Tổng thống Iran Hassan Rohani phải đối mặt với các cuộc biểu tình trong nước từ vài tuần nay và loạt trừng phạt kinh tế của Mỹ.REUTERS/Lisi Niesner
Ngày 08/05/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi hiệp định hạt nhân Iran và “gây sức ép tối đa” bằng các biện pháp trừng phạt : Đợt 1 có hiệu lực từ ngày 07/08/2018 ; đợt hai từ tháng 11/2018.
Thời gian gần đây, cả Wahington lẫn Teheran lên giọng gay gắt đe dọa trừng phạt-trả đũa. Ngày 22/07, tổng thống Iran Hassan Rohani cảnh báo nguyên thủ Mỹ “đừng vuốt râu hùm” và một cuộc xung đột với Iran sẽ là“mẹ của các cuộc chiến”. Ngay sau đó, trên Twitter, tổng thống Mỹ gửi đến tổng thống Iran Hassan Rohani thông điệp được viết hết bằng chữ hoa : “Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa, hoặc ông sẽ phải gánh những hậu quả hiếm có trong lịch sử. Chúng tôi không còn là một đất nước chịu đựng những lời lẽ đe dọa bạo lực và chết chóc ngông cuồng của ông. Hãy cẩn trọng!”
Cuộc đấu khẩu gay gắt giữa hai nhà lãnh đạo lại là một lợi thế cho phe bảo thủ Iran. Những lời đáp trả cương quyết của tổng thống Hassan Rohani đối với những đe dọa của đồng nhiệm Trump lại được phe bảo thủ Iran, chống Trump đến cùng, hoan nghênh nhiệt liệt.
Cựu đại sứ Pháp tại Iran, ông François Nicoullaud, phân tích : “Hiện đang bị yếu thế trên mặt kinh tế kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại, ông Rohani phải đưa ra những bảo đảm chắc chắn cho phe bảo thủ. Đối với ông, với lực lượng vệ binh Cách mạng và lãnh tụ tối cao, chẳng có lợi gì khi đồng ý đối thoại với Trump trừ phi Hoa Kỳ trở lại thoả thuận hạt nhân”.
Tổng thống Rohani bị suy yếu trên mọi mặt
Tổng thống Rohani đang phải đối mặt với rất nhiều cuộc biểu tình có quy mô lớn trên khắp đất nước, từ Chiraz (miền nam) đến Ahvaz (tây nam), từ Machhad (đông bắc) đến Karaj (gần thủ đô Teheran). Nguyên nhân chính là đồng rial bị mất đến 2/3 giá trị kể từ đầu năm đến nay. Trả lời AFP, ông Adnan Tabatabai, giám đốc Trung tâm nghiên cứu CARPO của Đức, đánh giá : “Các cuộc biểu tình này là hoàn toàn chính đáng, nhưng có nguy cơ trở thành bạo động do các nhóm trong và ngoài nước khuấy động”.
Vào tháng 04/2018, chính phủ Iran cố giảm bớt tình trạng đồng rial mất giá bằng cách ấn định tỉ giá chính thức, đồng thời bắt giữ hàng loạt người buôn bán ngoại tệ trên thị trường đen. Tuy nhiên, những biện pháp này càng đẩy thị trường đen phát triển mạnh hơn.
Cảm giác bị kẹt giữa các biện pháp của chính phủ và quyết tâm của Washington làm tê liệt nền kinh tế Iranđã buộc người dân nước này tích trữ đồng đô la và dự trữ đồ để tránh khủng hoảng. “Rất nhiều người sợ sẽ không có được đồ dùng cần thiết nếu họ không mua từ bây giờ”, theo lời của một tiểu thương ở khu chợ lớn của Teheran, vì vậy mà các tiểu thương cũng tích hàng hóa trong khi chờ tình hình thay đổi. Còn những người Iran khá giả đã chọn giải pháp rời đất nước.
Lĩnh vực công nghiệp cũng bị tác động nặng nề. Rất nhiều tập đoàn nước ngoài, ồ ạt đầu tư vào Iran sau thỏa thuận hạt nhân 2015, cũng đang chuẩn bị rời khỏi nước Cộng Hòa Hồi Giáo do lo ngại trừng phạt của Mỹ, trong đó phải kể đến một số tập đoàn của Pháp Peugeot, Renault và Total. Một số doanh nghiệp khác, có quy mô nhỏ hơn, tìm cách khai thác tình hình còn nhập nhằng và trông chờ vào sự bảo vệ của các nướcchâu Âu đang quyết tâm cứu vãn thỏa thuận về hạt nhân với Iran.
