Monday, 5 March 2018

MẤY ĐÓA HOA XUÂN (Tạp bút thơ Đường) Nguyên tác: Chin Shun-Shin Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

Bài viết này tổng hợp hai tạp bút của nhà văn Chin Shun Shin (Trần Thuấn Thần, 1924-2015) in trong tập Tôshi Shinsen (Đường thi Tân Tuyển, 1989) nhan đề Baika (Mai Hoa) và Botan (Mẫu Đơn) dưới một nhan đề đặt tạm
Mai hoa
Hoa mai có nhiều tên gọi khác nhau. Nhân vì nó nở trước các loài hoa khác nên được chấm là hoa khôi. Ngoài ra còn mang một số tên khác như băng cơ, băng hồn, băng nhụy, băng diễm, toàn là tên bắt đầu bằng một chữ băng. Cũng được ví von là loài hoa có ngọc cốt hay tuyết cốt. Tô Thức 蘇軾đời Tống từng viết:
La Phù Sơn hạ mai hoa thôn,
羅浮山下梅花村
Ngọc tuyết vi cốt băng vi hồn.
玉雪為骨氷為魂
(Ý: Thôn trồng hoa mai (có thể là danh từ riêng, NNT) nằm dưới núi La Phù. Hoa trắng như ngọc tuyết, hồn tinh khiết như băng).
Có lẽ cách gọi trên đã phát xuất từ hai câu thơ ấy chăng? Khi nói về mai, người ta liên tưởng ngay tới cái lạnh. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911), ở Trung Quốc, có cuộc tranh luận nên lấy mai hay mẫu đơn làm quốc hoa. Hoa mai đã giành được chiến thắng. Có lẽ vì thấy tiền đồ của nước Cộng hòa non trẻ còn lắm gian nan nên người ta bình chọn hoa mai, một loài hoa vẫn nở dù ở giữa giá băng.
Chỗ hoa mai nở đẹp thì có nhiều nhưng ngọn Đại Dữu Lĩnh trên La Phù Sơn thấy trong thơ Tô Thức là một nơi danh tiếng. Đến nỗi ngọn Đại Dữu còn có biệt danh là Mai Lĩnh.
Núi La Phù nằm ở phía đông thành phố Quảng Châu tỉnh Quảng Đông, bắc Huệ Châu. Được biết đây là nơi Cát Hồng 葛洪 (283-343) đời Tấn lúc về già đã đến sống ẩn dật để nghiên cứu thuật thần tiên và luyện tiên đan. Đời Tùy có viên quan tên Triệu Sư Hùng 趙師雄, trên đường đi Quảng Đông phó nhậm, ngang núi La Phù nằm chiêm bao thấy mình được vui vầy với mỹ nhân, khi thức giấc bên mình chỉ có một cội mai to. Người mà ông ấp yêu là tinh hồn của cây mai. Còn như Tô Thức thì sau khi bị tả thiên đến Huệ Châu, ông còn lưu lạc đến Nam Hải và ở lại đó 4 năm, tất phải có lần đi thưởng hoa mai ở núi La Phù.
Đại Dữu Lĩnh là một rặng núi nằm vắt ngang từ phía nam tỉnh Giang Tây sang đến tỉnh Quảng Đông. Ngày nay ở ranh giới hai vùng Giang Tây và Quảng Đông vẫn còn có một địa điểm tên gọi Tiểu Mai Quan. Dường như người đời xưa đã lấy chỗ này để phân chia giới tuyến hai miền Nam Bắc. Loài di điểu như chim nhạn khi bay về nam thì dừng cánh ở đây chứ không hề vượt qua rặng Đại Dữu Lĩnh.
Tống Chi Vấn宋之問 là bề tôi yêu của Vũ Tắc Thiên cho nên khi vua Duệ Tông (đảo chánh, NNT) lên ngôi, Tống liền bị đày xuống Khâm Châu (nay cũng là Khâm Châu thuộc Quảng Tây) và được tứ tử ở đó. Trên con đường lưu đày, Tống dừng chân ở nhà trạm phía bắc Đại Dữu Lĩnh, ngày hôm sau là sẽ vượt núi. Lúc đó, Tống có làm một bài ngũ ngôn luật thi với cái tựa “Đề Đại Dữu Lĩnh bắc dịch”:
Dương nguyệt nam phi nhạn,
陽月南飛鴈
Truyền văn chí thử hồi.
傳聞至此回
Ngã hành thù vị dĩ,
我行殊未已
Hà nhật phục qui lai.
何日復帰来
Giang tĩnh triều sơ lạc,
江静潮初落
Lâm hôn chướng bất khai.
林昏瘴不開
Minh triêu vọng hương xứ,
明朝望郷処
Ưng kiến Lũng Đầu mai.
応見隴頭梅
(Ý: Nghe nói tháng 10 nhạn về nam đến đây đều dừng cánh và quày trở lại. Riêng ta là đặc biệt còn phải đi thêm nữa mà cũng chẳng biết bao giờ về. Sông bắt đầu trôi lặng lẽ nhưng rừng cây hãy còn u ám, chướng khí chưa tan. Sáng mai này lên núi nhìn về cố hương chắc chỉ biết đưa mắt nhìn cành hoa mai mà mình những muốn gửi cho người bạn ở Lũng Đầu)
Dương nguyệt theo âm lịch là chữ chỉ tháng 10, tức là thời điểm khí âm bắt đầu chuyển sang dương. Chim nhạn đến núi này thì ngừng lại để quay về bắc nhưng mỗi mình còn phải vượt Đại Dữu Lĩnh để xuống miền nam. Tuy nước sông đã chảy lặng lờ nhưng rừng cây còn u ám, chướng khí tích tụ nơi đó không chịu khai thông. Ngày mai đây ta sẽ lên đỉnh núi nơi nổi tiếng có hoa mai đẹp, từ chỗ đó quay đầu nhìn lại cố hương và bẻ một cành mai để tặng cho người thân yêu. “Lũng Đầu mai” là một điển cố. Vào thế kỷ thứ 5, có người tên Lục Khải陸凱 ở Bắc Ngụy (xin đừng nhầm với Lục Khải nước Ngô thời Tam Quốc) đã gửi cho Phạm Hoa bài thơ như sau:
Chiết mai phùng dịch sứ,
折梅逢駅使
Ký dữ Lũng Đầu nhân.
寄與隴頭人
Giang Nam vô sở hữu.
江南無所有
Liêu tặng nhất chi xuân.
聊贈一枝春
(Ý: Bẻ mai tình cờ gặp kẻ chạy ngựa trạm, bèn nhờ đem hộ đến người bạn ở Lũng Đầu. Đất Giang Nam nào có gì để làm quà, xin gửi một cành hoa tượng trưng cho mùa xuân sớm vậy)
Lũng Sơn là ngọn núi nằm ở ranh giới Thiểm Tây và Cam Túc. Người đang sống phía đó là Phạm Hoa. Tuy Giang Nam không có gì cả nhưng so với đất Bắc thì mùa xuân đến sớm hơn, vậy xin gửi tặng bạn một cành mai như vật tượng trưng cho mùa xuân ấy. Để gửi “nhất chi xuân” này, tôi xin cậy kẻ chạy ngựa trạm (dịch sứ). Người ấy có chức vụ chuyển vận đồ đạc hành lý nên chắc chắn sẽ có cách trao tận tay bạn.
Tuy vậy, với thân phận kẻ đi đày như Tống Chi Vấn, không biết có người nào chịu nghe lời nhờ cậy của ông không. Cành mai những muốn đem tặng ai đó ở Lũng Đầu, ông chỉ có thể đứng mà ngắm (ưng kiến) nó thôi.
Tống Chi Vấn đã nhận được lệnh phải tự sát vào năm 712, khi Huyền Tông tức vị. Lúc đó ông 56 tuổi. Tuy Tống không phải là nhân vật có tiết tháo nhưng đã đóng một vai trò trong việc hoàn thành phong cách thơ luật và là một tài năng mà văn học sử không thể bỏ qua.
Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然 (689-740), người nổi tiếng với câu thơ “Xuân miên bất giác hiểu”, có một bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú nhan đề “Lạc Dương phỏng Viên Thập Di, bất ngộ”(Ở Lạc Dương tìm thăm Viên Thập Di nhưng không gặp). Thập Di là chức quan cố vấn cho hoàng đế nhưng ông Thập Di họ Viên thì không ai rõ là nhân vật nào. Qua thơ mới biết người ấy đã bị giáng chức, phải lưu lạc xuống miền nam:
Lạc Dương phỏng tài tử,
洛陽訪才子
Giang lĩnh tác lưu nhân.
高嶺作流人
Văn thuyết mai hoa tảo,
聞説梅花早
Hà như bắc địa xuân.
