Tuesday, 31 July 2018

Đ Ầ Y , Đ Ủ v à Đ Ầ Y Đ Ủ L À M Ộ T ? - Trần Trung Chính


Ngày 8 tháng 7 năm 2018, tôi đến Câu Lạc Bộ Bốn Phương ở đường số 2 nd thành phố San José để tham dự Buổi Lễ Chiêu Niệm nhà văn quá cố Trần Nhu  (nhà văn Trần Nhu đã qua đời được đúng 01 năm, hưởng thọ 80 tuổi). Ban Tổ Chức Buổi Lễ Chiêu Niệm cũng cho ra mắt quyển sách biên khảo cuối cùng của nhà văn Trần Nhu, đó là quyển sách  NHÀ TRẦN TRONG LỊCH SỬ VIỆT.

Ghi chú của người viết : nhà văn Trần Nhu còn là nhà biên khảo về Lịch Sử Việt Nam, khi hoàn tất tác phẩm cuối cùng, ông đã rất yếu  vì bị bệnh nan y đã lâu ngày, ông trối trăn và ủy thác cho những người bạn văn chương để in ra  sách và tiền bán sách sẽ  bỏ vào quỹ để giúp đỡ các người còn đang sinh sống ở Việt Nam đang theo đuổi con đường “tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ” .

Vì tác giả quyển sách đã qua đời nên Ban Tổ Chức đã mời nhà văn Phạm Trần Anh – cư ngụ ở miền Nam California – làm diễn giả trong buổi ra mắt sách này. Tuy nhiên, nhà văn Phạm Trần Anh không dùng phi cơ từ Nam Cali bay lên San José, mà ông dùng xe buýt của hãng Xe Đò Hoàng : vì vậy giờ chiều mà vẫn chưa thấy diễn giả xuất hiện. (tình trạng nhà văn Phạm Trần Anh xảy ra đúng như lời tiên tri của nhà văn Nhã Ca cách nay nhiều năm, đó là Nhà Văn + Nhà Báo = Nhà Nghèo).

Để bù lắp vào khoảng trống thời gian chờ đợi diễn giả Phạm Trần Anh, cá nhân người viết đã xin phép Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Dũng (một thành viên trong Ban Tổ Chức) lên phát biểu 2 vấn đề :

1. Sự việc cách nay khoảng hơn 20 năm khi nhà văn Trần Nhu công khai bênh vực  nhà thơ Nguyễn Chí Thiện vào lúc nhà văn Nguyễn Chí Thiện bị một số nhân vật cư ngụ tại miền Nam Cali đặt nghi vấn về tác giả của tập thơ HOA ĐỊA NGỤC.

2. Sau khi đọc xong quyển sách cuối cùng của nhà văn Trần Nhu biên soạn về LỊCH SỬ NHÀ TRẦN…tôi nhận thấy tác giả còn chưa đưa ra hết những nét đặc biệt của NHÀ TRẦN, theo nhận xét riêng của người viết, những dữ kiện trình bầy trong quyển sách chỉ là “hiện tượng”, thiếu hẳn phần được gọi là “bản chất”  của “hiện tượng”.

Về nhà thơ NGUYỄN CHÍ THIỆN, khoảng những năm 1993 -1996, một số nhân vật có tiếng tăm ở miền Nam Cali như bác sĩ Trần Ngọc Ninh, như bà Hoàng  Dược Thảo…cho rằng tác giả của tập thơ HOA ĐỊA NGỤC là ông Lý Đông A sáng tác trong tù, ông Nguyễn Chí Thiện chỉ là người đồng tù với ông Lý Đông A học thuộc lòng thơ của Lý Đông A rồi vơ vào nhận là thơ của mình ! ?  Câu chuyện hư thực ra sao, người viết xin trình bày những gì mà người viết biết đến  nhà thơ Nguyễn Chí Thiện như sau :

Lần thứ nhất, tôi bị Việt Cộng bắt đi tù “cải tạo” tại trại tù Kinh 5 Chương Thiện, ra tù ngày 14 tháng 2 năm 1977 trở về Sài Gòn sống với gia đình .

