Đặng Tiểu Bình là một lãnh tụ của Trung Cộng, chưa từng giữ chức vụ cao cấp như Chủ Tịch Nước hay Thủ Tướng, nhưng ông được coi là một nhà lãnh đạo của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa từ cuối thập niên 1970 tới đầu thập niên 1990.
Đặng Tiểu Bình đã thiết lập nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (the socialist market economy) mang tinh thần thực dụng, nhờ vậy nền kinh tế của nước Trung Hoa đã phát triển rất nhanh. Ông đã từng nói: "Không cần biết con mèo là đen hay trắng, chỉ cần nó biết bắt chuột" (It doesn't matter whether the cat is black or white, as long as it caches mice).
Cuộc đời thăng trầm của Đặng Tiểu Bình đã phản ánh lịch sử biến động của nước Trung Hoa. Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Đặng Tiểu Bình đã cho thi hành các biện pháp hoàn toàn khác biệt với các chính sách cộng sản của Mao. Ông là người có tài lãnh đạo nhưng theo nhiều quan điểm phản dân chủ (anti-democratic views).
1/ Thuở thiếu thời.
Đặng Tiểu Bình chào đời vào ngày 22/8/1904 tại làng Bạch Phương (Paifang), trong huyện Quảng An (Guang' an) thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan). Ông là con trai lớn của một lãnh binh (captain of town militia) tên là Đặng Văn Minh (Deng Wenming). Lúc nhỏ, cậu Tiểu Bình được đặt tên là Đặng Hy Hiền (Deng Xixian).
Khi lên 5 tuổi, cậu Tiểu Bình theo học trường tiểu học tại địa phương và đã nổi tiếng là thông minh và người ta còn kể lại rằng nếu đọc một cuốn sách ba lần, cậu Tiểu Bình có thể nhớ thuộc lòng cuốn sách đó.
Vào mùa hè năm 1920, cậu Tiểu Bình tốt nghiệp trung học tại Trùng Khánh (Chongqing) sau đó cùng với 80 bạn trẻ khác, tất cả theo học một chương trình "học và làm" tại nước Pháp. Nhóm người trẻ tuổi này do Cộng Sản Quốc Tế (the Communist International) tuyển mộ và gửi đi du học tại nước ngoài. Họ xuống tầu biển, ở trong khoang hạng chót tức là loại rẻ tiền nhất và đã tới hải cảng Marseilles vào tháng 10 năm 1920, vào lúc này, cậu Tiểu Bình được tròn 16 tuổi và là thanh niên Trung Hoa trẻ tuổi nhất trong nhóm. Trong thời gian này, cậu Tiểu Bình làm công nhân trong xưởng sắt thép Le Creusot (Le Creusot Iron and Steel plant) tại miền trung của nước Pháp, rồi sau làm thợ lắp ráp trong xưởng xe hơi Renault tại ngoại ô Billancourt của thành phố Paris và có lúc làm phụ bếp trong các nhà hàng ăn, nhờ vậy cuộc sống cũng tạm đủ. Cậu Tiểu Bình có thời gian theo học trường trung học tại Bayeux và Chantillon.
Tại nước Pháp, do ảnh hưởng của các bậc đàn anh như Chu Ân Lai (Zhou Enlai) và Triệu Sĩ Diên (Zhao Shiyan), Đặng Tiểu Bình bắt đầu học hỏi chủ nghĩa Mác Xít rồi tham gia vào Liên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Hoa tại châu Âu vào năm 1922. Cùng với Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình đã hoạt động tích cực và đã tuyển mộ các thanh niên Trung Hoa hoạt động vì lý tưởng cộng sản. Gần cuối năm 1924, Đặng Tiểu Bình gia nhập Đảng Cộng Sản Trung Hoa của châu Âu và là một trong các thành viên chính. Trong năm 1926, Đặng Tiểu Bình theo học trường đảng tại Moscow rồi trở về Trung Hoa vào đầu năm 1927.
Vào năm 1929, Đặng Tiểu Bình dẫn đầu cuộc nổi dậy tại tỉnh Quảng Đông, phản kháng chính quyền Quốc Dân Đảng, nhưng vì thất bại, ông phải chạy qua miền Giang Tây (Jiangxi). Trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Đặng Tiểu Bình là một trong các cựu cán bộ, đảm nhiệm chức Tổng Bí Thư của Ủy Ban Trung Ương Đảng (General Secretary of the Central Committee of the Communist Party).
Trong thời kỳ kháng chiến chống quân đội Nhật Bản và trong cuộc Nội Chiến chống quân Quốc Dân Đảng, Đặng Tiểu Bình là chính ủy (ủy viên chính trị) của Lộ Quân số 2, phụ tá cho Lưu Bá Thừa (Liu Bocheng). Tới cuối tháng 11 năm 1949, Đặng Tiểu Bình chỉ huy các toán quân Cộng Sản tấn công lực lượng Quốc Dân Đảng của Thống Chế Tưởng Giới Thạch tại tỉnh Tứ Xuyên. Khi thành phố Trùng Khánh bị thất thủ vào ngày 01/12, Đặng Tiểu Bình được cử là chủ tịch tỉnh và chính ủy.
Khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, Đặng Tiểu Bình được cử làm Bí Thứ Thứ Nhất (First Secretary) nhờ sự bảo trợ của Mao Trạch Đông, ông cai quản các miền đất phía nam và cũng là một trong các nhà thương thuyết của Trung Hoa Cộng Sản với Liên Xô về vấn đề Tây Tạng, khiến cho về sau này, xứ sở Tây Tạng bị sáp nhập vào đất nước Trung Hoa.
2/ Thăng chức và bị thanh trừng.
Vì là người luôn luôn ủng hộ Mao Trạch Đông nên Đặng Tiểu Bình được Chủ Tịch Mao giao cho nhiều chức vụ quan trọng rồi vào năm 1957, trong chiến dịch "Chống Cánh Hữu" (Anti-Rightist Campaign), do công khai và triệt để đi theo con đường của Mao mà Đặng Tiểu Bình trở nên Tổng Bí Thư (General Secretary) của Đảng Cộng Sản Trung Hoa và đã điều hành các công việc quản trị đất nước với Chủ Tịch Nhà Nước Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi).
Vào tháng 1 năm 1958, Mao Trạch Đông phát động một kế hoạch 5 năm, được gọi là "Bước Đại Nhẩy Vọt" (Great Leap Forward). Kết quả của các cách thi hành sai, báo cáo không đúng sự thật, của khả năng kém cỏi của cán bộ các cấp, là từ năm 1958 tới năm 1962, hàng triệu người dân Trung Hoa bị chết đói và đây là một "thảm họa" cho nước Trung Hoa. Để sửa chữa các sai nhầm kể trên, Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ đã dùng các chính sách thực tế hơn, trái ngược với các lý tưởng Mác Xít của Mao Trạch Đông, nhờ vậy uy tín của hai nhân vật này đã tăng lên trong dân chúng và trong giới lãnh đạo Đảng.
Chủ Tịch Mao biết rõ rằng nếu uy tín của hai người này gia tăng thì hậu quả là ông ta sẽ chỉ giữ một vai trò tượng trưng, vì vậy vào năm 1966, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa (the Cultural Revolution). Ông Đặng Tiểu Bình đã bị mất hết chức vụ, bị gửi đi làm công nhân trong một công xưởng máy cầy thuộc tỉnh Giang Tây còn ông Lưu Thiếu Kỳ bị hành hạ tới chết trong nhà tù.
Trong giai đoạn này của cuộc Cách Mạng Văn Hóa, Đặng Tiểu Bình đã phải cam chịu cảnh bị xỉ nhục và cảnh cực khổ cùng với gia đình của ông, với người con trai là Đặng Phổ Phương (Deng Pufang) bị xô ngã qua cửa sổ và bị tàn tật suốt đời.
Khi Thủ Tướng Chu Ân Lai bị bệnh ung thư, Đặng Tiểu Bình được Thủ Tướng họ Chu chọn làm người kế nghiệp của mình rồi vào năm 1974, Chu Ân Lai đã thuyết phục được Mao Trạch Đông cho phép Đặng Tiểu Bình trở lại chính trường, giữ chức vụ Phó Thủ Tướng Điều Hành (Executive Vice-Premier), điều khiển các công việc hàng ngày. Tuy nhiên, cuộc Cách Mạng Văn Hóa vào lúc này chưa chấm dứt hẳn và nhóm Tứ Nhân Bang hay Bè Lũ Bốn Tên (the Gang of Four), đứng đầu là Giang Thanh, người vợ của Mao Trạch Đông, hiện đang tranh giành quyền lực trong đảng Cộng Sản Trung Hoa. Bè Lũ này đã coi Đặng Tiểu Bình là đối thủ mạnh nhất.
Tới tháng 2 năm 1976, Thủ Tướng Chu Ân Lai qua đời và trong khi cả nước Trung Hoa đang lo buồn về cái quốc tang này thì ông Đặng Tiểu Bình cũng mất dần thế lực. Sau khi đọc bài điếu văn chính thức tại buổi lễ quốc táng, Đặng Tiểu Bình lại bị thanh trừng khỏi quyền lực do sự xúi giục của Bè Lũ Bốn Tên, dù cho Bộ Chính Trị không cùng đồng ý về các lỗi lầm chính trị của ông. Ông Đặng Tiểu Bình đã tìm được nơi ẩn náu tại miền nam dưới sự che chở của Tướng Vệ Quốc Thanh (Wei Guoqing).
3/ Sự tái xuất hiện của ông Đặng Tiểu Bình.
Sau khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, người kế nghiệp Mao là Hoa Quốc Phong (Hua Quofeng). Nhờ sự vận động của nhiều nhà lãnh tụ uy tín, ông Đặng Tiểu Bình đã được Hoa Quốc Phong miễn tội. Sau đó trong hai năm 1980 – 1981, Đặng Tiểu Bình đã dần dần vận động các người ủng hộ mình bên trong đảng Cộng Sản Trung Hoa để lật đổ Hoa Quốc Phong ra khỏi vị trí hàng đầu và trái với các cuộc thanh trừng trước kia, ông Đặng Tiểu Bình vẫn để cho Hoa Quốc Phong, trước kia đã từng cộng tác với Bè Lũ Bốn Tên, nay là thành viên trong Bộ Chính Trị cho tới tháng 12/2002 rồi sau đó về hưu và cũng từ nay, đặt ra tiền lệ là các lãnh tụ không còn giữ các chức vụ cao cấp, sẽ không bị trừng phạt về thể xác.