何如北地春
(Ý: Ở kinh đô Lạc Dương, mình định đến thăm con người tài hoa thì nghe tin anh đã bị đày xuống vùng Lĩnh Nam rồi. Nghe nói dưới đó mùa xuân đến sớm chứ đâu phải chậm trễ như đất Bắc này)
Miền Nam hoa mai nở sớm nhưng thay vì nhìn cảnh hoa mai nở sớm, khách đi đày chỉ mong sao được đón mùa xuân đến chậm trên miền Bắc vì sẽ có bao người thân yêu bên cạnh.
Một ông tiến sĩ đỗ vào năm thứ hai đời Thiên Bảo là Trương Vị張謂 (721-780) có bài thất ngôn tuyệt cú vịnh Tảo Mai (Hoa mai nở sớm) như sau:
Nhất thụ hàn mai bạch ngọc điều,
一樹寒梅白玉條
Hồi lâm thôn lộ bàng khê kiều.
廻臨村路傍渓橋
Bất tri cận thủy hoa tiên phát,
不知近水花先発
Nghi thị kinh đông tuyết vị tiêu.
疑是経冬雪未消
(Ý: Trên đường về, bên cây cầu bắt qua khe, mình chợt thấy một cội hàn mai nở hoa giống như đeo như những chùm ngọc trắng. Đâu biết là ở cạnh bờ nước thì hoa nở sớm nên cứ ngỡ đó chỉ là tuyết đông chưa tan hết)
Chúng ta đã nói đến việc hoa mai được ví với ngọc. Vì hoa mai nở sớm nên nhiều khi nó đã nở vào thời điểm tuyết vẫn còn sót. Hình như ở những chỗ nào gần nước thì mai nở sớm hơn. Nhân thấy có gì bám trên cành trắng như bạch ngọc nên nhà thơ Trương Vị tưởng lầm là tuyết mùa đông chưa tan hết. Nhìn lại thì ô hay, đó chỉ là những cánh hàn mai trắng muốt.
Thi tăng thời Vãn Đường là Tề Kỷ斉己 có một bài ngũ ngôn luật thi có cùng nhan đề Tảo Mai và liên quan đến một thi thoại. Nhà sư là người Trường Sa (thuộc Hồ Nam), vốn họ Hồ, từ thuở bé đã sớm mồ côi.
Vạn mộc đông dục chiết.
萬木凍欲折
Cô căn noãn độc hồi.
孤根暖独回
Tiền thôn thâm tuyết lý,
前村深雪裏
Tạc dạ nhất chi mai.
昨夜一枝梅
Phong đới u hương xuất,
風帯幽香出
Cầm khuy tố diễm lai.
禽窺素艶来
Minh niên như ứng luật,
明年如応律
Tiên phát Vọng Xuân Đài.
先発望春台
(Ý: Cây cối lạnh cóng muốn khô gãy nhưng rễ bên dưới hồi sinh khi trời ấm lại. Do đó, đầu thôn giữa nơi tuyết giá, đêm qua đã có một cành mai đầu tiên  đơn độc ra hoa. Gió đưa hương thơm nhẹ, chim chóc đến với nó vì vẻ đẹp thanh cao. Nhưng hoa ơi, năm sau nếu có nở thì trước tiên hãy nở ở đài Vọng Xuân nhé)
Hai câu mở đầu (thủ liên) đã có chữ “đông” đối với “noãn” rất tự nhiên, dễ tan và dễ thấm vào lòng người đọc. Tề Kỷ trước kia đã viết câu thứ 4 là “Tạc dạ sổchi mai” rồi đem cho nhà thơ Trịnh Cốc xem. Họ Trịnh khuyên ông nên sửa chữ “sổ” thành chữ “nhất”. Vì Tạc dạ có nghĩa là đêm qua cho nên phải hiểu suốt ngày hôm qua (tạc nhật) chưa có cành mai nào ra hoa cả. Tác giả đã nói lên việc mình theo dõi từng động thái của cây mai, như thể chờ đợi và luôn luôn tự đặt câu hỏi: “Đợi mãi! Không biết chừng nào nó mới ra hoa nhỉ?”. Như thế thì viết là “nhất chi” mới làm cho người ta xúc động chớ không phải “sổ chi”. Nhân việc này, Tề Kỷ bèn ca tụng Trịnh Cốc là “Nhất tự sư”. Câu chuyện nói trên đã được chép lại trong Ngũ Đại Sử Bổ (Bổ túc sử thời Ngũ Đại). Về tên hiệu “Nhất tự sư” còn có thuyết khác cho rằng nó có nghĩa là “ông thày sửa hộ chữ Nhất”. Nếu đem đối chiếu với hoàn cảnh sáng tác của bài Tảo Mai, lối giải thích này quả là có sức thuyết phục hơn.
“Ứng luật” ở đây nghĩa là theo “đúng theo trật tự của thời tiết”, hàm ý mỗi năm về sau, cứ vào mùa đó, cây lại ra hoa. Tác giả muốn nói dù hoa bắt buộc theo đúng qui luật, cũng đừng kiếm chi một vùng quê tuyết dày, hãy tìm một nơi nào sáng sủa hơn như Vọng Xuân Đài mà nở, mới hợp hơn. Đài này là tên một cung điện do Tùy Văn Đế (trị vì 581-604) xây lên ở Trường An trên một quả đồi con nhìn xuống dòng Sản Thủy. Ứng luật cũng ám chỉ việc khoa cử đối với sĩ tử, nên có thuyết cho rằng qua câu thơ, tác giả muốn nói một ngày nào đó mình sẽ thi đỗ Tiến sĩ, giống như một cành mai đến thời khai hoa.Tuy nhiên lối giải thích này xem ra không thỏa đáng vì Tề Kỷ vốn là người xuất gia từ nhỏ. Có thể ông chỉ muốn bày tỏ chí hướng: tuy mình chỉ là một danh sĩ xuất thân từ địa phương Hồ Nam quê mùa nhưng một ngày nào đó sẽ nổi danh, làm kinh động cả nước.
Mai nở trước mọi thứ hoa nhưng hãy còn có giống mai nở sớm hơn tất cả các loại mai: đó là tảo mai. Đây là giống hoa làm cho những người đang ngóng xuân về cảm động sâu sắc nhất. Nó được nhiều người dùng làm đề tài cho thơ. Đỗ Phủ 杜甫có thơ họa lại một bài của Bùi Địch 裴迪nhan đề “Đăng Thục châu Đông đình tống khách phùng tảo mai tương ức ký họa”(Nhân đọc bài Lên đình phía Đông ở Thục châu tiễn khách gặp hoa mai nở sớm, nhớ nhau xin gửi thơ họa) làm theo thể thất ngôn luật thi. Bùi Địch là bạn thân của Vương Duy, thơ xướng họa của hai ông chép trong Võng Xuyên Tập thì đã quá nổi tiếng. Thời trẻ, Bùi ẩn cư trong núi Chung Nam nhưng buổi vãn niên có vào làm quan đất Thục. Hình như ông được thăng đến chức Thứ sử Thục châu và lúc đó, chơi thân với Đỗ Phủ. Đỗ được họ Bùi tặng cho bài “Đăng Thục châu Đông đình tống khách phùng tảo mai” bèn họa lại bài thơ ấy. Dưới đây là bài họa, còn nguyên tác của Bùi Địch thì ngày nay không còn giữ được:
Đông các quan mai động thi hứng,
東閣官梅動詩興
Hoàn như Hà Tốn tại Dương Châu.
還如何遜在揚州
Thử thời đối tuyết dao tương ức,
此時対雪遥相憶
Tống khách phùng xuân khả tự do (du).
送客逢春可自由
Hạnh bất chiết lai thương tuế mộ,
幸不折来傷歳暮
Nhược vi khan khứ loạn hương sầu.
若為看去乱郷愁
Giang biên nhất thụ thùy thùy phát,
江邊一樹垂垂發
Triêu tịch thôi nhân tự bạch đầu.
朝夕催人自白頭
(Ý: Những cây mai nhà quan ở Đông các gợi hứng thơ, giống như thời danh sĩ Hà Tốn còn ở Dương châu. Hồi đó, trước cảnh tuyết rơi đã nhớ về người bạn phương xa, huống chi nay ở đây lại gặp mùa xuân. May là không bẻ được mai đem về tặng để bạn khỏi xót xa cảnh năm tàn, bởi vì nếu ta làm được thì khi nhìn thấy hoa, ai kia sẽ chạnh mối sầu tha hương. Một cội mai rủ bóng bên bờ sông là cảnh sớm hôm khiến người ta bạc cả đầu).