Khoảng tháng  5 / 1977, trong khi nghe chương trình Việt Ngữ của đài BBC vào lúc 7:30 giờ tối, tôi được nghe và biết đến tên Nguyễn Chí Thiện qua bản tin là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện một mình xông vào Tòa Đại Sứ Anh Quốc tại Hà Nội đòi gặp mặt Đệ Tam Tham Vụ của Tòa Đại Sứ. Khởi đầu nhân viên người Việt làm việc trong Tòa Đại Sứ không cho, mặt khác một số công an gác bên ngoài Tòa Đại Sứ chạy vào định lôi kéo người đàn ông  ra khỏi văn phòng…Thấy ồn ào to tiếng, viên Đệ Tam Tham Vụ bước ra thì người đàn ông đến trước mặt ông ta rút trong người ra một sấp giấy rồi nói bằng tiếng Pháp đại ý là nhờ viên Đệ Tam Tham Vụ đem tập thơ này về London cho Ban Việt Ngữ phổ biến. Người đàn ông này xưng danh là Nguyễn Chí Thiện và tập thơ có tên là HOA ĐỊA NGỤC. Sau khi viên Đệ Tam Tham Vụ cầm tập thơ, người đàn ông quay trở ra bên ngoài và bị công an bắt giữ ngay trước mắt viên Đệ Tam Tham Vụ của Tòa Đại Sứ Anh tại Hà Nội và địa điểm người đàn ông bị bắt vẫn còn nằm trong khuôn viên của Tòa Đại Sứ.

Tập thơ đã được đem về London như một văn kiện ngoại giao (không bị khám xét) rồi được Ban Việt Ngữ cho phổ biến trên làn sóng của đài BBC quốc tế, tôi còn nhớ Trưởng Ban Việt Ngữ thời bấy giờ là bà Judy Stow. Năm 1989 từ trại tỵ nạn Thái Lan tôi  vào California định cư vùng Los Angeles  County thì chỉ nghe tập thơ được in lại dưới tên TIẾNG VỌNG TỪ ĐÁY VỰC với tác giả Vô Danh.
Cùng với đợt định cư của các tù nhân chính trị thuộc chương trình Ra Đi Có Trật Tự (thường được gọi là H.O.), ông Nguyễn Chí Thiện được chính phủ Mỹ can thiệp và ông đến Mỹ khoảng 1995 – 1996, ban đầu ông đến địa chí của cựu Thiếu Tá Nguyễn Công Giân là anh ruột của ông di cư vào Nam từ năm 1954. Cựu Thiếu Tá Nguyễn Công Giân là bạn đồng tù của cựu Thiếu Tá Võ Văn Sỹ ở San José, cho nên luận điệu của phe chống ông Nguyễn Chí Thiện cho rằng ông là điệp viên của Việt Cộng được gài qua Mỹ là điều không hợp lý.

Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu nguyên dân biểu đơn vị Long Xuyên, cựu Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Định Chế của Hạ Nghị Viện / VNCH đã đến thăm ông Nguyễn Chí Thiện và xác định một đôi điều:

A) Ông Nguyễn Chí Thiện không ở tù chung với ông Lý Đông A và cũng chưa hề tiếp xúc với lãnh tụ Lý Đông A, vì ông Lý Đông A bị Việt Minh hạ sát từ 1946 và không một ai biết mộ phần của nhà cách mạng – sáng lập DUY DÂN QUỐC DÂN ĐẢNG. Người đồng chí thân thiết nhất của lãnh tụ Lý Đông A là Luật Sư Nghiêm Xuân Hồng xác nhận không còn nghe bất cứ tin tức nào của ông  Lý Đông A từ đêm Tự Vệ Thành giao chiến với quân đội Pháp tại Hà Nội vào tháng 12/1946. Do đó luận cứ nói rằng ông Nguyễn Chí Thiện “cuỗm thơ” của lãnh tụ Lý Đông A là hoàn toàn láo lếu.

B) Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu cũng làm thơ trong tù và ông cũng xuất bản thơ của ông bằng 2 ngôn ngữ Việt – Anh, phần tiếng Anh chính ông tự dịch và có sự sửa chữa của vị giáo sư trưởng bộ môn Writing English của trường đại học Redland – Nam California. Luật sư Nguyễn Hữu Hiệu cho hay nếu không phải do thơ của chính mình làm thì không ai có thể kể lại rành mạch nhiều bài thơ đã sáng tác từ hơn 25 năm trước.

C) Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu cũng cho rằng thái độ của bà Hoàng Dược Thảo là “xấc xược” và “vô phép” khi bà đòi hỏi ông Nguyên Chí Thiện đến gặp bà để “khảo sát tiếng Pháp” (vì bà Hoàng Dược Thảo học trường Pháp). Ông Nguyễn Chí Thiện nói tiếng Pháp (dĩ nhiên không phải là giọng parisien) đủ để viên Đệ Tam Tham Vụ hiểu điều ông muốn nhờ vả; ông Nguyễn  Chí Thiện đâu có apply làm giáo sư dạy Pháp Văn nên thách thức ông Thiện để bà khảo sát tiếng Pháp là không cần thiết (nếu không muốn nói là kệch cỡm và “tự phụ “ quá đáng).
D) Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu biết rõ ai đã “chủ mưu” chiến dịch bôi lọ ông Nguyễn Chí Thiện. ông tiết lộ cho tôi biết, đó là “thằng Lê Tư Vinh”. Tôi không biết một tí gì về nhân vật này, nên hỏi lại là ông Lê Tư Vinh bao nhiêu tuổi mà anh gọi là “thằng”. Luật sư Nguyễn Hữu Hiệu nói “nó“ lớn tuổi hơn tôi (Năm sinh của Luật Sư Hiệu là năm 1939), trước 1975 là thương gia có tiền có bạc, muốn tham gia vào chính trường VNCH nhưng “bất tài” và “đạo đức kém” nên bị Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu “mắng mỏ” và “coi khinh” từ trước 1975 !

E) Lần này hắn ta dùng tập thơ của Nguyễn Chí Thiện để đánh bóng ông Lý Đông A thì ít mà mục đích chính là để đánh bóng cá nhân Lê Tư Vinh nhiều hơn (có uy lực sai khiến được một số nhân vật có tiếng tăm trong Cộng Đồng VNHN). Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu còn nghi ngờ rằng Lê Tư Vinh và đồng bọn”tung tin giả” (fake news) để khỏi bị trả tiền bản quyền của tập thơ HOA ĐỊA NGỤC từ 1980 đến 1995 cho tác giả Nguyễn Chí Thiện.

Bây giờ (2018), Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, nhà văn Trần Nhu đều đã qua đời : mọi thị phi dính dáng đến 3 ông xin để nhân gian của tinh cầu này thẩm định. Khi còn sống , cả 3 ông đều nghèo và hoàn cảnh gia đình riêng của mỗi người đều có nhiều bi thương , nhưng khi qua đời cả 3 ông đều để lại những di sản văn hóa đóng góp vào sự trường tồn của ngôn ngữ Việt.
Tôi mới nói được 2 phút về quyển sách NHÀ TRẦN TRONG LỊCH SỬ VIỆT thì diễn giả Phạm Trần Anh bước vào phòng hội, cho nên Ban Tổ Chức muốn chuyển microphone cho diễn giả chính. Vì đến trễ nên chính diễn giả cũng không có thời giờ trình bày hết những điều ông đã soạn sẵn (ông chỉ nêu những nét chính) để còn kịp trở lại miền Nam Cali cùng ngày chủ nhật.

Tiễn đưa diễn giả ra cửa, tôi nhận thấy nhà văn Diệu Tần, cụ Trương Đình Sửu (hội trưởng Hội Cao Niên), nhà văn Chu Tấn, vợ chồng Bác Sĩ Võ Tá Đồng, vợ chồng nhà báo Nguyên Trung – Cao Ánh Nguyệt, nhà văn Ngọc Bích, nhiếp ảnh gia Trương Xuân Mẫn kiêm trưởng đoàn du ca Bắc Cali…(có một số nhân vật rất quen mặt mà tôi không biết đích xác  tên nên không liệt kê vào đây). Cá nhân người viết nói với diễn giả là “cả anh và tác giả Trần Nhu đều liệt kê đầy mà chưa đủ…” .Họa sĩ Lương Thị Lợi (phu nhân của bác sĩ Võ Tá Đồng) hỏi tôi : “Đầy mà chưa Đủ nghĩa là sao vậy anh ?”

