đã truyền sinh và nuôi dưỡng nên mình. Đễ là trọng kính sự sống nơi người nào đã bảo toàn được sự sống lâu hơn mình, để mà học hỏi và thâu thập kinh nghiệm sống.

Để sống, con người cần ăn và tự do, thiếu ăn thì hết sống, và thiếu tự do thì cái sống không còn là cái sống của con người nữa, mà là cái sống của loài cây cối, súc vật... Như thế, cái ăn để nuôi sống con người phải là cái ăn tự tạo, không bị lệ thuộc làm mất tự do, nên phải cần tới thể chế quân phân ruộng đất (tư liệu sản xuất) theo một số độ đồng đều gọi là thể chế bình sản. Bình sản và tự do là hai yếu tố biểu thị bản chất cấu tạo nên con người, là "định phận". Truyện dưa hấu viết: "Của cải này là vật tiền thân của ta, ta không từng trông nhờ vào ơn chúa".

Khổng giáo cho sự sinh hoạt tự nó là cái mục đích của tạo hóa, không cần phải hỏi rằng sinh ra để làm gì hay là chết thì đi đâu? Lẽ trời đất sinh sinh hóa hóa, tinh khí tụ lại là sinh, tan ra là tử, cứ tự nhiên lưu hành như thế mãi mãi. Vạn vật đều theo cả cái lệ ấy, không lẽ nào người lại thoát ra khỏi cái lệ ấy được. Song người ta có cái địa vị rất lớn trong vạn vật, nên chỉ có phần vật chất là phải biến hóa mà thôi, còn phần tinh thần thì lại có cái tư cách độc lập và cái năng lực tự do để cùng với trời đất tiến lên đến chỗ chí thiện, chí mỹ, vì "người là cái đức của trời và đất, là kết tinh từ sự giao hợp giữa âm và dương, là chỗ quỉ thần tụ hội, là cái khí tinh tú của ngũ hành: Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí giã" (Lễ ký, Lễ vận, IX). Danh phận đã định rõ như vậy, thì người nào có địa vị chính đáng của người nấy. Trời có chức năng của trời mà thực hiện đạo trời, đất có chức năng của đất mà thể hiện đạo đất, người có chức năng của người mà phát huy đạo người, đâu ra đó, tuyệt đối không được lẫn lộn. Truyện dưa hấu viết: "Làm thần tử mà nó không biết ơn chúa, sinh ra kiêu mạn, nói rằng của cải là vật tiền thân của nó. Bây giờ ta đem bỏ nó ra ngoài biển, ra cái chỗ không người ấy coi thử nó có còn cái vật tiền thân của nó nữa hay không?".

Danh đã chính, phận đã định, giờ đến lúc phải "tôn quyền".

Dĩ nhiên con người phải có những quyền uy tối thiểu để biểu hiện cho cái danh phận mà phát huy cái chức năng cao cả là Nhân Hòa của mình, để cùng trời đất phát dục nên vạn vật, tạo cảnh thái hòa cho vũ trụ, truyện dưa hấu cho cái chức năng của trời đất là sinh và dưỡng: "Trời đã sinh thì trời phải dưỡng, có lo gì?"

Cái quyền lực của con người để thể hiện chức năng của mình là quyền "tự chủ", tức là con người tự làm chủ ngay chính bản thân mình, vận hệ mình. Thật vậy, mỗi người tự kiến tạo lấy số mệnh cho mình, vì trong con người có đủ những yếu tố thụ tạo và tạo dựng, có vật chất, mảnh vụn, dạt dào, có điên rồ, lộn xộn, mà cũng có những mãnh lực, kiến thiết lôi kéo trái ngược..., cho nên con người phải đi theo lối tích cực, nghĩa là con người phải là một chủ nhân ông thật sự, không những chỉ làm chủ những đồ đạc cần dùng, mà trước hết, và trên hết là phải làm chủ chính bản thân mình, tâm hồn mình, vận hệ mình. Có thế thì con người mới phát huy được đầy đủ mọi quyền tự do của một con người thật sự, mà hoàn thành cái chức năng cao cả của một con người là "cùng thần tri hóa". Truyện dưa hấu viết: "Những khách chài lưới, buôn bán, ưa mùi vị của nó đều đem phẩm vật của mình để đổi lấy dưa. Nhân dân xa gần, trên rừng dưới bến tranh nhau mua hạt, bắt chước trồng tỉa khắp bốn phương; dân gian suy tôn An Tiêm làm 'Tây Qua Phụ Mẫu'".