Đông các (gác Đông) với Đông đình trong tựa đề chỉ cùng một nơi. Thục châu hiện nay thuộc huyện Trùng Khánh tỉnh Tứ Xuyên, cách Thành Đô khoảng 50 km về phía Tây. Còn như Hà Tốn thì đó là một văn nhân đã từng phụng sự Lương Vũ Đế. Hình như Đỗ Phủ đã sẵn  lòng hâm mộ nhân vật này từ trước. Họ Hà từng viết “Vịnh tảo mai” (sách khác cho biết nó còn có nhan đề là “Dương châu pháp tào mai hoa thịnh khai”). Trong bài nói trên có câu: “Hàm sương đương lộ phát. Ánh tuyết nghĩ hàn khai” . Tuy nguyên tác của Bùi Địch đã thất lạc nhưng có lẽ trong đó ông cũng từng nhắc đến tuyết. Có thể vì vì vậy Đỗ Phủ mới đem thơ Hà Tốn đặt vào bên cạnh thơ Bùi Địch.
Thời ấy hãy còn lắm rối ren vì cuộc loạn An Sử chưa kết thúc cho nên cảnh trời tuyết đã làm Lão Đỗ nhớ đến người bạn thân ở phương xa. Huống chi nay đưa tiễn khách mà lại gặp xuân về thì lòng lại càng thêm thương nhớ nữa. Có sách thay vì “phùng xuân” lại viết là “phùng hoa”. Như thế, với hai chữ sau, ông còn tả được cảnh ấy một cách trực tiếp hơn.
Đến đây, sự tích có liên quan đến Lục Khải lại vào cuộc. Nếu làm như Lục Khải là bẻ “nhất chi xuân”tức một cành hoa mai gửi cho người bạn thân thì lúc đó phải nhằm vào lúc cuối mùa (mộ xuân) mới có nhiều màu sắc cảm thương và khiến cho ta thấy được mối hương sầu (homesick) đang ngập đầy trong tâm hồn nhà thơ. Phải chăng trong bài xướng của Bùi Địch đã có câu nào đó bày tỏ chuyện mình muốn bẻ một cành mai để tặng bạn nhưng tiếc là không thể thực hiện? Hoặc giả họ Bùi cho mình đã may mắn vì không làm được chuyện đó?
Cạnh thảo đường, nơi Đỗ Phủ cư ngụ ở Thành Đô trong đất Thục, bên bờ sông cũng có một cội mai. Dần dần, mai chớm nụ rồi đến lúc mỗi ngày sớm chiều ông được nhìn hoa nở tựa như mái tóc trắng của ai đó. Thế đã đủ và không cần nói thêm gì về mai nữa.
Trên đất Bắc, đâu phải không có hoa mai nở sớm. Năm Đại Trung thứ 5 (851), Lý Thương Ẩn李商隠 được vời làm thư ký dưới trướng Tiết Độ Sứ Đông Xuyên là Lưu Trọng Dĩnh. Trên đường vào đất phó nhậm, qua địa phương Phù Phong, ông đã nhìn thấy hoa mai. Lúc ấy chỉ mới vào trung tuần tháng 11 âm lịch. Do đó bài thơ của Lý có nhan đề là “Thập nhất nguyệt trung tuần chí Phù Phong giới kiến mai hoa”(Trung tuần tháng 11, qua địa giới Phù Phong, thấy hoa mai). Huyện Phù Phong (Kì Châu) nằm ở phía Đông vùng Bảo Kê trong tỉnh Thiểm Tây, về vĩ độ thì nó ngang ngang với Trường An.
Tạp lộ đình đình diễm,
匝路亭亭艶
Phi thì ấp ấp hương
非時裛裛香
Tố Nga duy dữ nguyệt,
素娥惟與月
Thanh Nữ bất nhiêu sương.
青女不饒霜
Tặng viễn hư doanh thủ,
贈遠虚盈手
Thương nan thích đoạn trường.
傷難適断腸
Vị thùy thành tảo tú,
未誰成早秀
Bất đãi tác niên phương.
不待作年芳
(Ý: Trên đường nhìn những cây mai đẹp đẽ mọc khắp nơi và hương lúc nào cũng quyện thơm. Nàng Thường Nga hiện ra khi vầng trăng mọc cũng như nàng Thanh Nữ đến cùng với sương mù. Muốn tặng cho người nơi xa xôi nhưng trong tay mình không có gì. Buồn nỗi cách biệt đau xót trong lòng. Hoa ơi, cớ gì phải nở sớm như vậy, sao không đợi các loài hoa khác trong năm?)
Đình đình là chữ làm hình dung được một dáng đứng thẳng tắp,  mạnh mẽ, còn ấp ấp cho ta thấy có sự bảo bọc. Tố Nga không ai khác hơn là nàng Thường Nga sống trên cung trăng và Thanh Nữ là vị nữ thần trông coi việc làm ra sương mù. Khi trăng chiếu thì Thường Nga chỉ làm việc xuất hiện cùng với mặt trăng chứ nàng không có ý định giúp cho ta thấy hoa mai tươi đẹp hơn. Thanh Nữ cũng vậy, nếu nàng không giáng sương nhiều không phải vì muốn che chở cho hoa mai đâu. Trong bài thơ này, tuy vịnh mai nhưng Lý Thương Ẩn hình như muốn nói đến cảnh ngộ cá nhân: việc mình phải đi vào đất Thục xa xôi này chẳng phải là lỗi của ai cả.
Nếu nhà thơ muốn đem một cành mai tặng cho người phương xa như Lục Khải đã làm thì không biết ông phải tặng cho ai và tặng bằng cách nào? Hay chỉ cầm lấy nó trên tay một cách vô vọng mà thôi! Cảnh biệt ly giờ đây lại làm lòng Lý thêm buồn. Thơ Lý Thương Ẩn vốn hết sức khó hiểu, không biết người ông muốn tặng mai là người bạn đã chia tay hay một nàng con gái nào đó?
Mai ơi, sao lại nở sớm vậy? Không chờ đợi được à, mới đầu năm đã vội ra hoa hay sao? Thời còn trẻ, Lý Thương Ẩn đã được Thái Nguyên Công Vương Mậu Nguyên mến tài đem gả con gái. Nhằm lúc đó trong triều đình nhà Đường có cuộc đối đầu kịch liệt giữa hai phe Lý Đức Dụ và Ngưu Tăng Nhụ. Vì Vương Mậu Nguyên thuộc cánh Lý Đức Dụ (phía thua cuộc) cho nên Lý Thương Ẩn, chàng rễ của ông, cũng bị vạ lây, mất hết cơ hội tiến thủ trên hoạn lộ. Ta có thể nghĩ rằng cảnh tượng hoa mai nở sớm khiến họ Lý liên tưởng đến tài năng bộc lộ quá sớm của mình và chạnh lòng than thở cho cảnh ngộ hẩm hiu trên chốn quan trường. 
Vương Kiến王建, môn hạ của Hàn Dũ, từng tòng quân nơi biên cảnh, có viết bài thơ nhan đề “Tái hạ mai” như sau:
Thiên Sơn lộ bàng nhất chu mai,
天山路傍一株梅
Niên niên hoa phát hoàng vân hạ.
年年花發黄雲下
Chiêu Quân dĩ một, Hán sứ hồi,
昭君已歿漢使回
Tiền hậu chinh nhân duy hệ mã.
前後征人惟繋馬
Nhật dạ phong xuy mãn Lũng Đầu,
日夜風吹満隴頭
Hoàn tùy Lũng Thủy đông tây lưu.
還随隴水東西流
Thử hoa nhược cận Trường An lộ,
此花若近長安路
Cửu cù niên thiếu vô phan xứ.
九衢年少無攀処Lũng Đầu
(Ý: Bên đường lên rặng Thiên Sơn có một cội mai nở dưới lớp mây vàng. Nàng Vương Chiêu Quân đã chết mà sứ giả Tô Vũ cũng đã hồi hương, người lính đi đánh Hung Nô chỉ còn dùng nó làm chỗ cột ngựa. Ngày đêm gió thổi qua những cành mai ở Lũng Đầu rồi theo dòng Lũng Thủy mà về Đông về Tây, phong cảnh tựa như trong câu chuyện tặng mai cho bạn của Lục Khải ngày xưa. Nếu cây mai này mọc ở cạnh kinh đô Trường An thì những chàng trai trong xóm ngõ sẽ không thể nào có cái thú phong lưu được vin lấy cành mai bởi vì những cây mai đó đã bị các nhà quyền quí bứng vào trồng trong phủ đệ của họ hết rồi)
Cuối cùng, xin giới thiệu về La Ẩn羅隠, một nhà thơ thời Vãn Đường. Trong bài thất ngôn tuyệt cú nhan đề “Nhân nhật Tân An đạo trung kiến mai hoa” (Ngày mùng 7 tháng giêng trên đường đi Tân An thấy hoa mai). Nhân nhật vốn chỉ ngày mồng 7 tháng giêng. Ông viết:
Trường đồ tửu tỉnh lạp xuân hàn,
長途酒醒臘春寒
Nộn nhụy hương anh bác mã yên.
嫩蘂香英撲馬鞍
Bất thướng Thọ Dương công chúa diện,
不上寿陽公主面
Liên quân khai đắc khước vô đoan.
