Vị “Ðệ Nhất Phu Nhân” nổi tiếng nhất thế giới - theo tôi, CTHÐ - là bà Eva Peron. Eva Peron cũng là vị Ðệ Nhất Phu Nhân thứ nhất của thế giới. Trước bà, nhiều nước đã có những vị Ðệ Nhất Phu Nhân nhưng không có vị nào hoạt động Xã hội - Chính trị sôi nổi, nhiều và nổi tiếng khắp thế giới như bà Eva Peron. Dân Argentina gọi bà bằng cái tên thân thương Evita Peron.
Chuyện đời Ðệ Nhất Phu Nhân Eva Peron xẩy ra vào những năm từ 1946 đến 1952. Ðã hơn 60 năm. Tôi - CTHÐ - viết về bà Eva Peron, Ðệ Nhất Phu Nhân Argentina, với niềm hoài cảm. Năm bà làm Ðệ Nhất Phu Nhân tôi hai mươi tuổi, tôi mới đi những bước đầu trong nghề phóng viên nhà báo.
Bà Eva Peron kết hôn với Thiếu Tá Juan Peron năm 1944. Ông Peron đã có một đời vợ. Khi ông bà kết hôn, ông 48, bà 24 tuổi. Năm 1946 Ðại Tá Peron dùng Quân đội làm đảo chính lật đổ chính quyền dân sự. Ông trở thành Tổng Thống Argentina, bà Eva Peron trở thành Ðệ Nhất Phu Nhân. Bà làm nhiều công tác Xã hội có lợi cho dân nghèo, phụ nữ, nhi đồng, những người bị thiệt thòi trong xã hội. Bà được toàn dân Argentina kính mến. Nhưng theo đúng định luật “Hồng nhan bạc mệnh,” năm 1952 đang ở đỉnh cao của danh và quyền, bà Eva Peron đau ung thư. Bà là người bị bệnh ung thư thứ nhất trên thế giới điều trị bằng Chemography.
Bà từ trần ngày 25 July 1952, năm bà 33 tuổi. Tang lễ của bà được cử hành theo nghi lễ quốc táng. Sau giờ báo tin bà tạ thế, mọi hoạt động trong nước Argentina đều ngừng, các rạp xi-nê ngừng chiếu phim, những trường học, tiệm buôn, hàng ăn đóng cửa, Radio phát nhạc tang suốt ngày. Di thể bà Eva được chuyên viên ướp xác ngay sau khi bà thở hơi cuối cùng. Xác ướp thật đẹp. Bà Eva Peron là Ðệ Nhất Phu Nhân Thứ Nhất & Duy Nhất của thế giới được ướp xác sau khi chết.
Ngày đưa xác bà Eva Peron vào nhà mồ, dân chúng chen nhau trên đường xe tang đi qua làm 10 người chết, 2000 người bị thương. Thế rồi Vinh Nhục của Ðời thường đi theo nhau : Năm 1956 một số Sĩ quan Quân đội Argentina làm cuộc binh biến lật đổ Tổng Thống Juan Peron. Ông Tổng Thống bị lên án là Nhà Ðộc Tài. Ông trốn ra nước ngoài.
Xác ướp Ðệ Nhất Phu Nhân Eva Peron bị các Quân nhân mới lên cầm quyền lấy mang đi mất. Xác bà Eva Peron bị coi như mất tích trong 16 năm. Ðúng ra nhóm Quân nhân làm đảo chính đem xác bà đến chôn trong một nghĩa trang ở tận bên Ý Quốc với tên người giả trên mộ chí. Họ giấu việc làm này. Một số báo Âu Mỹ thời đó loan tin :
“Nhóm Sĩ quan đái lên xác Ðệ Nhất Phu Nhân Eva Peron và đem xác bà lên phi cơ trực thăng bay ra liệng xuống biển.”
Nhưng đó là tin bịa.