Tiếp theo, ông Đặng Tiểu Bình đã phê phán cuộc Cách Mạng Văn Hóa và phát động phong trào "Mùa Xuân Bắc Kinh" (Beijing Spring), cho phép người dân có quyền chỉ trích một cách cởi mở các thái quá và bày tỏ các đau khổ mà họ đã phải chịu đựng trong thời gian vừa qua.
Đặng Tiểu Bình đã phá bỏ dần cách tôn thờ Mao và làm giảm bớt uy tín của Mao về ý thức hệ. Một cách hạ bệ Mao khác, là mang nhóm "Bè Lũ Bốn Tên" ra xét xử công khai, bắt đầu tại Bắc Kinh vào ngày 20/11/1980. Đây là 4 lãnh tụ cực tả, kể cả vợ của Mao là Giang Thanh, họ đã ủng hộ Mao hết lòng và cũng là những người quá tham vọng. Cuộc xét xử này là một thắng lợi của các đồng chí cũ do Đặng Tiểu Bình dẫn đầu, đây là những nạn nhân trong cuộc thanh trừng nội bộ từ năm 1966 tới năm 1976.
Nhờ khuyến khích các chỉ trích công khai kể trên, Đặng Tiểu Bình đã làm suy yếu các kẻ đã lợi dụng vị thế chính trị, và như thế, làm vững chắc các người đã bị thanh trừng trước kia, giống như chính ông, và Đặng Tiểu Bình đã được đa số dân chúng ủng hộ.
Cũng vào giai đoạn này, ông Đặng Tiểu Bình chủ trương hủy bỏ hệ thống cứu xét lý lịch, đây là phương pháp mà đảng Cộng Sản Trung Hoa đã ngăn cản những người đã từng có liên hệ với các thành phần địa chủ, công việc cải tổ này đã cho phép các người dân gốc tư bản có thể tham gia đảng Cộng Sản.
Đặng Tiểu Bình dần dần kiểm soát được đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ông đã thay thế ông Hoa Quốc Phong và đặt ông Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) làm Thủ Tướng vào năm 1980 và ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) làm Tổng Bí Thư Đảng năm 1981. Tới lúc này, Đặng Tiểu Bình là nhân vật có thế lực lớn nhất tại nước Trung Hoa Cộng Sản, mặc dù cho tới năm 1987, chức vụ chính thức của ông vẫn là Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương (Communist Party Central Military Commissions).
Từ nay tại nước Trung Hoa, chức vụ Chủ Tịch Nước được coi là đại diện cho quốc gia, thực quyền ở trong tay Thủ Tướng (Nhà Nước) và Tổng Bí Thư Đảng, hai chức vụ sau này thuộc về hai người khác nhau, Đảng lo phát triển chính sách còn Nhà Nước (State) lo thi hành các chính sách do Đảng đề ra, cách phân chia quyền lực này sẽ tránh khỏi công việc sùng bái một cá nhân như trường hợp Mao Trạch Đông đã từng làm.
Ông Đặng Tiểu Bình từ nay là "nhân vật số một" của Trung Hoa Cộng Sản. Ông đã coi các chính sách "đấu tranh giai cấp" và các cách vận động quần chúng rầm rộ của Mao Trạch Đông là không hợp lý. Vào năm 1982, Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã in ra một tài liệu có tên là "Về các vấn đề lịch sử khác nhau kể từ khi thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa" (On the Various Historical Issues since the Founding of the People's Republic of China).
Qua tài liệu chính thức này, Mao Trạch Đông được coi là "nhà Mác Xít vĩ đại, nhà Cách Mạng Vô Sản, nhà quân sự, nhà sáng lập ra Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân" và "các thành quả của Mao phải được coi trọng hơn các lầm lỗi", và trong tài liệu này, ông Đặng Tiểu Bình còn phê phán rằng Mao có "7 phần tốt, 3 phần xấu". Tài liệu này không làm giảm đi trách nhiệm chính của Mao trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa và xác nhận Mao đã bắt đầu cuộc Cách Mạng này một cách sai nhầm, với phần chính của các tội lỗi bị gán cho Bè Lũ Bốn Tên và Lâm Bưu là các tên phản cách mạng.
Dưới sự điều khiển của Đặng Tiểu Bình, các liên lạc với các nước phương tây được cải tiến rất đáng kể. Chính ông Đặng cũng đã đi ra nước ngoài và tham dự các buổi họp mặt thân thiện với các nhà lãnh đạo phương tây. Đặng Tiểu Bình trở thành vị lãnh tụ của Trung Cộng đầu tiên đi thăm Hoa Kỳ vào năm 1979, đã gặp Tổng Thống Jimmy Carter tại Tòa Nhà Trắng sau khi Hoa Kỳ đoạn giao với Trung Hoa Dân Quốc của Đài Loan. Sự liên lạc giữa Trung Hoa và Nhật Bản cũng được cải thiện tốt đẹp và Đặng Tiểu Bình đã dùng nước Nhật Bản làm một gương mẫu cho các chiều hướng phát triển kinh tế của Trung Hoa trong tương lai. Vào năm 1978, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã ký với Nhật Bản một "Hiệp Ước Hòa Bình và Hữu Nghị" (a Treaty of Peace and Friendship).