憐君開得却無端
(Ý: Đường dài, cái lạnh cuối đông đầu xuân làm tỉnh cơn say, hương thơm của hoa mai mới nở thoảng bên yên ngựa. Nhưng nếu không rơi trúng mặt công chúa Thọ Dương thì dù có nở, cũng là điều đáng tiếc cho hoa lắm thay!)
Thọ Dương công chúa là con gái Tống Vũ Đế của Nam Triều. Có một năm, vào ngày nhân nhật, nàng nằm ngủ ở dưới mái Hàm Chương Điện. Hoa mai bay lả tả, có những cánh dính trên mặt nàng nhưng không tài nào phủi sạch. Bọn cung nữ thấy thế mới cùng nhau bắt chước cho giống công chúa bằng cách vẽ trên trán họ những cánh hoa mai. Từ đó mới có kiểu trang điểm gọi là “Mai hoa trang”梅花妝.
Cùng là một ngày nhân nhật nhưng cây mai (mai quân) kia ơi, sao khai hoa rồi mà còn để ra nông nỗi ấy. Nếu như không rơi được lên mặt công chúa thì xem như hoa kia đã nở uổng. Nhờ có lời chú sau đây của tác giả bên cạnh nên người đọc mới hiểu ý ông là như vậy:
Kỳ niên dĩ Từ khấu đình cử
其年以徐冦停挙
(Năm ấy, vì có giặc nổi lên ở Từ châu nên triều đình ngưng tổ chức các cuộc thi)
Ý nói dù chăm chỉ đèn sách đi nữa, cũng không thể làm như cánh hoa mai bay lên trên mặt công chúa Thọ Dương, nghĩa là không thi đỗ được.   
Tokyo 19/02/2018
(Trích dịch Đường Thi Tân Tuyển, từ trang 221 đến trang 232)

Mẫu Đơn
Ngày nay ở Nhật, khi nói “đi xem hoa” (hanami 花見) người ta nghĩ ngay đến chuyện ngắm hoa anh đào (sakura). Cách diễn tả “nói đến hoa là nói đến anh đào” (hana wa sakura) thực ra cũng chưa thành thông lệ từ lâu lắm đâu. Tác phẩm Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập, cuối thế kỷ thứ 8) có 118 bài vịnh hoa mai (ume, mơ), trong khi ấy thơ vịnh anh đào chỉ có 44 bài thôi. Giữa mai và anh đào, vị trí đã đảo ngược kể từ thời của Kokin Wakashuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập, đầu thế kỷ thứ 10) trở đi.
Ở Trung Quốc, sau cuộc Cách mạng Tân Hợi người ta nghĩ đến việc chọn một loài hoa làm quốc hoa để tượng trưng cho đất nước. Đã xảy ra một cuộc tranh luận lớn giữa hai phái là phái mai và phái mẫu đơn.”Hoa là mai” hay “hoa là mẫu đơn”, không ai chịu ai. Tuy nhiên cuối cùng phái mai đã giành được chiến thắng. Hoa lệ mỹ miều như hoa mẫu đơn cũng xứng đáng làm quốc hoa đấy nhưng những người có trách nhiệm thẩm định nghĩ rằng giữa thời kiến quốc, vấn đề phải giải quyết còn chồng chất như núi, hẳn nước nhà đang cần đến những đức tính của hoa mai như chịu lạnh giỏi và nở sớm nhất lúc xuân về.
Giữa một thời đại khó khăn, tốt hơn là nên chọn một loài hoa dạn dĩ cứng cáp. Cũng giống như vậy, vào một thời đại xán lạn và hoa lệ như đời Đường, mẫu đơn mới thật thích hợp. Nhưng thật ra, danh xưng “mẫu đơn” (botan牡丹) cũng chỉ có về sau này chứ trước đời Đường không nghe nói đến. Xưa kia người ta chỉ nói đến cái tên “thược dược”(shakuyaku芍薬). Khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, trong Kinh Thi do Khổng Tử san định đã thấy thơ về loài hoa này. Đây mới thật là một cái tên xưa hơn cả. Có thuyết cho rằng mẫu đơn trước kia không có tên và người ta chỉ gọi nó là “mộc thược dược”.
Dậu Dương Tạp Trở 酉陽雑俎(của Đoàn Thành Thức, tập tùy bút gồm 30 quyển, một tư liệu quí giá để hiểu nếp sống đời Đường, NNT) cho biết trong văn tập của Tạ Linh Vận謝霊運, có câu:
Vĩnh Gia trúc gian đa mẫu đơn
永嘉竹間多牡丹
(Giữa những lùm trúc ở Vĩnh Gia có nhiều hoa mẫu đơn).
Vĩnh Gia thuộc Triết Giang Ôn Châu là nơi họ Tạ từng làm Thái thú.
Khang Lạc Văn Tập, tên tác phẩm của Tạ Linh Vận, hầu như đã hoàn toàn thất lạc cho nên không ai biết câu vừa được nêu lên nằm ở quãng nào trong sách. Đoàn Thành Thức có nói về cách gây giống trồng cây (chủng thực pháp) của thời Tùy nhưng không thấy ông nhắc gì đến mẫu đơn. Theo suy đoán của Lý Thạch 李石đời Tống trong Tục Bác Vật Chí続博物志, mẫu đơn mà Tạ Linh Vận nhắc đến – nếu như là loài hoa từng có ở đất Vĩnh Gia – chỉ có thể là thược dược mà thôi. Đất Ngô Việt (Giang Tô, Triết Giang) vốn nhiều thược dược. Đặc biệt là vùng Dương Châu, theo sách vở xưa kia ghi chép thì ở đây giống hoa này có đến 39 loại. Dương Châu vì thế nổi tiếng là đất của hoa thược dược.
Họa gia Bắc Tề là Dương Tử Hoa 楊子華có cho biết rằng hoa này đã được đem vào trồng trong ngự uyển của nhà Tùy. Tùy vốn là một triều đại ra đời vào thế kỷ thứ 6, trước nhà Đường không bao lâu.
Dù sao đi nữa, sự tồn tại của mẫu đơn cho đến đời Đường hãy còn hết sức mù mờ. Trong thơ văn thời ấy, chẳng thấy ai nhắc đến nó. Thế mà kể từ đời Thịnh Đường về sau, mẫu đơn đã được xem như “hoa của muôn hoa”(hana no naka no hana). Mẫu đơn, loài hoa xưa kia văn nhân thi sĩ không thèm nhắc tới, nay đã được đón tiếp nồng hậu và thời đại huy hoàng của nó bắt đầu. 
Tiêu chuẩn đánh giá mỹ nhân cũng thay đổi tùy theo thời đại. Triệu Phi Yến đời Tiền Hán nổi tiếng đẹp vì hết sức mảnh mai, có thể đứng múa trên bàn tay lực sĩ. Tuy là cách nói thậm xưng nhưng hẳn nàng phải rất gầy và rất nhẹ. Lại có chuyện Linh Vương nước Sở thời Chiến Quốc cũng thích con gái eo thon và người ta bảo vì muốn đẹp lòng vua mà bao nhiêu cũng nữ đã thi nhau nhịn ăn đến nỗi có người vì quá nhịn mà chết đói.
Thế nhưng đến thời Đường, muốn được coi là đẹp thì đàn bà phải phương phi, màu mỡ. Dương Quí Phi, mỹ nhân tiêu biểu của thời này, tương truyền đã bị đối thủ - nàng Mai phi - nhiếc là “Con thị tỳ béo” (Phì tì肥婢). Tức là nàng Dương thuộc mô hình đàn bà giàu nhục cảm (glamour). Nhìn người đàn bà qua mấy món đồ Đường tam thái 唐三彩 (gốm 3 màu đời Đường thường được dùng như vật phó táng, chôn theo người chết trong cổ mộ, NNT), mọi người đều có cảm tưởng là hình dáng các bà thật mập mạp tròn trịa như thể đang mang thai. Nhờ đó, chúng ta mới hiểu được quan niệm về cái đẹp của người đời Đường. Cho nên xét về con mắt thẩm mỹ khi nhìn hoa, nếu thấy người thời ấy có chuộng mẫu đơn đi chăng nữa thì điều đó cũng không đáng cho chúng ta ngạc nhiên. Hơn thế, so với các loại hoa xuân khác, hoa mẫu đơn nở hơi muộn màng. Đấy là nguyên nhân làm cho người ta thấy thương và tiếc cho nó. Như vậy, hoa mai là loại hoa tiên phong, nở sớm để mở cánh cửa mùa xuân còn mẫu đơn thì hậu tập, đến vào lúc cuối cùng để khép cánh cửa ấy lại.
Nhà thơ La Nghiệp 羅鄴có viết bài thơ nhan đề “Mẫu Đơn” với câu:
Lạc tận xuân hồng thủy kiến hoa.