Vinh - Nhục - Vinh đến đi rồi lại đến trong đời Tổng Thống Juan Peron. Sau nhiều năm sống lưu vong ở nước ngoài, năm 1971 Tổng Thống Bị Hạ Bệ Juan Peron trở về nước; năm 1973 ông ra tranh cử và được dân bầu làm Tổng Thống lần thứ hai. Ông tìm được nơi chôn bà vợ ông trong một nghĩa trang ở Thành phố Mylan, nước Ý. Ông đem xác bà về Argentina. Xác ướp của bà bị hư hại nhiều chỗ nhưng vẫn còn gần như nguyên vẹn. Mặt bà vẫn đẹp. Ông chôn bà ở một nghĩa trang nước Spain - Tây Ban Nha. Năm 1974 Tổng Thống Juan Peron từ trần.
Rằng : “Hồng nhan tự thủa xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.”
Các vị Ðệ Nhất Phu Nhân thường là người hồng nhan : người đàn bà đẹp. Các bà vì Ðẹp mà bị Trời ghen, Trời làm cho các bà bạc mệnh. Ðúng như vậy. Nếu các bà - như bà Eva Peron - không là Ðệ Nhất Phu Nhân, các bà đâu có chết yểu, nhiều bà chết thảm.
Ðệ Nhất Phu Nhân có số mệnh bi thảm nhất là Giang Thanh, vợ Mao Trạch Ðông. Giang Thanh từng hung hãn phóng tay sinh sát - giết người - trong nhiều năm. Trong những năm hoành hành tàn bạo ấy Giang Thanh được người dân Trung Quốc gọi là “Hồng Ðô Nữ Hoàng : The Red Queen.” Mao Trạch Ðông chết, Hồng Ðô Nữ Hoàng Giang Thanh bị bọn Cộng Ðàn Em bắt, bị đưa ra tòa vì tội giết người, bị án tử hình rồi giảm án xuống án tù chung thân cấm cố. Hồng Ðô Nữ Hoàng, trong một sớm, hai chiều, trở thành “Hồng Ðô Nữ Tử Tù.”
"Cấm cố” là tù miết trong một phòng tù. Năm 1991, Giang Thanh chết trong tù. Bọn Cai Tù Tàu Cộng loan báo Giang Thanh tự tử. Tin chính thức : Hồng Ðô Nữ Hoàng chết vì thắt cổ trong phòng tù u ám.
Ðệ Nhất Phu Nhân bị bắn chết thứ hai cũng là một Mụ Trùm Cộng Sản : Mụ Elena Ceausescu Xứ Lỗ-ma-Ni. Sô-sét-cu là Chủ Tịch nước Lỗ kiêm Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Lỗ, chức vụ như Quốc Trưởng, như Tổng Thống. Tổng Bí Thư Sô cầm quyền rất lâu : từ năm 1965 đến năm 1987. Khoảng năm 1970 có lần vợ chồng Tổng Sô qua thăm Hà Nội, rồi sang thăm Bắc Kinh. Tổng Sô - như Tổng Ðức Hôn-nách-cơ - được bọn Bắc Cộng tiếp đón nồng nhiệt và gọi là “Ðồng chí Sô-sét-cu vĩ đại.”
Nhân dân Lỗ nổi lên chống Sô, những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Lỗ. Bọn tướng lãnh Lỗ từng nịnh bợ vợ chồng Sô, từng hưởng ân huệ của vợ chồng Sô, thấy Chủ nghĩa Cộng Sản tan rã, bèn bỏ Sô để đứng về phe nhân dân. Vợ chồng Sô bị bắt, bị xử tử. Khi bị xử, Ðệ Nhất Phu Nhân Elena Sô còn nói :
“Ta nuôi các người như mẹ nuôi con. Các người phản ta. Thật nhục nhã.”
Bị lính nắm cánh tay đưa ra bãi bắn, mụ chửi người lính :
“Thằng chó đẻ. Không được hỗn với tao.”
Bà Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, là Ðệ Nhất Phu Nhân của dân Tàu trong nhiều năm. Bà theo ông chồng sang Ðài Loan. Tưởng Tổng Thống từ trần, bà về Mỹ sống. Bà mất năm 2003 ở New Yorrk, thọ 106 tuổi. Bà là vị Ðệ Nhất Phu Nhân có tuổi thọ cao nhất. giầu sang nhất, nhiều Đô-la Mỹ nhất. Bà không có con. Tưởng Kinh Quốc là con riêng của TT Tưởng Giới Thạch.