Một số nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ bị phụ thuộc quá nhiều vào dầu lửa của Iran để chịu khuất phục trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà máy lọc dầu khác, chủ yếu là của châu Âu, đã bắt đầu rút khỏi thị trường Iran. Theo một số nhà phân tích, từ nay đến cuối năm 2018, khối lượng xuất khẩu dầu lửa của Iran sẽ giảm từ 2,4 triệu thùng mỗi ngày xuống con 700.000 thùng mỗi ngày.
Một cựu lãnh đạo Phòng Thương Mại Teheran cho rằng “chính phủ đã không biết cách tận dụng tình hình khi điều kiện cho phép” bằng cách thông qua một kế hoạch kinh tế có sức thuyết phục. Chính quyền Iran “sẽ còn khó hành động hơn trong thời kỳ khủng hoảng ngày càng rõ nét này”.
Còn theo bài viết trên trang France 24, tổng thống Rohani không chỉ bị thúc bách vì các cuộc biểu tình của người dân, mà ông còn bị cả phe bảo thủ và phe cải cách siết chặt. Rất nhiều người thân cận của tổng thống Rohani đánh tiếng rằng đông đảo giới trí thức Iran muốn ông đối thoại với Washington để đàm phán nới lỏng trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Đối với một số người theo xu hướng cải cách, tình hình trở nên nghiêm trọng. “Phải cứu Iran” là tuyên bố của ông Mohsen Hachemi Rafsanjani, thành viên Hội đồng thị chính Teheran và là con trai của cựu tổng thống Akbar Hachemi Rafsanjani. Ngày 31/07, một ngày sau đề xuất đối thoại của tổng thống Trump, ông viết trên Twitter : “Áp lực (của trừng phạt Mỹ) sẽ còn khiến tình hình nước chúng ta thêm phức tạp hơn. Sự sống còn của Iran sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định cứng rắn của chúng ta, như quyết định từng được đưa ra 30 năm trước đây (đình chiến với Irak năm 1988, sau 8 năm chiến tranh)”.
Đàm phán kín?
Tuy nhiên, đàm phán trực tiếp với tổng thống Trump dường như là điều không thể vì sẽ đi ngược với tinh thần chống Mỹ của chế độ Iran. Trước tiên, chính sự thù nghịch lẫn nhau giữa Iran và Mỹ đã định hướng cho đường lối địa-chính trị của Teheran kể từ cuộc Cách Mạng 1979 và vụ bắt cóc con tin trong sứ quán Mỹ ở Teheran trong suốt 444 ngày (04/11/1979-20/01/1981).
Tiếp theo, tính cách của tổng thống Trump cũng là một vấn đề. Chủ nhân Nhà Trắng muốn có một cuộc gặp gây ấn tượng mạnh như cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore. Vì vậy, sánh bước với ông Trump, người từng bị lãnh đạo tối cao Ali Khamenei đánh giá là “thiếu hiểu biết, tính khí thất thường và ngạo mạn”, sẽ là điều sỉ nhục đối với chính quyền Iran.
Tổng thống Hassan Rohani hoàn toàn bị phụ thuộc vào lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, do không có trọng lực chính trị đủ mạnh để có thể đảm trách một cuộc gặp được đưa tin rộng rãi với Washington. Tuy nhiên, ông Rohani lại có kinh nghiệm về đàm phán kín. Trước khi trở thành tổng thống Iran, ông từng điều hành các cuộc thương lượng về hồ sơ hạt nhân từ năm 2003 đến 2005. Dĩ nhiên, trong quá khứ, mọi động thái xích gần với Hoa Kỳ đều được thông qua con đường bí mật gặp nhau.
Rất nhiều dấu hiệu cho thấy rằng chính quyền Iran đang sử dụng lại chiến lược này. Vào tháng 06/2018, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đến Vương quốc Hồi Giáo Oman. Tuần trước, đến lượt ngoại trưởng Oman Youssef bin Alawi bin Abdullah bay đến Washington và sau đó đến Teheran ngày 03/08.
Theo cựu đại sứ Pháp tại Iran, François Nicoullaud, “Oman khó lòng đứng ngoài vào lúc này. Họ có thể đóng vai trò nhà trung gian như từng làm trong những năm 2011-2012, đặt nền móng cho quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Vào thời đó, họ đã bảo đảm giữ bí mật, cho mượn địa điểm, truyền tin…”
Tuy nhiên, hiện tại chưa có gì cho thấy Hoa Kỳ chấp nhận gặp Iran xa ánh đèn truyền thông. Các biện pháp mà Iran đang cố tiến hành, thực ra là nhằm kéo dài thời gian, vì vẫn theo ông François Nicoullaud, “Iran kéo dài thời gian cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và hy vọng là ông Trump sẽ thất bại.
Về phía Mỹ, Washington lo ngại là Iran phong tỏa vịnh Hormuz, dù chỉ vài ngày, vì điều này sẽ làm tăng giá dầu và làm mất ổn định thị trường ngay trước thềm bầu cử Mỹ”.
