Khi ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Thỏa Thuận Nguyên Tử Iran (JCPOA), nhiều người, kể cả cựu Tổng thống Barack Obama, tác giả của thỏa thuận tồi tệ này, chỉ trích ông gay gắt, cho rằng nó sẽ khiến Iran tái khởi động chương trình vũ khí nguyên tử. Lãnh đạo tối cao của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, Ayatollah Ali Khamenei đã lớn tiếng cảnh báo Tổng thống Mỹ “đã mắc sai lầm” và Iran sẽ có hành động đáp trả thích đáng.
Còn các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức mạnh miệng tuyên bố sẽ duy trì thỏa thuận và tiếp tục hoạt động giao thương với Iran. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi quyết định của Mỹ là “sai lầm”. Trong khi, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết Anh “không có ý định rút lui” còn Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định đất nước của bà sẽ “làm mọi thứ trong khả năng của mình để Iran trong tương lai vẫn tuân thủ các nghĩa vụ của họ” theo thỏa thuận đã ký. Các quốc gia này cũng mạnh miệng y hệt như cách mà họ phản ứng với thuế nhập khẩu nhôm thép mà Mỹ tuyên bố áp đặt lên EU.
Còn đáp lại với phản ứng của đồng minh, vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo rằng các công ty mua dầu thô của Iran sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của Hoa Kỳ bắt đầu từ tháng 11/2018, và sẽ không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào. Thông báo đó đã buộc tất cả các quốc gia, ngay cả những nước vẫn thừa nhận thỏa thuận nguyên tử Iran, phải ngừng hoạt động giao thương với Iran, nếu như các công ty của họ không muốn bị "làm khó" bởi Hoa Kỳ.
Ngay lập tức, nền kinh tế Iran chao đảo sau tuyên bố của chính quyền Trump. Đồng Rial liên tục giảm giá, tỉ giá Rial/USD tăng cao kỉ lục, từ 37,800 (hồi đầu tháng 04/2018) đã vọt lên 42,700 (tính đến ngày 05/07/2018). Mức lạm phát đã tiệm cận 120%, và người dân Iran đã thấy số tiền tiết kiệm của họ sụt giảm hoặc "bốc hơi". Nhiều người đã xuống đường để phản đối chính phủ, hô to những khẩu hiệu “Palestine chết đi" và “Hãy rút khỏi Syria, hãy nghĩ về chúng tôi.” Theo các video được quay lại và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, cuộc biểu tình đã chuyển thành bạo lực, với ít nhất 10 cảnh sát bị thương. Những người biểu tình bắt đầu chọi đá và dùng vũ khí tấn công các lực lượng an ninh. Cảnh sát đáp trả lại bằng hơi cay bắn thẳng vào những người biểu tình. Truyền hình nhà nước Iran phát sóng hình ảnh về các cửa sổ ngân hàng bị bể, cũng như các máy ATM bị đập nát.
Các công ty kinh doanh nhập cảng dầu của Iran đang tự nguyện chấm dứt việc mua dầu, bất chấp chính phủ của họ mạnh miệng, vì sợ ảnh đến việc kinh doanh của họ ở Mỹ. Ví dụ, tập đoàn dầu khí Total của Pháp đang rút khỏi dự án phát triển khí thiên nhiên ở Iran bất chấp những nỗ lực của EU nhằm bảo vệ các doanh nghiệp của mình khỏi các biện pháp trừng phạt. Và tập đoàn dầu mỏ quốc gia Indonesia Pertamina cho biết họ đang xem xét lại các kế hoạch vận hành một mỏ dầu của Iran. Còn các công ty quốc tế từng thực hiện các giao dịch nhiều tỉ USD với Iran phần lớn đã rút khỏi quốc gia này. Hàng tỉ USD giao dịch kinh doanh ký kết giữa các tổ chức phương Tây và Iran sau khi chính quyền Obama dỡ bỏ lệnh trừng phạt đã nhanh chóng bị hủy bỏ, và việc mua dầu của Iran trên thị trường quốc tế đã chấm dứt.
Một đòn đánh kinh tế chí mạng vào chế độ độc tài Iran, đồng thời là một thông điệp cảnh cáo dằn mặt "đồng minh" EU!
Còn trên bình diện ngoại giao và quân sự, việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời dời Đại sứ quán Mỹ về đó đã khẳng định một điều, Mỹ đã trở lại kề vai sát cánh bên đồng minh thân cận Israel tại lò lửa Trung Đông, dằn mặt các tổ chức khủng bố Hamas, Hezbollah, cổ vũ tinh thần và giúp Israel toàn tâm toàn ý bình ổn mặt trận Trung Đông. Những đợt nã hỏa tiễn của Mỹ vào Syria vừa để răn đe Nga và Iran - những nước chống lưng và triển khai quân nhiều nhất ở Syria, vừa làm khiếp nhược Bắc Hàn, và vừa để tạo điều kiện cho Israel tăng cường các cuộc không kích tiêu diệt phiến quân Iran đồn trú tại đây.
Vừa lo đối phó khủng hoảng kinh tế, vừa duy trì tiềm lực quân sự, lại vừa phải dập tắt sự bất mãn của người dân, có thể nói chính quyền độc tài Iran đang rơi vào tình thế nguy hiểm, tứ bề thọ địch. Một lần nữa, hai mũi giáp công kinh tế và quân sự lại được ông Trump vận dụng linh hoạt và hiệu quả.
Có vẻ sẽ giống như Bắc Hàn, ngày Iran xuống nước để bước đến bàn đàm phán chỉ là vấn đề thời gian. Và dĩ nhiên lần này sẽ không có bất cứ thỏa thuận tồi tệ nào như JCPOA 2015 khi mà người ngồi ở bàn đàm phán không phải là Barack Obama, mà là người đã viết cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán" (The Art of the Deal) từ hơn 30 năm trước.
Minh Phạm