Saturday, 25 August 2018

Bê bối sửa điểm thi Đại học Y Tokyo: Khi Nhật Bản vẫn còn định kiến với phụ nữ

Nước Nhật những ngày này đang rúng động vì vụ bê bối trường Đại học Y Tokyo danh tiếng sửa điểm thi đầu vào đại học, theo hướng bất lợi cho các thí sinh nữ và có lợi cho các nam sinh, nhằm hạn chế tỉ lệ nữ sinh đỗ vào trường.

Ông Đỗ Thông Minh, thông tín viên RFI tại Nhật Bản giải thích thêm về vụ bê bối :

« Vụ bê bối này được phát giác khoảng ngày 03/08, và sau đó đến ngày 08/08 ban lãnh đạo của trường Đại học danh tiếng nhất Nhật Bản, trong đó có ngành Y khoa, đã phải họp báo và lên tiếng xin lỗi về vụ bê bối trừ điểm thi của hầu hết nữ sinh, đồng thời tăng điểm thi cho các nam sinh.

Đây là vấn đề rất kỳ quái. Trường Đại học Tokyo được thành lập vào năm 1868, lúc Thiên Hoàng Minh Trị lên ngôi, tới nay là được đúng 150 năm và được một đại học có thể nói là danh tiếng nhất Nhật Bản, tương tự như Havard hay Oxfort của Hoa Kỳ mà lại có hành vi sửa điểm này.

Việc sửa điểm này có thể cũng đã xảy ra tại một số trường Y khoa khác. Đó là vấn đề làm dư luận Nhật rất ngạc nhiên và kinh hoàng. Một đại học danh tiếng, danh giá nhất Nhật Bản lại có hành vi tăng điểm, giảm điểm mang tính kỳ thị bởi vì họ quy định là phái nữ thi đậu vào đại học ngành Y khoa chỉ giữ ở mức 30% thôi. »

Báo Yomiuri Shimbun trích một nguồn tin ẩn danh cho biết việc gian dối sửa điểm thi đầu vào ở đại học Y Tokyo bắt đầu từ năm 2011, sau khi ban lãnh đạo trường thấy tỉ lễ nữ sinh được tuyển chiếm 40% tổng số thí sinh, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Kể từ đó, đại học Y Tokyo ngầm giới hạn chỉ có 30% thí sinh trúng tuyển là nữ giới.

Trong khi đó, theo điều tra của hãng tin Kyodo, thủ thuật sửa điểm đầu vào đại học đã được trường Y Tokyo thực hiện suốt một thập kỷ qua, bắt đầu từ năm 2006, chứ không phải chỉ từ năm 2011. Trong nội bộ, ban lãnh đạo đại học Y Tokyo ngầm đồng tình với nhau coi bác sĩ nam là lực lượng chủ chốt của bệnh viện đại học Y.

Sau khi mọi chuyện vỡ lở, hiệu trưởng trường Đại học Tokyo, ông Tetsuo Yulioka đã phát biểu trước báo giới : « Chúng tôi đã phản bội niềm tin của công chúng. Chúng tôi thành thật xin lỗi ». Trong khi đó, hiệu phó Keisuke Miyazawa cam kết « chuyện tương tự sẽ không bao giờ tái diễn » và khẳng định trường sẽ tổ chức các kỳ thi tuyển công bằng, minh bạch từ năm 2019.

Theo nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật, vụ bê bối sửa điểm thi ở Đại học Y Tokyo danh tiếng chỉ tình cờ được phát giác trong khuôn khổ một cuộc điều tra liên quan tới việc trường này bị tố cáo đã nâng điểm thi đầu vào đại học cho con trai của một quan chức có thế lực trong bộ Giáo Dục để nam sinh « con ông, cháu cha » này đủ điều kiện được tuyển sinh vào ngôi trường danh giá bậc nhất cả nước.

Nhưng tại sao Đại học Y Tokyo lại ngấm ngầm muốn giảm tỉ lệ sinh viên nữ như vậy ? Thông tín viên RFI Đỗ Thông Minh giải thích tiếp :

« Lý do là việc đào tạo rất là tốn kém, trong khi đó ngành Y khoa của Nhật lại thiếu bác sĩ. Nếu phái nữ tốt nghiệp Y khoa, rồi họ kết hôn, có con, thì tỉ lệ những người không làm việc sau đó khá cao, tuy không có con số thống kê nhưng có thể là 20-30%, thậm chí là hơn nữa.

Trung bình phái nữ Nhật Bản thì 50% đi làm, 50% ở nhà trông con, có thể là ông chồng làm ăn khá giả thì bà vợ cũng không cần đi làm. Phái nam thì có thể nói là 95-98% đi làm. Đó là lý do mà nhà trường có thao tác sửa điểm để giữ số nữ sinh thi đậu đại học chỉ ở mức 30%, từ đó nảy ra vấn nạn như vừa nói.

Như chúng ta biết, phụ nữ có chuyện sinh con, dưỡng dục con. Nhà trẻ bên Nhật rất là nhiều. Số con của các gia đình Nhật ngày càng ít, trung bình mỗi vợ chồng chỉ có 1,4 con, nên việc gửi trẻ không khó lắm. Tuy nhiên, có thể ông chồng làm ăn khá giả, nhất thời bà vợ bận rộn công việc nhà cửa và chăm con.