Vào ngày 19 tháng 12 năm 1984, nước Anh và Trung Cộng đã ký một thỏa ước theo đó, phần đất Hồng Kông sẽ được trả về cho Trung Cộng vào năm 1997 sau khi thỏa ước thuê đất trong 99 năm hết hạn, và ông Đặng Tiểu Bình cũng cam kết rằng Trung Cộng sẽ không can thiệp vào hệ thống tư bản của Hồng Kông trong 50 năm. Thỏa ước tương tự cũng được ký kết với Bồ Đào Nha để nước này trả lại thuộc địa Ma Cao (Macau). Với chính sách mệnh danh là "một quốc gia, hai hệ thống" (one country – two systems), cách tiếp cận này là lời mời mọc của Trung Cộng đối với Đài Loan để họ hội nhập vào lục địa Trung Hoa trong các năm tới. Tuy nhiên, đối với nước Nga, các liên lạc đã không được cải tiến nhiều, và chính quyền Trung Cộng vẫn coi nước Nga này là một mối đe dọa đối với Trung Hoa bởi sự tiếp cận địa dư.
4/ Cải Cách Kinh Tế tại Trung Cộng.
Mối liên lạc với các nước ngoài được coi là thứ yếu trong chương trình hiện đại của ông Đặng Tiểu Bình, đứng đầu là chủ trương "Cải Cách và Cởi Mở" (Gaige Kaifang = Reforms and Openness). Dưới sự lãnh đạo của ông, các cải cách về xã hội, chính trị và kinh tế đã được thực hiện rất đáng kể. Mục tiêu của các cải cách này được tóm tắt bằng tiêu đề "Bốn Hiện Đại" (the Four Modernizations) gồm các thay đổi về nông nghiệp, kỹ nghệ, khoa học-kỹ thuật và quân sự.
Trung Cộng từ nay chủ trương nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (the socialist market economy) và nhiệm vụ của đảng Cộng Sản là thực thi xã hội chủ nghĩa với các đặc tính Trung Hoa. Như vậy vai trò của "ý thức hệ" bị giảm đi trong việc quyết định chính sách và phải đặt nặng sự hiệu quả. Ông Đặng Tiểu Bình còn nhấn mạnh rằng "xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là chia đều cảnh nghèo khó" (socialism does not mean shared poverty) và đặt kế hoạch (planning) cùng với các lực lượng thị trường là hai cách kiểm soát hoạt động kinh tế (Planning and market forces are both ways of controlling economic activity).
Không giống như Hoa Quốc Phong, Đặng Tiểu Bình tin rằng một chính sách không nên bị loại bỏ ngay bởi vì nó không liên hệ tới Mao Trạch Đông, và không giống như các nhà lãnh đạo bảo thủ, chẳng hạn như ông Trần Vân (Chen Yun), ông Đặng Tiểu Bình không phản đối các chính sách tương tự như được tìm thấy ở các nước tư bản.
Mặc dù Đặng Tiểu Bình đã cung cấp các nền móng lý thuyết và đã yểm trợ chính trị cho công cuộc cải tổ kinh tế, các nhà sử học cho rằng không phải những sáng kiến này bắt đầu từ ông, bởi vì chính Thủ Tướng Chu Ân Lai đã chủ trương Bốn Hiện Đại nhiều năm về trước, và nhiều cải cách đã được các địa phương bắt đầu mà không bị trung ương cấm đoán. Nếu những cải tiến này thành công và hứa hẹn nhiều kết quả, thì chúng sẽ được nhiều nơi áp dụng và cuối cùng được chấp nhận trên toàn quốc. Những cải tiến này của Trung Cộng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do vài quốc gia được gọi là các "Con Cọp của châu Á" (the East Asian Tigers).
Như vậy đã có sự tương phản lớn giữa các cải cách của nước Nga do ông Mikhail Gorbachev so với các thay đổi của Trung Cộng, bởi vì phương pháp Perestroika do ông Gorbachev chỉ thị từ trung ương đưa xuống các địa phương, còn các cải cách của ông Đặng Tiểu Bình là các thay đổi từ dưới đi lên.
Đặng Tiểu Bình còn duy trì một đường lối của Mao là đặt nặng phần sản xuất nông nghiệp nhưng ông chủ trương phân quyền và cho phép các gia đình nông dân nhỏ được quyền kiếm ra các lợi tức phụ bằng cách bán ra thị trường các sản phẩm từ miếng đất tư nhỏ mọn.
Các cải cách của ông Đặng Tiểu Bình đã chuyển chính sách phát triển về phía nền kỹ nghệ nhẹ và chú trọng tới xuất cảng. Trái ngược với Mao Trạch Đông chủ trương tự túc kinh tế (policy of economic self-reliance), nước Trung Hoa vào thời kỳ này đã nhập cảng các máy móc tối tân từ Nhật Bản và các quốc gia phương tây nhờ vậy từ nay, Trung Cộng đã có được các vốn ngoại tệ, các thị trường, các kỹ thuật tiến bộ và các kinh nghiệm về quản trị, tất cả đã làm cho đà phát triển kinh tế tăng nhanh.
Ông Đặng Tiểu Bình cũng lôi kéo các công ty ngoại quốc đầu tư vào các đặc khu kinh tế (Special Economic Zones). Đây là những nơi khuyến khích công cuộc đầu tư ngoại quốc và tự do hóa thị trường.