落盡春紅始見花
Có ý nói khi tất cả các loại hoa xuân đã phai thắm và rụng rã hết rồi thì mẫu đơn, “hoa của muôn hoa”, mới bắt đầu xuất hiện. Cách nhập cuộc của nó cũng khá huy hoàng, một điều ta thấy trong bài thất ngôn tuyệt cú “Thưởng mẫu đơn” của Lưu Vũ Tích劉武錫:
Đình tiền thược dược yêu vô cách,
庭前芍薬妖無恪
Trì thượng phù cừ tĩnh thiểu tình.
池上浮渠浄少情
Duy hữu mẫu đơn chân quốc sắc,
唯有牡丹真国色
Hoa khai thời tiết động kinh thành.
花開時節動京城
(Ý: Thược dược trước sân đáng yêu nhưng không có phẩm cách, cánh sen trong ao thanh tĩnh lại chưa đủ tình tứ. Chỉ có mẫu đơn mới xứng đáng là hoa đẹp nhất nước, đến thời nó nở, cả kinh đô phải xôn xao)
Phù cừ có thể hiểu là phù dung, đồng nghĩa với liên (hasu, hoa sen). Tác giả cho biết nếu đem mẫu đơn so sánh với thược dược và sen thì sẽ thấy mẫu đơn vượt trội hơn chúng nhiều. Thược dược tuy yêu kiều nhưng thiếu phẩm cách (vô cách). Nếu chúng ta so sánh thược dược với mẫu đơn (mộc thược dược) thì khó lòng thấy được sự dị biệt. Thế nhưng thược dược là loài hoa từ xưa có mặt trong Kinh Thi. Nó xuất hiện trước tiên nhưng cách người ta trình bày về nó thì không được tốt đẹp và nể nang cho lắm.
Thược dược đã được nhắc đến ở chương Trịnh phong trong Kinh Thi. Trịnh và Vệ là hai vùng đất nổi tiếng phong tục buông thả. Đến nỗi xưa có câu nói: “Trịnh Vệ chi thanh, vong quốc chi âm”. Chùm thơ nhan đề Tần Vị nói về sông Tần (Tần xuyên) và sông Vị (Vị xuyên) có những câu:
Vị chi ngoại,
洧之外
Tuân hu thả lạc.
洵訏且楽
Duy sĩ dữ nữ,
惟士與女
Y kỳ tương hước,
伊其相謔
Tặng chi dĩ thược dược.
贈之以芍薬
(Ý: Bên bờ sông Vị là chốn tụ họp vui vẻ. Ở đây trai gái đùa cợt ngả ngớn  (y kỳ tương hước), họ thường đem hoa thược dược tặng nhau).
Theo luân lý của đạo Nho thì những hành động ấy bị xem là buông thả, không coi cho được. Làm như thế là đánh mất phẩm giá. Theo lời chú của học giả Trịnh Huyền (127-200) thì hước  rõ ràng là có ý nghĩa “trao đổi xác thịt” (tính giao).
Hoa sen thanh tĩnh quá thành ra thiếu tình tứ (thiểu tình). Đáng mặt gọi là quốc sắc (người đẹp nhất nước) rốt cuộc là mẫu đơn. Khi hoa ấy nở, người ta rủ nhau đi ngắm, làm náo động cả kinh thành.
Thi nhân Vãn Đường là La Ẩn羅隠 (833-909) cũng có bài thơ đem so sánh mẫu đơn, thược dược và sen:
Tự cộng Đông phong biệt hữu nhân,
似共東風別有因
Giáng la cao quyến bất thăng xuân.
絳羅高捲不勝春
Nhược giao giải ngữ ưng khuynh quốc,
若教解語応傾国
Nhiệm thị vô tình dã động nhân.
任是無情也動人
Thược dược dữ quân vi cận thị,
芍薬與君為近侍
Phù dung hà xứ tỵ phương trần.
芙蓉何処避芳塵
Khả liên Hàn lệnh công thành hậu,
可憐韓令功成後
Cô phụ nùng hoa quá thử thân
辜負穠花過此身
(Ý: Cùng đón ngọn gió ấm từ phương đông thổi về nhưng mỗi loài hoa đều trở thành khác nhau. Cuộn cao bức màn là lên, không nén nổi tình xuân. Hoa mẫu đơn tài mạo tột vời, nếu nó biết nói thì đã làm mê mẫn đến xiêu thành đổ nước, còn cứ tự nhiên thế thôi cũng đủ xao xuyến tâm hồn người ta. Thược dược chỉ là kẻ tôi tớ của nàng, còn phù dung thời đã e dè nét đẹp của nàng mà bỏ trốn. Thương cho vị đại quan Hàn Hoằng sau khi làm nên danh phận, cứ lo nghĩ cho thân danh mà đem lòng mà phụ rẫy hoa)
Theo bài thơ trên, thược dược chỉ là phận tôi tớ của mẫu đơn còn như hoa sen thì vì quá sợ hãi nó nên đã bỏ trốn đâu mất. Vào thời này, mẫu đơn được coi như Hoa vương (vua của muôn loài hoa), còn thược dược là Hoa tướng (tể tướng của hoa) nghĩa là đứng thấp dưới nó một bậc.
Khuynh quốc có nghĩa là người đẹp khuynh đảo được quốc gia. Thời Hán Vũ Đế, nhà âm nhạc Lý Diên Niên đã ca tụng nhan sắc của Lý phu nhân như vậy (Nhất cố khuynh nhân thành. Tái cố khuynh nhân quốc).
Còn như Hàn lệnh là chữ dùng để chỉ viên Trung thư lệnh dưới triều nhà Đường là Hàn Hoằng韓弘. Ông người Dĩnh Châu, có nhiều quân công hồi làm Tiết độ sứ. Khi được triều đình ban cho một phủ đệ trong kinh thành và thấy ngoài vườn có nhiều hoa mẫu đơn rất đẹp, ông đã nói:” Ta đâu phải là đàn bà con nít mà thích ngắm hoa mẫu đơn” rồi cho người phạt chúng và vứt đi cả. Có thể ông chỉ muốn trút bỏ những gì phù phiếm.
Nùng hoa ám chỉ hoa mãn khai. Khi quay lưng lại với cảnh tượng đẹp đẽ này, Hàn Hoằng đã cho thấy sự thiếu lịch lãm của ông khiến nhà thơ La Ẩn đem lòng tội nghiệp. Lúc Hàn Hoằng chết, chắc La Ẩn vừa mới ra đời. Giai thoại này không phải là cổ tích và có thể La Ẩn đã nghe những người lớn tuổi vào thời ông kể lại một cách sống động. 
Lúc Hàn Hoằng được ân tứ một phủ đệ trong thành Trường An cũng là lúc phong trào ái mộ hoa mẫu đơn hay “mẫu đơn cuồng”牡丹狂 đã bùng lên tới cao điểm. Có thể vì lý do đó mà ông thấy khổ tâm và việc cho phạt hết các bụi mẫu đơn vứt đi cũng có thể coi như một phản ứng chống báng lại sở thích có tính phong trào của người đương thời.
Bạch Cư Dị白居易, đồng thời với Hàn Hoằng, có lần bày tỏ thái độ phê phán phong trào “mẫu đơn cuồng” trong tác phẩm của mình. Với bài Nhạc phủ nhan đề “Mẫu đơn phương” (Hương mẫu đơn) sau khi ca ngợi chính sách khuyến nông của thiên tử, nhà thơ cảnh cáo mọi người rằng hãy còn có những điều thiết thân hơn là vẻ đẹp của một loài hoa:
Hoa khai hoa lạc nhị thập nhật,
花落花開二十日
Nhất thành chi nhân giai nhược cuồng.
一城之人皆若狂
(Ý: Hoa nở rồi tàn chỉ trong vòng 20 hôm nhưng trong thời gian đó, cả kinh thành như rồ dại vì nó)
Đương nhiên, ông đã nhìn thấy hướng đi của dư luận vốn chỉ trọng những cái phù hoa và coi nhẹ thực chất cuộc sống. Khí phong “mẫu đơn cuồng“ thể hiện khuynh hướng yêu chuộng sự phù phiếm sẽ đưa tới những gì thì ông đã rõ. Bài Nhạc phủ ấy tiếp tục với những câu sau:
Ngã nguyện tạm cầu Tạo Hóa lực,
我願暫求造化力
Giảm khước mẫu đơn yêu diễm sắc.
減却牡丹妖艶色
Thiểu hồi khanh sĩ ái hoa tâm,
少廻卿士愛花心
Đồng thị ngô quân ái giá sắc.
同是呉君愛稼穡
(Ý: Ta mong sao Tạo Hóa hãy giảm bớt vẻ yêu kiều của mẫu đơn để cho các vị đại thần trong triều dẹp bớt đi lòng yêu hoa mà chuyển qua yêu việc đồng áng nông tang như vua ta vậy)
Khanh sĩ (đại thần trong triều) mê mẩn hoa mẫu đơn vì hình dáng của hoa quá đỗi đẹp đẽ. Tác giả mới ước mong Hóa công (Thiên nhiên) hãy dùng sức mạnh của mình để giảm bớt đi sự hấp dẫn của hoa. Được thế, các đại thần sẽ đem tình cảm yêu hoa (ái hoa tâm) chuyển sang tình yêu công việc đồng áng, cày bừa (ái giá sắc) như nhà vua.