Một số bác sĩ, cũng như nhân viên các ngành nghề khác, sau một hai năm xin nghỉ khi quay lại thì bệnh viên không muốn nhận, vì nhận rồi sau hai, ba năm có thể họ lại xin nghỉ nữa để sinh con thứ hai, thứ ba.

Các nữ bác sĩ thấy tình trạng như vậy nên rốt cục họ cũng không muốn đi làm. Thường thì một nữ bác sĩ cũng kết hôn với một người tương đương, tức là có mức sống cao, nên nhiều khi họ cũng ỷ lại không cần đi làm nữa. Chính vì vậy, nhà trường không muốn đào tạo nhiều nữ bác sĩ, trong khi bên Nhật hiện tại thì đang thiếu bác sĩ. »

Một trong những luật sư tham gia cuộc điều tra nhấn mạnh : « Đây hoàn toàn là sự kỳ nhắm vào nữ giới ».Đài NHK thuật lại lời chỉ trích của bộ trưởng bộ Phụ Nữ Nhật Bản, bà Seiko Noda: « Thật đáng lo ngại nếu trường đại học ngăn cản sự thành công của các thí sinh trong kỳ thi tuyển đầu vào với lý do khó làm việc được với các bác sĩ nữ ».

Còn hãng tin Nhật Jiji trích lời bộ trưởng Tư Pháp Yoko Kamikawa : « Cho dù tình hình thế nào đi nữa, cũng không được phép đối xử với phụ nữ bất công và không chính đáng như vậy ! ».

Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, ông Fumio Azuma, phát ngôn viên Đại học Y Tokyo cho biết : « Sau khi bài báo được đăng, chúng tôi đã yêu cầu một văn phòng luật sư tiến hành một cuộc điều tra nội bộ ». Kết quả sẽ được công bố sau một tháng.

Nhưng trước sự nghiêm trọng của vụ gian dối điểm thi, sự phẫn nộ của công luận, chính phủ Nhật Bản hôm thứ Sáu 10/08/2018 đã cho mở điều tra tại các trường Y trong cả nước. Bộ Giáo Dục Nhật cũng yêu cầu 81 đại học công lập và dân lập rà soát lại kết quả tuyển sinh đại học và tỉ lệ thí sính nam - nữ trúng tuyển.

Phát ngôn viên Fumio Azuma của bộ Giáo Dục tuyên bố nếu bộ thấy kết quả thi tuyển sinh của các trường không thỏa đáng, bộ sẽ cử người xuống tận trường làm rõ mọi việc.

Theo báo Japan Times ngày 08/08, tiết lộ của báo chí về sai phạm ở đại học Y Tokyo thực ra không phải là thông tin mới mẻ đối với nhiều nữ bác sĩ. Báo chí đơn giản chỉ khẳng định những nhiều mà họ đã nghi ngờ trong suốt một thời gian dài.

Bà Ruriko Tsushima, bác sĩ Sản khoa, giám đốc một bệnh viện tư ở Tokyo cho Japan Times biết : « Chúng tôi đã nhiều lần nghe về các tin đồn là các trường Y hạn chế số sinh viên nữ ». Một nữ bác sĩ khác, khoảng 30 tuổi, cũng làm việc tại một bệnh viện tư ở Tokyo thì nói với Japan Times rằng các nữ sinh có ý định thi tuyển vào một trường Y đều hiểu là các trường Y ngấm ngầm đặt chỉ tiêu về số thí sinh nữ trúng tuyển. Cô chia sẻ : « Tôi tin rằng rất nhiều thí sinh biết rằng tiêu chuẩn dành cho nữ giới sẽ cao hơn ở một số trường đại học. Chủ đề này đã được chúng tôi thảo luận nhiều lần ở trường trung học ».   

Theo Japan Times, tại Nhật, tỉ lệ bác sĩ nữ chỉ là 20,3% vào năm 2015, mức thấp nhất trong số 34 quốc gia theo thống kê của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OCDE. 4 nước đứng đầu bảng xếp hạng là Lettonia (74%), Estonia (73%), Slovénia (62%) và Phần Lan (58%). Còn theo số liệu năm 2014 của bộ Y Tế Nhật, tỉ lệ nữ bác sĩ đặc biệt thấp ở các khoa phẫu thuật (7,8%) và phẫu thuật thần kinh (5,2%).

Trên thực tế, phụ nữ Nhật có trình độ học vấn rất cao, nhưng các thói quen làm việc tại đất nước này, nhất là thời gian làm việc nhiều, thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ, dẫn đến nhiều cái chết vì làm việc quá sức. Những yêu cầu về thời gian làm việc trong ngành Y lại càng khắt khe, khiến nhiều nữ bác sĩ buộc phải chọn dừng sự nghiệp khi lập gia đình, nhất là sau khi sinh con.  

Ngay cả khi ngày càng có nhiều bệnh viện đã cải thiện điều kiện làm việc cho phái nữ, nhất là mở nhà trẻ cho con em nhân viên và miễn cho các nữ bác sĩ có con nhỏ một số nhiệm vụ, nhưng tại bệnh viện của các trường đại học, mọi chuyện tiến triển rất chậm, đa phần bác sĩ vẫn là nam giới.

Ông Kyoko Tanebe, bác sĩ khoa Sản đồng thời là giám đốc của một bệnh viện tư chuyên về Sản khoa ở Toyama đánh giá điều kiện làm việc của các bác sĩ nữ ở Nhật chỉ có thể được cải thiện nếu nữ giới chiếm số đông trong ngành Y và ngày càng có nhiều phụ nữ trên cương vị lãnh đạo trong ngành này.