Tôi mới kể vài điều mà sách và diễn giả không có nêu ra, anh Chu Tấn mới nói : “thôi, ông làm ơn viết một bài đàng hoàng để mọi người đọc và thưởng thức, chứ chỉ nói tại đây thì mọi người ra về, ngủ một giấc qua đêm tới sáng ngày hôm sau thì e rằng quên hết mọi điều của ông nói”.

Bài viết này thể theo lời yêu cầu của anh Chu Tấn đồng thời cũng để giải đáp phần nào nhiều thắc mắc mà người Việt Nam  đã hãnh diện về thành tích của Tổ Tiên người Việt mình,đó là quân Mông Cổ đã thắng mọi quốc gia, mọi dân tộc khác trên thế giới, duy nhất chỉ thua tại nước VN mà thua  tới 3 lần !

Trước hết ĐẦY là : 1/ Ở trạng thái có đến hết mức có thể chứa 2/ Ở trạng thái có nhiều và khắp cả 3/ Ở trạng thái có thể tích tối đa…như vậy đại lượng “Đầy” cũng có thể hiểu là số lượng hay vật chứa (container)

ĐỦ là 1/ Có số lượng hoặc mức độ đáp ứng được yêu cầu, không ít hơn, cũng không nhiều hơn.

            2/ Có tất cả trong phạm vi có thể có, không thiếu.

Thói thường, người đời thường cho rằng ĐẦY nghiêng về phần số lượng, trong khi ĐỦ nghiêng về phần phẩm chất. Thí dụ : trong trại tù cải tạo, bọn cai tù Việt Cộng cho tù nhân ăn nhiều sắn khoai, bắp,lúa mạch,bo bo,rau muống luộc (nhiều glucides)…nhưng thiếu protides, lipides, đường, sữa và vitamines.
Những liệt kê sau đây là những điều mà người viết cho là chưa ĐỦ :

Điều thứ nhất : Người sáng lập ra nhà TRẦN thì không làm vua, đó là Trần Thủ Độ -ông chỉ làm Thái Sư Tể Tướng trong vòng 40 năm từ 1224 đến 1264.

Điều thứ hai : vị vua đầu tiên của nhà Trần không có đế hiệu là Thái Tổ ( thí dụ như  Lý Công Uẩn khi lên ngôi đặt đế hiệu là Lý Thái Tổ). Vị vua đầu tiên của nhà Trần là Trần Cảnh được vợ là hoàng đế Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi (khi Chiêu Hoàng 8 tuổi) , khi Trần Cảnh lên ngôi đặt đế hiệu là Trần Thái Tông.

Điều thứ ba : nhà Trần có qui chế Thái Thượng Hoàng, sách vở ghi : năm 1258 Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Thái Tử Hoảng về làm Thái Thượng Hoàng (13 năm sau mới qua đời, thọ 60 tuổi). Ai đặt ra qui chế Thái Thượng Hoàng ? Theo ý kiến của người viết, chính người khai sáng nhà Trần là Trần Thủ Độ đặt ra qui chế này vì Thái Thượng Hoàng thực sự đầu tiên của nhà Trần là Trần Thủ Độ (Trần Thái Tông làm Thái Thượng Hoàng vào năm 1258, nhưng mãi tới năm 1264-  Trân Thủ Độ mới qua đời).

Điều thứ tư : trong họ hàng nhà Trần, anh em họ lấy lẫn nhau với mục đích là có người để giữ quyền bính (điều này không áp dụng bên ngoài dân gian nên không gây xáo trộn cho xã hội). Thí dụ : Trần Thủ Độ lấy chị họ (con ông bác ruột Trần Tự Khánh). Bà này là vợ của Lý Huệ Tông sinh ra Thuận Thiên Công Chúa và Hoàng Đế Lý Chiêu Hoàng với mục đích là thực hiện âm mưu chuyển giao quyền lực một cách êm thắm từ nhà Lý sang nhà Trần.