Hoa Kỳ có hai Ðệ Nhất Phu Nhân nổi tiếng : Bà Jacqueline Kennedy, bà Hillary Clinton. Bà Jacqueline Kennedy bị chê trách vì việc bà tái giá với Onassis, ông già tỷ phú là Vua Tầu Chở Dầu Thế Giới. Onassis được gọi là Vua Dầu Nhớt. Bà Hillary Clinton trong những năm là Ðệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ đã không có hạnh phúc gia đình vì ông chồng Tổng Thống Ða Dzâm.
Theo tôi bà Margaret Thatcher, Thủ Tướng nước Anh, là vị Ðệ Nhất Phu Nhân “Oanh liệt nhất, uy danh nhất, sáng giá nhất.” Tất cả các bà Ðệ Nhất Phu Nhân khác đều nhờ ông chồng mà thành Ðệ Nhất Phu Nhân. Riêng bà Thatcher là Ðệ Nhất Phu Nhân vì chức vụ Thủ Tướng của bà. Bà là vị Nữ Thủ Tướng duy nhất của nước Anh. Bà thành công trong nhiệm vụ Thủ Tướng đến nỗi bà được Ðảng Conservative : Bảo Thủ, đề cử làm Thủ Tướng đến ba nhiệm kỳ. Xưa nay chưa có vị Thủ Tướng Anh Quốc nào ở chức vụ hơn hai nhiệm kỳ.
Trong những năm bà Thatcher làm Thủ Tướng, nước Anh xẩy ra vụ dân Ireland đòi quyền độc lập. Từ mấy trăm năm nước Ireland vẫn là một thuộc quốc của Ðế Quốc Anh. Người Ái-nhĩ-lan biểu tình đòi độc lập trong hoà bình, không được chính quyền Anh đáp ứng, họ dùng bạo động. Họ đánh bom liên miên trong các thành phố lớn. Nhiều người dân thường chết vì bom. Thủ Tướng Thatcher coi việc đánh bom là tội hình sự, tội làm loạn, tội giết người, không phải là tội chính trị. Do đó những người Ireland đánh bom bị bắt, bị coi là tù hình sự, như trộm cướp, giết người. Những người Ái tranh đấu bị tù làm cuộc tuyệt thực phản đối việc họ bị coi là bọn giết người. Họ đòi chính quyền phải coi họ là tù chính trị. Chính quyền có thể ép những người tù tuyệt thực phải ăn - bằng cách khi họ đói lả, cho thức ăn vào dạ dầy họ, tiếp máu cho họ - nhưng Thủ Tướng Thatcher không làm việc bắt ép đó. Bà nói những người tù có quyền không ăn. Ðó là tự do của họ. Nhiều người Ái-nhĩ-lan tuyệt thực đến chết trong tù.
Cho đến nay người Ái-nhĩ-lan chưa dành được quyền độc lập.
Trận chiến tranh đảo Falklanda. Hải đảo này nguyên thuộc nước Argentina. Ðế Quốc Anh chiếm đảo này từ trăm năm trước. Ngày 2 Tháng Tư 1982 chính phủ Argentina cho quân ra chiếm đảo, tuyên bố thu hồi đảo. Thủ Tướng Thatcher phái hải quân Anh ra đánh chiếm lại đảo. Hai bên đánh nhau dữ dội: Anh dùng hải quân, Ác dùng không quân. Ngày 20 Tháng Sáu 1982, quân Anh lên đảo, quân Ác đầu hàng. Ðến nay đảo Falklands vẫn thuộc lãnh thổ Ðế Quốc Anh.
Bà Thủ Tướng Margaret Thatcher được gọi là “Người Ðàn Bà Thép.” Bà từ trần Ngày 8 Tháng Tư 2013. Những ngày cuối đời, bà có bị Azheimer nhưng nhẹ, không quên, không lẫn nặng như Tổng Thống Ronald Reagan.
***
Tôi - CTHÐ - viết về đề tài Ðệ Nhất Phu Nhân với chủ ý kể lại vài sự việc trong đời bà Trần Lệ Xuân, bà Ðệ Nhất Phu Nhân của nước tôi. Trong cuộc kể này tôi gọi bà Ðệ Nhất Phu Nhân Trần Lệ Xuân bằng cái tên Trần Lệ Xuân của bà.