Ngoài ra, họ Bạch còn có bài ngũ ngôn cổ thi nhan đề Mại hoa (Đi mua hoa) để phúng thích phong trào “mẫu đơn cuồng” đương thời:
Đế thành xuân dục mộ,
帝城春欲暮
Huyên huyên xa mã độ.
喧喧車馬度
Cộng đạo mẫu đơn thì,
共道牡丹時
Tương tùy mại hoa khứ.
相隋買花去
Quí tiện vô thường giá,
貴賤無常価
Thù trực khan hoa số.
酬直看花数
Chước chước bách đóa hồng,
灼灼百朶紅
Tiên tiên ngũ thúc tố.
戔戔五束素
Thượng trướng ác mạc tí,
上張幄幕庇
Bàng chức ba ly hộ,
傍織笆籬護
Thủy sái phục nê phong
水洒復泥封,
Di lai sắc như cố.
移来色如故
Gia gia tập vi tục,
家家習為俗
Nhân nhân mê bất ngộ.
人人迷不悟
Hữu nhất điền xá ông,
有一田舎翁
Ngẫu lai mại hoa xứ.
偶来花買処
Đê đầu độc trường thán,
低頭独長嘆
Thử thán vô nhân dụ.
此嘆無人諭
Nhất tùng thâm sắc hoa,
一叢深色花
Thập hộ trung nhân phú.
十戸中人賦
(Ý: Trong kinh thành, xuân sắp tàn. Xe ngựa ồn ào, mọi người bảo đang  đi kiếm mẫu đơn để mua. Người ta giăng màn, giăng liếp bảo vệ cho hoa. Đem về, ngâm trong bùn và tưới nước lên, màu sắc vẫn giữ nguyên như trước. Đó là thói tục của mọi nhà mọi người, họ mê mẩn như thế, không sao bỏ được. Có ông già nhà quê, tình cờ đến chỗ thiên hạ mua hoa, chỉ biết cúi đầu thở than nhưng lời than ấy chẳng ai thèm biết tới. Này xem, giá một bụi hoa sắc thắm đã ngang với tiền thuế 10 gia đình trung lưu phải nạp).
Khi xuân bắt đầu tàn thì mới tới mùa hoa mẫu đơn. Hoa đang độ trong khoảng hai mươi ngày mà trung tâm điểm là hôm 15 tháng 3. Có những vùng mẫu đơn nở chậm cỡ nửa tháng như trường hợp mẫu đơn của Đại Chân Viện chùa Từ Ân. Người ta kéo xe theo, tấp nập đi mua hoa. Giá cả có nhiều loại khác nhau. Có khi là trăm đóa màu đỏ, có khi là một bụi với năm đóa màu trắng. Có ông lão miền quê tình cờ đến chỗ người ta mua hoa, nhìn thấy cảnh tượng, không khỏi ngạc nhiên và cúi đầu thở dài. Bởi vì giá của một bụi mẫu đơn sắc thắm đã tương đương với món tiền thuế mà 10 hộ gia đình trung lưu phải nạp. 
Điều Bạch Cư Dị muốn phúng thích là có những bụi mẫu đơn “giá khủng” (bakageta nedan) đến vài vạn tiền. Thế thì có ai còn đành lòng thưởng thức vẻ đẹp của hoa. Họ Bạch đôi khi cũng có thơ tiếc cho hoa mẫu đơn đang rơi rụng tan tác. “Tích mẫu đơn hoa” (Tiếc hoa mẫu đơn) là nhan đề hai bài thất ngôn tuyệt cú của ông được liệt vào loại đó. Một bài với chú thích là “Hàn lâm viện bắc sảnh hoa hạ tác”(Viết dưới hoa ở sảnh phía bắc viện Hàn Lâm) còn bài kia thì ghi “Tân Xương Đậu cấp sự trạch nam đình hoa hạ tác” (Viết dưới hoa ở đình phía nam nhà ông cấp sự họ Đậu ở Tân Xương), nói về hoàn cảnh sáng tác. Bài thứ nhất có nội dung như sau:
Trù trướng giai tiền hồng mẫu đơn (đan),
惆帳階前紅牡丹
Vãn lai duy hữu lưỡng chi tàn
晩来唯有両枝残
Minh triêu phong khởi ưng xuy tận,
明朝風起応吹盡
Dạ tích suy hồng bả hỏa khan.
夜惜衰紅把火看
(Ý: Thương cho những đóa mẫu đơn đỏ thắm trước thềm. Khi chiều xuống chỉ còn sót mỗi hai cây. Mai đây, gió nổi lên, hỏi còn chi. Nếu tiếc cho hoa, có lẽ đêm nay ta phải đốt đuốc mà ngắm nó)
Cổ thi có câu: “Trú đoản khổ dạ trường. Hà bất bỉnh chúc du” (Ngày ngắn, khổ đêm dài. Sao không cầm đuốc đi chơi). Dĩ nhiên ý của bài thơ cũng tương tự. Hàn Lâm Viện nằm trong vòng Kim Minh Môn của cung Hưng Khánh. Đây là nơi người thường không thể đến được. Bạch Cư Dị giữ chức Hàn Lâm học sĩ vào năm Nguyên Hòa (807) tức là cái năm sau khi ông hoàn thành Trường Hận Ca. Có thể ông đã viết bài thơ về mẫu đơn này trong một đêm túc trực ở Hàn Lâm Viện.
Nơi người thường ai cũng có thể đến xem hoa phần lớn là mảnh sân rộng của một ngôi chùa, chẳng hạn chùa Từ Ân mà chúng ta vừa nhắc đến. Một nơi khác nữa cũng rất có danh là Tây Minh Tự, nơi những nhà tu sang Trung Quốc du học như Không Hải (Kuukai) đã từng tá túc. Tây Minh Tự có tiếng nhiều mẫu đơn và đã được các thi nhân đề vịnh. Bạch Cư Dị trong năm Trinh Nguyên 20 (804, năm Không Hải nhập Đường) đã viết một bài ngũ ngôn luật thi nhan đề Tây Minh Tự mẫu đơn hoa thì, ức Nguyên cửu) (Ở chùa Tây Minh, nhân lúc mẫu đơn nở, nhớ anh chín họ Nguyên). Nguyên cửu tức Nguyên Chẩn, một người bạn thân của ông:
Tiền niên đề danh xứ
前年題名処
Kim nhật khán hoa lai.
今日看花来
Nhất tác vân hương lại
一作芸香吏
Tam kiến mẫu đơn khai
三見牡丹開.
Khởi độc hoa kham tích,
豈独花堪惜
Phương tri lão ám thôi.
方知老暗催
Hà huống tầm hoa bạn,
何況尋花伴
Đông Đô khứ vị hồi.
東都去未廻
Cự tri hồng phương trắc,
詎知紅方側
Xuân tận tứ du tai!
春盡思悠哉
(Ý: Chỗ này năm ngoái chúng mình từng đề tên, năm nay tôi lại tới ngắm mẫu đơn. Hồi làm việc ở Bí thư tỉnh đến giờ, đã được ngắm hoa 3 lần. Khó lòng đứng tiếc hoa một mình, huống hồ cái tuổi già u ám đang sồng sộc kéo tới. Bạn Nguyên Chẩn, người cùng xem hoa với mình năm trước, nay đi Lạc Dương vẫn chưa về. Cho nên bên cạnh cành hoa thắm, lòng tiếc xuân tàn làm tôi buồn biết mấy)
Năm ngoái, Bạch cư Dị vừa cùng Nguyên Chẩn đi chơi Tây Minh Tự xong và đã để lại danh tánh. Tương truyền, nếu đem cỏ Vân, một loại hương thảo hái được nơi đó, mà ép vào sách thì sách sẽ không bị ố. Vì lý do đó nên Bí thư tỉnh tức Thư viện trong cung thường được gọi là Vân tỉnh芸省hay Vân đài芸台. Lúc đó, Bạch cư Dị giữ chức Hiệu thư lang ở Bí thư tỉnh Trước tác cục cho nên mới tự xưng là Vân hương lại芸香吏. Năm đó, Nguyên Chẩn đi Đông Đô tức Lạc Dương. Hình như đến lúc mẫu đơn đang độ thì ông vẫn chưa về Trường An.