Mỹ thông báo một loạt các biện pháp mới trừng phạt Iran
Thanh Hà
Nhập khẩu máy bay nằm trong đợt trừng phạt đầu tiên của chính quyền Mỹ đối với Iran, có hiệu lực từ ngày 07/08/2018. Ảnh minh họa.REUTERS/Regis Duvignau/File Photo
Mỹ siết chặt gọng kềm nền kinh tế Iran. Đợt thứ nhất trong lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhắm vào Iran có hiệu lực kể từ 4 giờ sáng, giờ quốc tế ngày 07/08/2018. Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, các bên sẽ phải"tôn trọng" quyết định của Washington sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran.
Trên đường từ Indonesia trở về Mỹ sau chuyến công tác dài ngày tại Đông Nam Á, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Nhà Trắng chuẩn bị công bố một cách chi tiết những biện pháp trừng phạt Iran. Đây là đợt trừng phạt đầu tiên kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận Vienna, ký kết vào tháng 7/2015.
Ngày 08/05/2018, chính quyền Trump đánh giá Teheran không tôn trọng hiệp định hạt nhân đã ký kết với 5 thành viên trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức. Trên cơ sở này, Washington thông báo áp dụng trở lại hàng loạt các biện pháp cấm vận kinh tế Iran. Mỹ chủ trương "gây áp lực tối đa" cả về mặt ngoại giao lẫn kinh tế để buộc Iran vĩnh viễn từ bỏ tham vọng chế tạo bom nguyên tử.
Theo tiết lộ của báo chí, chính sách cấm vận của Mỹ nhắm vào Iran, ở giai đầu, liên quan đến các khoản giao dịch tài chính của Iran được thanh toán bằng đồng đô la, các hoạt động mua bán vàng và kim loại quý, than đá và kể cả ngành công nghiệp xe hơi, các hợp đồng mua bán máy bay của Iran. Đợt trừng phạt thứ nhì sẽ có hiệu lực vào ngày 04/11/2018 và chủ yếu nhắm vào lĩnh vực dầu khí, cột trụ của kinh tế Iran.
Việc chính quyền Trump lại trừng phạt Iran càng đè nặng lên các hoạt động kinh tế của nước này trong bối cảnh đồng tiền Iran tuột giá, lạm phát leo thang, nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc. Nhiều nhà quan sát cho rằng, những khó khăn kinh tế có nguy cơ đe dọa ổn định chính trị tại Teheran.
Iran bắt phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương
Trước tình hình căng thẳng nói trên, ngày 05/08/2018 chính quyền Iran thông báo đã bắt giữ phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương, người đã đề xuất chính sách hối đoái cứng nhắc, dẫn tới hiện tượng đầu cơ gây, khiến tình hình thêm nghiêm trọng.
Thông tín viên RFI Shiavos Ghazi từ thủ đô Teheran giải thích thêm :
"Phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Iran, Ahmad Araghchi, đã bị bắt cùng với bốn nghi phạm. Những người này bị cáo buộc đầu cơ hối đoái. Phát ngôn viên của bộ Tư Pháp Iran, Gholam Hossein Ejeie, cho biết như trên. Ông Ahmad Araghchi là cháu trai của phó ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, một trong những nhân vật chủ chốt trong quá trình đàm phán hạt nhân Iran với các cường quốc trên thế giới.
Cách nay vài ngày, phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Iran bị cách chức sau khi định chế tài chính này có giám đốc mới. Trong những tuần lễ vừa qua, đã có nhiều tiếng nói chỉ trích chính sách tài chính của Iran. Thật vậy, đồng rial đã mất giá mạnh so với đô la. Hồi tháng 3/2018, một đô la đổi lấy 50.000 rial. Hiện tại tỷ giá hối đoái giữa hai đơn vị tiền tệ này đã được nhân lên ít nhất là gấp đôi (tức là phải mất hơn 100.000 rial mới mua được một đô la).
Đơn vị tiền tệ Iran mất giá do Mỹ áp dụng trở lại chính sách trừng phạt Teheran kể từ đêm nay, kèm theo đó là nhiều mối lo ngại kinh tế Iran xấu đi.
Nhiều chuyên gia chỉ trích chính sách tiền tệ của chính phủ và Ngân Hàng Trung Ương. Các biện pháp này đã dẫn tới một loạt các vụ đầu cơ trên thị trường. Nhiều quan chức bị nghi ngờ tham nhũng vì lợi dụng khác biệt về tỷ giá hối đoái của đồng đô la.
Chính quyền Iran thông báo là sẽ trừng phạt những kẻ đầu cơ và những ai đã lợi dụng tình hình để làm giàu".