Những cải tiến kể trên đã làm tốt hơn năng suất lao động, và hệ thống tiền thưởng phụ được áp dụng, như vậy hệ thống kinh tế đã quan tâm tới các nhà kinh doanh tư, và thị trường được căn cứ vào mậu dịch và giá cả, hơn là do hoạch định từ trung ương.
5/ Đàn áp các sinh viên biểu tình tại Quảng Trường Thiên An Môn.
Sau cuộc viếng thăm chính thức nước Trung Hoa vào giữa tháng 4 năm 1989 của Chủ Tịch Đảng Cộng Sản Liên Xô là ông Mikhail Gorbachev, và sau cái chết của cựu Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), các sinh viên Trung Hoa đã biểu tình để đòi hỏi một số tự do dân chủ cơ bản. Ông Hồ Diệu Bang được mọi người coi là một nhân vật có đầu óc tiến bộ, muốn mang lại cho đất nước Trung Hoa một vài cải tiến và ông đã bị ông Đặng Tiểu Bình bắt buộc phải từ chức. Đối với nhiều người trí thức và với đa số dân chúng Trung Hoa, đây là một cách đối xử không công bằng.
Trong 7 tuần lễ mùa Xuân năm 1989, các sinh viên Trung Quốc đã chiếm Quảng Trường Thiên An Môn của thành phố Bắc Kinh. Họ đã biểu tình và trưng ra các biểu ngữ, đòi hỏi một đời sống tốt đẹp hơn, một nền dân chủ, một sự thay đổi, một cuộc cải tổ. Họ đã làm ra bằng bìa cứng và thạch cao trắng bức tượng “Nữ Thần Dân Chủ” trông giống như bức tượng Nữ Thần Tự Do và các bảng chữ của họ đã mang câu nói rập khuôn theo câu của Patrick Henry: “Cho tôi Dân Chủ hay cho tôi Chết". Sinh viên Trung Quốc đã hô lớn tên của luật sư Martin Luther King, nhà tranh đấu cho dân quyền người Mỹ.
Cuộc nổi dậy của sinh viên Trung Quốc tại Quảng Trường Thiên An Môn năm 1989 là mối đe dọa lớn lao nhất cho tới lúc này mà chính quyền Trung Cộng đã gặp phải. Chính quyền Cộng Sản này có thể dập tắt ngay các phản đối, các biểu tình nhưng vì lo sợ thể hiện cảnh tàn ác trước các máy truyền hình của thế giới, nhà cầm quyền Trung Cộng đã dần dần kiểm soát và cắt đứt mọi liên lạc truyền tin và truyền hình từ các địa phương Bắc Kinh và Thượng Hải với thế giới bên ngoài, cũng như vây bắt và trừng trị những sinh viên nào xuất hiện trước các máy thu hình ngoại quốc.
Ngày 20 tháng 5 năm 1989, chính quyền Trung Cộng công bố lệnh thiết quân luật nhưng cuộc biểu tình của các sinh viên vẫn tiếp tục. Các nhà lãnh đạo của Trung Cộng đã bàn thảo với nhau và họ đã quyết định dùng lực lượng quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng. Rồi trong đêm 4 tháng 6 năm đó, do chắc chắn rằng mọi truyền hình vệ tinh đã bị gián đoạn hẳn, các xe thiết giáp của lộ quân 27 và 28 của quân đội Trung Cộng được phái tới để đối đầu với các sinh viên trên đường phố Bắc Kinh và chính quyền đã thẳng tay đàn áp các sinh viên một cách đẫm máu bằng các chiến xa và lưỡi lê. Chính quyền Trung Cộng đã cố gắng che đậy cuộc tàn sát các sinh viên tại Thiên An Môn, cố gắng không cho các dân tộc khác trên thế giới nhìn thấy sự thực.
Kết quả của số tử vong của phía dân sự, theo sự ước đoán của tờ báo The New York Times, là từ 400 tới 800 người, còn Cơ Quan Hồng Thập Tự Trung Hoa (Chinese Red Cross) tin rằng có tới 2,600 nạn nhân. Các sinh viên phản đối cho biết hơn 7,000 người đã bị giết chết.
Sau biến cố bạo lực này, chính quyền Trung Cộng đã lùng bắt một cách quy mô các người ủng hộ phong trào đòi dân chủ, đã giới hạn các nhà báo nước ngoài và kiểm duyệt tất cả các báo chí trong nước.
Sự đàn áp tàn bạo của chính quyền Trung Cộng đối với các sinh viên và dân chúng tại Quảng Trường Thiên An Môn đã bị toàn thể thế giới lên án. Các lãnh tụ chủ trương cứng rắn, trong đó có ông Đặng Tiểu Bình và đặc biệt là ông Lý Bằng (Li Peng) đã bị quy trách nhiệm vì bạo lực này. Các chỉ trích đã tố cáo ông Đặng Tiểu Bình đã dập tắt mọi dấu hiệu của tự do chính trị trong nước Trung Hoa.
Các liên hệ của Đặng Tiểu Bình vào biến cố kể trên chứng tỏ rằng ông vẫn còn nắm giữ một số quyền hành độc tài, dù cho Đặng Tiểu Bình cố biện hộ rằng công việc dẹp tan các phản đối là để duy trì nền an toàn xã hội và vì các tiến bộ kinh tế.