Có thể nói tôi là anh phóng viên nhà báo đến dự những cuộc hội báo của Bà Dân biểu Trần Lệ Xuân nhiều nhất. Nguyên nhân là bà Bút Trà, bà chủ nhật báo Sàigòn mới của tôi, rất muốn được làm thân với bà Trần Lệ Xuân. Bà Bút Trà muốn lấy lòng bà Trần Lệ Xuân nên rất chăm đến dự những cuộc hội báo của bà Trần Lệ Xuân. Trong cuộc họp, đến phần diễn giả trả lời những câu hỏi của người dự, thể nào bà Bút Trà cũng lên micro hỏi một chuyện vô thưởng vô phạt để bà Trần Lệ Xuân thấy bà có mặt trong cuộc hội báo.
Là phóng viên nhật báo Sàigòn mới, tôi có nhiệm vụ đến dự những cuộc hội báo của bà Trần Lệ Xuân. Tôi đến ngồi ngắm bà Trần Lệ Xuân mà chẳng cần nghe, ghi chép bà nói gì. Hôm sau báo lấy bài tường thuật của VTX : Việt Tấn Xã - Cơ Quan Thông Tấn Nhà Nước - đăng là ăn chắc không bị mắc lỗi tường thuật sai. Các báo phải đăng tin về bà Trần Lệ Xuân thôi, người đọc chẳng ai đọc những tin ấy.
Những năm 1960 gần như tháng nào Bà Dân Biểu Trần Lệ Xuân cũng mở một cuộc họp báo. Những cuộc hội báo của bà được tổ chức ở Phòng Khánh Tiết Tòa Ðô Chính. Nhiều lần tôi thấy Tướng Nguyễn Văn Là, khi ấy là Tổng Giám Ðốc Công An - Cảnh Sát, đi lờ phờ ngoài hành lang trong lúc bà Trần Lệ Xuân chủ tọa cuộc hội báo trong phòng. Việc ông Tổng Giám Ðốc phải đích thân đến để kiểm soát cuộc bảo vệ an ninh thì ít, mà đến để bà Dân Biểu thấy mặt chứng tỏ uy quyền của bà thời đó mạnh đến là chừng nào. Nghe nói các ông Tổng Giám Ðốc mỗi khi bị bà Trần Lệ Xuân hỏi đến là sợ quíu đít.
1960 - 2013. Năm mươi ba mùa lá đổ đã qua đời tôi, hôm nay sống ở xứ người, kể, viết chuyện cũ, tôi thấy hình ảnh bà Trần Lệ Xuân thời bà trẻ, thời tôi trẻ : bà thường mặc áo dài trắng phớt hồng, bà đeo vòng ngọc. Trước đó những bà nhà giầu Sài Gòn mang nữ trang kim cương, vàng. Bà Trần Lệ Xuân “Lăng xê mốt” vòng ngọc thạch. Có lần tôi thấy bà mang hai vòng ngọc, mỗi cổ tay một vòng.
Bà Hoàng Hậu Nam Phương cắt tóc ngắn nên khi mặc áo dài bà không thể quấn khăn, bà tạo ra cái khăn vành dây. Từ bà Nam Phương các cô dâu Việt Nam thường đội khăn vành dây, ngay cả hai Bà Trưng cũng đội khăn vành dây.
Bà Trần Lệ Xuân tạo ra kiểu áo dài hở cổ. Kiểu áo đó được phụ nữ Việt Nam dùng tới hôm nay.
Trong những cuộc hội báo tôi ngồi gần bà Trần Lệ Xuân nhất là xa bà 5 thước. Tháng Bẩy 2013, lang thang trên Internet, tôi gặp tấm ảnh bà Trần Lệ Xuân. Tôi đăng tấm ảnh bà cùng với bài này. Vẫn là ảnh xưa thôi, tôi từng thấy ảnh này nhiều lần, nhưng lần này nhìn ảnh bà tôi động lòng hoài cảm, tôi nhớ người trong ảnh 50 năm xưa, tôi viết bài này.