Thí dụ thứ hai : anh của Trần Tự Khánh là Trần Thừa có 2 con trai là Trần Liễu và Trần Cảnh, được Trần Thủ Độ sắp xếp cho lấy 2 chị em Thuận Thiên và Chiêu Hoàng (cả 4 người này đều ở lứa tuổi 10 -12), như vậy Trần Liễu và Trần Cảnh với Thuận Thiên và Chiêu Hoàng là anh em cô cậu.

Thí dụ thứ ba : vì không có con trai nên Chiêu Hoàng bị Trần Thủ Độ giáng xuống làm Công Chúa khi mới 19 tuổi, rồi đem gả cho tướng Lê Phụ Trần, 2 người con gái của Chiêu Hoàng và Trần Cảnh sau này một người được gả cho Trần Quốc Tuấn, như vậy Trần Quốc Tuấn và bà vợ (tôi không biết tên) là 2 anh em chú bác.

Về chuyện đánh thắng quân Mông Cổ, nhận xét của nhà văn Trần Nhu có thiên vị 3 vị vua nhà Trần là Thái Tông,  Thánh Tông và Nhân Tông , có lẽ vì 3 vị vua này đều là những Thiền Sư với những tác phẩm và phong cách sống về Thiền Học rất nổi tiếng. Trong lúc cuộc chiến đang diễn ra, cả 3 vị đều tỏ ra dũng cảm và dám quyết chiến với quân xâm lăng, tuy vậy đây chỉ là yếu tố cần thiết nhưng chưa đủ để có thể quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi nước Việt.

Ông Ngô Đình Nhu trong tác phẩm CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM đã có nhận xét là trong thời Trung Cổ quân đội Mông Cổ đã tung hoành khắp Âu Á vì họ đã phát minh được một chiến cụ tuyệt vời, đó là cái yên ngựa. Trên yên ngựa, một chiến binh Mông Cổ chất chứa đủ vũ khí (gươm ,dao, cung, tên…), lương thực, nước uống,quần áo và vật dụng cá nhân. Đi đến đâu , họ chiếm lấy chiến lợi phẩm và lấy thêm nước uống, rồi lại đi tiếp tới mục tiêu kế tiếp, không cần phải “tiếp liệu” lôi  thôi…Quân Mông  Cổ tiến chiếm một phần lớn Âu Châu, nước Nga và trọn vẹn Trung Hoa tương đối dễ dàng vì điều kiện vật lý địa dư của những vùng đất mà họ đi qua gần giống với Mông Cổ, là những thảo nguyên đồng cỏ  thuận tiện cho vó ngựa tung hoành xông xáo dễ dàng.

Khi chiến tranh xẩy ra giữa 2 quốc gia, các binh gia và sử gia thường so sánh các yếu tố như là :

A/ Quân số

B/ Khả năng tác chiến

c/ Vũ khí sử dụng

D/ Khả năng vận chuyển

E/ Khả năng tiếp vận

F/Khả năng chỉ huy tham mưu  và điều động  các đại đơn vị của các tướng lãnh

Trần Thủ Độ là một chính trị gia đại tài của nước ta, tác giả Trần Nhu trong trang 111 và trang 117 đã nêu những đặc tính cai trị của ông khiến cho nước Việt Nam ta là quốc gia duy nhất trên đả bại quân Mông Cổ. Là một người nắm quyền lực tối cao của đất nước (trên cả các vị vua), ông biết nhìn người và tiến cử đề bạt những nhân tài nắm giữ những chức vụ quan trọng với tiêu chuẩn đặt quyền lợi của dân của nước trên hết, coi nhẹ tình cảm riêng tư.

Thái sư Trần Thủ Độ đã già, thường hay mời các tướng lãnh, các vương hầu sang phủ để bàn về binh pháp chiến lược, ông đặc biệt chú ý đến Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và ngỏ lời khen ngợi Hưng Đạo Vương về phương pháp “kẻ yếu chống lại kẻ mạnh” (Xem trang 118 và 119 sách Nhà Trần Trong Sử Việt). Người viết cho rằng trong lần xâm lăng đầu tiên vào năm 1258 mà cả Thái Sư Trần Thủ Độ, vua Trần Thái Tôn, tướng Lê Phụ Trần (thầy dạy của Trần Quốc Tuấn), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng tham gia chống quân Mông Cổ, Hưng Đạo Vương đã nhìn ra nhược điểm của kỵ binh cho nên đã trình bày suy nghĩ của ông là nên phát triển thủy quân để khắc chế quân Mông Cổ.