Cho tới nay, người ta không biết rõ sự liên quan của Đặng Tiểu Bình vào công việc đàn áp kể trên tới mức độ nào và hoàn cảnh đã được đối phó ra sao. Theo tác giả Richard Evan trong cuốn sách "Đặng Tiểu Bình và công cuộc tạo nên nước Trung Hoa Hiện Đại" (Deng Xiaoping and the Making of Modern China) thì sau biến cố Thiên An Môn:
- Ông Đặng Tiểu Bình trong một bài diễn văn, đã ca ngợi các lực lượng an ninh có người bị chết và coi họ là những anh hùng, và ông không hề nói gì về cách thi hành mệnh lệnh,
- Ông Đặng Tiểu Bình đã cho gọi Lý Bằng và Dương Thượng Côn (Yang Shangkun), chê trách những ông này đã thi hành công tác một cách cẩu thả và gây kinh hoàng,
- Ông Lý Bằng là người ra lệnh thiết quân luật, đã không được chọn lựa thay thế ông Triệu Tử Dương, mà chức vụ Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Hoa được giao cho ông Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), nguyên bí thư đảng và thị trưởng của thành phố Thượng Hải.
6/ Từ chức và đi thanh tra các tỉnh phía nam.
Vào tháng 11 năm 1989, ông Đặng Tiểu Bình chính thức về hưu khi không còn làm Chủ Tịch của Quân Ủy Trung Ương (Chairman of the Central Military Commissions) rồi rút lui khỏi hoạt trường chính trị vào năm 1992 và chỉ định ông Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) là người kế nghiệp. Tuy nhiên, ông vẫn được coi là nhà lãnh đạo tối cao và người ta vẫn tin rằng ông vẫn kiểm soát nước Trung Hoa từ phía sau. Nước Trung Hoa vẫn còn ở vào "thời đại của Đặng Tiểu Bình" (the era of Deng Xiaoping).
Ông Đặng Tiểu Bình là "kiến trúc sư chính của các cải cách kinh tế và các hiện đại hóa xã hội của Trung Hoa". Đối với Đảng Cộng Sản, ông đã về hưu để làm gương cho các nhà cách mạng già nua khác, họ đã giữ các chức vụ cho tới mãn đời và từ chối rút lui ở tuổi quá cao. Ông Đặng Tiểu Bình cũng không ưa thích các danh xưng ca tụng, mà chỉ muốn được gọi tên một cách đơn giản là "Đồng Chí Tiểu Bình" (Comrade Xiaoping).
Kể từ cuộc phản đối của các sinh viên tại Quảng Trường Thiên An Môn vào năm 1989, các quyền lực của Đặng Tiểu Bình đã bị giảm đi bởi một số người chống đối các cải tổ bên trong Đảng Cộng Sản của ông. Để xét lại các thành quả kinh tế, vào mùa xuân năm 1992, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện một chuyến đi thăm các tỉnh phía nam, gồm Quảng Châu (Guangzhou), Thâm Chấn (Shenzhen), Châu Hải (Zhuhai) và ăn Tết tại Thượng Hải (Shanghai). Trong chuyến du hành này, ông đã diễn thuyết, nhấn mạnh về cấu trúc kinh tế của nước Trung Hoa và chỉ trích các người chống đối các cải tiến cởi mở.
Chính sách cởi mở kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình đã khiến cho Vùng Tam Giác Vàng (the Golden Triangle region) bao quanh thành phố Thượng Hải đã phát triển rực rỡ, điều này đã làm gia tăng sự khác biệt giàu nghèo giữa các miền ven biển và các vùng đất ở sâu trong nội địa.
7/ Đặng Tiểu Bình qua đời.
Ông Đặng Tiểu Bình có 3 đời vợ. Người vợ thứ nhất tên là Trương Tây Viên (Zhang Xiyuan), một người bạn cùng học tại Moscow, qua đời khi 24 tuổi, vài ngày sau khi sinh người con gái thứ nhất của ông Đặng, và đứa bé này cũng chết yểu. Người vợ thứ hai tên là Tấn Vệ Anh (Jin Weiying) đã bỏ ông Đặng mà ra đi sau khi ông bị thanh trừng chính trị vào năm 1933. Trác Lâm (Zhuo Lin) là người vợ thứ ba, là con gái của một kỹ nghệ gia thuộc tỉnh Vân Nam. Bà này trở nên đảng viên Cộng Sản vào năm 1938 rồi một năm sau, đã lập gia đình với ông Đặng Tiểu Bình trong một hang trú ẩn tại Diên An, trước mặt Mao Trach Đông. Họ có 5 người con, 3 con gái tên là Đặng Lâm (Deng Lin), Đặng Nam (Deng Nan) và Đặng Dung (Deng Rong) và 2 con trai là Đặng Phổ Phương (Deng Pufang) và Đặng Trí Phương (Deng Zhifang).
Ông Đặng Tiểu Bình qua đời vào ngày 19 tháng 2 năm 1997, ở tuổi 92 vì bệnh Parkinson và bệnh phổi. Theo thông cáo chính thức, ông Đặng Tiểu Bình được ca tụng là "nhà Mác Xít lớn, nhà Cách Mạng Vô Sản lớn, nhà chính trị, nhà chiến lược quân sự, nhà ngoại giao, một trong các nhà lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Hoa và của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, đồng thời cũng là nhà kiến trúc lớn của nước Trung Hoa, lo việc xây dựng xã hội cởi mở và hiện đại, và cuối cùng, nhà sáng lập ra "lý thuyết Đặng Tiểu Bình".