Tìm trên Web những bài viết về bà Trần Lệ Xuân, tôi gặp những đoạn tin này :
Hai mươi năm qua. Biên niên sử do tác giả Ðoàn Thêm soạn.
Ngày 13-12-1957. Quốc Hội họp bàn về dự án Luật Gia Ðình của bà Dân biểu Ngô Ðình Nhu.
Ngày 21-12-1957. Bà Ngô Ðình Nhu bỏ phòng họp ở Quốc Hội vì có nhiều Dân biểu muốn giữ những quyền của người chồng trong gia đình.
Ngày 19-1-1958. Trong phiên họp Quốc Hội, vài dân biểu tỏ ý phẫn nộ : bà Ngô Ðình Nhu đã chê trách nhiều vị muốn làm ngơ không biểu quyết dự luật Gia Ðình “Chỉ vì muốn lấy vợ lẽ.” Bà Nhu gọi các ông này là những người có thái độ “thật hèn.” Theo các dân biểu này, nói như thế là xúc phạm Quốc Hội, bà Dân biểu Ngô Ðình Nhu phải xin lỗi.
Ngày 20-1-1958. Bà Ngô Ðình Nhu cho đăng báo bài thanh minh, bà cải chính những lời gán cho bà : Bà đã nói các dân biểu “thất hẹn” chứ không nói “thật hèn.”
CTHÐ : Những năm 1960 tôi là phóng viên Sàgon mới đi dự khán những phiên họp của Quốc Hội. Tôi chỉ thấy bà Dân Biểu Trần Lệ Xuân đến họp vài lần. Ngày khai mạc Quốc Hội khoá mới thường có Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đến Quốc Hội đọc diễn văn, Dân biểu Trần Lệ Xuân, Dân biểu Trần Văn Khiêm có mặt trong những phiên họp khai mạc đó.
Rồi loạng quạng trên Web tôi gặp đoạn tin này :
Blog “Người đưa tin.” Hội Luật Gia VN. Ngày 27 tháng 2, 2013.
Theo Hồi kí của Huỳnh Văn Lang viết :
Sự thân mật giữa Bảo Ðại và Trần Lệ Xuân là có thật, đến nỗi có lần Ngô Ðình Nhu đi ngoại quốc về đã tỏ ý ghen tuông và buông lời trách móc, la rầy Trần Lệ Xuân. Ðó là khoảng thời gian năm 1949, Ngô Ðình Nhu sang Pháp mấy tháng, còn Trần Lệ Xuân ở nhà rảnh rỗi nên đi chơi, đi săn với Bảo Ðại. Khi từ nước ngoài trở về nghe một số người nói bâng quơ, Nhu đã hằn học hỏi Lệ Xuân :
“Ở nhà bà đi chơi với “Hoàng thượng” thế nào mà để người ta nói tới tai tôi ?”
CTHÐ: Cái gọi là “Hội Luật Gia VN” đưa tin trên đây chắc là Hội của bọn Bắc Cộng. Tôi hỏi ông Huỳnh Văn Lang :
“Xin ông cho biết có phải ông viết đoạn chuyện trên đây không ? Nếu ông trả lời ông có viết như thế, xin hỏi thêm : “Ông Ngô Ðình Nhu nói với bà Trần Lệ Xuân câu đó làm sao ông nghe được ?”
Tôi không được gần bà Trần Lệ Xuân, ông Huỳnh Văn Lang là người biết nhiều về bà, tôi trích vài đoạn ông Huỳnh Văn Lang viết về Ðệ Nhất Phu Nhân Trần Lệ Xuân.
Ký Ức Huỳnh Văn Lang. Tập 1. Trang 319, 320, 321, 322. Trích :
Những khi có mặt tôi thì bà đi ra, đi vô, chào hỏi xã giao, không bao giờ bà dừng lại hỏi chuyện dăm ba câu, dù bà biết rằng tôi là người khách của ông chồng bà. Tôi có cảm tưởng bà có thái độ một đưá con cưng, có thể là lúc bấy giờ bà rất được ông chồng cưng kiêu và chiều chuộng nên hay giận dỗi và kiêu căng.