Mẫu đơn có nhiều màu. Các loại đỏ (hồng mẫu đơn) hay tím (tử mẫu đơn) tức là những thứ hoa mầu đậm rất được yêu chuộng. Cũng thấy có vài bài thơ cảm khái, thương cho cho số phận bạch mẫu đơn vì nó không được mấy ai đoái hoài. Trong Toàn Đường Thi có chép một bài thơ nhan đề “Bạch Mẫu Đơn” nhưng là thơ không có xuất xứ nhất định (samayoeru shi) vì không xác định được ai là tác giả thật sự của nó. Chỉ biết là bài thơ ấy đã có mặt lần lượt trong các phần nói về ba người khác nhau: thi nhân đời Khai Nguyên là Bùi Sĩ Yêm 裴士淹, một trong Đại Lịch thập tài tử là Lô Luân 盧綸và thi nhân gần thời Vãn Đường tên Bùi Luân裴潾.
Trường An hào quí tích xuân tàn.
長安豪貴惜春残
Tranh thưởng nhai tây tử mẫu đan (đơn).
争賞街西紫牡丹
Biệt hữu ngọc bàn thừa lộ lãnh,
別有玉盤承露冷
Vô nhân khởi tựu nguyệt trung khan.
無人起就月中看
(Ý: Người giàu có tôn quí ở Trường An tiếc xuân tàn nên đua nhau tìm hoa mẫu đơn tím ở phường phía Tây để thưởng thức. Có biết đâu ngoài ra còn có loài hoa giống như mâm ngọc hứng sương lạnh, chỉ vì không ai chịu đứng lên và nhìn vào mặt trăng)
“Hào quý” có nơi chép là “thiếu niên”, nhai tây” có nơi chép là Từ Ân, thế nhưng nội dung ghi lại trong thi tập của 3 nhà thơ sống cách nhau khoảng 100 năm này hầu như chỉ là một. Mới thấy là “bạch mẫu đơn” cũng có khá nhiều khách ái mộ.
Mẫu đơn yêu diễm loạn nhân tâm,
牡丹妖艶亂人心
Nhất quốc như cuồng bất tích câm (kim).  
一国如狂不惜金
Hạt nhược đông viên đào dữ lý,
曷若東園桃與李
Quả thành vô ngữ tự thành âm.
果成無語自成陰
(Ý: Vẽ yêu kiều của mẫu đơn làm rối loạn lòng người. Cả nước như điên lên, không ai tiếc tiền để có được nó. Thế nhưng, nó nào được như cây đào cây lý ở vườn Đông, chúng cứ lẳng lặng ra quả và làm bóng mát).
Bài thơ này có chép một lượt trong hai tập nói về Vương Duệ王叡 và Vương Cốc王穀, cho thấy không phải ai ai cũng mắc chứng “mẫu đơn cuồng”.
Ngoài ra, những sĩ tử theo đòi khoa cử không phải người nào cũng trở về ngôi nhà có đóa mẫu đơn tím đang nở đẹp đẽ của mình đâu. Họ có thể đưa một ai đó đi xem hoa ở chỗ nào khác. “Hoa” của họ là một thứ hoa đặc biệt. Hãy đọc bài “Mẫu Đơn” dưới đây của Lý Ích李益:
Tử nhụy tùng khai vị đáo gia,
紫蕊叢開未到家
Khước giao du khách thưởng phồn hoa.
却教游客賞繁華
Thủy tri niên thiếu cầu danh xứ,
始知年少求名処
Mãn nhãn không trung biệt hữu hoa.
満眼空中別有花
(Ý: Khóm tử mẫu đơn khai nhụy nở hoa rồi mà vẫn chưa về đến nhà, mới hay du khách còn đi thưởng thức cảnh phồn hoa. Trường hợp người trẻ tuổi cầu danh vọng thì họ muốn ngắm một thứ hoa khác đang nở giữa không trung cơ!)
Tokyo 20/02/2018
(Trích dịch Đường Thi Tân Tuyển, từ trang 61 đến trang 72)

Tư liệu tham khảo:
-Chin Shun-Shin, 1989, Tôshi Shinsen,Shinchô Bunko, Tokyo xuất bản.
-Hình ảnh Internet.
Trang Nguyễn Nam Trân
Một trong những bút hiệu của anh Đào Hữu Dũng (Exryu 65 - Japan).
Anh sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: 
dhdungjp@yahoo.com
Bài của anh Dũng đã được đăng rất nhiều trên các mạng Internet như Hợp Lưu (Mỹ), Chim Việt Cành Nam (Pháp), E-Van v.v....  ERCT đã được phép anh Dũng post tất cả những tác phẩm của anh Dũng để chia sẻ với gia đình Exryu. Anh Dũng hiện đang làm việc tại Nhật.

  MẤY ĐÓA HOA XUÂN (Tạp bút thơ Đường) Nguyên tác: Chin Shun-Shin
  Giới thiệu nhà văn Chin Shun-Shin Lương Châu Từ, Bồ Đào, Dạ Quang Bôi
  Tâm sự nữ thi nhân - (Tạp bút thơ Đường) - Nguyên tác: Chin Shun-Shin
  Truyện người thỉnh kinh - (Cầu pháp tăng)  -  Nguyên tác: Chin Shun-Shin
  NGƯ HUYỀN CƠ - (Gyogenki, 1915) - Nguyên tác: Mori Ôgai
  ẢO TƯỞNG - (Môsô, 1911) - Nguyên tác: Mori Ôgai
  NÀNG VŨ CÔNG - Maihime, 1890 - Nguyên tác: Mori Ôgai
Vai trò của hai thiên hoàng Saga và Go-Shirakawa
   Thiền và Mỹ Thuật (Zen and Japanese Art Culture) - Nguyên tác: Suzuki Daisetsu
   Thiền và Nho Giáo (Zen and the Study of Confucianism) - Nguyên tác: Suzuki Daisetsu
   Thiền và Haiku (Zen and Haiku) - Nguyên tác: Suzuki Daisetsu
   Thiền và Trà Đạo (Zen and the Art of Tea) - Nguyên tác: Suzuki Daisetsu
   Thiền và Vũ Sĩ Đạo (Zen and the Samurai) - Nguyên tác: Suzuki Daisetsu
   LƯỢC SỬ GIẢI AKUTAGAWA - Tấm Kính Phản Chiếu Xã Hội Nhật Bản
Di Chúc Của Một Nhà Văn : Những bài học lịch sử Shiba Ryôtarô để lại
  Một người không tên tuổi (Mumei no hito) Nguyên tác: Shiba Ryôtarô
  Dịch Sách (Truyện Maeno Ryôtaku) Nguyên tác: Yoshimura Akira
 ĐỌC SA THẠCH TẬP -  沙石集 -  CỦA TĂNG VÔ TRÚ  -
Truyền bá giáo lý bằng tiếng cười sảng khoái
Đi xa hơn với Lafcadio Hearn (Koizumi Yakumo)
Tham luận đọc tại Hội thảo “Đạo Phật và Văn Hóa” (Villebon s/ Yvette, Pháp) ngày 5 tháng 6 năm 2016
Bản tiếng Pháp : Le bouddhisme et la croyance populaire au Japon (Traduit du viêtnamien par Vũ Ngọc Quỳnh)
 Ánh Lửa Ven Hồ Nguyên tác: Shiga Naoya
 Ở KINOSAKI (Kinosaki nite, 1917)  - Nguyên tác: Shiga Naoya
 Seibê và mấy quả bầu (Seibê to hyôtan, 1913)  -  Nguyên tác: Shiga Naoya (1883-1971)
 ĐỈNH OÁN HỜN (Shiramine)-  Nguyên tác: Ueda Akinari
 ĐÔI CÁNH (Tsubasa, 1951) : Một câu chuyện kể theo kiểu Gautier -  Nguyên tác: Mishima Yukio
 Lòng Dâm Của Rắn - Jasei no in  -   Nguyên tác: Ueda Akinari
 TRĂNG TÂY HỒ (Seiko no tsuki, 1919)  Nguyên tác: Tanizaki Jun.ichirô)
    Mưa Lê Thê (雨瀟瀟 - Ame Shôshô, 1921) Nguyên tác: Nagai Kafuu - 永井荷風
     IZUMI KYÔKA - 泉鏡花 - Người dọn đường cho văn học huyền ảo cận đại Nhật Bản
     Kẹo Óc Chó - 胡桃 - (Kurumi, 1924) Nguyên tác: Izumi Kyôka
     NHÀ ẨN TU NÚI KOYA 高野聖 (Kôya Hijiri, 1900) Nguyên tác: Izumi Kyoka Dịch: Nam Tử
     Người Đàn Ông Bốn Mươi - Yonjussai no Otoko (Nguyên Tác: Endô Shuusaku)
    Tiếng chim thần bí - Nguyên tác: Buppôsô - Tác giả: Ueda Akinari (1734-1809)
    Con ếch - Nguyên tác: Kaeru - Tác giả: Tsuji Kunio (1925-1999)
    Tiếng hát Junko (thơ)
-  Hành trình từ Nô cổ điển đến Nô cận đại

   NHẬP MÔN MAN.YÔSHUU -  万葉集入門
Qua thơ Vạn Diệp Tập, viễn du trong xã hội Nhật Bản cổ đại.