Trái với đám quốc táng của Mao Trạch Đông được quảng cáo rầm rộ và bắt buộc dân chúng toàn quốc phải để tang và phải tỏ lòng u buồn, trái với cách xưng tụng của Mao Trạch Đông là "Lãnh Tụ vĩ đại và Bậc Thầy vĩ đại" (the Great Leader and Teacher), ông Đặng Tiểu Bình chỉ được giới truyền thông Trung Cộng gọi đơn giản là "Đồng Chí", và Thủ Tướng Trung Cộng Lý Bằng đã kêu gọi toàn quốc cùng đứng yên lặng tưởng niệm ông Đặng Tiểu Bình trong 3 phút vào 10 giờ sáng ngày 24/2/1997. Vào ngày này, lá cờ Trung Cộng được kéo lên nửa cột và đài truyền hình chiếu cảnh tang lễ đơn giản, tham dự có gia đình và một số nhà lãnh đạo. Sau đám tang, thi hài của ông Đặng Tiểu Bình được hỏa táng và tro tàn được trải xuống biển theo như lời ước mong của chính ông. Điều này trái ngược với Mao và Hồ, là các kẻ cầm quyền đã muốn được ướp xác và xây lăng để bắt buộc dân chúng phải khóc lóc và ca tụng.
Trái với hoạt cảnh lúc Mao chết, dân chúng Trung Cộng đã phải khóc lóc, than van ngoài đường phố, cái tang của ông Đặng Tiểu Bình rất yên lặng, thị trường chứng khoán không thay đổi, các cửa tiệm không phải đóng cửa, không một người dân nào phải đeo băng tang ở tay áo và một năm sau, 1992, người dân Trung Cộng mới hát bài "Câu chuyện của Mùa Xuân" (Story of the Spring) do Đông Văn Hoa (Dong Wenhua) sáng tác với ý định đề cao danh dự của ông Đặng Tiểu Bình.
Nhân dịp đám tang này, ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã nói rằng ông Đặng Tiểu Bình được ghi nhớ vì là "kiến trúc sư của cách hiện đại và phát triển kinh tế rất nhanh" của Trung Hoa. Tổng Thống Pháp Jacques Chirac cũng phát biểu rằng "Trong thế kỷ này, có rất ít người như ông Đặng Tiểu Bình đã dẫn dắt một cộng đồng nhân loại rộng lớn tới các cách thay đổi sâu rộng và quyết định". Thủ Tướng của nước Anh là ông John Major cũng ca ngợi ông Đặng Tiểu Bình là một nhân vật chính yếu trong công việc người Anh trao trả khu vực Hồng Kông lại cho người Trung Hoa, còn Thủ Tướng Canada, ông Jean Chretian, đã gọi ông Đặng Tiểu Bình là một nhân vật chủ chốt của Lịch Sử Trung Hoa. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng lên tiếng, tỏ lòng tưởng nhớ nhà lãnh đạo Trung Cộng này.
So sánh với các lãnh tụ của Trung Cộng trước kia, các tưởng niệm dành cho ông Đặng Tiểu Bình được giữ ở tầm mức thấp nhất, theo đúng tinh thần thực dụng của ông. Các hình ảnh của ông Đặng Tiểu Bình không hề được treo tại bất cứ nơi công cộng nào.
Ngày 14/11/2000, một bức tượng bằng đồng, cao 6 mét, đặt trên cái bệ 3,68 mét, tạc ông Đặng Tiểu Bình đang bước về phía trước một cách tự tin, được dựng lên trong Công Viên núi Liên Hoa (Lienhua Mountain Park) trong khu vực Thâm Chấn (Shenzhen) để ghi nhớ vai trò của ông Đặng Tiểu Bình là nhà kế hoạch lớn và đã đóng góp nhiều kể từ năm 1984 vào công tác phát triển Đặc Khu Kinh Tế Thâm Chấn (Shenzhen Special Economic Zone).
Cũng để tưởng nhớ ngày sinh thứ 100, một bức tượng bằng đồng khác của ông Đặng Tiểu Bình được dựng lên vào ngày 13/8/2004 tại Quảng An, là nơi sinh trưởng của ông. Bức tượng này mang hình ảnh ông Đặng Tiểu Bình mặc y phục bình thường, ngồi trên một chiếc ghế và mỉm cười.
8/ Các vụ mưu sát ông Đặng Tiểu Bình.
Theo các tài liệu được giải mật sau khi ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền tại Trung Cộng, thì ông Đặng Tiểu Bình là lãnh tụ gặp phải nhiều vụ mưu sát nhất trong các năm từ thập niên 1960 tới thập niên 1980, phần lớn các vụ ám hại này đã không được điều tra tường tận và bắt nguồn từ các kẻ Mao-ít chống đối các cải cách mới.
1) 21/12/1969 là ngày ông Đặng Tiểu Bình bị lưu đầy trong một trường tiểu học bị bỏ trống thuộc huyện Tân Kiến (Xinjian) thuộc tỉnh Giang Tây (Jiangxi). Sáng ngày 23/12 năm đó, một nhóm Hồng Vệ Binh có súng máy, đã xả súng bắn vào một căn nhà trong trường vì chúng tưởng rằng Đặng Tiểu Bình cư ngụ bên trong. Các lính canh phòng của ngôi trường đã bắn trả lại, một số Hồng Vệ Binh bị chết. Vụ ám sát này được đổ lỗi cho Lâm Bưu nhưng vào đầu thập niên 1980, người ta xác nhận là Lâm Bưu không dính dáng tới vụ này. Cho tới nay, vụ mưu sát này vẫn chưa được giải đáp.