Trong vai trò Tể Tướng (Thủ Tướng chính phủ), Thái sư Trần Thủ Độ chấp thuận lấy ngân sách quốc phòng để thành lập. huấn luyên , đóng tàu…hầu chuẩn bị chiến tranh vệ quốc sau này. Chính ông đã căn dặn Trần Hưng Đạo (trích dẫn) …nước ta trên đường quân Mông Cổ nam tiến, trước sau gì cũng bị chúng xâm lăng. Chiến tranh chỉ có thể bị trì hoãn  chứ không thể nào bị tránh khỏi được.Công việc nặng nhọc khó khăn đó ngươi sẽ phải gánh vác. Ta suốt đời tận tụy lo toan cho đất nước, cho đế nghiệp của họ Trần, đã thống nhất và gìn giữ được đất nước. Kế nghiệp ta sau này là ngươi đó.Ta trông cậy ở ngươi, mong ngươi sẽ làm trọn được sứ mệnh đó” (Hết trích )    
     
Khi  Thoát Hoan thống lĩnh 50 vạn quân sang đánh nước ta, khả năng của nước ta chỉ có 20 vạn. Quân Mông Cổ cưỡi ngựa giỏi và xạ tiễn bằng cung tên. Quân nhà Trần chỉ là bộ binh và xạ tiễn bằng tên nỏ với số lượng nhiều gấp bội quân Nguyên (Hưng Đạo Vương có hơn 30 năm chuẩn bị chiến tranh nên cho người đi đốn tre về vót tên chất đầy trong các kho vựa tại các căn cứ quân sự; trong khi một kỵ binh Mông Cổ chỉ mang được tối đa 200 tên là cùng).Dĩ nhiên tên bằng đồng hay bọc sắt khi bắn sát thương hiệu quả hơn tên bằng tre, nhưng các tướng lãnh cầm quân của nhà Trần ra lệnh cho binh sĩ bắn tên tre thật nhiều  (lấy số lượng bù cho phẩm chất) điển hình như sứ giả Sài Thung trúng loạn tên bằng tre nên chỉ mù một mắt mà thôi (chứ nếu tên bằng đồng thì Sài Thung bỏ mạng rồi), điển hình thứ hai là danh tướng Toa Đô chết vì loạn tên ở trận Tây Kết, điển hình thứ ba là Thái Tử Thoát Hoan khi lui quân về Tàu bằng đường bộ, bị quân nhà Trần phục kích bắn tên tre nhiều như mưa khiến Nguyên Soái nhà Nguyên phải trốn trong ống đồng mới bảo toàn được tính mạng (sử ghi, Thoát Hoan về đến châu Tư Minh mới dám nhẩy ra ngoài)

Nước ta là một xứ nông nghiệp trồng lúa, không có đồng cỏ, nên kỵ binh Mông Cổ không thể tung hoành trên những thửa ruộng sình lầy được. Mặt khác, phải tiếp tể  thực phẩm cho 50 vạn con người  và tiếp tế cỏ khô cho 50 vạn con ngựa, là một bài toán khó giải quyết vì Hưng Đạo Vương chận đánh đoàn tải lương trên 2 ngả đi vào nước ta, đó là phía tỉnh Lạng Sơn và phía tỉnh Hà Giang. Trong lần xâm lăng lần thứ hai, nguyên soái Thoát Hoan chỉ ở nước ta có 6 tháng rồi phải lui quân về Tàu, lý do chính là thiếu lương thực cung ứng cho người và ngựa, y hệt như Khổng Minh 6 lần ra Kỳ Sơn đánh Tư Mã Ý đều phải rút lui đủ 6 lần vì không thể tiếp tế đủ lương thực cho quân lính.

Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn điểm binh ở Vạn Kiếp, quân nhà Trần chỉ có 20 vạn (200,000 quân) chưa bằng ½ của 50 vạn, nhưng tướng Trần Quốc Tuân chuyển quân bằng thủy quân nên di chuyển nhanh hơn quân Mông Cổ, vì vậy quân của nhà Trần có thể tới trận địa trước quân Mông Cổ và chận đánh các đơn vị của quân Mông Cổ khi họ chưa kịp ổn định đội hình và chưa kịp vào thế trận như tướng lãnh của họ mong muốn. Tương tự như trong năm 1968, quân đội Hoa Kỳ  đưa Sư Đoàn Không Kỵ mới hôm trước còn ở An Khê – Bình Định, hôm sau đã xuất hiện tại chiến trường Huế - Thừa Thiên khiến tướng Võ Nguyên Giáp không đối phó kịp và đương nhiên quân Bắc Việt phải bị tổn thất nặng về nhân mạng.

Sử gia Trần Trọng Kim và nhà văn Trần Nhu khi viết về chiến tranh “vệ quốc kháng Mông” đều không để ý đến sự chuẩn bị chiến tranh của các tướng lãnh nhà Trần như tướng Trần Quốc Tuấn, tướng Trần Khánh Dư, tướng Trần Quang Khải, tướng Trần Nhật Duật, tướng Phạm Ngũ Lão, tướng Nguyễn Khoái..v…v… Theo ý kiến của người viết bài này, các tướng của nhà Trần được đào luyện kỹ càng về tham mưu và cách điều binh các đại đơn vị chứ không học phương cách chiến đấu cá nhân để trở thành dũng tướng giao đấu tay đôi với các tướng Mông Cổ như Tam Quốc Chí hay Hán Sở Tranh Hùng đã mô tả. Có lẽ tướng Tổng Tư Lệnh Quân Đội nhà Trần là tướng Trần Quốc Tuấn ra lệnh nghiêm cấm các tướng lãnh cầm quân không được trực tiếp giao tranh. Trường hợp tướng Trần Bình Trọng là trường hợp bất khả kháng và không có trường hợp thứ hai xảy ra tương tự.

 Cũng vì không thể vận chuyển lương thực và cỏ khô bằng đường bộ, nên lần xâm lăng thứ ba, quân Mông Cổ phải dùng đường biển. Trần Khánh Dư bị thua Ô Mã Nhi trong lần chạm địch đầu tiên vì thủy quân của nhà Trần chỉ là tàu tuần duyên chạy sát ven biển, trong khi tàu của Ô Mã Nhi là chiến thuyền lớn vượt đại dương đi xa. Thắng trận sinh kiêu ngạo nên Ô Mã Nhi lên bờ trước xua quân dọn an ninh bãi biển, mà quên nhiệm vụ là phải bảo vệ các thuyền chở lương thực. Trần Khánh Dư gom góp các tàu bè còn sót lại tấn công Trương Văn Hổ, vì chỉ trông coi việc chuyển vận nên Trương Văn Hổ làm gì có lính tác chiến để chống cự, do đó phải nhẩy xuống một thuyền nhỏ…rồi bỏ chạy. Chiến thắng của Trần Khánh Dư khiến cho quân Mông Cổ phải rút quân về nước cho mau vì cả binh lính và ngựa đều không còn gì để ăn.

Tôi hy vọng rằng sự phân tích của tôi với ngôn ngữ thời nay sẽ giúp quý độc giả hiểu sâu rộng tài đức của tiền nhân nước Việt đồng thời cũng thấu đáo hơn sự chiến thắng quân Mông Cổ đã diễn tiến như thế nào (HOW), đó là những nỗ lực tận tụy vô cùng của các vị lãnh đạo đất nước Việt chứ chiến thắng ngoại xâm không đến từ sự ban ân huệ của đấng thần linh.