Đạo đất để nuôi sống con người thì đạo trời để giáo hóa con người. Nuôi sống và giáo hóa là hai việc quan trọng trong cõi nhân sinh, "Khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục": Vừa liệu cho người dân có ăn có mặc để nuôi sống, đồng thời còn phải giáo dục, cải hóa con người trên mọi khía cạnh, hai yếu tố đó không ngừng bổ xung cho nhau mà cải thiện đời sống của người dân. Thể chế bình sản, tự do là một ưu việt để phát huy tính tự chủ, thì chính sách cai trị dựa trên cơ sở Văn Lễ cũng phải được gắn liền để phát huy nhân tính, là thể hiện của đạo trời vậy: "Phù lễ, tiên vương dĩ thừa thiên chi đạo, dĩ trị nhân chi tình: Lễ là tiên vương vâng theo cái đạo của trời để trị cái tình của người" (Lễ ký, Lễ vận, IX). Cho nên, khi Hùng Vương biết An Tiêm không nói dối, "Vương bèn triệu An Tiêm về, trả quan chức lại và cho tì thiếp, đặt tên chỗ An Tiêm ở là "An Tiêm Sa Châu"; thôn ấy gọi là Mai An, đến nay còn lấy tây qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự, là khởi từ An Tiệm vậy".

Lễ khác với luật. Luật bao hàm cái ý ngoại khởi, lễ là tự mình bắt mình giữ. Kẻ lỗi luật bị phạt, người lỗi lễ thì tự mình hổ ngươi, hoặc cùng lắm là bị người đời chê bai, bài bác, tức là thuộc tình cảm, tinh thần, chứ không động đến xác thể kiểu hình luật coi con người như con vật. Lễ coi trọng con người, coi con người là khôn ngoan nên chỉ cần nói mánh, luật coi con người là dại, cần phải phạt vạ, đánh đòn. Luật dùng để trị cái việc đã có rồi, lễ có thể ngăn cấm được những việc chưa xẩy ra, lễ gắn liền với việc giáo hóa: "Lễ chi giáo hóa giã vi, kỳ chỉ tà giã ư vị hình, sử nhân nhật tỉ thiện, viễn tội, nhi bất tự tri giã: Sự giáo hóa của lễ rất cơ mầu, ngăn cấm điều bậy ngay lúc chưa hiện hình, khiến người ta ngày ngày đến gần điều thiện, tránh xa điều tội, mà tự mình không biết" (Lễ ký, Kinh giải, XXVI).

Tóm lại, quan niệm dùng Lễ Trị là có ý bảo vệ tính Tự Chủ, Tự Trọng của con người: "Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ; đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách: Dùng chính trị mà khiến, dùng lễ mà tề nhất, thì dân có lòng hổ thẹn, mà lại cố làm điều hay" (Luận ngữ: Vi chính, II), và "Thính tụng ngô do nhân giã, tất giã sử vô tụng hồ: Xử kiện thì ta cũng như người, cốt sao cho khỏi kiện tụng mới là hay" (Luận ngữ: Nhan uyên, XII). Cho nên, "Thánh nhân chi trị, hóa giã, tất hình chính tương tham yên. Thái thượng dĩ đức giáo dân, nhi dĩ lễ tề chi. Kỳ thứ dĩ chính sự đạo dân, dĩ hình cấm chi, hình bất hình dã. Hóa chi phất biến, dân chi phất tòng thường nghĩa nhi bại tục, ư thị hồ dụng hình hỹ: Thánh nhân trị dân và hóa dân là phải dùng cả chính lẫn hình. Bậc thái thượng lấy đức dạy dân, mà lấy lễ tề dân. Bậc thứ nhì lấy chính sự mà khiến dân, và lấy hình mà ngăn cấm, hình đặt ra nhưng không dùng đến. Chỉ có lúc hóa dân mà dân không theo, để đến hại nghĩa nát tục, thì bấy giờ mới phải dùng hình vậy" (Khổng Tử gia ngữ: Ngũ hành giải, XXX).