2) Ngày 21/2/1973, một máy bay Ilyushin II-14 được phái từ Bắc Kinh tới Giang Tây để đón ông Đặng Tiểu Bình trở về Bắc Kinh làm việc, nhưng cũng vào trong ngày này, một lệnh khẩn cấp bảo ông Đặng Tiểu Bình dùng xe lửa, với sự bảo vệ của viên chỉ huy đạo quân địa phương. Chiếc máy bay kể trên khi trở về, đã phát nổ trên không phận tỉnh An Huy (Anhui) và người ta đã kể lại rằng việc thay đổi chương trình là do ông Chu Ân Lai, để che chở ông Đặng Tiểu Bình. Vụ mưu sát này vẫn bị chìm xuồng.
3) Vào tháng 9 năm 1975, khi Đặng Tiểu Bình cùng với Hoa Quốc Phong và Giang Thanh tới Sơn Tây (Shanxi), trong một buổi chiều, khi ông đi dạo thường ngày, một bóng người đã nổ súng, nhắm vào ông nhưng không trúng. Các cận vệ đã bắn trả lại và thủ phạm cũng không bị thương. Sau đó, hung thủ không bị bắt và vụ này không được giải quyết.
4) Vào tháng 4 năm 1976, Đặng Tiểu Bình lại bị hạ tầng công tác và phải cư ngụ trong một căn phòng trên lầu 1 của tòa nhà số 5 thuộc ngoại ô của thành phố Bắc Kinh. Căn phòng này đã bốc lửa và người ta cho biết lý do vì bị chạm điện. Đây cũng là một vụ mưu sát bởi vì Đặng Tiểu Bình đã được các lính bảo vệ của Tướng Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) mời đi nghiên cứu một số tài liệu của Mao, nhờ vậy ông đã không ở trong căn phòng lúc bị hỏa hoạn.
5) Qua tháng 7 năm 1976, ông Đặng Tiểu Bình nhận được lệnh phải tới Thành Đức (Chengde), thuộc tỉnh Hà Bắc (Hebei) để tránh các ngày nóng bức nhưng ông đã khước từ với lý do phải đi khám bệnh hàng năm. Khi chiếc xe chế tạo tại Nhật Bản được phái tới để đón ông trở về Bộ Quốc Phòng, trục trước của chiếc xe này đã bị gẫy bất ngờ và trong tai nạn này, không ai sống sót.
6) Vào tháng 3 năm 1980 khi Đặng Tiểu Bình đi thanh tra quân đội tại miền Tế Nam (Jinan) và lúc trở về phòng hội họp, một tên lính đã hô to "Đả đảo tên tư bản Đặng Tiểu Bình" đồng thời nổ súng, bắn vào người ông. Nhờ các nhân viên bảo vệ nhanh tay, ông không bị thương và sát thủ đã bị bắt. Đây là một tên Mao-ít và người ta tin rằng hắn không hành động một cách đơn độc.
7) Trong tháng 2 năm 1988, các ông Đặng Tiểu Bình, Trần Vân (Chen Yun) và Dương Thượng Côn (Yan Shankun) đi Thượng Hải để ăn Tết và cư ngụ trong khách sạn Western Suburb. Bốn kẻ võ trang súng hãm thanh, chất phát nổ và chất phát lửa đã tìm cách lọt vào bên trong khách sạn. Lính gác đã đụng độ với 4 tên này và kết quả là 3 tên bị giết, 1 tên bị bắt. Theo thông cáo chính thức thì các tên Mao-ít này đã hành động đơn độc, đây là điều mà nhiều người không tin.
9/ Kết Luận.
Đặng Tiểu Bình là một trong các nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử cận đại của nước Trung Hoa. Ông đã đưa nước Trung Hoa vào một thời đại mới, với các phương pháp cải cách kinh tế và các biện pháp của ông hoàn toàn khác biệt với các đường lối, chính sách cực đoan của Mao Trạch Đông.
Đặng Tiểu Bình là một nhà lãnh đạo Cộng Sản với tinh thần thực dụng, chỉ cho phép nhân dân Trung Hoa được tự do phát triển kinh tế, nhưng không hề cho họ được hưởng các tự do dân chủ khác. Ông đã từ chối mọi yêu cầu của các sinh viên biểu tình đòi dân chủ và đã đàn áp họ một cách rất tàn ác. Theo ý nghĩa sau này, nhiều người đã gọi ông là "Vị Hoàng Đế cuối cùng" (the last emperor) của nước Trung Hoa.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia. Org., Britannica Encyclopedia, The New Emperors by Harrison E. Salisbury, Little, Brown & Co., Boston 1992. The Gate of Heavenly Peace by Jonathan D. Spence, The Viking Press, NY 1981.
Đọc thêm:
https://en.wikipedia.org/wiki/Deng_Xiaoping
Tiananmen Square protests of 1989
https://en.wikipedia.org/wiki/Tiananmen_Square_protests_of_1989
The Bitter Legacy of the 1979 China-Vietnam War
https://thediplomat.com/2017/02/the-bitter-legacy-of-the-1979-china-vietnam-war/