 
Tùy Bút - Nghiên Cứu
(Et l’histoire continue: petite présentation du monde des études vietnamiennes au Japon)
Nguyên tác: Frédéric Roustan
 TẬP TRUYỆN NGẮN TRONG LÒNG BÀN TAY : Phần I   -   Phần II
(Te no hira no shôsetsu) Nguyên tác: Kawabata Yasunari (1899-1972)
 Lịch sử Thiền Tông Nhật Bản  : Nguyên tác : Zen no rekishi của Ibuki Atsushi
 Toàn tập : VÔ MÔN QUAN - 無門関  - DƯỚI MẮT NGƯỜI NHẬT - Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai - Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin - Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
Cảm Nghĩ Trong Am (Hôjô-ki) và Buồn Buồn Phóng Bút (Tsurezure-gusa)
 Toàn tập :  Tổng quan Lịch sử Văn học Nhật Bản
 Văn xuôi Shôwa giai đoạn 1926-1945.
Những năm sôi động trước khi  lâm chiến cho đến ngày bại trận
 Akutagawa Ryuunosuke và Shiga Naoya.
Hai đỉnh cao, hai phong cách của thể loại truyện ngắn Nhật Bản
 VĂN HỌC ĐẠI CHÚNG NHẬT BẢN HIỆN ĐẠI. PHẦN II 
Tiểu Thuyết Trinh Thám và Khoa Học Giả Tưởng.
 VĂN HỌC ĐẠI CHÚNG NHẬT BẢN HIỆN ĐẠI. PHẦN I: 
Tiểu Thuyết Dã Sử, Kiếm Hiệp và Tình Cảm Xã Hội 
 NGÃ RẼ GIỮA QUỐC HỌC VÀ HÁN HỌC
       - Tư Tưởng Về Nguồn Dưới Thời Edo và Quá Trình Bản Địa Hóa Phật & Nho Giáo.
 ẢNH HƯỞNG TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VĂN HỌC NHẬT BẢN
      - 
Người Nhật đã tiếp thu sáng tạo thơ văn chữ Hán như thế nào?
 KỊCH HIỆN ĐẠI VÀ VĂN HỌC 
     - 
Từ Kabuki Cải Lương đến Sân Khấu Địa Đạo
 Thơ Mới Nhật Bản       VAI TRÒ CỦA THI CA TÂY PHƯƠNG TRONG DÒNG THƠ HIỆN ĐẠI
 Tanka và hiện đại  
        - Thơ Waka Giữa Lòng Thế Kỷ Hai Mươi
 HAIKU: MỘT CHÚT LỊCH SỬ  
      Hành trình từ haiku-tên-bắn đến haiku-tiền-vệ
                                     Phần I  : TỪ HÀI-CÚ-TÊN-BẮN…
                                     Phần II : … ĐẾN HAIKU TIỀN VỆ 
 BA TRĂM NĂM TIỂU THUYẾT EDO
                   KHI VĂN HỌC THỊ DÂN KHAI HOA KẾT TRÁI 
 ĐOẠN ĐƯỜNG VƯỢT THOÁT HẬU CHIẾN
         -  
Kinh Nghiệm Các Nhà Văn Nhật Bản Thế Hệ 1945-1965  
 SÂN KHẤU JÔRURI, KABUKI VÀ VĂN HỌC TUỒNG. - Vai trò chủ đạo của  CHIKAMATSU MONZAEMONCẬN TÙNG MÔN TẢ VỆ MÔN), SHAKESPEARE NHẬT BẢN. 
  Sân khấu NÔ, KYÔGEN cùng các hình thức văn học tuồng tương cận 
-  Đỉnh Cao Nghệ Thuật Nô Với Cha Con Kan.ami Và Zeami   
  Từ KONJAKU MONOGATARI (Truyện Giờ Đã Xưa)  đến SHASEKI-SHUU (Góp Nhặt Đá Cát)    Văn học thuyết pháp và răn đời của Nhật Bản.
 SHIN-KOKIN WAKA-SHUU (TÂN CỔ KIM HÒA CA TẬP)          Thi tuyển đánh dấu thời hoàng kim của thơ quốc âm Nhật Bản.
 DÒNG NHẬT KÝ VÀ TÙY BÚT TRONG VĂN HỌC NHẬT BẢN.  - Cái nhìn sắc bén của những kẻ đứng bên lề cuộc đời 
  Truyện Ông Già Đốn Trúc - Taketori Monogatari : Thủy tổ của tiểu thuyết Nhật Bản.  -  Sự ra đời của Truyện Hoang Đường, Truyện Thơ, Truyện Ngắn, Truyện Lịch Sử.
 THẦN THOẠI & CỔ TÍCH NHẬT BẢN  -  Tìm hiểu văn học thượng cổ chung quanh Kojiki (Cổ Sự Ký), Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ) và Fudoki (Phong Thổ Ký).
 Man.yô-shuu (Vạn Diệp Tập) - Tìm hiểu cái đẹp của dòng thơ Waka trong tuyển  tập thơ tối cổ Nhật Bản.
 Truyện Genji (Genji Monogatari) - Di sản văn hóa thế giới. Niềm tự hào của Nhật Bản.  

Truyện dịch
 Một cái chết vô can (Nguyên tác : Mukankeina Shi, 1961 của Abe Kôbô)
  Bọn Chiếm Đóng (Nguyên tác: Shinnyusha, 1951 của Abe Kôbô )
 HỒN BƯỚM  (Nguyên tác: Chôchô, 1948 của Mishima Yukio (1925-70)
 KỲ LÂN  (Nguyên tác: Kirin, 1910 của Tanizaki Jun.ichirô (1886-1965)
  BÀN CHÂN FUMIKO - Fumiko no ashi (Nguyên tác: Tanizaki Jun.ichirô (1886-1965))
 QUA TRẠM FUDA-NO-TSUJI - FUDA NO TSUJI  (Nguyên Tác: Endô Shuusaku)
 DÌ HARUKO -  Haruko Nguyên tác : Mishima Yukio
 MỐI TÌNH CỦA VỊ CAO TĂNG CHÙA SHIGA Nguyên tác: Shigadera shônin no koi của Mishima Yukio.
 Quán ăn mè nheo lắm chuyện Nguyên tác: Chuumon no ôi ryôriten của Miyazawa Kenji
 Đêm đầu Nguyên tác : Shoya của Hayashi Mariko
 Đám hạt dẻ và mèo rừng Nguyên tác: Donguri to yamaneko của Miyazawa Kenji
 THỔ THẦN VÀ CON CHỒN         (nguyên tác : Tsuchigami to kitsune của  Miyazawa Kenji)
 Thuyền Giải Tù (nguyên tác của Mori Ogai )
 Hanako     Nguyên tác của Mori Ogai  
 ĐANG TRÙNG TU     Nguyên tác : Fushinchuu của Mori Ogai
 Sắn Dây Núi Yoshino  Nguyên tác : Yoshino kuzu  của Tanizaki Jun Ichirô
 Người cắt lau   Nguyên tác : Ashikari của Tanizaki Jun Ichirô
 Cánh Đồng Khô  Nguyên tác: Karen shô của Akutagawa Ryuunosuke. 
 Trích Sổ Tay của Yasukichi   Nguyên tác: Yasukichi no techo kara của Akutagawa Ryuunosuke. 
 Tỏ tình với người vợ không quen  Nguyên tác : Mishiranu tsuma e  của  Asada Jiro
 Gào Trăng Trong Núi Nguyên tác : Sangetsuki   của Nakajima Atsushi (1909-1943)
 Chiếc Mùi-Soa  Nguyên tác : Hankechi  của  Akutagawa Ryunosuke (1892-1927)
 Niềm tin Nguyên tác : Bisei no shin  của Akutagawa Ryunosuke (1892-1927)
 Bức Họa Núi Thu   Nguyên tác : Shuzanzu   của  Akutagawa Ryunosuke (1892-1927)
 Hẹn Mùa Hoa Cúc Nguyên Tác: Kikka no Chigiri   của Ueda Akinari (1734-1809)
 Ðịa ngục trước mắt  Nguyên Tác: Jigokuhen   của  Akutagawa Ryunosuke
 Bức họa núi thu Nguyên tác : Shuzanzu  của  Akutagawa Ryunosuke
 Con Cá Giếc   Nguyên Tác: Funa   của  Mukôda Kuniko (1929-1981)
 Nước Dòng Sông Cái   Nguyên Tác: Ôkawa no Mizu   của  Akutagawa Ryunosuke
 Truyện chàng Hôichi cụt tai    Nguyên tác :  Hirai Teiichi dịch Lafcadio Hearn (từ Anh ra Nhật)
 Cháo Khoai    Nguyên Tác: Imogayu   của  Ryunosuke, Akutagawa
 Xâm mình    Nguyên Tác: Shisei   của  Tanizaki Jun. Ichiro

Thơ