Bà có cặp mắt nhỏ thật sáng, mặt trắng trẻo, gò má cao, cầm nhỏ, môi dày, bà rất xinh nhưng không có thể gọi là đẹp, vì mặt bà hơi trẹt, nhìn ngang thiếu đường nổi ( profil ) (- ....... ) ..bà hay “châu mày,” làm cho mặt bớt sáng. Bà đi đứng nhanh nhẹn và giữ được vẻ duyên dáng cố hữu của người con gái Việt Nam, nhờ bà nhỏ thon thành mảnh khảnh, sánh với người đàn bà VN bà có phần hơi nhỏ, hơi lùn. Ngay lần đầu gặp bà, tôi thấy ngay bà thật thông minh và có rất nhiều nghị lực. Giọng nói của bà, Bắc không ra Bắc, Huế không ra Huế, có cả giọng Nam, tiếng nói của bà có tần số hơi cao hơn người thường nên có thể luận là bà có tánh bạo dạn, không phải là người thật nhu mì, mềm mỏng. Một điều tôi cần phải nói ngay ra đây, bà không bao giờ có thể gọi được là õng ẹo, lả lơi.
(.... )
Tuy nhiên trong lúc tôi ở Ðà-lạt, tôi cũng nghe người dân Ðà-lạt nói xấu bà, vì lúc ông Nhu đi Pháp vắng mặt, bà đã đi dự tiệc trong Dinh Quốc Trưởng, là một chỗ người dân Ðà-lạt cho là một trung tâm nay mưu mô chính trị, cũng là một ổ bê tha của Bảo-đại.
(.... )
Tôi cho rằng việc đi dự tiếp tân một mình của bà Nhu trong khi ông chồng bà vắng mặt chỉ là một chuyện trẻ con, thiếu suy nghĩ, thiếu ý thức, chỉ có vậy thôi, không hơn, không kém. Chẳng có chuyện chạy chức tước cho chồng hay dan díu gì, như người ta xấu miệng hay nói xấu hơn là nói tốt. Mà người dân lại hay tin những chuyện xấu hơn tin những chuyện tốt, đó là chưa nói đến những người thù ghét đã có ác ý sẵn.(.... ) Tất cả toàn là chuyện bịa đặt của những ngọn lưỡi rắn độc.
Ký Ức Huỳnh Văn Lang. Tập 1. Trang 468, 469, 470.
Tôi không nhớ rõ ngày nào, có thể là ngày 7 hay ngày 8 tháng 10, 1954. Khi tôi đến nhà thờ Phú Nhuận thì thấy đồng bào di cư đã tập hợp và đang xếp hàng năm, hàng bảy trên đầu đường Võ Tánh. Số đồng bào tập hợp có thể khoảng 5 ngàn người, có rất nhiều cờ xí, nhiều ban-rôn mầu trắng, mầu vàng, nhiều biểu ngữ, mấy cái loa. Thật là xôm tụ, ồ ạt, om xòm. Ðúng là một cuộc biểu tình ngoạn mục.
Nhưng ngoạn mục nhất là hình ảnh một cô gái mặc áo xanh lợt, quần đen chạy tới, chạy lui ! Rồi như giựt mình ! Tôi nhận ra bà Ngô Ðình Nhu, người thì nhỏ xíu, mà sao nhiều nghị lực đến thế, la hét to đến thế, lấn át cả tiếng hô “Ðả đảo quân phiệt" “Ðả đảo thực dân” của trăm, của ngàn người khác...Và trước những ống kính máy ảnh, máy truyền hình, bà Nhu đã dẫn đoàn người biểu tình rầm rộ đi về ngả Tổng Tham Mưu và Lăng Cha Cả.
Lúc đó tôi muốn khui trong ký ức của tôi xem có khuôn mặt nào trong lịch sử Việt Nam, Trung Hoa hay các nước Âu Tây giống như khuôn mặt của bà Nhu hôm đó không ? Nữ Hoàng Ðế Ðại Chu Võ Tắc Thiên ư ? Ỷ Lan Nguyên Phi của vua Lý Thánh Tôn ư ? Mã Hoàng Hậu của Hán Minh Ðế ư ? Nữ Tướng Bùi Thị Xuân ư ? Hay là Evita Peron của Á-căng-đình gần đây nhứt ư ? Tôi không thấy mặt mũi những người đàn bà lịch sử đó nhưng nhờ đọc sách tôi có thể hình dung mặt mũi và phong độ của họ phần nào và tôi không thấy một khuôn mặt nào như khuôn mặt của bà Nhu hôm đó.