Người viết hoàn toàn đồng ý với nhận định của nhà văn Trần Nhu (xem trang 121, sđd) :”Ở đời,có những công việc mà hàng triệu người không thể làm thay cho một người, nhất là công việc lãnh đạo”

Nhắc đến Phật Giáo đời Trần nhà văn Trần Nhu đã cho độc giả thấy các vị cao tăng từ đời Đinh, Tiền Lê, Lý đã dầy công bồi đắp, củng cố, giáo dục quần chúng nhân dân thấu hiểu triết lý của Đức Phật. Ngay cả 3 vị vua đầu của nhà Trần cũng đều là những học giả, triết gia thâm sâu về Đạo Phật… Đó là một sự thực không thể chối cãi, và đó cũng là một ước mơ mà rất nhiều khoa bảng của Phật Giáo hiện nay mong mỏi Phật Giáo thịnh vượng như đời Lý –Trần .

Nhưng tại sao Phật Giáo VN hiện nay không thể như thời Lý – Trần được (trước 1975, PGVN đã ở trong tình trạng “phân ly chia rẽ” mà nay đã rơi vào tình “phân liệt” tồi tệ hơn trước 1975). Dĩ nhiên lý do thì có nhiều, cá nhân người viết chỉ nêu sơ lược một vài cảm nghĩ của mình mà không đào sâu chi tiết vì không phải chủ đề của bài viết :

1/ Các vị quốc sư như Khuông Việt đời nhà Đinh, Vạn Hạnh đời nhà Tiền Lê…từ nhà chùa xuống đời “cứu nhân độ thế” với tinh thần “hiệp sĩ”. 3 vị vua đầu của nhà Trần sống và hành xử đúng của tinh thần “trí thức Phật Giáo” (biết mình là ai,phải làm gì khi vào đúng vị trí và thời điểm). Cách  thể hiện châm ngôn “mình vì mọi người, mọi người vì mình” cho nên đã đoàn kết được toàn khối dân tộc Việt đánh tan đạo quân xâm lược hung hãn nhất thế giới thời bấy giờ. Thời nay, có nhiếu lãnh đạo tôn giáo lại tự coi mình là “quốc phụ” của dân tộc”, cho nên bị thiên hạ “bề hội đồng” khiến thân xác và danh tiếng trở nên “te tua” không đứng vững!

2/ Trần Thủ Độ có viễn kiến chính xác về đất nước khi ông căn dặn Trần Quốc Tuấn : “ chiến tranh chỉ có thể trì hoãn chứ không thể tránh khỏi” , trong khi các lãnh tụ của Giáo Hội PG Ấn Quang lại suy nghĩ vớ vẩn rằng : “ Giáo Hội PG Ấn Quang mà nắm được quyền hành chính trị thì sẽ mang lại HÒA BÌNH cho Việt Nam). Không một ai trong nước VNCH lại tin tưởng giống như các ông lãnh tụ Giáo Hội Ấn Quang !!!

3/ Cho đến nay (2018), các lãnh tụ PG (kể cả Ấn Quang và Quốc Doanh) chỉ lập lại khuôn sáo lạc hậu  cũ mà vẫn chưa  tìm ra chính sách và đường lối mới (có lẽ còn đang bận lo tổ chức ca nhạc và trình điễn thời trang kiếm tiền) .Tôi nói khuôn sáo lạc hậu không hợp thời vì chỉ đưa ra khẩu hiệu Đạo Pháp và Dân Tộc mà giới trẻ hiện nay hỏi đến QUỐC GIA và TỔ QUỐC VIỆT NAM nằm ở đâu ? Không ai trả lời được.

Là một phật tử, cá nhân người viết bị một số phật tử khác chất vấn là sao không nói tốt cho “các thầy” mà cứ hay chỉ trích. Tôi nói : “tôi không ra lệnh và không đặt điều cho “các thầy”, vậy tại sao lại không dám nói đến những “sai trái “ của họ. Vấn đề là các lãnh tụ PG có nhận ra những khuyết điểm đó hay không ? Và khi nhận ra Khuyết điểm, các lãnh tụ  PG Ấn Quang có can đảm dám công nhận để sửa chữa hay cứ giả vờ “không nghe, không thấy, không nói…” để được đệ tử “tế sống “ bằng những hào quang giả tạo hầu được hưởng danh thơm  hão huyền (không có thật)

San  José ngày 30 tháng 7 năm 2018
Trần Trung Chính