Truyện dưa hấu viết (Trích):

Ngày xưa, đời Hùng Vương có một người tên là Mai An Tiêm, người ngoại quốc, mới được bảy tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vương mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều việc.

Vương đặt tên là Yến, tên chữ là An Tiêm và cho một người thiếp, sinh được một trai, vương yêu dùng để sai bảo, dần dần Yến thành phú quý, ai cũng úy phục, và chen nhau đến dâng lễ vật không thức gì là không có; Yến sinh ra kiêu mạn, thường tự bảo rằng:

− Của cải này là vật tiền thân của ta, ta không từng trông nhờ vào ơn chúa.

Hùng Vương nghe được cả giận nói rằng:

− Làm thần tử mà nó không biết ơn chúa, sinh ra kiêu mạn, nói rằng của cải là vật tiền thân của nó. Bây giờ ta đem bỏ nó ra ngoài biển, ra cái chỗ không người ấy coi thử nó có còn cái vật tiền thân của nó nữa hay không?

Bèn đày Mai Yến ra ngoài bãi cát của biển Nga Sơn, tứ phía không có dấu chân người đi đến, chỉ để cho lương thực đủ dùng trong bốn năm tháng mà thôi, ăn hết là chết đói. Chị vợ khóc ầm lên, bảo rằng ta chắc chết ở đây không lý gì sống được.

Tiêm nói:

− Trời đã sinh thì trời phải dưỡng, lo gì?

Ở chưa bao lâu, đương lúc tháng tư, bỗng thấy một con bạch hạc từ phương tây bay lại, đậu trên một mỏm núi cao, kêu lên ba bốn tiếng thì sáu bảy hạt dưa rơi trên mặt cát, đâm chồi nẩy lộc, lan trên cát, xanh tốt rườm rà, rồi kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết.

An Tiêm mừng rỡ nói:

− Đây đâu phải quái vật, đó là trời cho để nuôi ta đó.

Bổ dưa ra ăn thì mùi vị thơm ngon ngọt ngào, ăn vào thì tinh thần khỏe khoắn, rồi cứ mỗi năm trỉa thêm, ăn không hết thì đem đổi lấy lúa gạo nuôi vợ con. Nhưng không biết dưa ấy tên là gì, mới nhân chim tha từ phương tây đem đến nên đặt là Tây qua.

Những khách chài lưới, buôn bán, ưa mùi vị của nó đều đem phẩm vật của mình để đổi lấy dưa. Nhân dân xa gần, trên rừng dưới bến tranh nhau mua hạt, bắt chước trồng tỉa khắp bốn phương; dân gian suy tôn An Tiêm làm "Tây Qua Phụ Mẫu".

Lâu ngày, Vương nhớ đến An Tiêm, sai người đến chỗ An Tiêm ở hỏi thăm có còn sống hay không.

Người ấy về tâu lại với Vương, Vương than thở hồi lâu mới nói rằng:

− Nó bảo là vật tiền thân của nó, thực là không nói dối vậy.

Vương bèn triệu An Tiêm về, trả quan chức lại và cho tì thiếp, đặt tên chỗ An Tiêm ở là "An Tiêm Sa Châu"; thôn ấy gọi là Mai An, đến nay còn lấy tây qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự, là khởi từ An Tiệm vậy" (Hết trích).


Phạm Khắc Trung
________________

Tài liệu tham khảo:
Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, H.T. Kelton, California, Hoa Kỳ, không rõ năm tái bản.

Nho Giáo, Trần Trọng Kim, Tân Việt, Saigon, không rõ năm xuất bản.