Hôm đó tôi thấy trên mặt bà có cái gì khác thường, có cái gì thới quá, cũng có nghĩa là không kềm chế được. Tôi nghĩ đến hai loại (Species) đàn bà : đàn bà đi đánh giặc hay xuống đường và đàn bà chen vào chính trị. Có thể bà Nhu gồm cả hai bản chất đàn bà đó.
Trước kia khi ở Ðalạt, nhiều lần tôi đã gặp bà ở trước Nhà Thờ St. Nicolas hay ở trong phòng khách nhà số 10 đường des Roses, tôi chỉ thấy bà là một cô con gái nhà lành còn ngây thơ, rụt rè. Sáng hôm nay trên con đường Võ Tánh, Phú Nhuận tôi không còn nhận ra nữa. Bà hoàn toàn thay đổi, bà hung hăng, qua nhiều nghị lực, vẻ mặt can trường, giọng nói như la, như thét, có thể như là một trái bom nổ chậm ( Boule d’énergie) hay một nồi so-de ( Chaudiere ) đang sôi sùng sục, có thể kéo cả đoàn tầu xe lửa lên dốc, mà cũng có thể đẩy nó xuống đèo, xuống hố !
( .... )
Riêng với bà Nhu, trong thâm tâm tôi thán phục bà, nhưng có thể vì nhiễm truyện Tàu mà tôi có thành kiến ít nhiều với phụ nữ, nhứt là với phụ nữ làm chánh trị hay dẫn đầu xuống đường. Tôi nghĩ người đàn bà nên đứng sau hơn là chường mặt ra sẽ có nhiều kết quả hơn. Cái thái độ muốn đi trước, đứng trước của bà Nhu hoàn toàn ngược với ông Nhu, ông là người thích ngồi trong bóng tối như là một Trương Lương hơn là một Hàn Tín của Lưu Bang.
CTHÐ : Tôi thấy bà Trần Lệ Xuân là một người đàn bà Ðẹp trong số những người đàn bà Ðẹp tôi được thấy trong đời tôi.
Tôi thương bà. Bà là người không may. Bà bị cả hai bên Quốc Cộng mạ lỵ tàn ác. Không chỉ bọn Bắc Cộng bịa chuyện xấu về đời tư của bà, nhiều người Quốc Gia cũng vu khống bà, bôi bẩn lên đời tư của bà.
Tên mạ lỵ bà trắng trợn nhất là Hoàng Trọng Miên, tác giả tiểu thuyết “Ðệ Nhất Phu Nhân.” Tôi ghê tởm, tôi khinh những tên khốn nạn ấy. Nhưng từ năm 1963 đến năm 2011 - 48 năm - không một tên nào bịa được một chuyện bẩn nào về đời tư bà Trần Lệ Xuân. Bà sống yên nghiêm, bà chết trong yên tĩnh như một mệnh phụ phu nhân.
Có một lần tôi đứng sát bên tay phải bà Trần Lệ Xuân. Trước ánh sáng những máy quay phim rọi vào bà, tôi nhìn rõ những nếp nhăn nơi đuôi mắt bà. Ðó là buổi tối bà lên phi cơ sang Hoa Kỳ để “Giải độc công luận Mỹ về Chiến Tranh Việt Nam.” Bà trả lời những câu hỏi của phóng viên truyền thông ở Phòng Khánh Tiết phi trường. Có phóng viên hỏi bà sẽ ở lại Mỹ bao lâu, bà trả lời bà chưa quyết định. Rồi bà nói :
“Tôi như con chuồn chuồn. Khi vui thì đậu, khi buồn thì bay.”
Buổi tối cuối năm 1963 ở Phòng Khánh Tiết Phi Trường Tân Sơn Nhất, bà Trần Lệ Xuân 40 tuổi, tôi 30 tuổi.
Hoàng Hải Thủy